Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 71

Tổng truy cập: 1377449

SỐNG BÁC ÁI

SỐNG BÁC ÁI-  Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Năm 1983, để cứu sống một người 36 tuổi ở Liên Xô, Bác sĩ Sumadrúp đã nhận một quả thận của một em bé gái từ bệnh viện Hoa Kỳ do Bác sĩ Montona gửi tới. Nhưng phải nhờ bao nhiêu công việc của máy điện toán các nước Balan, Đức, Pháp, Anh, Ý, của hàng ngàn bác sĩ làm việc mới tìm được quả thận của em bé gái tử thương vì tai nạn xe hơi đã hiến cho bệnh viện để cứu sống ai cần. Quả thận chỉ sống được 72 giờ, làm sao từ Hoa Kỳ đến Liên Xô? Mọi luật lệ về kiểm soát an ninh, mọi thủ tục giấy tờ quá cảnh đều được các chính phủ bãi miễn để khẩn cấp đưa quả thận đến kịp cứu chữa một người. Mọi ranh giới chủng tộc, giai cấp và chế độ hận thù cũng dứt bỏ trước sinh mạng của một người.

Luật đạo, luật đời đều có mục đích bảo toàn sự sống con người, sự sống thật quý giá, không có ngọc ngà châu báo nào đổi được. Nhà hiền triết Dương Chu sống đồng thời với Lão Tử đã quả quyết: Dù mất một sợi lông chân được lợi cả thiên hạ, cũng không làm: “bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi”. Đức Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Được lời lãi cả thế gian, mất mạng sống mình nào được ích gì”. Cho nên không lạ gì, người ta đều mơ ước được sống trường thọ, chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, vẫn chưa đủ, dân tộc nào cũng cho mình phát sinh từ nguồn gốc thần linh bất tử với những chuyện thần tiên hạnh phúc muôn thuở.

Dân tộc Việt Nam tự hào mình là con rồng cháu tiên, với những truyện Từ Thức lên tiên, Lưu Nguyễn lạc vào động thiên thai. Người Tàu cho mình là con cháu ông Bành Tổ vĩ đại, người Nhật nhận thần mặt trời là tổ tông. Người Ấn là con cháu của ba thần chí linh Braluna, Vishnu và Shiva, Người Hy Lạp là con cháu thần Zeus và Apôllô: Thần mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng, trai trẻ và cường tráng. Đế quốc La Mã thờ thần Jupiter dũng mãnh tối cao.

Những khát vọng chung của các dân tộc và của mỗi người không phải là ảo tưởng, hay huyền thoại, nhưng nó là một thứ gen nào đó, một thứ tâm thức sâu thẳm trong vô thức. Nói theo kiểu nhà Phật, đó là những chủng tử nằm sâu trong tạng thức như một thứ bào thai để sinh ra một đời sống mới. Chính những ước vọng đó đã hướng tới sự phục sinh mà Đức Giêsu là đầu, là trưởng tử đã sống lại từ cõi chết để ban cho các tiểu tử, các chi thể của Người được sống đời đời.

Người luật sĩ hỏi Đức Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời”. Câu hỏi bộc lộ một tâm trạng băn khoăn lo lắng, một thao thức thắc mắc muôn đời, chưa có ai giải quyết nổi, chưa có ai mở đường dẫn lối chính xác, trừ một mình Đấng từ trời xuống nói cho người dưới đất biết những sự trên trời và chỉ đường về trời để được sống đời đời.

Theo Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho ta con đường rất cụ thể tới sự sống đời đời, đó là con đường người Samari đã đi.

Đức Giêsu kể lại một câu truyện có lẽ xảy ra thường xuyên trên con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, dài chừng hơn hai mươi cây số, len lỏi qua rừng núi: Một người từ Giêrusalem đến Giêricô, có lẽ đi lễ về hoặc lo công việc làm ăn, chắc chắn có một số tiền của, nên bọn cướp để ý theo dõi. Chúng đã tàn nhẫn đánh người ấy đến nửa sống nửa chết giữa rừng. Tình cờ, có ba du khách đi qua, người thứ nhất là tư tế thấy vậy lách qua bên kia mà đi, người thứ hai là thầy trợ tế cũng thế. Người thứ ba là người Samari thấy cảnh tượng kẻ lâm nạn đang oằn oại đau đớn. Ông động lòng trắc ẩn, tiến lại gần dù biết kẻ lâm nạn là người Do Thái. Do Thái và Samari rất khinh bỉ nhau, họ không hề tiếp xúc với nhau. Nhưng lạ thay, trước cảnh nguy tử, mọi ranh giới chủng tộc, mọi luật lệ cấm cách, mọi kỳ thị truyền thống, đều chấm dứt, người Samari đã khẩn cấp cứu chữa kẻ thù. Ông đã coi kẻ thù là anh em của mình. Ông chỉ biết yêu thương và hết mình cứu sống. Ông đổ dầu, đổ rượu xoa bóp, băng bó những vết thương bầm tím rỉ máu. Dầu và rượu là phương thuốc kỳ diệu thời đó. Nhưng mới chữa tạm thời thôi. Ông cần phải đỡ người ấy đặt lên lưng lừa của mình, còn ông đi bộ dắt lừa, nhường yên lừa cho kẻ xấu số. Đến quán trọ, ông đã cõng bệnh nhân vào, trao tiền, xin chủ quán tìm thầy chạy thuốc cứu nạn nhân cho khỏi. Khi trở về ông trả mọi tốn kém khác nữa. Qua đoạn Tin Mừng này, chắc chắn Đức Giêsu muốn dạy chúng ta mấy bài học sống bác ái sau đây:

Bài học thứ I: Ai là thân cận, anh em với người rơi vào tay kẻ cướp? Thưa, không phải chỉ là đồng bào, đồng đạo như luật Do Thái dạy, không phải chỉ là ruột thịt, họ hàng, thân thuộc như chư dân đang sống. Nhưng là tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, tiếng nói, giai cấp, tôn giáo, đảng phải, vì tất cả đều là con một Cha trên trời, Đấng đã dựng nên, cứu độ họ. Chừng nào nhân loại học được bài học bác ái này, chừng đó sẽ không còn kỳ thị, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh tàn sát. Lúc đó, thế giới này mới là thiên đường cho mọi người.

Bài học thứ II: Tôi đồng hành với ai trên con đường này?

Tôi không thể đồng hành với bọn cướp, vì đam mê tiền của đã làm chúng thành kẻ cướp của, giết người. Tôi cũng không thể đồng hành với tư tế, trợ tế, vì quen giết chiên bò để tế thần đã làm cho họ ra kiêu ngạo, chai đá, tàn nhẫn, lãnh đạm với đau khổ của đồng bào.

Tôi sẵn sàng đồng hành với kẻ lâm nạn đau khổ, nửa sống, nửa chết, vững tin vào Đấng cứu độ như người Samari nhân hậu, giầu lòng thương xót, sẽ đến cứu chữa ta, đưa ta về nhà tình thương Thiên Chúa.

Nhất là tôi phải luôn luôn đồng hành với người Samari nhân hậu có tấm lòng vàng cao thượng, cảm thông, cảm thương cứu chữa kẻ đau khổ, nghèo hèn, cô thế cô thân bị bỏ rơi trong xã hội.

Bài học thứ III: Con đường thiêng liêng đích thực là mến Chúa yêu người luôn đi song song với nhau: Thường xuyên lên Giêrusalem cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, thấm nhuần tình yêu hy sinh của Chúa để trên đường về Giêricô, nơi đầy đau khổ, trộm cướp, chai đá, gặp gỡ họ an ủi, băng bó những vết thương, cải hóa những tật nguyền của họ, đưa họ vào nhà trọ tình thương của Chúa để chăm sóc, cứu chữa. “Anh hãy về và làm như vậy, thì được sống đời đời”. Đó là lời Chúa.

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN- NĂM C

NGƯỜI SAMARIANÔ NHÂN HẬU– Lm. GB. Tràn Văn Hào SDB

“Chỉ có loài vật mới nhẫn tâm ngoảnh mặt lại trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút cho bộ lông mượt mà của nó, còn con người thì không”. Đây là lời phát biểu của ông Karl Marx, một triết gia vô thần. Tuy ông ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng tự trong thâm tâm, ông vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu, là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Còn chúng ta thì sao? Là những người Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, đấng có tên gọi là ‘Tình yêu’, nhưng chúng ta đã thực hành luật yêu thương cụ thể như thế nào? Qua dụ ngôn bài Tin mừng hôm nay, Chúa cảnh báo tất cả, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để lay động lương tâm từng người. Người Samaritanô vốn chỉ là người ngoại đạo mà dân Do thái vẫn coi như thù địch, nhưng đã trở thành chuẩn mẫu để Chúa Giêsu đưa ra như một tấm gương soi. Sau khi thuật lại câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu, Chúa nói với người thông luật đến hỏi Ngài, cũng như nói với chúng ta hôm nay: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy (c.37).

Một câu chuyện mang tính thời sự.

Ngày hôm nay, nếu Đức Giêsu đứng giữa chúng ta và cũng thuật lại giai thoại trên, Ngài sẽ đem ai ra để làm hình mẫu, bạn hay tôi, linh mục này hay tu sĩ nọ? hay Chúa lại tiếp tục đưa một người ngoại giáo nào đó ra để mời chúng ta bắt chước? Đức Cha Bùi Tuần khi đọc bài Tin mừng trên đã viết lại những dòng chia sẻ sau. “Cứ mỗi lần suy gẫm về câu truyện này, tôi cảm thấy xấu hổ và có chút gì mỉa mai làm tôi ray rứt. Tôi tưởng rằng khi đưa ra một mẫu gương bác ái, Chúa sẽ bảo chúng ta hãy nhìn vào gương sáng nơi vị linh mục này hay tu sỹ nọ, nhưng không, Chúa chỉ đưa ra một người ngoại giáo làm mẫu mực. Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy hổ thẹn.”

Thầy tư tế chuyên lo việc đền thờ, nhưng đền thờ đích thực nơi con người, những thụ tạo được Chúa dựng nên giống hỉnh ảnh Ngài, thì ông ta lại không màng. Cũng vậy, các thầy Lêvi thường hay đeo bảng khắc lề luật ở trước ngực, nhưng luật của tình yêu thì ông lại nhẫn tâm dẫm đạp, để mặc người bị nạn nằm đó chờ chết. Còn người Samaritanô ngoại giáo thì khác. Anh ta không biết chút gì về lề luật trên lý thuyết, nhưng trong thực hành, ông lại quá tuyệt vời.

Sự ích kỷ và vô tâm nơi mỗi người, thường xuất phát từ thái độ tự mãn mà chúng ta vẫn hay có. Trong Tin mừng Matthêu chương 18, Chúa nặng lời chỉ trích thái độ trịch thượng, khoe khoang của những người biệt phái và ký lục giả hình. Họ là những con người bề ngoài xem ra rất đạo đức nhưng trong lòng thì rống tuếch, chẳng khác gì mồ mả sơn phết bên ngoài. Cũng thế, hai ‘đấng bậc’ mà Chúa nhắc đến hôm nay, Thầy tư tế và Thầy Lêvi, đã hoàn toàn tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến xác chết vì sợ bị nhiễm uế. Nhưng sự vô cảm và ích kỷ lại chính là tình trạng nhiễm uế ghê tởm nhất từ chính bên trong tâm hồn của họ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng giống vậy. Ông Wilberforce, một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay lại để cầu nguyện thì rất tốt, nhưng biết mở tay ra để đến với anh em, nhất là những con người cùng khổ, thì vẫn tốt hơn.”

Cho thì có phúc hơn là nhận.

Đây là điều Chúa đã nói với Phaolô năm xưa, cũng như nói với chúng ta ngày hôm nay. Gương mẫu của người Samaritanô rất cụ thể và sống động, bởi vì ông ta đã biết cho đi. Nhưng trên hết, chúng ta hãy nhìn vào chính nguyên mẫu nơi Chúa Giêsu. Ngài đã cho đi tất cả, ngay cả mạng sống. Ngài không còn giữ lại chút gì cho mình. Triết gia vô thần Jean Paul Satre đã từng tuyên bố: “Tha nhân là hỏa ngục”. Ngược lại, Chúa Giêsu lại mạnh mẽ khẳng quyết: “Ai làm những điều tốt cho tha nhân là làm cho chính Ngài” (x. Mt 25). Trên Thập giá, Chúa bị mọi người hắt hủi và mỉa mai, từ những kẻ qua đường đến lính gác và đám đông. Những con người này đã hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của Chúa. Chỉ duy nhất một mình ông Thánh ăn trộm đã tỏ lòng thương cảm đối với Ngài: “Còn ông này, ông có làm gì nên tội…” Từ trái tim biết rung lên giai điệu yêu thương ấy, tên trộm đã được biến đổi và trở nên một vị thánh lớn.

Kết luận

Tác giả Lý Thanh Thảo có viết một câu chuyện rất ngắn.

Trên một chiếc xe hơi đời mới, một bà mẹ trẻ đang dỗ đứa con.

– Ăn thêm một cái nữa đi con, mẹ thương.

– Ngán quá, con không ăn đâu, đứa bé phụng phịu.

– Ráng ăn một cái nữa, ngoan nào.

– Con nói không ăn mà, vứt đi, vứt nó đi.

Thằng bé lắc đầu quầy quậy, lấy tay gạt mạnh. Chiếc bánh kem văng ra khỏi cửa xe rơi xuống đường sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy nhanh.

Hai đứa trẻ lem luốc đang móc rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng trơ vội xô đến nhặt. Mắt chúng sáng rực dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy cái bánh lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng bảo thằng anh trai:

– Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.

Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính chặt chẳng chịu đi cho. Đứa em cũng sốt ruột ghé miệng thổi tiếp. Cái miệng háu đói của chúng làm cái bánh rơi tõm xuống cống hôi hám.

– Ai bảo anh Hai thổi mạnh làm chi. Con bé nói rồi khóc thút thít.

– Ừ, thì tại anh. Nhưng kem còn dính tay anh đây này. Cho em 3 ngón, anh chỉ liếm 2 ngón thôi.

Những đứa trẻ đường phố tuy nghèo, nhưng rất thơ ngây và đầy ắp tình người. Chúng biết nhường nhịn và đùm bọc lẫn nhau.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sống quảng đại với nhau hay chỉ sống ích kỷ và hẹp hòi giống như thầy Lêvi hoặc Thầy tư tế mà Chúa nói tới hôm nay.

home Mục lục Lưu trữ