Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 85

Tổng truy cập: 1379675

SỐNG CÔNG BÌNH BÁC ÁI VÀ TÔN TRỌNG THA NHÂN

Sống công bình, bác ái và tôn trọng tha nhân

(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng)

Kể từ Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng, bóng dáng của Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong Tin Mừng với vai trò dọn đường cho Con Thiên Chúa đến. Ông đã rời hoang địa và rao giảng khắp vùng ven sông Giođan để kêu gọi dân chúng lãnh nhận phép rửa giục lòng sám hối (x. Lc 3,3). Có rất nhiều hạng người khác nhau kéo đến với Gioan. Họ là những người lao động chân tay bình thường trong xã hội hoặc cũng là bậc ông bà cha mẹ trong gia đình. Trong số đó, có những người làm nghề không được xã hội tôn trọng như nghề thu thuế, nhưng cũng có cả những viên sĩ quan. Tất cả đều xin ông cho mình lời khuyên để canh tân đời sống với cùng một tâm trạng thao thức: “Chúng tôi phải làm gì đây?”.

Trong bối cảnh chờ mong Đấng Mêssia đến, dân chúng mong muốn rằng chính bản thân mình cần phải có những hành động cụ thể, một sự thay đổi tận căn chứ không chỉ dừng lại ở những hình thức tiếp đón xã giao bề ngoài. Hành động đó cần được bắt đầu bằng việc đoạn tuyệt với những cử chỉ, lời nói và thói quen không tốt trong quá khứ, để rồi kể từ hôm nay bắt đầu lại một cuộc sống với những công việc cụ thể mang chiều hướng tích cực hơn. Việc chuẩn bị để đón Đấng Mêssia không chỉ là giục lòng sám hối mà còn hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi dành riêng cho mình một khoảng khắc trong cái ồn ào náo động của cuộc sống để nhìn lại chính mình bằng cách đặt câu hỏi “Tôi phải làm gì đây?” là đang chọn cho mình một lối đi đúng đắn bằng cả con tim, khối óc và ý thức trách nhiệm.

Lời khuyên cụ thể của Gioan Tẩy Giả dành cho mỗi hạng người có khác nhau, nhưng nhìn chung ông nhấn mạnh đến chiều kích chia sẻ, sống công bình và tôn trọng phẩm giá nơi tha nhân. Đó là những chuẩn mực cần thiết để xây dựng mối tương giao bền chặt mang đầy nhân bản và đậm nét Kitô giáo. Nếu như những người thu thuế trước đây ít để ý đến việc công bình mà có những hành vi bất minh làm thiệt hại đến người khác, thì nay họ được mời gọi “đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. Nếu như những quân nhân xưa kia cậy quyền thế ức hiếp thường dân, thì nay Gioan đòi buộc họ “chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Đối với dân chúng nói chung, tuy nhìn lên “chẳng bằng ai” nhưng khi nhìn xuống thì vẫn còn nhiều trường hợp “chẳng ai bằng” thì cần mở rộng vòng tay và con tim để chia sẻ cơm áo với những ai đang cần đến nhu cầu này.

Lời khuyên của Gioan cho dân chúng thời xưa cách thời đại chúng ta ngày nay thật xa, nhưng nó vẫn là chuẩn mực sống cho con người ở vào mọi nơi và mọi thời. Trong bất kỳ một quốc gia, cộng đồng xã hội và Giáo Hội hay cấp gia đình đều cần đi từ nguyên tắc hành xử tối quan trọng này giữa con người với nhau để củng cố tinh thần hiệp nhất và liên đới trên một cấp độ cao nhất.

Trong tâm tình mừng ngày Con Chúa giáng trần để chia sẻ thân phận làm người của chúng ta, mỗi người được mời gọi sám hối, canh tân đời sống và tăng cường mối tương giao tốt lành với tha nhân bằng những hành động cụ thể không chỉ trong Mùa Vọng mà suốt cả cuộc đời và cho tới ngày Chúa Giêsu lại đến với từng cá nhân. Amen.

 

64. Thánh Thần và Lửa – P. Trần Đình Phan Tiến

MÙA VỌNG LÀ MÙA KHỞI ĐẦU CỦA TÌNH YÊU

Vâng! thật vậy, mùa vọng đã đi hơn nữa chặng đường. Nhưng con người mới bắt đầu cảm nghiệm ý nghĩa của mùa vọng.

Ai sống trong tâm trạng tình yêu, sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa mùa vọng. Nhưng mùa vọng lại là mùa buồn. Mùa âu sầu, màu của phụng vụ chính là màu tím. Màu tím được khoác lên mình phụng vụ mùa vọng.Cuối năm phụng vụ, tháng các linh hồn, nhưng màu tím chỉ có mặt trong ngày lễ các linh hồn, còn lại là màu xanh, tượng trưng cho sự sống. Nhưng tháng đầu của năm phụng vụ, là mùa vọng, Giáo Hội chỉ định màu tím cho cả mùa vọng. Như vậy, ta thấy có một điểm đặc biệt gì? Bàn thờ không trưng hoa. Rõ ràng là mang sắc thái không vui. Tâm trạng nầy là tâm trạng của dân Do-thái xưa, diễn tả sự mong đợi Đấng Cứu Thế.

Mong đợi hay chờ mong là một tâm trạng buồn. Như vậy, cũng có thể lý giải về tình yêu. Tình yêu luôn mang tâm trạng buồn, vì không ai thỏa mãn được tình yêu. Nhưng tình yêu được định nghĩa là Thiên Chúa, vậy Thiên Chúa là sự buồn, vì Thiên Chúa là tình yêu. Giải thích như vậy có đúng không? Nếu giải thích như thế, quả nhiên là không đúng, vì mùa vọng chỉ có bốn tuần lễ. Nhưng tâm trạng buồn trong mùa vọng tượng trưng cho bốn mươi năm trong sa mạc của người Do- thái xưa. Tượng trưng cho thời gian từ khi Thiên Chúa Hứa ban Đấng Cứu Thế đến khi Đấng Cứu Thế Giáng Sinh là khoảng bốn ngàn năm. Như vậy, theo ý nghĩa đó, Thiên Chúa là Đấng buồn, buồn vì con người bất nghĩa, bất trung, buồn vì tội lỗi nhân loại và buồn vì nhân loại vẫn chìm đắm trong thế gian.

Đặc tính của tình yêu, không gì khác đó là nỗi buồn, vì càng yêu thì càng buồn. Sự thật nầy có đối lập với chân lý Kitô giáo không? Thưa chắc chắn là không.Bởi vì, chúng ta nhớ lại, trong vườn cây Dầu, Chúa Giêsu đã đau buồn đến thảng thốt. Sự thật không thể chối cải, và cũng chính vì thế, Thiên Chúa đã ban Người Con duy nhất cho thế gian, bởi vì Thiên Chúa đã yêu thế gian.

Nói như vậy, thì Kitô giáo là một Đạo buồn sao? Thưa hoàn toàn không phải vậy. Vì tình yêu sinh ra bác ái, bác ái thì sinh ra vị tha. Nên chi niềm vui của tình yêu, đó là sự tha thứ. Sự tha thứ mới chính là tình yêu đích thực.Vì thế, có vị thánh đã nói: “ Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”. Vì sao? Thưa vì đó là sự yêu thương và tha thứ. Không thể có tha thứ, nếu như không yêu thương và không thể yêu thương mà không tha thứ. Vì vậy động cơ đích thực của tình yêu là sự tha thứ. Tha thứ là tình yêu lớn nhất và quà tặng lớn hơn tình yêu. Vì Thiên Chúa không thể tiếp tục yêu thương con người, nếu Ngài không tha thứ cho con người.

Như vậy, Thiên Chúa là tình yêu và mùa vọng là mùa khởi đầu của tình yêu. Thiên Chúa giáng sinh làm Người, là đã quá đỗi yêu thương con người, nhưng biết bao kỳ vọng và đẹp đẽ dành cho lễ giáng sinh được nhắc nhớ hằng năm không phải là một lễ giáng sinh đích thực. Vì lễ giáng sinh đích thực, là một lễ giáng sinh buồn. Vì Chúa đến thật sự lần I không được ai tiếp đón, và nơi được chào đời là một hang đá của súc vật ngủ nghĩ. Nhưng hào quang và ánh vinh quang uy quyền của Thiên Chúa đã chiếu tỏa nơi Người sinh ra. Còn sự tủi nhục nào, còn sự bất hạnh nào dành cho Ngôi Hai Nhập thế nữa hay không?

Như vậy, ý nghĩa của đoạn Tin Mừng (Lc 3, 10-18), hôm nay được tạm chia bốn phần:

– Cải thiện nội tâm là hướng lòng đến bác ái (c 10-14)

– Dân chúng đang ngóng trông Đấng Cứu Thế, nhưng lầm tưởng Gioan Tẩy giả là Đấng Messia.(c 15)

– Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân chúng. (c 16a).

– Thánh Thần và Lửa (c 16 b -17).

Như vậy, Thánh Thần là tình yêu và sự tha thứ, còn lửa cũng chính là tình yêu và sự tha thứ, nhưng lửa cũng chính là sự thiêu đốt, sự trừng phạt, một khi không còn xứng đáng để yêu thương. Lại nữa, Thánh Thần chính là chân lý của Thiên Chúa và mở ra chân lý cho nhân loại, để họ nhận biết Ngài. Và một khi cuối cùng ai chối bỏ chân lý, thì sẽ bị ném vào lửa để thiêu đốt.

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng Thánh hóa muôn loài trong lửa tình yêu và sự tha thứ. Mở ra chân lý để cho con người nhận biết và noi theo. Nhưng cuối cùng, nếu ai chối bỏ thì Ngài sẽ thiêu đốt như rơm rạ. Nguyện xin Ngài thương mở ra cho chúng con biết chân nhận giá trị đích thực của Thiên Chúa. Amen.

 

65. Vui trong hy vọng đợi chờ

(Suy niệm của Lm. Bùi Trọng Khẩn)

Thời gian đang đưa chúng ta tới gần lễ Giáng Sinh. Chúng ta đang mong chờ điều này và cảm thấy vui khi được đón mừng lễ Noel. Cả những người khác tôn giáo với chúng ta cũng thấy vui. Nhiều người cứ hỏi sắp tới lễ Noel chưa vậy?

Chúa nhật thứ III mùa vọng hôm nay được gọi là Chúa nhật của niềm vui, nên cho phép sử dụng áo màu hồng. Thánh Phaolô nói: “Hãy vui lên, vì Chúa đã đến gần”. Đó là lý do để chúng ta vui. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở lời nói, hô hào vui để đón Chúa thì niềm vui ấy chưa trọn vẹn, mau qua, giả tạo, khó đạt được lắm. Niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại là những việc làm cụ thể kiểm chứng được. Đó chính là dấu chỉ về ơn cứu độ mà con người mọi thời hằng khát khao.

Lúc ấy ông Gioan đang ngồi tù, liền sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: Thầy có thật là đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giêsu đã trả lời: các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ được nghe được, người chết trỗi dậy, và kẻ nghèo được nghe tin mừng”.

Dân chúng đã được thấy, được hưởng những ân phúc của Thiên Chúa qua các phép lạ và công việc phục vụ đồng loại của Chúa Giêsu. Đây là công việc hàng đầu và là sứ mệnh của Chúa Giêsu. Sứ mệnh ấy xuất phát từ Chúa Cha, nay thể hiện qua Chúa Giêsu để cho nhân loại thấy rằng: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.

Nhưng tại sao trước bao nhiêu phép lạ và công việc phục vụ ấy của Chúa Giêsu mà người ta vẫn không nhận ra Chúa là đấng cứu thế.; thậm chí ông Gioan là kẻ dọn đường cho Chúa đến cũng còn chưa rõ, nên mới sai người đến thăm dò, hỏi han xem Chúa Giêsu có phải là đấng Thiên Sai không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác? Chắc chắn Gioan phải biết rõ hơn về Chúa Giêsu so với người khác. Việc Gioan sai người đi hỏi điều này không có nghĩa là Gioan thiếu hiểu biết về Chúa Giêsu nhưng ông muốn nói cho người khác đặc biệt môn đệ của ông được trực tiếp nghe Chúa Giêsu trả lời mà biết chính xác hơn, không còn mơ hồ, nghi ngờ nữa. Phải nói đây là phương pháp giáo dục rất tài tình và tế nhị của Gioan. Nhờ đó củng cố đức tin cho chúng ta hôm nay nữa. Đúng như thánh Phaolô nói: đức tin có là nhờ nghe, nghe thế nào được nếu không có người rao giảng, rao giảng thế nào được nếu không có ai được sai đi?

Gioan Tẩy Giả biết sứ mệnh của mình sắp chấm dứt, vì ông xác định mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ong là tiếng, Đức Giêsu là Lời. Ong là ngọn đèn, Đức Giêsu là ánh sáng. Ong là phù rể, Đức Giêsu là chàng rể. Ong là người dọn đường, Đức Giêsu là con đường. Ong phải mờ nhạt, phải nhỏ bé đi để nhường chỗ cho Đức Giêsu xuất hiện. Quả thật, ông bị ngồi tù và bị chặt đầu đang khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thánh Gioan đã không bỏ lỡ cơ hội nào mà không làm chứng cho Đức Giêsu. Dù thuận tiện hay không thuận tiện, Lời Chúa vẫn được rao giảng. Vì làm chứng cho Chúa là một niềm vui, giới thiệu về Chúa là một niềm vui, giới thiệu ơn cứu độ cho người khác là một niềm vui dù bản thân Gioan có phải bị thiệt thòi, tống ngục, bị chặt đầu.

Ơn cứu độ của Chúa mang lại niềm vui không chỉ cho con người mà cho cả những loài vô tri vô giác nữa. Isaia mời gọi: “Vui lên nào, hỡi sa mạc, hỡi đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang hãy mừng rỡ, hãy trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa nhưu khóm huệ và hân hoan múa nhảy reo hò….” Đúng thế, vì Thiên Chúa cứu độ tất cả mọi loài thụ tạo, nên có lần thánh Phaolô nói: ‘muôn loài thọ tạo đang quằn quại rên xiết chờ ngày được giải thoát’. Riêng con người là loài có ý thức thì nỗi khát khao này càng cháy bỏng, mãnh liệt thiết tha hơn nhiều. Thánh vịnh 145 là lời cầu xin của dân Chúa thốt lên rằng: “Lạy Chúa xin ngự đến mà giải thoát chúng con”.

Sau Chúa nhật I Mùa vọng, Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối, Chúa nhật II kêu gọi dọn đường, Chúa nhật này chúng ta được thấy kết quả của ơn cứu độ là niềm vui cho con người. Quả thật, nếu người ta hưởng ứng theo lời ngôn sứ Gioan rao giảng, thực hành những điều ông dạy là: ai có 2 áo hãy chia cho người không có, ai có cái gì ăn cũng làm như vậy. Đối với người thu thuế thì ông dạy: ‘đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định cho mình’. Đối với binh lính thì ông dạy: ‘chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với đồng lương của mình'(x. Lc 3,10-18). Những lời đề nghị rất thực tế của Gioan mục đích muốn giải thoát con người tội lỗi khỏi những thứ cồng kềnh, ngổn ngang làm chúng ta quá nặng lòng với trần thế, quá bận tâm với cuộc sống khiến người ta buồn chứ không có niềm vui thật sự. Việc thay đổi tận căn phải phát xuất từ chính cõi lòng mỗi người trước tiên. Có câu tục ngữ nói: “Dù có đi xa vạn dặm mà không chịu thay đổi thì bạn vẫn chỉ là con người cũ, ngược lại ở nhà mà đổi mới là đi rất xa”.

Dựa vào Lời Chúa hôm nay, mỗi người kitô hữu chúng ta hãy suy nghĩ mình đang thế nào? Trạng thái tâm hồn có niềm vui của những bon chen, ích kỷ, những toan tính nhỏ nhen, những tham lam bất công, chà đạp, vụ lợi chỉ vì miếng cơm manh áo, chút quyền lợi địa vị; hay là có niềm vui thánh thiện về ơn cứu độ? Mình đang ở trong môi trường thú vui tội lỗi hay môi trường niềm vui đạo đức? Mình đã ăn năn sám hối và dọn lòng tới đâu để chờ đón Chúa Giáng Sinh, đón rước Chúa mỗi lần rước lễ? Sự thật căn bản mà thánh Gioan tông đồ bảo là “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta”(1Ga 1,8-9).

Không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui của người tội lỗi được Thiên Chúa tha thứ, được ơn cứu rỗi. Thời gian còn rất vắn vỏi, mỗi người chúng ta hãy tìm cơ hội để thanh toán lương tâm, coi lòng với Chúa trước lễ Giáng Sinh. Vì thế, những ngay cuối cùng còn lại trong Mùa Vọng này chúng ta hãy sống tích cực hơn bằng cách không chỉ dừng lại ở những tâm tình đạo đức, dọn dẹp bên ngoài mà phải biết sám hối tận căn; biết hành động bác ái, chia sẻ phục vụ. Càng chuẩn bị kỹ, tốt thì niềm vui càng tràn đầy. Càng thực hành Lời Chúa, chúng ta càng hạnh phúc, bình an.

Chớ gì mọi người luôn có mãi niềm vui Chúa ban để giới thiệu cho những người khác biết về đạo, về Thiên Chúa của chúng ta bằng những hành động yêu thương cụ thể.

 

66. Chúng tôi phải làm gì?

(Suy niệm của Lm. Luy Phạm Hữu Độ, CRM)

Phúc Âm hôm nay viết lại có 3 hạng người đến hỏi thánh Gioan Tẩy Giả cùng một câu hỏi:Vậy chúng tôi phải làm gì? Họ là hạng: dân chúng – thu thuế – quân nhân. Qua câu hỏi đó, chứng tỏ họ tin tưởng ở thánh Gioan và họ muốn sống tốt hơn.

Những câu trả lời của thánh Gioan rất thực tế: “Ai có áo, có của ăn hãy chia sẻ cho người không có” (đó là Đức Bái ái). “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định – Đừng ức hiếp, đừng cáo gian ai” (Đó là đức Công bằng). “Hãy bằng lòng với số lương của mình” (Đó là sự An phận). Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ cho họ cách sống để đẹp lòng Thiên Chúa. Nghĩa là đối với tha nhân hãy cư xử Công bằng và Bác ái. Còn đối với chính mình thì hãy Bằng lòng, An phận.

Thứ nhất đối với tha nhân chúng ta phải Công bằng trước đã rồi mới nói tới Bác ái. Công bằng là “trả cho người ta những gì thuộc về người ta.” Đây là điều hợp với lẽ phải. Ăn cắp, ăn trộm, làm hư hại của cải, mượn rồi không trả, qụyt tiền… là lỗi đức Công bằng. Ngoài ra nói hành, nói xấu, đỗ vạ, cáo gian, vu khống, ức hiếp… cũng là lỗi đức Công bằng. Lỗi công bằng về danh giá thì nặng hơn lỗi công bằng về vật chất vì “hổ chết để da người chết để tiếng”. Mất của cải thì hai bàn tay có thể làm lại được nhưng mất tiếng tốt thì xấu hổ, ô nhục suốt đời. Lỗi công bằng buộc phải đền trả lại bằng tiền của hay bằng lời nói, chữ viết thanh minh cho người ta.

Trên sự công bằng đó là đức Bác ái, có nghĩa là mình không lấy gì của người khác nhưng mình còn ban tặng thêm. Bác ái rất rộng rãi, có thể giúp: tiền bạc, thời giờ, sự săn sóc, chỉ bảo, che chở… Bác ái gồm tóm trong kinh thương người có 14 Phúc (Thương xác 7 Phúc, Thương Linh hồn 7 phúc)

Thứ hai đối với bản thân mình hãy cố gắng sống An phận. Đừng ngó sang ngườỉ khác để ghen tương, phân bì, so sánh, đừng ao ước viễn vông, giá tôi thế này thế kia. Mỗi người Chúa ban cho những tài năng, sức khoẻ, thời giờ, hoàn cảnh khác nhau để bổ túc cho nhau, xây dựng thế giới này tốt đẹp hơn. Điều đó nằm trong sự quan phòng tuyệt diệu của Thiên Chúa. Đó cũng là dụ ngôn nén bạc Chúa nói trong Phúc Âm, người 10 nén, người 5 nén, người 2 nén…. Hãy an phận với những gì mình có trong tay để hạnh phúc. Điều đó không có nghĩa biến mình thành lười biếng, không trau dồi, không cố gằng thêm. Chỉ muốn nói rằng những gì mình có trong tầm tay không thể thay đổi được thì hãy sống an phận. Đó là bí quyết để có sự bình an.

Chúng tôi phải làm gì? Thánh Gioan Tẩy Giả đã trả lời cách đây hơn 2000 năm và câu trả lời đó vẫn còn hiệu quả với chúng ta ngày hôm nay. Hãy Sống Công Bằng, Bác Ái với tha nhân và An Phận với chính mình.

 

67. Giàu và nghèo.

Ai có hai áo hãy chia cho người không có và ai dư của ăn, cũng hãy lạm như vậy.

Vấn đề lớn nhất của nhân loại hiện nay là vấn đề giàu nghèo. Thực vậy, trên thế giới, có những nước quá giàu, lại có những nước quá nghèo. Có những người quá dư thừa tiền của, lại có những người quá thiếu thốn. Người giàu thì ít mà kẻ nghèo thì nhiều. Người giàu chỉ là thiều số, nhưng lại chiếm giữ đa số của cải. Ba mươi phần trăm người giàu ngồi hưởng tụ tới tám chín, mươi phần trăm lợi tức của toàn thế giới. Còn bảy mươi phần trăn kẻ nghèo thì lại cứ nghèo thêm. Cái nghèo lại khoét sâu vào cái nghèo.

Nghèo khó chính là mặt trái của cuộc đời, từ đó nảy sinh biết bao nhiêu điều xấu xa:

– Bần cùng sinh đạo tặc.

– Đói ăn vụng, túng làm liều.

Nghèo túng không phải là một tội, nhưng là một nỗi lo âu triền miên, nó làm cho con người không còn nhân phẩm, không còn là người nữa. Mà còn gì nữa đâu, vì nó đã cướp đi những đặc tính cao đẹp của con người. Nó làm cho con người trở thành ghen tương và đố kỵ, chia rẽ và bạo động, phản bội và lừa đảo, bệnh tật và chết chóc. Từ chỗ thù hận, con người đối xử với nhau như một loài lang sói cũng chỉ vì miếng ăn.

Hơn thế nữa, nghèo túng còn làm cho người ta coi nhẹ phần linh hồn, để rồi quì gối thờ lạy con bò vàng, hầu kiếm lấy cho mình chút lợi lộc. Vì đồng tiền, người ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm và phẩm giá của mình. Người ta sẵn sàng cưỡi lạc đà chui qua lỗ kim và nuốt trửng gia tài của những bà góa. Nghèo túng thì chẳng ai ưa, còn giàu sang thì ai cũng muốn. Nhưng với Chúa Giêsu thì khác. Ngài đã từ giã cõi trời cao sang để đến với chúng ta nơi máng cỏ Bêlem nghèo túng. Ba mươi năm tại Nagiarét là ba mươi năm lao động cực nhọc, ba mươi năm lam lũ đổ mồ hôi nước mắt với nghề thợ mộc. Trong hoang địa, ma quỉ đã cám dỗ Chúa về mộng ước giàu sang, nhưng Ngài đã xua đuổi. Quãng đời loan báo Tin mừng là cả một quãng đời vất vưởng lầm than, không có lấy một chỗ để tựa đầu. Sau cùng, Ngài đã chết một cái chết tủi nực và trơ trụi trên thập giá. Và ngay cả mấm mồ, nơi an nghỉ cuối cùng, cũng chỉ là một nấm mồ đi mượn của người khác mà thôi.

Giáo lý của Ngài cũng là giáo lý dành cho những kẻ khó nghèo và thực tế, kẻ nghèo đã đón nhận bản thân và những lời giảng dạy của Ngài. Thực vậy, Ngài đã phán:

– Không thể làm tôi hai chủ, vì nếu mến chủ này thì sẽ ghét chủ kia. Cũng vậy, không thể vừa làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được… Kho tàng ở đâu thì lòng các ngươi cũng ở đó… Được lời lãi cả thế gian, mà mất linh hồn thì nào có ích lợi chi… Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời…

Vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Ngài lại chúc phúc cho những kẻ nghèo túng. Họ là những người có tấm lòng từ bỏ để tuân theo ý Chúa vì mọi sự trần gian sẽ qua đi, của cải đã từng nhiều phen làm mồi cho rỉ sét, cho mối mọt, chứ chưa cần tới đời sau. Tục Ngữ VN đã bảo:

– Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

Vậy tại sao không cố gắng sắm cho mình của cải vĩnh cửu? Không ai trong chúng ta chịu bỏ tiền ra đều mua đồ dổm hay đồ giả, thì tạo sao trong lãnh vực thiêng liêng, chúng ta không sắm cho mình đồ tốt, đồ thật, tức là niềm hạnh phúc Nước trời và cuộc sống vĩnh cửu. Vàng bạc và của cải trần gian so với hạnh phúc Nước trời chỉ là sự phù vân giả trá mà thôi. Vậy để chiếm hữu Nước trời, chúng ta phải làm gì? Tôi xin thưa:

– Phải nhường cơm sẻ áo cho nhau, lá lành đùm lá rách, như lời Gioan Tiền hô khuyên nhủ.

Chúng ta hãy nhớ rằng: được giúp đỡ người khác là một đặc ân Chúa ban cho chúng ta, vì cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh. Bàn tay tặng đóa hồng bao giờ cũng còn phải phất hương thơm và người làm phúc bố thí sẽ không bao giờ nghèo. Hơn thế nữa, khi giúp đỡ người khác là chúng ta giúp đỡ cho Chúa cũng như giúp đỡ cho chính bản thân mình.

 

68. Hãy vui lên.

Giáo Hội vào ngày Chúa nhật 3 Mùa vọng mời gọi tất cả con cái mình cử hành Bí tích Thánh Thể trong tinh thần vui mừng hân hoan: “Hãy vui lên, vì Thiên Chúa ngự đến. Hãy vui lên, vì ngày cứu rỗi chúng ta đã đến, ơn cứu rỗi chúng ta đã được thực hiện”.

Niềm vui mà Giáo Hội mời gọi chúng ta sống trong những ngày này không phải là niềm vui vật chất như treo đèn ngôi sao, dọn hang đá, chuẩn bị quà cáp, mua sắm thức ăn chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh theo tinh thần trần tục. Niềm vui mà Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta sống trong những ngày này là một niềm vui khác, niềm vui thánh thiêng, niềm vui Thiên Chúa ban cho con người biết cộng tác với ơn thánh của Ngài.

Bài đọc 1 của Chúa nhật 3 mùa vọng hôm nay được trích từ sách tiên tri Sôphônia, gợi lên cho chúng ta ba lý do căn bản của niềm vui thánh thiêng này.

Lý do thứ nhất: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa đã thương tha thứ tội lỗi cho con người. Ngài tha thứ tội lỗi không phải là vì chúng ta đã lập công nên đáng được như vậy, nhưng vì sáng kiến tình thương của Ngài: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi sai Con Một của mình xuống để cứu rỗi thế gian, để ai tin vào Ngài thì sẽ được ơn cứu rỗi”. Đó là niềm vui đầu tiên của niềm vui Kitô, Thiên Chúa đã thương tha thứ tội lỗi của chúng ta.

Lý do thứ hai: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa đến ngự giữa con người, Ngài đến hiện diện với con người, sống với con người: “Thiên Chúa đã làm người và sống giữa chúng ta”. Trong Kinh Thánh, quan niệm Thiên Chúa sống giữa con người, trước hết biểu lộ tình thương đặc biệt của Thiên Chúa, Ngài muốn đối thoại với con người liên lỉ để hướng dẫn con người sống theo chương trình của Ngài, chu toàn sứ mạng của mình. Niềm vui đó Chúa Kitô Phục sinh đã trao ban cho các tông đồ khi Chúa phán: “Các con đừng sợ, hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Này đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Niềm vui được loan báo trong Cựu ước nơi tiên tri Sôphônia đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và đã được trao ban cho con người.

Lý do thứ ba của niềm vui Kitô gồm tóm hai lý do trên: Hãy vui lên, vì Thiên Chúa yêu thương con người. Con người tội lỗi, có những tật xấu, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương con người và mời gọi con người canh tân đời sống: “Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”.

Chúng ta lắng nghe lời mời gọi của thánh Gioan tiền hô được nhắc đến trong Phúc âm hôm nay để trở về với Thiên Chúa, để sống trong niềm vui. Người Kitô là kẻ sống trong niềm vui, sống với tin vui mừng, đó là Thiên Chúa yêu thương con người, Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta.

Victofrans là một nhà phân tâm học người Do thái, khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ông bị Đức Quốc Xã đưa vào trại tập trung, được thoát chết, ông đã viết lại tập sách có tựa đề là: “Con Người Đi Tìm Ý Nghĩa Sống” để kể lại tất cả những nỗi khổ mà những người Do thái phải chịu trong trại tập trung. Một trong những đau khổ nặng nề nhất là phải sống trong đợi chờ; đợi chờ để biết số phận của những người thân yêu bị lạc mất, đợi chờ để biết số phận của chính mình sẽ ra sao, đợi chờ để được cứu thoát.

Những người Do thái thời Chúa Giêsu và có thể chúng ta ngày hôm nay có lẽ cũng rơi vào đau khổ đợi chờ này. Những người Do thái đợi chờ Đấng được giải phóng đến giải thoát họ khỏi sự thống trị của đế quốc Rôma, và một khi phải đợi chờ mãi nhiều người mất đi hy vọng, niềm tin và niềm an vui. Họ đợi chờ và không làm gì cả, đợi chờ trong thụ động, đợi chờ trong sự trốn chạy trách nhiệm phải dấn thân.

Giáo Hội vào ngày Chúa nhật 3 mùa vọng mời gọi chúng ta hãy đợi chờ trong niềm vui, trong niềm tin, trong niềm hy vọng, chắc chắn được Chúa đến giải thoát tội lỗi. Sự thật thì Chúa đã đến rồi trong lịch sử, trong tâm hồn của biết bao anh chị em chúng ta đã sẵn sàng đón nhận Ngài. Nhưng có thể đối với chúng ta thì Chúa chưa đến, vì tâm hồn chúng ta không còn chỗ trống dành cho Người, vì chúng ta chưa sẵn sàng thay đổi đời sống nên cứ sống trong lo âu khắc khoải không biết mình chờ đợi gì? Chờ đợi tương lai sẽ về đâu?

Chúng ta đừng sợ Thiên Chúa, đừng sợ và hãy vui lên, đó là mệnh lệnh của Thiên Chúa cho con người trong suốt lịch sử. Đừng sợ và hãy vui lên, đó là lời kêu gọi của Thiên Chúa gởi đến cho con người, trong đó được tóm gọn trọn cả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, tóm gọn cả lịch sử cứu rỗi Cựu và Tân ước. Đừng sợ và hãy vui lên, đây là hai khía cạnh của cùng một thực tại ơn cứu rỗi. Đừng sợ và hãy vui lên, vì Thiên Chúa ngự đến sống với và sống trong con người. Đừng sợ và hãy vui lên, vì Thiên Chúa đang chờ chúng ta đến với Ngài. Tương lai của đời người và lịch sử chắc chắn sẽ qui về Ngài, vì Ngài là khởi đầu và cùng đích của mọi sự.

Lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: Tôi phải làm gì bây giờ? Gioan tẩy giả đã trả lời mà nội dung chính có thể được tóm gọn lại trong công thức chính Chúa Giêsu đã nói lên: Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

 

home Mục lục Lưu trữ