Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 66
Tổng truy cập: 1377436
SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU
Tháng 7 năm 1972 sau những tháng dài bị tra tấn trong trại lính, nơi ngài thi hành nghĩa vụ linh mục, cha Vania đã ngã gục dưới làn mưa đạn. Trong lá thư cuối cùng ngài viết cho cha mẹ già có những dòng sau đây:
"Cha mẹ yêu dấu! Thiên Chúa đã chỉ cho con một con đường phải theo. Con không chắc có thể còn sống được để trở về với cha mẹ nữa hay không, bởi vì những cuộc tra tấn lúc này dã man hơn trước kia rất nhiều. Thế nhưng con không lo sợ, vì có Chúa ở cùng con. Xin cha mẹ cứ an tâm, đừng lo lắng cũng đừng buồn phiền về số phận của con nữa. Lúc này con yếu và kiệt sức lắm rồi. Con xin chào thăm cha mẹ trong tình yêu Chúa Kitô và trong sự bình an của Thiên Chúa Cha. Người ta cấm cản con không được rao giảng về Chúa Kitô nữa, và con phải trải qua nhiều thử thách. Thế nhưng, con tuyên bố với họ là con sẽ không sợ rao giảng Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô. Đây là một sứ mệnh cao cả và con hãnh diện được tiến bước theo mệnh lệnh của Chúa. Con không xấu hổ rao giảng về Chúa Kitô. Các phép lạ Chúa Kitô làm đều minh chứng rằng có Thiên Chúa, do đó con sẽ mạnh dạn tiếp tục gieo vãi hạt giống Tin Mừng, vì đó là điều Chúa Thánh Thần phán bảo con."
Rao giảng Tin Mừng là sứ vụ Chúa Giêsu đã trăn trối lại cho các môn đệ Ngài, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi người chúng ta nói riêng. Trước khi Ngài xa cách con cái Ngài, Ngài đã để lại cho mỗi người chúng ta lời di chúc qua các tông đồ: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dậy bảo họ luôn giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Qua các thời đại, Giáo hội đã, đang và luôn mãi hăng hái, trung kiên thi hành sứ mệnh đó. Mặc dù Giáo hội luôn phải trải qua những giai đoạn khó khăn, bách hại, cấm cách; nhưng dân Chúa vẫn hiên ngang rao giảng và sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Tin Mừng, vì Nước Trời. Lòng can đảm, chí trung thành đó đã cho chúng ta nhận ra rằng chúng ta không phải đơn phương chiến đấu, nhưng Chúa luôn đồng hành với mỗi người như lời Ngài đã phán: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế. Chính tên Ngài cũng đã minh chứng điều đó, Em-ma-nu-en = Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Lạy Chúa, Lời Chúa đã nhắc nhở cho mỗi người chúng con ý thức về sứ mệnh Kitô hữu của mình. Xin cho chúng con biết hăng say thi hành mệnh lệnh đó trong cuộc sống hằng ngày để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa khắp nơi. (Sr Margareta Maria Hiền, Vietcatholic)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã phải trải qua con đường thập giá rồi mới bước vào vinh quang phục sinh. Với ước mong sống trọn vẹn vai trò chứng nhân cho Đức Kitô Phục sinh, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. Chúa Giêsu hứa ban Thánh thần cho các tông đồ / để các ngài làm chứng cho Chúa đến tận cùng trái đất / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cũng ban Thánh thần / giúp chúng ta trở nên những chứng nhân can trường cho Thiên Chúa là tình yêu.
2. Rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho hết thảy mọi nước mọi dân / đặc biệt cho các dân tộc tại lục địa châu Á mênh mông / là một việc khẩn cấp trong thiên niên kỷ thứ ba này / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho có nhiều người / dám xả thân cho công cuộc rao giảng Tin mừng cứu độ.
3. Đức tin Kitô giáo hội nhập vào văn hóa Châu Á / là một việc làm hết sức quan trọng trong việc giới thiệu Đức Kitô cho một châu Á đa chủng tộc / đa tôn giáo và đa văn hóa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các nhà truyền giáo / luôn quan tâm đặc biệt đến công việc hệ trọng này.
4. Học hỏi Tông huấn Giáo hội tại Châu Á là bổn phận quan trọng của người Kitô hữu Á Châu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tận dụng mọi cơ hội thuận tiện để học hỏi sâu rộng Tông huấn này / nhờ đó có thể tham gia tích cực vào công cuộc rao giảng Tin mừng.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, trước khi được rước lên trời, Chúa đã dạy chúng con phải rao giảng Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Xin Chúa ban ơn giúp sức để chúng con có thể thực hiện đến nơi đến chốn lệnh truyền quan trọng này. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu phục sinh đang ở bên cạnh Chúa Cha để làm trung gian cho chúng ta. Chúng ta hãy nhờ Ngài và với Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại với anh chị em lời Ngài đã bảo các môn đệ ngày xưa: "Anh em hãy đi đến với muôn dân", "Anh em hãy làm chứng cho Thầy". Chúc anh chị em bình an.
3. Chúa Nhật Chúa Lên Trời
Hôm nay chúng ta long trọng mừng Chúa về Trời. Trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, là nơi chúng ta sẽ về nên Trời còn là quê hương vĩnh cửu của chúng ta. Lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay một lần nữa cho thấy rõ hơn, Chúa lên trời là vì chúng ta, cũng như tất cả những việc người làm là vì loài người chúng ta, như lời kinh tin kính chúng ta đọc: "vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ trời xuống thế..." rồi Chúa lên trời là vì loài người chúng ta như lời Chúa nói: "Con muốn Con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con". Cũng từ đó mà chúng ta nhận ra được một sự thật căn bản là quê hương chúng ta ở trên Trời. Mà nếu quê hương chúng ta ở trên trời thì hiện giờ chúng ta đang trên đường đi về quê hương đó. Đường về trời còn dài và lắm khó khăn vậy mà chúng ta lại mang quá nhiều hành lý. Những hành lý nào không nhãn hiệu đời đời, sẽ làm cho bước chân chúng ta chùn lại, khó đi. Biết bao nhiêu thứ hành lý chúng ta không thể mang vào Nước Trời được vậy mà chúng ta cứ cố tranh dành với người này, người nọ. Thật uổng công.
Nhiều người cho rằng chết là hết. Nhưng với người kitô hữu thì khác, cái chết chỉ là một khởi điểm cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Cái chết chính là khung cửa hẹp dẫn chúng ta vào quê hương nước trời. Tin vào Nước Trời là một thách đố lớn đối với chúng ta. Bởi vì ở nơi đó, chúng ta chưa từng có kinh nghiệm, chưa từng sống. Vì thế, Thánh Phaolô nói về Nước Trời như sau: "Tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy và trái tim chưa một lần cảm nhận được những gì Thiên Chúa dành cho những kẻ yêu mến Ngài. Tất cả những khổ đau trong cuộc sống hiện tại sẽ chẳng là gì cả, nếu đem so với hạnh phúc nước trời. Đó là nơi vinh quang, đó là nơi ánh sáng, đó là nơi ân thưởng cho những người đã trung thành phụng sự Chúa." Muốn vào Nước Trời, chúng ta phải cố gắng, phải chiến đấu thì mới đạt tới. Niềm tin của người Kiô hữu được Chúa Giêsu mời gọi và hứa ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ và khi chúc lành thì người rời khỏi các ông. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp các tông đồ hiểu được lời Chúa và làm cho các ông dám sống chứng nhân.
Chúa về trời còn cho chúng ta biết Chúa hoàn thành sứ mạng của mình và giờ đây, Người trao lại sứ mệnh đó cho chúng ta. Liệu chúng ta có ý thức được điều đó không? Chúng ta có làm cho người quanh ta hiểu rằng: Chúa Giêsu phải chịu đau khổ, chịu chết rồi mới được tôn vinh. Vậy, vai trò của chúng ta giờ dây là sống chứng nhân cho Chúa Giêsu. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiadi đoạn 41, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói lên vai trò của chứng nhân trong cuộc sống như sau: "Do đó, chính với phẩm cách và đời sống mình, mà Giáo Hội sẽ Phúc Âm hoá thế giới, nói cách khác, bằng sự chứng tá sống động về lòng trung thành của mình với Chúa Giêsu - chứng tá về sự khó nghèo và siêu thoát, vể sự tự do khi đối đầu với các quyền lực trần gian - nói tóm lại, là chứng tá của sự thánh thiện.
Chúng ta hãy làm cho người quanh ta hiểu rằng quê thật của con người là Trời chứ không phải trần gian. Thiên Chúa trên trời, Ngài muốn chúng ta yêu thương giúp đỡ nhau tiến về quê Trời. Đó là chúng ta đã làm chứng cho Chúa Giêsu.
Xin Chúa chúng con ý thức rằng: Chúa về trời nhưng vẫn hiện diện vô hình với chúng con. Chúa về Trời để dọn chỗ cho chúng con, xin cho chúng con biết quý trọng những sự cao siêu trên Trời, là quê hương đích thật của chúng con mong tới, để từ nay chúng con chỉ sống cho Chúa mà thôi. Amen.
4. Sự hiện diện của Chúa
Trong phần chia sẻ sáng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đâu là ý nghĩa của biến cố Chúa về trời.
Biến cố Chúa về trời không có nghĩa là Chúa di chuyển hộ khẩu, Chúa thay đổi nơi cư trú, từ mặt đất này tới một nơi nào đó, nhưng có nghĩa như là một sự tôn vinh, như lời thánh Phaolô đã viết: Đức Kitô đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá, cho nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Các tín hữu tiên khởi đã tin rằng: Đức Kitô được tôn vinh tiếp tục hiện diện giữa trần gian. Người hiện diện không phải chỉ ở Giuđêa, mà còn khắp cùng bờ cõi trái đất. Ngài hiện diện trong chính sự rao giảng của Giáo Hội. Phần cuối của đoạn Tin Mừng cho thấy ngay cả sau khi Ngài đã lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, các tông đồ vẫn tin tưởng rằng có Chúa cùng hoạt động với các ông khi các ông rao giảng và Ngài củng cố lời giảng của các ông bằng những phép lạ kèm theo. Thực vậy, thánh Matthêu đã lặp lại lời Chúa: Này Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế. Còn thánh Luca thì đã ghi nhận: Sau khi Chúa lên trời, các tông đồ trở lại Giê rusalem, lòng tràn ngập niềm vui. Tại sao lại như thế? Chẳng lẽ các ông vui mừng vì Người đã rời xa họ hay sao? Phải chăng đây là một thoáng mặc khải, hé mở cho chúng ta thấy sự vắng mặt của Người đã trở thành một sự hiện diện thất gắn bó và mật thiết. Người tuy xa mà lại gần, tuy vắng mặt mà vẫn luôn hiện diện.
Thực vậy, phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy việc Giáo Hội nối tiếp sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô, nối tiếp những công việc Người đã làm, kể cả những công viêc lạ lùng như trừ quỷ, chữa lành các bệnh nhân. Giáo Hội thể hiện sự hiện diện của Đức Kitô giữa trần gian. Sự hiện diện này không còn bị đóng khung trong thời gian và không gian. Nhưng đã được mở ra để có thể đến với mọi người.
Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao, mà điều quan trọng đó chính là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và đời sống, nhất là bằng sự dấn thân, để thực hiện một sự lựa chọn rõ rệt. Con Thiên Chúa khi làm người và ở giữa chúng ta, đã thể hiện một sự lựa chọn rõ rệt, Ngài không hiện diện một cách chung chung, và vô thưởng vô phạt, nhưng đã hiện diện như một Tin Mừng cứu độ cho nhiều người, đồng thời như một hòn đá vấp ngã đối với một số người khác.
Và khi Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội sứ mạng tiếp nối sự hiện diện của Người, Người cũng đòi chúng ta phải có một sự chọn lựa dứt khoá như Người. Chính vì thế, rất có thể đã xảy ra là tại một nơi nào đó, có sự hiện diện của người Kitô hữu, của Giáo Hội, nhưng lại không có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Sở dĩ như vậy là vì sự chọn lựa của chúng ta đã đi ngược lại với sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Chẳng hạn như khi chúng ta có những hành động bất công, bóc lột kẻ khác, thì chính bản thân chúng ta đã bôi nhọ và xoá bỏ sự hiện diện của Đức Kitô.
Chính vì thế mà mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lại đời sống xem lời nói và việc làm của chúng ta, có là một chứng tá trung thực cho sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa trần gian này hay không.
5. Nhìn theo hướng Người đi - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ – Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)
Thánh Luca tường thuật cuộc Thăng thiên của Đức Giêsu trong hai quyển sách: Quyển thứ nhất là Tin Mừng, quyển thứ hai là Công Vụ Tông Đồ.
Trong Tin Mừng, Ngài kể biến cố Thăng thiên như xẩy ra ngay trong ngày Đức Giêsu sống lại. Sau khi Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường về Em-mau, rồi với các tông đồ ở Giêrusalem, Người dậy bảo và sai các ông đi rao giảng cho muôn dân. Nói xong, Người chúc lành cho các ông và Người lên trời ngay trước mắt các ông.
Trong công vụ, Thánh Luca thêm một số chi tiết khi Chúa lên trời: Về thời gian là sau 40 ngày (Cv. 1, 3; 13,31), về không gian là núi Ôliu (núi cây Dầu) (Cv. 1,12), và có đám mây rước Người lên (Cv.1, 9). Những chi tiết này vừa nói lên tính chất lịch sử vừa tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa.
Bốn mươi ngày là thời gian Đức Giêsu còn ở dưới thế, hiện ra dậy dỗ các tông đồ, ăn uống, an ủi, chúc phúc cho các ông và các ông đã thấy Người bằng tai, mắt, đụng chạm, gần gũi Người. Những việc đó nói lên tính cách cụ thể về lịch sử. Bốn mươi ngày còn tượng trưng cho thời gian được đặc ân mặc khải của Thiên Chúa, như ông Môsê ở trên núi Sinai bốn mươi ngày đêm đã được Thiên Chúa mặc khải cho mười điều răn (Xh. 24,18; 34, 28).
Đám mây vừc có tính chất vật lý cụ thể, vừa nói lên vinh quang của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hiện ra, như Thiên Chúa đã giao ước với ông Noe bằng đặt cầu vòng trên đám mây là dấu chỉ “nước sẽ không dâng lên thành đại hồng thủy để tiêu diệt loài người nữa” (St. 9, 13-15). Đám mây cũng là nơi Đức Giêsu ngự giá để chứng tỏ Người là Thiên Chúa như khi Người biến hình trên núi có “đám mây đến bao phủ các ông tông đồ và từ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc. 9, 7). Đặc biệt trong ngày quang lâm: “Các ông sẽ thấy Người ngự bên hữu Đấng toàn năng và ngự trên mây trời mà đến” (Mc. 14, 62; Mt. 26,64).
Núi Ôliu: (Núi cây Dầu) ở phía đông thành Giêrusalem. Đi từ núi vào thành phải vượt qua thung lũng Kê-rôn (Cedron) mênh mông, nơi có những vườn cây xanh tươi, vườn Giêtsêmani cũng nằm ở đây. Betania cũng nằm ở phía đông sườn núi, nơi Đức Giêsu đã cho Lazarô chết bốn ngày sống lại (Mc. 11, 18), cũng ở phía đông núi Ôliu có ngọn núi Beth-pha-giê, nơi khởi điểm cuộc rước Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem trong ngày lễ lá. Chính trên ngọn núi này, Người đã tiên báo thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá không còn hòn đá nào trên hòn đá nào và ngày tận thế của loài người (Mc. 11,1 và 13,3). Trong những ngày tuần thánh, trước khi bị bắt, Đức Giêsu thường xuyên đến miền núi này để cầu nguyện trong những đêm thanh vắng. Thánh Luca kể Đức Giêsu lên trời ở núi Ôliu, vừa nhắc lại những biến cố lịch sử, vừa tôn vinh Đức Giêsu là Thiên Chúa vì “tất cả cánh đồng thây ma, tro tàn, tất cả các nương rẫy cho đến khe suối Kê drôn … hết thảy đều là của thánh dâng kính Thiên Chúa” (Gr. 31, 40), trong thị kiến của ngôn sứ Êgiêkiel đã thấy: “Vinh quang Thiên Chúa từ giữa thành đi lên và dừng lại trên núi phía đông của thành”. Nơi đây đã thành nơi tôn thờ Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời ở đấy và “Các ông sụp lạy Người… Lòng đầy hoan hỷ mà chúc tụng Thiên Chúa”, bây giờ các ông hoàn toàn nhận ra Người là Thiên Chúa, sụp lạy và chúc tụng Người với tâm tình thờ lạy Thiên Chúa, và lòng các ông đầy hoan hỷ.
Lòng đầy hoan hỷ bởi vì Thầy mình thật là Thiên Chúa hằng sống, không còn phải chết nữa.
Các ông hoan hỷ vì Thầy đầy quyền năng Thánh Thần để dậy các ông hiểu lời Kinh thánh, và Thầy về trời ngự bên hữu Thiên Chúa để ban sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các ông.
Các ông hoan hỷ vì Thầy đã tín nhiệm trao cho các ông tiếp tục công cuộc rao giảng công cuộc cứu độ của Thầy và làm chứng về Thầy đã chịu khổ hình, và ngày thứ ba Ngài đã sống lại từ cõi chết. Bây giờ Người ngự trên trời, nhưng vẫn ở lại với các ông mọi ngày cho đến tận thế. Với lòng đầy hoan hỷ ấy, các ông hăng hái trở lại Giêrusalem, vào đền thờ cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa, chờ đợi ngày Thánh Thần hiện xuống để cùng các ông làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, khắp xứ Giuda, Samaria và cho đến tận cùng trái đất.
Đầu đội trời, chân đạp đất: “Các ông đăm đăm nhìn trời hướng Người đi” (Cv, 1,10).
Nhìn theo hướng Thầy đi: Thầy đã từ trời xuống đất, Thầy đã dốc hết tâm sức ra phụng sự Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em. Thầy đã không ngại phục vụ cho đến cùng, hiến toàn thân chịu chết và chết trên thập giá, để xây dựng một vương quốc bao la hoà giải, hòa thuận, hòa bình, một vương quốc công bình, hiệp thông và bác ái.
Các ông đăm đăm nhìn theo hướng Người đi: Thầy từ trời xuống, rồi về trời. Các ông cũng phải nhận sức mạnh Thánh Thần từ trời xuống để các ông đi khắp mặt đất rao giảng Tin Mừng của Thầy từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất để xây dựng vương quốc của Thầy đã thiết lập, rồi các ông mới được về trời hưởng vinh quang của Thầy.
Đến lượt mỗi người chúng ta cũng phải đăm đăm nhìn trời “Cầu xin Chúa Cha vinh hiển, là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho chúng ta thần khí khôn ngoan, để mặc khải cho chúng ta nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho chúng ta thấy rõ: Đâu là niềm hy vọng chúng ta đã được” (Bài đọc II) đâu là con đường hy sinh phục vụ quên mình, hết mình và bỏ mình của Đức Giêsu Kitô, để chúng ta đi theo con đường đó mà xây dựng một thế giới mới. Lúc đó, chúng ta mới được đi theo Người về trời hưởng gia nghiệp vinh quang phong phú của Người. Amen.
6. Ấn tín - Lm. Vũ Đình Tường
Sản phẩm hàng hoá thường ghi chi tiết nơi sản xuất đồng thời đóng dấu hiệu cầu chứng. Thí dụ như ghi sản xuất tại Việtnam, hay Nhật Bản. Có những loại hàng sản xuất một nơi, đóng thùng một nẻo nên ghi thêm chi tiết hàng được công ti A nhập cảng và công ti B đóng thùng. Mục đích việc làm này mong giúp giới tiêu thụ không rơi vào trường hợp con buôn vì ham lợi đánh lận con đen, mua hàng giả dán nhãn thiệt thu lợi nhiều.
Kitô hữu cũng có nhãn hiệu không phải nhãn hiệu cầu chứng mà là ấn tín chứng thực. Mỗi người trong chúng ta là sản phẩm của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sáng tạo, đóng ấn tín cho từng người. Đây không phải là điều bịa đặt mà là một thực tại có từ thời sáng tạo vũ trụ. Sách Sáng Thế Kí chương đầu 1, câu 27 trong phần lịch sử sáng tạo ghi rõ. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Người. Như thế chúng ta vào đời là thành quả yêu quí của Thiên Chúa yêu thương.
Trước khi cho ngươi thành hình người trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi. Jer 1,4
Hãy xem Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta Is 49,6
Dấu Ấn
Sản phẩm thường mang dấu hiệu cầu chứng thương mại, ghi rõ mã số cầu chứng. Kitô hữu không mang dấu hiệu cầu chứng thương mại mà là ấn tín đức tin. Ấn tín đức tin đó được ghi nhận trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy với dấu thánh giá trên trán con người và được xức dầu thánh hiến để trở thành hàng thật, Kitô hữu thật trong Đức Kitô. Ấn tín thập giá là nhãn hiệu của mỗi Kitô hữu dưới danh hiệu chúng ta là con cái Thiên Chúa. Kitô hữu sống làm vinh danh thập giá là Kitô hữu chính hiệu. Đó là tiếp tục sứ mạng Đức Kitô đã bắt đầu như lời tiên báo của tiên tri Is 61,1-2
Thần Khí Chúa ngự trên tôi và đã xức dầu sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó tấm lòng tan nát, công bố ân xá cho kẻ giam cầm, phóng thích tù nhân và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma 8,17 còn cho biết là con cái Thiên Chúa nên được trở thành kẻ thừa tự, thừa hưởng tình yêu viên mãn và cuộc sống đời đời của Thiên Chúa.
Nhập cảng và đóng dấu
Chúng ta chính thức gia nhập Giáo Hội trong ngày lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy nơi xứ tạo ta đang cư trú. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta được đóng gói, được đúc khuôn để trở thành người Kitô hữu tương lai. Xứ đạo địa phương dẫn dắt chúng ta trên con đường học đạo và hành đạo. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta cùng hội họp, cầu nguyện, lãnh nhận bí tích, cùng chia sẻ và nhận những đóng góp, hỗ trợ trong tinh thần Kitô hữu. Xứ đạo địa phương là nơi chúng ta kết hợp trong Chúa qua các buổi cùng cầu nguyện, cùng sinh hoạt. Vì thế có thể coi xứ đạo địa phương đóng góp rất lớn vào việc giúp thành hình và phát triển đức tin. Điều này ít nhiều gây hiểu lầm trong việc hành đạo. Kitô hữu quá cứng ngắc gắn bó với xứ đạo, nhà thờ, trung tâm gây nên chia rẽ trong cộng đoàn giáo xứ. Lí do chính là sống trong sợ hãi. Sợ hãi làm tâm hồn mất tự do. Có thể họ là người đạo đức, siêng năng, cần mẫn nhưng căn bản là đức tin chưa trưởng thành. Địa điểm thờ phượng là phương tiện cho chúng ta gặp gỡ, cầu nguyện. Viện ra đủ lí lẽ tranh đấu biến địa điểm thờ phượng thành nơi đấu lí có khác chi mượn chính đạo làm việc tà đạo. Tình trạng ngấm ngầm cạnh tranh về mọi phương diện giữa họ lẻ với giáo xứ không thể biện minh là làm việc đạo đức.
Đức Kitô về trời cho xác tín một điều quê hương chúng ta ở trên trời. Là công dân nước trời cần có tinh thần, coi trọng việc hướng về thiên quốc, luôn nhớ mọi sự trần gian đều qua đi. Vật thể cần cho cuộc sống, cần cho việc giữ đạo, Kitô hữu khôn ngoan dứt khoát từ bỏ bất cứ điều gì khi chúng trở thành vật cản bước tiến về thiên quốc, chắn tầm nhìn nước trời.
7. Khai mở một trang sử mới – Keith Witfield
(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)
Khai mở trang sử mới của Giáo hội
“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi” (Mc 16,20)
Theo Thánh Luca, biến cố Chúa về trời mang chở một ý nghĩa sâu xa, nhằm biến đổi các tông đồ và khởi sự sứ vụ rao giảng Tin mừng của toàn thể Hội Thánh. Thánh Luca thuật lại biến cố này để kết thúc Tin mừng và cũng để khởi đầu sách Tông đồ Công vụ.
Việc Chúa Thăng Thiên mang lại một âm hưởng sâu xa nơi các môn đệ. Đối diện trước biến cố này, các ông ngỡ ngàng, mắt vẫn còn đăm đăm ngước lên trời cao (Cv 1,10), và chưa thể hình dung sự việc xảy ra như thế nào. Nhưng sau đó, các ông đã hiểu. Chính xác hơn, là các tông đồ đã dần dần hiểu ra và tiến sâu vào thế giới của huyền nhiệm khi nhớ lại những lời Đức Giêsu đã căn dặn. Cuối cùng, “Các ông bái lạy Người. Các ông trở về Giêrusalem lòng đầy hân hoan và họ ở trong đền thờ, ngày đêm chúc tụng Chúa. (Lc 24,52-53).
Thoạt đầu, phản ứng của các tông đồ khiến chúng ta dễ đặt nghi vấn. Đức Giêsu vừa “rời bỏ” các ông. Sự ra đi nào cũng để lại biết bao sầu thương và nỗi nhớ. Các ông buồn, nhưng sau đó các ông lại “ngập tràn niềm vui”. Tại sao các tông đồ lại có phản ứng trái chiều mau lẹ đến thế? Chúng ta nhớ lại trong diễn từ ly biệt, ở phần cuối chương 13 của Tin mừng Gioan, Đức Giêsu báo trước là Ngài sẽ bỏ lại các ông, và tâm hồn các ông sẽ xao xuyến. Nhưng sau đó Ngài trấn an và nói về Thánh Thần, là nguyên lý chữa trị những sầu buồn và tuyệt vọng (Ga 14-17). Ngài nói với các học trò của mình đừng lo lắng, các ông sẽ không mất Ngài, những Ngài vẫn ở với các ông mọi ngày cho đến tận thế qua một dạng thức khác, nhờ Thánh Thần.
Việc Chúa về trời khơi dậy niềm vui. Các tông đồ sớm nhận ra rằng khi Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, họ sẽ lãnh nhận được nhiều đặc phúc. Trước hết, đó là quà tặng Thánh Thần. Lời hứa về Chúa Thánh Thần sẽ được thực hiện tròn đầy. Các tông đồ nhìn xem Chúa lên trời, nhưng lòng đầy vui mừng bởi vì các ông nhớ lại lời hứa của Chúa về “ Đấng sẽ đến”. Những nghi ngại và sợ hãi dần tan biến. Các tông đồ thâm tín rằng Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và vẫn đang sống. Qua sự phục sinh của Đức Kitô, các tông đồ trải nghiệm niềm vui và hy vọng về sự chiến thắng trước mãnh lực tử thần. Họ tín thác vào Chúa. Vì thế, sự ra đi của Đức Giêsu để trở về với Chúa Cha đem lại cho họ niềm vui. Niềm vui đó được cắt nghĩa với những lý do sau:
1. Đức Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiến nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Do Thái 10,22-24). Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.
2. Khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đảm nhận vai trò trung gian giữa con người với Chúa Cha. Nhờ Ngài và với Ngài, chúng ta được thông dự vào thế giới thần linh cùng Chúa Cha (1Ga 2,1).
3. Khi Chúa lên trời, vương quốc vĩnh cửu của Ngài bắt đầu khai mở. Đó là vương quốc đánh bại kẻ thù là Satan và ác thần. Thánh Phêrô đã viết: “ Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền (1P 3,22).
4. Cuối cùng, Khi Đức Giêsu lên trời, Hội thánh được phú ban năng quyền để thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Khi nói về việc Đức Giêsu sống lại và lên trời, Thánh Phaolô trong thơ gửi giáo đoàn Êphêsô đã khẳng quyết: “ Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Giêsu và đặt Người làm đầu toàn thể hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn (Eph 1,22-23).
Đức Giêsu được đưa về trời, khai mở vương quốc bất diệt. Ngài là Vua, là Chúa tể hoàn vũ và Satan không thể làm được gì đối với vương quốc ấy. Satan cám dỗ con người để chúng ta quên đi Đức Kitô là Vua vũ trụ. Ma quỷ làm mọi cách để cắt đứt sự liên lạc giữa chúng ta với Ngài. Sách Tông đồ Công vụ thuật lại, trước khi bị ném đá đến chết, Thánh Stêphanô đã ngước mắt lên trời và thấy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha. Các sách tân ước đều khải thị cho chúng ta hình ảnh Đức Giêsu Đấng Cứu thế, là Vua hoàn vũ, là Vua chiến thắng, để gọi mời chúng ta tin vào Ngài.
Trước sự kiện Chúa lên trời, tâm hồn các tông đồ ngập tràn niềm vui, chứa chan niềm hy vọng và sẵn lòng rộng mở để thực thi sứ mạng mà Đức Giêsu đã chuyển giao. Đây là ba nét căn bản đã làm đổi thay các tông đồ một cách toàn diện: Niềm vui, niềm hy vọng, và việc thực thi sứ mạng rao giảng.
Chớ gì mỗi người chúng ta hôm nay, cũng như các tông đồ năm xưa, có thể trải nghiệm niềm vui và niềm hy vọng. Đồng thời, tiếp nối dấu chân của các tông đồ, chúng ta hân hoan lên đường thực thi sứ mạng cứu thế mà Chúa Giêsu đã chuyển giao cho chúng ta trước khi Ngài trở về với Chúa Cha.
8. Hạnh phúc lớn lao
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Phi hành gia Yuri Gagarine của Liên Xô sau khi đã bay nhiều vòng trong vũ tru,ï khi trở về trái đất đã tuyên bố: “Tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!” Thế nhưng, nhà bác học Isaac Newton khi quan sát vũ trụ bằng kính viễn vọng thì lại thốt lên: “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa qua kính viễn vọng của tôi”.
Chúng ta là những người tin Chúa Giê-su Phục Sinh và lên Trời cả hồn lẫn xác. Vậy chúng ta trả lời cho vấn nạn đó như thế nào? Chúa Giê-su lên Trời nghĩa là gì? Nay người ở đâu? Việc Chúa Giê-su lên trời có liên hệ gì tới cuộc sống hiện tại của chúng ta hay không?
Theo quan niệm của người Do-thái cách đây hơn 2000 năm, vũ trụ này chia ra làm ba phần. Phần dưới mặt đất là âm phủ dành cho người chết; phần trên mặt đất dành cho loài người đang sống và trời là thế giới của Thiên Chúa và các Thánh. Để thích ứng với quan niệm bình dân ấy, các Giáo Lý Viên ngày xưa đã trình bày mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giê-su làm hai. Giai đoạn đầu, sống lại, Đức Giê-su đi từ âm phủ lên mặt đất. Giai đoạn kế đó, lên Trời, Đức Giê-su bay từ mặt đất lên thế giới của Thiên Chúa.
Trình bày như vậy thì dễ hiểu nhưng không hoàn toàn đúng với thực tế. Hậu quả tai hại là người ta dễ hiểu lầm rằng: khi lên trời như thế Chúa Giê-su sẽ đi xa trái đất và cuộc sống của loài người, vì trời thì ở trên cao xa tắp, đâu có liên hệ gì tới trái đất! Những chữ “lên Trời” bị chi phối bởi cách suy nghĩ có giới hạn của chúng ta. Theo cách suy nghĩ đó, các biến cố xảy ra luôn luôn được gắn liền với các vị trí trong không gian. Thực ra trời đây không phải là một nơi và lên không có nghĩa là nơi đó ở trên cao. Lên Trời ở đây không hiểu theo nghĩa địa lý vì Trời hay Thiên Đàng là một trạng thái hơn là một nơi chốn. Chúng ta đang sống trong không gian và thời gian nên định vị trí mọi sự theo hai trục đó. Điều cốt yếu mà Thánh Kinh muốn dạy về mầu nhiệm Thăng Thiên là Đức Ki-tô đã ra khỏi thế giới trần thế bị tội lỗi làm nhiễm độc và một ngày kia sẽ tiêu tan để tiến vào một thế giới mới, trong đó Thiên Chúa ngự trị tuyệt đối và vật chất đã biến đổi, đã thấm nhuần tinh thần.
Thực ra khi Chúa Giê-su sống lại, Người đã lên Trời rồi theo kiểu nói của Kinh Thánh, nghĩa là Ngươì đã bước vào cõi vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người ngự bên hữu Chúa Cha, mặc lấy vinh quang và quyền năng của Chúa Cha. Trong 40 ngày sau sống lại, Chúa Giê-su hiện ra nhiều lần để dạy dỗ và củng cố Đức Tin của các Tông Đồ. Giáo Hội đã được thiết lập nay được củng cố để được sai đi.
Như vậy sự kiện lên Trời mà Phụng Vụ Giáo Hội kính nhớ hôm nay có ý nghĩa sâu xa. Nó chấm dứt thời gian Chúa hiện diện giữa nhân loại bằng thân xác, chấm dứt thời gian huấn luyện các Tông Đồ. Một thời điểm có tính cách quyết định của Lịch Sử Cứu Độ là Đức Ki-tô ban những giáo huấn cuối cùng, trao những chức vụ phải thi hành trong Giáo Hội, chuẩn bị cho các Tông Đồ thi hành sứ mạng chứng nhân của Đấng Phục Sinh trong thế giới. Từ nay trở đi, Người sẽ hiện diện với chúng ta một cách vô hình, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, thân xác Đức Giê-su đã được Thần Khí Hóa và đi vào cõi vĩnh hằng của Chúa Cha. Sự hiện diện này thâm sâu hơn và hiệu năng hơn. Khi còn ở trong thân xác, Chúa Giê-su chỉ ở bên cạnh chúng ta thôi, bên cạnh một số người thôi. Từ nay, với quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.
Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Xuân Diệu đã diễn tả chân lý ấy cách sâu sắc: “Hai người tình ngồi sát bên nhau, ôm lấy nhau mà vẫn còn thấy rất xa xôi”. Nnững người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Đức Giê-su một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho: “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Thiền sư Suzuki rất tâm đắc với huyền nhiệm này khi viết: “Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn là người. Quả thật, đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học”.
Chúa Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác. Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh. Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên. Chúa về Trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào.
Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc Phúc Âm Luca nhưng thực ra là một sự khởi đầu, một sự khai mở, đó là khai trương công cuộc Truyền Giáo toàn cầu. Hình thức của việc Truyền Giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành Môn Đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em” (Mt 28,19). Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông Đồ, qua các Tông Đồ rồi đến các Môn Đệ, Đức Giê-su trở thành người sống đương thời với chúng ta: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc Cứu Rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo hội mà Chúa Giê-su tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống, dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu. Mỗi Ki-tô hữu là chi thể của Giáo Hội, thân mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Mỗi Ki-tô hữu cũng là những cánh tay mở rộng của Chúa Ki-tô, nhờ đó Người không ngừng trao ban tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người.
9. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Con người qua mọi thời đại vẫn có những người không tin có đời sau, không tin có Thiên Đàng. Nhưng với chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta tin có sự sống đời sau, tin có Thiên Đàng. Chúng ta tuyên xưng niềm tin đó qua Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. Vậy, Thiên Đàng là gì? Ai nói với chúng ta về Thiên Đàng? Làm thế nào để được lên Thiên Đàng?
1. Thiên Đàng là gì?
Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa của Thiên Chúa, và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô. Họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngài “Đúng như Ngài là” (1Ga 3,2), “Mặt giáp mặt”, không qua trung gian của một tạo vật nào hết. Sự sống hoàn hảo như thế với Ba Ngôi cực thánh, sự hiệp thông về sự sống và tình yêu với Chúa Ba Ngôi, với Trinh Nữ Maria, các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “Thiên Đàng”. Như vậy, Thiên Đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện những khát vọng sâu xa nhất của con người, đó là tình trạng hạnh phúc cao nhất và vĩnh viễn (x. GLHTCG số 1023-1024).
2. Ai nói với chúng ta về Thiên Đàng?
“Kinh Thánh nói về Thiên Đàng qua những hình ảnh: sự sống, ánh sáng, bình an, bữa tiệc cưới, rượu của Nước Trời, nhà Cha, thành Giêrusalem trên trời, Thiên Đàng: Mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe thấy, lòng trí con người chưa từng nghĩ tới, đó là tất cả những gì Thiên Chúa đã dành sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (x. GLHTCG số 1027). Trong ba năm sống công khai, Chúa Giêsu bằng cách này hay cách khác đã nói với nhân loại về Thiên Đàng. Xin được đơn cử một số dẫn chứng sau đây: Ngài khẳng định: "Tôi tự trời mà xuống" (Ga 6,38); Ngài còn nói với người Do-Thái rằng: "Các ông bởi hạ giới; còn Tôi, Tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn Tôi, Tôi không thuộc về thế gian này" (Ga 8,23); Khi đưa các Tông đồ lên núi Taborê, Ngài đã hé mở vinh quang Thiên Đàng cho các Tông đồ thấy; Ngài kể dụ ngôn người phú hộ và ông Lazarô để nói lên số phận khác biệt giữa hai người là Thiên Đàng và Hoả Ngục (x. Lc 16, 19-31); Ngài còn nói: “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở”(Ga 14,2); Đặc biệt, trên Thánh giá, Ngài nói với kẻ trộm lành rằng: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43)…
Thánh Phaolô thì khẳng định: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta, nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Sách Khải Huyền cũng diễn tả về hạnh phúc Thiên Đàng như sau: “Bấy giờ Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Chính bài đọc I và bài Tin mừng hôm nay, cũng cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu rời các Tông đồ mà lên trời (x. Cv 1,11; Lc 24, 51). Như vậy, chính những lời của Chúa Giêsu và các Tông đồ làm chứng cho chúng ta có Thiên Đàng.
3. Làm thế nào để được lên Thiên Đàng ?
Có nhiều cách để lên Thiên Đàng, xin được gợi ý một số cách thế sau đây:
Thứ nhất, xa tránh tội lỗi. Có những vị thánh sống trên đời này không hề phạm bất cứ một tội trọng nào, chẳng hạn: Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu; Thánh Louis Gonzaga, Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse…Đúng như thánh vịnh 15 diễn tả: Đó là những “Kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính CHÚA TRỜI, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ” (Tv 15, 2-5).
Thứ hai, thống hối ăn năn tội. Bản chất của con người là yếu đuối, hay nghiêng chiều về sự dữ, nên con người thường sa ngã phạm tội. Vì thế, tội lỗi như là rào cản lớn nhất làm cho con người không đến được với Thiên Chúa. Đó cũng là rào cản không cho phép con người lên Thiên Đàng. Chính vì vậy, để đến với Chúa, để được lên Thiên Đàng, con người cần phải cố gắng xa tránh tội lỗi. Thánh Gioan khuyên dạy chúng ta “Đừng phạm tội nữa"(x. 1Ga 2,1). Bởi vì: "Ai phạm tội thì là người của ma quỷ, vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu. Sỡ dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá công việc của ma quỷ"(1 Ga 3,8). Nhưng Ngài vẫn biết, con người không dễ gì mà làm được điều đó, vì bản tính con người yếu đuối dễ sa ngã phạm tội, nên Ngài khuyên chúng ta hãy đến với Bí tích Giao hoà để được khỏi tội: "Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng bảo trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng công chính. Chính Đức Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta, mà còn vì tội lỗi cả thế gian nữa"( 1 Ga 2,1).
Thực tế cho chúng thấy có rất nhiều tội nhân, nhờ thống hối ăn năn trở về với Thiên Chúa nên đã được lên Thiên Đàng, các Ngài trở thành thánh, nghĩa là trở nên gương mẫu cho mọi người chúng ta noi theo, ví dụ: Kẻ trộm lành, Thánh Maria Mađalêna, Thánh Augustinô, thánh Phêrô...
Thứ ba, yêu thương anh em. Yêu thương là chu toàn lề luật. Yêu thương nhau là thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu. Trong ngày phán xét chung, Chúa Giêsu, vị thẩm phán chí công sẽ dựa vào điều này như là tiêu chuẩn, là giấy thông hành để nhận hay không nhận chúng ta vào Thiên Đàng (x. Mt 25, 31- 46).
Bởi vì: Ai yêu thương thì đi trong ánh sáng (x. 1Ga 2,9), đi trong ánh sáng thì chắc chắn sẽ đến cùng Thiên Chúa là nguồn gốc của ánh sáng. Ánh sáng đó chính là Thiên Đàng. Còn ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối (x. 1Ga 2,9-10), đi trong bóng tối là đi theo đường lối của ma quỷ và chắc chắn sẽ không thể tìm thấy ánh sáng vĩnh cửu trên Thiên Đàng.
Yêu thương là dấu chỉ của sự sống thiêng liêng. "Chúng ta biết rằng: Chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương nhau" (1 Ga 3,14).
Yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa, chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, Ngài nói: "Cứ dấu này mà mọi người nhận ra anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau" (Ga 13,35).
Như vậy, ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa, và ở đâu có Thiên Chúa thì ở đó có Thiên Đàng. Trên Thiên Đàng người ta sống bằng Tình Yêu.
Khi nói về sự khác nhau ở Thiên Đàng và Hoả Ngục, người ta tưởng tượng câu chuyện sau đây: Cả Thiên Đàng và Hỏa Ngục đều dùng bữa với thức ăn như nhau trong một khung cảnh giống hệt nhau, trong đó mỗi người phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Trên Thiên Đàng mọi người không tự gắp thức ăn cho mình, mà lại gắp thức ăn cho người khác. Vì thế, ai cũng ăn được no. Còn những người trong hỏa ngục thì chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn đút vào miệng mình, mà đũa thì dài nên chẳng ai có thể đút được thứ gì vào miệng mình. Thế nên ai cũng đói, đến khi hết giờ ăn mà họ vẫn cứ đói, vì thế nên họ chỉ biết gây gỗ và căm thù nhau.
Thứ tư, chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng. Chúa Giêsu đã lên trời sau khi chu toàn bổn phận Chúa Cha trao phó. Mỗi người kitô hữu chúng ta muốn được lên Thiên Đàng cũng phải chu toàn bổn phận Chúa Giêsu trao phó. Đó chính là bổn phận loan báo Tin mừng. Trước khi về trời Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,17). Như vậy, loan báo Tin Mừng là lệnh truyền. Lệnh truyền thì bắt buộc người thừa lệnh phải tuân giữ. Công đồng Vatican II khẳng định: “Loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Chúa Kitô” (x. Sắc lệnh Ad Gentes, số 4;16) và đó cũng là bản chất của mỗi người kitô hữu chúng ta. Chúng ta hãy chu toàn bổn phận đó trong gia đình và nơi mọi môi trường chúng ta sống: Vợ chồng loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá đời sống gia đình bằng cách chu toàn bổn phận yêu thương, chung thuỷ, sinh sản và giáo dục con cái. Giáo viên, học sinh, sinh viên loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá trường học. Công nhân viên chức, bác sỹ, y tá loan báo Tin mừng bằng cách hãy Phúc Âm hoá công sở, bệnh viện…Tóm lại, dù ở đâu, trong cương vị nào chúng ta hãy trở thành những cuốn Tin Mừng sống để qua chúng ta mọi người nhận biết Chúa và được lãnh nhận ơn cứu độ. Bởi vì, Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).
Chúa Giêsu đã từng nói: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Đó chính là sức mạnh của sự gìn giữ mình vô tội. Đó là sức mạnh của sự hy sinh từ bỏ tính mê nết xấu tội lỗi. Đó là sức mạnh của yêu thương tha thứ. Đó là sức mạnh của việc chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng. Xin cho mỗi người chúng ta biết cố gắng gìn giữ mình khỏi mắc tội, nhưng nếu sa ngã phạm tội thì hãy cố gắng thống hối ăn năn, đồng thời biết sống yêu thương tha thứ và chu toàn bổn phận loan báo Tin mừng để ngày sau được lên Thiên Đàng. Amen.
10. Có những trang mạng mở lối vào đức tin
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Vào đời Vua Hùng Vương Thứ Sáu có nạn giặc Ân bên Tàu. Chúng cậy thế mạnh nên hay sang quấy nhiễu nước ta. Vua truyền hịch đi khắp nơi để tìm người tài giỏi giúp nước diệt giặc.
Bấy giờ ở làng Phù Đổng có một cậu bé đã 3 tuổi mà chỉ nằm ngửa không nói được một lời nào. Nghe sứ giả nhà vua rao hịch tìm người tài diệt giặc, cậu liền nhờ sứ giả xin với Vua, đúc cho cậu một cây roi sắt và cấp cho cậu một con ngựa bằng sắt, để cậu đi đánh đuổi ngoại xâm. Nghe lời người hiền tài nhắn gởi, Vua thuận ý. Cậu bé liền vươn vai thành người to lớn, khỏe mạnh. Cậu đứng dậy, cầm roi sắt, nhảy lên yên ngựa, oai phong đi đánh giặc Ân. Dẹp xong giặc, cậu phóng ngựa lên núi Sóc Sơn rồi về trời. Vua nghĩ là thiên thần của trời cao xuống trần cứu giúp nên liền xây một đền thờ gọi là đền Phù Đổng Thiên Vương để tạ ơn và tưởng nhớ.
Câu chuyện huyền sử nói lên khát vọng của một dân tộc nhỏ bé luôn bị ngoại bang quấy nhiễu. Một tiểu quốc hiền hòa trước một đại hán bá quyền bành trướng. Vì thế mà ước mơ có được sứ thần từ trời cao đến cứu giúp. Một khát vọng ngàn đời, được tự do và độc lập, được công lý và dân chủ.
Con người mọi thời đại luôn khát khao bay lên trời. Đi dưới đất, ngược xuôi trên biển trên sông, con người luôn ước vọng, phải làm sao lên được trời cao. Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng.
Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi những phi hành gia bay vào vũ trụ. Và chuyến bay nào rồi cũng phải trở về trái đất.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Người hồi hương trong vinh quang phục sinh và “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).
Chúa Giêsu lên trời, một cảnh tượng thật huyền diệu. Thân xác Người nhẹ bay lên cao. Tay Người ban phúc lành cho các tín hữu. Dáng Người nhỏ dần và hòa biến vào không gian vô tận.
Trên trời cao, các thiên thần và triều thần thiên quốc đang tụ họp tổ chức nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ: “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên. Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai? Chính là Thiên Chúa hùng dũng uy linh”.
Đoàn tùy tùng theo Chúa về trời đông vô kể, các thánh thời Cựu Ước, các tổ phụ, các tiên tri, các người công chính…đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa. Đặc biệt có thánh cả Giuse, thánh Gioan Tiền hô, Tổ phụ Abraham, Giacop, Môisê, thánh Giop, vua Đavid, các tiên tri, hân hoan cung nghinh Đấng Phục Sinh khải hoàn về thiên quốc.
Trên núi Cây Dầu cả cộng đoàn môn đệ đang ngây ngất chiêm ngưỡng, tâm trí như mất hút vào không gian vô tận, lòng rộn rã hân hoan: “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi cao kèn sáo, đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân, ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv 47, 2-3, 6-9).
Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.
Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.
Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.
Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Xuân Diệu đã diễn tả chân lý ấy cách sâu sắc: Hai người tình ngồi sát bên nhau, ôm lấy nhau mà vẫn còn thấy rất xa xôi. Những người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Thiền sư Suzuki rất tâm đắc với huyền nhiệm này khi viết: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn là người. Quả thật,đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học.
Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống,dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.
Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày lễ Thăng Thiên gắn liền với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Vì thế, Ngày Thế Giới Truyền Thông gắn liền với sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.
Trong Sứ điệp truyền thông 2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khuyến khích những ai làm công tác truyền thông hãy xây dựng những trang web và mạng xã hội: “Có thể giúp con người ngày nay tìm được thời giờ suy tư và tìm hiểu những vấn đề thiết yếu, cũng như tạo khoảng trống cho thinh lặng và cơ hội cầu nguyện, suy niệm, chia sẻ Lời Chúa”. Giáo Hội tìm cách hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào trong “nền văn hoá mới này” do những những phương tiện truyền thông xã hội tạo nên với những ngôn ngữ mới, những kỹ thuật mới và với những cách cư xử mới.
Tiếp nối định hướng đó, Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 47 năm nay, ĐGH Bênêđictô viết sứ điệp truyền thông với chủ đề “Mạng lưới xã hội: Chân lý và Đức Tin; không gian mới cho việc Truyền bá Tin Mừng”. Lời mở đầu, ngài viết: “Tôi muốn xem xét việc phát triển các mạng xã hội kỹ thuật số đang góp phần rõ ràng tạo nên một “agora” (quảng trường) mới, một không gian công cộng mở, nơi đó con người chia sẻ các ý tưởng, thông tin, ý kiến, và cũng là nơi phát sinh những mối tương quan và hình thái cộng đồng mới”. Đức Thánh Cha nhận định tính tích cực của các trang mạng xã hội: “Các mạng xã hội, ngoài việc là một phương tiện loan báo Tin Mừng, còn có thể là một yếu tố phát triển con người. Chẳng hạn, trong một số bối cảnh địa lý và văn hóa mà các Kitô hữu cảm thấy bị cô lập, các mạng xã hội có thể giúp họ cảm thấy vẫn hiệp nhất thực sự với cộng đoàn Kitô hữu khắp thế giới. Những trang mạng tạo thuận lợi cho việc chia sẻ các nguồn tài liệu đạo đức và phụng vụ, giúp con người có thể cầu nguyện với cảm giác thấy mình gần gũi với những người cùng một niềm Tin”.
Có nhiều trang mạng dẫn lối vào Đức Tin: “Trong thế giới kỹ thuật số, có những trang mạng xã hội mang lại cho con người ngày nay những dịp để cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa. Những trang mạng này cũng có thể mở những cánh cửa dẫn vào những chiều kích khác của đức Tin. Quả thật, nhờ gặp gỡ trước trên mạng, nhiều người đã khám phá tầm quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp, những kinh nghiệm của cộng đoàn, và cả việc hành hương, là những yếu tố luôn luôn quan trọng trong hành trình đức Tin. Bằng cách cố gắng đưa Phúc âm hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, chúng ta có thể mời gọi mọi người cùng cầu nguyện hoặc cử hành phụng vụ tại những nơi chốn cụ thể như nhà thờ, nhà nguyện. Trong bất cứ hiện thực nào của cuộc sống mà chúng ta được mời gọi tham dự, dù đó là không gian vật lý hữu hình hay trong thế giới kỹ thuật số, không được thiếu đi sự gắn bó và hiệp nhất khi diễn tả đức Tin và làm chứng cho Tin Mừng. Khi gặp gỡ tha nhân, chúng ta đều được kêu gọi bằng mọi cách phải làm cho tình yêu Thiên Chúa được nhận biết đến tận cùng trái đất”.
Đứng trước một lục địa mênh mông như Châu Á, làm sao có đủ nhân lực và phương tiện để đưa Tin Mừng đến từng nhà? Đây là câu trả lời đích xác: “Giáo Hội cần khám phá những cách thế để tận dụng mọi phương tiện truyền thông đại chúng vào kế hoạch mục vụ và hoạt động mục vụ, nhờ biết sử dụng cách hữu hiệu mà sức mạnh của Tin Mừng có thể đến và tiếp xúc một cách rộng rãi với từng cá nhân cũng như với toàn cả các dân tộc, đưa các giá trị của Nước Trời thâm nhập vào các nền văn hóa của Châu Á”. (x.Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 48).
Cho dù phương tiện truyền thông hiện đại tới mấy, nhân lực vẫn là yếu tố quan trọng. Sức mạnh của truyền thông cũng phải phát xuất từ đức tin, chứ không từ những kỹ thuật. Đức tin mạnh mẽ là nhờ chiêm niệm: “Trong thinh lặng, tư tưởng phát sinh và có được chiều sâu. Trong thinh lặng, chúng ta hiểu rõ hơn điều mình muốn nói và muốn người khác đón nhận. Trong thinh lặng, chúng ta tìm cách diễn tả chính mình tốt hơn”. (Sứ điệp Truyền Thông 2012).Giữa những ồn ào của truyền thông hôm nay, lời rao giảng Tin Mừng qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet muốn đạt mục đích và kết quả như mong muốn cần có tĩnh lặng: “Trong thinh lặng của chiêm niệm, Lời hằng hữu hiện diện cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và chúng ta khám phá ra kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong suốt lịch sử bằng lời nói cũng như hành động” (Sứ điệp Truyền Thông 2012). Mỗi người Kitô hữu, nhờ thinh lặng, lắng nghe được tiếng Chúa và đi vào cuộc giao tiếp với Chúa, chúng ta mới có thể truyền thông Lời Chúa cho người khác. Chỉ có những người tin thực sự và mãnh liệt mới có thể làm cho Tin Mừng đến với mọi người.
Mỗi Kitô hữu là chi thể của Giáo Hội,thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta cũng là những cánh tay mở rộng của Chúa Kitô, nhờ đó Người không ngừng trao ban tình thương, ơn cứu độ và hạnh phúc cho mọi người. Chúa về trời, chúng ta vào đời làm chứng nhân của Tin mừng cứu độ và loan báo tin vui, mai này chúng ta cũng sẽ về nhà Cha trên trời.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam