Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 92

Tổng truy cập: 1379716

THAM DỰ VÀO HY TẾ CỦA CHÚA GIÊSU

Tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu

(Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Chúa Giêsu tiếp tục hiến tế cho đến ngày tận thế để đền tội cho muôn người.

Cách đây hơn 2.000 năm, Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu vác thập giá và chịu chết đau thương trên thập giá để đền tội cho nhân loại.

Thế nhưng, trong những thế kỷ về sau và đặc biệt là trong thế kỷ 21 hiện nay, tội lỗi nhân loại tiếp tục gia tăng khắp nơi trên thế giới với mức độ ngày càng khủng khiếp nên sẽ mang lại những hậu quả đau thương và cái chết đời đời cho vô vàn người gây ra tội lỗi.

Thiên Chúa không nỡ để cho bao người phải hư mất đời đời vì tội lỗi họ gây ra, nên Chúa Giêsu vẫn còn phải tiếp tục chịu khổ nạn, chịu hiến tế để đền tội cho thế gian.

Như thế, cuộc khổ nạn hay nói khác đi là hy tế thập giá của Chúa Giêsu không chấm dứt sau khi Ngài tắt thở trên thập giá vào chiều thứ sáu trên đồi Can-vê cách đây 2.000 năm, mà còn được tiếp tục kéo dài cho đến tận thế để cứu độ muôn người qua suốt dòng lịch sử. Giáo lý công giáo số 1323 khẳng định điều nầy: “Hy Tế Thập Giá (của Chúa Giêsu) kéo dài qua các thời đại cho tới khi Ngài lại đến.”

Chúa Giêsu mời các thánh tử đạo tham dự vào hiến tế của Ngài.

Chính vì công cuộc khổ nạn và hy tế của Chúa Giêsu cần phải được tiếp tục cho đến tận thế để đền tội cho nhiều người tội lỗi trong suốt dòng lịch sử nhân loại nên Chúa Giêsu kêu gọi các tín hữu là những chi thể trong Thân Mình Ngài cùng vác thập giá, cùng chịu khổ nạn với Ngài. Ngài từng lên tiếng mời gọi: “Ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24)

Thế là hàng hàng lớp lớp ki-tô hữu chấp nhận đổ máu và hiến tế đời mình cùng với Chúa Giêsu, khởi đầu là máu của các hài nhi vô tội Bê-lem (Mát-thêu 2,16) của thánh Gia-cô-bê tông đồ và của phó tế Tê-pha-nô là những vị tử đạo tiên khởi, của các tín hữu tại đế quốc Rô-ma trong suốt 250 năm bách hại dưới triều các hoàng đế Rô-ma cho đến máu của các thánh tử đạo thuộc nhiều chủng tộc, nhiều quốc gia, nhiều dân nước trên khắp thế giới trong suốt hơn 2.000 năm qua.

Trên quê hương Việt Nam, nếu tính từ năm 1644 là thời điểm Thầy An-rê Phú Yên bị trảm quyết cho đến khi vua Tự Đức băng hà (1883), các tín hữu công giáo đã phải trải qua cơn bách hại ngót 240 năm. Hàng trăm ngàn tín hữu đã hiên ngang đáp lời mời gọi của Chúa cứu thế, chấp nhận vác thập giá và hiến tế đời mình với Chúa Giêsu, khốc liệt nhất là trong khoảng 65 năm dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) và đảng Văn Thân (1885-1886) để hồng ân cứu độ được tuôn ban dồi dào cho dân tộc Việt Nam chúng ta.

Chúa Giêsu mời chúng ta tham dự vào hiến tế của Ngài.

Từ ngày lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, các tín hữu được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Giêsu (giáo lý công giáo số 1267) và được thông dự vào chức tư tế (chức linh mục) của Ngài (sđd số 1268). Vì là “Thân Thể của Chúa Giêsu, chúng ta phải tham dự vào hiến tế của Chúa Giêsu là Đầu của toàn thân.” (sđd số 1368)

Thế nên mỗi ki-tô hữu, không trừ ai, đều có trách nhiệm và sứ mạng cao cả là tham dự vào hiến tế của Chúa Ki-tô là Đầu của mình, theo gương các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc tổ tiên của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta không còn phải gánh chịu những cực hình, những đau thương và mất mát lớn lao như các thánh tử đạo Việt Nam trước đây, nhưng chúng ta cũng được mời gọi tham dự vào hy tế thập giá của Chúa Giêsu bằng cách chấp nhận vác thập giá với Chúa Giêsu qua những việc bổn phận hằng ngày, cụ thể là hy sinh thời giờ, công sức, tiền bạc… để phục vụ những anh chị em chung quanh đang cần đến bàn tay, con tim và khối óc của chúng ta.

Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là con cháu của các anh hùng tử đạo Việt Nam.

Có như thế, chúng ta mới thật sự là chi thể trong Thân Mình Chúa Ki-tô là Đấng tiếp tục hiến tế đời mình cho đến ngày tận thế để đền tội muôn dân.

30. Tỉnh thức trước cơn bách đạo mới

(PM. Cao Huy Hoàng)

Là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta rất hãnh diện về Cha ông của chúng ta, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Không chỉ là 117 vị hiển thánh, mà có cả trăm ngàn tín hữu đã anh dũng làm chứng cho Thiên Chúa. Không chỉ có thời các vua Chúa cấm cách, mà ngay cả thời nay, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và cuộc sống nhân chứng của Ngài là một tiêu biểu.

Vì niềm tin tuyệt đối và trung kiên vào Thiên Chúa, vì tình yêu mãnh liệt đáp lại tình yêu tạo dựng và cứu chuộc, vì bừng bừng ngọn lửa khát khao được sống trọn vẹn và vĩnh cửu trong thế giới mới của Ba ngôi Thiên Chúa, mà Cha ông của chúng ta đã không ngần ngại từ chối sự sống hay hư nát của thân xác phàm trần để tuyên tín cho thiên hạ biết rằng có một đời sau vĩnh cửu, hạnh phúc thiên thu.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã bị cấm cách, bức bách, bắt bớ, tù đày, lăng mạ, lăng nhục và cuối cùng chấp nhận chết cuộc sống mình, chết thân xác mình, bằng trăm ngàn cực hình dã man, đau đớn. Sức mạnh để vượt qua và chiến thắng của họ là nhân đức cơ bản, là nguồn ơn cơ bản Tin Cậy Mến mà Thiên Chúa ban riêng cho mỗi con người và ơn hiệp nhất ban cho cộng đoàn làm chứng tá phục sinh. Tuyệt đối không phải là sức mạnh của tập thể theo nghĩa phong trào, có tính hời hợt, nhất thời đấu tranh cho một quyền lợi thuộc phạm vi trần thế.

Họ đã không bắt chước nhau tử đạo vì danh vọng trần thế là để tiếng lại cho đời sau, nhưng là vì họ xác tín một cuộc sống mới được phục hồi sau cái chết quí giá và ý nghĩa ấy: cái chết làm chứng cho Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, cái chết để sống lại với Đức Kitô. Họ đã thực thi lời huấn thị của Tin Mừng: “từ bỏ chính mình”: vì xác tín sự sống mình có được là do Thiên Chúa, và thuộc về Thiên Chúa; “vác thập giá mình”: chấp nhận tất cả những thương khó trong đời theo Chúa Giêsu, để ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha được thực hiện, cho mình và cho mọi người.

Đối với các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bước qua thập giá là từ chối ơn cứu chuộc của Đức Kitô, là bội tín với Thiên Chúa. Vì thế, khi cuộc bách đạo càng khốc liệt, càng đẫm máu, thì niềm tin của họ càng được nung nấu, được tôi luyện thành sắt thép vững chắc nhờ đức mến nồng nàn và đức cậy trông mạnh mẽ.

Giáo hội Việt Nam thừa hưởng một di sản Đức tin quí báu, vì nhờ máu các Ngài đổ ra, mà cánh đồng truyền giáo trổ sinh muôn hạt vàng tín hữu.

Noi gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Theo gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các tín hữu Việt Nam đã kiên trung trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn thật đáng khâm phục. Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử đất nước, qua bao nhiêu đổi thay của ý thức hệ… nhưng giáo lý Chúa Kitô và niềm tin vào Thiên Chúa vẫn ngời sáng trên quê hương không chỉ nghèo nàn lạc hậu mà còn chịu bao thảm họa của thiên tai, dịch nạn..

Tuy nhiên, khi mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cũng là lúc mà mỗi chúng ta phải nhìn lại đời sống chứng tá của mình và của cộng đoàn.

Ở đấng bậc nào trong Giáo Hội, trong đời sống hằng ngày, tất cả chúng ta đều phải đối diện, phải đặt mình trước thập giá, không phải để chúng ta bước qua, mà là để ôm lấy, yêu mến, hôn kính và nhất là vác đi trong cuộc đời.

Ngày xưa những khổ hình có thể nói là kinh khủng lắm, man rợ lắm dành cho ai không bằng lòng bước qua thập tự giá. Thời nay, cuộc bức bách mới dùng cách làm cho tín hữu không thấy dữ tợn mà hiệu quả không kém kinh khủng hay có thể nói còn kinh khủng hơn: chiêu bài đổi hướng niềm tin và tình yêu.

Chúng ta không thấy mình đang bước qua thập giá, khi chúng ta yêu mến của cải tiền bạc, tiện nghi vật chất và những khoái lạc trần gian hơn là yêu mến Chúa. Hơn nữa, chúng ta vẫn thấy mình rất xứng đáng vì những việc đạo đức, những việc tông đồ. Chúng ta không thấy mình bước qua thập giá, khi mình đang làm việc Chúa để tìm chút hư danh cho mình. Hướng đến của Tình yêu chúng ta là Chúa, đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta là Thập giá Chúa Kitô, nhưng tài hoa của ma quỉ đã khéo léo chuyển hướng đến của tình yêu chúng ta là chính chúng ta.

Quả thật, chúng ta đang không làm chứng cho một Thiên Chúa, nhưng chúng ta đang làm chứng cho chính mình, khẳng định chính mình, củng cố danh dự chính mình. Chúng ta đang bước qua thập giá mà không hề hay biết. Không tỉnh thức trước những âm mưu của ma quỉ, chúng ta có thể nằm gọn trong đúng mục tiêu, đúng tầm ngắm của cuộc bách đạo mới.

Tỉnh thức trước cơn bách đạo thời nay

Mục tiêu của cuộc bách đạo thời nay vẫn là cản trở, ngăn cấm con người đến với Thiên Chúa, hoặc bằng mọi giá, cắt đứt tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Một loại gông cùm xiềng xích mới, một loại nhà tù hiện đại đang được sử dụng khắp nơi trên thế giới.

Mục tiêu của cuộc bách đạo mới không chỉ đơn thuần là việc bắt bớ, bỏ tù một vài người đấu tranh cho tự do nhân quyền, cho tự do tôn giáo, nhưng là bỏ tù cả ngàn ngàn người trong cái vỏ ốc cầu an, trong cái hố bằng lòng về sự tự do xem như là tạm đủ, trong cái túi chấp nhận một loại tự do ảo tưởng, trá hình mà thực ra đó là thứ tự do làm nô lệ.

Cũng vậy, việc đập phá một ngôi thánh đường, chưa bằng đập phá cả triệu cung điện của Thiên Chúa nơi tâm hồn các tín hữu bằng những chủ thuyết vô thần, vô luân, vô vọng tưởng một đời sau… để không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, không còn một định luật tôn giáo nào, không còn một nguyên tắc đạo đức nào, không còn niềm tin tôn giáo nào trong chính tâm hồn người công giáo.

Nhận lãnh bí tích rửa tội để có một danh xưng, hoặc hợp thức hóa một tình trạng. Và các bí tích Kitô giáo khác được lãnh nhận tiếp theo như một thủ tục-Cung điện của Thiên Chúa là một bức họa không hơn.

– Việc đóng cửa nhà thờ, không cho các tín hữu hành đạo làm sao nguy hiểm bằng để tự họ cảm thấy việc đến nhà thờ không còn cần thiết hơn việc xem phim, giải trí và các tiêu khiển khác của một đất nước đang có đủ thứ món ăn chơi.

– Làm cho cánh cửa tâm hồn các tín hữu tự đóng lại để không đón nhận được Thiên Chúa, và tự mở ra để đón nhận những trào lưu thế tục là mục tiêu cuộc bức bách nguy hiểm vô cùng.

– Tâm hồn các trẻ thơ vừa có trí khôn, mới mở ra với cuộc đời, đã đón nhận bài học con người bởi khỉ mà ra, để sẽ sống như khỉ và chết như con khỉ – cuộc bức bách về giáo dục không Thiên Chúa.

– Mới ngày nào đây, lương tâm các đôi vợ chồng, nhất là các tín nữ còn đắn đo, do dự khi phải chọn cho mình một cách tránh thai hợp với luật Thiên Chúa, và cương quyết bảo vệ sự sống đến cùng thì hôm nay, lương tâm ấy đã chai đi và có thể chấp nhận bất kỳ một phương pháp nào để khước từ thiên chức làm Mẹ. Hơn thế nữa, không những khước từ ơn tiếp tục cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, mà còn có thể hủy hoại quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa ở bất kỳ tháng tuổi nào.

– Không cần thiết phải cấm các em học giáo lý, vì biết chắc những trang giáo lý khô khan kia sẽ không hấp dẫn bằng những trò chơi vô bổ hàng giờ trên máy vi tính ở các dịch vụ internet, hoặc những trang web có sức gieo vào đầu các em một kiểu sống vô luân. Vì thế cuộc bách đạo hướng đến việc sản xuất và du nhập hàng loạt phim ảnh như những viên đạn đồng bắn nát đức tin và luân lý của cả một thế hệ.

– Còn một điểm nhắm quan trọng hơn cả của cuộc bách đạo là làm rạn nứt sự hiệp nhất giáo hội, mà phải là sự rạn nứt bắt đầu từ những vị thẩm quyền cao nhất, đến các thành phần ưu tú nhất, rồi đến những cộng sự thân cận, xuống đến các tín hữu. Tinh thần thế tục luồn lách vào trong mọi bất đồng gây nên những xáo trộn nội bộ không đáng có, dẫn đến những rẽ chia đáng tiếc.

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ là những cuộc rước kiệu linh đình, tôn vinh Cha Ông với niềm tự hào dân tộc, nhưng trước tiên là tạ ơn Chúa đã gieo trồng Hội Thánh Chúa ở Việt Nam bằng những giọt máu, và tôn vinh Cha ông với niềm tự hào về sức mạnh toàn thắng của Thánh Giá Chúa Kitô. Nếu không có niềm tin, cậy, mến vào Thiên Chúa và nhất là vào Thánh giá vô địch của Chúa Kitô, Cha ông chúng ta đã không thể lãnh nhận phúc tử đạo, làm chứng cho Thiên Chúa.

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo còn là cơ hội cho mỗi người chúng ta nhìn lại cách sống chứng nhân của mình và phải luôn cảnh giác trước cuộc bách đạo kiểu mới, nhất là trong toàn cảnh xã hội Việt Nam. Có thể chúng ta đang nằm gọn trong mục tiêu cuộc bách đạo, vì đã bước qua thập giá Đức Kitô lúc nào không hề hay biết, mà vẫn chủ quan tự nhận là những chứng nhân anh dũng giữa lòng quê hương dân tộc. Có thể chúng ta không những đã bước qua thập giá, không được diễm phúc tử đạo, mà còn tiếp tay cho cuộc bức bách tiến đến mục tiêu tối hậu là tách rời tương quan với Thiên Chúa thật hoặc vẫn còn tương quan với một Thiên Chúa theo mô hình một loại đức tin cập nhật từ chủ thuyết không Thiên Chúa.

Thiên Chúa sẽ không hài lòng khi chúng ta từ chối Thập Giá Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu nói: “Kẻ nào hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang của Ngài và của Cha cùng các Thiên thần” (Lc 9,26)

Mừng Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, thiết nghĩ mỗi người đều phải đặt mình trước một sự thật: Thiên Chúa đau lòng vì con người xúc phạm đến Thiên Chúa và vì các tín hữu Chúa chưa can đảm để làm chứng cho Ngài. Và từ đó, mỗi người phải tự cảnh tỉnh trước những biến dạng thiên hình vạn trạng của cơn bách đạo hôm nay, để cương quyết “không bước qua Thập Giá” và càng không tiếp tay nối giáo cho giặc.

Lạy Chúa, Giáo Hội lữ hành, và đặc biệt Giáo Hội Việt Nam chúng con đang gặp những thách đố lớn lao vì những chủ trương không Thiên Chúa và không đời sau đang lôi kéo các tín hữu buông bỏ tinh thần từ bỏ, bóp chết tinh thần tử đạo của Chúa Kitô. Xin Chúa ban cho mọi thành phần trong giáo hội ơn kiên trung làm chứng cho Chúa qua việc không hướng theo tinh thần thế tục đang hấp dẫn mọi nơi.

Lạy Chúa, trong đời sống gia đình, chúng con làm cha, làm mẹ một thiên chức Chúa ban gắn liền với ơn tử đạo, qua việc hiến dâng cả đời cho con cái với bao hy sinh đầy đắng cay và nước mắt. Xin Chúa ban cho chúng con, nồng nàn yêu mến và tín thác vào Chúa, để mỗi hy sinh của chúng con trong đời, xứng đáng là một giọt máu tử đạo rơi xuống, cho mầm đức tin mọc lên trong mỗi gia đình chúng con.

31. Những tên lý hình thời đại

(PM. Cao Huy Hoàng)

Mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong Năm Đức Tin, chúng ta không chỉ tự hào về Đức Tin kiên cường của Cha ông chúng ta, không chỉ tự hào sống trong đất nước của các Thánh Tử Đạo, không chỉ hãnh diện vì được là con cháu của các Thánh Tử Đạo, không chỉ tri ân những giọt máu trổ sinh mầm sống mới Đức Tin nơi chúng ta, mà thiết thực hơn, chúng ta cần noi gương các Ngài: Sống Đức Tin là Tử Đạo hằng ngày.

Nếu cha ông ta đã sống trong một thời kỳ bách đạo cách tàn bạo, từ việc cấm cản, khủng bố đến việc bắt bớ, bỏ tù tra tấn dã man, cho đến những án tử hình ghê rợn nhất: xử giảo, lăng trì, bá đao, thiêu sống, xử trảm, rũ tù…thì thời chúng ta, “những tên lý hình thời đại” với cách bức bách Đức Tin của ta còn kinh khủng hơn nữa: làm cho con người không còn yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá của Ngài.

Những tên lý hình thời đại: Ngoài ta

Những người chủ trương không có Thiên Chúa đang cầm quyền sinh tử nơi đất nước của các Thánh Tử đạo, đưa Giáo Hội Việt Nam vào một thách đố mới, vào cuộc tử đạo mới: Truyền giáo cho người không tin có Thiên Chúa hay là để cho người không tin có Thiên Chúa truyền chủ thuyết của họ?

Tư tưởng “Tôn giáo là liều thuốc phiện” vẫn đã thấm trong máu thịt của họ và đã chỉ đạo cả cuộc đời họ, cả việc họ làm, đến nỗi khi con người gần đất xa trời, chờ phút “qui tiên”, họ cũng chẳng chấp nhận một cõi nào linh thánh. Một cuộc đời bồng bềnh theo năm tháng lơ lững không định hướng, vì chỉ tin được cái hiện hữu của thân xác mà không tin có linh hồn bất tử. Một cuộc đời không có chuẩn mực Chân, Thiện, Mỹ nào hơn là theo cái chuẩn mực mà mình tự đặt định. Đạo đức xã hội là làm sao đem lại lợi ích trần thế nhiều nhất cho xã hội mà chính mình là trước tiên!

Thời đại này, họ không đặt Thánh Giá trước mặt chúng ta và yêu cầu chúng ta bước qua để chứng minh cho họ là chúng ta chối bỏ Đức Tin, nhưng họ đã gieo vào lòng tín hữu bề bộn những chủ thuyết vật chất, và như thế là cuộc tử đạo mới, tử đạo hằng ngày, đã bắt đầu qua việc không đồng thuận với những chủ trương không Thiên Chúa:

– Các em học sinh ở nhà trường phải tử đạo khi không chấp nhận bài học nguồn gốc con người bởi khỉ, bài học không có Thiên Chúa nào. Không có Đấng Tạo Hóa tác sinh…như “Con chim hay nói, nó nói tào lao, không có đứa nào, dạy cho tao nói”.

– Các em thanh niên nam nữ vào đời phải tử đạo khi không theo cách sống thử tự nhiên được xã hội mặc nhiên cổ xúy, để giữ vững đức khiết tịnh vì biết rằng: sống thử – nhưng sinh con thật – giết người thật.

– Các gia đình công giáo phải tử đạo khi lao vào cuộc sống kinh tế. Biết rằng có thực mới vực được đạo, và để ổn định phát triển kinh tế, phải giảm sinh, nhưng cương quyết không giảm sinh theo kế hoạch không tự nhiên – vì chẳng khác nào giết con người từ trong trứng nước, và tự tẩy chay nhân phẩm quí giá của mình.

– Giá trị hôn nhân thời nay đặt trên căn bản là kinh tế, là của cải vật chất, là hưởng thụ…tạo điều kiện cho trào lưu ly thân ly dị cách dễ dàng, và tạo nên một sự hỗn độn về đời sống các gia đình không đáng có: chồng trước, vợ sau, con chung, con riêng, con bỏ, con nuôi… hỗn độn…. Biết như thế, vì bảo vệ Đức Tin Công Giáo, các gia đình công giáo phải tử đạo khi dứt khoát không bị cuốn vào trào lưu tục hóa giá trị hôn nhân.

– Khi có của ăn của để, thì việc hành đạo hầu như không cần thiết hơn việc giải trí tiêu khiển, và việc giữ lễ Chúa nhật có thể trở thành việc chiếu lệ, nhưng người công giáo đã tử đạo khi vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu, khao khát kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc tham dự Thánh lễ và việc rước lễ hằng ngày.

– Người ta muốn giam các tín hữu trong trại giam mới là chính cái biệt thự sang trọng, hay ít là căn phòng đầy đủ tiện nghi vật chất thơm phức nệm êm chăn ấm máy lạnh máy nóng …để mà hưởng thụ cuộc đời nầy, mà quên đi cái đời sau ảo tưởng… nhưng không, họ đã lầm, khi các tín hữu Việt Nam vẫn quí mến một cuộc vượt qua, và sẵn sàng cho cuộc vượt qua của chính mình…

– Giữa những băng hoại, suy đồi có nguy cơ làm phai mờ Đức Tin Công Giáo, các tông đồ của Chúa không đành lòng bó tay, nhưng tích cực gia tăng đời sống đạo đức gương mẫu, đời sống cầu nguyện, có sáng kiến phong phú để khắc phục, chận đứng, những trào lưu suy đồi của những tên lý hình thời đại làm tha hóa các phần tử trong giáo hội. Họ thiết thực trở nên những con người hướng dẫn thời đại đi vào đúng đường lối của Chúa. Họ thực sự đang ôm lấy Thánh Giá Chúa Giêsu với lòng quí mến thiết tha nhất. Họ đang tử đạo trên đất nước của các Thánh Tử Đạo, cùng với Đoàn Chiên Tử Đạo khắp nơi trên đất nước.

Chúng ta tin rằng các Thánh Tử Đạo Việt nam vẫn luôn phù hộ, tiếp sức cho các tín hữu Việt Nam chiến đấu trong cuộc bức bách mới của những tên lý hình thời đại mới đầy mưu ma chước quỉ của Satan luôn chủ trương chống lại Thiên Chúa.

Tên lý hình thời đại: Trong ta

Truyện rất ngắn “Lòi Cái Tôi Ra” của tác giả Anh-em-của-mọi-người, viết:

– Thưa cha khi chủng viện xây xong, người ta chặt cây cho lòi nhà ra nên chủng sinh phải chịu nắng nóng mấy năm nay. Bây giờ giáo xứ xây xong nhà giáo lý, lại chặt cây cho nhà giáo lý lòi ra làm thiếu nhi phải chịu nắng nóng!

– Không phải lòi nhà ra đâu mà lòi cái tôi ra đấy! Để lòi cái tôi ra nguời ta dám chặt bất cứ thứ gì kể cả cây thập giá nữa chứ cây xanh, bóng mát cho giáo dân là cái gì?

“ … Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10)

Chiến đấu với những tên lý hình thời đại ngoài ta có thể không khó khăn lắm, nhưng chiến đấu và chiến thắng với tên lý hình trong ta, có vẻ không dễ dàng tí nào!

Phải khiêm tốn mà nhận ra rằng, có nhiều người, trong đó có thể có tôi, có bạn, đã không bước qua thập giá của những tên lý hình thời đại ngoài ta, nhưng ngược lại, vì cái tôi, mà ta đã chặt và quăng cây thánh giá đi rồi. Khi đã chặt và quăng đi, thì còn đâu mà bước qua! Khi đề cao cái tôi một cách quá đáng, người ta chối bỏ Đức Giêsu Kitô và khổ đau của Ngài một cách không thương tiếc, và cũng không hay biết!

Sự nhàn hạ, thanh thản, phương tiện tiện nghi, hưởng thụ… đã “lấn sân” tâm linh, tạo cho người ta cái hạnh phúc thật êm dịu, không còn cảm giác khổ đau của cây thập giá nữa. Và vì thế, khó mà chấp nhận sự khốn khó gian nan. Sướng quen rồi. Đây mới thực sự là trại giam mới, trại giam của của danh vọng, của quyền lực, của sự an thân, an vị, an nhàn, và … rồi an nghĩ trong trại giam ấy tới ngàn thu.

Bỗng dưng, chính ta, đã trở nên những tên lý hình thời đại. Ta xử trảm chính ta và xử trảm mọi người khi cách sống “không Kitô”, “không Thập Giá” trở thành gương xấu cứ lan nhanh lan nhanh đến nhiều người.

Vâng, không ai bắt ta làm nô lệ, chỉ vì ta bằng lòng để mất tự do. Không ai làm ta mất tự do, chỉ vì ta bằng lòng làm nô lệ! Nô lệ cho chính cái tôi của mình.

Yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá Chúa Giêsu

Thiết tưởng lòng yêu mến Chúa Giêsu và Thập Giá của Ngài, sẽ giúp tôi, giúp bạn vượt qua những cuộc bức bách ngoài ta, trong ta, sẽ giúp chúng ta vượt qua, giúp chúng ta được hồng phúc tử đạo hằng ngày, giúp chúng ta trung thành với Đức Tin Công Giáo.

Xin chia sẻ một phần câu chuyện về Thánh Tử Đạo Anrê Nguyễn Kim Thông (Anrê Năm Thuông) lý trưởng, thầy giảng; sanh 1790 tại Gò Thị, Bình Định; chết 15 tháng Bẩy, 1855, tại Mỹ Tho. Ngài chết rũ tù vì kiệt sức và đói khát trên đường di tán tại Mỹ-Tho.

“Bị điệu ra trước tòa quan tỉnh tra vấn về các điều tố cáo. Ông Trùm khiêm tốn, bình tĩnh ung dung trả lời bằng lời lẽ đanh thép: “Trong nhà tôi không có đạo trưởng. Còn việc tậu thuyền, mãi mã, sắm ghe, tích trữ lương thực, tôi chẳng hề có, xin quan cho đi khám xét. Tôi chỉ chuyên cần lo việc nông gia. Tôi không biết Tây Dương, không đem đường chỉ nẻo cho họ. Tôi cũng chẳng hề đi đâu mà mở đường sơn thủy, vận lương, chuyển binh cho giặc”. Không tìm ra chứng cớ về các điều cáo giác trên, bọn quan lại bèn truyền cho Ông Trùm “quá khóa”, tức là bước qua Thánh Giá, thì sẽ được tha về. Ông nhất quyết không tuân.

Quan bảo: “Kín đáo đạp lên thập giá đi, rồi về xưng tội”.

Ông Trùm đáp: “Thạch tín là thuốc độc, uống vô là chết, nhưng cũng có thuốc giải. Thế nhưng có ai liều mình uống thạch tín bao giờ? Việc xúc phạm Thánh Giá cũng vậy”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến Thập Giá của Ngài, để được hồng phúc tử đạo với Chúa mỗi phút giây trong cuộc đời chúng con. Amen.

home Mục lục Lưu trữ