Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 42

Tổng truy cập: 1378649

SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH

SỨ VỤ RAO GIẢNG TIN MỪNG PHỤC SINH- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Niềm vui và hạnh phúc bình an cùng sứ mạng rao giảng Tin mừng Chúa Phục sinh mà Chúa Giêsu Phục sinh đem lại cho các môn đệ thực là lớn lao. Đức Giêsu bị đóng đinh thập giá và chôn táng trong mộ hôm qua không vĩnh viễn xa cách các môn đệ mà người đã Phục sinh vinh quang và hiện đến rạng rỡ với các ông. Ngôi mộ không thể giữ mãi Chúa Giêsu mà người đã bước ra khỏi mộ vinh quang mạnh mẽ và đến với các môn đệ. Niềm vui thực là ngỡ ngàng và lớn lao. Trong khi tâm trạng của các môn đệ còn sợ hãi vì những sự kiện khổ nạn thập giá vừa mới xảy ra, các ông còn co ro trong căn phòng đóng kín cửa vì sợ những người do thái, thì Chúa Giêsu đã hiện đến đứng giữa các ông và nói : « Bình an cho các con ». Lời chúc bình an vẫn là lời chào chúc thân quen của thầy Giêsu giờ đây lại trở về, và các môn đệ được tiếp xúc với thầy một cách mới mẻ, cũng là thầy Giêsu như ngày nào, nhưng nay đã Phục sinh vinh quang và lời chào bình an của Chúa Giêsu còn kèm theo những cử chỉ thân tình : người cho các ông xem tay và cạnh sườn của người, và nhất là người ban tặng Thánh Thần cùng với lời sai đi : « Bình an cho các con, như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».

Sự hiện diện của Chúa Phục sinh thực là mới mẻ, vì người có thể đến với các môn đệ, người tỏ mình cho các ông được xem thấy người, người không còn bị giới hạn bởi những điều kiện vật lý của thế giới con người nữa. Người tỏ mình cho các môn đệ, hiện đến với thân xác của người, người chỉ cho các ông xem những vết thương, vết đinh và vết lưỡi đòng. Vẫn là thầy Giêsu của hôm qua nhưng giờ đây đã phục sinh. Không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự Phục sinh vinh quang với thân xác đã được biến đổi. Thập giá và cuộc khổ nạn là giờ vinh quang của người như lời người đã báo trước với các môn đệ nhiều lần, giờ người được tôn vinh và bước vào sự Sống lại của đời sống vĩnh cửu. Vì thế lời chúc bình an của người giờ đây là lời chúc hiệu quả, đó là ân sủng của ơn cứu độ, ân sủng ban tặng niềm vui bình an, sức mạnh và sứ vụ rao giảng. Người thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ cũng chính là Thánh Thần của người, Thánh Thần mà người vẫn hằng được chia sẻ với Chúa Cha cùng với lời sai đi : « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ».

Việc Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc báo cho các môn đệ là người không còn chết nữa mà hướng đến sứ vụ được sai đi và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh và công bố ơn cứu độ cho mọi người. « Như Cha đã sai thầy, thầy cũng sai các con ». Chúc Phục sinh hiện đến trao ban sứ vụ cho các môn đệ. Sứ vụ này có nền tảng vững chắc từ Chúa Cha. Chúa Cha là Đấng đã sai Đức Giêsu thế nào, thì giờ đây thầy Giêsu cũng sai các môn đệ của người như vậy, cùng với sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa. Các ngài được sai đi để tiếp nối công việc thầy Giêsu, các ngài lãnh nhận Thánh Thần của Thiên Chúa, các ngài sẽ nói lời tha thứ và cầm buộc như chính thầy Giêsu đã nói lời tha thứ cho các tội nhân. Như thầy Giêsu đã lãnh nhận Thánh Thần và đã hoạt động đầy quyền năng thế nào, thì các môn đệ cũng lãnh nhận Thánh Thần và được sai đi đầy quyền năng. Các ngài có quyền tha tội, thanh tẩy tội lỗi của người khác với quyền năng Thánh Thần của Đấng Phục sinh. Thánh Thần của Đấng Phục sinh hiện diện trong những hoạt động và lời nói của các ngài đến độ khi các ngài tha thứ tội lỗi cho người khác hay cầm buộc tội lỗi của họ, thì chính Thiên Chúa cũng cầm buộc và tha thứ. Ân sủng của Chúa Giêsu Phục sinh tuôn trào qua hoạt động Thánh Thần của người nơi các môn đệ là những người đã tin và theo thầy Giêsu.

Tôma là một khuôn mặt tông đồ không có lòng tin vào sự Phục sinh của thầy Giêsu. Trong khi các môn đệ khác đã bắt đầu sống trong niềm vui của sự Phục sinh thì Tôma vẫn như đứng bên lề mọi diễn biến, không muốn cùng chia sẻ niềm vui Phục sinh với các bạn đồng môn khác của mình, thái độ của ông là thái độ muốn điều gì cũng phải rõ ràng, trung thực, không tưởng tượng hay giả tạo để rồi sai lầm. Chúa Giêsu lại hiện ra một tuần sau và thỏa mãn những đòi hỏi của ông, và Tôma đã tìm lại được lòng tin vào thầy Giêsu Phục sinh. Ông đã nói lên lời tuyên xưng mạnh mẽ : « Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi ». Lời tuyên xưng của Tôma được xem như đỉnh cao của toàn bộ Tin mừng, tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Tôma đã có khoảng khắc cứng lòng tin, nhưng rồi ông đã tìm lại được lòng tin khi được chính Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho ông. Thái độ của Tôma không phải là mẫu mực, mà Chúa Giêsu còn mời gọi mọi người hãy có một thái độ mới mẻ đứng trước sự Phục sinh. Phục sinh là hồng ân sự sống của Thiên Chúa mời gọi con người bước vào tương quan chân thực và thân mật với Chúa Giêsu, vượt qua những giới hạn của những đòi hỏi duy lý để tin tưởng và đón nhận bình an và Thánh Thần : « Phúc cho những ai không thầy mà tin ». Thấy mà tin là điều bình thường, nhưng không thấy mà tin mới là điều cần thiết và đòi hỏi hơn. Tôma như muốn bảo vệ cho quan điểm của mình là phải thấy mới tin, nhưng Tin mừng Gioan muốn nhấn mạnh lòng tin không đơn thuần phải là thấy với thái độ thực nghiệm thỏa mãn mòi đỏi hỏi khả giác, lòng tin còn dựa vào lời rao giảng của thầy Giêsu vào lời chứng của Thánh Kinh cũng như lời chứng của các tông đồ đệ khác hơn là chỉ đóng kín trong những đòi hỏi chủ quan của mình.

Cộng đoàn các Giáo hội đầu tiên là cộng đoàn mới, được sinh ra từ lòng tin vào sự Phục sinh của Đức Giêsu và lời rao giảng của các tông đồ. Cộng đoàn này trở nên mẫu mực của mọi cộng đoàn Giáo hội. Mọi người đều hợp nhất trong lòng tin và thực hành lòng bác ái. Mọi người yêu thương nhau và chia sẻ mọi sự làm của chung đến độ không ai túng thiếu điều gì. Tình bác ái của các ngài đậm đà đến mức độ mọi người đều được yêu thương, và mọi người đều sốt sắng chia sẻ của cải của mình cho mọi người. Lòng tin vào Chúa Phục sinh phải thực sự biến đổi mỗi người, làm cho chúng ta biết mạnh mẽ thực hành các giới răn của Thiên Chúa. Thánh Gioan luôn nối kết lòng tin của người tín hữu và đời sống luân lý. Đời sống luân lý này có nền tảng là giới răn của Thiên Chúa và lòng tin không phải chỉ là tình cảm nồng nhiệt mà còn phải được biểu lộ trong đời sống, hiện tại hóa nơi những việc làm và chọn lựa của mỗi người. Chính khi đó, người tín hữu là những người tin vào Chúa Giêsu Phục sinh là Đấng đã chiến thắng thế gian bằng chính cái chết đẫm máu của người trên thập giá : « cứ dầu này chúng ta nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn của người ».

Lòng tin luôn vượt quá những gì chúng ta có thể chứng minh. Lòng tin vào Chúa Giêsu Phục sinh mời gọi chúng ta phải dấn thân tin tưởng và hoán cải để có thể gặp được Đấng Phục sinh vẫn đang hiện diện trong đời sống mỗi người chúng ta. Đấng Phục sinh vẫn hiện diện với mỗi người và đồng hành với mỗi người trong những khó khăn vất vả của cuộc đời. Thách đố của tin mừng Phục sinh mời gọi chúng ta ra khỏi sự đóng kín và sợ hãi của mình để tin tưởng và dấn thân theo Chúc Phục sinh cùng với cộng đoàn Giáo hội.

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH- Năm B

ĐỨC TIN LÀ MỘT ÂN BAN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA-  Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Người Công Giáo Việt Nam chúng ta thường hay nhận xét một biến cố hay một nhân vật nào đó, ít có mấy người để ý đến điều đang tiềm ẩn đằng sau những mặt nổi hay chiều sâu bên trong nơi những con người mà ta nhận xét. Vì thế, nhiều khi chúng ta khá chủ quan để kết luận một vấn đề, nên dễ dẫn đến chuyện đóng khung sự kiện hay đối tượng mà ta đánh giá trong một khoảng tham chiếu rất phiến diện dựa trên chuẩn mực mà chính ta đưa ra….

Với thánh Tôma mà hôm nay Tin Mừng nhắc đến, ngài cũng chịu sự nhận xét khá tiêu cực của nhiều người trong chúng ta, qua cái nhìn và lối suy diễn rất hiện sinh: “Tôma, vị Tông đồ cứng lòng tin”.

Tuy nhiên, dưới ánh sáng Lời Chúa và ân sủng do lòng thương xót của Người, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng nơi câu chuyện Tin Mừng ngang qua nhân vật và cách biểu cảm của thánh Tôma.

Tiến trình căn bản của đức tin

Đức Tin là một ân ban của lòng thương xót Chúa cho ai thì người đó được. Điều này đã được Đức Giêsu dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha khi nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Quả thật, không phải ai muốn mà được, nhưng còn phải được chính Thiên Chúa là người dẫn lần ta đến với đức tin như chính thánh Phaolô đã viết: “Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29).

Tuy nhiên, đức tin ấy không thể trưởng thành mà không có môi trường, không có cộng đoàn. Vì thế, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được lãnh nhận hồng ân đức tin ấy trong tương quan và ngang qua cộng đoàn.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở một bầu khí đức tin cộng đoàn thì chưa đủ, mà nó lại phải trở về với mối tương quan cá vị giữa ta với Chúa, để đức tin của chúng ta mang tính cá biệt với Thiên Chúa, rồi sau đó trở về hòa nhập với cộng đoàn để được lớn mạnh.

Đây cũng là tiến trình đức tin của Tôma mà Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta.

Niềm tin của thánh nhân vào Đức Giêsu, Đấng Phục sinh được khai mào từ lời chứng của cộng đoàn: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” (Ga 20,25). Đây là lời klhẳng định của các Tông đồ khi Tôma vắng mặt trong biến cố Đức Giêsu hiện ra với các ông vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi sống lại từ cõi chết.

Với Tôma, một người hiện sinh về việc tìm tòi cốt lõi của vấn đề, thì lời chứng của cộng đoàn chỉ đóng một vai trò dẫn đường để đưa ngài tới chỗ chính mình phải là người chủ động cảm nghiệm trực tiếp vấn đề mang tính cá vị: “Nếu tôi không thấy tôi không tin” (x. Ga 20, 25). Qua câu nói này của thánh Tôma, chúng ta nhận thấy ngài là một con người ngay thẳng, chân tình và rất thực tế.

Chính vì điều này mà Đức Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót đã mặc khải trực tiếp khi tỏ tình thương đối với vị Tông đồ này cách đặc biệt sau 8 ngày.

Quả thế, khi hiện ra với các Tông đồ lần này, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma, nên Ngài đã lên tiếng: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20, 27). Đứng trước lòng thương xót của Đấng mà thánh nhân đang đi tìm, ngài đã không dám thực hành điều đã nói với các Tông đồ là: sỏ tay vào vết đinh, thọc tay vào cạnh sườn…, mà ngay lập tức, ông đã quỳ mọp xuống và tuyên xưng niềm tin của mình các mạnh mẽ mang tính cá vị và tuyệt đối: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20, 28) . Đây là đỉnh cao của lời tuyên tín Phục Sinh nơi Tôma.

Nhờ vào lòng thương xót của Đức Giêsu cách đặc biệt, nên cũng từ đây, Tôma nhận ra một chân lý rằng: tin rồi mới thấy cách trọn vẹn. Thấy Đấng Phục Sinh thì cũng thấy Đấng là Thầy của mình trước đó. Thấy Đấng Phục Sinh cũng là thấy Thiên Chúa của mình. Điều này đã đem lại một sự mãn nguyện mang tính tuyệt hảo và hạnh phúc viên mãn của Tôma.

Đức tin của mỗi chúng ta

Từ những trải nghiệm đức tin của thánh Tôma, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta xem lại những xác tín và biểu hiện đức tin của mỗi người.

Thật vậy, chúng ta khám phá ra một chân lý rằng: Đức tin không chỉ một phía từ Thiên Chúa ban, cũng chẳng phải do sự cố gắng thuần túy cá vị, mà nó được kết hợp cả hai từ trên xuống dưới, tức là do lòng thương xót của Thiên Chúa ban nhưng không cũng như nghị lực rất cố gắng của mỗi người và được nuôi dưỡng bởi cộng đoàn. 

Điều này lý giải cho chúng ta thấy rằng: nếu bất kể cái gì ta cũng thuần phục và gán cho ơn thánh thì sẽ rơi vào tình trạng: “Kính nhi viễn chi” hay không bao giờ dám bàn luận và cũng chẳng cần phải đào sâu hơn nữa, bởi lẽ “mọi chuyện đã rồi” nên chỉ tin mà thôi. Tin như thế, có thể rơi vào tình trạng cả tin rồi lại chẳng tin! Nó giống như số phận của những hạt giống bên bụi gai, vệ đường và đá sỏi.

Còn nếu dựa vào lý trí thuần túy, chúng ta có thể rơi vào trạng thái phỏng chiếu đức tin của mình trên những gì mắt thấy, tai nghe, hay cân đo đong đếm được và phải đáp ứng nhu cầu thỏa mãn sự hiếu tri. Nếu lấy điều này làm tiêu chuẩn, chúng ta rất có thể rơi vào sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, vô cảm và bất tín giống như những Kinh sư và người Pharisêu.

Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tập thể, tức là đức tin của tôi phụ thuộc vào cộng đoàn, thì đức tin mạnh mẽ hay là yếu ớt của cộng đoàn cũng là tâm thức của tôi. Tin như thế, không chừng chúng ta đang lấy cộng đoàn làm bình phong hay ngụy biện cho sự hời hợt, giả tạo và hình thức của mình. Điều này có nguy cơ rơi vào tình trạng: “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Rất giống như đám đông dân chúng trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta một kinh nghiệm được lấy từ mẫu thức của thánh Tôma.

Trước tiên, đừng cả tin mọi chuyện. Cần phải suy thấu dựa trên ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, Giáo Huấn của Giáo Hội. Lấy Lời Chúa làm nền tảng, Giáo Huấn của Giáo Hội làm điểm tựa cho niềm tin của mình.

Thứ hai, “đừng cứng lòng, nhưng hãy tin!” điều này soi sáng cho chúng ta: Không phải bất cứ cái gì cũng đo lường được bằng đơn vị định lượng của khoa học, nhưng nhiều khi nó còn được đo bằng từ ánh mắt đến trái tim, từ lòng với lòng. Bởi lẽ, nhận thức của con tim đôi khi khác hoàn toàn với nhận thức của lý trí.

Cần nắm vững điều căn cốt của đức tin chính là: vun đắp, cộng tác với ơn thánh của Thiên Chúa để đức tin do lòng thương xót của Người ban được lớn lên trong tâm hồn, đồng thời làm sao cho đức tin của mình được chung nhịp đập với đời sống đức tin của cộng đoàn.

Cuối cùng, đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng trong mối tương quan cá vị từng người, để qua đó, ta mới có đủ cảm thức và nhạy bén thực sự với ơn Chúa và hòa nhập được với đời sống cộng đoàn. Có thế, chúng ta mới vươn tới một đức tin vừa mang tính khả giác, vừa mang chiều kích ân sủng và mầu nhiệm. Điều ta muốn thấy mà không thấy thì hãy bắt đầu bằng đức tin, để từ đó, đức tin sẽ dẫn ta đến điều ta không thấy và điều ta không thấy mà tin sẽ đem lại cho mình hạnh phúc trọn vẹn như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã tỏ lòng thương xót đến thánh Tôma. Xin Chúa cũng thương xót đến chúng con như Chúa đã thương xót đến thánh Tôma khi xưa. Tất cả những ước nguyện đó, con xin tín thác nơi lòng thương xót Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ