Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1379514
THẦN KHÍ SỰ THẬT VÀ SỰ THẬT TOÀN VẸN
THẦN KHÍ SỰ THẬT VÀ SỰ THẬT TOÀN VẸN- Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa hay nội dung đích thực của ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng các từ ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà Đức Giêsu nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia (xem Ga 14:6). Nói như thế vì tôn giáo nào cũng thường cho mình là dạy dỗ sự thật, hoặc mình thủ đắc chân lý duy nhất đúng, và đề ra cả một hệ thống thuyết giáo phức tạp để quảng diễn chân lý hay sự thật đó. Trong lãnh vực này, thiết tưởng đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.
Thế nhưng nếu có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: ông đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phao-lô chỉ đơn thuần khảng định rằng, ông rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20:17-35). Ông cũng nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13:2). Chính Đức Giêsu đã từng khảng định rằng: có sự thật giải thoát, có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa Người với Phi-la-tô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu rất khác nhau là thế. Rõ ràng ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’.
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Có điều gì các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là mấy ông môn đệ đó khó có thể hiểu nổi…, nhưng Đức Giêsu đâu có đòi điều này nơi những người bình dân chất phác như các ông. Không, tất cả các ông đều đang đi tìm sự cứu rỗi cho mình và cho toàn dân Ít-ra-en; tuy nhiên cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Gia-vê như thể con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Vấn đề ở đây là, làm sao các ông chịu hiểu ra rằng, sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Ki-tô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa mới biểu lộ được trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái của Người?
Rõ ràng, khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, Đức Giêsu cố giải thích cho các ông hiểu nội dung cứu rỗi này. Người coi việc thực hiện trước mắt các ông nội dung này, qua việc chính các ông phải là những chứng nhân của cuộc tử nạn và thập giá Người chịu, là điều tối quan trọng. Tiếp theo, trong suốt thời gian sau khi sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này. Tuy nhiên xem ra các ông vẫn chưa thấm; đúng là các ông không có sức chịu nổi, và sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm bao vây. Do đó Đức Giêsu thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, là làm cho Đức Giêsu được nhận biết, nhất là qua cuộc tử nạn thập giá và phục sinh Người, như dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3:16). Phải chăng ‘sự thật toàn vẹn – all truth – aletheia pase’ hệ tại chính ở điều này, đó là sự thật của cứu rỗi giải thoát, chứ không chỉ là sự thật của hiểu biết suy tư? Và sự thật này thì chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được! Phao-lô từng khẳng định với các Ki-tô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rô-ma rằng: không có Thần Khí này, họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’, nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà Đức Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Và công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.
Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết của con người. Điều mà cá nhân tôi và mọi ki-tô hữu thực sự cần là ‘sự thật toàn vẹn’, có sức cứu rỗi và giải thoát. Vì thế sống Thánh Thần liên tục là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong Đức Ki-tô Giêsu… và biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đó. Vì từng là một linh mục của thần học và trí tuệ, tôi càng có khuynh hướng coi sự thật chỉ là hiểu biết và lý luận; chính vì thế mà tôi càng cần xác tín về ‘sự thật cứu rỗi’ này và nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của nó, nhất là cho chính mình.
Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con bị trí tuệ làm cho quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ Amen.
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
HOA TRÁI THÁNH THẦN- Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Mùa Phục Sinh kết thúc với Lễ Kính Thờ Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần, đặc biệt với việc kính nhớ mầu nhiệm Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, chính thức khai sinh nên Hội Thánh. Thiên Chúa Ngôi Hai đã nhập thể, nhập thế. Chân dung của Người đã được lịch sử ghi nhận, cách riêng bốn Tin Mừng đã góp phần trình bày hình ảnh Chúa Ngôi Hai làm người cách rõ nét. Người ta cũng có thể dùng loại suy để hướng về Thiên Chúa Cha. Vì ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Còn Chúa Thánh Thần là Đấng mà chúng ta chỉ có thể nhận ra qua, hoa trái của Người theo dòng lịch sử và đặc biệt theo dòng lịch sử cứu độ. Chúa Kitô đã từng ví Người như là gió (x.Ga 3,8). Điều này không chỉ nói lên sự tự do của Thánh Thần mà còn giúp ta nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần qua các kết quả hành động của Người. Qua một vài hoa trái đặc trưng của Thánh Thần, chúng ta cũng có thể biết được cách thế hữu hiệu để trãi lòng mình ra đón nhận tác động của Người.
Ơn ngôn ngữ
Ngôn ngữ được biểu hiện dưới nhiều hình thái như chữ viết, ký hiệu… nhưng ở đây chỉ muốn đề cập đến tiếng nói. Tiếng nói là một trong những ưu phẩm của loài người trỗi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình. Nhờ có tiếng nói mà con người có thể truyền thông cho nhau tâm tư tình cảm và những nghĩ suy của mình. Nhờ có tiếng nói con người có thể hiệp thông với nhau cách đầy đủ và hiệu quả hơn, rộng rãi và sâu đậm hơn.
Đọc Thánh Kinh, nhất là đọc Tân Ước, chúng ta có thể chân nhận một trong những hoa trái của Thánh Thần là ơn ngôn ngữ. Khi Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên các Tông đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, Người đã ban cho các ngài ơn được nói các thứ tiếng khác nhau (x. Cvtđ 2,1-13). Sách Công vụ tông đồ cũng tường thuật nhiểu trường hợp những người lãnh nhận ơn Thánh Thần thì được ơn nói tiếng lạ, nói tiên tri (x. Cvtđ 10,45-46; 19,6-7). Chúa Giêsu an ủi động viên các tông đồ khi chịu bắt bớ thì Thánh Thần sẽ nói thay cho các ngài (x.Mt 10,20). Được Chúa Thánh Thần tác động chúng ta sẽ biết nói điều phải đạo, nói điều phải nói, nói lời tình yêu.
Các nhà y học cho ta hay một sự thật về những người vừa câm vừa điếc từ thưở mới sinh. Dân gian truyền tụng rằng vì người ta không nói được (bị câm bẩm sinh) nên trời cho luôn bệnh điếc để khỏi phải chịu nghe những lời chướng tai, phật ý. Vì nếu nghe được những lời phật ý, chướng tai mà không có thể nói lại được thì không ai có thể chịu nổi. Trái lại, theo y học thì chính vì bị tật bệnh điếc bẩm sinh nên người ta mới bị câm. Khả năng nói là một khả năng mà người ta học được nhờ bắt chước tha nhân. Không nghe được tiếng nói của tha nhân thì trẻ thơ không thể tập nói được và vì thế mất luôn kỷ năng nói. Như thế một trong những điều kiện tối cần để có thể nói là có khả năng nghe.
Từ dữ kiện ở bình diện thể lý tự nhiên trên đây chúng ta có thể diễn suy lên bình diện siêu nhiên. Để có thể nói lời phải đạo, lời đáng nói, cần nói và nên nói, để có thể nói lời chân lý, lời tình yêu, nghĩa là nói dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì tiên vàn chúng ta cần biết nghe. Dĩ nhiên là phải biết nghe Chúa Thánh Thần thúc đẩy, biết nghe Người phán dạy.
Trong phạm vi gia đình, ta thường nghe nhiều người bố mẹ than thở rằng con cái càng lớn khôn càng khó bảo, nghĩa là càng không biết nghe. Mở rộng ra ngoài xã hội, có chăng tình trạng khi chức càng cao, quyền càng lớn thì ta càng ít biết nghe. Cũng có thể vì điều kiện hoàn cảnh bên ngoài của các tổ chức xã hội, của trách vụ nắm giữ, làm ta xa rời quần chúng, nhưng cũng có thể vì tâm lý chủ quan cho mình luôn luôn đúng, không thể sai lầm, nên chẳng cần nghe, hoặc giả như cần nghe thì chỉ nghe một đôi người thân cận, những người hợp ý mình? Hy vọng rằng tình cảnh này sẽ không có trong đời sống Hội Thánh và giả như có thì mong sao đó chỉ là cá biệt hay đặc thù.
Biết nghe là một trong những cách thế tốt đẹp để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Xin hãy biết nghe bằng đời sống cầu nguyện chuyên chăm, bằng sự chiêm niệm sâu lắng. Xin hãy biết nghe lời chỉ dạy của mẹ Hội Thánh, nhất là trong lãnh vực đức tin và luân lý. Xin hãy biết nghe những nhà lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt trong lãnh vực công bình và ích chung. Xin hãy biết nghe, bằng việc tiếp xúc tha nhân, nhất là những người nghèo, những người thấp cổ, kém phận. Xin hãy biết nghe những người không đồng thuận với chính kiến của ta, biết nghe cả những người trái ý ta…trong sự trân trọng và khiêm nhu chân thành.
Một khi ta biết sẵn sàng lắng nghe, lắng nghe để thuận theo những gì phải đạo, để ngăn ngừa và phòng tránh những gì sai lạc…là lúc ta đang sẵn sàng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần. Và khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ biết cách nói theo hướng dẫn của Đức Chúa Trời Ngôi Ba.
Ơn xây dựng sự hiệp nhất:
Ngày lễ Ngũ Tuần, khi hiện xuống trên các Tông đồ, Chúa Thánh Thần một cách nào đó thông ban ơn xây dựng sự hiệp nhất. Nhiều người thuộc nhiều quốc gia, dân tộc và tiếng nói có mặt lúc bấy giờ đã hiểu những lời rao giảng của các Tông đồ (x.Cvtđ 2,13). Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất. Người làm cho muôn dân nên một trong Đức Kitô.
Nói đến sự hiệp nhất là giả thiết phải nhìn nhận sự khác biệt. Có những sự khác biệt chính đáng vốn là tất yếu khách quan. Đó là sự khác nhau về màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ. Đó là sự khác nhau về phận vị, nghề nghiệp do sự phân công, phân nhiệm của xã hội. Đó là sự khác nhau về tư tưởng, chính kiến hay quan niệm sống do bởi hoàn cảnh lịch sử hay nên văn hóa chi phối hoặc do ý thức tự chọn của mỗi người xét như một chủ thể có lý trí và ý chí tự do… Nếu không nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt chính đáng này thì chỉ có sự đơn nhất và đồng nhất trong bạo lực của độc tài, độc đoán, độc quyền. Và sự chia rẽ sẽ xuất hiện vì nhu cầu đấu tranh sinh tồn.
Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi ơn…nhưng tất cả là để phục vụ ích chung (x. 1Cor 12,4-6). Sự hiệp nhất ở đây được thể hiện nơi việc cùng huớng đến một mục đích: ích chung. Văn hào St Exupéry hình như cảm nhận chân lý này khi nói: “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Cùng với Đức Bênêđictô XVI qua bài diễn văn đọc tại Hội Đồng Lỉên Hiệp Quốc tháng 7/2008 vừa qua, chúng ta có thể nói rằng ích chung của nhân loại xét như là con người đó là nhân quyền. Những quyền lợi căn bản của con người (quyền sống, lao động, học tập, cư trú, đi lại, ngôn luận…) mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố cách đây đúng 60 năm chính là một trong những mục đích chính yếu giúp ta hiệp nhất với nhau khi ta nỗ lực dệt xây.
Với những người tin vào Đức Kitô thì một trong những mục đích chính đó là “nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành” (x.Mt 5,48). Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được thông phần sự sống thần linh của Thiên Chúa và với Người anh cả Giêsu, chúng ta là anh chị em với nhau cùng một Cha trên trời. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Nên hoàn thiện như Cha trên trời không chỉ dừng lại ở thái độ tiêu cực là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình mà phải tiến đến chỗ tích cực là hãy làm cho tha nhân những gì mình muốn họ làm cho mình, vì đó là tất cả những gì được dạy trong lề luật và lời các ngôn sứ (x.Mt 7,12). Để cụ thể hóa thái độ sống này Chúa Giêsu truyền bảo chúng ta là “hãy yêu thương nhau như Người yêu thương chúng ta” (x. Ga 13,34).
Cúi xuống phục vụ người mạnh khỏe cũng như người đau yếu, cúi xuống phục vụ người sang giàu cũng như người nghèo hèn, cúi xuống phục vụ người dễ thương cũng như người đáng ghét… là thái độ sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách rất tốt đẹp. Vũng đất càng sâu thì nước các nơi sẽ tuôn đổ về càng nhiều. Càng khiêm nhu, bỏ mình để yêu thương phục vụ vô vị lợi thì càng xây dựng tình đoàn kết hiệp nhất, vì khi ấy Thánh Thần, nguyên lý của sự hiệp nhất đang tràn đầy trong chúng ta.
Mong sao người ta đừng đánh lận con đen giữa ích chung và ích riêng, ích riêng của cá nhân hay phe phái của mình. Mong sao hai từ phục vụ được thể hiện cách đích thực là việc làm của người tôi tớ. Cũng mong sao ngày càng hiếm dần và mất hẳn cái cảnh các “quan đầy tớ đạo đời” vinh thân phì da, miệng lưỡi gang thép, chỉ tay năm ngón…để cho đoàn đoàn lớp lớp ông chủ phải khom lưng chầu chực và cật lực hầu hạ.
Chúa Thánh Thần đã được ban cho nhân loại từ Trái Tim Cực Thánh của Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá (x. Ga 19,31-37). Chúa Thánh Thần đã được ban cho Hội Thánh cách đặc biệt ngày Lễ Ngũ Tuần. Mong sao khi “lửa cháy” và “gió lên” thì phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp, nhờ chúng ta biết sẵn sàng đón nhận, nếu không thì hậu quả sẽ là “tro và bụi” thật nguy hiểm và khó lường.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam