Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 88
Tổng truy cập: 1379688
THẦN LƯƠNG ĐỘ ĐƯỜNG
THẦN LƯƠNG ĐỘ ĐƯỜNG- Lm. GB. Văn Hào, SBD
Trong cuộc sống đời thường, ai trong chúng ta cũng có lúc thành công, cũng có khi thất bại. Thành công mang lại cho chúng ta niềm phấn khích, nhưng thất bại dễ nhấn chìm chúng ta trong tuyệt vọng và chán chường. Hình ảnh của ngôn sứ Êlia được sách Các Vua phác vẽ trong bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay lột tả các trạng luống nhân sinh của đời sống con người. Ông đã chiến thắng ngoạn mục trên núi Car-mê-lô trước 450 tiên tri của thần Baal. Lời cầu khấn của ông đã được Chúa chấp nhận và cho lửa từ trời xuống đốt cháy lễ vật. Trong khi đó, môt đội quân đông đảo các tiên tri của Baal dài cổ kêu gào cả ngày mà không một thần linh nào đoái hoài tới. Sự thành công đó đã chứng minh Đấng mà ông tôn thờ là Thiên Chúa thật. Nhưng liền sau đó, gian nan ập đến. Hoàng hậu Idêven săn lùng và tìm cách giết ông, bởi vì bà ta bảo vệ cho tôn giáo thờ Baal. Thế là vị ngôn sứ phải lẩn trốn để lánh nạn. Ông lên đường ra đi trong tất tưởi và cay đắng. Ông hoàn toàn tuyệt vọng và muốn chết quách cho xong. Giữa sa mạc hoang vu, ông nằm vật xuống, đi sâu vào giấc ngủ và xin Chúa cất lấy linh hồn ông. Trong cơn thất vọng ê chề, vị ngôn sứ đã được Chúa sai thiên thần đến đem bánh và nước để ông tiếp tục cuộc hành trình tới núi Khô-rep.
Hình ảnh của Êlia là biểu trưng thân phận lữ hành của tất cả mọi người chúng ta. Biết bao lần chúng ta cũng bị bầm dập và tan nát giữa những bi thương của cuộc sống, tưởng chừng như bế tắc và sụp đổ hoàn toàn. Nhưng Thiên Chúa đã trao tặng một thứ lương thực kỳ diệu như đã ban cho Êlia năm xưa để giúp chúng ta độ thân trên con đường lữ thứ. Đó chính là Bánh ban sự sống, Bánh trường sinh, là thần lương cao quý nhất trong kiếp sống lữ hành trần thế hôm nay.
Một lần nữa trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về lương thực kỳ diệu này. Ngài khẳng định: “Tôi là Bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ không phải chết…. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,50-51)
Bánh thần thiêng
Cha thánh Gioan Maria Vianney đã miêu tả trong một bài giảng. Thuở ban đầu khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa định liệu cho mọi sinh linh có đủ lương thực để tồn tại. Mọi thứ rau cỏ, thịt cá… được dọn ra ê hề như một mâm cỗ đầy ắp và mỗi loài có thể tự chọn những lương thực thích hợp để bảo tồn sự sống cho mình. Cuối cùng đến lượt con người, Thiên Chúa khựng lại và tự hỏi “ Ta sẽ ban cho họ lương thực gì đây? Bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh Ta, không chỉ có thân xác mà còn có cả linh hồn”. Thân xác thì đã có của ăn vật chất còn linh hồn thì sao? Cuối cùng, để tương xứng với vẻ đẹp của linh hồn con người vốn là họa ảnh của chính Thiên Chúa, Ngài đã quyết định trao hiến thịt và máu Người Con yêu quý để nuôi sống chúng ta, cho dù Ngài biết con người đầy tội lỗi và bất xứng.
Thiên Chúa đã phân thây xẻ thịt người con duy nhất để biểu tỏ tình yêu điên rồ của Ngài. Chính Đức Giêsu khải thị điều này trong câu chuyện nói với Nicôđêmô: “ Thiên Chúa yêu trần gian đến nỗi đã ban chính con một yêu dấu” (Ga 3,16). Tình yêu này quả rất điên rồ mà chúng ta không thể lý giải được. Đức Giêsu đã nói: “ Không có tình yêu nào cao cả hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu”. Đức Giêsu không phải là một lý thuyết gia, không phải là một nhà mô phạm chỉ nói bằng sáo ngữ trên đầu môi cửa miệng. Ngài đã hiện thực lời tuyên bố ấy qua chính cái chết trên thập giá. Thập giá Đức Kitô là câu định nghĩa tròn đầy nhất và sâu tận nhất về tình yêu mà Thiên Chúa muốn diễn bày. Đức Giêsu chính là tấm bánh được ban tặng, tấm bánh được nướng chín trong cuộc khổ nạn, tấm bánh đã được bẻ nát và được phân hủy để thông truyền sự sống cho chúng ta. “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Hình tượng Thịt và Máu
Cách đây hơn 80 năm, có một đoàn di dân từ Âu châu đến Úc châu. Trong đám người du cư lang thang lếch thếch đó, người ta bỗng nghe tiếng khóc xé lòng của một đứa bé bên vệ đường. Lại gần, mọi người thấy một em bé còn đỏ hỏn đang giãy dụa nằm khóc thét bên cạnh mẹ nó. Người phụ nữ xấu số đã chết vì mệt nhọc và đói khát. Khuôn mặt hốc hác và tím tái của chị trông bất động và thật lạnh lẽo. Bầu vú của người đàn bà hầu như đã cạn kiệt. Nhưng kỳ diệu thay, đứa bé vẫn còn sống. Nó vẫn mân mê mút đầu ngón tay của mẹ nó, và những giọt máu hiếm hoi của người mẹ đã cứu sống đứa trẻ. Chính người mẹ với tình mẫu tử bất tận đã truyền những giọt máu cuối cùng của mình cho đứa con để nó được cứu sống. Bà đã chết, nhưng tình yêu cao cả khiến bà vẫn sống. Bà vẫn sống và sống mãi trong tâm hồn đứa bé thơ. Năm mươi năm sau, đứa bé đó lớn lên trở thành chủ tịch quốc hội nước Úc. Chính ông ta đã kể lại câu chuyện cảm động này, làm sống lại hình ảnh người mẹ đã hy sinh tính mạng để cho con bà được sống.
Ngày hôm nay Giáo hội cũng kể lại cho chúng ta nghe một câu chuyện tương tự giống như vậy. Câu chuyện hôm nay được kể còn hay hơn và thâm thúy hơn rất nhiều. Chính xác hơn, chính Đức Giêsu đang kể cho chúng ta câu chuyên này. “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”. Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu dẫn mời chúng ta dần dần đi sâu vào câu chuyện tình rất linh thánh mà chính Ngài thủ vai chính.
Câu chuyện Đức Giêsu kể hôm nay không phải là một câu chuyện hoang đường hay mang tính thần thoại. Nhân vật chính trong câu chuyện là chính Ngài, đấng là Thiên Chúa –Người, đã đến trần gian để viết nên một câu chuyện tình hay đẹp nhất và sâu xa nhất. Cảm nghiệm điều này, thánh giáo phụ Irênê đã viết: “Vì yêu thương, Thiên Chúa đã trở nên con người để khi chúng ta đi vào quỹ đạo tình yêu cùng với Ngài, con người chúng ta được trở nên Thiên Chúa.”
Canh bạc điên rồ
Một viên phi công từng chở công nhân Trung quốc sang Miến điện làm việc hồi thế chiến thứ 2 đã kể lại một giai thoại. Hồi đó những chuyến bay như thế thường rất dài và hành khách tỏ ra khá mệt mỏi. Các công nhân trên máy bay có nhiều thời gian rảnh rỗi và không biết làm gì nên rủ nhau đánh bạc. Đi vào vận đỏ đen, có kẻ thắng người thua. Người được tiền, kẻ trắng túi. Khi không còn tiền bạc mà máu đen đỏ vẫn còn, họ vẫn ham mê và đánh bạc bằng chính mạng sống của mình. Ai thua phải nhảy ra khỏi máy bay mà không có dù. Họ đã liều lĩnh và nhiều người đã lao vào canh bạc một cách hết sức điên rồ.
Nhưng có lẽ điên rồ hơn cả là canh bạc mà chính Thiên Chúa đang liều mạng dấn bước vào. Ngài dùng chính mạng sống Con Một yêu dấu để đánh bạc với chúng ta. Ngài phân thây xẻ thịt chính Đức Giêsu một cách điên rồ để cá cược với mọi người. Qủa là một sự liều lĩnh và táo bạo. Trong canh bạc này, Thiên Chúa thắng hay thua là do chúng ta quyết định. Bàn tiệc đã dọn sẵn và chúng ta là những thực khách được mời. Chúng ta có đến hay không đến, Thiên chúa vẫn để cho chúng ta tự do lựa chọn.
Kết luận
Chúa Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai tin thì có sự sống đời đời” (Ga 6,47). Tin là chấp nhận lao vào canh bạc của tình yêu và để cho Thiên Chúa thắng. Thánh Augustinô cũng nói: “ Tin là chúng ta ký sẵn một bản hợp đồng với Thiên Chúa trên một tờ giấy trắng. Chúa muốn viết gì trên trang giấy đó tùy ý Ngài.” Mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, Giáo hội công bố: “ Đây là mầu nhiệm đức tin”. Chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta ơn đức tin để chúng ta luôn biết trải lòng mình ra lãnh nhận hồng ân ban tặng. Hồng ân được hiển thị rất cụ thể qua bữa tiệc linh thánh nhất mà chúng ta được mời tới tham dự. “Ai ăn thịt tôi sẽ được trường sinh” và “Ai tin sẽ được sự sống đời đời”. Đó là hai vế của một định đề duy nhất, diễn bày tình yêu sâu tận của Thiên Chúa. Đứng trước lời gọi mời này, thái độ của bạn, thái độ của tôi, thái độ của chúng ta phải như thế nào?
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- Năm B
BÁNH TRƯỜNG SINH- Lm Vũ Đình Tường
Con người hay lầm lẫn giữa điều đã biết và điều chưa biết. Có những điều không biết mà nghĩ là biết. Trái lại có những điều biết mà nghĩ là không biết. Chính những ’nghĩ là’ tạo nên nhiều trăn trở trong cuộc sống. Nguy hiểm hơn cả khi trăn trở đó liên quan đến vấn đề tâm linh, đức tin.
Nguy hiểm vì niềm tin tôn giáo định hướng cuộc đời. Định hướng liên quan đến tương lai, liên quan đến cách xử thế trong xã hội, liên quan đến việc cá nhân thực thi đức ái và lối sống đạo.
Từ chối nhận
Đám đông theo Đức Kitô, nghe Ngài nói về bánh trường sinh, họ vui mừng đón nhận và xin thêm bánh đó. Đức Kitô dẫn họ tiến thêm một bước nữa Ngài nói,
‘Tôi là bánh từ trời xuống’
Đám đông đặt vấn đề, viện lí lẽ từ chối. Làm sao ông này có thể làm được điều đó. Định kiến ngăn cản họ mở rộng tầm mắt.
Định kiến thứ nhất phát sinh do tư tưởng. Theo họ Thiên Chúa ở tận trời cao, mây thẳm, con người không thể vươn tới.
Thứ hai Chúa là Thần Linh. Thần linh không thể trông giống và sống chung với người phàm. Định kiến này chối bỏ Chúa Giáng Sinh nơi hang đá Belem. Đồng thời phản bác hình ảnh Chúa đồng hành với dân Người trong vườn địa đàng trước khi tội vào thế gian. Định kiến thứ hai ảnh hưởng bởi tội lỗi, ngăn cản con người nhận biết Chúa.
Đám đông nhận biết Đức Kitô làm bánh hoá ra nhiều nhưng không công nhận Ngài là Thiên Chúa giáng trần. Dùng sức mạnh tập thể thế quyền lấn át thần quyền. Ngày nay nó xuất hiện dưới hình thức không công nhận linh mục này, phản đối linh mục nọ. Dù nhận hay không thiên chức vẫn là thiên chức. Thiên chức không do con người ban mà do ơn thánh, ơn thiên triệu. Từ chối ơn thánh là chấp nhận sống như kẻ vô thần.
Kiến thức, hiểu biết xóm làng là định kiến thứ ba dẫn đến phán đoán sai lầm về Thiên Chúa. Đám đông đơn thuần lập luận biết rõ gia đình, thân thích. Làm sao có thể nói ông là Thiên Chúa.
Căn bệnh tự mãn
Chúa Kitô gặp rắc rối không phải với những người xa lạ. Ngài gặp rắc rối với những người tự nhận là biết Ngài, rõ gia đình dòng tộc, xuất xứ, gốc gác con cái nhà ai, sanh tại đâu. Cha mẹ làm nghề gì. Chính những hiểu biết trần thế này làm mờ con mắt đức tin, ngăn cảm việc nhận ra Đấng ban bánh trường sinh. Sai lầm do tự mãn gây ra. Bởi tin điều đã biết là chính xác, không tìm hiểu thêm, không chấp nhận thay đổi. Tự mãn trở thành định kiến như đã phân tích trên.
Dùng hiểu biết, kiến thức trần thế để giải thích sự kiện trên trời là một cạm bẫy kẻ sĩ thường mắc phải. Kiến thức sâu rộng trần thế không bảo đảm người đó có kiến thức, hiểu biết nước trời. Kiến thức nước trời không thể đo bằng hiểu biết trần thế.
Nhìn bằng con mắt đức tin sẽ giúp nhìn rõ hơn. Để có con mắt đức tin thì cần phải có lòng tin, dù là rất nhỏ. Thiếu lòng tin, không thể bắt đầu việc tìm hiểu lẽ đạo. Có nghe Chúa giảng cũng không hiểu. Ăn bánh phép lạ xong vẫn còn đói. Đọc Phúc Âm mong có thêm kiến thức hơn là giúp ích cho lòng tin. Đức tin là bước đầu tiên, quan trọng, nền tảng chính trong việc nhận biết thế giới thần thiêng.
Cửa tâm hồn
Kiến thức được ví như cánh cửa sổ của tâm hồn, giúp nhìn vào khung trời bao la. Điều trớ trêu là nếu không biết mở sẽ xảy ra tình trạng mở khung trời này, cùng lúc lại đóng, che lấp khung trời khác.
Cả cánh cửa lẫn mắt nhìn đều có giới hạn riêng, tầm nhìn thu hẹp của người nhìn. Ngăn trở lớn là cùng xem nhưng kết luận khác nhau. Cùng nhìn vào khung trời có kẻ nhìn sót, kẻ nhìn không rõ. Kẻ chú trọng điều này, người quan tâm đến vật nọ. Kết quả cùng nhìn một bức tranh, đọc chung sự kiện mà nhiều ý khác nhau. Tương tự như bức tranh thiên nhiên. Cùng nhìn vào thiên nhiên vũ trụ mà có kẻ chối bỏ Thiên Chúa, kẻ tin thờ Thiên Chúa.
Cường điệu
Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa hay xác định biết rõ Thiên Chúa. Cả hai cách nói đều cường điệu. Thực tế cho thấy kiến thức hạn hẹp; trí khôn nông cạn; nhìn sự việc phiếm diện, ngăn cản, hoàn toàn chối bỏ hay biết rõ về Thiên Chúa. Chưa biết rõ chính ta sao có thể biết rõ Đấng tạo dựng nên ta. Không hiểu ta và bạn thân sao có thể hiểu rõ Đấng dựng nên ta. Vì thế mọi khẳng định biết rõ hay hoàn toàn chối bỏ Chúa đều giả dối, cường điệu. Chối bỏ Thiên Chúa chính là chối bỏ tình yêu. Không có tình yêu, không có sự sống. Khi tạo dựng con người, Chúa đặt vào tâm luật biết lành dữ. Tội làm cho việc phán đoán này ra lu mờ.
Tin vào Chúa được Lời Ngài hướng dẫn, dẫn đưa ta tiến trên con đường lành, đường nhân đức, đường dẫn đến sự sống trường sinh.
Chối bỏ Chúa ta tự chọn đi con đường ác, dẫn đến diệt vong. Chối bỏ Chúa vừa là mây mù ngăn cản nhận ra Chúa, là chướng ngại ngăn cản người khác đến cùng Chúa, vừa cản trở việc Chúa muốn thực hiện.
Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi….. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh c.43
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN- Năm B
BÁNH TỪ TRỜI- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ
Cơm bánh giúp con người có sức khỏe thể xác, giúp con người sống và phát triển. Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời. Ngài là sức sống cho con người. Ngài giúp con người triển nở toàn diện vươn tới tầm mức Thiên Chúa muốn.
Thiên Chúa ban lương thực vật chất và tinh thần
Hoàng hậu Ideven đã sai sứ giả nói với tiên tri Elia rằng bà sẽ lấy mạng của Elia vào cùng giờ ngày hôm sau, giờ Elia đã hô hào dân chúng tru diệt các tiên tri thờ thần Baan. Elia đã bỏ xứ để trốn lên “núi Chúa”. Mệt lả vì đường dài và đói khát, Elia muốn chết và xin Chúa cất mình về, vì “con cũng không hơn gì cha ông con”. Thiên Chúa đã cho thiên thần mang lương thực nuôi tiên tri, để tiên tri có sức khỏe thể xác và tinh thần, hầu tiếp tục lên đường tới núi Khôrếp.
Con người không chỉ có nhu cầu thể lý nhưng còn có nhu cầu thiêng liêng. Con người cần lương thực vật chất nuôi sống thể xác, và cũng cần lương thực thiêng liêng cho tinh thần con người, làm con người thấy ý nghĩa cuộc đời. Thiên Chúa cung cấp lương thực vật chất nuôi sống con người, và Ngài cũng cung cấp thức ăn thiêng liêng cho con người.
Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người. Ngài là Cha của tất cả mọi loài, của vạn sự vạn vật. Thiên Chúa hiện diện với Elia khi ông kêu cầu Người, khi Ngài cho lửa thiêu đốt lễ vật trên tế đàn. Thiên Chúa săn sóc Elia cho ông thức ăn nước uống, cho ông có sức và nghị lực đi đến “núi Chúa”. Thiên Chúa cũng tỏ mình cho ông một cách đặc biệt khi ông ở trên núi thánh của Ngài: Ngài không ở trong cơn động đất, không ở trong gió bão nhưng ở trong gió hiu hiu thổi. Thiên Chúa là Đấng rộng lòng thương xót, yêu thương bao la.
Đức Giêsu là bánh từ trời
Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân. Ngài không chỉ hóa bánh ra nhiều, nhưng chính Ngài là bánh để nuôi con người. Người Do Thái không hiểu ý nghĩa điều Ngài muốn nói, nên đã phản bác: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc Giuse sao? Chúng ta đều biết cha mẹ ông ta, vậy sao ông ta có thể nói ông ta từ trời xuống”. Họ không hiểu Đức Giêsu, nên họ không thể chấp nhận được điều Đức Giêsu mặc khải cho họ. Họ cho rằng Đức Giêsu nói ngoa!
Đức Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ mà nói: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình ta, sẽ bị nộp vì các con”. Tấm bánh được bẻ ra, là của ăn nuôi sống con người. Đức Giêsu là người hơn ai hết thấy được giá trị của tấm bánh. Ngài nhận ra Thiên Chúa ban bánh nuôi sống con người. Ngài cũng là tấm bánh, được bẻ ra cho con người ăn. Ngài là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Ngài là sức sống những ai biết và tin vào Ngài. Với những ai tin Ngài là bánh từ trời xuống, là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người, người đó tìm được sức sống và sẽ không chết về thiêng liêng.
Không phải ai cũng hiểu được rằng Đức Giêsu là bánh từ trời xuống. Đa số những người Do Thái thời đó không hiểu. Khi bị phản đối, Đức Giêsu cũng nhận ra rằng: “không ai đến được với ta nếu không được Cha ta lôi kéo”. Điều Đức Giêsu nói với họ, không dễ để mà hiểu, phải có ơn đặc biệt để hiểu điều này. Phải tin vào Đức Giêsu để hiểu điều Ngài nói, để hiểu rằng Ngài là bánh ban sự sống. Đức Giêsu và cách sống của Ngài, là khuôn mẫu để con người noi theo, hầu con người sống hạnh phúc.
Hành xử như những người con đích thực của Thiên Chúa
Niềm tin vào Đức Giêsu sẽ giúp người ta sống như con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể. Ngài tự hủy làm người, mang thân phận của con người như bất cứ ai khác. Khi con một vị vua sinh ra, người con đó sẽ sống trong hoàng cung và được mọi người kính trọng. Ngôi Lời nhập thể làm người, không ai biết vì không ai có thể nghĩ rằng Thiên Chúa lại làm người. Thế nên, cách người ta đối xử với Đức Giêsu là cách người ta đối xử với những người nghèo hèn nhất. Đức Giêsu mang thân phận người, giống như bất kỳ người thấp cổ bé miệng nào trên thế giới này.
Đức Giêsu sống như thế nào, cách hành xử của Ngài ra sao, trở thành mẫu gương cho những người tin vào Ngài sống. Ngài là sức sống cho con người. Ngài là bánh nuôi sống những người tin vào Ngài. Nét đặc biệt của Ngài là tự hủy. Nhờ Ngài tự hủy mà con người tìm được lẽ sống, tìm được hạnh phúc trong việc cho đi và phục vụ. Yêu thương là phục vụ và cho đi. Phục vụ như người tôi tớ, theo nhu cầu của người mình phục vụ. Yêu thương là cho đi, cho đi chính mình, như tấm bánh được bẻ ra, bị tiêu hao cho con người được sống.
Ngày nay, Thánh Thần Thiên Chúa vẫn đang ở với con người, vẫn đang hoạt động nơi mỗi người, giúp con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua chọn lựa sống vươn lên và yêu thương phục vụ anh chị em mình. Những ai tin vào Đức Giêsu được mời gọi để mở lòng lắng nghe và vâng phục Thánh Thần. “Đừng dập tắt Thần Khí” (1Tx. 5, 19), “Chớ làm phiền Thánh Thần” (Eph.4, 30). Thánh Thần Thiên Chúa đang làm mới thế giới này, đang làm mới lòng con người, và làm con người thuộc về Thiên Chúa. Sống theo Thần Khí là trở thành bánh cho con người theo gương mẫu Đức Giêsu Kitô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Theo kinh nghiệm sống của bạn, điều gì làm bạn tăng sức sống và phấn khởi?
Có bao giờ Đức Giêsu làm bạn phấn khởi và ao ước làm lại cuộc đời không? Nếu có xin bạn chia sẻ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam