Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 26

Tổng truy cập: 1376648

TA CÓ CHẤP NHẬN ĐỂ CHO PHÚC ÂM LÀM TA SỬNG SỐT HAY KHÔNG?

TA CÓ CHẤP NHẬN ĐỂ CHO

PHÚC ÂM LÀM TA SỬNG SỐT HAY KHÔNG?

 

Chúa Giêsu theo thói quen thường dùng dữ kiện trực tiếp có sẵn trước mắt các môn đệ để xây dựng một câu chuyện. Những dữ kiện đó là mùa nho chín cần phải hái mau, là hiện tượng thất nghiệp trong một xã hội đang gặp khủng hoảng kinh tế, là số tiền lương một đồng tương xứng với mức sống tối thiểu. Bắt nguồn từ đấy, Chúa Giêsu tưởng tượng ra một dụ ngôn và qua đó Chúa muốn luồn vào một lời giáo huấn. Ngài muốn làm cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa không phải là một ông chủ theo kiểu các chủ nhân trên trái đất này. Những người này có bổn phận giữ sự công bằng đối với thợ thuyền. Còn Thiên Chúa, Người không tự nhận là có một bổn phận như thế đối với loài người, vì Người đứng ở bên kia sự công bằng của loài người. Sự công bằng được giới hạn ở những gì chúng ta mắc nợ. Sức cố gắng suốt một ngày làm việc sẽ có một số tiền công tương xứng của một ngày, không có gì hơn. Và với sức cố gắng của suốt một giờ, lẽ công bằng của loài người sẽ trả số tiền công tương xứng với một giờ, cũng không có gì hơn. Nhưng đi xa hơn lẽ công bằng còn có lòng nhân từ. Và lòng nhân từ không có giới hạn nào hơn là khả năng ban phát. Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, Người có khả năng vô biên, Người không có giới hạn. Lòng nhân từ đi xa hơn điều mà loài người đáng được hưởng vô cùng. Thiên Chúa muốn cần tới các tay thợ để hái quả trong vườn nho của Người. Một sự công bằng tối thiểu được bảo đảm, nếu họ quyết tâm ở trên bình diện ấy, nhưng Thiên Chúa còn biếu thêm nữa nếu họ có tấm lòng khá rộng lớn. Dụ ngôn này nhắc lại cho ta là phải tránh suy nghĩ về Thiên Chúa theo kích thước của loài người. Sự nhắc lại này thích đáng một cách đặc biệt ở thời đại ta, lúc mà những khối óc cho mình là Kitô hữu đang cố gắng lôi kéo Phúc âm xuống ngang hàng với tư tưởng của loài người trong lúc cần phải nâng cao nhân tính lên tới trình độ của Phúc âm.

1) Trình độ của Phúc âm là trình độ của Tình yêu, mà một trong những dấu hiệu bên ngoài là lòng nhân từ. Dụ ngôn nhấn mạnh ở một khía cạnh chính yếu của lòng nhân từ, đó là sự tự do. Chớ thì tôi không được sử dụng của cải như sở thích của tôi sao? Sự công bằng không được tự do, nhưng bị ràng buộc do bổn phận và những gì ta nợ người khác. Lòng nhân từ, trái lại, không bị ràng buộc bởi khế ước. Nó chỉ biết một điều tất yếu duy nhất, phát xuất từ chính lòng nhân từ và thúc giục phải ban phát, nó không muốn tạo ra nơi người thụ hưởng của ban phát bổn phận phải đền trả. Nó ban phát nhưng không. Điều này không có nghĩa là nó không chờ đợi một sự đáp ứng nào. Nó chờ đợi người ta nhìn nhận, nghĩa là chờ đợi ở con người một hành động ý thức và tự do là nhận biết từ đâu và do kẻ nào mà có những ân huệ mà con người đang thụ hưởng, một lòng biết ơn được diễn tả cách thông thường qua những lời cám ơn lòng tri ân và những lời ca ngợi. Lòng nhân từ của Chúa nói lên sự tự do của Chúa lúc ban phát và sự tự do của con người lúc đón nhận.

2) Trình độ Phúc âm còn làm xáo trộn cách thức suy nghĩ của loài người. Dụ ngôn làm người Biệt phái phải sửng sốt vì nó đặt người ngoại giáo, những kẻ đến sau, ngang hàng với con cái Israel trong Nước Trời. Mục đích của dụ ngôn là làm cho cả ta cũng phải ngạc nhiên, bởi lẽ trong cộng đoàn Kitô giáo và ngay cả trong sự cố gắng hàng ngày của ta để sống trung thành, có lẽ ta cũng có khuynh hướng tự ban phát cho mình công nghiệp, quyền lợi và nhiều đòi hỏi. Hãy để ý và khiêm tốn đặt mình dưới sự cai quản độc nhất của lòng nhân từ Thiên Chúa. Hãy xin Chúa ban cho ta cũng như cho anh em ngoại giáo không phải những gì tương xứng với sự công bằng, nhưng những gì mà lòng nhân từ của Người gợi ra.

 

18. Lòng nhân từ

Anh chị em thân mến.

Sự ích kỷ và lòng ghen tỵ, làm cho con người mất hết lý trí nên đưa đến sự tàn ác. Câu chuyện cổ tích Tấm và Cám nói lên điều đó.

Trong một gia đình, đôi vợ chồng trẻ có được một người con gái xinh đẹp, nhưng người vợ không may mất sớm. Người chồng kết hôn với một người đàn bà khác, bà ta cũng có một người con gái. Tưởng rằng con mình có người để chơi đùa vui vẻ, nhưng không ngờ, những ngày gian khổ đến với tuổi thơ quá sớm. Người cha lo bận rộn công việc bên ngoài không biết con mình cực khổ như thế nào. Còn đứa con thì không dám nói điều gì: trước hết vì thương cha, không muốn cho cha phải lo lắng, đồng thời cô cũng bị hai mẹ con của nhà kia răn đe, nếu cho cha biết, họ sẽ hành hạ trả thù.

Việc gì đến cũng phải đến. Sự ích kỷ, lòng ghen tỵ thì lãnh phần của sự ích kỷ ghen tỵ. Sự nhẫn nại ngay thẳng thì được phần thưởng xứng đáng với những gì đã làm. Hai người làm điều ác hại người thì lãnh phần những gì mình gây ra. Còn người con gái nhân hậu thì lãnh phần thưởng xứng đáng của lòng nhân hậu.

"Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy lãnh phần của bạn mà đi về".

Những người đã thoả thuận, nhưng giờ đây họ muốn hơn những gì mình thoả thuận, họ muốn hơn những gì mình đáng được. Họ nhìn vào người khác và họ tự cho mình có công hơn người khác. Họ nhìn vào những gì người khác được, nên họ muốn mình phải hơn những gì người khác có, vì họ cho mình có quyền như thế. Khi họ không được những gì mình muốn, họ tự cho mình quyền phê bình, chỉ trích, phán đoán người khác, ngay cả người có quyền trên họ mà họ cũng không hay biết. Khi đó họ chỉ còn nhìn thấy có bản thân mình, đòi hỏi lợi lộc riêng tư cho mình mà không cần biết đến người khác như thế nào. Họ phê bình người khác không công bình theo như họ muốn. Những gì họ thoả thuận, họ không còn biết đến. Họ muốn hơn cái mình đáng được, họ cũng muốn mình được hơn những gì người khác được, mà không cần biết mình có xứng đáng hay không.

"Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy lãnh phần của bạn mà đi về. Hay mắt bạn ghen tỵ vì tôi nhân lành chăng?"

Lời phiền trách của ông chủ trong dụ ngôn đối với những người ghen tỵ, cũng là lời phiền trách chung cho mọi người của mọi thời đại. Sự ích kỷ và lòng ghen tỵ vẫn tồn tại mãi trong con người, cả chúng ta nữa cũng không bị loại trừ ra cái thường tình của con người như thế.

Mỗi người trong chúng ta tự nhìn vào chính mình, nhìn qua những gì mình đã được, những gì chưa được mà đang ước muốn, nhìn vào cả những thực tại mà mình đang toan tính để đạt được. Có những điều mà mình quyết tâm đạt cho được những lợi nhuận, danh dự, những điều để thoả mãn tính tự phụ, nên dùng mọi thủ đoạn, mọi hành vi bất chính để đạt kết quả. Những lúc đó chúng ta có nói đến sự công bình trong cuộc sống không? Hay chúng ta không dám nói đến. Những lúc nhìn thấy người khác thành công mà mình thất bại, chúng ta cảm thấy khó chịu, bực mình. Càng khó chịu hơn khi thấy người khác không đạo đức, không tài năng, không có công trạng bằng mình, mà họ lại được ưu đãi hơn thì không thể nào chấp nhận được. Những lúc đó nếu chúng ta chịu bình tâm suy nghĩ và nhìn lại để đừng thốt nên những lời kêu ca phiền trách, thì thật là phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta phiền trách thì coi chừng sẽ nhận được lời nói cứng rắng như trong dụ ngôn: "Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy nhận phần của bạn mà đi về".

Những lúc chúng ta nhận được hồng ân Chúa, được thành công, đươc niềm vui bất ngờ, nếu chúng ta cảm nhận được mà biết tạ ơn Chúa thì thật là hạnh phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra được con người của chính mình không đáng là chi với những hồng ân Chúa ban, thì chắc là trong cuộc đời chúng ta không bao giờ dám kèo nài, trả giá và phiền trách Thiên Chúa của chúng ta được. Những lúc chúng ta không đạt được những gì như ý muốn, nếu chúng ta biết nhìn lại để cố gắng hơn với tất cả lòng chân thành, thì Thiên Chúa không bao giờ từ chối những gì phát xuất từ lòng chân thành.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời.

 

19. Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)

Theo quan niệm thông thường, thì ai làm nhiều sẽ hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin mừng hôm nay không như vậy. Người làm suốt ngày chỉ nhận được một đồng và người làm chỉ một giờ thôi cũng nhận được một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Chủ vườn nho đó lại là chính Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ngay cả những người thợ làm từ giờ thứ nhất cũng đã lẩm bẩm trách chủ như thế là không đúng. Nhưng đó là cách thức hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động khác với con người. Nói như ở bài đọc I là: "Vì tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của ta".

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?

Trước hết dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: - Thiên Chúa hành xử với chúng ta phải dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu.

- Dụ ngôn còn muốn nhận mạnh rằng: Nước Trời, Ơn cứu độ và ân sủng không phải là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân của Thiên Chúa cho tất cả không có loại trừ ai.

Những người do thái thời Chúa Giêsu nghĩ rằng họ là những người thợ đầu tiên đáng hưởng một đồng, nghĩa là ơn cứu độ, còn những người khác thì không xứng đáng. Chúa Giêsu mang đến một sự mới mẽ qua dụ ngôn này là: Nước Trời, ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả, kể cả những kẻ đến sau cùng, những kẻ tội lỗi và cả những người nhỏ mọn nhất nếu họ biết lắng nghe lời mời gọi trở về và cộng tác với Thiên Chúa.

Sự "vô lý" của Thiên Chúa là cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẽ là ngược đời, là vô lý, khác với lí luận của chúng ta. Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dõm là: Thiên Chúa không biết tính toán! Nhưng chính sự "vô lý" của Thiên Chúa lại là cơ hội, là lối vào đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết rồi vì chúng ta đã đắc tội với Ngài, chúng ta chẳng được quyền hưởng gì, vì chúng ta chẳng có công trạng gì với Ngài.

Nhưng nếu Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó lại là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, bất kỳ lúc nào, dù là giờ cuối cùng, bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với Ngài trong vườn nho của Ngài, và dù làm nhiều hay làm ít Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi nhân hậu của Ngài.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của Tinh Yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô hôm nay nói: "Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô", để lượng giá cuộc đời, để nhìn đời và để đối xử với nhau cách lạc quan và vui tươi, hơn là dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, thấy người khác thành công, được ưu đãi, may mắn là sinh ra ghanh tị và tìm cách đạp đổ. Vì bác ái là biết vui với người vui và khóc với người khóc.

 

20. Thiên Chúa quảng đại – Charles E. Miller.

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Ngày nay có một điều khẳng định lớn lao mà mọi người thợ, dù là nam hay nữ, nếu họ cùng làm một công việc như nhau, cùng một chất lượng như nhau sẽ được trả bằng nhau. Đó chỉ là sự công bằng. Ngay cái nhìn đầu tiên vào người chủ nợ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, người đã trả cho các người thợ cùng một mức lương dù có người chỉ làm có nửa giờ. Bạn sẽ trả cho những người thợ cùng một mức lương nếu bọn họ làm cùng một thời gian.

Một cách để cắt nghĩa hành động lạ lùng của người chủ này, không hề có sự bất công trong việc trả lương cho những người thợ, từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt, họ đã đồng ý chấp nhận mức lương công nhật rồi. Không có sự bất công khi trả lương cho những người thợ làm đầu tiên vì họ nhận đúng những gì họ đã đồng ý. Và phần lớn chúng ta đều không cảm thấy thoải mái về dụ ngôn này. Chúng ta đã không thấu đáo vấn đề.

Một bước nữa để chúng ta nhận ra mình phải thích ứng thế nào với dụ ngôn này. Không có lý do nào để chúng ta nghĩ rằng, chúng ta là những người đã làm việc lâu giờ và nhiệt thành cho Chúa mà chúng ta lại được giới thiệu như những người làm giờ thứ nhất, khi họ nói: “Chúng tôi đã làm suốt cả ngày dưới cái nóng gay gắt”. Thật sự chúng ta đã làm gì cho Chúa nếu chúng ta so sánh chúng ta với những vị thánh lớn trong suốt nhiều thế kỷ vừa qua? Và như vậy chúng ta sẽ không có gì phàn nàn về dụ ngôn này nữa.

Vẫn còn có nhiều ý nghĩa hơn ẩn chứa trong dụ ngôn này, hơn những gì chúng ta có thể khiêm tốn và thận trong áp dụng cho chính mình. Ý nghĩa đó được tỏ lộ qua những lời của vị chủ vườn. Khi người thợ làm vào giờ thứ nhất phàn nàn với ông. Ông đã trả lời cách mạnh mẽ “Tôi không hề để cho anh bị thiệt hại”. Và tiếp đó ông thêm một câu hỏi khó trả lời: “Không phải tôi được tự do sử dụng tiền theo ý tôi sao?” Đối với câu hỏi này, những người công nhân sẽ không có cách trả lời nào khác ngoài việc gật đầu xác nhận. Nhưng người chủ vườn còn nói thêm một câu tỏ lộ điều cốt yếu của dụ ngôn này: “Hay là anh ghen tị vì tôi quảng đại chăng?”

Tóm lại, dụ ngôn này nói về sự quảng đại của Thiên Chúa. Thật sự là tất cả những người thợ, ngoại trừ người cuối cùng, không biểu thị cho một nhóm người nào trong dân chúng. Chúa Giêsu bao gồm những người thợ làm sớm trong dụ ngôn chẳng qua vì người muốn nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa luôn luôn công bình nhưng quan trọng hơn là Người rất quảng đại. Thiên Chúa quảng đại với hết thảy mọi người cuối cùng vào vườn nho biểu thị cho hết thảy chúng ta.

Thiên Chúa ban phát ân sủng của Người cho mọi người. Chúng ta không cần phải cố gắng tìm hiểu tại sao một số người có vẻ như coi thường ân sủng của Thiên Chúa. Nỗ lực của chúng ta sẽ đặt vào việc nhận biết những ân sủng quảng đại của Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta. Người đã ban cho chúng ta đời sống, gia đình, thế giới mà chúng ta đang sống và Người đã ban cho chúng ta đức tin công giáo. Tất cả những điều này đều là ân sủng, là đặc ân đến từ Thiên Chúa. Không có gì dù đơn sơ mặc lòng mà chúng ta có thể làm để đáng được hưởng phúc lành của Thiên Chúa.

Sự quảng đại của Thiên Chúa được biểu lộ trong suốt phụng vụ hy tế Thánh Thể. Người nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu của người con Thần linh của người. Chúng ta thú nhận sự bất xứng của mình: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con”, những vị thánh cao cả nhất cũng không xứng đáng với Thánh Thể, và các ngài còn không được hưởng dồi dào bí tích ấy như chúng ta. Sau khi chúng ta thú nhận sự bất xứng của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Người để lãnh nhận Mình và Máu Người trong đức tin.

Và nhờ đức tin đó mà chúng ta không bao giờ phàn nàn với Thiên Chúa như những người thợ đã làm đầu tiên, nhưng luôn luôn biết dâng lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, Đấng cao vượt hơn cả trí tưởng cuả chúng ta là sự quảng đại của người dành chúng ta.

 

home Mục lục Lưu trữ