Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 34
Tổng truy cập: 1379268
THÂN VÀ THỦ
Thân và Thù
(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)
Một dịp Chúa Giêsu về quê Na-da-rét, nơi Ngài sinh trưởng, và đến hội đường theo luật giữ ngày sa-bát. Sau khi nghe Ngài giảng thuyết, mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài (Lc 4:22), nhưng cũng có những người đặt vấn đề: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13:54-56).
Và Chúa Giêsu kết luận: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. (Mt 13:57; Mc 6:4; Lc 4:24). Thân và Thù là hai lĩnh vực khác nhau, làn ranh giữa hai lĩnh vực đó rất mong manh. Tuy kẻ thù nguy hiểm mà lại không đáng sợ, người thân không nguy hiểm mà lại đáng sợ. Bởi vì đối với kẻ thù, chúng ta biết họ không ưa mình nên có thể dễ tránh; còn đối với người thân, chúng ta cứ tưởng an toàn nhưng khi họ phản lại thì chúng ta không tránh kịp – nhất là đối với những người nói năng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”. Sự thật phũ phàng thế đấy!
Ngày xưa, An Dương Vương cai trị nước Âu Lạc, Triệu Đà nhiều phen phải vỡ mộng xâm lăng, đành cầu hòa bằng cách muốn An Dương Vương gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con của giặc phương Bắc. Tuy đã là con rể, nhưng Trọng Thủy luôn tìm kế để đánh cắp nỏ thần. Vì mật ngọt mà ruồi dính bẫy, nghe lời đường mật của giặc mà An Dương Vương sập bẫy, và rồi hóa thành người “nuôi ong tay áo”, thật nguy hiểm! Cuối cùng, Thần Kim Quy phải nói thẳng với An Dương Vương: “Giặc ngồi ngay sau lưng đó”. Những chiếc lông ngỗng của Mỵ Châu bay mất hết trơn!
Trình thuật St 3:9-15 cho biết về chuyện con người bất tuân lệnh Chúa vì nghe lời đường mật của loài quỷ quyệt. Một hôm, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con SỢ HÃI vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Vòng luẩn quẩn của sự ác, đổ lỗi vòng quanh cho nhau chứ không phục thiện, không thú tội. Tà tâm ưa bóng tối, bóng tối sợ ánh sáng.
Con người đang thân thiện với Thiên Chúa, nay hóa thành thù địch với Ngài, chỉ vì con người đã kiêu ngạo mà hóa thành tội nhân. Rồi Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Tội lỗi cũng có tính liên đới, chứ không phải ai tội mặc ai.
Người Việt có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Thế đấy, hùng hổ lắm thì co rúm nhiều. Đang yên đang lành thì cảm thấy nhàm chán, con người rửng mỡ nên muốn vùng lên, vùng lên rồi sợ hãi, mặt mũi xanh lè. Đó là “nợ truyền kiếp” khiến chúng ta cũng liên lụy – một dạng liên đới tội lỗi. Nếu nhận biết mình là tội nhân khốn nạn thì thật có phúc, nhận diện mình để khiêm nhường cầu xin: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (Tv 130:1-2). Chắc chắn Chúa thương liền!
Thật vậy, Ngài luôn đại lượng, chỉ mong tha thứ, đúng như Thánh Vịnh gia đã cảm nhận: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người” (Tv 130:3-5). Vô phúc vì đang là tội nhân, thế mà lại hóa diễm phúc vì được tận hưởng Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Thật là ngoài sự mong ước của chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con hoàng đàng, khi trở về chỉ mong cha coi như người làm công là tốt lắm rồi, nào ngờ cha lại yêu thương hơn xưa, cho hưởng mọi thứ và còn đãi tiệc ăn mừng một kẻ-đã-chết-nay-sống-lại (x. Lc 15:11-32).
Thiên Chúa là thế, chúng ta không thể nào hiểu nổi. Mặc dù chúng ta tội lỗi tày trời, khốn nạn vô cùng, nhưng Ngài vẫn “luôn từ ái một niềm” bởi vì “ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” (Tv 130:7), và “chính Ngài sẽ cứu thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130:8). Không thể có ngôn ngữ nào mô tả được đúng mức về niềm hạnh phúc quá lớn lao như vậy.
Đức tin là một trong ba nhân đức đối thần kỳ diệu: “Dùng tất cả NHIỆT TÌNH để có LÒNG TIN thì có thêm ĐỨC ĐỘ, có đức độ lại thêm HIỂU BIẾT, có hiểu biết lại thêm TIẾT ĐỘ, có tiết độ lại thêm KIÊN NHẪN, có kiên nhẫn lại thêm ĐẠO ĐỨC, có đạo đức lại thêm TÌNH HUYNH ĐỆ, có tình huynh đệ lại thêm BÁC ÁI” (2 Pr 1:5-7). Đó là tính liên đới nhân đức trong đời sống Kitô hữu. Đức ái là đỉnh cao, đặc biệt là tồn tại cả đời này và đời sau (1 Cr 13:13).
Liên quan đức tin, Thánh Phaolô nói: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào thì càng có đông người dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người” (2 Cr 4:13-15). Cũng đề cập đức tin, Thánh nữ Bernadette phân tích rất hay: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích”. Cụ thể nhất là đối với người vô thần, nói về đức tin với họ không bằng nói với đầu gối – về nhiều vấn đề khác cũng tương tự, bởi vì họ cố chấp.
Với niềm xác tín mạnh mẽ, Thánh Phaolô cho biết: “Cho nên chúng tôi KHÔNG CHÁN NẢN. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật HỮU HÌNH chỉ TẠM THỜI, còn những thực tại VÔ HÌNH mới TỒN TẠI VĨNH VIỄN” (2 Cr 4:16-18). Thân xác sống nhờ thần khí chứ chính nó chẳng có giá trị gì (x. Ga 6:63), nó “thân” lắm đấy nhưng nó cũng dễ biến thành “thù” ngay, và rồi nó sẽ phải tan biến thành cát bụi, còn linh hồn mới thực sự bất tử. Đừng nuông chiều hoặc quá chăm chút thân xác mà làm hại linh hồn mình!
Thánh Phaolô kết luận: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra” (2 Cr 5:1). Chết là biến đổi chứ không là “chấm hết”.
Cuộc sống luôn nhiêu khê và đáng quan ngại, sợ nhất là chính mình – nội gián đáng gờm nhất, rồi đến người thân, sau đó mới là người khác và kẻ thù. Trình thuật Mc 3:20-35 cho biết rằng các thân nhân và các kinh sư đều coi Đức Giêsu là người mất trí, thậm chí còn nói Ngài “bị thần ô uế ám”. Người Việt có ý tưởng chí lý: “Giòi trong xương giòi ra”.
Một lần nọ, Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được. THÂN NHÂN của Ngài hay tin ấy, liền đi BẮT Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã MẤT TRÍ. Theo ngôn từ ngày nay, người ta nói là BóTay.com hoặc “cạn lời”. Hết ý kiến và lắc đầu ngán ngẩm quá!
Rồi cũng chưa yên và còn tệ hơn nữa, vì các kinh sư từ Giêrusalem xuống lại nói rằng Ngài BỊ QUỶ VƯƠNG BÊ-EN-DÊ-BUN ÁM và DỰA THẾ QUỶ VƯƠNG mà trừ quỷ. Những cái “đầu tôm” ở tột cùng của sự ngu dốt tồi tệ. Xã hội ngày nay ở Việt Nam cũng không thiếu loại người như vậy!
Nhưng đừng tưởng bở, chuyện đâu còn có đó. Biết vậy, Ngài liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững”. Lý luận chặt chẽ, phân tích rạch ròi. Và Ngài minh định: “Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ thì KHÔNG THỂ TỒN TẠI, nhưng đã TẬN SỐ. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”. Chắc chắn họ đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi. Dốt mà chảnh, ngu mà ta đây. Đúng là lũ “đầu đất” hợm mình tới mức hết thuốc chữa!
Đó cũng là bài học cho những ai thực sự muốn sống nghiêm túc, muốn nên người và nên thánh. Thật thế, tự triệt tiêu tôi thì thành thánh. Thế thôi!
Tội lỗi không chỉ có tính liên đới mà còn có mức độ, Giáo Hội gọi là Trọng Tội và Khinh Tội (tội nhẹ). Tội nào cũng được tha nếu thật lòng ăn năn sám hối, quyết tâm chấn chỉnh và hoán cải, nhưng có một loại tội lớn hơn các loại tội to, nặng hơn các loại tội trọng mà Chúa Giêsu đề cập: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN thì chẳng đời nào được tha, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI”. Đó là tội mà họ đã dám nói Chúa Giêsu “bị thần ô uế ám”. Xúc phạm Thiên Chúa thì hết cách cứu!
Liên quan Thân và Thù, Chúa Giêsu xác định ai mới thật là thân nhân của Ngài (Mc 3:31-35; tương đương Mt 12:46-50; Lc 8:19-21).
Lúc đó, Mẹ và anh em của Chúa Giêsu đến, đứng đợi ở ngoài và cho gọi Ngài ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”. Nhưng Ngài đáp lại bằng một câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Nói rồi Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.
Nói vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu không coi trọng tình cảm gia đình hoặc coi thường thân nhân, nhưng Ngài muốn nói đến tầm quan trọng của việc lắng nghe và sống đúng Lời Chúa, tất nhiên cũng không loại trừ việc học hỏi Lời Chúa. Vô tri bất mộ, không hiểu đúng Lời Chúa thì khó có thể yêu mến, không yêu mến Lời Chúa thì làm sao muốn sống Lời Chúa? Rất lô-gích, rất hợp lý!
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp con biết nhận diện chính mình để có thể đè nén “cái tôi” tồi tệ trong con người của con, bởi vì không có Ngài thì con chẳng làm được chi cả (x. Ga 15:5). Con biết con ngu dốt hơn mọi người, không thông minh bằng người khác (Cn 30:1), xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ (Tv 119:34), xin ban trí thông minh để con được am tường thánh ý (Tv 119:125). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
11. Suy niệm và chú giải của Lm. Ignatiô Hồ Thông
Sức phá hoại của Xa-tan nơi hai ông bà nguyên tổ vì bất phục huấn lệnh của Thiên Chúa được tiếp tục nơi giai cấp lãnh đạo Do thái vì họ vu khống Đức Giêsu dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Nhưng lời hứa cứu độ của Thiên Chúa: “miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu mi”, sẽ được Đức Giêsu thực hiện khi Ngài khẳng định rằng nước của Sa-tan sẽ sụp đỗ và thiết lập gia đình Thiên Chúa qua việc lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
St 3, 9-15
Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của việc hai ông bà nguyên tổ không vâng lời Thiên Chúa và đồng thời lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
2Cr 4,13 – 5,1
Được cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân cũng với các tín hữu thân yêu của ngài sẽ được sống với Chúa.
Mc 3, 20-35
Đức Giêsu thực hiện lời hứa của Thiên Chúa bằng cách khẳng định nước của Xa-tan sẽ sụp đổ và thiết lập gia đình Thiên Chúa.
BÀI ĐỌC I (St 3, 9-19)
Sách Sáng Thế mô tả những tác hại của tội và lời hứa cứu độ của Thiên Chúa.
1. Những tác hại của tội (3: 9-13):
Tác giả mô tả cách tinh tế tội gây tác hại cho nhân loại qua hai ông bà nguyên tổ như thế nào.
A. Tội phá vỡ mối giao hảo của con người với Đấng Tạo Hóa (3: 9-11):
Thuở ban đầu, vào lúc gió chiều hiu hiu thổi, Thiên Chúa thường đến dạo chơi trong vườn với hai ông bà và trò chuyện thân mật với hai ông bà. Nhưng kể từ nay khi nghe tiếng bước chân của Thiên Chúa, hai ông bà, thay vì mừng rỡ chạy ra nghênh đón Người, lại ẩn mình vào giữa lùm cây trong vườn, vì sợ giáp mặt với Thiên Chúa. Hình ảnh hai ông bà trốn vào lùm cây diễn tả phản ứng quen thuộc của những kẻ phạm tội; tội lỗi khiến con người tránh xa Thiên Chúa. Chính tội lỗi đã khiến cho kẻ phạm tội sợ phải diện đối diện với Thiên Chúa, tìm mọi cách xa lánh vị Thiên Chúa tốt lành của mình. Tội lỗi phá vỡ mối thân tình ban đầu giữa loài thụ tạo với Đấng Tạo Hóa của mình.
B. Tội làm rạn nứt tình chồng nghĩa vợ (3: 12-13)
Thuở ban đầu, khi mới gặp người nữ Thiên Chúa giới thiệu cho mình, con người đã thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2: 23); ấy vậy giờ đây người chồng đổ hết trách nhiệm cho vợ mình: “Người đàn bà Ngài đã cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (3: 12). Còn người nữ cũng thoái thác trách nhiệm của mình bằng cách đổ lỗi cho con rắn: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn” (3: 13). Lời của người nữ là thực, nhưng bà quên rằng mình đã để cho Con Rắn xảo trá lừa dối đến mức hiểu sai ý định tốt lành của Thiên Chúa. Tội đã làm rạn nứt mối tình nghĩa keo sơn bền chặt “nên một xương một thịt” giữa chồng và vợ, mỗi người tìm cách chối quanh co những lỗi lầm của mình, không ai dám nhận phần trách nhiệm của mình.
2. Lời hứa cứu độ của Thiên Chúa (3: 14-15)
Thiên Chúa phán xử con rắn qua hai câu: câu thứ nhất là án phạt dành cho con rắn, câu thứ hai báo trước sự chiến thắng của loài người trên con rắn, tên cám dỗ.
A- Thiên Chúa luận tội con rắn (3: 14):
Trước hết, Thiên Chúa luận tội con rắn, kẻ cám dỗ:
“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (3: 14).
Lời luận tội này mang tính tầm nguyên về loài rắn, nhằm để trả lời cho những câu hỏi như: tại sao con rắn lại bò sát đất, lại ăn đất? Tại sao nó khác biệt với các loài khác? Tại sao lại có mối thù giữa loài người và loài rắn? Thực ra, bản án không gì khác chỉ như một lời chứng nhận: con rắn không có chân nên phải “bò bằng bụng”, nhưng tác giả đã nối kết nét đặc trưng này với hình tượng kinh điển về sự thất bại, bị hạ nhục và khinh dể: “Phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi” (x. Is 49: 23; Mk 7: 17; Tv 72: 9; v.v.). Ở đây, tác giả một lần nữa phản bác việc phụng thờ thần rắn để cầu xin cho được phong nhiêu và phồn sinh thường thấy tại Lưỡng Hà Địa, Ai-cập, Pa-lét-tin… Trong các đền thờ, thần rắn được tạc tượng giống như con rồng có chân đứng thẳng để nhận những hành vi thờ bái của các tín hữu; thần rắn cũng được cho rằng có thể ăn lễ vật do các tín đồ sốt sáng dâng lên, nhưng từ nay “phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi”.
B- Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ (3: 15):
Tiếp đó, Thiên Chúa loan báo ơn cứu độ qua việc dòng giống người nữ sẽ chiến thắng trên dòng giống con rắn:
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (3: 15).
Lời tiên báo này có thể được giải thích cách rộng lớn hơn khi hiểu toàn thể nhân loại qua kiểu nói: “dòng giống của người đàn bà”, và tất cả những quyền lực của sự ác qua kiểu nói: “dòng giống của con rắn”. Qua lời tiên báo này, Thiên Chúa hứa rằng Người sẽ can thiệp để phục hồi nguyên trạng cho con người. Lời hứa này mở ra cho nhân loại một niềm hy vọng là một ngày kia nhân loại sẽ chiến thắng trên những quyền lực của Ác Thần.
Tuy nhiên, bản dịch Hy-ngữ (bản Bảy Mươi) đặt chủ từ ở số ít giống đực: “Chính người con trai đó sẽ đạp dẹp đầu người”. Theo cách hiểu của bản dịch này, lịch sử sẽ là một cuộc chiến đấu dài lâu giữa nhân loại và các quyền lực của sự dữ; nhưng nếu cuộc chiến thắng sau cùng được đảm bảo cho nhân loại, thì cuộc chiến thắng này hàm chứa một vị lãnh tụ có khả năng chiến thắng sự Dữ, tức là Đấng Cứu Thế. Còn các Giáo Phụ thì đọc thấy lời hứa này là lời tiên báo theo đó ở giữa lòng nhân loại sẽ sinh hạ một người nữ, bà này sẽ đạp dập đầu Quỷ Dữ, người đàn bà đó là Mẹ của Đấng Cứu Thế; vì thế bản dịch La-ngữ (bản Phổ Thông) của thánh Giê-rô-ni-mô đặt chủ từ ở số ít giống cái: “Chính người đàn bà đó sẽ đạp dập đầu ngươi”, để áp dụng vào Đức Trinh Nữ Maria.
Dù thế nào, cách hiểu của hai bản dịch này không loại trừ nhau nhưng bổ túc cho nhau. Người Đàn Bà chiến thắng sự Dữ chỉ bởi và nhờ Người Con của Bà. Thật đáng lưu ý rằng khi tạc tượng vẽ hình về Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đạp dẹp đầu con rắn, các nghệ sĩ luôn luôn trình bày Hài Nhi Giêsu trong vòng tay của Mẹ Mình. Chúng ta biết rằng sách Khải Huyền của thánh Gioan âm vang bản văn Sáng Thế này trong một thị kiến về Người Phụ Nữ đối lập với Con Rồng, “con rắn xưa”, nhưng trong đó Đức Ma-ri-a đã không được trực tiếp chỉ ra (Kh 12). Vì thế, lời tiên báo này được truyền thống Ki-tô giáo giải thích là “tiền tin mừng”, nghĩa là tin mừng “đầu tiên” loan báo hừng đông ơn cứu độ.
BÀI ĐỌC II (2Cr 4: 13-5: 1)
Thánh nhân vạch rõ rằng đau khổ của Đức Giêsu mặc khải tình yêu Thiên Chúa và ban sự sống như thế nào, thì những đau khổ của thánh Phao-lô nẩy sinh trong tình yêu mà thánh nhân dành cho các tín hữu Cô-rin-tô cũng như vậy. Được cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu nâng đỡ, thánh Phao-lô xác tín rằng thánh nhân sẽ được sống lại “với Chúa” (4: 14; x. 1Tx 4: 14, 17). Tuy nhiên, điểm nhấn ở đây được đặt trên “cùng với anh em” (4: 14). Điều nhấn này giúp chúng ta thấu hiểu tình yêu thánh nhân dành cho những người mà thánh nhân chia sẻ Tin Mừng và cũng giúp cho chúng ta thấu hiểu lòng nhiệt thành thánh nhân dâng hiến cho sứ mạng của mình ngỏ hầu Tin Mừng có thể đạt đến nhiều người chừng nào có thể.
TIN MỪNG (Mc 3: 20-35)
Bối cảnh không gian của phân đoạn này chính là Đức Giêsu đang ở trong một ngôi nhà có đám đông vây quanh. Còn bối cảnh thời gian thì rộng lớn hơn bối cảnh không gian: thân nhân của Người từ làng Na-da-rét đến Ca-phác-na-um để bắt Ngài về vì nghĩ rằng “Người đã mất trí” (3: 21), trong khi các kinh sư Do thái xuyên tạc hành động của Ngài và vu khống Ngài dùng tướng quỷ mà trừ quỷ.
Bản văn này được cấu trúc theo lối hành văn “đối xứng đồng tâm nghịch đảo” như sau:
A-Thân nhân cáo giác Đức Giêsu (3: 20-21).
B-Các kinh sư vu cáo Đức Giêsu (3: 22).
C-Đức Giêsu tự biện hộ (3: 23-27).
B’-Đức Giêsu phê phán các kinh sư (3: 28-30).
A’-Đức Giêsu phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35).
A-Thân nhân cáo giác Đức Giêsu (3: 19b-21):
20. “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến”: Giới thiệu hoàn cảnh của Đức Giêsu vào lúc đó. Đây chắc là nhà của thánh Phê-rô.
21. Bà con họ hàng của Đức Giêsu đến để bắt Người về, vì họ nghĩ rằng Người đã mất trí. Khi xử sự như thế, họ chỉ muốn gìn giữ thể diện danh giá của gia tộc và bảo vệ mạng sống cho Đức Giêsu. Nhưng điều ấy cho thấy rằng các thân nhân của Người tỏ ra không hiểu gì về sứ mạng của Người và không nhận ra Người có một sứ mạng thần linh.
B-Các kinh sư vu cáo Đức Giêsu (3: 22):
Các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến kết án Chúa Giêsu hai tội: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám” và “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Trong lời biện hộ, Đức Giêsu sẽ trả lời cho họ lời kết tội thứ hai trước (3: 23-26), rồi đến lời kết tội thứ nhất sau (3: 27).
C-Đức Giêsu tự biện hộ (3: 23-27):
23. “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?”: Chúa Giêsu trả lời cho lời buộc tội thứ hai của các các kinh sư, những người này không thể nào bác bỏ những việc trừ quỷ của Đức Giêsu, vì thế họ giải thích rằng Người đã dùng tướng quỷ mà trừ quỷ. Qua ba câu 24-26, Đức Giêsu vạch rõ cho thấy lời giải thích này thật là phi lý.
24-26. Điểm cơ bản được minh họa theo ba cách, mỗi cách theo cùng một cấu trúc. Nếu một nước, một nhà hay Xa-tan chia rẽ, thì nó không thể đứng vững được. Nếu câu 24 và câu 25: một nước, một nhà là dụ ngôn, thì câu 26 lại là lời trả lời trực tiếp: nếu Đức Giêsu dùng tướng quỷ mà trừ quỷ hóa ra Xa-tan sẽ đặt các thuộc hạ của mình chống lại nhau, vì thế, tự tiêu diệt chính mình và vương quốc của mình. Câu kết luận không cần phải nói ra Đức Giêsu không thể nào thuộc về vương quốc của Xa-tan được, nhưng là đối thủ đáng gờm của Xa-tan.
27. “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó”: Qua câu 27 này, Đức Giêsu trả lời cho lời buộc tội thứ nhất của các kinh sư khi họ tố cáo Người bị quỷ ám. Nếu Đức Giêsu bị quỷ ám thì Người phải dưới quyền thống trị của Xa-tan. Nhưng rõ ràng Đức Giêsu là “người mạnh hơn Xa-tan”, Người đã đột nhập vào nhà của nó, đã trói nó và “cướp sách sạch nhà nó”, tức là những người được giải thoát khỏi bệnh tật và ma quỷ. Chính cuộc giải phóng này loan báo cuộc trất quyền của Xa-tan và Triều Đại Thiên Chúa ngự đến.
B’-Đức Giêsu phê phán các kinh sư (3: 28-30):
28. “Tôi bảo thật anh em”: Lời dẫn nhập long trọng và đầy xác quyết này có giá trị như một lời cam đoan.
- “Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều mấy đi nữa, thì cũng còn được tha”: “Tội nói phạm thượng” theo nghĩa hẹp là nói những lời xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Danh Thiên Chúa (Mc 2: 7; 14: 64; Ga 10: 33-36); theo nghĩa rộng là lời nói xúc phạm đến một đặc quyền thần linh nào đó (Cv 6: 11), một tổ chức thánh (Ed 35: 12; 1Mcb 7: 38); theo văn mạch ở đây là tội nói xúc phạm đến Chúa Giêsu, vì Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến và có quyền năng của Thiên Chúa (15: 29tt; Lc 22: 64-65; 23: 30). Tất cả mọi tội xúc phạm đến Đức Giêsu đều được tha.
29. “Nhưng ai phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”: Bản liệt kê các thứ tội mà loài người phạm đều có thể được tha nhằm làm nổi bật tội phạm đến Thánh Thành chẳng đời nào được tha. Vậy tội phạm đến Thánh Thần là tội gì? Chúa Giêsu đang trả lời cho các kinh sư Do thái, theo họ Thần Khí không chỉ mặc khải sự thật của Thiên Chúa cho loài người nhưng còn khai lòng mở trí cho loài người hiểu biết sự thật ấy. Theo văn mạch, Thánh Mác-cô đã trình bày ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã được Chúa Thánh Thần ở cùng và hướng dẫn Người trên con đường thi hành sứ mạng. Như vậy, Thánh Thần hoạt động trong những việc chữa lành và trừ quỷ nơi Đức Giêsu để mặc khải cho loài người sự thật của Đức Giêsu và giúp con người hiểu biết sự thật ấy. Nhưng các kinh sư chẳng những không mở rộng lòng mình để tiếp nhận sự thật mà Thánh Thần mặc khải mà còn cố tình xuyên tạc sự thật ấy bằng cách gán những hành động của Thánh Thần ở nơi Đức Giêsu cho quyền lực của quỷ. Thật ra, “tội nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha thứ”, không có nghĩa rằng Thánh Thần không tha thứ, mà chính đương sự tự ý khép kín lòng mình trước sự thật và nhất quyết sống trong sự gian dối.
30. “Đó là vì họ đã nói ông ấy bị thần ô uế ám”: Những ai cho rằng những gì Đức Giêsu làm đều ở dưới quyền lực của ma quỷ, chịu sự tác động của ma quỷ, những người ấy không thể đón nhận ánh sáng của ân sủng, không muốn đón nhận ơn tha thứ mà Thánh Thần ban cho hết mọi người. Câu này mặc nhiên khẳng định rằng Chúa Thánh Thần chứ không Xa-tan là nguồn quyền năng của Đức Giêsu.
A’-Đức Giêsu phê phán thân nhân của Ngài (3: 31-35):
31. “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài cho gọi Người ra”: Nhóm người nầy tương tự như (hay ít ra một phần) “thân nhân của Người” được kể ra ở 3: 21. Từ “anh em” trong tiếng Híp-ri có một phạm vi ngữ nghĩa rất rộng như là anh em ruột, anh em họ, và cả bà con xa gần. Trong câu chuyện trước đó (3: 20-21), tác giả đã kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, “thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người mất trí” (Mc 3: 21). Chuyến đi đó họ “không bắt” (nghĩa là “không ngăn cản”) Chúa Giêsu được. Có lẽ vì thế mà bây giờ, họ dẫn thêm Đức Ma-ri-a. Câu chuyện này cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập Giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu. Quả thật, Công Đồng Va-ti-can đã nói về cuộc hành trình đức tin của Đức Ma-ri-a.
32. “Đám đông đang ngồi chung quanh Người”: Đám đông được mô tả như những môn đệ vây quanh Người, chăm chú lắng nghe Lời Người.
- “Có kẻ nói với Người rằng: ‘Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!”: Theo cách mô tả của thánh Mác-cô, những thân nhân của Đức Giêsu đang đứng ở bên ngoài, còn đám đông thì đang ngồi chăm chú lắng nghe Người ở bên trong. Như vậy, với hai cặp không gian đối nghịch nhau: “ở bên ngoài” và “ở bên trong”, thánh Mác-cô muốn diễn tả chủ đề chính của phân đoạn này, theo đó những kẻ đang ngồi lắng nghe lời Người ở bên trong thì thân thiết và gần gũi với Người còn hơn những thân nhân của Người đang đứng ở bên ngoài.
33. “Ai là mẹ tôi?, ai là anh em tôi?”: Khi nghe tin mẹ và anh em từ làng quê Na-da-rét đến ở bên ngoài, chẳng những Đức Giêsu không ngừng công việc rao giảng, nhưng Người còn nêu lên một câu hỏi lạ lùng này.
34. “Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ chung quanh”: Đây là cách thức thánh Mác-cô nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo huấn mà Chúa Giêsu đưa ra sau đó.
- “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi”: Đức Giêsu đang chỉ những người ở bên trong, họ mới thật sự là mẹ và anh chị em của Người.
35. “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa”: Lời nói trọng tâm nầy chứa đựng ít nhất một ghi nhận tiêu cực về gia đình huyết thống của Đức Giêsu. Những thân nhân huyết thống “ở bên ngoài”, những người đang đến đó không phải để nghe Lời Người nhưng để ngăn cản Người thi hành sứ vụ của Người vì cho rằng “Người đã mất trí” (3: 21), đối lập với những thân nhân đức tin “ở bên trong”, tức là tất cả những ai lắng nghe Lời Người và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Thánh Mác-cô muốn làm nổi bật hai mẫu gia đình: gia đình huyết thống thì “ở bên ngoài”, còn gia đình đức tin thì “ở bên trong”.
Trong Cựu Uớc, Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và điều khiển vũ trụ (Hc 43: 16; Tv 29: 5), vì thế làm theo ý muốn của Thiên Chúa là điều con người phải ước muốn ưu tiên hàng đầu: “Con thích làm theo thánh ý và ấp ủ Luật Chúa trong lòng” (Tv 40: 9). Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc lắng nghe Lời Người và đem ra thực hành, chẳng hạn như “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lũ có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi” (Lc 6: 47-48).
- “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Trong một xã hội mà gia đình đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, thì ý tưởng về một gia đình đức tin có tác dụng làm tương đối hóa những mối liên hệ huyết thống, đây mới thực sự là gia đình của Đức Giêsu không căn cứ trên huyết thống hay chủng tộc nhưng trên việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Tác giả không nhằm phê phán Đức Ma-ri-a cũng như anh chị em của Người, nhưng có chủ ý cho thấy các tín hữu, tức là những người môn đệ ở cùng nhà và chia sẻ đời sống với Đức Giêsu, không chỉ như những người “ở với Người và để Người sai đi” (x. 3: 14), nhưng còn như những thành viên của cùng một gia đình, gia đình của Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu Ki-tô. Chúa Giêsu cho hiểu rằng những người đang quây quần chung quanh Người được nối kết với Người một cách sống động và thực sự: Người thuộc về họ và họ thuộc về Người. Tuy nhiên, sợi dây liên kết này không căn cứ trên căn bản huyết thống, những trên mối quan hệ của họ với Thiên Chúa. Họ là những người liên kết với Đức Giêsu cách mật thiết nhất, bởi vì họ thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Qua những lời này, Chúa Giêsu cho hiểu rằng trong kế hoạch của Thiên Chúa, “sống theo ý muốn của Thiên Chúa” mới thật sự trở nên gia đình của Người chứ không là mối liên hệ huyết thống. Như vậy, gián tiếp Người cho hiểu rằng Đức Ma-ri-a có một vị trí cao quý tột bậc không phải vì là “thân mẫu của Người” cho bằng đã “sống theo ý muốn của Thiên Chúa”. Những thân nhân huyết thống của Đức Giêsu cũng không bị loại khỏi mối hiệp thông với Người, nếu họ sẵn sàng thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Đây quả là một cách thức vừa rõ ràng vừa đơn giản mà thánh Mác-cô muốn trình bày cho các Ki-tô hữu đương thời về Giáo Hội. Cuộc bách hại của người Rô-ma đã đẩy nhiều gia đình đến những cuộc phân ly đau đớn. Những ai trở lại đạo thường bị buộc phải chọn lựa hoặc là thân quyến hoặc là cộng đồng Ki-tô hữu. Thánh Mác-cô chứng tỏ cho họ thấy ngay chính Chúa Giêsu cũng từng bị buộc phải đoạn tuyệt với thân nhân của Người: vì thế các Ki-tô hữu không thể đòi cho mình được đặc quyền hơn Người. Như thế, trên con đường rao giảng của Chúa Giêsu, thánh Mác-cô đưa ra hai loại tương giao giữa Chúa Giêsu và những kẻ đương thời của Người: một số khước từ và một số khác đón nhận Người. “Bản thân là một người Ki-tô hữu, tôi đã thuộc về Đức Ki-tô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế. Hôm nay Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.” (“Epphata”).
12. Hai căn nhà
(Suy niệm của Fiches Dominicales)
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Từ căn nhà chia rẽ chống lại chính mình
Trên núi, Đức Giêsu thiết lập nhóm "mười hai để họ ở với Người và để sai họ đi rao giảng với quyền xua đuổi ma quỷ". Giờ đây Người "vào một ngôi nhà nơi đám đông tụ tập. Họ khao khát nghe lời Người đến nỗi Người không có thời giờ ăn uống? Chính trong khung cảnh ấy Máccô tường thuật lại hai cuộc chống đối Đức Giêsu. Sự chống đối của gia đình người". Thân nhân của Người nói: "Người đã mất trí" và họ đến "bắt Người về” (kiểu nói "bắt" được nhắc lại 4 lần trong bài Thương khó để chỉ việc bắt giam Đức Giêsu). Sự chống đối của các "Luật sĩ đến từ Giêrusalem” uy quyền tôn giáo ở Israel: Họ tố cáo Người bị quỷ "Bê-en-dê-bun ám" và Người xua đuổi ma quỉ vì Người là "tướng quỷ” Đức Giêsu đã trả lời họ tức khắc bằng hai dụ ngôn ngắn:
- Dụ ngôn thứ nhất về "vương quốc" hoặc về "gia đình" chia rẽ. Đức Giêsu viện dẫn lương tri: làm sao Satan có thể xua đuổi Satan (hoặc quân quốc của Satan?). Đó là dấu hiệu "hắn tự chống lại mình”, "tự chia rẽ”, như thế đâu thể đứng vững; quả hắn đã đến ngày tàn”.
- Dụ ngôn thứ hai về "người mạnh" khi xua tuổi ma quỉ, Đức Giêsu chứng tỏ Người mạnh hơn Satan, có thể "trói gô” hắn lại. Đối với các Luật sĩ những kẻ hiểm ác đến độ qui về Satan cả những hoạt động của Thánh Linh, Đức Gtêsu tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa đã cho họ biết rằng Người đến truất phế Satan khỏi vương quốc của hắn và Người sẽ trị vì thay hắn.
2… đến căn nhà qui tụ các anh em Đức Giêsu
Thân nhân của Đức Giêsu tới để "bắt Người”. Họ, những kẻ "đòi hỏi Người” hiện nay đang "ở ngoài" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; ở bên ngoài căn nhà, họ đụng phải dòng người vây quanh Thầy để lắng nghe.
Đức Giêsu đảo mắt nhìn những người tự tập quanh Người (theo Máccô, cái nhìn chăm chú ấy luôn mang một ý nghĩa quan trọng) và đưa ra một lời tuyên bố long trọng: gia đình thực sự của Người không phải là gia đình theo xác thịt, nhưng là những người lắng nghe lời Người và thực hành thánh ý Thiên Chúa: "Ai thi hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta”.
J. Hervieux giải thích: "Đối với Máccô, đó là một cách diễn tả Giáo Hội vừa rõ ràng vừa đơn sơ cho các Kitô hữu thời ấy. Cơn bách hại của người rôm đã đẩy bao gia đình vào thảm cảnh chia lìa đớn đau. Những người trở lại đảo luôn bị bắt buộc phải lựa chọn hoặc dây liên hệ gia đình, hoặc gắn bó với cộng đoàn Kitô hữu. Tác giả Tin Mừng chỉ cho họ thấy rõ chính Đức Giêsu cũng đã bị bắt buộc phải cắt đứt hoàn toàn mối dây liên hệ với thân nhân" ("Tin Mừng Marco", Centurion, trang 63).
II. BÀI ĐỌC THÊM
1. Một gia đình khác, mạnh hơn gia đình thuộc huyết tộc, đang thành hình
(G. Bessière: trong "Thiên Chúa rất gần. Năm B", DDB, trang 107-108).
Dư luận xì xầm. Làng xóm bàn tán. Gia đình mở cuộc họp. Đó là mối nhục của gia tộc. Và ta không thể gả chồng cho các cô gái nữa. Chỉ cần thốt ra tên một người, tức khắc mọi người sẽ tránh xa. Hội đồng gia tộc đã quyết định: "Người ta bảo ông ta khùng rồi"trong khi đám đông vây xúm xít quanh Đức Giêsu, "gia đình Người tới để bắt người, vì họ cho rằng: Người đã “mất trí”. Những ông cậu, những ông anh bà con lực lưỡng cũng biết rằng một uỷ ban luật pháp - các luật sĩ - đã được phái tới từ Giêrusalem để điều tra. Kết luận của họ nguy hiểm cho Người và cho danh giá của cả gia tộc: "Người bị tướng quỷ Bê-en-dê-bun ám; Chính nhờ uy quyền của tướng quỷ người mới trừ được lũ quỷ con”. Tốt hơn nên nói rằng: Người đã "mất trí” .
Người đã làm gì để đến nỗi bị coi là điên khùng hay một người ủng hộ Satan? Người loan báo rằng Thiên Chúa đã đến gần, giải thoát những người bị quỷ ám, chữa lành các bệnh nhân, gần gũi những người cùi, thậm chí còn dám đựng chạm để chữa lành họ, Người còn đi đến mức tha thứ cho người tội lỗi, ăn uống tại nhà những người tội lỗi công khai. Người tự do trong việc giữ luật ngày Sabát. Người có lập trường riêng chẳng hề dựa trên truyền thống. Người nói phải chứa rượu mới trong bầu da mới! Tóm lại là đảo lộn tất cả, và còn tự xưng là... Thiên Chúa!.
Chẳng có cách nào băng qua những vòng người ngồi chung quanh để tóm lấy người. Gia đình người đành ở lại bên ngoài và cho đòi Người. người ta nhắn vào: "Mẹ Thầy và anh em Thầy ở ngoài kia tìm Thầy”. Nhưng người trả lời: "Ai là mẹ Ta? ai là anh em Ta? Rồi đưa mắt nhìn mọi người đang ngồi thành vòng tròn chung quanh, Người bảo: "Đây là mẹ Ta và anh em Ta. Ai thực hành thánh ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, và mẹ Ta”.
Ở một thời buổi và giữa một dân tộc coi gia đình là thánh thiêng, Đức Giêsu đã có một thái độ thoát ly tán bạo. Một gia đình khác chào đời, mạnh hơn gia đình theo huyết tộc, mở rộng đón nhận cả nhân loại, gia đình của Cha Đấng ngự trên trời. Ai đo lường được mức độ mới mẻ gây tranh cãi mà đứa con lạc loài của Nadarét mang lại?
2. Cuộc hành hương đức tin của Maria
(G.Garde trong "Các cộng đoàn của Chúa" số 41 , trang 51).
Máccô buộc ta phải hiểu đức tin của Đức Maria là một đức tin lớn mạnh tiệm tiến. Chẳng phải ngay lúc nhập thể, Đức Maria đã hiểu biết con trai mình là Thiên Chúa. Luca không nói khác, vì theo ông, Mẹ không hiểu câu trả lời của Đức Giêsu ở Đền Thờ năm Người lên 12 tuổi (Lc 2,50). Cũng vậy, hôm nay Mẹ tin rằng phải dùng quyền làm mẹ, để đưa Đức Giêsu trở lại cuộc sống đơn sơ ở Nazareth, nhất là khi giáo quyền của đạo Do Thái xem ra chống lại con Mẹ. Dần dà, nhờ "lắng nghe Lời Chúa" và nhờ thực hành thánh ý mà Đức Maria đã lớn lên trong đức tin, một đức tin càng ngày càng sáng tỏ. Quyền làm mẹ đã tìm thấy một chiều kích mới, để trở nên Mẹ Giáo Hội.
13. Suy niệm của William Barclay
(Trích trong ‘Chú Giải Tin Mừng Máccô’)
I. Sự nhận định của người nhà Chúa Giêsu: 3,20-21
Thỉnh thoảng có người đưa ra một nhận định mà chúng ta không thể giải thích gì khác hơn là bảo đó là sản phẩm của một kinh nghiệm cay đắng. Khi kể ra những gì một người phải gặp nếu muốn theo Ngài, Chúa Giêsu đã nói “Người ta sẽ có kẻ thù nghịch là người nhà của mình” (mt 10,36). Chính người nhà Chúa Giêsu đã kết luận Ngài bị mất trí, và đã đến lúc họ phải bắt Ngài đưa về nhà. Chúng ta hãy thử xem điều gì khiến họ cảm thấy như vậy.
1/ Chúa Giêsu đã bỏ nhà ra đi, bỏ luôn nghề thợ mộc Ngài đã từng làm ở Nazaret. Chắc nghề ấy vốn phát đạt, ít nhất cũng giúp Ngài sinh nhai được. Thình lình, Ngài bỏ hết và ra đi làm một nhà truyền giáo, lang thang đó đây. Chắc họ nghĩ rằng chẳng ai tỉnh trí mà lại chịu bỏ việc làm ăn lợi lộc để trở thành một kẻ lang thang không chỗ gối đầu như vậy.
2/ Chúa Giêsu đang tiến tới chỗ phải đụng đầu với các lãnh tụ chính thống giáo thời đó. Ở đời, có nhiều kẻ có thể gây thiệt hại lớn lao cho người khác, có kẻ mà tay chân bộ hạ của họ cũng đáng cho người ta phải coi chừng, có kẻ mà chống lại họ là vô cùng nguy hiểm. Người nhà của Chúa Giêsu đã nghĩ, một người tỉnh trí sẽ chẳng bao giờ dám chống lại những kẻ quyền thế, vì phải biết rằng đụng chạm với chúng chỉ rước họa vào thân. Chưa hề có ai gây chuyện với các Kinh sư và Pharisêu, với các thủ lãnh tôn giáo mà hy vọng có thể thoát khỏi tay họ.
3/ Chúa Giêsu triệu tập một nhóm người bé nhỏ cho riêng Ngài, một nhóm người khá kỳ dị. Có mấy người là ngư dân, một người thâu thuế bỏ việc, một nhà ái quốc cuồng tín. Họ là hạng người mà không ai có chút tham vọng muốn đặc biệt quen biết. Họ là hạng người chẳng ích lợi gì cho ai muốn làm nên sự nghiệp. Chắc họ nghĩ chẳng ai tỉnh trí mà đi kết bạn với những kẻ như thế. Dứt khoát họ không phải là hạng người mà một người thận trọng chịu hòa mình chung sống.
Bằng các việc làm của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch rõ ràng cả ba nguyên tắc mà loài người có khuynh hướng áp dụng để tổ chức đời sống mình, đều chẳng có ý nghĩa đối với Ngài.
1/ Ngài đã vứt đi nếp sống đảm bảo. Điều mà phần đông người thế gian cần có là một đời sống bình yên, ổn định. Họ ao ước được một việc làm, một địa vị an toàn, ổn định, ít gây xáo trộn về vật chất và tài chánh.
2/ Ngài đã vứt bỏ sự an toàn. Phần đông người ta có khuynh hướng muốn được sống an toàn, họ lo được an thân hơn lo cho phẩm cách đạo đức, cho việc làm phải hay quấy. Làm một việc có nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân là điều do bản năng người ta luôn luôn né tránh.
3/ Ngài hoàn toàn thờ ơ đối với lời phê phán, khen chê của xã hội. Ngài đã chứng tỏ là chẳng bận tâm gì đến những gì người ta nói về Ngài. Thật vậy, H.G. Wells đã nói: “Với nhiều người, tiếng nói của người láng giềng nghe to hơn cả tiếng Thiên Chúa. Người ta sẽ nói gì? Là một trong những câu hỏi đầu tiên mà chúng ta vẫn thường có thói quen đặt ra”.
Điều khiến cho người nhà và bạn bè của Chúa Giêsu lo sợ là những nguy cơ Ngài đã liều lĩnh chuốc lấy cho mình, mà theo ý họ, chẳng có người tỉnh trí nào làm vậy cả.
Lúc John Bunyan bị bỏ tù, ông đã rất lo sợ. Ông nghĩ “Kết thúc của việc tôi bị bỏ tù có thể là giá treo cổ, đó là điều tôi có thể nói”. Ông không thích ý nghĩ mình sẽ phải bị treo cổ, rồi một ngày kia, ông cảm thấy xấu hổ vì đã nghĩ như vậy “Hình như tôi xấu hổ vì phải chết với gương mặt tái xanh và hai đầu gối run rẩy chỉ vì một lý do như vậy”. Nhưng cuối cùng, ông đã đến được câu kết luận “khi tưởng tượng mình đang leo thang để lên giá treo cổ, lúc đó tôi nghĩ: tôi phải tiến bước và đánh liều phần số đời đời của tôi với Chúa Cứu Thế, cho dù ở đây tôi có được thoải mái hay không. Tôi nghĩ, nếu không có Chúa can thiệp, tôi cũng cứ nhắm mắt nhảy từ chiếc thang ấy vào cõi đời đời, dù có thể bơi lội hay chìm lỉm, dù thiên đàng hay hỏa ngục; Lạy Chúa Giêsu nếu Ngài có thể hứng bắt lấy con, xin hãy làm công việc của Ngài, bằng không, con cũng vì danh Ngài mà liều mạng sống vậy”. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã sẵn sàng làm, tôi sẽ vì danh Ngài mà liều mạng, chứ không phải muốn được sống yên thân, an toàn, phải là khẩu hiệu của mỗi Kitô hữu và là nguồn mạch cho sinh hoạt Kitô hữu.
II. Liên minh hay chinh phục: 3,22-27
Các chức sắc chính thống giáo chẳng còn chút gì để nghi ngờ quyền phép đuổi quỷ của Chúa Giêsu. Họ không cần nghi ngờ vì bên Phương Đông từ thời ấy mãi cho đến ngày nay, đuổi quỷ vốn là một hiện tượng thông thường. Điều họ nói là, sở dĩ Chúa Giêsu có quyền đuổi quỷ vì Ngài liên minh với chúa quỷ, nghĩa là “Ngài cậy con quỷ lớn để đuổi lũ quỷ nhỏ”. Người ta vẫn luôn luôn tin vào phù phép và đó chính là điều họ nói về Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu chẳng phải khó khăn gì để đả phá luận cứ đó. Việc đuổi quỷ luôn luôn là kêu gọi một thế lực mạnh hơn, giúp đuổi một con quỷ yếu hơn. Vì thế Chúa Giêsu bảo “Cứ nghĩ mà xem, nếu một nước mà nội bộ chia rẽ thì nước ấy không thể tồn tại, trong một nhà mà có cãi lẫy, tranh chấp, thì nhà ấy cũng sẽ không còn”. Nếu thật quỷ Satan đang đánh nhau với các quỷ sứ nó thì nó sẽ không còn là một thế lực có ảnh hưởng nữa, vì nội chiến đã bùng nổ trong nước của nó rồi! Chúa Giêsu phán “Hay nói cách khác, giả sử các bạn muốn đánh cướp nhà một người rất khỏe, các bạn chẳng có hy vọng gì làm được việc đó nếu chưa tóm được người rất khỏe đó. Sau khi trói được người ấy, mới có thể cướp của trong nhà người ấy được”. Việc các quỷ bị thua không chứng tỏ Chúa Giêsu đã liên minh với Satan nhưng là đồn lũy của Satan đã sụp đổ. Một con người mạnh hơn đã đến và cuộc đàn áp Satan đã bắt đầu. Ở đây có hai điều nổi bật.
1/ Chúa Giêsu thừa nhận đời sống là một cuộc chiến đấu, giữa hai thế lực thiện và ác. Chúa Giêsu không phí thì giờ để suy luận về những vấn đề không có lời giải đáp. Ngài không dừng lại để biên luận điều ác ở đâu ra, nhưng Ngài đã đối phó hữu hiệu nhất với nó. Có một điều hết sức kỳ dị là chúng ta thường phí rất nhiều thì giờ tụ tập nhau lại để tranh cãi về nguồn gốc của điều ác, nhưng chúng ta lại dành quá ít thì giờ để tìm những phương pháp thực tiễn nhằm ngăn chặn hoặc đối phó với điều ác. Có người nói “Giả sử có người vừa thức giấc bỗng thấy ngôi nhà mình đang bốc cháy, chắc chắn người ấy sẽ không ngồi vào ghế bành chăm chú đọc một bài thảo luận nhan đề “Nguyên nhân những vụ phát hỏa tại tư gia”. Nhưng người ấy phải lập tức làm tất cả những gì có thể làm được để dập tắt ngọn lửa. Chúa Giêsu đã nhìn thấy cuộc tranh chấp chính yếu giữa điều thiện và điều ác nằm ngay tại trung tâm đời sống và đang làm hại thế gian. Ngài không lý luận về nó Ngài phải đối phó với nó và ban cho những người khác quyền năng để thắng điều ác và làm điều thiện.
2/ Chúa Giêsu cho việc đánh bại bệnh tật là một phần trong cuộc chiến thằng Satan. Đây là một phần quan trọng trong tư tưởng của Chúa Giêsu. Ngài muốn và cứu được thân thể cũng như linh hồn con người.
III. Tội không thể được tha: 3,28-30
Nếu muốn hiểu câu nói khủng khiếp này có nghĩa gì, chúng ta phải thấu triệt hoàn cảnh nó đã được nói ra. Câu ấy do Chúa Giêsu nói khi các Kinh sư và Pharisêu bảo Ngài đã chữa bệnh không phải do quyền năng Thiên Chúa nhưng do quyền phép của ma quỷ. Bọn người này vừa thấy tình yêu của Thiên Chúa, nhưng lại cho đó là quyền năng nhập thể của Satan.
Chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhớ rằng Chúa Giêsu đã không nói về Thánh Thần theo ý nghĩa đầy đủ như Kitô hữu ngày nay hiểu. Vì bấy giờ Thánh Thần chưa đến trọn vẹn trên loài người, cho đến khi Chúa Giêsu trở về với sự vinh hiển của Ngài. Chỉ đến ngày Lễ Ngũ Tuần, loài người mới được kinh nghiệm trọn vẹn về Thánh Thần. Có thể lúc ấy, vì đang nói chuyện với người Do Thái nên Chúa Giêsu đã dùng từ Thánh Thần theo ý nghĩa trong Do Thái giáo. Trong tư tưởng Do Thái giáo, Thánh Thần có hai chức vụ quan trọng. Một là Ngài mặc khải chân lý của Thiên Chúa cho loài người, hai là Ngài giúp loài người nhận ra chân lý ấy. Như thế, chúng ta đã có được chiếc chìa khóa cho đoạn sách này.
1/ Thánh Thần giúp loài người nhận ra chân lý của Thiên Chúa, khi chân lý ấy đến với đời sống họ. Nhưng nếu người nào không sử dụng năng khiếu Chúa ban thì cuối cùng, người ấy sẽ bị mất nó. Nếu người ta sống quá lâu trong bóng tối thì sẽ mất đi khả năng nhìn thấy. Nếu một người phải nằm liệt giường quá lâu, người ấy sẽ không thể bước đi được nữa. Nếu một người không chịu học hỏi gì cả, thì lần lần sẽ mất đi khả năng học hỏi. Nếu một người khước từ sự hướng dẫn của Thánh Thần nhiều lần, thì cuối cùng người ấy sẽ không còn nhận ra chân lý khi nhìn thấy nó. Bấy giờ, đối với người ấy, điều ác sẽ trở thành thiện, điều thiện sẽ trở thành ác. Người ấy có thể nhìn vào điều thiện của Thiên Chúa mà bảo đó là điều ác của Satan.
2/ Tại sao tội như thế lại không được tha? H.B. Swete nói “Đồng nhất hóa nguồn mạch của điều thiện với hiện thân của điều ác là có lệch lạc về đạo đức mà ngay sự Nhập thể cũng không có thuốc chữa”. A.J. Rawlinson gọi đó là “sự gian ác chính yếu”, dường như ngay trong điều đó chúng ta thấy yếu tính của điều ác. Bengel thì bảo, tất cả các tội khác đều do loài người, nhưng tội đó vốn bắt đầu từ Satan. Tại sao thế?
Hãy xét đến ảnh hưởng mà Chúa Giêsu thực hiện trên một người. Hiệu quả đầu tiên mà Chúa Giêsu tạo ra trên một người là khiến người ấy được tính cách chẳng ra gì của mình so với vẻ đẹp đáng yêu của đời sống Chúa Giêsu. Phêrô đã nói “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). lúc Tokichi Ishiii đọc truyện tích trong sách Phúc Âm đầu tiên, anh ta nói “Tôi dừng lại, dường như có một cây đinh hai tấc đâm thấu vào lòng tôi. Tôi phải nói đó là tình yêu của Chúa Cứu Thế chăng? Tôi phải nói đó là lòng thương xót của Ngài chăng? Tôi không biết gọi đó là gì cả, tôi chỉ biết là tôi đã tin, tấm lòng cứng cỏi của tôi đã được thay đổi”. Phản ứng đầu tiên là người ấy rung động sâu xa như bị đâm thấu tâm can. Và kết quả của việc đó là người ấy ý thức được là mình vốn chẳng ra gì, và kết quả nữa là ăn năn thống hối, thống hối hoán cải là điều kiện duy nhất để được tha tội. Nhưng nếu một người không chịu nghe theo Thánh Thần thúc dục thì người ấy sẽ chẳng thấy nơi Chúa Giêsu điều gì đẹp đẽ đáng yêu cả, sau đó, việc nhìn thấy Chúa Giêsu chẳng khiến người ấy có ý thức về tội, vì không ý thức về tội nên người ấy không thể được tha thứ.
Một trong những câu chuyện kể về Satan là: Ngày nọ, vị linh mục thấy trong cộng đoàn có một chàng thanh niên đẹp trai. Sau giờ thờ phượng, chàng thanh niên ở lại để xưng tội. Anh ta xưng ra nhiều tội mà tội nào cũng hết sức khủng khiếp, khiến vị linh mục phải dởn tóc gáy. Ông hỏi “Chắc con phải sống lâu lắm mới phạm nhiều tội đến thế?”. Chàng thanh niên đáp “Tôi tên là Luxiphe, tôi đã trốn khỏi thiên đàng ngay từ lúc thời gian mới bắt đầu”. Vị linh mục tiếp “Cho dù như vậy chăng nữa, hãy nói là con rất hối hận, nói rằng con ăn năn, con sẽ được tha thứ”. Chàng thanh niên nọ trố mắt nhìn vị linh mục một hồi rồi quay lưng đi ra. Anh không chịu nói và cũng không thể nói như thế, do đó anh phải tiếp tục ra đi vào nơi hoang vu, để lại càng bị lên án, bị nguyền rủa nhiều hơn.
Chỉ có một điều duy nhất để được tha tội đó là biết ăn năn thống hối. Khi con người nhìn thấy vẻ đáng yêu trong Chúa Cứu Thế, người ấy còn ghết tội mình dù rằng chưa thể bỏ được, ngay cả nếu người ấy đang ở trong bùn lầy, anh ta vẫn có thể được tha thứ. Nhưng nếu một người sau khi đã được Chúa hướng dẫn nhiều lần đã đánh mất khả năng nhận ra điều thiện khi nhìn thấy nó, nếu người ấy đã chai lý đến độ chẳng còn nhận ra được các giá trị đạo đức, đến nỗi đối với người ấy thì thiện là ác mà ác là thiện, thì dù có đối diện với chính Chúa Giêsu, người ấy cũng chẳng hề ý thức được về tội, người ấy vẫn không thể ăn năn thống hối, do đó sẽ chẳng bao giờ được tha thứ. Đó là tội phạm đến Thánh Thần.
IV. Điều kiện để trở thành bà con thân thuộc: 3,31-35
Chúa Giêsu quy định các điều kiện để trở thành bà con thân thuộc thật sự. Bà con thân thuộc không phải chỉ là vấn đề cốt nhục. Chúng ta biết có người chẳng có liên hệ huyết thống, lại thân cận với mình hơn cả người bà con có liên hệ huyết thống gần nhất. Vậy mối liên hệ bà con thân thuộc đích thực được căn cứ vào đâu?
1/ Mối liên hệ bà con thân thuộc đích thực là do một kinh nghiệm chung, nhất là một kinh nghiệm cả hai cùng vượt qua được một cảnh ngộ nào đó. Có người ấy bảo hai người ấy thật sự trở nên bạn bè khi họ có thể nói với nhau rằng “Bạn còn nhớ không?” để rồi tiếp tục nhắc lại cho nhau những gì họ đã cùng trải qua. Một người nọ gặp một bà cụ da đen. Một người quen biết của bà cụ này đã qua đời. Ông ta hỏi “Bà X mất rồi chắc bà cụ buồn lắm?”. Bà cụ đáp “Vâng”, nhưng chẳng lộ chút buồn rầu. Ông ta nói “Tôi mới gặp hai bà tuần rồi, cả hai đang cười với nhau, chắc hai bà thân nhau lắm?”. Bà cụ đáp “Vâng, chúng tôi là bạn, chúng tôi vẫn cười đùa với nhau, nhưng muốn thật sự thân nhau, người ta phải cùng khóc với nhau nữa”. Đây quả là một chân lý sâu xa. Nền tảng của mối liên hệ thật sự thân thuộc là có một kinh nghiệm chung. Các Kitô hữu có kinh nghiệm chung: họ đều là tội nhân đã được tha thứ.
2/ Mối liên hệ thân thuộc đích thực là cùng có mối quan tâm chung. A.M. Chigwin kể cho chúng ta một việc hết sức thú vị trong tác phẩm “Kinh Thánh Trong Việc Phúc Âm Hóa Thế Giới”. Một trong những việc khó khăn nhất trong việc phân phối Kinh Thánh, không phải là việc bán Kinh Thánh, nhưng làm sao cho người ta đọc Kinh Thánh. Ông tiếp “Tại Trung Hoa vào những ngày trước khi cộng sản đến, một người phân phối Kinh Thánh đi từ hàng quán này đến hàng quán khác, từ nhà này đến nhà khác. Nhưng ông bị thất vọng vì nhiều độc giả Kinh Thánh của ông mất dần lòng sốt sắng, đến khi ông nghĩ ra một kế hoạch, ông tạo cơ hội cho họ gặp gỡ nhau và tổ chức họ thành một nhóm đạo đức, dần dần được tổ chức đàng hoàng”. Chỉ sau khi các đơn vị riêng lẻ trở thành của một nhóm được ràng buộc vào nhau bởi một mối quan tâm chung, thì mối thông hiệp và liên hệ bà con thân thuộc thật sự hình thành. Mối bận tâm chung đã buộc chặt họ thành bà con thân thuộc. Kitô hữu có mối quan tâm chung, vì tất cả Kitô hữu đều ao ước được hiểu biết nhiều hơn về Chúa Giêsu Kitô.
3/ Mối liên hệ bà con thân thuộc thật sự là việc cùng vâng lời. Các môn đệ của Chúa vốn là một nhóm người hết sức hỗn tạp. Đủ thứ niềm tin và ý kiến trộn lẫn giữa họ. Người thâu thuế như Matthêu và nhà ái quốc Simôn Nhiệt thành chắc phải ghét nhau lắm, và hẳn có lúc hai người đã thù ghét nhau. Nhưng cả hai đã được buộc chặt vào nhau, vì đều nhận Chúa Giêsu làm thầy và Chúa. Bất kỳ một đạo quân nào cũng gồm nhiều con người thuộc nhiều giai tầng xã hội khác nhau, có nếp sống khác nhau, ý kiến khác nhau, nếu được sống chung với nhau trong một thời gian, họ sẽ kết hợp lại thành một đoàn người sống chết có nhau, vì họ cùng tuân lệnh trong quân đội. Người ta dễ trở thành bạn thân với nhau khi cùng có chung một thầy, một chủ. Người ta rất dễ yêu thương nhau khi cùng yêu mến Chúa Giêsu Kitô.
4/ Mối liên hệ bà con thân thuộc thật sự là do môt mục đích chung. Chẳng có gì kết chặt người ta vào nhau tốt hơn là mục tiêu chung. Đây là một bài học quan trọng cho Hội Thánh. Khi nói về mối quan tâm mới mẻ đối với Kinh Thánh, A.m. Chirgwin đã hỏi “Phải chăng vấn đề thống nhất Hội Thánh cần được đặt ra là phải căn cứ trên Kinh Thánh, chứ không phải vào việc xét lại vấn đề Giáo Hội”. Hội Thánh sẽ chẳng bao giờ kéo lại gần nhau khi mọi người còn cãi nhau về việc tấn phong hàng giáo phẩm, về tổ chức quản trị Hội Thánh, về tổ chức các Thánh Lễ và nhiều điều khác đại loại như thế. Điểm duy nhất để mọi người có thể kết hợp với nhau là ai nấy đều tìm cách đưa nhiều người khác đến với Chúa Cứu Thế. Mối liên hệ bà con thân thuộc mà họ cùng nhau đi đến, xuất phát từ một mục tiêu mà hơn ai hết, các Kitô hữu đều nắm giữ, đó là tìm cách để hiểu biết Chúa Cứu Thế hơn và đưa nhiều người vào nước của Ngài. Các vấn đề khác, chúng ta có thể bất đồng, nhưng điều này phải nhất trí.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam