Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1379332
THÀNH KIẾN LÀM CẢN TRỞ ĐỨC TIN
Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa phán với loài người qua các ngôn sứ và các tổ phụ. Các ngôn sứ được Chúa sai đến thường bị bạc đãi và tẩy chay như ngôn sứ Êdêkien được: Sai đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại (Ed 2:3) Thiên Chúa. Cuối cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Người đến mạc khải trực tiếp cho nhân loại về tình yêu và đường lối của Người
Thánh Phaolô cũng chịu chung một số phận như các ngôn sứ: Bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô (2Cr 12:10). Khi Đức Giêsu về thăm quê nhà như Phúc âm hôm nay thuật lại, Người gặp thái độ nghi ngờ và tẩy chay của người đồng hương. Dân chúng không phàn nàn vì lời Người giảng dạy có tính cách nông cạn. Trái lại họ phải sửng sốt về những lời giảng dạy sâu sắc của Người. Dân chúng cho rằng họ biết tất cả về gia cảnh, thân thế và sự nghiệp của Người. Họ biết Người là con bà Maria nội trợ, con nuôi ông thợ mộc Giuse, không được đi học trường đạo tạo giáo sĩ hay kinh sư. Thế thì tại sao Người lại có thể biết nhiều về Kinh thánh như vậy? Vì thế họ không chấp nhận Người.
Những thành kiến của họ có tính cách cố định. Thành kiến đã làm trở ngại cho những cuộc tiếp xúc giữa Đức Giêsu và người đồng hương. Chính những thành kiến đó làm cản trở ơn thánh đến với họ. Họ nuôi quan niệm sai lầm về Đấng Cứu thế. Theo họ thì vị thiên sai phải là một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc, một nhà cải cách xã hội tài ba, một vị tướng lãnh tài giỏi, bách chiến bách thắng, có thể đưa dân tộc họ lên hàng bá chủ hoàn cầu. Khi họ nhận ra Đức Giêsu không thích hợp với với quan niệm họ sẵn có về Đấng cứu thế, thì họ từ khước Người. Vì thế đối với họ, Đức Giêsu không thể là Đấng cứu thế. Thành kiến của họ đã làm cản trở cho đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng của Chúa như Chúa muốn họ tin tuởng. Do đó Đức Giêsu nói với họ: Ngôn sứ có bị coi rẻ thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình (Mc 6:4). Phúc âm hôm nay ghi lại: Người đã không thể làm phép lạ nào tại đó, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân (Mc 6:5). Sở dĩ Đức Giêsu không làm phép lạ nào được vì như lời Phúc âm ghi lại họ cứng lòng tin (Mc 6:6).
Ta có thể thầm trách đám đông trong Phúc âm hôm nay đã tẩy chay Chúa. Tuy nhiên ta có thể mang tội giống như người trong Phúc âm hôm nay. Nếu ta chỉ đi tìm Chúa nơi những người quyền cao chức trọng, hay ở những nơi huy nga tráng lệ mà thôi, ta sẽ khó tìm thấy Chúa. Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bình thường mà ta thường gặp, cũng như những sự việc xẩy ra thường ngày. Ta khó nhận ra những dấu vết của Chúa nơi người khác cũng như sự việc ta gặp hằng ngày nếu ta để cho thái độ quen quá hoá nhàm xâm chiếm đời sống tư tưởng của ta.
Thiên Chúa không những hiện diện ở những nơi tầm thường như phố nhỏ Nadarét, mà còn ở nơi dơ bẩn, hôi hám như trong máng cỏ Bêlem. Ta có thể tìm thấy Chúa nơi người đau yếu, bệnh tật, nghèo khổ và tù đầy. Đó là điều Chúa nói trong Phúc âm thánh Mát-thêu: Khi Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn (Mt 25:35). Để có thể tin, người ta phải giữ tâm hồn rộng mở. Nếu ta để cho thành kiến về đạo giáo làm mù quáng, thì những thành kiến có thể làm cản lối Chúa vào nhà tâm hồn. Nếu ta vịn cớ nọ cớ kia để đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng chịu, không vào được, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do và Chúa tôn trọng tự do của loài người. Ân huệ và quyền năng của Chúa tuỳ thuộc vào việc mở rộng tâm hồn của mỗi người. Chúa không ép buộc ai theo Chúa và sống theo đường lối đức tin. Chúa chỉ mời gọi. Việc chấp nhận hay không là tuỳ thuộc vào mỗi người.
Nếu ta để cho thành kiến và tính ganh tị lấn át, ta sẽ không nhìn thấy những ưu điểm và khả thể nơi tha nhân. Nếu ta phán đoán lời nói hay việc làm của người khác chỉ dựa trên bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền và gia cảnh của họ là ta để cho thành kiến len lỏi vào óc phán đoán của ta. Lời nói hay việc làm có giá trị thường mang tính chất khách quan chứ không tuỳ thuộc vào bằng cấp, sự nghiệp, chức quyền hay gia cảnh của người nói hay làm. Nghe những lời nói hay việc làm mang khuyết điểm của người khác mà đóng cửa lòng lại, không tìm đến với họ, không cho họ cơ hội để bầy tỏ lí do, thì có phải là quan niệm hẹp hòi chăng? Gặp người khác lướt qua một vài lần, nói mấy lời xã giao mà đã kết luận người đó tốt xấu, thì không phải là nhận xét nông cạn sao? Bỏ việc thờ phượng hay nghe lời giảng dậy ngày Chúa nhật chỉ vì thắc mắc về khả năng hoạt bát và trình độ học vấn của linh mục cử hành thánh lễ và rao giảng thì có phải là một quyết định không dựa trên đức tin chăng? Buồn giận một linh mục nào đó mà không tìm đến thờ phượng ở bất cứ nhà thờ công giáo nào khác thuận lợi, thì có phải là hành động giận cá băm thớt không?
Hôm nay mỗi người cần cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta được ơn nhận lãnh đức tin. Ta cần cảm tạ Chúa cho cha mẹ và người đỡ đầu, đã gieo vãi hạt giống đức tin vào tâm hồn ta khi đưa ta đến giếng nước rửa tội. Ta cần cảm tạ Chúa cho những người đã nuôi dưỡng và nâng đỡ đời sống đức tin của ta để hôm nay ta có thể bầy tỏ đức tin vào Chúa, vào lời Chúa và quyền năng Chúa. Ta cũng xin Chúa ban cho mình biết mở rộng trí óc và tâm hồn đón nhận lời Chúa.
Lời cầu nguyện xin cho được mở rộng tâm hồn: Lậy Đức Giêsu, con xin tạ ơn Chúa đã ban cho con được ơn nhận lãnh đức tin qua bí tích Rửa tội. Xin tha thứ những lần con để cho thành kiến vể đạo và người giảng đạo, làm cản trở đức tin vào Chúa. Xin cho con biết loại bỏ thành kiến sai lầm và ban cho con một tâm hồn rộng mở để con biết nhìn người và sự vật trong nét trung thực, dưới ánh sáng chân lí soi dẫn. Amen.
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B
CẦN XÁC ĐỊNH LẠI BẬC THANG GIÁ TRỊ- Lm Inhaxiô Trần Ngà
Một người thù ghét chủ tiệm buôn lớn, đã lợi dụng sơ hở của chủ nhân nên lẻn vào cửa tiệm giữa đêm khuya để tìm cách phá hoại.
Thấy trong cửa hàng có một bàn thờ bằng gỗ quý, chạm khắc rất mỹ thuật ghi giá bán 30 triệu đồng và một cái thùng rác ghi giá bán 100.000 đồng, người đột nhập gỡ miếng giấy ghi giá 30 triệu ở bàn thờ gắn vào thùng rác và gỡ miếng giấy ghi giá 100.000 đồng ở thùng rác dán vào bàn thờ. Thế là bàn thờ bằng gỗ quý chạm khắc công phu chỉ có giá 100.000 đồng trong khi thùng rác hèn hạ được nâng giá trị lên đến 30 triệu đồng và y tiếp tục thực hiện như thế với những món hàng khác.
Thế là các món hàng quý báu bị mất giá nghiêm trọng còn những món hàng rẻ mạt thì được nâng cao giá trị gấp trăm lần.
Hành động quái ác nầy khiến khách hàng không thể nhận ra đâu là giá trị đích thực của các món hàng nên có thể mua lầm một cách tai hại. (Dựa theo ý tưởng của Frère Phong trong cuốn “Mắm muối cho bữa cơm hằng ngày”)
Giá trị con người hôm nay cũng bị đảo lộn như thế:
Một số người xem thường những người tuy nghèo nhưng có tâm hồn cao đẹp, có phẩm chất cao quý, giàu lòng đạo đức và khiêm tốn… trong khi đó lại coi trọng những người thiếu phẩm chất đạo đức mà chỉ có bộ cánh hào nhoáng bên ngoài, có xe sang, nhà lớn…
Nhiều bạn trẻ nông nổi hôm nay tôn những diễn viên ăn mặc lố lăng, phong cách quái đản, tâm hồn rỗng tuếch… lên làm thần tượng, mà không biết quý trọng những người khôn ngoan và đạo đức…
Qua Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô cho thấy người dân thành Na-da-rét cũng đánh giá Chúa Giê-su theo nhãn quan đó.
Mặc dù danh tiếng Chúa Giê-su đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân và nhờ những phép lạ Ngài làm, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giê-su, nhìn đến anh chị em họ hàng của Ngài thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Ngài trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ không còn quý trọng và đặt niềm tin vào Ngài nữa.
Họ xì xào bàn tán với nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Ngài” (Mc 6,3).
Thế là Chúa Giê-su chẳng làm phép lạ nào tại Na-da-rét (Mc 6, 5) cho người đồng hương. Ngài rời bỏ quê nhà đi rao giảng nơi khác.
Tiếc thay, vì đánh giá Chúa Giê-su theo dáng vẻ bên ngoài, dựa vào gia thế, nghề nghiệp… mà không dựa vào phẩm chất của Ngài nên dân làng Na-da-rét đã không tôn trọng Chúa Giê-su và đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Ngài ưu ái dành cho họ. Cách đánh giá như thế khá phổ biến trong xã hội hôm nay.
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên giới trẻ ngày nay cố tạo cho mình có “lớp sơn” hào nhoáng bên ngoài, tranh đua ăn mặc sao cho hợp thời trang, cho lôi cuốn… còn đầu óc, trái tim và tâm hồn thì trống rỗng.
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên nhiều người sẵn sàng hiến thân làm nô lệ cho tiền bạc, cố tìm cách trở nên giàu sang bằng mọi giá, cho dù phải bán rẻ lương tâm, danh dự và ngay cả thân xác mình!
Vì đề cao giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần nên người ta đánh giá con người dựa theo số lượng của cải mà người đó sở hữu chứ không dựa vào phẩm chất cao đẹp bên trong.
Trước thực trạng đó, Công Đồng Vaticano II nhắc nhở mọi người: “Giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu nhưng tuỳ thuộc phẩm chất của mỗi người.”
Lạy Chúa Giê-su,
Xin giúp chúng con “gắn lại bảng giá cho đúng với giá trị thật của mỗi món hàng”, biết thẩm định giá trị con người dựa vào phẩm chất của họ, chứ không phải dựa vào những thứ “bao bì”, vỏ bọc bên ngoài.
Và xin cho nhân loại hôm nay biết nhận ra đâu là giá trị tinh thần cao quý đáng theo đuổi suốt đời và đâu là điều xa hoa phù phiếm không nên quyến luyến ham mê.
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B
CON ĐƯỜNG NGÔN SỨ- Trích Logos B
Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II luôn luôn thực thi sứ vụ ngôn sứ trong cuộc đời giáo hoàng của mình. Ngài thường dùng lời nói của mình không những để kêu gọi hòa bình, mà còn mạnh mẽ đả kích sự bạo lực và giết chóc.
Một lần kia, ngài đến đảo Sicile, tổng hành dinh của Mafia nước Ý. Trong bài diễn văn tại đây, Đức Cố Giáo Hoàng đã lớn tiếng kêu gọi : Không được giết người ! Đó là lề luật của Thiên Chúa ! Vì thế, không một tổ chức nào, không một quyền lực nào, cho dù đó là Mafia đi chăng nữa, cũng không được giết người !
Ngay sau đó, để đáp lại, Mafia Ý đã giết hai linh mục và cài 2 trái bom tại trung tâm Rôma. Một trái nổ ngay vương cung thánh đường Latran lịch sử. Trái bom kia nổ ngay tại thánh đường thánh Grêgôriô được xây dựng từ thời trung cổ.
Sau vụ nổ, Đức Cố Giáo Hoàng đã có mặt tại hiện trường và tiếp tục đưa ra lời kêu gọi thống thiết : Tôi thỉnh cầu những ai đã gây ra chuyện này : Hãy sám hối, vì một ngày kia các ông sẽ lãnh nhận án phạt của Thiên Chúa !
Đức Cố Giáo Hoàng đã can đảm nói sự thật dù có bị ghét bỏ hay bị hiểm nguy đến tính mạng. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đi theo con đường ngôn sứ mà Chúa Giêsu đã đi. Chúa Giêsu là vị ngôn sứ chính danh mà hôm nay Ngài đã hé lộ cho mọi người thấy dung mạo và sứ vụ ngôn sứ của Ngài trong bài Tin Mừng theo thánh Maccô : “Không một ngôn sứ nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ngài là vị ngôn sứ bị khước từ tại quê hương xứ sở. Qua đó, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy : Con đường ngôn sứ luôn luôn là một con đường đau khổ.
Ngôn sứ, con đường đau khổ
Bài đọc I, trích sách tiên tri Êzêkiel kể về ơn gọi của ngôn sứ Êzêkiel. Ông đã được Thiên Chúa trao cho sứ mạng đến với dân Israel để truyền lại sứ điệp của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng ban cho Êzêkiel thần linh của Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng cho ông biết đó là một dân cứng đầu và phản loạn. Họ sẽ không nghe lời các ngôn sứ, thậm chí còn xua đuổi và ám hại các ngôn sứ nữa. Nhưng Thiên Chúa vẫn muốn tỏ cho họ thấy : “Ở giữa họ có một vị ngôn sứ”. Cuộc đời của ngôn sứ Êzêkiel cho thấy : Ngôn sứ luôn phải chịu đau khổ và con đường các ngôn sứ đi luôn là con đường gian khó.
Bài đọc II, trích thư thứ II gửi tín hữu Côrintô, đã phác họa ơn gọi ngôn sứ của thánh Phaolô tông đồ. Hơn ai hết, thánh Phaolô luôn cảm thấy mình rất yếu đuối. Sự yếu đuối đó như “cái dằm đâm vào thịt” ngài. Cũng vì sự yếu đuối mỏng dòn, nhiều lúc thánh Phaolô như thất vọng, buông xuôi, xin Chúa lấy “cái dằm” ấy ra khỏi thân xác ngài. Nhưng Chúa đã củng cố niềm tin nơi ngài khi nói với ngài: “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”.
Cuối cùng, thánh Phaolô đã tin tưởng phó thác vào quyền năng và sức mạnh của Chúa. Ngài vui mừng trong sự yếu hèn, trong sự lăng nhục, sẵn sàng chịu bắt bớ và khốn khó vì Đức Kitô. Trong đau khổ, thánh Phaolô đã có thể kêu lên : “Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”.
Con đường của thánh Phaolô đi chính là con đường của một ngôn sứ. Con đường đó là con đường đau khổ. Nhưng thánh Phaolô đã đi đến cùng con đường ấy và đã đoạt được triều thiên vinh quang.
Bài Tin Mừng theo thánh Marcô đã vẽ tả con đường đau khổ của Chúa Giêsu, vị ngôn sứ “bị khước từ”. Chúa Giêsu trở về quê hương mình là Nagiarét. Ở đó, Ngài đã gặp lại những người đồng hương và cả những người họ hàng, thân tộc. Mọi người đều kinh ngạc, sửng sốt khi Ngài giảng Kinh Thánh trong Hội Đường. Những người đồng hương ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Ngài và về những phép lạ Ngài đã làm ở nơi khác.
Nhưng khi nhớ đến nguồn gốc tầm thường của Ngài : Ngài chỉ là bác thợ mộc con bà Maria, thì họ không tin Ngài nữa. Vì sự cứng lòng tin ấy của họ, Chúa Giêsu đã bỏ họ mà qua làng khác.
Con đường ngôn sứ của Chúa Giêsu là con đường đau khổ. Vì Chúa đã bị khước từ nơi chính những người thân cận, gần gũi của mình. Cuối con đường đau khổ ấy chính là thập giá đau thương. Nhưng Chúa đã vượt qua chặng đường đau thương đó để tiến đến sự phục sinh vinh quang.
Ngôn sứ, con đường của mỗi người tín hữu
Ngày nay, con đường ngôn sứ vẫn được mở ra cho mỗi người tín hữu chúng ta. Trên con đường ấy, chúng ta được mời gọi để đến với tha nhân trong ơn gọi của một ngôn sứ, để truyền rao sứ điệp Tin Mừng của Chúa. Cũng giống như ngôn sứ Êzêkiel, chúng ta được sai đi trong thân phận thấp hèn, nhưng vẫn phải gặp gỡ với cả những người cứng tin và gian ác. Chúng ta cũng giống như thánh Phaolô tông đồ, luôn nhận thấy mình là kẻ yếu đuối và mỏng dòn. Nhưng vào chính lúc chúng ta yếu đuối, lại là lúc chúng ta mạnh mẽ nhất. Giữa lúc chúng ta đang phải đối diện với những thử thách và gian nan, chúng ta lại nghe thấy lời Chúa văng vẳng bên tai : “Ơn Ta đủ cho ngươi”.
Người tín hữu hôm nay phải biết nói lời của Thiên Chúa. Mặc dù khi nói lời Thiên Chúa, người ta có thể bị ghét bỏ hoặc bị thiệt thân. Chúng ta cũng được mời gọi để nói sự thật, dù đó là “sự thật mất lòng”. Nhưng để có thể nói sự thật, con người phải thấm nhuần chân lý của Chúa. Nhất là phải có sự dũng cảm của một vị ngôn sứ.
Cũng giống như những người đồng hương của Chúa, có những lúc đôi mắt đức tin của chúng ta như mờ tối, không nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta không nhận ra Chúa đang dùng quyền năng và sức mạnh để nâng đỡ chúng ta. Cũng vì thế, đã có những lúc chúng ta khước từ Chúa, khiến Chúa không thể đến với chúng ta và ban ơn cho chúng ta.
Biến cố Chúa bị khước từ tại quê hương và nơi những người thân của Ngài vẫn còn lặp lại trong cuộc sống chúng ta hôm nay : Vẫn còn có rất nhiều người không đón nhận Chúa. Chúa vẫn mãi là vị ngôn sứ không được tiếp nhận. Có lẽ đó chính là sự đau khổ lớn lao trong cuộc đời của Ngài : “Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Ngài” (Ga 1, 11).
Ngày xưa, những người đồng hương của Chúa không nhận ra Chúa vì chỉ nhìn thấy sự xuất thân tầm thường của Chúa. Họ không tin Chúa bởi vì Chúa chỉ là “bác thợ mộc”.
Ngày nay, nhiều người không tin Chúa vì Chúa cũng đang mang những dung mạo thật hèn mọn. Ngài hiện diện nơi những người anh em rất tầm thường : mang khuôn mặt của một bác thợ tầm thường, hay khoác bộ áo của một nông dân quê mùa. Thậm chí, có thể Chúa đang ẩn thân nơi những con người đang thù ghét chúng ta. Chúa đang mong mỏi được gặp gỡ ta và đồng hành với ta.
Một ngày kia, có đoàn khách làm việc từ thiện đến thăm một viện phong. Khi thấy một nữ y tá đang chăm sóc một người bệnh rất tận tụy, một ông khách dừng lại và hỏi thăm về gia cảnh của cô y tá. Cô y tá trả lời : “Tôi chưa lập gia đình, nhưng đã có người yêu. Người yêu của tôi là một bác thợ mộc”.
Đó chính là một cô gái đã tận hiến cuộc đời trong một tu hội đời. Cô từ khước cuộc sống gia đình, tình nguyện phục vụ các bệnh nhân đau khổ. Bác thợ mộc kia chính là Chúa Giêsu, người yêu muôn thuở của cô.
Xưa kia “bác thợ mộc” ấy đã bị coi thường và bị từ chối tại quê quán mình. Chớ gì hôm nay “bác thợ mộc” ấy vẫn mãi là người yêu dấu của muôn trái tim con người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam