Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 60

Tổng truy cập: 1377555

THẦN KHÍ SỰ THẬT

THẦN KHÍ SỰ THẬT (*)-  Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Mặc khải “Một Chúa Ba Ngôi” không thuộc về Cựu Ước. Cựu Ước quan tâm đặc biệt đến việc gìn giữ sự tinh tuyền Một Chúa vốn không ngừng bị đe dọa bởi ảnh hưởng của các tôn giáo đa thần chung quanh. Tuy vậy, Cựu Ước để cho thoáng thấy vài linh cảm về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, nhất là trong các sách Cựu Ước muộn thời: tầm quan trọng được ban cho Chúa Thánh Thần, kiểu nhân cách hóa tiệm tiến của Lời, đoạn của Đức Khôn Ngoan thần linh. 
Chính Ngôi Lời làm người đã mặc khải Chúa Cha và Thánh Thần, và sự hiệp nhất của hai Ngôi Vị này với Chúa Con trong một sự hiệp thông tròn đầy tình yêu, một sự tuôn tràn liên tục, một trao đổi thường hằng, vì bản chất Thiên Chúa vốn là tận hiến cho nhau. Chính nhờ sự tận hiến này: tình yêu hiến tế của Chúa Con và sự sai phái của Chúa Thánh Thần, mà con người được dự phần vào đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Như vậy mặc khải Một Chúa Ba Ngôi là một dữ kiện đặc trưng của Ki-tô Giáo biệt phân với các tôn giáo độc thần khác như Do Thái Giáo và Hồi Giáo. 

Cn 8: 23-31

Trong bản văn của sách Châm Ngôn, Đức Khôn Ngoan nói về sự hiện diện của Ngài bên cạnh Chúa Cha ngay từ trước và suốt công trình sáng tạo. Đây là một trực giác về một cuộc sống trao đổi ở giữa lòng của chính Thiên Chúa. 
Rm 5: 1-5

Trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô phác họa việc Ba Ngôi Thiên Chúa tham dự vào công trình cứu độ loài người, dưới ba viễn cảnh: đức tin, đức cậy và đức mến.

Ga 16: 12-15

Tin Mừng được trích từ Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su theo thánh Gioan. Chúa Giê-su hứa với các môn đệ Ngài rằng Thần Khí Sự Thật sẽ được sai đến để dẫn dắt các ông tới sự thật toàn vẹn về Ngài và Cha Ngài.
BÀI ĐỌC I (Cn 8: 22-31)

Sách Châm Ngôn cùng với sách Gióp, sách Giảng Viên, sách Khôn Ngoan và sách Huấn Ca hình thành nên bộ sách minh triết Cựu Ước. Sách này được sáng tác như một bức tranh khảm được đính với những câu châm ngôn thuộc niên biểu và nguồn gốc khác nhau. Sách được đặt dưới sự bảo hộ của vua Sa-lô-mon (“Những Châm Ngôn của vua Sa-lô-mon”), một vị vua nổi tiếng là khôn ngoan và được truyền tụng là ngâm tới ba ngàn câu thơ (1V 5: 12).
Chương 8 và chương 9 của sách Châm Ngôn hình thành nên một phân đoạn được dâng hiến cho Đức Khôn Ngoan thần linh. Đức Khôn Ngoan này được nhân cách hóa lần đầu tiên và sẽ được lấy lại bởi hai tác giả thuộc trào lưu minh triết sau này, đặc biệt bởi hiền nhân Si-rác (thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên) và tác giả sách Khôn Ngoan (thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên). Kiểu nhân cách hóa này thật ra vẫn mang tính chất thi ca và văn chương, nhưng mở ra những viễn cảnh về những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Đức Khôn Ngoan của Ngài và vén mở một sự linh cảm về một cuộc sống nội tại ở nơi Thiên Chúa, chuẩn bị xa cho mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi Vị.
*1.Ở bên Thiên Chúa, từ nguyên thủy:

“Chúa đã dựng nên tôi như tác phẩm đầu tay, trước những công trình của Người, thời xa xưa nhất”. Như vậy, Đức Khôn Ngoan có nguồn gốc từ thuở xa xưa nhất. Tác giả thích nhấn mạnh Đức Khôn Ngoan có trước mọi công trình sáng tạo và hiện diện trong khi công cuộc tạo dựng đang diễn tiến. Dường như tác giả gợi ra rằng chính nhờ sự hiện diện của Đức Khôn Ngoan mà vũ trụ xuất đầu lộ diện từ sự hỗn mang, được tổ chức, được phân định ranh giới và được đặt nền móng vững chắc. Đức Khôn Ngoan có mặt ở đó, bên cạnh Thiên Chúa, như một “tay thợ cả”

*2.Hiện diện giữa loài người:

Đức Khôn Ngoan gặp thấy niềm vui thú của mình là ở bên cạnh Thiên Chúa và vui mừng về công trình sáng tạo; nhưng Ngài cũng vui chơi trên mặt đất và vui thích ở giữa phàm nhân.

Ở đây, thi ca xem ra lấn át tư tưởng thần học. Hài Nhi Thần Linh thật đáng yêu và vui tươi, Ngài muốn rời bỏ cuộc sống thân cận với Thiên Chúa để vui chơi giữa loài người. Tuy nhiên, sức quyến rũ của bức tranh vẫn là mang tính gợi ý: một Đấng từ Thiên Chúa mà đến, rất thân thiết với Thiên Chúa và vui thích được ở với loài người… Đó không phải là một linh cảm xa về Mầu Nhiệm Nhập Thể sao?

*3.Nguồn mạch Thần Học về Ba Ngôi Thiên Chúa:

Chúng ta ở tận nguồn mạch Thần Học về Ba Ngôi Thiên Chúa. Những đường nét của Đức Khôn Ngoan chủ yếu được áp dụng cho Ngôi Hai, Ngôi Lời, vừa là lời vừa là khôn ngoan của Thiên Chúa. Thánh Gioan đã viết trong Tựa Ngôn như vậy: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”.
Trong thư của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-lô-xê, bài thánh thi ca ngợi Đức Ki-tô, thủ lãnh hoàn vũ, được gợi hứng trực tiếp bởi những câu đầu tiên của sách Châm Ngôn: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người. Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1: 15-17).
BÀI ĐỌC II (Rm 5: 1-5)

Chủ đề căn bản của thư gởi tín hữu Rô-ma là ơn cứu độ mà Đức Ki-tô đem đến cho loài người, ơn cứu độ này không là phần thưởng nhưng là ân sủng.
Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay được trích từ chương 5, chương cấu thành bản lề giữa phần thứ nhất và phần thứ hai của bức thư. Phần thứ nhất xoay quanh đức tin, đối lập với Lề Luật, phần thứ hai nhắm đến cuộc sống Ki-tô hữu được ân sủng làm sinh động, dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Phần dẫn nhập (5: 1-5) trình bày một tổng đề nhỏ về công việc của Ba Ngôi Thiên Chúa, trong những viễn cảnh đức tin, đức cậy và đức mến.
*1.Chúa Cha và lời đáp trả của đức tin:

“Chúng ta được nên công chính nhờ đức tin”. Câu mở đầu này thiết lập mối liên hệ với phần thứ nhất và tóm tắt phần thứ nhất này. Chính nhờ đức tin mà Thiên Chúa cho chúng ta được dự phần vào sự công chính của Người, nghĩa là cho chúng ta được nên thánh, chứ không nhờ công trạng của mình để mà chúng ta đừng tự cao tự đại. Nhờ đó, Người đem đến cho chúng ta sự bình an. Thánh Phao-lô luôn luôn bắt nguồn từ Chúa Cha, căn nguyên của ơn cứu độ.

2.Chúa Con và con đường hy vọng:

Chính Chúa Con đã thay thế kỷ nguyên của Lề Luật bằng thời kỳ ân sủng và đã mở ra nguồn hy vọng:“Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1: 17). Vì thế, từ nay “chúng ta tự hào vì được trông đợi hưởng vinh quang với Thiên Chúa”. Ở đây, thánh Phao-lô dùng từ “tự hào” theo nghĩa “hãnh diện”, chứ không còn theo nghĩa “tự mãn” như trước đó.
Người Ki-tô hữu phải nuôi dưỡng niềm hy vọng lớn lao này, thậm chí càng phải kiên cường hơn nữa khi gặp gian truân. Chúng ta nhận ra biện chứng mạnh-yếu, rất tâm đắc với thánh nhân: ai càng yếu hèn, Thiên Chúa càng bày tỏ quyền năng của Người ở nơi người ấy. Từ ngữ “gian truân” thường nhất chỉ những phiền nhiễu mà người công chính phải chịu đựng vì niềm tin của mình. Tuy nhiên ở đây, từ ngữ này xem ra có nghĩa rộng hơn, những gian nan thử thách thời hiện tại, những gian truân này rèn luyện đức trung kiên và như vậy trắc nghiệm giá trị đức tin của chúng ta. Vì đức tin của chúng ta là nguồn hy vọng không hề mai một. Thư thánh Gia-cô-bê cũng diễn tả theo cùng một ý nghĩa: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” (Gc 1: 2-3). Trước đó, thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4: 17).

*3.Thánh Thần và sự tuôn tràn tình yêu:

Bảo chứng cho niềm hy vọng của chúng ta là tác động của Chúa Thánh Thần “Đấng tuôn tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta”. Bản văn này là lời khẳng định rõ nét nhất trong toàn bộ Tân Ước về mối liên hệ giữa tình yêu và Thánh Thần. Đây cốt là tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Vào lúc chúng ta lãnh nhận phép Rửa, tình yêu này tháp nhập chúng ta vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cuộc sống của người Ki-tô hữu, Thánh Thần tuôn đổ tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta. Động từ Hy-lạp được sử dụng ở đây gợi lên sự tràn bờ, như nước tuôn trào đến mức vật chứa không thể chứa hết được. Trong Kinh Thánh, hình ảnh “nước” là một trong những biểu tượng về Thánh Thần. Khi loan báo ân ban Thánh Thần cho người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Giê-su sánh ví với “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4: 14).

TIN MỪNG (Ga 16: 12-15)

Những lời tâm sự của Đức Giê-su dành cho những bạn hữu chí thiết của Ngài trong Diễn Từ Cáo Biệt cung cấp những ánh sáng rõ ràng nhất mà chúng ta có được về đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, thậm chí ở giữa lòng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chắc chắn, những tác giả Cựu Ước đã có vài linh cảm về đời sống quan hệ của Thiên Chúa; tiếp đó, kinh nghiệm của Giáo Hội cho phép hiểu biết hơn chức năng của Ngôi Ba mầu nhiệm.
Chỉ một mình Đức Giê-su mới có thể vén mở đời sống thâm sâu của Thiên Chúa. Với các môn đệ, Ngài đã mặc khải Chúa Cha và Ngài đã không ngừng định vị chân tính của chính Ngài trong mối quan hệ với Chúa Cha. Ngoài ra, Đức Giê-su đã không thể mặc khải Chúa Cha mà đồng thời không mặc khải Chúa Thánh Thần, Đấng được liên kết cả với Chúa Cha lẫn Chúa Con, trong một tình yêu tận hiến cho nhau giữa Ba Ngôi Vị.
Tin Mừng Gioan trao gởi cho chúng ta một cách phong phú nhất những lời tâm sự này của Đức Giê-su, đặc biệt trong Diễn Từ Cáo Biệt. Bản văn chúng ta đọc hôm nay được trích từ diễn từ này.

*1.Ân ban sức mạnh:

“Thầy có nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Các Tông Đồ đang trong tâm trạng buồn phiền và xao xuyến. Đức Giê-su đã loan báo cho họ cái chết sắp đến của Ngài, nhưng họ không thể lường được chiều kích rộng lớn của tấn thảm kịch sắp giáng xuống trên Thầy mình và làm cho chính họ xáo động sâu xa. Đức Giê-su biết sự yếu đuối của họ, những khó khăn mà họ gặp phải để hiểu mầu nhiệm về con người và vận mệnh đau khổ của Ngài. Ngài giữ thinh lặng về những viễn cảnh này hiện nay quá sức chịu đựng của các ông. Trước đó, Ngài đã hứa với các ông một Đấng Bảo Trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thánh Thần sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận” (Ga 14: 16-17); bây giờ Ngài lập lại cho họ lời hứa này.

*2.Thần Khí Sự Thật:

 “Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn diện”. Thánh Thần sẽ giúp các Tông Đồ hiểu biết sâu xa giáo huấn mà họ đã nhận được, sẽ giúp họ khám phá những khía cạnh của giáo huấn mà vào lúc này họ vẫn chưa có thể hiểu được. Sẽ không có mặc khải mới, nhưng Mặc Khải của Chúa Giê-su được đào sâu, được minh giải, nhờ Chúa Thánh Thần, ánh sáng nội tâm ở với họ.
“Ngài sẽ loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến”, tức là những thành quả của cuộc Thương Khó và Tử Nạn mà Đức Giê-su sắp phải chịu, cũng như sự Phục Sinh của Ngài. Thuở xưa, Thánh Thần đã nói qua các ngôn sứ, bây giờ chính Giáo Hội sẽ bảo quản những lời hứa cứu độ, phân phát những ân phúc Cứu Độ mà Giáo Hội sẽ phải loan truyền và phát triển cho đến tận thế.
“Người sẽ tôn vinh Thầy”. Thánh Thần sẽ làm cho sự thật của Đức Giê-su được sáng tỏ, sẽ phục hồi danh dự của Đấng Công Chính bị kết án cách bất công, sẽ làm cho nhận biết vinh quang mà Chúa Con đã nhận được bên cạnh Chúa Cha.

*3.Vai trò của Ba Ngôi Thiên Chúa và sự duy nhất của Mặc Khải:

“Người không tự mình nói điều gì… Người sẽ lấy những gì của Thầy… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy…”. Những ngôn từ này để cho thoáng thấy những mối liên hệ vừa hiệp nhất vừa khác biệt giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đoạn Tin Mừng Gioan này là một trong những đoạn văn mà việc soạn thảo thần học Ba Ngôi dựa vào. Đối mặt với các lạc giáo, Giáo Hội buộc phải xác định, phát biểu và định nghĩa niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi được cô động trong Kinh Tin Kính. Chúng ta biết rằng suốt nhiều thế kỷ, những cuộc tranh cãi nổ ra giữa Tây Phương và Đông Phương về vấn đề là phải chăng Thánh Thần nhiệm xuất “duy nhất từ Chúa Cha”, hay “từ Chúa Cha qua Chúa Con”, hay “cả từ Chúa Cha lẫn từ Chúa Con”. Đây là cuộc tranh cãi nổi tiếng về “filioque”. Các Giáo Hội Đông Phương từ chối biểu thức “và từ Chúa Con” vì sợ rằng việc quy chiếu đến cả Chúa Cha lẫn Chúa Con khiến cho nghĩ rằng có hai căn nguyên trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua biểu thức này, Giáo Hội Tây Phương muốn diễn tả rằng không thể có được sự đổ tràn ân ban Thánh Thần nếu không có sự trung gian của Chúa Con.
Ngôn ngữ phàm nhân chỉ là một cách thức tiếp cận mầu nhiệm. Dù thế nào, Đông Phương cũng như Tây Phương đều không nghĩ đến việc đặt sự hơn kém giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: sự duy nhất của Ba Ngôi thì hoàn toàn, và sự ngang bằng của Ba Ngôi thì tuyệt đối.


LỄ CHÚA BA NGÔI- NĂM C

VAI TRÒ BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG TÍN HỮU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.

Gợi ý sám hối

Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.

Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.

Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.

Lời Chúa

Bài đọc I (Cn 8,22-31)

Trích đoạn này trình bày Ngôi Hai như là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa.

Ngài hiện hữu từ thuở đời đời.

Ngài đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng.

Ngài vừa ở bên cạnh Thiên Chúa, vừa gần gũi với loài người.

Đáp ca (Tv 8)

Đây là một bài ca tụng công trình tạo dựng của Thiên Chúa, đặc biệt con người là thụ tạo cao quý nhất, chỉ thua kém thiên thần một chút.

Tin Mừng (Ga 16,12-15)

Đoạn Tin Mừng này nói đến sự liên hệ giữa Ba Ngôi, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần:

Tất cả những gì mà Chúa Con mặc khải đều là do lãnh nhận từ Chúa Cha.

Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ hiểu rõ tất cả những gì Chúa Con đã dạy, nhờ đó các môn đệ được dẫn đến sự thật toàn vẹn.

Bài đọc II (Rm 5,1-5)

Đoạn thư Phaolô này cũng nói đến vai trò của Ba Ngôi trong cuộc sống người tín hữu: Nhờ Chúa Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa.

Gợi ý giảng

Sự thật toàn vẹn

Chúa Thánh Thần là Đấng dẫn ta đến sự thật toàn vẹn. Sự thật toàn vẹn là gì? Đó chính là điều Chúa Giêsu ngụ ý trong câu đầu bài Tin Mừng hôm nay “Thầy còn nhiều điều muốn nói với chúng con, nhưng bây giờ chúng con không có sức chịu nổi”. Trong khoảng thời gian Chúa Giêsu sống cạnh các môn đệ, có nhiều điều Chúa Giêsu vừa mới nói hé một chút thì các môn đệ đã không chịu nổi nên Chúa Giêsu thôi không nói nữa. Thí dụ khi hai người con của bà Giêbêđê đến xin Chúa cho họ được ngồi hai bên tả hữu Ngài, Chúa Giêsu hỏi lại “Nhưng chúng con có uống nổi chén đắng của Thầy không?” Hai ông tuy đáp liều là nổi nhưng sau đó không dám xin nữa và Chúa Giêsu cũng không nói thêm gì nữa. Trong câu chuyện ấy, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa nói rõ chính là chén đắng. Một lần khác Chúa Giêsu vừa mở miệng báo tin Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết chết, thì Phêrô cũng không chịu nổi nên vội lên tiếng can ngăn. Trong chuyện này, sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu chưa thể nói rõ chính là mầu nhiệm đau khổ của Thập giá. Trong đêm thứ năm trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu quỳ trước các môn đệ và rửa chân cho họ, Phêrô lại một lần nữa không chịu nổi nên cự nự “Không đời nào con để Thầy rửa chân cho con”. Ở đây sự thật toàn vẹn mà Chúa Giêsu cũng chưa tiện nói hết là sự hạ mình của Ngài và của các môn đệ. Tóm lại sự thật toàn vẹn là các môn đệ phải chấp nhận số phận của Thầy mình, phải tự khiêm tự hạ, phải chịu đau khổ chịu bắt bớ và có thể chịu chết giống như Thầy. Nhưng trong tất cả những lần kể trên Chúa Giêsu không nói hết ý nghĩ của mình được vì các môn đệ đã không chịu nổi. Về sau khi Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời, Chúa Thánh Thần đã dẫn các môn đệ đến sự thật toàn vẹn ấy, và khi đó, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các ông đã chịu nổi, chẳng những chịu nổi mà còn vui lòng chịu: một lần kia vì đã rao giảng về Chúa Giêsu, các tông đồ bị bắt giam trong tù hết một đêm, sau đó bị điệu ra Thượng Hội đồng, bị đánh đòn một trận rồi mới được thả ra. Sách Công vụ viết khi ấy các ông lòng đầy hân hoan vì được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Thánh Phaolô cũng thế, sau biết bao gian truân nguy hiểm vì loan báo Tin Mừng, ngài nói “Tôi sung sướng vì được thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô trong thân xác tôi”. Ngài còn nói “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô”, cái thập giá mà những người trí thức hy lạp coi là điên rồ và những người Do Thái sùng đạo coi là cớ vấp phạm.

“Khi tôi ngắm cõi trời”

Một đêm nào đó trời thanh mây tạnh, chúng ta hãy ra khỏi nhà, ngước mắt nhìn lên bầu trời. Chúng ta thấy gì? Chúng ta sẽ thấy các tinh tú hằng hà sa số, có cái sáng nhiều có cái sáng ít, có cái nằm riêng rẻ có cái ở trong một chùm sao.

Trong hằng hà sa số các tinh tú ấy, trái đất chúng ta chẳng đáng là gì cả. Một hành tinh nhỏ bé, rất nhỏ bé.

Thế mà Thiên Chúa lại quan tâm đặc biệt đến hành tinh nhỏ bé này. Trong vô vàn tinh tú, chỉ có hành tinh nhỏ bé này được hai vinh dự vô cùng to lớn:

Vinh dự to lớn thứ nhất là con người trên hành tinh nhỏ bé này được Thiên Chúa đặt làm chủ tể mọi loài trong vũ trụ rộng lớn bao la.

Vinh dự to lớn thứ hai là không một hành tinh nào khác ngoài hành tinh này được Ngôi Hai Thiên Chúa đến cư ngụ. Chẳng những thế, Ngài còn chịu chết ở cái hành tinh nhỏ bé này nữa.

Tác giả Thánh Vịnh 8 đã ngỡ ngàng không hiểu nỗi tình yêu bao la của Thiên Chúa và hạnh phúc vô cùng của con người: “Khi tôi nhìn ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, mặt trăng và muôn tinh tú mà Chúa tôi gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa tôi nhớ đến, con người là gì mà Chúa để ý chăm nom. Chúa dựng nên con người chỉ kém thiên thần một chút. Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang. Chúa đặt con người cai trị các công trình tay Chúa tác thành. Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.”

Một cuộc sống đáng mơ ước

Chúng ta không sống cô độc một mình, nhưng cùng sống với những người khác: gia đình, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cộng đoàn giáo xứ v.v.

Trong những cộng đoàn sống chung ấy, chúng ta thường mơ ước:

Phải chi mọi người đều “trong suốt” với nhau, nghĩa là ai nấy cũng hiểu nhau vì ai nấy đều chân thành tỏ cho nhau hết mọi ý nghĩ của mình.

Phải chi mọi người đều hết lòng yêu thương nhau, nghĩa là chỉ có yêu thương chứ không hề có một chút gì là ganh ghét, đố kỵ, e dè nhau…

Phải chi mọi người đều hết sức hợp tác giúp nhau trong mọi công việc.

Phải chi mọi người đều chia xẻ tất cả những gì của mình để tất cả đều là của chung.

Đó chính là cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúng ta mơ ước cuộc sống đó. Mơ ước này không phải chỉ là ước mơ suông không bao giờ đạt được. Chúa Giêsu nói Thiên Chúa sẵn sàng thông chia cho chúng ta cuộc sống ấy nếu chúng ta biết thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vài suy nghĩ về Thiên Chúa là Cha

a/ Thế nào là một người cha?

– Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại

 Ngay cả trước khi đứa con sinh ra: vừa biết nó thụ thai thì đã yêu thương và nôn nóng chờ ngày nó sinh ra.

Ngay cả khi chưa biết sau này nó sẽ ra sao: chưa biết sau này nó đẹp hay xấu, thông minh hay ngu đần, khoẻ mạnh hay yếu ớt, tốt hay xấu, hiếu thảo hay ngỗ nghịch… Chỉ vì nó là con cho nên mình yêu thương nó.

– Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có:

Người cha nào cũng muốn đứa con khoẻ như mình, thông minh như mình, giỏi như mình, khéo như mình, có của cải địa vị như mình, hạnh phúc như mình… Thậm chí còn hơn mình… Và làm tất cả để đứa con được như thế.

– Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con:

Chỉ có con quên cha và bỏ cha, chứ không hề có cha quên con và bỏ con. Dù đứa con ấy xấu xa và ngỗ nghịch đến đâu đi nữa, Cha vẫn yêu thương nó.

– Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ.

Cha sung sướng khi thấy con vui, con khoẻ, con thành đạt… Cha đau buồn khi thấy con bất hạnh, khổ sở…

– Cha là kẻ lệ thuộc con:

Yêu thương ai là lệ thuộc người ấy, là để cho người ấy có quyền trên mình, mình ở thế yếu đối với người ấy.

Trẻ con dù rất yếu ớt nhưng lại có quyền lực rất lớn trên cha mẹ. Do đó chúng nhõng nhẽo, đòi cái này cái nọ, giận không thèm ăn uống khi không được cho cái mà chúng đòi… Những yêu sách ấy của chúng đã làm cho cha mẹ phải “điêu đứng” khổ sở.

b/ Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng ta

Tất cả những gì ta đã nói về người cha tự nhiên đều đúng với Thiên Chúa, và đúng một cách tuyệt đối, trọn vẹn:

– Cha là kẻ yêu thương con mình bằng một tình yêu vô cùng quảng đại: “Từ muôn đời Chúa đã yêu con”

– Cha là kẻ muốn cho con mình tất cả những gì mình có:

Sách Sáng thế nói Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài.

Tin Mừng Ga ghi lại lời Chúa Giêsu “Mọi sự của Cha là của Con” (Ga 17,10)

– Cha là kẻ không bao giờ quên con và bỏ con:

Điều này hoàn toàn và tuyệt đối đúng với Thiên Chúa: “Con người có thể sống không Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không thể thôi làm Cha được” (Louis Evely).

Dụ ngôn người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng minh họa điều này rất rõ.

– Hạnh phúc và đau khổ của người Cha là do thấy con hạnh phúc hay đau khổ.

“Thiên Chúa là người táo bạo nhất trong thiên hạ, bởi vì Ngài đã dám đặt tất cả hạnh phúc của mình trong hành vi yêu thương. Ngài đã để hạnh phúc mình tuỳ thuộc vào một kẻ khác” (Louis Evely)

– Cha là kẻ lệ thuộc con:

“Thiên Chúa là Cha, Cha cách trọn vẹn, hoàn toàn. Chúng ta thì khác, chúng ta chỉ là cha một ít thôi. Đồng ý rằng ta là cha của con cái chúng ta, nhưng chúng ta cũng còn lệ thuộc đủ mọi thứ khác như là công việc, nghề nghiệp, cuộc sống hôn nhân, những sở thích riêng tư, những thành công, những việc giải trí của mình, và chúng ta lại cũng còn lệ thuộc về chính mình nữa. Chúng ta không là cha cho đủ… Chỉ một mình Thiên Chúa mới là Cha mà thôi. Đối với Con của Ngài, Ngài đã hiến mình trọn vẹn. Nơi Ngài không còn có một phần nhỏ nhoi nào là quay trở về mình, là tìm “cái tôi” nữa” (Louis Evely)

* Tóm lại Thiên Chúa là Cha ở chỗ “Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và trao ban. Ngoài ra Ngài không là cái gì khác nữa” (Louis Evely)

Thiên Chúa trổi vượt trên cha mẹ trần thế

Trong phòng xử án Toà án nhân dân Thành phố Hồ chí Minh sáng ngày 16-8-1996, ngay ở hàng ghế đầu, suốt những giờ xét xử của Hội đồng xử án, một người đàn bà với đôi mắt ướt đẫm nước mắt, cứ nhìn đăm đăm vào chiếc lưng của bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Đó là chiếc lưng của đứa con đầu lòng của bà trong chiếc áo tù, và có in ký hiệu “AB”. Cho đến khi công tố viên đọc xong lời buộc tội và đề nghị mức án “hai mươi năm tù vì tội giết người” bà bỗng nấc lên một tiếng rồi ngất xỉu. Bà ngất xỉu có lẽ vì bà chịu đựng không nổi mức án dành cho con bà: 20 năm tù vì cái tội giết người; mà người nó định giết không ai khác hơn là chính bà. Bà là mẹ của bị cáo và cũng chính là người bị hại!

Hơn một năm trước đây, vào ngày 16 tháng 7, 1995, chính nó đã cầm một thanh gỗ tròn dài nửa mét đánh vào đầu bà, rồi cầm một con dao đâm vào ngực bà. Người đầm đìa máu bà ngã xuống ngất xỉu – vì con. Hôm nay bà lại ngã xuống, ngất xỉu… cũng vì con.

Con bà – Lương Quốc Tuấn, sinh năm 1976, ở quận 11, làm thợ cửa sắt. Từ khi lên 5 tuổi, cha của Tuấn đã bỏ mẹ con Tuấn đi sống với người khác. Mẹ của Tuấn lặn lội nuôi hai đứa con thơ lớn lên. Thế mà… Sáng hôm đó, chúa nhật, Tuấn dậy trễ. Tuấn hỏi xin mẹ mấy ngàn ăn hủ tiếu. Mẹ Tuấn không cho, bảo lấy mì ăn liền nấu ăn. Tuấn khai trước toà: “Mẹ nói từ ngày quen con nhỏ đó thân ốm nhom ốm nhách, không tiền không bạc… mẹ không cho tiền còn nói nọ nói kia…” Thế là Tuấn đã làm cái điều mà có lẽ nghe đến, ai cũng phải thấy rợn cả người: đánh, giết mẹ! Với 10 vết thương, chỉ có hai vết ở tay, còn lại toàn ở đầu và ngực nhưng khi từ bệnh viện sau sáu ngày điều trị trở về, bà lại ráng sức để xách đồ ăn vào thăm con đang bị giam trong tù! Sợ con bị đưa ra toà, bà đã viết giấy bãi nại xin xóa tội cho con. Và trước toà, bà cứ khóc nói: “Từ nhỏ đến khi lớn nó ngoan lắm. Nó không uống rượu, không hút thuốc, xin toà giảm tội!” Rồi bà nức nở tỏ ra ray rứt, ân hận, trách mình: “Tôi không nuôi nó ăn học đến nơi đến chốn. Nó phải đi làm sớm, lúc học xong lớp 8.” Hoàn toàn bà không hề nhắc gì đến cái tội tày trời mà đứa con của mình đã mắc phải.

Bên trong phòng xử án, khi bà tỉnh lại, phóng viên Hoàng Chức Nguyên đến xin hỏi chuyện bà, bà lại khóc nói: “Tôi không nói được gì đâu, đau đớn quá.” Khi có các phóng viên đến chụp ảnh con bà đang bị một tay còng vào ghế, bà van nài: “Xin đừng chụp ảnh con tôi…” Khi những người công an còng hai tay con bà giải đi, bà đã lao người với theo, bà ngã trong vòng tay của người quen. Lúc ấy phóng viên lại thấy rất rõ một vết thẹo trên trán bà. Vết thẹo do chính tay con bà cầm một thanh gỗ đập vào để lại… (theo Tuổi Trẻ 17-8-1996, trang 2).

Chắc không ai lại không bị đánh động do câu chuyện vừa kể. Một đàng là khối tình quá lớn nơi người mẹ, đàng khác là điều gì đó hơn là sự vô ơn bạc nghĩa về phía người con, có khi những con vật không xử sự với mẹ chúng cách tàn nhẫn đến như vậy! Nhưng như vậy lại càng làm nổi bật khối tình trước sau như một, vô điều kiện và cho không nơi người mẹ. Thử hỏi do đâu mà người mẹ có được thứ tình yêu cao cả đến như thế? Ta nên để ý về lời cắt nghĩa của sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo về vấn đề này liên quan tới Thiên Chúa Ba Ngôi như sau:

“Khi gọi Thiên Chúa là “Cha”, ngôn ngữ đức tin chủ yếu muốn nêu lên hai khía cạnh: Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái. Nơi Thiên Chúa, tình cha con trìu mến này cũng có thể diễn tả qua tình mẫu tử. Hình ảnh này làm rõ nét hơn tính nội tại của Thiên Chúa, mối thâm tình giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Như vậy, ngôn ngữ đức tin được hình thành từ kinh nghiệm về cha mẹ trần thế, những người dưới một khía cạnh nào đó, là đại diện đầu tiên của Thiên Chúa nơi con người. Nhưng kinh nghiệm đó cũng cho thấy là cha mẹ trần thế có thể làm sai lệch và bóp méo hình ảnh làm cha làm mẹ. Cho nên, cần phải nhắc lại là Thiên Chúa vượt trên sự phân biệt phái tính của người phàm. Người không là nam mà cũng không là nữ. Người là Thiên Chúa. Vì Người là nguồn gốc và là chuẩn mực cho chức năng làm cha làm mẹ, nên Người luôn trổi vượt trên cha mẹ trần thế: không ai là cha một cách trọn hảo như Thiên Chúa (GLGHCG,239).

Bạn có tin vui nào để nói với gia đình này?

Nhưng câu chuyện lại cho thấy một hình ảnh của một gia đình bi đát. Chồng đã bỏ vợ và hai con nhỏ, nay đứa con đầu lòng lớn lên dám đâm chém người mẹ đã sinh ra mình, để rồi lãnh 20 năm tù! Nếu Thiên Chúa là nguồn gốc đầu tiên của mọi sự và là Đấng uy quyền siêu việt, đồng thời là Đấng nhân hậu yêu thương chăm sóc mọi con cái, Ngài có kế hoạch nào hữu hiệu để cứu vãn gia đình này chăng? Nếu bạn là người từng tìm hiểu và chia sẻ đời sống Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian, chính bạn có tin vui nào để nói với gia đình này, với người mẹ đáng kính, người con ngồi tù, hoặc với người bố đi hoang cần được kêu gọi trở về? Ở đây không bàn về công tác xã hội nhưng chủ yếu bàn về niềm tin, khởi đi từ niềm tin đối với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhờ lý trí tự nhiên, con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Người. Hãy coi người mẹ trong câu chuyện nói trên là công trình kỳ diệu biết bao về yêu thương. Nhưng còn có một loại nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của chính mình, đó là loại nhận biết nhờ mạc khải của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là CHA theo một nghĩa chưa từng có: Người không chỉ là cha vì là Tạo Hoá, từ muôn thuở Người là Cha trong tương quan với Con duy nhất, Ngôi Con từ muôn thuở cũng chỉ là Con trong tương quan với Ngôi Cha: “Không ai biết Người Con trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho.” (Mt 11,27) – GLGHCG, 240.

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu báo tin sẽ cử một Đấng Bào Chữa khác, đó là Chúa Thánh Thần. Người tác động từ thuở khai thiên lập địa (x. St 1,2). Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy (Kinh Tin Kính Nixêa Contantinôpôli). Nay Người sẽ ở lại với và trong các môn đệ (x.Ga 14,17) để dạy bảo (Ga 14,26) và dẫn đưa họ đến sự thật trọn vẹn” (Ga 16,13). Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị Thiên Chúa, khác với Đức Giêsu và với Chúa Cha (GLGHCG, 243).

Mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn trong câu chuyện, đều cần được vén màn cho thấy Thiên Chúa là hạnh phúc trường cửu, sự sống bất diệt, ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình thương tràn lan giữa Ba Ngôi vị tựa như sức nóng và ánh sáng tràn lan từ mặt trời. Thiên Chúa tự ý muốn thông chia vinh quang sự sống hạnh phúc của Người. Đó là “kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa từ thuở đời đời” (x.Ep 1,9). Người đã cưu mang kế hoạch đó từ trước khi tạo dựng vũ trụ nơi Con yêu dấu của Người là Đức Giêsu Kitô. “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử trong Con của Người” (Ep 1,4-5). Ta được mời gọi “trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm 8,29) nhờ “Thần Trí làm nên nghĩa tử” (Rm 8,15), kế hoạch này đúng là “ân sủng được trao ban từ muôn thuở” (2Tm 1, 9-10) xuất phát trực tiếp từ tình thương Ba Ngôi. Tình thương này được trải ra trong cuộc sáng tạo, trong toàn bộ lịch sử cứu độ sau khi nguyên tổ sa ngã, trong sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Thánh Thần mà sứ mạng Hội Thánh nối tiếp (Sắc lệnh Truyền Giáo AG 2-90).

Chính theo kế hoạch yêu thương của Ba Ngôi mà mọi người trong gia đình phạm nhân Lương Quốc Tuấn, kể cả chính phạm nhân, người bố của phạm nhân và người mẹ đáng mến của anh, đều được mời gọi đạt tới hạnh phúc bất diệt chính họ hằng ao ước. (Lm Augustine, sj. Vietcatholic)

Ba Ngôi Thiên Chúa, một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương

Người ta kể rằng: Thánh Augustin, một hôm đi bách bộ dọc bờ biển Địa Trung Hải, vừa đi vừa suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bỗng nhiên Thánh nhân gặp một em nhỏ lấy vỏ sò múc nước đổ vào một cái lỗ. Đang còn ngạc nhiên về công việc luống công vô ích này, em bé đã trả lời: việc em múc hết nước biển đổ vào lỗ nhỏ, còn dễ hơn điều mà Thánh nhân suy nghĩ về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Rồi em bé biến đi.

Nhớ lại lớp giáo lý xa xưa, ở đó, Chúa Ba Ngôi được ví như một hình tam giác đều, có ba góc bằng nhau. Hay chúng ta cũng được nghe so sánh Chúa Ba Ngôi với nước ở ba thể: khí, lỏng và rắn… Tuy nhiên, tất cả những lối so sánh ấy dường như quá khô khan, vì không phản ánh một cách trung thực và sống động hình ảnh thật sự của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cách đây vài năm, vào ngày cuối của khoá học về Chúa Ba Ngôi, cha giáo sư hỏi chúng tôi:

– Bây giờ các anh chị đã hiểu mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi chưa?

Gần như cả lớp đồng thanh:

– Thưa cha hiểu.

Cha bật cười:

– Vậy thì các anh chị giỏi hơn tôi rồi!

Dĩ nhiên, con người giới hạn của chúng ta không thể hiểu thấu mầu nhiệm quá siêu vượt này, nhưng để sống, lại là điều hoàn toàn có thể. Mầu nhiệm Ba Ngôi chính là hình ảnh rất thân quen, rất gần gũi nếu nhìn Ba Ngôi dưới khía cạnh tình yêu. Vâng, Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương. Tình yêu ấy đã không giữ lại cho mình, nhưng đổ tràn vào trần gian. Một tình yêu tràn ngập vũ trụ khi Thiên Chúa Cha dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; là tình yêu cứu độ, thứ tha qua cái chết nhục nhằn của Chúa Con chí thánh; là tình yêu thánh hóa, đổi mới trong Thánh Thần. Thánh Gioan đã định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha-Con là Thánh Thần. Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao, không phải chỉ là trao quà tặng hay cái gì đó ở bên ngoài mình, nhưng là trao đi điều quý nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi tặng ban cả Con Một…”

Thiết nghĩ không có hình ảnh nào diễn tả đẹp hơn mầu nhiệm Ba Ngôi cho bằng hình ảnh một gia đình: vợ chồng yêu thương nhau và con cái là kết tinh của tình yêu.” Mình với ta tuy hai mà một… Ta thương nhau quá nên hai hóa ra thành một”. Dù là hai, bốn, mười hoặc nhiều hơn đi nữa, nhưng gia đình, cộng đoàn chúng ta sẽ thực sự phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta chỉ có một trái tim để yêu thương, một niềm vui để chia sẻ, một nỗi buồn để cảm thông nâng đỡ, một khát vọng nên thánh… Tiếc rằng ngày nay, nhiều gia đình, cộng đoàn đã không còn là tổ ấm, nhưng biến thành nhà trọ: khách đến rồi khách lại đi, chẳng cần biết những người thân yêu của mình đang nghĩ gì, làm gì, cần gì và sống như thế nào! Đời sống gia đình nặng nề, khó thở và tẻ nhạt, bởi vì nơi ấy đã không còn tình yêu nữa.

Chợt nhớ lại câu chuyện khá ngộ nghĩnh xảy ra tại một cộng đoàn các sư huynh ở Việt Nam. Cộng đoàn gồm ba vị, người Việt mình thường quen gọi là các “phe” (frère). Lần kia, một nhân viên của sở bưu điện đem thư đến, vừa giao thư vừa lẩm bẩm: “Nhà có ba người thì ba phe, sống chó gì được!” (chỉ là vì trên bì thư, người gởi viết: Kính gởi phe M., phe H., phe B.). Thật là một sự hiểu lầm tai hại!

Chúng ta sẽ mãi còn xa lạ với mầu nhiệm Ba Ngôi, nếu chúng ta còn xa lạ với tình yêu được bắt đầu ngay trong gia đình, cộng đoàn. Gia đình, cộng đoàn chúng ta hãy trở thành một bản nhạc du dương hòa điệu, trong đó mỗi người là một nốt nhạc đã được Thiên Chúa đặt để. Xin đừng tự ý thăng giáng, cũng đừng thay đổi vị trí, vai trò của mình. Hãy sống đúng bổn phận Chúa trao, và như thế, mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn và quy hướng về tình yêu, tình yêu của mầu nhiệm Ba Ngôi mà mỗi ngày chúng ta lặp lại nhiều lần khi làm dấu thánh giá: Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.(Sr Têrêsa, trích từ Vietcatholic)

Nhìn thấy Chúa

Một vị vua kia đến cuối cuộc đời cảm thấy buồn chán. Ông nói: “Suốt đời ta, ta đã cảm thụ được tất cả những gì mà một con người có thể cảm thụ được bằng các giác quan. Nhưng vẫn còn một điều ta chưa được thấy, đó là ta chưa thấy Chúa. Bây giờ nếu ta chỉ được nhìn thấy Chúa một thoáng thôi thì ta cũng sẽ mãn nguyện mà chết”. Nhà vua tham khảo ý kiến những bậc khôn ngoan, hứa cho họ đủ thứ phần thưởng nếu họ giúp ông thực hiện điều mơ ước ấy. Nhưng chẳng ai giúp được.

Thế rồi có một chàng chăn cừu nghe chuyện trên và tìm đến gặp nhà vua. Chàng nói: “Có lẽ hạ thần có thể giúp Bệ Hạ được”. Nhà vua rất sung sướng theo người chăn cừu leo lên nhiều ngọn đồi. Khi đến đỉnh một ngọn đồi nọ, người chăn cừu đưa tay chỉ mặt trời và bảo: “Hãy xem kìa”. Nhà vua ngước mắt nhìn lên nhưng liền nhắm lại ngay vì chói quá. Ông bảo: “Nhà ngươi muốn cho ta mù sao!” Người chăn cừu đáp: “Tâu Bệ Hạ, đây chỉ mới là một phần nhỏ của vinh quang Thiên Chúa mà Bệ Hạ còn nhìn không nổi. Thế thì làm sao Bệ Hạ có thể nhìn được Thiên Chúa bằng cặp mắt bất toàn của Bệ Hạ? Bệ Hạ phải tìm cách nhìn Ngài bằng cặp mắt khác”.

Nhà vua rất thích ý tưởng ấy, nói: “Ta cám ơn ngươi đã mở cắp mắt trí khôn của ta. Bây giờ hãy trả lời cho câu hỏi khác của Ta: Thiên Chúa sống ở đâu?” Người chăn cừu lại đưa tay chỉ lên trời: “Bệ Hạ hãy nhìn những con chim đang bay kia. Chúng sống trong bầu không khí bao quanh. Chúng ta cũng thế, chúng ta sống trong sự bảo bọc của Thiên Chúa. Xin Bệ Hạ đừng tìm kiếm nữa, mà hãy mở rộng mắt ra để nhìn, mở tai ra để nghe. Thế nào Bệ Hạ cũng thấy được Ngài. thiên đường ở ngay dưới chân chúng ta cũng như ở ngay trên đầu chúng ta”.

Nhà vua dừng bước, cố gắng nhìn, cố gắng lắng nghe. Thế là một cảm giác bình an lộ rõ trên khuôn mặt buồn thảm của ông. Người chăn cừu nói tiếp: “Tâu Bệ Hạ, còn một điều nữa”. Rồi chàng dẫn nhà vua đến một cái giếng. Nhà vua nhìn xuống mặt nước bằng phẳng, hỏi: “Ai sống dưới đó thế?” Người chăn cừu đáp: “Thiên Chúa”. “Ta có thể nhìn thấy Ngài không?” “Được chứ, Bệ Hạ chỉ cần nhìn”. Nhà vua chăm chú nhìn xuống giếng, nhưng chỉ thấy gương mặt của mình phản chiếu trên mặt nước. Ông nói: “Ta chỉ thấy mặt Ta thôi”. Người chăn cừu giải thích: “Bây giờ thì Bệ Hạ đã biết Thiên Chúa sống ở đâu rồi. Ngài sống trong Bệ Hạ đó”.

Nhà vua nhận ra rằng người chăn cừu khôn ngoan và giàu có hơn ông. Ông cám ơn chàng và trở về hoàng cung. Chẳng ai biết ông có nhìn thấy Thiên Chúa không, nhưng ai cũng nói rằng có một điều gì đó đã biến đổi trái tim ông, bởi vì từ đó trở đi ông đối xử rất nhân hậu với mọi người, kể cả người đầy tớ hèn hạ nhất của ông.

Thiên Chúa ở khắp chung quanh chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta chưa khám phá Ngài ở ngay trong lòng chúng ta thì Ngài như vẫn còn ở xa, vẫn như một người lạ thờ ơ vô tình. Còn khi chúng ta cảm nhận Ngài ở trong chúng ta thì không bao giờ chúng ta còn cảm thấy cô đơn nữa, và khi đó chúng ta sẽ nhìn thấy thiên nhiên là một công trình của một Đấng Nghệ Sĩ thân thiết của chúng ta.

Thiên Chúa Ba Ngôi vừa ở trong chúng ta vừa siêu vượt chúng ta. Đúng là một mầu nhiệm, nhưng là một mầu nhiệm tình yêu. (FM)

Những hình ảnh của Thiên Chúa

Người Châu Phi có một câu chuyện sau đây về Thiên Chúa:

Một hôm Thiên Chúa đi thăm châu lục rộng lớn này và Ngài thấy có một bộ lạc bị mất đức tin. Thế là Ngài hiện ra giữa một mảnh ruộng đang có 4 người làm việc, mỗi người một góc. 4 người này thấy Chúa hiện ra giữa mảnh ruộng. Họ chăm chú nhìn Ngài rồi phục mình thờ lạy.

Sau đó Thiên Chúa biến hình rồi xem sự việc sau dó diễn tiến thế nào. 4 người kia chạy vào làng và nói rằng: đúng là có Thiên Chúa vì họ đã thấy Ngài hiện ra. Từ này về sau chúng ta đừng sống vô thần nữa mà phải lo thờ phượng Chúa. Mọi người nghe đều tin là Thiên Chúa đã hiện ra thật. Nhưng một người hỏi: “Thế thì Thiên Chúa mặc áo màu gì?”

– Ngài mặc áo đỏ. Người thứ nhất trả lời.

– Không, Ngài mặc áo xanh. Người thứ hai cãi lại.

– Hai đứa bây sai cả. Ngài mặc áo màu lục. Người thứ ba nói thế.

– Tất cả đều điên hết rồi. Người thứ tư la to. Ngài mặc áo vàng.

Thế là mọi người cãi nhau chí choé, rồi ấu đả nhau. Cuối cùng bộ lạc chia thành 4 phe.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy mọi người dân bộ lạc ấy đều sai lầm. Thực ra mỗi người chỉ thấy một thoáng về Thiên Chúa. Lẽ ra mỗi người phải biết rằng mình chỉ thấy được một phần thì họ cho rằng họ thấy toàn vẹn. Nếu như họ biết lấy cái nhìn của người khác để bổ sung cho cái nhìn của mình thì họ sẽ có một hình ảnh đầy đủ và phong phú hơn về Thiên Chúa.

Thiên Chúa lớn hơn tất cả chúng ta. Chúng ta không bao giờ hiểu biết trọn vẹn về Ngài. Để hiểu biết những sự dưới thế chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, thế thì làm sao chúng ta nắm bắt được những sự trên trời. Chỉ có ơn ban khôn ngoan mới giúp chúng ta hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Con người có thể biết những chân lý đức tin, nhưng không thể hiểu biết chính Thiên Chúa.

Cần phải có một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa, nếu không thì mọi sự sẽ lạc hướng cả. Làm sao chúng ta có thể thờ phượng Ngài cho phải đạo hoặc có một liên hệ đúng đắn với Ngài nếu chúng ta có một hình ảnh sai lạc về Ngài?

Muốn biết Thiên Chúa là thế nào, chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, vì, như Thánh Phaolô nói, “Ngài là hình ảnh Thiên Chúa vô hình”. Vậy, Chúa Giêsu ra sao? Trong mọi hình ảnh Chúa Giêsu, hình ảnh đẹp nhất là Mục Tử nhân lành. Chính Chúa Giêsu đã mô tả mình bằng hình ảnh này. Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành, hiến mạng sống mình cho đàn chiên. Trong hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta thấy được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Còn Chúa Thánh Thần thì thế nào? Chúa Thánh Thần chính là tình thương giữa Chúa Cha với Chúa Con, và giữa các Đấng với chúng ta.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là vấn đề để tranh luận, cũng không phải là vấn đề để học biết, mà là để cầu nguyện và để sống. Kitô hữu sống trong thế giới của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế giới này không phải là một thế giới ở đâu xa xôi, mà chính là thế giới mà ta sống hằng ngày. Như câu chuyện của Châu Phi vừa kể phía trên, thế giới ấy là thế giới mà Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. (FM)

Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, chúng ta cùng dâng lên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần lời khẩn cầu cho ội thánh là Mẹ chúng ta và cho toàn thể thế giới:

  1. Hội thánh là dấu chỉ tình yêu của Chúa dành cho muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội thánh / luôn hiệp nhất trong yêu thương và chân lý vẹn toàn.
  2. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / nhận biết Chúa là Cha nhân hậu từ bi.
  3. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai thành tâm đi tìm Chúa / đều được hạnh phúc gặp Người.
  4. Chúa Thánh thần là Đấng Thánh hóa nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban Thánh thần cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / để Người giúp chúng ta nên thánh trong bổn phận thường ngày.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng hằng hữu, xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban cho chúng con luôn cố gắng sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúng con cầu xin

Trong Thánh Lễ

– Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có công thức Ba Ngôi.

– Trước kinh Lạy Cha: Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc lên với cả tâm tình con thảo như Chúa Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong lòng chúng ta.

Giải tán

Chúng ta đã dâng Thánh lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương. “Xin chúc anh chị em được đầy ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”.

home Mục lục Lưu trữ