Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1379586

SUY NIỆM

Suy niệm

Đây là lời phê bình ngắn gọn về các bài đọc trong ngày lễ này: Bài đọc 1: Samuen là một đứa trẻ rất đặc biệt. Bà Anna nhìn thấy con trai mình như là một ân sủng đến từ Thiên Chúa, một dấu hiệu về đặc ân mà Thiên Chúa dành cho bà. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên, khi bà dâng hiến con trai bà cho Chúa. Đến kỳ hạn, Samuen tự mình thực hiện việc hiến thân đó, và tiếp tục đóng vai trò chính yếu trong lịch sử Israen.

Thật vậy, mỗi đứa trẻ đều là quà tặng của Thiên Chúa. Tất cả các bậc cha mẹ đều có hy vọng và mơ ước cho con cái của họ. Nhưng cha mẹ không thể xác định được tương lai của con cái. Con cái phải tìm kiếm con đường của bản thân chúng. Ngoài ra, có thể Thiên Chúa có những kế hoạch khác dành cho chúng ta, trái ngược với kế hoạch của các bậc cha mẹ.

Tin Mừng: Bài đọc này kể lại câu chuyện về con trẻ Giêsu 12 tuổi tại Giêrusalem. Bài đọc này cho thấy rằng sự hiểu lầm vẫn có thể xảy ra, ngay cả trong những gia đình tốt lành nhất. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng Chúa Giêsu bị thất lạc tại Đền thờ. Nhưng Chúa Giêsu không bị thất lạc tại Đền thờ. Nói đúng hơn, Người ở nhà của Người tại đó. Chính tại nơi đó, Người bắt đầu tìm kiếm bản thân, và phát hiện được căn tính đích thực của mình. Người không chỉ là con của Đức Maria, mà còn là Con duy nhất của Thiên Chúa nữa.

Những tâm hồn cô đơn, lạc lõng, không nhà đã đến với nhà của Thiên Chúa, hầu như do tình cờ, họ đã đến đây, cảm thấy nơi đó như ở nhà mình, tìm được sự bình an và gặp được chính bản thân mình tại đó. Bất kể thế giới có thể nghĩ gì về chúng ta, khi ở trong nhà của Thiên Chúa, chúng ta biết rằng mình là những người con trai và con gái của Thiên Chúa.

Bài đọc 2: Chúa Giêsu có căn tính kép, Người vừa là con của Đức Maria, và cũng vừa là Con của Thiên Chúa. Chúng ta cũng có căn tính kép. Chúng ta không chỉ là con của cha mẹ chúng ta, mà còn là con cái của Thiên Chúa nữa. Thánh Gioan nói rất rõ ràng về điều này. Chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.

Chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Chúng ta không cần phải làm gì, để đạt được tình yêu của Thiên Chúa. Chính bản thân chúng ta đã đủ để Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Chính sự hiện hữu của chúng ta là một dấu hiệu về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Con cái đáp ứng lại tình yêu của cha mẹ bằng cách vâng lời cha mẹ. Cách chúng ta đáp ứng lại tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, là tuân theo những huấn lệnh của Người, đặc biệt là giới răn yêu thương.

Trong sự kiện Chúa Giêsu bị thất lạc và tìm thấy ở Đền thờ, chúng ta nhận ra được tình yêu thương mà Đức Maria và thánh Giuse dành cho Chúa Giêsu. Sau đó, Người trở về nhà Nagiarét cùng với các ngài và vâng lời các ngài.

Mái nhà là một nơi mà trong đó, chúng ta được chấp nhận như là chính con người của mình, với những mặt mạnh và mặt yếu của chúng ta. Sự chấp nhận theo kiểu này giúp chúng ta có được khả năng để phát triển, với tư cách là con người nhân loại và là con cái Thiên Chúa.

Trong bài tường thuật của thánh Luca về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Đức Maria là người duy nhất sẽ hiện diện trong sứ vụ công khai của Người, và cho đến tận lúc bắt đầu có Giáo Hội. Mẹ được giới thiệu cho chúng ta như là gương mẫu của người Kitô hữu.

 

48. Noi gương.

Ngày hôm nay chúng ta cùng họp nhau đây mừng kính lễ Thánh Gia. Vậy các em có hiểu chữ Thánh Gia là gì không? Nghĩa là gia đình thánh. Vậy gia đình thánh gồm bao nhiêu người? Có ba người: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Gia đình thánh có thương yêu nhau không? Chắc chắn là có rồi. Các em vừa nghe Tin Mừng kể gì về gia đình thánh này? Có phải là các ngài hành hương lên đền thờ Giêrusalem, rồi khi trở về thì lạc mất Chúa, khiến thánh Giuse và Đức Mẹ phải chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm đến ba ngày mới thấy. Thế rồi khi gặp được Chúa Giêsu, Đức Mẹ chỉ hỏi: tại sao con làm cho cha mẹ phải lo lắng kiếm tìm? Và sau đó, các ngài trở về Nagiarét chứ không hề thấy Tin mừng nói thánh Giuse và Đức Mẹ la mắng Chúa Giêsu phải không?

Chắc hẳn các em nói rằng: nếu chúng mình mà như vậy thế nào cũng bị ba mẹ đánh đòn, hay ít ra cũng bị mắng cho một trận nên thân. Chúa Giêsu thật sướng, cha mẹ Ngài hiền quá và thương Ngài quá. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy ba mẹ chúng ta cũng rất hiền và cũng rất thương chúng ta. Có cha mẹ nào mà chẳng thương đứa con mình đã sinh ra và nuôi lớn với biết bao vất vả nhọc nhằn: Suốt cả cuộc đời mỗi người chúng ta từ khi sinh ra cho đến khi lớn khôn, lúc nào cũng được cha mẹ yêu thương, ân cần chăm sóc, dạy dỗ. Có ai trong chúng ta không được hưởng những lời ru êm ái của mẹ đâu: Dù ta đi trọn kiếp người, cũng không đi hết những lời mẹ ru. Ngoài mẹ ra, chúng ta còn có ba nữa. Và với ba thì có lẽ còn vui hơn: ba làm tàu lửa, ba làm xe hơi, ba làm con ngựa để con cưỡi con chơi…Ít có người con nào lại không có niềm vui được cha cõng trên vai, tay chân nhún nhảy…Các em thấy đó, ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời cho con.

Vậy tại sao thỉnh thoảng ba mẹ cứ phải la rầy, có khi còn đánh mắng chúng ta nữa? Những lúc áy ba mẹ có còn thương chúng ta không? Chắc chắn là còn chứ. Các em thử nghĩ coi: một đứa trẻ hay gây gỗ, phá phách có được ai thương mến không? Không. Một em học sinh lười, có được thầy cô và bạn bè thương mến không? Cũng không luôn…Như vậy là vì không muốn chúng ta bị mọi người ghét bỏ mà ba mẹ phải la rầy. Không muốn chúng ta bị bệnh, bị tai nạn mà ba mẹ phải đánh đòn để chúng ta biết sửa lỗi…

Còn về Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay, tại sao không bị thánh Giuse và Đức Mẹ la mắng? Thứ nhất vì các ngài tìm được Chúa Giêsu trong đền thờ, như vậy là Chúa Giêsu rất ngoan, rất vâng lời. Ngài không chạy chơi ngoài đường như chúng ta. Thứ hai vì khi được hỏi Chúa Giêsu không hề chối quanh để chạy tội, nhưng Ngài nhận ngay: Con ở lại để lo việc của Cha Con, tức là việc của Chúa Cha. Như vậy Chúa Giêsu rất thật thà và đạo đức. Thứ ba vì khi tìm được Chúa Giêsu, các ngài thấy Chúa đang ngồi nghe và hỏi các thầy Rabbi. Như vậy Chúa Giêsu cũng rất chăm học phải không?

Các em thấy: một đứa trẻ vâng lời, thật thà, đạo đức và chăm học như vậy thì chẳng có lý do gì để cha mẹ phải la mắng cả. Vậy nếu các em muốn ba mẹ mình luôn hiền lành dịu dàng như thánh Giuse và Đức Mẹ, thì các em cũng phải luôn cố gắng sống ngoan ngoãn như Chúa Giêsu.

 

49. Lễ Thánh Gia Thất

(Suy niệm của Lm. Augustine Nguyễn Huy Tưởng)

Gia đình là nền tảng xã hội. Gia đình bền vững thì xã hội mới vững bền. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong một thời đại mà cơ chế gia đình đang bị lung lay. Một MC của một chương trình văn nghệ thời danh đã đọc một bức thư của một khán thính giả về dấu hiệu sự phản bội của người chồng và người phụ nữ đó kết luận: khi cầm giấy ly dị trên tay là như thấy thiên đàng.

Theo một thống kê đứng đắn thì tỉ số li dị của những người giữ đạo đàng hoàng là 1.7 phần nghìn. Cha Peyton một linh mục thời danh đã nói rõ: family prays, family stays: có nghĩa là khi có đời sống cầu nguyện thì gia đình sẽ vững bền.

Hôn nhân là một bí tích có nghĩa Chúa ban ơn đặc biệt cho vợ chồng để họ có thể yêu nhau và trung thành với nhau. Được bao nhiêu cặp vợ chồng khi có nguy hiểm li dị đã cầu nguyện để xin ơn trợ giúp hay là họ đã để cho tự ái và cơn nóng giận nhất thời lôi kéo đến những chuyện mà cả hai người không muốn xảy ra. Những thiếu niên phạm pháp hay có vấn đề đều do những gia đình cha mẹ không thương yêu nhau hay là đồng sàng dị mộng hay là giả vờ đóng kịch làm cha làm mẹ.

Nhìn vào gia đình Nazareth chúng ta thấy có những nhân đức về đời sống gia đình mà vợ chồng cần học hỏi. Trước hết theo Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi ngài viếng Nazareth đó là bài học của sự im lặng. Nói cụ thể hơn là sự bớt lời, kìm hãm những lời nói thô bỉ xúc phạm đến nhau: Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa không đời nào khê. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Im lặng còn có nghĩa chỉ nói những lời an bình yêu thương mang lại hạnh phúc. Có nhà tâm lý Việt nam kia cho rằng có ít là ba câu nói trong gia đình mang lại hạnh phúc nhưng người Việt nam ít nói nhất đó là câu nói: cám ơn, xin lỗi và khen tặng. Hình như người chồng cho rằng vợ phục vụ mình là bổn phận không cần phải cám ơn. Họ đâu có biết câu cám ơn đầu ngày hay khi nhận được sự phục vụ hay giúp đỡ là ánh sáng và niềm vui cho người phối ngẫu trong cả ngày sống. Có những người chồng hay cha còn quan niệm mình không bao giờ phải xin lỗi ai và vợ con phải xin lỗi mình. Và được bao nhiêu người cha Việt nam khi thấy con và vợ làm được cái gì mà biết khen tặng thực sự hay họ đã đổi họ thành họ Chê của người chàm? hay người Tây Ban Nha?

Im lặng còn có nghĩa trong mọi trường hợp phải dẹp bỏ những tình cảm lố lăng trong tâm hồn để lắng nghe tiếng Chúa và tuân thủ. Yêu nhau có nghĩa là cảm thông có cùng ý nghĩ và cùng tần số yêu thương? Yêu nhau còn có nghĩa là cùng nhìn về một hướng chính là Thiên Chúa là hạnh phúc của con cái. Thánh Giuse và Mẹ Maria làm mọi chuyện cho Chúa Giêsu. Vợ chồng cũng phải làm mọi việc cho Thiên Chúa và con cái là món quà Chúa ban.

Hiện nay nhiều vợ chồng công giáo còn cho con cái là cái nợ đời nên yêu con mà hình như là yêu mình và chỉ muốn con làm theo ý kiến độc đoán của mình không cần biết con có hạnh phúc hay không. Họ yêu con vì họ chứ không phải vì con cái. Và những người con cái chỉ cần bắt chước Chúa Giêsu: và người vâng lời các Đấng ấy là đủ vì cá không ăn muối cá ươn con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Con hư vì con không muốn tuân thủ những giáo huấn của cha mẹ. Có thể con cái học cao có bằng cấp hơn cha mẹ, nhưng Chúa cho cha mẹ kinh nghiệm và ơn sủng cần thiết cho việc giáo dục con. Cha mẹ đừng mặc cảm không dám dậy con mà hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm Thiên Chúa đã ban. Và con cái đừng quên rằng bằng cấp không mang lại sự khôn ngoan trong cuộc đời mà chính là cuộc sống và kinh nghiệm. Cái học thực tế là cái học tạo nên con người và cuộc sống có ý nghĩa đích thực chứ không phải mớ kiến thức chuyên môn để kiếm tiền qua ngày.

Hãy cầu nguyện và im lặng gia đình sẽ hạnh phúc. Và yêu thương nhau giữa vợ chồng con cái chính là chìa khoá của việc giáo dục. Khi con cái vợ chồng biết rõ vợ chồng con cái yêu thương nhau thì sự an toàn sẽ làm cho mọi người thăng tiến và hạnh phúc trong gia đình. Hãy nghe lời thánh tiến sĩ Augustinô: Yêu thương nhau đi rồi muốn làm gì thì làm: Ama et fac quod vis. Aimes et fais ce que tu veux.

 

50. Thánh Gia lên đền thờ – Lm. Augustinô SJ.

Đoạn Tin Mừng này đã cho chúng ta thấy Con Thiên Chúa đã sống mầu nhiệm nhập thể như thế nào. Khi chấp nhận làm người Do Thái, Ngôi Lời đã chấp nhận những luật lệ của Do Thái Giáo. Ngài đã chịu cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh, và Ngài cũng được đặt tên trong cùng ngày. Như thế Con Thiên Chúa đã thành người Do Thái. Ngài cũng có một tên như mọi người, tên Ngài là Giêsu. Ngoài ra, vì Đức Giêsu là con đầu lòng nên Ngài thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2). Cha mẹ Ngài phải chuộc con bằng cách nộp cho tư tế một số bạc (Ds 3,47-48). Ở đây thánh Luca không nói đến chuyện chuộc con, nhưng lại nói đến chuyện dâng Hài Nhi cho Chúa. Thực ra dâng con không phải là điều mà luật Môsê bó buộc phải làm, nhưng là do lòng sốt sắng. Sa-mu-en ngày xưa cũng được dâng như vậy (1S 1,22).

Chúng ta nhìn ngắm Đức Maria lên Đền Thờ để dâng lễ vật. Theo sách Lêvi 12,2-8, người phụ nữ sinh con trai bị coi là nhơ trong 40 ngày, còn sinh con gái thì bị nhơ 80 ngày. Trong thời gian đó, bà phải ở nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền Thờ. Sau thời gian đã định trên, bà phải đem đến cho tư tế Đền Thờ một con chiên một tuổi để làm lễ toàn thiêu và một con chim gáy hay một bồ câu non để làm lễ tạ tội. Nếu bà không đủ tiền mua chiên thì phải dâng một cặp bồ câu non hay là một đôi chim gáy. Đức Maria đã dâng lễ vật của người nghèo (c.24).

Ngày nay chúng ta có thể thấy những luật trên đây là khó hiểu, thậm chí khó chấp nhận. Nhưng Con Thiên Chúa đã đón lấy tất cả chỉ vì Ngài muốn là người và là người Do Thái. Ngài được cắt bì như dấu chỉ kết ước với Gia-vê, dù Ngài vẫn luôn là một với Gia-vê. Ngài được dâng cho Thiên Chúa dù Ngài đã thuộc trọn về Thiên Chúa. Thánh Luca muốn cho chúng ta thấy thánh Giuse và Mẹ Maria là những ngườ giữ Luật Chúa một cách nghiêm túc vì lòng nhiệt thành và yêu mến. Bốn lần Luca nói đến Luật, Luật Chúa hay Luật Môsê (cc.22.23.24và 27). Luật biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa và chi phối đời sống người tín hữu Do Thái. Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Maria, Đấng mà chúng ta tuyên xưng là người sinh hạ Con Thiên Chúa, lại chịu thanh tẩy khi sinh con như những người phụ nữ khác.

Cần phải có Thánh Thần mới nhận ra mầu nhiệm lớn lao đang toả sáng nơi Hài Nhi bé nhỏ, con của một đôi vợ chồng nghèo. Si-mê-on là người có Thánh Thần ở trên, ông được thúc đẩy lên Đền Thờ để gặp Đấng mà ông suốt đời ngóng đợi (cc.25-27). Nhờ Thánh Thần soi sáng, ông nhận ra Hài Nhi nghèo hèn chính là Đức Kitô. Ông bồng Ngài trong vòng tay, môi bật lên lời chúc tụng. Ông hạnh phúc và mãn nguyện vì đã được thấy Đấng là ơn cứu chuộc cho muôn dân, là ánh sáng cho dân ngoại, là vinh quang cho dân tộc Ít-ra-en (cc.29-32). Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày cũng cần có một đời sống đạo đức, gắn bó với Chúa và không để mình bị mê hoặc bởi tạo vật. Ông Si-mê-on là người công chính và mộ đạo. Còn bà nữ tiên tri Anna là một goá phụ, đã phụng thờ Chúa đêm ngày trong chay tịnh và cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ Chúa tưởng như tình cờ, nhưng có thể đó là kết quả của một sự chờ đợi và chuẩn bị dài lâu.

Gia Đình Của Ngôi Lời Làm Người

Khi làm người, Ngôi Lời đã sống trong một gia đình, có mẹ, có cha. Tuy thánh Giuse và Đức Maria không có tương quan xác thịt vợ chồng, nhưng tình yêu lại không bao giờ thiếu dưới mái nhà Na-da-rét. Chúng ta không biết nhiều về đời sống của Thánh Gia, nhưng trong các Tin Mừng thời thơ ấu theo thánh Mát-thêu và Lu-ca, chúng ta luôn luôn thấy Hai Đấng ở bên nhau trong mọi biến cố vui buồn. Chính thánh Giuse đã đưa Đức Maria đi Bêlem để đăng ký. Đoạn đường không phải là ngắn và dễ dàng đối với một phụ nữ đã gần ngày sinh nở. Chắc chắn cả hai đã phải bối rối và lo âu khi không tìm được một quán trọ ấm áp cho Hài Nhi chào đời. Thánh Giuse cũng cùng đi với Đức Maria lên Đền Thờ như trong đoạn Tin Mừng trên đây. Chúng ta cũng không quên việc thánh Giuse hộ tống Hài Nhi và Đức Mẹ trốn sang Aicập, sau đó lại đưa về Na-da-rét sinh sống ở đó. Một kỷ niệm khó quên là lần Đức Giêsu ở lại Đền Thờ khi Ngài 12 tuổi. Những ngày dài tìm kiếm trong lo âu và nước mắt của hai ông bà, và cả niềm vui khi gặp lại được con. Cuộc sống của Thánh Gia không phải là luôn luôn phẳng lặng, cũng có lúc tưởng chừng như có thể tan vỡ (Mt 1,18-19). Chúng ta thường nghĩ một người sống trọn vẹn cho Chúa thế nào cũng được hưởng một cuộc đời êm ả và tràn đầy may mắn. Xét theo cái nhìn của người đời thì Mẹ Maria đã gặp những khổ đau và bất hạnh. Bất hạnh lớn nhất là phải chứng kiến Con mình bị treo trên thập giá giữa tuổi đời dang dở. Cuộc sống không sao tránh khỏi những hy sinh và mất mát, những bực bội và lo âu. Điều quan trọng là nắm lấy tay Chúa và cầm lấy tay nhau để có nghị lực mà vượt qua trong bình an thanh thản.

Chúng ta không rõ công việc hàng ngày của Đức Maria. Chắc Mẹ đã lo việc may vá, bếp núc và đội nước từ giếng về nhà. Một việc khác quan trọng hơn của Mẹ là cầu nguyện. Mẹ thấy mình đang sống bên một Mầu Nhiệm và chính đời hôn nhân của Mẹ cũng là một mầu nhiệm. Chính vì thế, Mẹ đắm mình trong cầu nguyện, các biến cố trở nên lời nói kín đáo của Thiên Chúa mà Mẹ thích “giữ kỹ và hằng suy niêm trong lòng” (Lc 2,50). Đời sống thiêng liêng của Mẹ là không ngừng tìm hiểu về Đức Giêsu và chấp nhận để cho Con ra đi hiến thân phụng sự Thiên Chúa.

Thánh Giuse là người đứng mũi chịu sào cho cuộc sống của cả gia đình. Nói đến cuộc sống là nói đến cái ăn, cái mặc, và những nhu cầu thúc bách khác. Thời nào cũng có những khó khăn riêng. Ông thợ mộc Giuse phải vất vả để lo sao cho gia đình mình sống được. Lao động nghiêm túc để phục vụ cho gia đình: đó là con đường nên thánh của Giuse.

Bầu khí của tổ ấm ở Na-da-rét là bầu khí yêu thương, cầu nguyện và cần cù lao động. Đức Giêsu đã lớn lên về mọi mặt nhờ bầu khí này. Động từ lớn lên cho ta thấy Con Thiên Chúa đã muốn đồng hành với con người. Ngài không phải là một thần đồng, cũng không phải là một Phủ Đổng Thiên Vương. Ngài lớn lên từ từ trong thời gian, thời gian là ánh mặt trời làm trái xanh được chín. Không hấp tấp hối hả, nhưng cũng không dậm chân tại chỗ. Hôm nay của Ngài vẫn liên tục với hôm qua, nhưng lại vượt hôm qua. Có những điều phải bỏ lại để đón nhận những điều mới. Hài Nhi Giêsu đã đi một chặng đường hơn 30 năm để trở thành một ông Giêsu trưởng thành và chính chắn, sẵn sàng đón nhận sứ mạng. Cường tráng, khôn ngoan và đầy tràn ân sủng: đó là sự triển nở hài hoà của Đức Giêsu. Chúng ta cám ơn Đức Mẹ và thánh Giuse đã cho thế giới một Đức Giêsu biết yêu thương, biết say mê cầu nguyện và lao động không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân loại và Nước Cha.

home Mục lục Lưu trữ