Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 53
Tổng truy cập: 1379457
THÁNH THỂ VÀ THÁNH GIÁ
Thánh Thể và Thánh Giá
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
1. Đất, nước, đá
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài (St 2,7). Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25;5,1-3). Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.
Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Aicập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê. Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10)
Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22,56-57). Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16,18). Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.
Như vậy, lịch sử sáng tạo, lịch sử cứu độ của Thiên Chúa quyện đan với những cái tên tầm thường: Đất, Nước, Đá.
Người Việt Nam chúng ta cũng dùng những tiếng tầm thường ấy để nói lên Một Điều Linh Thiêng. Linh thiêng đến độ bao anh hùng liệt nữ đã hy sinh mạng sống mình cho điều linh thiêng đó: Đất Nước Việt Nam. (x. Chút mắm muối cho bữa cơm hàng ngày, trang 252).
2. Bánh và rượu
Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người. Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó. Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.
Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời. Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại. Để trở thành của ăn nuôi mọi người,Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu. Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.
Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò. Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác. Khi bắt đầu rao giàng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp. Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ. Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.
Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu. Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ. Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.
Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người. Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho. Từ bông lúa bị nghiền nát; từ chùm nho bị ép. Nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.
“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không. Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt. Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử. Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói “Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.
3. Từ Thánh Giá đến Thánh Thể
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Người trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh Thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh Thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước đổ ra, Máu của Đấng Cứu thế bị giết chết trên thập giá. Bởi đó Thánh Thể và Thánh Giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.
Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người suốt hơn 20 thế kỷ qua. Thánh Giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hylạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.
Thánh Thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu thì càng lại là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”. Người Do thái đã phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,chúng ta đều biết cả,sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).
Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống. Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh Thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.
Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh Thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chưa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh Thể.
Từ Thánh Giá đến Thánh Thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh Giá đến tình yêu Thánh Thể. Hiểu như thế để khi dâng Thánh Lễ hay chầu Mình Thánh Chúa, chúng ta tham dự tích cực linh động với tất cả trí lòng tin yêu. Khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với Hy lễ của Chúa Kitô. Khi rước lễ là chúng ta gặp gỡ Đấng hy sinh chịu chết, là kết hợp với Đấng đã yêu đến cùng. Chúng ta được mời gọi sống như Chúa Giêsu, biết bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao.
Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.
Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế. Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên. Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
47. Này là Mình Ta. Này là Máu Ta
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Tiếp liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: “Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê” (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Đức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.
Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta: Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!
Giáo hội quả quyết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Theo thánh Tôma Aquinô: Con độc nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta: “Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta” Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người” (Mc 14, 22-24).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy”. (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta”. Người tan biến trong chúng ta, “làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài” (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là “Mặt Trời”: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ “mặt nhật”)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.
48. Chuẩn bị tiệc Vượt Qua và khai mạc Giao Ước
(Chú giải và suy niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bữa ăn cuối cùng Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ. Đây là một trong nhiều sự cố đã xảy ra kể từ khi Đức Giêsu đến Giêrusalem (x. 11,1). Tuy nhiên, bữa ăn này có một giá trị đặc biệt, vì đây là một bữa tiệc Vượt Qua, trong đó Đức Giêsu sẽ ký kết giao ước mới trước khi đi vào cuộc Thương Khó.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Chuẩn bị tiệc Vượt Qua (14,12-16);
2) Khai mạc giao ước (14,22-26).
3.- Vài điểm chú giải
- Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua (12): Theo truyền thống Kinh Thánh, lễ Vượt Qua (Pesach) được cử hành vào chiều ngày 14 Nisan (“Nisan” là tháng thứ nhất của năm) và chính ngày lễ là 15 Nisan, còn lễ Bánh Không Men (lễ Matzoth), kéo dài thành bảy ngày, lại bắt đầu vào đúng ngày 15 Nisan. Vì hai đại lễ này quá gần nhau, chẳng mấy chốc lễ Bánh Không Men đã được gọi là lễ Vượt Qua, và kéo dài trong bảy ngày và bắt đầu với đêm lễ Vượt Qua, và phụng vụ cũng gọi đêm lễ Vượt Qua ấy là “lễ Bánh Không Men”. Chiên và bánh không men là lương thực biểu tượng của lễ mùa xuân. Cả hai thứ này nói lên sự tái sinh và đời sống mới[1].
Truyền thống kinh sư quy định việc sát tế chiên bắt đầu sau khi đã dâng hy lễ chiều ngày vọng, nghĩa là vào khoảng 14g30, tức trước khi ngày thứ nhất bắt đầu vào lúc mặt trời lặn. Nếu lễ Vượt Qua rơi vào ngày thứ bảy, thì bắt đầu sát tế chiên sớm hơn 1 giờ. Nhưng tác giả Mc quan tâm đến độc giả gốc ngoại giáo, ông cho bắt đầu ngày bằng ban sáng (14,17: “chiều đến”, các ngài dùng bữa), “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men”, tức là đúng ngay ngày 15 Nisan.
Nhận định tổng hợp là: Bản văn Mc xác định Bữa Tiệc cuối cùng chính là bữa tiệc Vượt Qua, tức đúng ngày 15 Nisan; các tác giả Nhất Lãm khác cũng theo thời gian biểu của Mc. Còn Ga 19,14 lại đặt cái chết của Đức Giêsu vào chiều ngày 14 Nisan và như thế làm cho bữa ăn tối cuối cùng trở thành một bữa ăn tiền-Vượt Qua. Thời gian biểu của Gioan có lẽ đúng hơn, bởi vì khó mà cho rằng các thượng tế và các kinh sư lại hành động như ta đã biết vào ngày thứ nhất của lễ Vượt Qua. Khi biến bữa Ăn tối cuối cùng thành một bữa tiệc Vượt Qua, tác giả Mc nhắm kéo cái chết của Đức Giêsu vào gần hơn nữa với các đề tài lớn của lễ Vượt Qua là hiến tế và giải phóng.
- dọn cho Thầy ăn lễ (12): Có nhiều việc phải làm: tìm một nơi thích hợp, giết chiên, chuẩn bị bánh không men, sắm các đồ dùng vào bữa tiệc. Các dân cư Giêrusalem rất sẵn sàng giúp cho các khách hành hương có chỗ mà ăn lễ. Nhưng ở đây, tác giả Mc không muốn nói tới điểm này, ngài muốn nêu ra một chuyện lạ lùng.
- một người mang vò nước (13): Các môn đệ được cho một dấu chỉ để có thể chu toàn nhiệm vụ, nhưng đây lại là một dấu chỉ của đời thường: một người mang vò nước thì ta có thể gặp bất cứ lúc nào trong Giêrusalem. Tuy nhiên dấu chỉ này cho hiểu rằng hành trình đưa Đức Giêsu đến cuộc Thương Khó được tiên liệu đến từng chi tiết.
- một phòng rộng rãi trên lầu (15): Khi cử hành lễ Vượt Qua, ít ra có khoảng mười người họp lại với nhau, nên sách Mishna quy định là phải có một không gian 10x10 “khuỷu tay” (tức khoảng 23m2). Khi ăn tiệc, người ta nằm dài để diễn tả là dân chúng đã ra khỏi kiếp nô lệ Ai Cập và đã được tự do; ngay cả người nghèo nhất cũng ăn tiệc Vượt Qua trong tư thế này.
- dâng lời chúc tụng (22): Với cách hành động này, ta có thể nói đây là bữa tiệc Vượt Qua hay bữa tiệc bằng hữu cũng được. Trong bữa tiệc Vượt Qua, phải có trước tiên lời chúc tụng về ngày lễ, rồi chén rượu đầu tiên, các món khai vị là rau đắng và trái cây, suy niệm về lễ Vượt Qua, rồi chén rượu thứ hai. Phần chính của bữa ăn bắt đầu với lời chúc tụng trên bánh không men. “Cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra” là những từ ngữ chuyên môn của lời kinh người Do Thái đọc trước khi ăn. Rất có thể người Do Thái nghĩ rằng miếng bánh được trao cho họ, do ông chủ bẻ ra từ tấm bánh lớn, đưa lại phúc lành cho mình.
- đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy (22.24): Vì từ ngữ “mình” (sôma) là một từ nói quanh để chỉ bản thân con người, câu này có thể diễn lại là: “Đây là chính Thầy”. Những ai ăn tiệc thì được hiệp thông cách mới mẻ với Đức Giêsu. Dựa vào c. 24 nói về chén rượu, ta hiểu là đây là sự hiệp thông với Đấng đang đi tới cái chết. Từ ngữ sôma, vì ở trong thế song đối với “máu đổ ra”, có nghĩa là thân thể dâng làm hy lễ.
- Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn (23): Trong tiệc Vượt Qua, giữa lời chúc tụng trên bánh và lời chúc tụng trên rượu, có việc ăn thịt chiên. Theo sách nghi thức, đây là chén rượu thứ ba. Ta lưu ý là tác giả Mc đã chuyển đi từ “dâng lời chúc tụng (eulogein)” sang “dâng lời tạ ơn (eucharistein)”, trong khi trong bữa tiệc Do Thái, cả hai lần đều là “lời chúc tụng”. Có thể công thức này đã được chọn vì người ta đã nghĩ tới kết thúc bữa ăn. Nhưng rất có thể tác giả muốn gợi tới bữa tiệc Thánh Thể (eucharistia).
- tất cả đều uống (23): Chi tiết này đến quá sớm, vì sau đó Đức Giêsu còn giải thích ý nghĩa của rượu. Trong một ngữ cảnh rộng hơn, từ “tất cả” đây nhìn tới trước tình cảnh “tất cả” sẽ vấp ngã (14,27.50). Việc tham dự vào bữa tiệc không giữ cho người ta khỏi vấp ngã vào giờ quyết định.
- máu giao ước, đổ ra vì muôn người (24): “Máu giao ước” nhắc đến Xh 24,8. Trong đoạn văn này, sau khi dân đã cam kết giữ luật và sau hy lễ, Môsê rảy máu các tế vật lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này”. Ngay sau đó ông dùng một bữa tiệc huynh đệ với các vị kỳ mục của dân (Xh 24,11). Nhờ cái chết của Đức Giêsu, một giao ước mới được thiết lập, thay thế giao ước thứ nhất. Máu Đức Giêsu đi vào thế đối lập tiên trưng với máu giao ước cũ. Theo Dcr 9,11, các tù nhân được phóng thích “nhờ máu của giao ước này”. Việc khai trương giao ước đưa lại sự cứu chuộc và cứu độ. “Máu đổ ra” đồng nghĩa với “bị giết”, bởi vì theo một quan niệm của Kinh Thánh, máu được coi là mang sự sống và sức sống. Từ đó ta hiểu rằng chén được dâng đảm bảo có sự hiệp thông với Chúa, Đấng hiến mình trong cái chết. “Đổ ra”, ekchêô, được dùng thường xuyên để nói về máu con vật được đổ ra (Lv 4,7.18.25.30.34…) và việc rưới rượu (Is 57,6).
Câu “đổ ra vì muôn người” (dịch sát là “đổ ra vì nhiều người”) nhắc đến Is 53,12 và đưa lại cho hành vi một chiều kích hy tế. Hai đoạn văn Cựu Ước này được dùng để diễn tả cái chết của Đức Giêsu như là một hy lễ vì những người khác. Cụm từ hyper pollôn, “vì nhiều người”, dựa trên kiểu nói Sê-mít đặc biệt của Is 53,12 (rab), có nghĩa là “tất cả” / đoàn người đông đảo”, chứ không chỉ là “một số người”; đây là toàn thể thế giới ngoại giáo (x. Người Tôi Trung được gọi là “ánh sáng cho các dân” [x. Is 42,6; 49,7t]). Như vậy, “nhiều” đây không đối lập với “tất cả”, nhưng có nghĩa là “tất cả là nhiều”[2].
- chẳng bao giờ Thầy còn uống … trong Nước Thiên Chúa (25): Câu kết thúc này đặt Bữa Tiệc Ly trong khung cảnh là bữa tiệc thiên sai (x. 6,35-44; 8,1-10). Thay vì coi bữa tiệc cuối cùng này (và Tiệc Thánh Thể) là một biến cố cô lập, cần phải liên kết nó với các bữa ăn Đức Giêsu đã chia sẻ trước đây với những người thu thuế và tội lỗi (x. 2,16) và với bữa tiệc cánh chung tương lai.
- Hát thánh vịnh xong (26): Đây là khối Tv 113–118, thường được gọi là Tập Hallel nhỏ. Tập Hallel này này có một vị trí đặc biệt trong ba đại lễ Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lều.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Chuẩn bị tiệc Vượt Qua (12-16)
Bữa tiệc có một tầm quan trọng lớn lao trong Tin Mừng. Tác giả Mc thường xuyên cho thấy Đức Giêsu ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, với những người tội lỗi và với dân chúng. Biến cố cuối cùng trước Thương Khó cũng vẫn là một bữa tiệc: Đức Giêsu cùng với Nhóm Mười Hai cử hành tiệc Vượt Qua. Trong sự hiệp thông đức tin và đạo giáo Israel, các ngài cử hành lễ trọng nhất của dân tộc mình. Bằng bữa tiệc Vượt Qua, dân Israel nhắc lại cách Thiên Chúa đối xử với các tổ phụ và được canh tân trong niềm tin đầy tri ân, vui tươi và vững vàng đặt nơi Thiên Chúa.
Các môn đệ được phái đi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ trên bối cảnh là bữa tiệc và nội dung của đại lễ Vượt Qua như thế.
Các môn đệ đã đi vào thành và gặp một người mang vò nước đón mình. Các ông đã chuyển giao sứ điệp: “Thầy nhắn: «Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?»”. Đây là lần duy nhất danh xưng “Thầy” (didaskalos) được Đức Giêsu dùng để nói về mình, vừa với nghĩa là “vị thầy truyền đạt kiến thức”, vừa theo nghĩa là “bậc đáng kính”; điều này còn được khẳng định bởi cụm từ “các môn đệ của tôi” chỉ được dùng duy nhất ở đây. Tuy nhiên, chi tiết “người mang vò nước” lại chứng tỏ rằng hành trình đưa Đức Giêsu đến cuộc Thương Khó đã được tiên liệu trong từng chi tiết: Người biết và Người vâng phục (x. 11,1t). Như thế, bên cạnh sự cao cả của Người, là sự hạ mình khiêm nhường của Người. Ông chủ nhà sẽ dành cho các môn đệ một phòng lớn trên lầu trên (thường đây là phòng rộng nhất của căn nhà). Các môn đệ thấy mọi sự đúng y như Đức Giêsu đã nói trước.
* Khai mạc giao ước (22-26)
Tại bữa tiệc, trong bánh và rượu, Đức Giêsu ban cho các môn đệ thân mình và máu của Người. Đây là bữa tiệc từ biệt. Đức Giêsu sẽ bị giao nộp và bị giết, Người sẽ không đi đi lại lại trong xứ cùng với các ông, cũng không ăn tiệc với các ông như lâu nay nữa. Tuy nhiên, Người sẽ ở giữa các ông trong bánh và rượu; trong tương lai, đây sẽ là cách thức hiện diện của Người. Đức Giêsu từ biệt, tuy vậy, Người vẫn ở lại đó.
Máu mà Đức Giêsu hiến dâng trong chén rượu là máu của giao ước, được đổ ra vì muôn người. Tiếp nối vào cuộc giải phóng khỏi đất Ai Cập, được nhắc lại trong tiệc Vượt Qua, là việc ký giao ước tại núi Sinai. Đây không phải là một giao ước giữa các partner ngang nhau. Trước tiên giao ước này có đặc điểm là Thiên Chúa tự ràng buộc và tự cam kết là Thiên Chúa nhân ái của dân (x. Xh 20,1); và giao ước này hàm chứa cam kết của dân là tuân giữ các điều răn (x. Xh 20,3-17). Giao ước được đóng ấn, khi Môsê rảy máu tế vật lên bàn thờ và dân chúng (Xh 24,6-8). Với máu của Đức Giêsu, giao ước mới và vĩnh viễn được đóng ấn. Trong máu Người, trong hành vi hiến tặng mạng sống của Người, tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian được tỏ bày (x. Ga 3,16); nhờ máu Người đổ ra, “một đoàn lũ đông đảo” được giải thoát khỏi tội lỗi. Đức Giêsu không chỉ ở lại với các môn đệ, mà còn đặt nền tảng và đóng ấn cho sự hiệp thông của họ với Thiên Chúa.
Đức Giêsu tạng ban cho họ mình và máu Người. Mình và máu là toàn thể bản thân một người. Việc Người tặng ban mình và máu phải mãi mãi nhắc nhớ đến việc Người hiến tặng mạng sống, cái chết của Người trên thập giá. Đàng khác, bánh là lương thực hằng ngày nuôi sống con người, còn rượu chính là tiệc mừng trong niềm vui. Để sống được, loài người chúng ta cần lương thực. Khi ban tặng chính mình trong bánh và rượu, Đức Giêsu cho ta thấy rằng nhờ sự hiện diện của Người giữa chúng ta và nhờ sự hiệp thông của chúng ta với Người, chúng ta có sự sống ở mức viên mãn và trong niềm vui.
Trong những lời kết thúc (c. 25), Đức Giêsu lại nhấn mạnh rằng sự hiệp thông mà Người đã sống cho đến lúc này với các môn đệ đã đến lúc kết thúc: Người sẽ không uống thứ rượu trong tiệc mừng với họ như lâu nay Người vẫn làm nữa. Đồng thời, Đức Giêsu nói đến sự hoàn tất của sự hiệp thông này trong Nuớc Thiên Chúa, khi Thiên Chúa sẽ thiết lập và tỏ bày vĩnh viễn quyền chúa tể của Ngài ra.
+ Kết luận
Khi tường thuật truyện Đức Giêsu mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ, tác giả Mc đã cho thấy Đức Giêsu đã trung thành đi theo ý muốn của Thiên Chúa trong từng chi tiết. Do đó, bài tường thuật không chỉ để ghi nhận các sự kiện, nhưng mang tính tín lý. Tác giả đã liên kết Thương Khó với tiệc cuối cùng; với bữa tiệc này, cuộc Thương Khó đã bắt đầu vào lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu được ghi dấu ấn là cuộc Thương Khó của Người. Rất có thể từ ngữ pascha khiến tác giả Mc nghĩ đến ý nghĩa của từ Hy Lạp paschô (“đau khổ”); dĩ nhiên về từ nguyên thì không đúng, nhưng về thực tại thì có lý.
Đức Giêsu cũng bày tỏ sự trung thành với các môn đệ cho đến cùng, qua việc hiến tặng mình và máu Người trong bánh và rượu. Sự trung thành của Đức Giêsu, được tỏ hiện trong tất cả mọi hình thức hiện diện của Người, là điểm vững chắc duy nhất trong tương quan hỗ tương giữa Người với các môn đệ. Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta và cho chúng ta được hiệp thông của Người như cho một quà tặng.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đến cuối thời gian hoạt động, Đức Giêsu lại chia sẻ bữa tiệc Vượt Qua này với các môn đệ: bữa tiệc này nhắc lại lịch sử của quan hệ của Thiên Chúa với Israel và đưa tới chỗ hoàn tất. Đức Giêsu lại ăn tiệc với các môn đệ, như cách hiệp thông riêng tư với các ông. Tại đây mọi sự được quay hướng về các hình thái khác của sự hiện diện của Người giữa các môn đệ, về sự hiệp thông không cùng của họ với Người. Tuy nhiên, các môn đệ không thể tự ru ngủ mình trong sự an toàn; chính họ đã thấy định mệnh của Đức Giêsu là một chướng kỳ; chính họ đã không đủ sức liên kết với Người.
2. Trên thập giá, Đức Giêsu đã đổ máu ra; bằng cái chết của Người, Người đã thiết lập giao ước mới, tạo điều kiện cho có sự hiệp thông vĩnh viễn của Thiên Chúa với loài người. Đức Giêsu sẽ mãi mãi ở với họ và sẽ là Đấng Chịu đóng đinh đã hiến tặng mạng sống cho họ. Cho đến nay, Người đã ở giữa họ theo cách thấy được rõ ràng bằng mắt thường, kể từ nay, Người sẽ ở giữa họ trong bánh và rượu, trong tư cách Đấng Chịu đóng đinh, trong tư cách dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa và sự sống. Tất cả những điều này sẽ tới mức viên mãn khi Nước Thiên Chúa được tỏ hiện.
3. Hôm nay chúng ta đã quen coi truyền thống về bữa tiệc ly như là một thành phần thuộc cuộc Thương Khó. Điều này chính tác giả Mc đã nhắm: bữa tiệc này được quy hướng về thập giá và Phục Sinh. Bữa tiệc này kết thúc các bữa tiệc Đức Giêsu dùng với các người tội lỗi (2,15tt) và với dân chúng (6,35tt; 8,1tt) và đưa các môn đệ vào cuộc Thương Khó. Người Kitô hữu khi tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể thì cũng đã được đặt trên cùng một nẻo đường.
4. Việc lãnh nhận Mình và Máu của Chúa mang lại cho chúng ta sự thông dự vào sự sống của Người, cái chết cũng như sự phục sinh ngõ hầu chúng ta cũng có thể sẵn lòng sống phục vụ và yêu thương tha nhân như Người đã làm. Khi chúng ta đón nhận Bánh Sự Sống và Chén Cứu Độ, chúng ta được nhắc nhớ rằng chết không phải là hết. Với mỗi cái chết là một lời hứa và mở ra sự sống mới (Siciliano).
49. Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux.
CHUẨN BỊ CHO BỮA TIỆC LY (14,12-16).
Trình thuật này làm độc giả ngạc nhiên bởi vì được mô tả khá chính xác. Trước hết nó cho biết thời gian và ý nghĩa của bữa ăn tiệc ly Chúa Giêsu dùng chung với các môn đệ. Về thời gian, Maccô cũng như Matthêu (26,17-19) và Luca (22,7-13) cho rằng bữa tiệc của Chúa Giêsu xảy ra trùng hợp với bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, được tổ chức vào đêm trước lễ Vượt Qua (c.12a), và Chúa Giêsu cũng rất ít có được khả năng ăn mừng lễ Vượt Qua Do Thái. Bởi vì hôm sau, ngay chính lễ Vượt Qua, Ngài sẽ chết. Nhưng theo luật tòa án hồi bấy giờ, người ta không thể kêu án và xử án bất kỳ ai một khi lễ Vượt Qua đã bắt đầu. Về phương diện lịch sử, trình tự thời gian mà Gioan ghi lại có vẻ hợp lý hơn. Năm ấy, lễ Vượt Qua Do Thái xảy ra vào ngày thứ Bảy, ngày Sabbat (Ga 19,31). Chúa Giêsu bị đóng đinh vào trước hôm đó, ngày thứ sáu, vào giờ mà người ta cắt tiết chiên để ăn mừng lễ (Ga 18-28). Như thế, Chúa Giêsu dùng bữa tiệc ly cùng với các môn đệ vào ngày thứ Năm. Sự xê xích thời gian này rất quan trọng. Dù sao đi nữa, chính vì lễ đã quá gần nên mới có bữa tiệc này, và người ta nhận ra ngay là cả ba Tin Mừng nhất lãm đều biến bữa tiệc này thành tiệc Vượt Qua. Sự chết và sống lại của Chúa Giêsu gắn liền với “lễ Vượt Qua mới”: việc giải thoát khỏi ách sự Ác và sự Chết-Phaolô là người đầu tiên có thể nói lên: “Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của ta, đã bị sát tế. Ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ… nhưng với bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật” (1Cr 5,7-8)..
Bản tường thuật tiếp tục với một văn phong gần như kiểu chuyện “thần kỳ”. Các môn đệ hỏi Ngài về địa điểm dọn tiệc, Chúa Giêsu trả lời khá kỳ cục (c.13-15). Có hai điểm nổi bật trong đoạn này. Điểm thứ nhất là các môn đệ sẽ gặp một người đội vò nước. Lẽ thường thì chỉ có phụ nữ mới đi lấy nước. Như vậy, Chúa Giêsu đã mặc cho đặc điểm kỳ lạ này một dấu chỉ trù định trước. Điều kỳ cục thứ hai, đó là việc tìm được một căn phòng “đã sắp sẵn” cho bữa tiệc. Hình như Thiên Chúa đã quan phòng hết mọi sự, và Chúa Giêsu được coi như là một tiên tri biết hết mọi chuyện sẽ xảy ra, biết từng chi tiết một. Làm sao giải thích điều này? Hầu chắc là Maccô đã được linh hứng khi viết những trang này, theo kiểu viết Kinh Thánh thông thường hồi đó. Trong sách Samuel thứ I, tiên tri Samuel đã thấy trước được những lần gặp gỡ (theo thánh ý Chúa) và chàng trai trẻ Saul. Những cuộc gặp gỡ này phải chứng tỏ được rằng Thiên Chúa đã chọn chàng trai trẻ này để làm vua Israel (1S 10,1-10). Cũng tương tự như thế, cuộc gặp gỡ được báo trước hai môn đệ với người đàn ông đội vò nước sẽ là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã quyết chọn Chúa Giêsu làm Vua -Mêsia. Đoạn này còn được xác quyết chắc chắn bằng một đoạn khác của Maccô: đoạn kể về việc Chúa Giêsu vào Giêrusalem (11,1-11). Ở đó, Chúa Giêsu cũng phái hai môn đệ đi trước để tìm gặp con lừa con. Biến cố này rõ rệt là mang tính chất Mêsia và lần nào thì sự việc cũng xảy ra y như những lời dặn dò trước cả. Mọi sự đều diễn ra phù hợp với nhận định tiên tri của Thầy (c.16).
Ta kết thúc đoạn này bằng cách lưu tâm đến việc lặp lại tới hai lần tính từ “Vượt Qua” (c.12b và 12d) và danh từ “vượt qua” (c. 14,16) là nhằm mục đích kêu mời độc giả chú trọng đến ý nghĩa tối hậu của bữa tiệc Chúa Giêsu sắp tham dự. Nó là dịp lễ mừng nhắc nhở lại việc ra khỏi Ai Cập, đồng thời chính là dịp loan báo sự chết và sống lại của Đấng Mêsia cứu thế.
THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ (14,22-26)
Có lẽ ai cũng muốn biết tường tận những việc xảy ra trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với các môn đệ. Nhưng thay vì tả lại dài dòng và đầy đủ chi tiết, Maccô cũng như Matthêu (26,26-29) và Luca (22,19-20) – đã kể lại vắn tắt và rất giản lược. Tựa như thế đó chỉ là một văn bản phụng vụ đã có sẵn. Ông chỉ dùng rất ít từ cô đọng để nêu lên ý nghĩa của các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong bữa tiệc Thánh đó.
Chúa Giêsu đã làm một cử điệu mang tính nghi thức rất quen thuộc đối với người Do Thái khi họ cử hành bữa tiệc mừng lễ (c.22). Như người cha trong gia đình chủ tọa bữa ăn, Ngài cầm lấy bánh và chúc tụng Thiên Chúa về những ơn phúc Người đã ban cho. Lời kinh “tán tụng” của người Do Thái không phải là một lời cầu chiếu lệ, trái lại rất trang trọng bởi vì qua đó dân Israel dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ Ngài đã giải thoát họ. Trong kinh Haggada mừng lễ Vượt Qua (nghi thức ăn mừng đại lễ Vượt Qua), người ta cũng đọc thấy “Ta mắc nợ này: là phải cảm tạ, ngợi khen (…) chúc tụng Đấng đã ban cho cha ông chúng ta và cả cho chúng ta hằng hà dấu chỉ. Ngài đã kéo ta ra khỏi ách nô lệ đến nơi tự do, từ cõi u sầu đến miền hoan lạc, từ chốn tan tác vào nơi vui vẻ, từ tối tăm ra ánh sáng và từ chỗ bị áp bức tới nơi giải phóng. Và trước nhan Ngài ta hãy hát lên bài ca mới Alleluia”. Sau khi đã hát xong lời nguyện, Chúa Giêsu bẻ bánh. Ngài phát cho các vị đồng bàn mỗi người một miếng và vừa phân phát, Ngài vừa nói: “Hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Trong tiếng Arain, ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng, tiếng “Mình” không phải chỉ nói riêng đến phần thân xác, mà là đến toàn bộ “con người” như thế Chúa Giêsu không chỉ ban phát thân xác của Ngài làm của ăn cho chúng ta – như kiểu giải thích duy vật của Tây phương. Ngài loan báo rằng toàn bộ thân mình của Ngài sẽ được giải thoát khỏi sự chết và ta sẽ được thông phần vào việc giải thoát ấy.
Ý nghĩa của món quà tặng này còn được Ngài làm rõ hơn ngay sau đó, qua cử chỉ và lời nói của Ngài khi cầm lấy chén. Ngài trịnh trọng tuyên bố: “Đây là Máu Thầy, máu để lập giao ước, đổ ra cho nhiều người” (c.23-24). Mọi lời nói ở đây đều cô đọng lạ thường. Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu nho lên, rồi chúc tụng “tạ ơn” Thiên Chúa một lần nữa. Chính từ ngữ Hy Lạp này đã phát sinh ra từ “cucharistic” (hành động tạ ơn) trong tiếng Pháp, rồi từ đó người ta dùng để chỉ về toàn bộ các nghi thức liên quan đến việc này. Khi đọc bản tường thuật trên đây, ta nên lưu ý đến sự kiện khó hiểu này, các tông đồ đã uống trước khi Chúa Giêsu loan báo ý nghĩa và làm phép. Những tiếng “Máu của Thầy” trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là “cuộc đời Thầy” (Lv 17,14). Khi uống rượu đã được thánh hiến, các môn đệ không phải là đã uống Máu Người. Họ đâu có phải là những kẻ ăn thịt người. Họ thông phần với con người Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống mình trên thập giá (1Cr 11,17-34). Những lời Chúa Giêsu nói tiếp theo sau đó đã giải thích rất minh bạch ý nghĩa cái chết của Ngài. Máu Ngài đổ ra sẽ là “máu của giao ước”. Thuở xưa trên núi Sinai, Thiên Chúa đã kết ước với dân Israel, dân được tuyển chọn. Sau khi đọc lề luật của Thiên Chúa cho dân Israel nghe xong, Môsê đã ghi dấu giao ước đầu tiên này bằng máu của những bò tơ (Xh 24,3-8). Lúc này, qua cái chết của mình, Chúa Giêsu sẽ thiết lập điều mà Phaolô (1Cr 11,25) và Luca (22,20) gọi rất chính xác là giao ước “mới” giữa Thiên Chúa và toàn thể loài người. Thực vậy, Chúa Giêsu hiến mình chịu chết đã đem lại một ý nghĩa “cứu độ” và phổ quát. Máu Ngài “đổ ra cho nhiều người”. “Nhiều người” là một lối nói trong tiếng Do Thái để chỉ về toàn thể loài người và lối nói này đã ám chỉ chắc chắn đến người tôi tớ đau khổ sắp lãnh nhận cái chết để hòa giải các dân thiên hạ với Thiên Chúa như các tiên tri đã loan báo trước đó (Is 53,12).
Như thế, Chúa Giêsu đã nâng sự chết Ngài sắp phải chịu lên một tầm mức cứu độ phổ quát. Ngài hiến thân xác và mạng sống của mình để cứu chuộc thế giới. Rồi khi kết thúc bữa ăn, Thầy đã mở ra một viễn cảnh hạnh phúc (c.25). Ở đây, Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ chiến thắng sự chết. Ngài hứa hẹn Nước Chúa sẽ đến qua hình ảnh một bữa tiệc, ở đó rồi ra mọi người sẽ được ăn no uống đủ. Ở đó, “rượu mới” sẽ tuôn tràn cho mọi người, một khi sự chết đã bị tiêu diệt (chướng ngại vật tối hậu!) thì hết thảy mọi dân nước trên địa cầu này sẽ thông phần với Thiên Chúa hằng sống (Is 25,6-9).
Các cộng đoàn Kitô hữu đều có sử dụng đến các câu trích dẫn từ bản tường thuật trên. Maccô đã cho ta thấy rằng Chúa Giêsu đã thiết lập phép Thánh Thể. Đối với các Kitô hữu, bữa tiệc này đã được lập lại để “tưởng nhớ” sự chết và sự sống lại của Đấng Cứu Độ. Khi cùng nhau “bẻ bánh” và “uống rượu chúc tụng”, người Kitô hữu ý thức được họ phải loan truyền cho anh em biết đến các biến cố cứu độ này. Họ biết rằng bí tích này phải thực thi sống động mầu nhiệm Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Cũng như các anh em Do Thái cử hành lễ Vượt Qua thế nào, thì các môn đệ Chúa Giêsu cũng lập lại những lời nói, nghi lễ này thế ấy, đó là “từ thời nay tớ thời khác, khi con người ra khỏi đất Ai Cập, họ đã mắc nợ. Ta hãy chúc tụng Thiên Chúa chí thánh, Đấng không chỉ giải thoát cha ông chúng ta mà cả chúng ta nữa. Trong Ngài, chúng ta được cứu thoát!.
Bữa tiệc ly Chúa Giêsu dùng với nhóm Mười Hai kết thúc như mọi bữa tiệc khác của người Do Thái (c.25). Người ta hát phần thứ hai bài ca “Hallel”, trích từ Thánh Vịnh 115-118. Khi kết thúc bài ca tán tụng này, người ta hát “Alleluia”: “Hãy ca tụng Thiên Chúa”. Rồi Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên núi Cây Dầu. Đó là cách thầy trò dễ dàng tìm được nơi nương náu an toàn, tránh được các đe dọa đang rình rập họ ở trong thành.
50. Chú giải của Noel Quesson.
Hôm ấy nhằm ngày thứ nhất trong tuần bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt qua, các môn đệ thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”.
Đức Giêsu đã bị “hành quyết” vào một ngày thứ sáu, rất có thể năm ba mươi hay ba muơi ba, vào lúc những con chiên được giết để mừng lễ Vượt qua trong khuôn viên đền Thánh (Ga 19,14).
Nhưng người ta không biết rõ Chúa Giêsu đã theo lịch nào để dùng bữa ăn cuối cùng của Người. Điều chắc chắn là Người đã mặc cho bữa ăn này một đặc tính “vượt qua”.
Lễ Vượt Qua là một lễ lớn của người Do Thái: Người ta ăn mừng cuộc “giải phóng”. Trong một bữa ăn cổ truyền được tổ chức tại nhà, trong gia đình, người cha phải giáo huấn con cái mình nhớ lại việc tổ tiên của họ đã được giải thoát khỏi ách nô lệ như thế nào. Vì thế, dân Do Thái luôn ý thức mình là một dân tộc “nguyên là nô lệ” nhưng bấy giờ được “tự do! Chúa đã can thiệp, ủng hộ sự nổi lên của họ chống lại kẻ áp bức, giúp họ ra khỏi đất Ai Cập, để vào miền đất hứa.
Mỗi năm tại Nagiarét, Đức Giêsu cùng với Thánh Giuse và Đức Maria, đã cử hành bữa tiệc mừng lễ này. Người đã thuộc lòng mọi diễn tiến theo nghi thức trong bữa ăn: Bánh miến, rượu nho, thịt chiên, rau đắng, kinh nguyện, thánh vịnh. Nhưng tối hôm đó, Người sẽ cho bữa ăn cổ truyền này một nội dung mới! Hôm nay chính người là đấng giải phóng!
Đó là lễ vượt qua! Công cuộc giải phóng! Một bữa tiệc mừng, một bữa ăn giải thoát dân khỏi ách nô lệ.
Chúng ta quá coi thường điều đó! Các Thánh lễ của chúng ta có nguy cơ bị nhạt nhẽo và nhàm chán lặp đi lặp lại biết bao Thánh lễ xem ra có phần bi thảm! Điều quan trọng là trước hết chúng ta phải lo lắng “cử hành những buổi lễ” và “tôn trọng các nghi thức”! Chúng ta có hay quên rằng mình luôn luôn cần phải được “giải phóng” và “cứu rỗi không”. Thưa quý ông bà, vâng quý ông bà vẫn còn là những “nô lệ”. Quý vị hãy xét kỹ lại cuộc đời của mình và hãy tỏ ra sáng suốt. Hãy ý thức tất cả những gì đang xiềng xích quý vị, lúc bấy giờ quý vị sẽ xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con dọn bữa ăn lễ vượt qua cho Thầy, bữa ăn giải phóng ở đâu?”. Vâng xin Chúa giải phóng chúng con thoát khỏi tội lỗi và sự chết.
Người liền sai hai môn đệ đi mà dặn họ: “Các anh đi vào thành, rồi sẽ gặp một người mang vò nước, cứ đi theo người đó.”
Bầu khí lúc bấy giờ trở nên nặng nề. Đức Giêsu là một người bị săn đuổi. Những lãnh tụ Do Thái đã quyết định giết hại người. Vì thế Đức Giêsu làm như ra tín hiệu cách kín đáo. Ngừơi có bạn hữu, nhưng phải liên hệ cách vụng trộm. Người đã chuẩn bị tất cả – tôi hình dung ra hai môn đệ đang đi theo người mang vò nước – cái chết của đức Giêsu, việc Người rời khỏi thế giới này, phải chăng đối với chính người trước tiên, là một việc vượt qua, một cuộc giải thoát. Đó là “Lễ vượt qua của Chúa”: người sẽ được giải thoát.
Người đó vào nhà nào, các anh đi theo và thưa với chủ: “Thầy hỏi ông dành cho Thầy phòng nào để ăn lễ vượt qua với các môn đệ?”. Ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, sẵn sàng đầy đủ tiện nghi. Các anh dọn tiệc cho chúng ta ở đó.
Đức Giêsu đã tiên liệu tất cả. Người cảm thấy tầm quan trọng. Chính Người là chủ mời. Dó là “bữa ăn của Người”. Lát nữa, chính Người sẽ là chủ toạ. Những môn đệ là “khách được mời”.
Người dùng quyền sắp đặt và chuẩn bị. Chúng ta ngạc nhiên vì sự quan trọng của chi tiết này. Đúng vậy, ngày nay, bất cứ một buổi lễ nào cũng phải được chuẩn bị. Chúng ta hằng nghĩ đến những buổi lễ tại làng thôn hay trong khu xóm, những bữa ăn mừng rước lễ lần đầu, lễ đính hôn hay kết hôn. Chúng ta rất muốn buổi lễ được thành công, và như thế chúng ta phải rất cực nhọc.
Còn những Thánh lễ của chúng ta thì sao? Chúng ta có chuẩn bị tử tế không? Biết bao Thánh lễ đã được cử hành cách vội vã, đọc cho qua lần, cử hành cho mau xong. Như Đức Giêsu chúng ta cần quyết định biến các Thánh lễ của chúng ta thành buổi lễ thực sự, cần dành thời giờ để “chuẩn bị", và trước hết phải đến đúng giờ và nếu cần, hãy lập lại những bài Thánh ca trước khi cử hành Thánh Thể, như phần cốt yếu của buổi lễ. Đức Giêsu, tối hôm ấy đã chuẩn bị tất cả để cho buổi lễ được tốt đẹp và trang trọng.
Hai môn đệ ra đi - Vào đến thành các ông thấy mọi sự y như người đã nói, và các ông dọn tiệc vượt qua.
Thánh Máccô nhấn mạnh về điểm này. Ngài muốn đề cao uỷ quyền và vẻ nghiêm trọng của Đức Giêsu. Người đã tiên liệu tất cả, Người đã quyết định tất cả. Người là "Chúa”, không ai chối cãi được. Đức Giêsu biết rằng đó là buổi hội họp cuối cùng của Người với các bạn hữu, "giờ" đã nghiêm trọng rồi: Thánh Gioan sẽ nói là "giờ" của Người". Việc gì đã xảy ra? Chúng ta được đưa vào một hồi kịch quan trọng, biến cố sắp xảy ra... sẽ thay đổi lịch sử của hành tinh, của nhân loại. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu là sự giải phóng thế gian tội lỗi.
Khi tôi đi dự lễ Chúa Nhật, tư tưởng của tôi như thế nào? Tôi chuẩn bị tâm hồn ra sao? Đó có phải là một “biến cố" trong tuần sống của tôi không? Tất cả có hội tụ và hướng về đó không? Hay đó chỉ là một thời gian nhỏ bị "đánh cắp" cách lén lút trong những công việc quan trọng khác của tôi? Một thứ "dấu ngoặc"?
Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các môn đệ
Chúng ta có 4 trình thuật về cảnh này. Thánh Maccô, Thánh Luca, Thánh Matthêu và Thánh Phaolô (I Cr 11, 23-25). Bốn trình thuật này đều như nhau về điểm cốt yếu, nhưng trình bày cho chúng ta những công thức khác nhau trước những "lời" Chúa phán. Đức Giêsu đã không quá câu nệ là nghi lễ, và cả Giáo Hội tiên khởi cũng thế. Điều quan trọng là phải lưu ý sự kiện hiển nhiên này để giải thoát chúng ta khỏi một quan niệm, “duy vật" về các bí tích, cứ như là Người dính liền với những từ ngữ, theo kiểu phù thủy - Thực ra người ta không biết rõ "từng chữ" Đức Giêsu đã nói tối hôm đó như thế nào - Bốn trình thuật không phải là những phóng sự, mà là những bản văn phụng vụ khác nhau. Đã được dùng trong những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Người ta có thể đoan chắc rằng những cộng đoàn đó, vì gần với biến cố vừa qua, đã tôn trọng ý định và cả những công thức của Đức Giêsu.
Trước tiên chúng ta cần tưởng tượng những "cử chỉ" của Đức Giêsu. Người "cầm lấy" bánh? Tôi thấy tay Người đưa ra với lấy chiếc bánh trên bàn. Tôi nhìn tay của Người, cầm chiếc bánh không men, "một thứ bánh của người nghèo mạt", vì tại Ai Cập, tổ tiên chúng ta đã không có thì giờ để cho lèn men. Người "đọc lời chúc tụng" đó là lời tạ ơn. Về chén rượu Thánh Máccô dùng chữ "Eueharitèsas" có nghĩa là "đang khi tạ ơn", do đó có từ Thánh Thể. Tôi lắng nghe Đức Giêsu cầu nguyện, nói lời "tạ ơn" Chúa Cha, trong thái độ vui mừng. Tôi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu, khi Người nói chuyện với Chúa Cha. Chúng ta có thể quên được Thánh lễ là một lễ Tạ ơn sao?
Người "bẻ bánh", cử chỉ này không phải là mới lạ. Người cha trong gia đình cũng làm cử chỉ này để phân phát phần cho mỗi người, nhưng cử chỉ tượng trưng này rất đẹp: Mọi người đều ăn cùng một tấm bánh. Điều này nhấn mạnh việc "đồng bàn mà sẽ thành một ý lực trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Thánh lễ là một thách thức muốn bứng tận gốc rễ những khuynh hướng vị kỷ của chúng ta. Nếu ta vẫn giữ những bức tường ngăn cách mà Đức Giêsu đã phá đổ, thì chúng ta đã nhạo báng Mình thánh Chúa vậy (Pr 2,14). Tôi nhìn Đức Giêsu bẻ bánh. Họ đã nhận ra Người qua cách bẻ bánh" Người "trao" bánh này. Khi tôi rước lễ, tôi có ý thức được rằng chính Đức Giêsu đưa miếng bánh cho tôi không? Đó là cử chỉ thánh thiêng và đầy ý nghĩa huyền bí. Lạy Chúa, đây là tay chúng con đưa ra để đón Chúa!
Và Người nói: "Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy".
Sau nhiều thế kỷ, tranh cãi, mà trong thời gian đó từ trên đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau, nhiều cộng đoàn họp lại thành Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội năm 1974, đã đồng ý về bản văn chung sau đây: "Bữa ăn bánh miến và rượu nho này là một bí tích, dấu chỉ hữu hiệu và quả quyết sự hiện diện của chính Đức Kitô, Người đã hy sinh mạng sống mình cho tất cả loài người và đã tự hiến thân mình làm bánh hằng sống. Vì lẽ đó, bữa tiệc Thánh Thể là Bí tích Mình và Máu Thánh của Đức Kitô. Bí tích của sự hiện diện thực sự của Người. Chính Thánh Thần trong Thánh Thể cho Đức Kitô thực sự và hiến thân trong bánh và rượu. Khi đọc lời truyền phép. Dĩ nhiên chúng ta luôn đứng trước một mầu nhiệm. Thánh Thomas Aquino, nhà thần học vĩ đại về Bí tích Thánh Thể ở thời Trung cổ đã viết: "Sự hiện diện thực sự" này không có nghĩa là giới hạn Đức Kitô ở trong bánh và rượu mà thôi hay gây ra một sự biến đổi vật lý hóa học nào của những chất này. Tất cả những vẻ bên ngoài vẫn không thay đổi (Tổng luận thần học cuốn III 76/3-5. 77/5-8).
Con người thời nay cần phải lặp lại những chân lý cổ truyền này. Thánh lễ về "Lễ Mừng kính Thiên Chúa" đã được Thánh Thomas Aquino soạn ở Orvieto vào năm 1264. Cùng với toàn thể Giáo Hội tiên khởi, Thánh Thomas “đã tin” nhưng không theo một cách đơn giản. Thánh Phaolô phải chăng là người đầu tiên đã nói rằng, cần phải có đức tin mới "nhận thấy được Mình và Máu Thánh Chúa sao?" (1 Cr 11,23-29).
Vâng, lạy Chúa, chúng con xin tin!
Người lại cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ và tất cả đều uống. Người bảo họ: "Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao ước đổ ra vì muôn người”.
Đó là bản dịch chính xác đoạn văn Hy Lạp của Thánh Maccô. Đức Giêsu biết người sắp chết, và chết cách nào. Người thế chỗ cho con chiên vượt qua (mà người ta không nói đến tí nào trong bữa ăn vượt qua này, trong khi món này là chính trong nghi lễ Israel). Ở đây Đức Giêsu làm cho ta nhớ đến người tôi tớ của Đức Giavê (đã hy sinh mạng sống của mình cho muôn dân) (Is 53,11). Đó là một "Giao ước". Thiên Chúa trở nên một thực tại duy nhất với nhân loại, một người trong "đồng minh". Và điều này đã được định nghĩa với những gì là mật thiết và sống động nhất trong chúng ta; "Máu”.
Thầy bảo thật anh em: "Chẳng bao giờ Thầy còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày được uống thứ rượu mới trong nước Thiên Chúa". Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ đi lên núi Ôliu.
51. Chú giải của William Barclay.
MÌNH VÀ MÁU CHÚA KITÔ
CHUẨN BỊ CHO NGÀY LỄ (Mc 14,12-16)
Dường như có một từ hơi lạ đã được dùng ý liên quan tới Chúa Giêsu. Nhưng khi đọc bài tường thuật tuần lễ cuối cùng của đời Ngài, chúng ta không thể không ngạc nhiên về tài năng sắp xếp công việc của Ngài. Nhiều lần, chúng ta thấy Chúa Giêsu không hề để nước đến chân mới chạy. Trước đó, Ngài thu xếp có sẵn một lừa cho Ngài đi vào thành Giêrusalem. Ở đây chúng ta thấy Ngài thu xếp mọi sự từ trước. Các môn đệ Chúa muốn biết họ sẽ ăn Lễ Vượt Qua ở đâu. Ngài sai họ vào thành Giêrusalem với lời dặn dò hãy tìm một người đang mang vò nước. Đây là một dấu hiệu đã có sắp xếp trước. Mang vò đi lấy nước là việc của đàn bà. Đó là việc chưa hề thấy một người đàn ông nào làm. Một người đàn ông vác vò nước trên vai sẽ là một hình ảnh nổi bật giữa đám đông, chẳng khác gì một người đàn ông đi mưa mà che dù đàn bà. Chúa Giêsu không hề để sự việc đến phút chót mới lo. Từ lâu, Ngài đã thu xếp chỗ họp mặt cuối cùng cho chính Ngài với các môn đệ và mọi việc đều xảy ra đúng như ý muốn.
Các căn nhà lớn của dân Do Thái có những phòng cao, các căn nhà ấy trong như có một chiếc hộp nhỏ xếp chồng trên một chiếc hộp lớn vậy. Chiếc hộp nhỏ hơn đó là phòng cao, có cầu thang bên ngoài để đi lên, nên người ta không cần phải đi qua phòng lớn bên trong nhà. Phòng cao có nhiều công dụng. Nó có thể dùng làm phòng kho, hoặc dùng làm nơi suy gẫm, làm chỗ nghỉ khi nhà có khách. Nhưng đặc biệt nhất đó là nơi để một Rapbi dạy dỗ các môn đệ thân tín. Chúa Giêsu đã làm theo thói quen các Rapbi Do Thái vẫn thường làm.
Chúng ta phải nhớ đến một điểm về cách ghi nhận ngày của dân Do Thái. Theo người Do Thái, thì một ngày mới bắt đầu từ 6 giờ chiều, trước 6 giờ chiều là ngày 13 tháng Nisan, là ngày sửa soạn cho Lễ Vượt Qua. Nhưng ngày 14 tháng Nisan là ngày Lễ Vượt Qua thì bắt đầu từ 6 giờ chiều. Theo cách tính của chúng ta thì ngày thứ sáu của người Do Thái bắt đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ năm.
Người Do Thái chuẩn bị những gì để ăn Lễ Vượt Qua:
Nghi lễ đầu tiên là nghi thức tìm men. Trước ngày Lễ Vượt Qua, tất cả các men được loại bỏ ra khỏi nhà. Trong ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên tại xứ Ai cập (Xh 12), người ta đã ăn lễ ấy với bánh không men. Bánh không men không giống bánh mì chút nào, nó là một thứ bánh bột luộc. Sở dĩ tại Ai cập họ đã phải ăn như vậy vì làm thế sẽ nhanh hơn một ổ bánh có men, và ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên là ngày thoát ra khỏi xứ Ai cập, dân Israel phải ăn hối hả và mọi người đều phải sẵn sàng để ra đi lên đường. Hơn nữa, men còn là biểu tượng của sự thối nát. Men là bột đã ủ cho dậy lên và người Do Thái đồng nhất sự lên men với quá trình thối rữa, hư hoại. Vào ngày trước Lễ Vượt Qua, người chủ nhà thắp một ngọn nến, rồi theo nghi lễ, đi tìm men khắp trong nhà. Trước khi đi tìm, người ấy khấn nguyện rằng: “Đáng chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, là Vua toàn cõi vũ trụ, Đấng đã lấy các điều răn của Ngài để thánh hoá chúng tôi, và truyền lệnh cho chúng tôi phải cất hết men đi”. Sau khi đã tìm khắp nhà, chủ nhà nói: “Tất cả men tôi có, mà tôi đã tìm thấy hoặc không tìm thấy đều kể như không còn nữa, kể như bụi dưới đất vậy”.
Tiếp theo, vào xế trưa trước buổi chiều Lễ Vượt Qua là dâng sinh tế về Con Chiên Vượt Qua. Mọi người đều đến Đền Thờ. Người dâng lễ phải giết con chiên của mình để dùng nó dâng làm của lễ hy sinh. Dưới mắt người Do Thái, máu là vật thiêng liêng dâng cho Thiên Chúa, bởi vì người Do Thái xem máu ngang hàng với sinh mạng. Việc tin thế là điều tự nhiên, vì nếu một con người hay một con vật bị thương, có máu chảy ra, thì sự sống cũng theo đó mà ra. Cho nên trong Đền Thờ, kẻ đến thờ phượng tự giết con chiên mình đem đến. Giữa những người đến thờ phượng và bàn thờ, có hai hàng dài các thầy tư tế, mỗi người cầm một cái chén vàng hoặc bạc. Khi máu từ cổ họng con chiên chảy ra, máu được hứng vào các chén ấy, chuyền tay nhau cho đến thầy tư tế đứng ở cuối hàng đổ máu ấy lên bàn thờ. Con vật được mổ ra, bộ lòng và mỡ được lấy ra, vì là phần cần thiết cho việc tế lễ, còn xác được trả về cho người dâng lễ. Nếu phần tường thuật của Josephus hoàn toàn đúng, thì có hơn ¼ triệu con chiên đã bị giết, chúng ta khó tưởng tượng nổi quang cảnh tại Đền Thờ cũng như tình trạng bàn thờ đầy máu. Con chiên được đem về nhà và quay. Không thể đem nấu thịt ấy. Không thể để nó chạm vào một vật gì dù là cạnh của chiếc nồi. Nó phải được đâm xuyên qua bằng một khúc cây lựu và quay trên ngọn lửa. Khúc cây được đâm xuyên thẳng từ miệng đến đuôi, con chiên được quay nguyên con, còn cả đầu, giò, đuôi dính vào thân.
Chiếc bàn ăn thấp có dạng như một hình vuông để trống một cạnh. Tất cả khách nằm trên những chiếc ghế dài, chống bằng khuỷu tay trái, dùng tay mặt lấy thức ăn.
Có một số vật cần thiết mà các môn đệ của Chúa phải chuẩn bị sẵn sàng.
1/ Một con chiên để nhắc họ nhớ lại việc gia đình họ được bảo vệ nhờ máu bôi lên trên khung cửa khi thiên sứ của sự chết đi qua khắp xứ Ai cập.
2/ Bánh không men để nhắc họ nhớ thứ bánh mà họ phải ăn vội vã lúc thoát ách nô lệ.
3/ Chén nước muối để nhắc họ nhớ lại nước mắt họ từng đổ ra tại Ai cập và nước của Biển Đỏ mà họ đã vượt qua an toàn lạ lùng.
4/ Một mớ các loại rau đắng, để nhắc họ nhớ về sự cay đắng khi làm nô lệ tại Ai cập.
5/ Một loại bánh dẻo gọi là charosheth là một hỗn hợp các thứ trái táo, chà là, lựu và hạt dẻ, để nhắc họ nhớ về đất sét mà họ dùng làm gạch tại Ai cập. Lẫn lộn trong đó là những sợi quế để nhắc nhở họ về rơm họ đã trộn vào đất sét làm gạch.
6/ Bốn cốc rượu nho. Các cốc đựng loại rượu nho được pha bằng ba phần rượu với hai phần nước lã. Bốn cốc rượu được uống vào bốn giai đoạn khác nhau trong bữa ăn, để nhắc họ về bốn lời hứa trong sách Xuất Hành 6,6-7: “Ta sẽ rút các ngươi khỏi gánh nặng mà người Ai cập đã chất lên vai các ngươi. Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vòng tôi mọi. Ta sẽ giơ thẳng tay ra, dùng hình phạt nặng mà chuộc các ngươi. Ta sẽ nhận các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ làm Chúa của các ngươi”.
Đó là những gì phải chuẩn bị cho ngày Lễ Vượt Qua. Tất cả các chi tiết đều nhắc nhở về ngày trọng đại, khi Chúa ban ơn giải phóng dân Ngài khỏi cảnh nô lệ tại Ai cập. Chính nhằm ngày lễ đó, Đấng giải thoát thế gian khỏi tội lỗi đã ngồi để dự bữa ăn cuối cùng với các môn đệ Ngài.
BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ CỨU RỖI (Mc 14,22-26)
Trước hết, chúng ta cần biết rõ các giai đoạn khác nhau trong ngày Lễ Vượt Qua, để có thể hình dung những gì Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đang làm ở đây. Mọi việc được diễn tiến theo thứ tự sau đây:
1/ Chén Kiddush. Kiddush có nghĩa là thánh hoá hay phân rẽ. Đây là một hành động mang tính chất tách rời bữa ăn này khỏi tất cả các bữa ăn bình thường khác. Người chủ gia đình nâng chén lên, cầu nguyện, rồi mọi người cùng uống chén đó.
2/ Rửa tay lần thứ nhất. Chỉ có người dâng lễ phải làm việc này mà thôi. Người ấy phải rửa tay ba lần theo cách thức quy định chúng ta nghiên cứu ở chương 7.
3/ Một miếng ngò tây hay rau diếp được đem nhúng vào một chén nước muối rồi ăn. Đây là một món khai vị để ăn cho ngon miệng, nhưng cây rau ngò tiêu biểu cho chùm kinh giới đã được nhúng trong máu rồi bôi lên khung cửa, còn muối tiêu biểu cho nước mắt đã đổ ra tại Ai Cập và nước của Biển Đỏ mà dân Israel đã được đưa ra khỏi đó an toàn.
4/ Bẻ bánh. Khi bẻ bánh có hai câu chúc phúc được đọc lên “Đáng cảm tạ Ngài là Đức Chúa. Thiên Chúa chúng tôi là Vua toàn cõi vũ trụ, nguyện Ngài được tôn vinh trên trái đất” hoặc “Đáng cảm tạ Ngài là Cha chúng tôi ở trên trời, Đấng hàng ngày ban bánh đủ dùng cho chúng tôi”. Trên bàn bánh không men được xếp thành ba vòng. Vòng bánh chính giữa được cầm lên và bẻ ra. Vào lúc đó, người ta chỉ ăn một chút bánh mà thôi. Việc này nhắc nhở cho người Do Thái nhớ lại thứ bánh đau khổ họ từng ăn tại Ai Cập, nhắc họ nhớ những kẻ làm nô lệ chẳng bao giờ được ăn trọn vẹn cả ổ bánh, nhưng chỉ được ăn những mảnh vụn. Lúc bẻ bánh, người chủ gia đình nói “Đây là bánh đau khổ mà tổ tiên ta từng ăn tại Ai Cập, ai đang đói, hãy đến mà ăn. Ai đang túng thiếu hãy đến cùng dự Lễ Vượt Qua với chúng tôi” (Trong cách hành lễ hiện đại tại các nơi xa lạ, lời con người nổi tiếng sau đây đã được thêm vào “Năm nay, chúng ta dự lễ ở đây, năm sau chúng ta sẽ dự lễ trong xứ Israel. Năm nay chúng ta dự lễ với tư cách kẻ nô lệ, năm tới chúng ta sẽ dự lễ với tư cách người tự do”).
5/ Tiếp theo là phần kể lại câu chuyện giải phóng. Người trẻ tuổi nhất hiện diện sẽ hỏi có gì khiến ngày này khác với các ngày khác và tại sao lại giữ lễ này. Và người chủ nhà bắt đầu kể lại cả câu chuyện về lịch sử dân Israel từ ngàn xưa cho đến khi có cuộc giải phóng vĩ đại mà ngày Lễ Vượt Qua không bao giờ trở thành một nghi lễ suông. Nó luôn luôn là một kỷ niệm về quyền năng và lòng nhân từ của Chúa.
6/ Các Thánh vịnh 113, 114 được hát lên. Các Thánh vịnh từ 113-118 vốn được biết đến dưới tên gọi Hallel nghĩa là ca ngợi Thiên Chúa. Tất cả Thánh vịnh ấy đều là những lời ngợi khen. Chúng là một phần của tài liệu xưa nhất mà một cậu bé Do Thái phải học thuộc lòng.
7/ Uống chén thứ hai. Chén này được gọi là haggadah, nghĩa là chén giải nghĩa hay công bố.
8/ Bây giờ thì mọi người đang có mặt đều rửa tay để chuẩn bị dùng bữa.
9/ Một bài cầu nguyện tạ ơn được đọc lên “Hỡi Đức Chúa Thiên Chúa chúng tôi, đáng cảm tạ Ngài vì đã ban hoa quả từ đất. Hỡi Thiên Chúa, đáng chúc tụng Ngài, Đấng đã thánh hoá chúng tôi bằng các điều răn của Ngài, và truyền cho chúng tôi ăn bánh không men”. Sau đó những mẩu bánh nhỏ được phân phát ra.
10/ Một ít rau đắng kẹp giữa hai miếng bánh không men, nhúng vào chén charosheth và ăn. Việc này được gọi là nhúng vào nước. Nó nhắc lại cảnh làm nô lệ và những viên gạch mà họ đã bị bắt buộc phải sản xuất.
11/ Tiếp theo là bữa ăn chính. Cả con chiên được đem ra ăn. Nếu còn dư thừa chút gì thì phải thiêu đi, chứ không được dùng cho một bữa ăn bình thường nào khác.
12/ Lại rửa tay.
13/ Ăn bánh không men còn lại.
14/ Đọc bài cầu nguyện cảm tạ, gồm một lời khấn xin Êlia kịp đến để báo tin về Đấng Mêsia. Rồi mọi người uống chén rượu thứ ba được gọi là chén cảm tạ. Lời chúc phúc lúc nâng chén là “Hỡi Đức Chúa là Thiên Chúa, là Vua toàn cõi vũ trụ, Đấng đã tạo nên trái nho, đáng cảm tạ Ngài”.
15/ Hát bài thứ hai các bài Hallel (Thánh vịnh 115,118).
16/ Hai bài cầu nguyện ngắn như sau được đọc lên “Hỡi Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, mọi công việc Ngài đều ca ngợi Ngài. Tất cả các thánh, các người công chính, những kẻ làm đẹp lòng và toàn thể dân Ngài, cả nhà Israel, bằng bài ca vui mừng, hãy ca ngợi và chúc tụng, tán dương và tôn vinh, tôn cao và cung kính, thánh hoá và ghi tạc danh Ngài vào Nước Ngài. Hỡi Chúa là Vua chúng tôi, thật là tốt đẹp khi ca ngợi, lấy làm thoả vui mà hát ngợi khen danh Ngài, vì từ đời đời cho đến đời đời Ngài là Thiên Chúa.
“Hơi thở của mọi sinh vật sẽ ca tụng danh Ngài là Chúa. hỡi Chúa chúng tôi, mọi vật sẽ mãi mãi tôn vinh và đề cao Ngài. Hỡi Thượng Đế, Vua chúng tôi, vì từ đời đời đến đời đời Ngài là Thượng Đế, ngoài Ngài ra chẳng có Vua, chẳng có Đấng cứu chuộc hay Đấng Cứu Thế nào khác”.
Như thế là Lễ Vượt Qua kết thúc. Nếu buổi lễ mà Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài đã ngồi lại để dự là Lễ Vượt Qua, thì chắc Chúa Giêsu đã dùng mục 13 và 14 để nói về chính Ngài và mục 16 chắc là bài thánh ca mà mọi người cùng hát lên trước khi ra đi đến núi Ôliu.
Bây giờ, chúng ta hãy vào xem Chúa Giêsu đã làm gì và Ngài đã làm cách nào gây ấn tượng trên những người theo Ngài. Hơn một lần chúng ta thấy các ngôn sứ Israel dùng các hành động biểu tượng và những diễn xuất kịch nghệ để truyền đạt sứ điệp khi họ cảm thấy lời nói không chưa đủ. Đó là việc Ahigia đã làm khi ông xé áo choàng của ông ra làm 12 mảnh và trao 10 mảnh cho Giêrôbôam, là dấu hiệu về 10 chi phái trong dân Israel sẽ tôn ông ta lên làm vua (1V 11,29-32). Đó là việc Giêrêmia cũng từng làm khi ông làm xiềng và ách rồi mang chúng như một dấu hiệu về tình trạng nô lệ sắp xảy đến (Gr 28,10-11). Đó là phương cách mà tiên tri Êdêkiên vẫn thường làm (Ed 4,1-8; 5,1-4). Người ta rất dễ quên lời nói, nhưng một hành động như diễn kịch có thể in sâu vào tâm trí họ. Đó là việc Chúa Giêsu đã làm khi Ngài kết hợp hành động như diễn kịch đó với ngày lễ cổ của dân tộc Ngài, để nó càng in sâu hơn vào tâm trí các môn đệ Ngài. Ngài phán “Hãy xem như bánh này đã bị bẻ ra làm sao, thì thân thể ta cũng sẽ vì các người mà bị vỡ nát ra như vậy. Chén đựng chất rượu màu đỏ này bị đổ ra làm sao thì máu ta cũng sẽ vì các ngươi mà đổ ra như vậy”.
Ngài ngụ ý gì khi bảo rằng chén này tiêu biểu cho Giao Ước mới? Từ Giao Ước là một chữ rất thông thường trong tôn giáo Do Thái. Nền tảng của Do Thái giáo là Thiên Chúa đã lập một Giao Ước với dân Israel. Từ này có nghĩa là một sự dàn xếp, trả giá, một hợp đồng hai chiều. Việc thừa nhận Giao Ước cũ được nói rõ trong Xuất hành 24,3-8. Theo đoạn sách đó chúng ta thấy Giao Ước hoàn toàn tuỳ thuộc việc dân Israel tuân giữ luật. Nếu luật bị vi phạm thì Giao Ước cũng bị vi phạm, và mối liên hệ giữa Thiên Chúa với dân Israel sẽ tan rã. Đây là một mối giao hảo hoàn toàn tuỳ thuộc luật và việc tuân giữ luật ấy. Thiên Chúa là vị thẩm phán. Vì không hề có ai giữ trọn luật nên phần khiếm khuyết luôn luôn ở về phía dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu phán “Ta phê chuẩn và ban hành một Giao Ước mới, một mối liên hệ, một hợp đồng mới giữa Thiên Chúa với loài người. Nhưng Giao Ước này không lệ thuộc vào luật mà tuỳ thuộc tình yêu. Nói khác đi, Chúa Giêsu muốn bảo rằng “Việc Ta đang làm đây để chứng minh cho các ngươi thấy Thiên Chúa yêu thương các ngươi như thế nào”. Loài người không chỉ đơn giản ở dưới luật của Thiên Chúa. Vì điều Chúa Giêsu đã thực hiện, họ mãi mãi ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là yếu tính của những gì Tiệc Thánh nói lên với chúng ta.
Có thể ghi nhận thêm một điểm nữa. Trong câu cuối cùng, một lần nữa chúng ta lại thấy hai điều thường thấy: Chúa Giêsu biết Ngài sắp phải chịu chết và Ngài đã biết Nước Ngài sắp đến. Ngài chắc chắn về thập giá, và cũng chắc chắn không kém về vinh quang. Lý do khiến Ngài biết chắc cả hai như vậy vì Ngài biết cách chắc chắn về tình yêu của Thiên Chúa cũng như biết chắc về tội lỗi của loài người. Và Ngài biết cuối cùng thì tình yêu sẽ chinh phục tội nhân.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam