Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 62

Tổng truy cập: 1379608

THÂN MẪU VIẾNG THĂM TÔI

Chúa Nhật 4 Mùa Vọng

“Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1,43)

Đức Maria được Phúc Âm Chúa nhật IV Mùa vọng là một người đầy ơn phúc, Mẹ được chúc phúc và mang hạnh phúc đến cho người khác. Có phúc vì cưu mang Đấng Cưú Thế, có Chúa Kitô ngự trị trong tâm hồn của mình. Mẹ Maria thật sự được diễm phúc như lời chào của sứ thần Gapriel trong ngày truyền tin và hôm nay là lời khẳng định của bà Elisabeth. Cái phúc của Mẹ đã có ngay từ đầu công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã gìn giữ và bao bọc Mẹ trong ân phúc của Ngài. Từ nguồn ân phúc đó Mẹ đã mang đến cho người khác. Trước tiên là cho người chị họ của mình, bà Elisabeth và đặc biệt là Gioan còn đang ở trong lòng bà Elisabeth, người mà Thiên Chúa đã chọn để dọn dường, Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Elisabeth và Gioan là những người hạnh phúc khi được đón nhận chính Đấng Cứu Thế qua Mẹ Maria.

Mọi người chúng ta trong ngày hôm thì sao? Chúng ta có như bà Elisabeth nhận ra và cảm nghiệm được ân phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban cho chúng ta? Đấng Cứu Thế mà mọi người đợi trông ở gần kề bên chúng ta, Đức Giêsu Kitô đang hiện trong mỗi tâm hồn chúng ta, ở xung quanh và hoạt động trong thế giới này. Những con người sống động đã được ân phúc của Chúa như Mẹ Maria, Gioan và cụ thể là bà Elisabeth, họ thật sự hạnh phúc và niềm vui trong cuộc đời của mình, khi họ nhận Đức Giêsu Kitô đang đến và ở với họ.

Chúng ta có thể hiểu được niềm vui sướng của bà Elisabeth, niềm vui của bà liên tục và lớn lao. Từ một phụ nữ son sẻ nay lại được cưu mang vị Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế. Bà không thể ngờ mình có được niềm vui như vậy sao bao năm chờ đợi gần như tuyệt vọng nay lại được toại nguyện nhưng đây cũng chỉ là niềm vui cá nhân của bà. Niềm vui lớn lao hơn là bà được chính Mẹ Đấng Cứu Thế và Đấng Cứu Thế lại viếng thăm mình. Có lẻ suốt một đời cậy trông, tin tưởng và thờ phượng Thiên Chúa hôm nay hạnh phúc và niềm vui như vậy đã đủ cho bà.

Đời sống đạo của mỗi người chúng ta cũng vậy Chúa và Mẹ luôn đến với chúng ta từng giờ từng phút, chúng ta phải biết nhận ra điều đó, có như vậy hạnh phúc và niềm vui luôn có trong đời sống đạo của chúng ta.

 

8. Làm gương – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một câu chuyện kể rằng: tại Na Uy, một chiều đông, tuyết rơi nặng từng hạt. Một người đàn ông say rượu lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 10 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại, những bước chân ngả nghiêng, chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như một người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè:

– Mày đi kiểu gì vậy?

Cậu bé trả lời:

– Dạ, con đang đi theo bước chân của cha!

Quả thực. sự gương mẫu thật hệ trọng trong việc giáo dục. Có những bước chân vô tình tưởng chừng như chẳng liên hệ gì đến ai, nhưng vẫn để lại cho đời những dấu vết chẳng phai mờ. Có những bậc làm cha, làm mẹ đã thật ngạc nhiên qua cách ứng xử của con cái sao giống hệt như mình: giận dữ, hống hách, lười biếng giống như là bản sao của chính mình. Có những người đã từng quát lên trong cay đắng “sao con lại hành xử như vậy?”. Và dường như nó cũng đang thầm nói lại rằng:”con đang bước theo bước chân của cha mẹ!”

Giống như con suối tưởng như vô tình, cứ uốn mình theo dòng chảy của thời gian. Vậy mà nó vẫn còn để lại dấu vết chẳng phai mờ trên mặt địa cầu bao la rộng lớn. Đời người cho dẫu chỉ là phù hoa, kiếp nhân sinh cho dẫu có vắn vỏi hay lặng lẽ trôi qua vẫn để lại những dấu vết chẳng phai mờ nơi trần gian. Vì vậy mà Nguyễn công Trữ mới bảo rằng:

“Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây phúc để đời về sau”

Hôm nay, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm một bước chân thật đẹp của tình người. Một bước chân của yêu thương không phai mờ qua mọi thời gian. Một bước chân tràn ngập tình yêu thương để có thể băng đồi, lội suối, vượt qua mọi thác gềnh, chẳng sợ gian nan của Mẹ Maria. Một bước chân vồn vã bước đi trong bác ái yêu thương, trong dấn thân phục vụ. Một bước chân có sức mạnh phá tan mọi băng giá của con tim để sưởi ấm tình người. Một bước chân thăm viếng thắm đượm tình Chúa, tình người đến nỗi bà Elisebeth đã nghẹn lời thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi viếng thăm”. Một bước chân nở hoa bác ái, yêu thương trên hành trình Mẹ đã đi qua.

Mẹ Maria đã chẳng để lại cho đời những giáo thuyết cao siêu, những lời hay ý đẹp. Mẹ chỉ để lại cho đời một tấm gương sáng ngời của bác ái, vị tha, của xin vâng và phó thác. Cuộc sống của Mẹ là trang sử thật đẹp để lại cho trần gian. Một cuộc sống tử bỏ ý riêng để phục vụ cho chương trình Thiên Chúa. Một cuộc sống chỉ lo chu toàn thánh ý Chúa. Cho dẫu lời xin vâng là chén đắng, là khổ đau nhưng Mẹ đã làm tất cả vì chỉ mong cho ý Chúa được thực hiên, cho nhân trần được hưởng nguồn ơn cứu độ.

Ước mong mỗi người chúng ta hãy sống một đời yêu thương để mang lại cho đời những dấu tích của hiệp nhất và bình an. Tình yêu sẽ giúp con người vượt qua những nhỏ nhen, ích kỷ để chiến thắng bản thân, để mang lại an bình, tươi vui và hạnh phúc cho người mình yêu. Không có tình yêu, cuộc sống giống như giòng suối khô cạn. Không sự sống. Không sinh khí và hiển nhiên cũng không còn nguồn sống cho nhau. Cuộc đời cần có tính yêu thì sự sống mới được chăm sóc, được bảo vệ. Cuộc đời cần có tình yêu thì sự sống mới sung mãn và ngập tràn niềm vui.

Ở đâu đó vẫn còn nạn phá thai, nạn bạo hành gia đình là vì thiếu tình yêu. Ở đâu đó vẫn còn tranh chấp, còn chiến tranh, còn hận thù là vì thiếu tình yêu giữa con người với nhau. Ở đâu đó vẫn còn nghi kỵ, kết án, hiểu lầm, ghen tương là vì giòng chảy tình yêu đã khô cạn.

Ước mong mùa giáng sinh cùng với những đèn sao lấp lánh nơi hang đá, mỗi người chúng ta hãy thắp lên cho giòng đời những cây nến sáng của yêu thương, của lòng trắc ẩn trước nỗi khổ của tha nhân, của dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho anh em. Nguyện xin Mẹ Maria cùng đồng hành với chúng ta trên những bước chân của yêu thương đang đi tới với anh em trong yêu thương và phục vụ. Amen.

 

9. Sống tình xót thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Một lần ngồi chờ xe bên lề đường. Chợt nhìn thấy một bà cụ mù lòa ăn xin đi đến. Tôi nghe rõ nỗi cô đơn của tiếng gậy khua lóc cóc của sáng sớm tinh sương. Tôi nghe rõ sự mệt nhọc của tiếng hát ê a khi bà cụ mù lòa ăn xin đi ngang. Động lòng trắc ẩn tôi đặt tờ giấy bạc vào bàn tay run rẩy của bà, lòng tôi nhẹ bớt đi nỗi cảm thông thương mến. Nhưng điều lạ thường là tôi vẫn cứ nghe hoài tiếng gậy khua lóc cóc… như đòi hỏi tôi điều khó khăn hơn lòng thương hại bình thường, là phải sống nhiệt tình hơn, quảng đại hơn…

Xem ra cho người đói ăn chưa đủ mà con phải dấn thân để xóa đi cái đói, cái nghèo nơi tha nhân. Xem ra an ủi người thất vọng chưa đủ mà còn phải giúp họ đứng lên tự tin xây dựng lại cuộc đời. Xem ra nói lời yêu thương chưa đủ mà còn phải sống công bằng, bác ái, sẻ chia với nhau.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người biết động lòng trắc ẩn với nhau. Cuộc đời sẽ không còn người thất vọng bị bỏ rơi, bị loại ra khỏi xã hội nếu con người biết bao bọc và chia sẻ cho nhau. Đáng tiếc, cuộc sống quá tất bật bởi cơm áo gạo tiền khiến con người dễ lãng quên nhau, đôi khi cố tình bỏ rơi nhau. Cuộc đời vẫn còn đó tiếng khóc của tủi hờn cô đơn vì thiếu sự quan tâm nâng đỡ của anh em.

Thiên Chúa luôn động lòng trắc ẩn với con người. Lòng trắc ẩn đã thôi thúc Ngài tìm muôn ngàn cách để thể hiện tình yêu với con người. Lòng trắc ẩn của Chúa thể hiện qua cái nhìn xót xa khi Adam – Eva phạm tội. Lòng trắc ẩn ấy đã khiến Ngài hứa ban Đấng cứu độ để chuộc lại lỗi lầm của Adam. Lòng trắc ẩn ấy được tỏ bày một cách trọn vẹn khi Ngôi Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng ta. Chính Con Thiên Chúa khi làm người đã sống hết mình vì con người. Ngài đã tận hiến chính mình để cho nhân loại được sống dồi dào ơn phúc.

Ky-tô giáo là đạo yêu thương. Tình yêu thương không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi. Tình yêu ấy luôn đòi hỏi phải làm điều gì đó cho tha nhân. Thấy anh em đói thì đâu cần chờ van xin! Thấy anh em té thì đâu cần chờ van nài! Thấy cảnh cùng khổ thì đâu có thể đứng nhìn một cách thương hại mà phải làm điều gì đó xoa dịu nỗi đau cho anh em.

Điều này Mẹ Maria đã sống và làm gương cho chúng ta. Mẹ đã vất vả vượt dặm đường xa để đến phục vụ chị họ mang thai trong lúc tuổi già. Mẹ còn lưu lại đó suốt 3 tháng âm thầm phục vụ. Mẹ đã sống tin mừng một cách cụ thể qua lòng thương xót với anh em. Chính lòng thương xót ấy mà Mẹ còn nài xin Chúa làm phép lạ hóa nước thành rượu cho tiệc cưới Cana trọn vẹn niềm vui.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã vội vã lên đường đến giúp bà Êlidabét trong những ngày bà mang thai và chuẩn bị sinh nở. Xin giúp con mở rộng vòng tay và tấm lòng cho những người đang cần con giúp đỡ. Xin giúp con đừng bàng quan đứng nhìn sự khổ đau của tha nhân mà luôn hăng hái dấn thân để làm sáng danh Chúa qua việc phục vụ của chúng con. Amen.

 

10. Mẹ Maria, một trái tim yêu thương

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một gia đình nọ: Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến – ông nội già yếu. Và cho đến một ngày – ngày ông nội mất.

Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?

Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?

Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.

Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta vẫn vô tình lãng quên nhau. Quên nhau không phải là không có dịp gần nhau, nhìn thấy nhau, nhưng là thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau. Sống bên nhau nhưng vẫn thờ ơ, dửng dưng. Sống bên nhau nhưng vẫn như người xa lạ. Không quan tâm, không chia sẻ, không hỏi han nhau.

Có những đôi vợ chồng sống bên nhau mà vợ mang thai, chồng đau yếu mà cũng chẳng hề hay biết.

Có những người cha, người mẹ chẳng bao giờ quan tâm hỏi han sự học hành, quan hệ bạn bè của con cái chỉ tới khi con phạm pháp lúc đó mới hay thì đã quá muộn.

Có những người con chỉ biết xài tiền cha mẹ nhưng đâu hiểu được những giọt mồ hôi, những cay đắng của đồng tiền vẫn gắn liền với chữ “bạc”.

Chính vì thế, dòng đời vẫn còn đó những mảnh đời cô đơn, thất vọng vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của anh em. Dòng đời vẫn còn đó những con người đang sống trong tủi nhục ngay giữa những người thân của mình. Dòng đời vẫn còn đó những phận người bị loại bỏ ngay trong mái nhà của mình.

Cuộc sống cần tình yêu, cần sự chia sẻ của tha nhân như cơ thể cần không khí để thở, để sống khoẻ mạnh hơn. Cuộc sống không có tình yêu là hoả ngục, là đoạ đầy của kiếp người chúng ta.

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm một tấm lòng đầy nhân ái nơi Mẹ Maria. Mẹ đã yêu, đã sống vì tình yêu. Một tình yêu không dừng lại ở đầu môi chóp lưỡi mà thể hiện qua tấm lòng luôn nhạy cảm trước nhu cầu tha thân. Không cần họ van xin. Không cần họ lên tiếng. Tấm lòng nhân ái nơi Mẹ đã hiểu được việc gì cần làm và nên làm. Mẹ Maria khi nghe tin chị họ mình là bà Elizabet mang thai khi tuổi đã già. Mẹ hiểu vợ chồng già cần sự giúp đỡ. Mẹ cảm thông trước những khó khăn của gia đình Giacaria. Mẹ đã đi bước trước để đến đồng hành và giúp đỡ họ.

Vâng, Mẹ đã mang niềm vui đến cho gia đình Giacaria bằng tình yêu nhạy cảm của Mẹ. Mẹ còn mang đến cho gia đình Giacaria tròn đầy niềm vui khi mang Đấng Cứu Thế viếng thăm gia đình họ. Chính vì thế, gia đình Giacaria đã tràn đầy niềm vui. Bà Elizabet đã bộc lộ niềm vui khi thốt lên: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm tôi”.

Là người ky-tô hữu chúng ta cũng luôn có Chúa ở cùng. Ngài cũng cần đôi chân của chúng ta để mang Ngài đến viếng thăm những mảnh đời bất hạnh lầm than. Ngài cũng cần đôi tay của chúng ta để xoa dịu những thương đau cho nhân thế. Ngài cũng cần môi miệng của chúng ta để nói những lời cảm thông chia sẻ đến với tha nhân. Và Ngài cũng rất cần trái tim đầy yêu thương của chúng ta để chạnh lòng thương xót anh em.

Ước gì niềm vui giáng sinh của chúng ta là niềm vui “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” sẽ mang lại cho cuộc đời chúng ta trọn vẹn niềm vui khi mang Chúa đến cho tha nhân qua đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta. Nguyện xin cho mỗi bước chân của chúng ta luôn nở hoa bác ái và yêu thương trên mọi nẻo đường. Amen.

 

11. Vội vã lên đường

Càng gần đến ngày lễ Giáng Sinh của Đức Giêsu, khuôn mặt của Đức Maria càng nổi bật lên. Quả thật, vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu chuộc nhân loại quả thật là quá lớn lao và quan trọng. Không ai có thể phủ nhận được điều này. Lời nói “xin vâng” của Mẹ đã mang lại cho nhân loại ánh sáng và niềm hy vọng vĩnh cửu là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Mẹ Maria vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Êlisabeth của mình. Tại sao Mẹ lại vỗi vã đi như thế ngay sao khi nghe thiên thần Gabriel báo tin? Có người cho rằng: “Mẹ đi để xác định thông tin xem thiên thần nói thế mà không biết sự thật ra sao?”. Nói như thế là không đúng cho Đức Mẹ, vì Mẹ đã thưa “xin vâng” với tất cả những gì Sứ thần đã báo tin cho Mẹ. Mẹ trở thành người có phúc vì Mẹ tin những gì Chúa đã hứa cùng Mẹ: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng, lời Chúa hứa cùng Bà sẽ được thực hiện” (Lc1, 46). Cho nên, không có chuyện Đức Mẹ nghi ngờ lời Sứ thần Gabriel nói bao giờ. Có người lại cho rằng: “Mẹ đi thăm bà Elisabeth để khoe mình được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa”. Chắc cũng không phải thế đâu! Vì Mẹ là con người thích sống âm thầm, luôn xưng mình là “nữ tỳ của Chúa”. Mẹ không thích mình được người ta tôn vinh bao giờ!

Vì thế, việc Mẹ vội vã đi thăm bà Êlisabeth chỉ là cuộc viếng thăm thông thường của con người trong cuộc sống mà thôi. Có đặc biệt chăng thì đây là cuộc gặp gỡ thân tình của hai người chị em có cùng niềm tin và cùng cưu mang niềm hy vọng… Đức Maria biết rằng: người chị của mình mang thai trong lúc tuổi già như thế rất cần được sự chia sẻ, giúp đỡ… Nhưng sự gặp gỡ ấy lại biến thành một cuộc hội ngộ của tình yêu, của bình an và hạnh phúc dành cho những người luôn biết sống tin tưởng vào Thiên Chúa. Bà Êlisabeth mừng rỡ vì được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm, Gioan tẩy giả trong bụng bà cũng nhảy mừng vì nhận ra được ân sủng lớn lao là được gặp gỡ Đức Giêsu và Mẹ của Người. Mẹ Maria mang Chúa đến cho gia đình bà Êlisabeth để làm cho gia đình này được chan hoà niềm vui và ân phúc. Thật vậy, nơi đâu có Chúa ngự trị, nơi đó có bình an và hạnh phúc!

Câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Êlisabeth nhắc ta nhớ đến một câu chuyện rất cảm động trong Cựu Ước. Khi Vua Đavit rước Hòm Bia Giao ước (nơi lưu giữ 10 Điều răn của Chúa) về thành Giêrusalem, thì ông mừng vui quá mức nên nhảy nhót trước Hòm Bia Chúa như một đứa trẻ con. Nhưng rồi Hòm Bia ấy chưa được đem về Giêrusalem ngay mà được chuyển đến nhà của ông Ôved-Êđom. Và trong thời gian ba tháng lưu lại nơi đây, gia đình của Eved-Êđom đã đón nhận không biết bao nhiêu là phúc lành của Thiên Chúa. Đức Maria cũng chính là Hòm Bia của Giao ước mới, vì Mẹ đã cưu mang chính Chúa Giêsu là nguồn gốc mọi ơn sủng nơi cung lòng Mẹ. Chính Mẹ đã đón nhận ân phúc bởi trời và Mẹ sẽ chuyển cầu lại cho chúng ta.

Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục làm công việc của Mẹ Maria là mang Chúa đến cho người khác. Mỗi khi Rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, thì tâm hồn chúng ta cũng tràn ngập Chúa. Chúng ta cũng trở thành người “cưu mang” Chúa trong lòng mình. Vì thế, chúng ta cần phải sinh Chúa ra cho đời. Chúng ta có trách nhiệm phải giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính cuộc sống của mình, một cuộc sống vui tươi, thân ái và đầy hy vọng. Đây là một sứ mạng nặng nề nhưng cũng thật cao quí mà Chúa và Giáo hội ưu ái dành cho chúng ta.

Noi gương Mẹ, ta hãy đến với người khác bằng tấm chân tình, muốn chia sẻ những gánh nặng cho nhau, muốn giúp nhau trong những chuyện cần thiết, muốn mang niềm vui và hạnh phúc người mình gặp gỡ…Cụ thể, trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy tìm đến với với một hai gia đình túng nghèo nào đó; hãy tặng quà cho một hai đứa trẻ mồ côi, bệnh tật nào đó… để động viên, an ủi và chia sẻ phận người với họ. Có như thế, niềm vui mừng Chúa Giáng Sinh mới thật sự có ý nghĩa và trở thành ngày hồng ân cho chúng ta. Amen.

 

12. Mẹ Maria đón Chúa Cứu Thế – Cố Lm. Hồng Phúc

Chỉ còn mấy hôm nữa là đến Lễ Giáng sinh. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn và thể xác để đón mừng Chúa. Chúa chỉ đi vào lịch sử có một lần, nhưng Chúa còn đến trong tâm hồn chúng ta nhất là trong những kỷ niệm này.

Thánh Phaolô nói: Ngài đến sinh ra bởi một người Nữ (Gal. 4, 4). Nhân vật nêu gương cho chúng ta hơn cả trong việc chuẩn bị đón ngày Chúa đến là Đức Mẹ, người Nữ diễm phúc được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Loài người không lên được với Thiên Chúa thì Thiên Chúa đã xuống với nhân loại. Trời và đất đã gặp nhau trong cung lòng Trinh nữ. Mẹ đã trở nên Hòm bia thánh mang ơn cứu độ cho nhà Israen. Luca viết: “Maria chổi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi” đến thăm bà chị họ Isave. Mẹ đến mang tình bác ái, giúp đỡ một người đang cần sự giúp đỡ. Mẹ đến mang ơn cứu độ cho Gioan mà cuộc đời sẽ mật thiết liên hệ với con Mẹ.

Gioan đã nhảy mừng trong lòng mẹ như cảm động nhận ra Đấng đến với mình. Thiên thần đã loan báo: “Từ trong lòng mẹ, trẻ ấy sẽ được đầy Thánh Thần” (Lc. 1, 15). Con hân hoan thì Mẹ cũng vui mừng vì được “Mẹ Thiên Chúa” đến viếng thăm. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, như “song lộc triều nguyên” dâng lời cảm tạ.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” – Magnificat (Lc. 1, 46-56).

Tất cả sự cao trọng của Mẹ, như lời Bà Chị nói, là “đã tin rằng lời Chúa phán sẽ được thực hiện”. Mẹ sống nội tâm, luôn luôn đón nhận Lời Chúa, mau mắn thi hành trong tinh thần đức Tin và phó thác. Đó là bài học cho chúng ta khi suy niệm đoạn Phúc âm “Thăm viếng” này.

Đức Mẹ và Thánh Giuse đang ở Nagiaret, một làng bé nhỏ miền Bắc Do-thái. Mẹ mong chờ ngày con sinh ra như các bà mẹ mong chờ con, nhưng Mẹ càng mong chờ và Mẹ biết rằng con đến là ơn cứu độ đến với nhân loại. Mẹ sống hoàn toàn phó thác và trông cậy vì Mẹ biết rằng 800 năm về trước, nhà tiên tri Michê (trong bài đọc I) đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ sinh hạ ở Bêlem, một thị trấn miền Nam cách đó đến 4, 5 ngày đàng. Nhưng, việc Chúa thì Chúa lo. Và Chúa đã dùng một ông vua chọc trời khuấy nước, ra một sắc lệnh kiểm kê dân số, một sắc lệnh có tính cách phô trương nhưng ngầm thực hiện ý nhiệm của Thiên Chúa.

Giuse và Đức Mẹ thuộc chi họ Đavit quê ở Bêlem nên phải về đó khai sổ bộ. Thế là hai ông bà lên đường. Có lẽ Giuse kiếm được con lừa và ngồi trên lưng lừa do Giuse hướng dẫn, Mẹ ra đi, cà tật cà tang, hướng về Giêrusalem. Đường dài 150 cây số.

Mỗi khi có dịp về xứ Giuđêa, mọi người Do-thái đạo đức đều ghé qua Giêrusalem kính viếng Đền thờ. Hai ông bà hẳn cũng đã làm như vậy, rồi trực chỉ Bêlem cách thủ đô 8 cây số về phía Nam.

Trời đã về chiều. Luca viết: “không có chổ cho hai ông bà trong quán trọ” (2, 7). Quán trọ ở đây theo tập tục Do-thái, là một khu vườn có giếng nước trong có căn nhà lộ thiên cho du khách nghèo ngủ qua đêm. Giuse thấy không tiện để Đức Mẹ trong quán công cộng vào một lúc quan trọng nhất của đời người đàn bà, nên đã tìm về những hang đá tự nhiên ở ngoại ô, nơi có các mục đồng hay lùa chiên vào nghỉ đêm.

“Trong lúc đang ở đó thì Maria sinh hạ con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ” (2, 6). Mẹ làm lấy mọi tác động, vì Mẹ cưu mang con nhiệm lạ thì cũng sinh con mà không tổn thương sự khiết trinh, cũng như ngày kia, Con Mẹ sẽ ra khỏi mồ đóng ấn niêm phong. Rồi Mẹ đặt con nằm trong máng cỏ gối quì thờ lạy, làm cái việc xa xưa nay chưa ai từng làm là thờ lạy Con. Vì “Mẹ sinh ra Con nhưng Con là Cứu Chúa của Mẹ”. (Thánh Ephrem).

Lạy Chúa, xin đến lại trong tâm hồn con, để con được đón Chúa bằng bàn tay dịu hiền, bằng trái tim nồng cháy của Mẹ.

 

13. Chúa sắp đến – Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

  1. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Chỉ còn khoảng một tuần nữa thôi, chúng ta sẽ cử hành lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Chúa sẵn sàng đến với những ai nhận thức mình cần Ngài. Vậy bây giờ chúng ta hãy tới gần Ngài, mang theo tất cả những sự nghèo nàn thiêng liêng, những thương tích và những tội lỗi của chúng ta.

  1. Gợi ý sám hối

Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối hèn hạ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Lạy Chúa, chúng con đầy dẫy tội lỗi. Xin Chúa thương xót chúng con.

Lạy Chúa, chúng con khổ sở nhiều mặt. Xin Chúa thương xót chúng con.

III. Lời Chúa

  1. Bài đọc I (Mk 5,1-4)

Ngôn sứ Mikha cho biết trước một số nét về Ðấng cứu thế sẽ đến:

Ngài không xuất thân từ thủ đô Giêrusalem hay một thành phố lớn, nhưng từ một thị trấn nhỏ bé khiêm nhường là Bêlem.

Mặc dù vậy, Ngài có sứ mạng thống lãnh Israel.

Quyền lực Ngài sẽ trải rộng ra đến tận cùng trái đất, chính Ngài sẽ đem lại hòa bình.

  1. Ðáp ca (Tv 89)

Bối cảnh của Thánh vịnh này là đất nước Do Thái đang chia rẻ thành hai, Israel ở phía Bắc và Giuđa ở phía Nam. Như vậy là đoàn chiên Chúa bị phân tán, và vườn nho Chúa cũng tan hoang.

Tác giả Thánh vịnh hình dung Ðấng Messia là một mục tử, khi Ngài đến Ngài sẽ quy tụ các chiên về thành một đoàn duy nhất; và như một người chủ vườn trở lại thăm nom và chăm sóc vườn nho cũ.

  1. Tin Mừng (Lc 1,39-45)

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết về Mẹ Ðấng cứu thế sắp sinh ra.

Thánh Luca cố ý viết câu chuyện này giống với chuyện Ðavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2.Sm 6), để nói rằng Ðức Maria chính là Hòm Bia Tân Ước. Sau đây là các chi tiết:

  1. Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom. Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.
  2. Ðavít đã “kêu lên” rằng: làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được. Êlisabét cũng “kêu lên”: làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.
  3. Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Ðức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.
  4. Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng; Ðức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (xem câu 56)
  5. Bài đọc II (Dt 10,5-10)

Tác giả thư Do thái thì hình dung Ðấng Messia là một vị Thượng Tế và Chức thượng tế của Ngài trổi vượt chức thượng tế Cựu Ước:

Lễ tế Ngài sẽ dâng lên không phải là lễ toàn thiêu hay lễ xá tội của Cựu Ước, mà là chính thân thể Ngài và việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Lễ tế ấy không cần phải dâng lên nhiều lần, mà một lần duy nhất có giá trị vĩnh cửu.

  1. Gợi ý giảng
  2. Ðức Mẹ và Lễ Giáng Sinh

Lời Chúa ngày Chúa nhật cuối Mùa Vọng luôn đề cao Ðức Mẹ. Trong Chúa nhật thứ IV năm nay, Ðức Mẹ được mô tả là “người phụ nữ sinh con” (bài đọc I). Còn bài Tin Mừng thì tường thuật việc Người đi thăm viếng Bà Êlisabét. Cũng như con của mình, Ðức mẹ là người “đến để thực thi ý Chúa” (bài đọc II). Gương Ðức Mẹ có thể giúp chúng ta biết cách chuẩn bị Lễ Giáng sinh.

a/ Ðức Mẹ luôn tin vào Lời Chúa, như nhận xét của Bà Êlisabét: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em”. Chuẩn bị Lễ Giáng Sinh là quan tâm đọc Lời Chúa và tin vào Lời ấy.

b/ Ðức Mẹ luôn vâng theo ý Chúa: Trong biến cố Truyền tin, Người đã thưa với Thiên thần “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng”. Chuẩn bị lễ Giáng sinh là tỉnh táo nhận ra ý Chúa đối với mình và cố gắng vâng theo.

c/ Ðức mẹ sẵn sàng giúp đỡ người khác: dù đường xá xa xôi, Ðức Mẹ không ngại và đến thăm để giúp đỡ Bà Êlisabét. Chuẩn bị lễ Giáng sinh là quan tâm đến người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ.

  1. Thăm viếng

a/ Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương

Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Ê-li-sa-bét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả.

Chắc chắn việc Ðức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Ngài không đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét chẳng trách Ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà mang thai. Vả lại chính Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Ngài xứng đáng làm Mẹ của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.

Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê: “Ðức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua” có nghĩa như thế!

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Ðức Phật nói: “Yêu mà không được ở gần nhau thì sẽ đau khổ”. Tục ngữ có câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!”. Vì thế, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Ðến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tính gia đình, tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.

b/ Ðến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương

Khi Ðức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét, thì Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Ðức Maria mang Chúa đến, nên không chỉ bà Ê-li-sa-bét vui mừng, mà hài nhi trong bụng Bà cũng vui mừng theo, đến nỗi phải “nhảy lên” trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Ðức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Ê-li-sa-bét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Ðức Maria cùng với bào thai Giêsu còn biến đổi hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Ðức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.

Ðến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện, chứ không phải ta.

Ðem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều người nói về Chúa rất nhiều rất hay, nhưng thật sự không mang Chúa trong mình. Chúa là tình thương, mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình yêu thương họ thật sự, bằng một tình yêu chân thực. Ðức Maria có nói gì về Chúa với bà Ê-li-sa-bét đâu! Mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi mình đến với họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa.

c/ Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng

Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Nhưng tình yêu vô biên phổ quát của Ngài khiến Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.

Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.

Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Ðó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta.

Ngài đã chẳng từng nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời mới được vào mà thôi!” (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa là: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Về việc dâng quá nhiều lễ tế, đọc kinh kệ quá nhiều mà thiếu lòng yêu thương nhau, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…” (Is 1,11-15; xem bài đọc 2 được nêu ở trên). Chỉ có tình yêu đích thực mới làm Chúa hài lòng!

***

Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen. (Nguyễn chính Kết)

  1. Maria dám tin

Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người: ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Ðại khái nội dung của bích chương loan báo: Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợ. Dĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.

Ðúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến… Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.

Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Ðức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,4 5).

Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.

Tin là để cho chương trình cứu độ của Người đảo lộn chương trình sống của chúng ta.

Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.

Trước khi thưa lời “Xin Vâng”, Ðức Maria đã có chương trình của Mẹ là sẽ sống đời đôi bạn với thánh Giuse (Lc 1,27). Và qua lời “Xin Vâng” Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Thiên Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Người đảo lộn chương trình sống, và cùng Người bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.

Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa.

Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác: Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Caphanaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá.

Mẹ đã “Suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19) vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.

Mẹ xứng đáng là Mẹ Ðấng Cứu thế vì mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người.

Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác: “Xin Chúa làm cho tôi như lời Ngài nói” (Lc 1,38).

Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Ðền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.

Chính vì Mẹ là Ðền Thánh nên đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh.

Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Ðấng Cứu Thế.

Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat (x. Lc 1,46-54).

Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm cửa thiên đàng.

Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Ðức Ma ria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Ðấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.

Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ: Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen. (Thiên Phúc)

  1. “Em có phúc vì đã tin”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Bà Êlisabét nói với Ðức Maria: “Em có phúc vì đã tin”. Tin và hạnh phúc, đó là hai điều liên hệ chặt chẽ với nhau, một liên hệ nhân quả. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng trong các sách Tin Mừng:

– “Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh” (Mt 8,13)

– Chúa Giêsu quay lại nói với người đàn bà bị băng huyết: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9,22)

– Chúa Giêsu nói với hai người mù đi theo Ngài “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp “Thưa Ngài chúng tôi tin”. Bấy giờ Ngài sờ vào mắt họ và nói “Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-29)

Chúng ta có thể nói chủ đề chính của Tin Mừng là hạnh phúc cho những kẻ tin. Tất cả những lời Chúa Giêsu giảng dạy là nhằm khơi lên đức tin trong lòng người nghe. Tuy nhiên, chỉ tin thôi thì chưa đủ mà còn phải làm theo như mình tin. Người ta nói ma quỷ cũng tin Chúa đó, nhưng nó không làm theo ý Chúa.

Ðức tin không biến cuộc sống của ta thành dễ dàng. Ngược lại là đàng khác, vì tin đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu, phải kiên trì.

Ðức Maria được chúc phúc vì Người không chỉ tin mà còn hành động theo điều Người tin. Ngay sau khi được Thiên sứ viếng thăm, Người đã vội vàng đi thăm viếng Bà Êlisabét. Qua đó, chúng ta thấy rằng sống đạo không phải chỉ là tin suông mà còn phải thể hiện đức tin bằng việc làm.

Lễ Giáng sinh có thể giúp ích chúng ta rất nhiều trong đức tin, vì dù sao trong dịp này chúng ta cũng thấy Chúa gần gũi với mình hơn những lúc khác. Nhưng cốt lõi của sứ điệp Giáng sinh là Con Thiên Chúa đã nhập thể trong một đứa trẻ nghèo nàn yếu ớt. Trong lễ Giáng sinh đầu tiên, có những người đã tin vào điều ấy, và cũng có những người không tin. Nhưng chỉ những người tin mới được chúc phúc. (FM)

  1. Chúa Giáng sinh mang lại gì mới?

Người ta thích những điều mới. Một món hàng mới xuất hiện trên thị trường, người ta đổ xô đi mua. Một thời gian sau, món đồ ấy không còn mới nữa, người ta nhàm chán. Thế là nhà sản xuất phải nghĩ ra cái khác mới hơn. Hiện tượng này cho thấy 2 điều: một là khuynh hướng thích cái mới thúc đẩy sự tiến bộ; hai là cái gì mới rồi cũng sẽ cũ đi.

Có cái gì vẫn luôn luôn mới chứ không bao giờ cũ không? Nếu có cái đó thì cái đó mới là cái thực sự mới.

Ðó chính là cái mà Chúa Giáng sinh mang lại. Ðó là tình yêu hiến dâng. Chúa đến trong lòng Ðức mẹ. Lòng Ðức Mẹ đổi mới. Ðức Mẹ lập tức mang điều mới mẻ đó trao ban cho Bà Êlisabét.

Trong số những điều mới mẻ trên thế giới và trong Giáo Hội, những cái vẫn còn mới và tồn tại mãi qua dòng thời gian chính là những thứ giúp phát triển tình yêu và sự dâng hiến. Chúa Giêsu giáng sinh là người đầu tiên mang điều mới mẻ ấy cho nhân loại.

  1. Lời nguyện Mùa Vọng

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến

Xin hãy bước vào những yếu đuối của chúng con

Xin hãy bước vào những nỗi sợ hãi của chúng con

Xin hãy bước vào những lo lắng của chúng con

Xin hãy bước vào những thất bại của chúng con

Xin hãy bước vào những chia rẻ của chúng con

Xin hãy bước vào những buồn phiền của chúng con

Xin hãy bước vào những cô đơn của chúng con

Xin hãy bước vào những bóng tối của chúng con

Xin hãy bước vào những hoài nghi của chúng con

Xin hãy bước vào những thất vọng của chúng con

Xin hãy bước vào những nghèo hèn của chúng con

Xin hãy bước vào cuộc tìm kiếm của chúng con

Xin hãy bước vào những niềm vui và hy vọng của chúng con

Xin hãy bước vào cuộc hấp hối của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến

  1. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, thật hạnh phúc cho những ai biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Ðấng toàn năng và là Cha nhân ái. Trong niềm hân hoan vì Ngôi Hai Thiên Chúa sắp ngự đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

  1. Hội thánh cần những mục tử tài đức và thánh thiện để hướng dẫn Dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Hội thánh / luôn có nhiều mục tử như lòng ước mong.
  2. Cùng với Ðức Trinh Nữ Maria / nhiều sứ giả của tình thương đã vội vã lên đường / đem niềm vui cho những người sầu khổ / đem ủi ban cho những ai đang gặp bế tắc trong cuộc sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giữ gìn những anh chị em đang dấn thân phục vụ tha nhân / luôn được an lành.
  3. Hiện nay / có rất nhiều bạn trẻ đang tích cực cộng tác với các vị mục tử / trong việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các giáo lý viên / tìm được niềm vui trong công việc cao quý này.
  4. Ðức tin không việc làm là đức tin chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thể hiện niềm tin sống động của mình / bằng việc luôn vâng theo thánh ý Chúa / hết lòng phó thác và tận tụy phục vụ như Ðức Maria.

Chủ tế: Lạy Chúa, ngày xưa Ðức Trinh Nữ Maria đã vội vã lên đường mang Chúa Giêsu đến cho người khác; ngày nay, xin Chúa cho chúng con cũng biết noi gương Người mà nhiệt tình đem Chúa đến cho anh chị em chúng con, bằng chính đời sống thấm nhuần tinh thần Tám Mối Phúc thật của chúng con. Chúng con cầu xin

  1. Trong Thánh Lễ

– Trước kinh Lạy Cha: Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài sinh xuống trần gian để sống với chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài tâm tình tạ ơn sốt mến.

VII. Giải tán

Còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng sinh. Anh Chị Em hãy tích cực chuẩn bị đón Chúa, bằng cách cầu nguyện nhiều hơn và sống bác ái với tha nhân hơn trong mùa giáng sinh.

 

home Mục lục Lưu trữ