Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 63

Tổng truy cập: 1379610

THÂN MẪU CHÚA ĐẾN VỚI TÔI

Thân mẫu Chúa đến với tôi.

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Trong Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ: Chị Maria và bà Êlisabét, giữa hai thai nhi: Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.

Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui. Niềm vui của chị Maria với bước chân vội vã băng qua những vùng đồi núi trập trùng xứ Giuđê. Chị không đi một mình trên đường xa, vì chị tin có một mầm sống đang lớn lên trong chị. Chị chỉ mong cho mau đến nhà bà Êlisabét để phục vụ bà trong những ngày gần sinh nở. Niềm vui bất ngờ của bà chị họ sau lời chào của Maria. Bà ngây ngất trước hồng ân mà cô em mình đã nhận được. Bà tràn ngập hạnh phúc vì được Thân Mẫu Chúa đến thăm. Êlisabét cảm thấy đứa con trong dạ cũng nhảy mừng. Dường như bà quên cả niềm vui riêng tư, để chỉ còn nhớ đến niềm vui cứu độ cho cả dân tộc.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần. Thánh Thần vẫn tác động trên chị Maria. Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabét. Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).

Chị Maria đem đến niềm vui cho nhà ông Dacaria vì chị mang lại Đấng ban Tin Mừng cứu độ. Chị đem đến sự phục vụ khiêm hạ và chị cưu mang Đấng đến để phục vụ.

Khi được trở nên nữ tỳ của Thiên Chúa, chị Maria đã sống như nữ tỳ của con người. Chị có phúc vì chị được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, chị còn có phúc vì chị đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với chị.

Chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu đang lớn dần trong lòng mẹ. Ngài tăng trưởng như mọi người. Những nhịp đập đầu tiên của trái tim nhỏ bé, những nét riêng tư đầu tiên của khuôn mặt. Con Thiên Chúa đã mang quả tim và khuôn mặt người phàm.

Từ khi Ngôi Lời được cưu mang trong dạ mẹ, không ai có quyền khinh rẻ một thai nhi, vì mỗi thai nhi đều mang khuôn mặt của Con Thiên Chúa; không ai được coi thường người phụ nữ, vì Thiên Chúa đã muốn Con mình được một trinh nữ sinh ra.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đức Maria đi phục vụ bà Êlisabét, theo ý bạn, đâu là những đặc tính của một người phục vụ tốt?

Nhiều quốc gia chấp nhận cho phá thai. Bạn nghĩ gì về sự kiện đó?

Cầu Nguyện

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại. không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn. yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

 

48. Phước lành Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại: “Một hôm, Mẹ đến thăm một nhà thương Anh quốc rất tối tân. Mẹ tả phong cảnh và các phòng ốc của nhà thương rất khang trang, sáng sủa và trang bị đủ mọi thứ máy móc cùng tiện nghi vô cùng tối tân, cân xứng với số tiền phải trả. Ngoài ra, các y tá, nhân viên làm việc trong nhà thương đều rất nhã nhặn và lịch sự. Nhưng Mẹ nhận thấy một điều lạ kỳ và hỏi một vị bác sĩ đang hướng dẫn Mẹ đi thăm nhà thương. “Thưa bác sĩ, tại sao các người bệnh cứ mỗi lần thấy ai vào là họ cùng đồng loạt quay nhìn về phía cửa vậy?”. Câu trả lời của viên giám đốc nhà thương rất đơn sơ nhưng đượm vẻ buồn: “Thưa, vì họ luôn luôn chờ đợi một ai đó trong số bà con thân thuộc đến thăm họ, nhưng chẳng có ai đến thăm họ bao giờ hết”.

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội bao giờ cũng luôn luôn khuyến khích các tín hữu thăm những người già cả, bệnh tật, ốm yếu, tù nhân, nghèo khó và tất cả những ai cần trợ giúp, ủi an nâng đỡ. Nghĩa là Giáo Hội hối thúc tín hữu thực thi Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu và nhìn ra khuôn mặt của Ngài nơi các anh chị em đau khổ và bị bỏ rơi này.

Các bài đọc Chúa nhật này cũng mời gọi chúng ta suy tư về con đường nghèo hèn, tầm thường bé nhỏ, mà Thiên Chúa đã dùng để đến với loài người chúng ta và các hệ lụy của sự lựa chọn ấy. Chương 5,1-4, sách tiên tri Mikêa là một lời sấm thuộc một lời sấm cứu thế được thánh sử Matthêu dùng lại và áp dụng cho Chúa Giêsu trong bối cảnh này. Lời sấm này của tiên tri Mikêa diễn tả các trái nghịch giữa sứ mạng Thiên Chúa giao phó cho Giêrusalem trong dòng lịch sử cứu độ và cái bất lực của nó. Sở dĩ Giêrusalem đã không chu toàn được sứ mạng này vì tội lỗi và bất trung nó đã vấp phạm, khiến cho nó không còn khả năng thực hiện những nhiệm vụ ấy. Do đó, Thiên Chúa đã chọn lựa một nơi chốn khác xa xôi, bé nhỏ và hẻo lánh không ai ngờ tới. Đó là làng quê Bêlem, trước đây gọi là Ephrata.

Đấng Cứu Thế và dòng tộc của Ngài sẽ bắt nguồn từ đó chớ không phải tại thủ đô Giêrusalem hay một thành phố danh tiếng nào khác vùng Trung Đông cổ. Và trong làng quê Bêlem, Thiên Chúa chọn gia đình ông Giêsê, cha của vua Đavít và là ông tổ của thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Như thế, Chúa Giêsu Kitô xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại tại làng quê bé nhỏ Bêlem này, cách xa khung cảnh huy hoàng vĩ đại của các thành phố lớn thuộc các đế quốc vùng Trung Đông. Ngài đã bước vào gia đình nhân loại như một trẻ bé bỏng, yếu đuối, trong một gia đình bình thường như hàng ngàn vạn gia đình bình thường khác. Tuy nhiên, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không có gì là tình cờ cả. Các lựa chọn ngược đời ấy của Thiên Chúa, là quê Bêlem khiêm tốn, điều kiện bé bỏng yếu đuối của con người đều tham dự vào sự cao cả và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Bởi vì Đấng xuất thân từ đó sẽ thống trị mọi dân nước và cai trị với chính uy quyền của Thiên Chúa toàn năng và sẽ đem lại an bình cho nhân loại.

Kiểu cách lựa chọn ngược đời và các nẻo đường lạ lùng Thiên Chúa dùng để hiện thực chương trình cứu độ, càng nổi bật hơn theo bài Phúc Âm thánh Luca, 1,39-48. Maria, một thiếu nữ vô danh, con của một gia đình làng quê Nazareth được Thiên Chúa lựa chọn làm người cưu mang Đấng Cứu Thế Con của Ngài. Phước lành Thiên Chúa đổ tràn đầy trên Trinh Nữ Maria cũng là phước lành Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại trong dòng lịch sử thế giới, lịch sử loài người. Thiên Chúa đã ban cho con người không biết bao nhiêu là phước lành, nhưng phước lành vĩnh viễn và cao quí trọng đại nhất là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Lời chào của bà Isave khi thấy Trinh Nữ Maria đến thăm mình và lời kinh chúc tụng của Trinh Nữ Maria đều ngợi khen kểu cách Thiên Chúa lựa chọn con đường dẫn Ngài đến cuộc gặp gỡ cứu độ loài người, con đường bé nhỏ tầm thường khiêm tốn nghèo hèn. Nhiều người không chịu được ý tưởng Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng một phụ nữ và mở mắt chào đời từ lòng của một bà mẹ. Do đó, câu chào của bà Isave: “Em ơi, em thật có phúc hơn mọi phụ nữ và Giêsu người con của cung lòng em cũng thật là có phúc”. Nhưng đây là một sự thật, một sự thật lịch sử minh chứng cho thấy, tất cả những biến cố của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nhập thể làm người và sinh ra từ cung lòng của người đàn bà trong gia đình nhân loại, hoa trái ngọt dịu ấy, người con ấy do hoạt động và quyền năng của Đức Chúa Thánh Thần nên được cưu mang trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. Nhưng cũng y như bất cứ bào thai nào khác của con người trần gian, nó được gắn liền thịt xác của bà mẹ và sẽ nhập thể. Con Thiên Chúa đã cần đến cung lòng của một bà mẹ. Trinh Nữ Maria đã không tiếp nhận Ngôi Lời trong linh hồn mình, mà đã tiếp nhận Ngài trong chính thân xác mình, trong cung lòng phụ nữ của mình. Và Chúa Giêsu đã chấp nhận một luật lệ tâm, sinh, vật lý của một bào thai thành hình lớn lên trong 9 tháng 10 ngày, được mẹ nuôi bằng chính máu mẹ như mọi thai nhi khác. Sự kiện lớn lên dần dần ấy tỏ ra qua hình thể tròn trịa của bụng mẹ ngày càng lớn lên. Sự kiện Giêsu là hoa trái, là bào thai lớn lên trong bụng mẹ, chứng minh Thiên Chúa không phải là một lý thuyết, một giả thuyết, mà Ngài là một hoa trái để dưỡng nuôi cứu độ thế giới này.

Mẹ Maria chỉ im lặng sống cuộc đời bé nhỏ thầm lặng ẩn dật, cưu mang Giêsu, hoa trái cứu độ rồi dâng hiến Ngài cho chúng ta. Ánh sáng không cần lời nói, sự sống hơi thở của con tim chính là sứ điệp. Khi lòng càng trống rỗng bao nhiêu thì con người càng gây nhiều tiếng động tình yêu. Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng nhưng có thể mang Chúa Kitô phong phú và hữu hiệu như Mẹ Maria, khi ta biết sống khiêm tốn bé nhỏ và yêu thích con đường kiểu sống bé nhỏ của Thiên Chúa như một tôi tớ khiêm hạ.

Như đã nêu lên trong thư Do Thái diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu, biến cố Chúa Giêsu nhập thể làm người là một biến cố lịch sử và là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ. Bởi vì nó mở ra một kỷ nguyên mới, nó vượt xa quan niệm cũ của Do Thái về liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa con người và Thiên Chúa. Do Thái giáo đóng khung các nghi lễ này trong đền thánh, trong việc dâng cúng các lễ vật và việc tuân giữ luật lệ. Mặc dầu các sinh hoạt đã có nhiệm vụ và vai trò rất quan trọng trong lịch sử cuộc sống tinh thần của Israel, chúng cũng không thể trao ban ơn cứu độ do con người. Nếu muốn được ơn cứu độ, con người cần phải trở về với chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với nó ngay từ thời tạo dựng. Nghĩa là trước khi con người phạm tội, cần phải nhận biết Thiên Chúa và thánh ý Ngài và lấy đó làm trung tâm lịch sử đời mình và lịch sử thế giới, cần phải quy hướng cuộc sống của mình theo chương trình và ý muốn của Thiên Chúa và hoán cải trở về với Ngài. Thái độ sống này đòi buộc chúng ta không được tách rời cuộc sống lòng tin khỏi các sinh hoạt thường ngày, bởi vì chúng ta không phải chỉ là Kitô hữu khi cử hành các lễ nghi phượng tự mà thôi, nhưng là suốt ngày, trong mọi công việc khác nhau. Tách rời cuộc sống lòng tin khỏi sinh hoạt trong cách hành sử thường ngày là chúng ta khước từ tin nhận biến cố nhập thể của Chúa Giêsu. Bởi vì khi nhập thể, Chúa Giêsu quy hướng toàn cuộc sống của Ngài theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Này con xin đến để làm theo thánh ý Cha”. Và Chúa Giêsu đã sống mọi giây phút đời mình dưới ánh sáng chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, khi biết noi gương Chúa Giêsu, sống tinh thần nhập thể trọn vẹn, ấy là chúng ta đón nhận sứ điệp Giáng sinh đúng đắn và trọn vẹn nhất.

 

49. Chia sẻ niềm vui – Radio Veritas Asia.

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’)

Trong bầu khí mừng lễ Chúa Giáng sinh, phụng vụ hôm nay trình bày cho chúng ta sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người qua sự gặp gỡ hữu hình giữa Chúa Giêsu trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và Gioan Tẩy Giả trong lòng bà Elizabeth.

Nơi bài đọc thứ nhất, tiên tri Mikêa cho thấy lời Chúa hứa là Người sẽ gặp dân Người và điểm quan trọng là tiên tri gọi đích danh thành Bêlem và cho biết từ đó sẽ xuất hiện Đấng thống trị Israel. Với lời hứa đó, con người sống trong hy vọng và từ nay Thiên Chúa không còn gặp gỡ con người trong tiếng sấm kinh hồn, trong chớp lòa khủng khiếp, mà trong một Đấng xuất thân từ một địa điểm rõ rệt trên mặt đất này. Và chính Đấng đó sẽ chăn dắt Israel trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Thiên Chúa.

Như thế từ 700 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh, tiên tri Mikêa đã chỉ rõ nơi Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra và ở cùng con cái loài người. Đó là một điểm khuyến khích niềm hy vọng, sự mong chờ trong Cựu Ước. Thiên Chúa đến gặp gỡ con người, ở với con người và hướng dẫn con người trên con đường về Nước Thiên Chúa.

Bài đọc thứ hai trích từ thư gởi tín hữu Do Thái của thánh Phaolô, diễn tả một cách chính xác hơn, cụ thể hơn Đấng đến gặp con người mà tiên tri Mikêa chỉ diễn tả cách lờ mờ trong hy vọng. Đấng đó đến với một thể xác để thi hành thánh ý Chúa trong thân xác của mình thay thế cho bao nhiêu của lễ toàn thiêu, của lễ đền tội. Đấng đó chính là Chúa Giêsu, Ngài đã đến và đã là điểm gặp gỡ hữu hình giữa Thiên Chúa và con người. Ngài là trung gian giữa trời và đất. Nơi Ngài, con người nhìn thấy Thiên Chúa hữu hình để qua Ngài, con người đem lòng yêu mến những sự vô hình, và Thiên Chúa chí tôn chí thánh yêu mến con người yếu đuối, tội lỗi khi nhìn thấy nhân loại nơi Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, vì Chúa yêu thương con người qua những gì Chúa quí mến nơi Con Một Chúa Nhập thể làm người. Đó là một sự gặp gỡ nhiệm mầu mà chỉ có Thiên Chúa mới bắc cầu qua được vực thẳm xa cách giữa Thiên Chúa và con người đó. Chính nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mà chúng ta được nên thánh và được vui mừng tiến về thiên quốc, qua vực thẳm đã được Thiên Chúa bắc cầu gặp gỡ.

Tiếp đến chúng ta thấy người cộng tác trực tiếp và tích cực cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người này, chính là Đức Maria. Người đã mang thai Đức Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, để cung cấp cho Ngôi thứ hai một thân xác theo ý định Thiên Chúa, như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc thứ hai: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác”.

Với hình ảnh Maria đi viếng bà Elisabeth nơi Phúc Âm hôm nay, các thánh trong Giáo Hội hay suy niệm đó là hình ảnh người đem Chúa đến cho nhân loại. Khi nói đến sự gặp gỡ đầu tiên trong thân xác với thân xác, giữa Thiên Chúa và con người này, thánh Luca đã diễn tả một quang cảnh tràn ngập niềm vui.

Trước tiên niềm vui của bà Elisabeth, bà đang có mang lần đầu tiên trong lúc tuổi già và bà biết nhờ thiên thần đã nói với Giacaria chồng bà rằng: “Người con trai của bà sẽ được tràn đầy Chúa Thánh Thần từ trong lòng mẹ và người con đó sẽ đi trước Chúa để dọn đường cho Chúa”. Niềm vui đó tràn trề khi Maria chào bà, làm bà phải kêu lên trong hân hoan ngây ngất: “Bởi đâu mà tôi được diễm phúc là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi!”

Đến lượt Maria, người cũng vui mừng và từ đáy lòng thốt lên kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Lời kinh tuyệt vời cô đọng từ trong Kinh Thánh mà Giáo Hội hằng ngày dùng để ca tụng Chúa trong giờ Kinh Chiều của mình.

Tiếp đến là Gioan, dầu còn trong lòng mẹ cũng cảm thấy được niềm vui gặp Đấng cứu độ. Chính Elisabeth đã âu yếm để ý đến con mình và nói lên cho mọi người biết: “Này, tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”. Truyền thống Công Giáo cho rằng: khi Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ, chính là lúc Gioan được tha tội tổ tông và được thánh hóa nhờ ơn cứu chuộc của Đấng Cứu Thế.

Tất cả mọi người đều vui mừng trong Phúc Âm Chúa nhật hôm nay, mà nguyên nhân của sự vui mừng đó chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu, dầu Người mới tượng thai vài tuần trong lòng Mẹ Maria. Chúng ta có thể mở ngoặc một chút ở đây, để nhìn thấy sự kiện trong Phúc Âm hôm nay là một bằng chứng hùng hồn để tôn trọng đời sống con người bắt đầu từ lúc thụ thai. Mới có vài tuần trong lòng Mẹ, Chúa Giêsu đã là Thiên Chúa thật, đã mang niềm vui đến cho mọi người nhất là đem ơn thánh hóa đến cho Gioan cũng còn trong lòng mẹ. Nhưng ở đây, Chúa nhật này, chúng ta đặt trọng tâm suy niệm vào niềm vui được ơn cứu độ, niềm vui gặp được Chúa. Cùng với Elisabeth và Gioan ước gì chúng ta cảm thấy được niềm vui Chúa đến với chúng ta, và cùng với Mẹ Maria ước gì chúng ta biết đem niềm vui đến cho mọi người.

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ cố gắng dàn xếp tất cả những gì đã làm tôi phiền muộn bực bội khó chịu để có tâm hồn vui tươi, an bình mừng lễ Chúa Giáng sinh. Và tôi sẽ cố gắng là niềm vui của tất cả mọi người nhất là niềm vui sâu xa nơi tâm hồn. Và vì lễ Giáng sinh là lễ để chia sẻ niềm vui, cho nên tôi cố gắng chia sẻ thời giờ, sức lực với người khác, nhất là phục vụ người khác. Cố gắng chia sẻ nụ cười với người khác và cố gắng ủi an, nâng đỡ người khác.

 

50. Thưa ‘vâng’ với Thiên Chúa – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Đoạn Phúc Âm này bắt nguồn từ những bản văn người ta mệnh danh là “truyện thời thơ ấu của Chúa Giêsu” và cho rằng tất cả chỉ là “thần thoại”. Có những thuyết nhìn thấy trong đó một sự pha trộn những chuyện tưởng tuợng của một số tôn giáo cổ. Ở đây không xét đến lập trường ấy, chúng ta căn cứ vào những công trình khảo cứu theo phương pháp khoa học nghiêm chỉnh nhất và học thuyết của Giáo Hội. Thật ra Phúc Âm chứa đựng đức tin thuần khiết và trọn vẹn, cho nên phải đọc Phúc Âm với một tâm tình thanh khiết.

Đức Maria đi thăm chị họ là bà Elizabeth, và được đón chào: “Bà có diễm phúc hơn mọi người nữ”. Lúc đó xảy ra một sự kiện quan trọng cho cả chủ lẫn khách: Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng mẹ khi Đức Maria đang mang thai Chúa Giêsu vừa tới nơi. Đoạn tả cảnh thăm viếng kết thúc bằng tiếng hô lớn của bà Elizabeth, nhận định của bà đối với chúng ta rất là quan trọng: “Phúc cho bà là người đã tin”.

Giáp Lễ Giáng Sinh là lúc thích hợp để suy niệm về mầu nhiệm Đức Maria:

1) Mầu nhiệm trinh khiết.

Ơn trinh khiết của Đức Maria có tính cách thanh sạch trọn vẹn bao trùm và thấm nhuần tất cả hồn xác Người. Dường như bà Elizabeth cảm biết sự thật ấy trong con người của Đức Maria vì bà nghĩ rằng, nhờ lời Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Được ơn linh ứng của Chúa Thánh Linh và đáp trả ân huệ đó, Đức Maria quan niệm cuộc đời mình chỉ là để trao phó tất cả hồn xác cho Chúa trong niềm cung hiến thuần khiết trọn vẹn nhất. Khi thiên sứ xin Người trả lời. Đức Maria nhìn rõ toàn diện vấn đề đặt ra cho mình. Ngay lúc đó, hành vi tin của Đức Maria đối với Thiên Chúa cho Người cảm biết sự thụ thai vượt khỏi định luật nhân loại chính là phương cách triệt để nhất, hoàn toàn nhất để thuộc về Thiên Chúa. Tiếng vâng của Đức Maria là sự thánh hiến đức trinh khiết của Người.

2) Mầu nhiệm làm mẹ.

Do sự ưng thuận làm mẹ, Đức Maria gia nhập mầu nhiệm Đức Giêsu trong đời sống thế gian của Chúa, bắt đầu từ khoảnh khắc truyền tin cho tới khoảnh khắc sau cùng là Chúa sống lại, qua những giai đoạn Chúa sống ẩn dật, Chúa đi rao giảng, Chúa chết trên thập giá.

Thái độ Đức Maria trong những giai đoạn ấy có thể vạch cho chúng ta hai hướng cầu nguyện:

– Thưa vâng với Thiên Chúa trong đức tin, dù gặp những hoàn cảnh phi lý nhất, đó là con đường chắc chắn để hoàn thành số mạng mình.

– Thưa vâng với Thiên Chúa trong đức tin, chung cục đem niềm vui đến với chúng ta nhờ kết hợp mật thiết với mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô hấp hối và sống lại để cứu độ chúng ta và thế giới.

 

51. Chuẩn bị Lễ Giáng Sinh với Mẹ Maria.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Nhân vật quan trọng thường đến sau cùng, Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ được chọn làm Mẹ sinh ra Chúa Cứu Thế, hôm nay mới chính thức xuất hiện vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng-Giáng Sinh. Mẹ xuất hiện trong khung cảnh một cuộc đi thăm viếng và phục vụ bà Elizabeth, một phụ nữ son sẻ lại được làm mẹ sinh ra Gioan Tẩy Giả, Tiền Hô của Chúa Cứu Thế. Một cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ và cũng là một cuộc chào đón giữa hai người con trong cung lòng hai người mẹ.

Trong dịp này, Mẹ Maria đã tỏ ra như gương mẫu cho chúng ta noi theo để chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh.

Để mừng lễ Giáng Sinh với Mẹ Maria, chúng ta phải có tâm tình của Mẹ: tâm tình đầu tiên của Mẹ là sẵn sàng đối với Chúa. Tin Mừng trình bày Mẹ Maria qua một khung cảnh cảm động. Một thiếu nữ đã đính hôn vừa có thai, lên đường thực hiện một cuộc hành trình dài đến 150 cây số và ở lại nhà bà Elizabeth trong một thời gian ba tháng. Một thiếu nữ mới lên 17, 18 tuổi, chưa bao giờ ra khỏi nhà mẹ mình, đã vội vã ra đi tiến lên miền núi theo một tiếng gọi thiêng liêng thì thầm trong lòng.

Ngay từ đầu, trong buổi Truyền Tin, Mẹ Maria đã tỏ ra sẵn sàng rồi: Thiên sứ báo tin Maria sẽ sinh con, Maria bối rối vì mình không biết đến đàn ông. Nhưng Thiên Sứ lại nói, Maria sẽ cưu mang bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Thiên Sứ nhắc đến trường hợp của bà Elizabeth, tuy đã già cả và có tiếng là son sẻ, nhưng đã cưu mang được 6 tháng. Và Thiên Sứ kết thúc: “Không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được”. Đức Maria liền thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Sứ truyền”. Maria luôn tỏ ra sẵn sàng khi đã biết được ý muốn của Chúa.

Chính sự sẵn sàng đó đã làm cho bà Elizabeth nhận ra khi Maria bước vào nhà mình: “Em thật diễm phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói cho em biết”. Vì vậy, thái độ chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh đối với chúng ta hôm nay là phải suy gẫm và sống lời Chúa như Mẹ Maria, điều mà cách đấy 30 năm sau chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Phúc cho ai nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành ”.

Mẹ Maria sẵn sàng vâng theo ý Chúa với niềm tin tưởng và đơn sơ. Chính đức tin là động cơ thúc đẩy các hoạt động của Mẹ. Chúng ta đọc được ở chương 2 Tin Mừng theo thánh Luca, hai điểm rất đơn sơ, bề ngoài xem ra không quan trọng, nhưng thật sự đầy ý nghĩa. Đó là khi các mục đồng từ hang đá Bêlem ra về, họ đã thuật lại khắp nơi những biến cố của đêm Chúa Giáng Sinh, và tất cả những ai nghe đều kinh ngạc về các điều mục đồng thuật lại. “Còn Maria thì giữ kỹ những điều ấy và luôn suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,18-19). Cũng ở cuối chương 2 này, khi Đức Mẹ gặp được Chúa Giêsu trong Đền Thánh sau mấy ngày lạc mất con, Thánh sử Luca cũng ghi: “Rồi Chúa Giêsu đã theo hai ông bà trở về Nazaret. Ngài luôn vâng phục hai ông bà. Còn Mẹ Ngài thì giữ kỹ các điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

Cả hai lần đó, Thánh Luca lưu ý với chúng ta rằng: Mẹ Maria không những chỉ trao ban cho Chúa Giêsu Hài Đồng một thân xác mà Mẹ còn muốn hiến trong cuộc đời mình, lòng trí của mình cho việc phục vụ Con Thiên Chúa làm người. Mỗi lời nói, mỗi sự việc, mỗi cảm nghĩ, Mẹ đã gói ghém cẩn thận và chôn giấu trong trí lòng Mẹ. Mỗi một phép lạ, lời chào của Thiên sứ, của bà Elizabeth, biến cố đêm Giáng Sinh, những lời nói của mục đồng, của các Đạo sĩ, những lời tiên tri của Simêon, của Anna, những tiếng bập bẹ đầu tiên của Chúa Giêsu, mỗi cái nhìn của Ngài, mỗi hành động của Ngài, tất cả ngần ấy thứ Mẹ suy đi nghĩ lại và cẩn thận gìn giữ như kho tàng thiêng liêng quý giá nhất của Mẹ.

Không những Mẹ Maria luôn vâng theo ý Chúa với niềm tin tưởng mà còn vâng theo ý Chúa một cách đơn sơ. Bởi vì, có nhiều người cũng vâng nghe ý Chúa với niềm tin tưởng nhưng nhiều khi vì miễn cưỡng, vì bất đắc dĩ, không hoà đồng ý mình với ý Chúa. Tin Mừng nói: Mẹ Maria ra đi vội vã, nhanh chóng, không do dự, không tính toán so đo, cứ ra đi trong phó thác. Vâng theo ý Chúa khi ý Chúa ăn hợp với ý ta thì dễ, nhưng khi ý Chúa trái hẳn với ý ta mà ta vui vẻ đón nhận, khi ấy mới quý, và chứng tỏ lòng yêu mến đích thực của chúng ta.

Mẹ Maria luôn sẵn sàng đối với Chúa, Mẹ cũng luôn sẵn sàng đối với tha nhân. Mẹ đã đi phục vụ bà chị họ của mình, không chút do dự, vì Mẹ thấy ý Chúa trong đó. Hơn nữa, Mẹ thấy đó là nhiệm vụ của mình. Là Mẹ Chúa Cứu Thế, Mẹ có nhiệm vụ phải đem Chúa cho kẻ khác. Lại nữa, Mẹ cảm nghiệm rằng, lòng mình khi được mang Chúa thì được hạnh phúc biết bao, bình an biết mấy và phấn khởi dường nào. Ước chi bao nhiêu người khác cũng được Chúa đem lại niềm vui và hạnh phúc như mình. Nghĩ như vậy, Mẹ vội vàng lên đường. Chúa không để cho Mẹ phải thất vọng. Mẹ đến, Mẹ đã làm cho cả gia đình bà Elizabeth sung sướng. Bà Elizabet phải thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi. Vì này, tai tôi vừa nghe lời em chào, Hài Nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi”.

Anh chị em thân mến,

Toàn dân Chúa có thể nhận ra mình nơi Đức Trinh Nữ Maria, Người được làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Chúng ta luôn có thể chuẩn bị lễ Giáng Sinh trong thái độ phục vụ anh chị em như Mẹ Maria.

Gương Mẹ sẵn sàng nghe tiếng Chúa gọi, tiếng tha nhân mời, phải được chúng ta noi theo. Chúa gọi chúng ta qua tiếng mời của tha nhân. Tiếng tha nhân gọi ta là tiếng Chúa mời gọi. Chúng ta vui vẻ thưa “vâng” với Chúa và sẵn sàng trả lời “có” với tha nhân, không lẩm bẩm kêu ca khi gặp điều trái ý, không từ chối, lảng tránh bất cứ ai cần đến.

Chúng ta cũng thưa “vâng” với Chúa trong đức tin, khi gặp những hoàn cảnh chúng ta tưởng là phi lý, cứ thưa “vâng”, vì đó là con đường chắc chắn hoàn thành sứ mạng. Chúng ta cũng thưa “vâng” với Chúa trong đức tin, để noi gương Mẹ bước vào lịch sử cứu độ, kết hiệp mật thiết với mầu nhiệm Chúa Kitô đã chết và sống lại, để cứu độ loài người. Phúc cho ai ngày càng bớt tự tin để thêm tin Chúa, bớt tự ái để thêm bác ái yêu người.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu kể cho chúng ta một mẩu chuyện nhỏ: Lúc ấy, Têrêsa còn nhỏ. Nghe đọc chuyện thương khó của Chúa Giêsu. Têrêsa cảm động, nước mắt tràn mi. Têrêsa cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thương con quá, còn con chưa làm được gì để đền đáp cả. Con phải qua xứ truyền giáo xa xôi và con sẽ chết tử vì đạo ở đó như các vị truyền giáo. Cầu nguyện xong, Têrêsa bỏ nhà và chạy ra đường. Cứ chạy, chạy mãi, quyết sẵn sàng chết mà… Bỗng một cậu bé trai cùng tuổi chặn Têrêsa lại và hỏi: “Cô tên gì?”. Têrêsa ngập ngừng trả lời: “Tôi là Têrêsa của Giêsu Hài Đồng”. “Còn cậu, cậu tên gì?”. –Tôi hả? Tôi là Giêsu Hài Đồng của Têrêsa. Cậu bé liền biến mất.

Thưa anh chị em,

Với viễn ảnh một Chúa Giêsu Hài Đồng sắp đến trong máng cỏ từ phía bên kia, thì từ phía bên này chúng ta đã sẵn sàng tiến bước để đi đón Ngài chưa? Chỉ còn một tuần nữa thôi. Chuẩn bị “dầu đèn” sẵn sàng đi, để hôm đó, đèn chúng ta rực sáng và không còn lo thiếu dầu. Ôi! Đêm Giáng Sinh này, chàng rể Giêsu sẽ mỉm cười với chúng ta, và sẽ đưa tay ra nắm lấy bàn tay chúng ta, để chúng ta lại nối vòng tay lớn cho mọi người anh em trên thế giới. Trên con đường đến với Ngài, chúng ta sẽ mời gọi tất cả mọi người kết đoàn với chúng ta, để cùng với chúng ta dâng lên tấm lòng yêu mến như một món quà Noel cho Chúa Giêsu Hài Đồng.

Lạy Mẹ Maria, mẫu gương chuẩn bị Lễ Giáng Sinh, xin cầu cho chúng con. Amen.

 

52. Suy niệm của McCarthy.

CUỘC VIẾNG THĂM ĐẦY ÂN SỦNG

Suy Niệm 1. ÂN SỦNG CỦA CUỘC THĂM VIẾNG

Ngày xưa, cuộc sống thật đơn giản, và người ta thăm viếng nhau rất nhiều. Ngày nay, sự thăm viếng không xảy ra thường xuyên như vậy nữa. Người ta sử dụng điện thoại để thay thế cho sự thăm viếng. Một cú điện thoại cũng tốt thôi, nhưng nó không thể thay thế được cuộc thăm viếng.

Có một phụ nữ sinh sống tại thành phố New York, bên cạnh một người hàng xóm trong suốt 30 năm. Bà ta không bao giờ có bất cứ cuộc cãi và nào với người hàng xóm đó, và mỗi khi gặp nhau, họ vẫn luôn luôn dừng lại nói chuyện với nhau. Nhưng trong suốt thời gian đó, bà ta chưa bao giờ đặt chân sang ngôi nhà của người hàng xóm. Thật là một điều đáng buồn, và có một sự mất mát nào đó.

Khi chúng ta thăm viếng một người nào, chúng ta tự nhận thấy là mình đang làm một việc tốt đẹp cho người đó. Đó là sự thật. Nhưng chúng ta cũng được lợi nữa. Chúng ta cũng trở nên phong phú, mặc dù chỉ là để xem cách thế người khác đương đầu với những khó khăn, hoặc những tình huống hầu như không thể giải quyết được. Thậm chí ở giữa những người đau yếu, bạn vẫn có thể tìm thấy một tâm hồn toả sáng. Có thể bạn đến thăm người đó, để đem lại cho họ điều gì đó, nhưng rồi bạn lại nhận ra rằng chính mình đang nhận được. Bạn ra về với tâm hồn phấn chấn. Trong mỗi cuộc thăm viếng, có điều gì đó xảy ra theo mức độ nào đó. Người này được vui mừng khi tiếp nhận, người kia được vui mừng khi cho đi.

Một vị linh mục trong xứ đạo kể lại việc ông đến thăm một người phụ nữ trẻ, đang chết dần chết mòn vì căn bệnh ung thư. Ông đến với hy vọng đem lại cho cô một chút an ủi. Sau cuộc thăm viếng này, ông ra đi với cảm giác là chính bản thân ông lại được an ủi. Ông kinh ngạc trước đức tin của cô và vẻ thanh thản mà cô cảm thấy, khi đối diện với cái chết. Nhờ được tiếp xúc với cô, đức tin của ông đã được đào sâu và củng cố thêm.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta nhận thấy cuộc thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elizabeth. Chính Mẹ cũng vừa mới được thiên sứ Gáprien viếng thăm, mang đến cho Mẹ tin vui rằng Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thay vì bỏ đi và chỉ nghĩ đến mình, thì Mẹ lại vội vã đến thăm bà Elizabeth, một người cũng đang mong đợi con bà ra đời.

Bà Elizabeth là chị họ của Mẹ. Bổn phận đầu tiên và đáng quý nhất cảu chúng ta là cư xử tử tế với những người trong họ hàng, mặc dù đây không phải là một điều dễ dàng. Người trong họ hàng chúng ta có thể có tính cách rất hay đòi hỏi. Cuộc thăm viếng của Đức Maria mang lại ý nghĩa rất lớn đối với bà Elizabeth. Nhưng bản thân Mẹ cũng được ích lợi nhờ cuộc thăm viếng này. Bà Elizabeth đã nói những lời nói đẹp đẽ, mang tính cách xác nhận và củng cố đối với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. So với Đức Maria, thì bà Elizabeth là người lớn tuổi hơn và có kinh nghiệm hơn, nên bà có thể giúp đỡ Đức Maria. Ở đây, chúng ta nhận thấy điều chủ yếu là cả hai người phụ nữ đều có tình trạng như nhau, nên có thể giúp đỡ nhau.

Bằng cách cho đi, chúng ta lại có thể được đón nhận. Một trong những biện pháp mà chúng ta có thể cho đi, đó là đến thăm viếng người khác. Lễ Giáng Sinh là một thời điểm tốt nhất, để thăm viếng những người mà có thể chúng ta đã quên lãng suốt bao năm qua.

Suy Niệm 2. ƠN PHÚC CỦA NHỮNG KẺ TIN.

Trong Tin Mừng, chúng ta có câu chuyện về cuộc thăm viếng của Đức Maria đối với bà Elizabeth, người chị họ của Mẹ. Trong suốt cuộc thăm viếng này, bà Elizabeth đã nói những lời nói đẹp đẽ, mang tính cách xác nhận và củng cố đối với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

Chủ đề về ơn phúc của những kẻ tin xuyên suốt bài Tin Mừng. Đối với kẻ tin, những điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Sau đây là vài ví dụ:

Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng “Ông cứ về đi. Ông tin thế nào, thì được như vậy!”, và người đày tớ của ông ta đã được chữa lành (Mt 8,13). Đối với người phụ nữ bị băng huyết, Người nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ lúc đó, máu của bà ngưng không chảy ra nữa (Mt 9,22). Đối với hai người đàn ông bị mù, Người nói “Các anh tin thế nào, thì được như vậy!”, và họ đã được nhìn thấy trở lại (Mt 9,29).

Bạn có thể nói rằng chủ đề chính của Tin Mừng là ơn phúc của những kẻ tin. Tất cả lời rao giảng của Đức Giêsu đều có mục đích là nhằm khơi gợi lòng tin trong tâm hồn con người. Tuy nhiên, điều này không đơn giản chỉ là vấn đề về lòng tin, nhưng là tin tưởng và hành động dựa trên lòng tin đó. Đây là một vấn đề về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa –chấp nhận rủi ro, và hy sinh vì Lời Chúa. “Trừ phi bạn hành động một cách phù hợp, đừng ngại nhìn nhận rằng bạn tin tuởng” (Catherine de Hueck Doberty).

Đôi khi, bạn nghe thấy có người nào đó nói “Điều này thật dễ dàng đối với bạn, vì bạn có lòng tin mạnh mẽ”. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Lòng tin không luôn luôn làm cho mọi sự trở nên dễ dàng. Trên thực tế, nhiều khi trái ngược lại. Bởi vì chúng ta có lòng tin, nên chúng ta lại từ chối không chịu từ bỏ. Lòng tin thúc đẩy chúng ta phải kiên nhẫn, phải đấu tranh, thường không được đảm bảo có được kết quả là hạnh phúc. Một người có lòng tin thì không bao giờ thoái lui.

Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa. Ngay sau khi sứ thần đến thăm, Mẹ vội vã thăm viếng bà Elizabeth. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy rằng lòng tin tôn giáo nơi Mẹ không phải chỉ là vấn đề cảm xúc. Nhưng Mẹ đã chuyển lòng tin đó thành hành động cụ thể.

Đức Maria chính là người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo nhất của Đức Giêsu. Đây là nguyên nhân tại sao Giáo Hội đặt Mẹ làm một tấm gương cho chúng ta. Chúng ta cũng sẽ được chúc phúc, nếu giống như Đức Maria, chúng ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa.

Lễ Giáng Sinh là một dịp trợ giúp lớn lao đối với lòng tin của chúng ta. Bằng cách nào đó, chúng ta nhận thấy trong dịp Lễ Giáng Sinh, chúng ta dễ dàng tin tưởng nơi Thiên Chúa hơn, so với bất cứ thời gian nào, bởi vì trong thời gian này, chúng ta cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi với chúng ta, và rất yêu thương chúng ta.

Điểm cốt lõi của Tin Vui chính là Thiên Chúa đã tự mình hiện diện với chúng ta, trong cuộc sống của một Đấng đi trên trái đất này. Thật vậy, chính Đấng này, Đức Giêsu, là Con Thiên Chúa, đã hiện diện một cách đích thực. Trong ngày Lễ Giáng Sinh đầu tiên, có cả những người tin lẫn những kẻ không tin. Tin Mừng nhấn mạnh đến ân sủng của những người tin vào Tin Vui.

Lễ Giáng Sinh làm cho chúng ta đi vào một tương quan thân mật với Thiên Chúa. Và Lễ Giáng Sinh cũng kêu gọi chúng ta cởi mở tâm hồn mình ra cho nhau. Và trong khi cởi mở tâm hồn mình ra cho nhau, chúng ta cũng đang cởi mở chính mình, để đón nhận “niềm vui lớn lao” đã được các thiên sứ loan báo cho những mục đồng.

MỘT CÂU CHUYỆN KHÁC

Những người rao giảng có khuynh hướng nhấn mạnh đến sự vắng mặt của Đức Kitô trong ngày Lễ Giáng Sinh, và lấy làm tiếc vì sự thương mại hoá của ngày lễ này. Sự thương mại hoá mang lại rất hiệu quả. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, tốt hơn là nên nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đức Kitô, và giúp cho mọi người tìm thấy Người trong ngày lễ này.

Việc cử hành Lễ Giáng Sinh của chúng ta có nhiều tầng lớp. Trong một bài viết ở báo The Tablet (tháng 12, năm 1998). Anthony Philpot đã đồng nhất một số tầng lớp này.

Tầng lớp trên cùng là từ người tiêu thụ trong ngày Lễ Giáng Sinh, mà từ đó, những ngày này, không có được lối thoát nữa – họ cứ nhất định phải có những bài hát Lễ Giáng Sinh, những con tuần lộc, Ông già Nôen, và việc năng nổ mua bán tất cả mọi loại hàng hoá. Điều này làm gia tăng tính hám lợi nơi những đứa trẻ, tạo ra sự lo lắng về việc chi tiêu quá mức, và gây mệt mỏi cho người lớn. Đó là một ngày Lễ Giáng Sinh với một cốt lõi rỗng tuếch.

Kế tiếp là tầng lớp Charles Dickens –những tấm thiệp mô tả phong cảnh ngập tuyết, cảnh ồn ào của lò sưởi, gà tây, bánh mận, bánh thịt… Đó là một ngày Lễ Giáng Sinh của cảnh gia đình tụ họp với nhau, của sự thành tâm nơi tất cả mọi người, của tấm lòng nhân ái và cởi mở. Đối với họ, có nhiều điều để nói về những giá trị này. Hầu hết mọi người đều có phần đóng góp vào lối giải thích này về Lễ Giáng Sinh. Nhưng khi không có lòng tin, thì rốt cuộc Lễ Giáng Sinh là gì? Chỉ là một yếu tố kích thích nhỏ nhoi, một vài cách diễn tả sốt sắng, là việc cho và nhận một số quà tặng. Và rồi tất cả mọi sự đều trôi qua giống như lúc trước vậy.

Tầng lớp thứ ba là của máng cỏ, mà đối với chúng ta, đó là cách diễn tả về ngày Lễ Giáng Sinh. Đây là tầng lớp của vở kịch về cảnh Chúa Giáng Sinh, mà đối với tất cả mọi người, việc diễn tả đơn giản về ngày lễ này có thể gây xúc động sâu xa.

Tầng lớp thứ tư và mang tính cách sâu sắc nhất, chính là tầng lớp thiêng liêng. Đây là câu chuyện về một Hài Nhi đã được sinh ra như thế nào tại đất nước Israel, cách đây 2000 năm. Nơi con người của Hài Nhi này, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản chất của chúng ta trên chính mình Người, và đã đi vào thế giới của chúng ta, trong sự yếu đuối và tình yêu thương của. Người đến để nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, và được tiền định một cuộc sống đời đời.

Người ta có khuynh hướng gạt bỏ, hoặc thậm chí còn kết án ba tầng lớp đầu tiên, và coi như tầng lớp thiêng liêng mới là một tầng lớp đích thực duy nhất. Điều này dựa trên giả thiết rằng tầng lớp thiêng liêng và tầng lớp vật chất đối nghịch lại với nhau. Nhưng không phải là như vậy. Đạo Công giáo bao gồm cả tinh thần lẫn vật chất. Không thể có Lễ Giáng Sinh chỉ thuần tuý có yếu tố tinh thần mà thôi.

Điều mà chúng ta phải làm, đó là tìm ra được sự liên kết giữa nơi thị trường trần tục, và nội dung thiêng liêng của ngày lễ. Nhiều cảnh mua bán xảy ra trong ngày Lễ Giáng Sinh tạo thuận lợi cho việc trao tặng quà, những việc làm tốt đẹp, niềm vui và sự khẳng định các mối quan hệ trong gia đình –đưa đến kết quả trong việc cho và nhận.

Cách thế này giúp chúng ta nhận thấy tương quan gần gũi giữa tinh thần và vật chất, giữa những sự việc trên trời và dưới thế này. Chúng ta phải học hỏi được phương cách nào hoà nhập được cả hai yếu tố này. Vấn đề cốt lõi của tôn giáo chính là: Phải làm thế nào để hoà hợp được về mặt thiêng liêng và vật chất, xác thịt và tinh thần, bên trong và bên ngoài, bề mặt và bản chất.

Có những người cứ khăng khăng là cần phải có sự phân chia rõ ràng giữa thần thánh và con người, giữa yếu tố thánh thiêng và yếu tố trần tục, giữa linh hồn và thể xác. Nhưng chúng ta sẽ không tìm được điều đó trong ngày Lễ Giáng Sinh. Trong ngày này, những yếu tố đó đan xen với nhau, đến nỗi dường như chúng trở nên một, và cùng là một yếu tố.

home Mục lục Lưu trữ