Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1378879

THẬP GIÁ, TÌNH YÊU CỨU ĐỘ

THẬP GIÁ, TÌNH YÊU CỨU ĐỘ-  Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam

Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay được mở đầu với bầu khí hân hoan phấn khởi qua nghi thức rước lá nhằm tưởng nhớ lại việc Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem. Đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu “Hosana, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nhưng liền sau đó, phụng vụ Lời Chúa lại trình bày cho chúng ta con đường thập giá và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua bài thương khó. Giáo hội muốn làm nổi bật Mầu nhiệm Thập giá trong suốt Tuần thánh để người Kitô hữu xác tín: Thập giá, tình yêu cứu độ. Thập giá, con đường vinh quang phục sinh.

Sau đây, chúng ta chiêm ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua Tin mừng thánh Marcô vào dịp lễ Vượt Qua năm 30; lễ vượt qua cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Hôm đó, người ta đổ về Giêrusalem để mừng lễ, nhiều người ngoại quốc cũng đến để chung vui với người Do Thái vào dịp đại lễ này. Họ chứng kiến một vị ngôn sứ là Chúa Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh thập giá. Người ta tố cáo Ngài với hai tội danh là phạm thượng “tự xưng mình là Thiên Chúa” và tội phản động chống lại hoàng đế Rôma “Người này nói dân nổi loạn”. Nhưng trước mắt toàn dân, quan án Philatô xét xử và xác nhận: Ông Giêsu không có tội, ta truyền đánh đòn và tha ông.

Các thượng tế, luật sĩ, biệt phái nhất định giết Đức Giêsu. Họ sách động dân chúng lên án Chúa Giêsu “đóng đinh nó vào thập giá”. Sau cùng Philatô đã viết bản án “đóng đinh ông Giêsu” và tha cho tên trộm cướp giết người là Baraba.

Để cứu độ nhân loại, Đức Giêsu đã chấp nhận án tử hình thập giá, chấp nhận chết để cứu sống nhân loại tội lỗi. Con đường Đức Giêsu đã đi là con đường thập giá, con đường tử nạn để cứu nhân loại khỏi tội và đưa con người vào cõi sống muôn đời như lời thánh Phêrô đã nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2, 24). Vì thế Giáo hội đã hướng nhìn thập giá với niềm tin:

“Ôi Thập giá, phước lành thế giới,

Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan”(Thánh thi kinh trưa Thứ sáu tuần thánh)

Thập giá là đỉnh cao của con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại được thể hiện qua cái chết của Đức Giêsu Kitô: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu dám chết cho người mình thương. Đức Giêsu đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).

Chúa Giêsu chết trên thập giá: một cái chết yêu thương, tự nguyện, tha thứ để con người được cứu sống: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết”. Chỉ khi Chúa chết mới giải quyết được mọi vấn đề liên quan tới sự kiện Đức Giêsu Kitô “Ngài là ai”? Người Do Thái thời Chúa Giêsu không thể chấp nhận Ngài là Đấng Messia, bởi người ta chỉ trông chờ một Đấng Messia có tính cách chính trị để giải phóng dân Do Thái khỏi đế quốc Rôma. Họ không thể hiểu được “Đấng Cứu Thế phải chết thay cho muôn người”, “Đấng Messia cứu độ”. Qua cái chết của Chúa Giêsu, chúng ta tìm được lời giải đáp về căn tính của Đức Giêsu.

Chính khi Đức Giêsu tắt thở trên thập giá, là lúc Chúa Giêsu trở nên Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại như lời Ngài đã nói trước: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Chính lúc Chúa chết là lúc Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết, vì Ngài đã chu toàn sứ mạng cứu độ của Thiên Chúa Cha. Chính giờ phút Chúa chết là lúc Chúa được Thiên Chúa Cha tôn vinh.

Chứng kiến Chúa chết trên thập giá, viên sĩ quan Rôma đâm cạnh sườn Chúa đã phải thốt lên với niềm tin vào Đức Giêsu: “Ông này quả thật là con Thiên Chúa”. Người trộm bên hữu cùng chịu đóng đinh đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi! Khi Ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi… Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 42-43).

Dưới chân thập giá nhiều người đã đấm ngực và tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu “Ông này quả thật là Con Thiên Chúa”.

Cái chết đầy yêu thương và tha thứ của Chúa Giêsu đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: Đức Giêsu là ai? Đức Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại và là Thiên Chúa thật.

Bước vào Tuần thánh là bước vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô và cũng là hành trình tiếp cận tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.

Bước vào Tuần thánh là đi vào cuộc hành trình tiến lên đỉnh cao phục sinh với Đức Giêsu. Nhưng sẽ chẳng có Đức Giêsu phục sinh nếu không có Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết. Sẽ chẳng có chiến thắng vinh quang, nếu không có chiến đấu gian nan và đau khổ tột cùng trên thập giá. Thật đúng như tục ngữ Hoa Kỳ: “Không có thập giá, không có triều thiên, không có đau khổ, không có thắng lợi. (No cross, no crown, no pain, no gain).

Đón nhận khổ giá với sức mạnh của tình yêu là đồng hành với Đức Kitô trên con đường cứu thoát chính mình và tha nhân. Như thế, thập giá, tình yêu cứu độ; Thập giá, con đường vinh quang phục sinh.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

CHÚA GIÊSU, NGƯỜI TÔI TỚ ĐAU KHỔ CỦA THIÊN CHÚA-  Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê

Chết vì người khác là một nghĩa cử anh hùng, cao quý luôn được người đời tán dương và ca ngợi.

Cha Maximilian Kolbe, Linh mục dòng Thánh Phanxicô khó khăn, được cả thế giới biết đến vì một nghĩa cử anh hùng. Bị bắt giam trong nhà tù Auschewitz. Tại đây người ta áp dụng một đạo luật hết sức tàn nhẫn và bất công: nếu một người trốn trại thì người khác phải chết thay. Mục đích là để các tù nhân tự coi nhau. Năm đó, một tù nhân trốn trại, tất cả được gọi xếp hàng chờ tên cai ngục chỉ gọi tên. Gọi tên ai thì người đó phải chết. Một tù nhân được gọi tên mình, anh khóc lóc kêu gào vì còn cha mẹ già, vợ và bốn con. Đột nhiên một tù nhân bước ra khỏi hàng đến trước mặt tên quản trại: “Tôi muốn chết thay cho người này”. Hắn hết sức kinh ngạc trước hành động anh hùng của người tù. Hắn gằn giọng: “Mày là ai?” “Là linh mục công giáo”. “Không cần biết danh tính địa vị, ngu thì chết, vào hàng”. Thế là mười người được dẫn đi, bị bỏ đói cho đến chết. Cha Maximilian Kolbe là một trong số họ.

Ngày 10 tháng 10 năm 1982, Cha được Đức Giáo Hoàng J-P. II tôn phong lên hàng các thánh tử đạo. Một người đã chết vì sự sống của anh chị em mình. Cha thật là hình ảnh của Đức Kitô, Mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên: “Ta đến để cho chiên được sống và được sống dồi dào” (Jn 10, 10).

Câu chuyện cha Maximilian Kolbe mở lối cho chúng ta vào phụng vụ Lời Chúa hôm nay: Chúa Giêsu, Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa, chịu nạn, chịu chết vì sự sống trần gian.

Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ Isaia, phác họa chân dung Người Tôi Tớ Chúa:

-Là Người được Chúa huấn luyện để phục vụ lợi ích cộng đoàn, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bất hạnh: Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Chúa huấn luyện để ngài luôn sống trong tỉnh thức, luôn sẵn sàng tìm kiếm và đáp trả thánh ý Chúa.

-Là Người ngoan ngoãn dễ dạy, khiêm tốn, hiền lành như con chiên bị dẫn đi làm thịt, không mở miệng than van, hiền lành nhẫn nại dạy đường lối Chúa cho kẻ bất lương với châm ngôn: cây lau bị dập, Người không bẻ gãy, tim đèn còn khói, Người không dập tắt.

-Là Người can đảm cứ đường lối Chúa mà đi, nghĩa là cương quyết sống trong và bảo vệ chân lý, chứ không phải là hạng người cuồng tín và liều lĩnh.

Người Tôi Tớ mẫu mực này chỉ có thể đậu lại nơi Chúa Giêsu, nơi Ngài hội tụ đến mức hoàn hảo các nhân đức mà Ngôn sứ Isaia diễn tả.

Marcô, trong bài Tin Mừng, ghi lại bản án tuyên đọc trên Chúa Giêsu. Chủ đích của ngài, không nhằm kê khai những tội trạng người ta vu khống và gán cho Chúa, nhưng đề cập đến những ân huệ dẫy tràn trên chúng ta trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa:

Ân huệ lớn lao nhất là bí tích Thánh Thể. Trong khi cử hành lễ Vượt Qua theo truyền thống Do Thái, Chúa Giêsu muốn sống lại biến cố được giải thoát khỏi kiếp nô lệ Ai-Cập, đồng thời Ngài muốn thực hiện cho dân mới một lễ Vượt Qua mới mà chiên vượt qua là chính bản thân Ngài được hiến tế vì chúng ta. Này là Mình Ta, này là Máu Ta, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được ơn tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta. Ân huệ ấy được thực hiện trong thời gian cho đến tận thế, vì lẽ, mỗi khi bí tích Thánh Thể được cử hành là mỗi lần ơn cứu độ chúng ta được thực hiện.

Hồng ân sự sống được ban tặng trong sự chết của Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Thiên Chúa. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã thực hiện kế hoạch của Chúa Cha: “Nơi cạnh sườn của Đấng bị đâm thâu qua, máu và nước chảy ra, từ đó phát sinh các bí tích của Hội Thánh, để lôi kéo mọi người đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế, thì muôn đời hân hoan kín múc tận nguồn ơn cứu độ” (kinh tiền tụng lễ Thánh Tâm).

Người kitô hữu không coi thập giá là phương tiện hành hình tội nhân, mà coi như dấu chỉ của sự bình an, của tình yêu, ơn tha thứ và sự sống: “Phần tôi, khi nào được giương cao lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12, 32). Do vậy, trong ngày thứ sáu tuần thánh, chúng ta tôn vinh thập giá của Đấng chịu đóng đinh: “Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô, nơi Người ơn cứu độ ta, sức sống của ta và sự phục sinh của ta” (phụng vụ thứ sáu tuần thánh).

Đức Giêsu vì yêu thương đã tự hiến, tự hủy mình ra không vì chúng ta và vì sự sống trần gian. Thánh Phaolô, trong bài đọc II, nhìn thấy thập giá trong biến cố Ngôi Lời nhập thể: “Đức Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa…”. Trong sự tự hủy “trở nên người”, Ngài đã kéo chúng ta lên địa vị làm con Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta điều này: Thiên Chúa rất mực yêu thương, rất khôn ngoan lo liệu hết mọi phương thế để chúng ta được ơn cứu độ và được sống. Chúng ta có thâm tín rằng: Chúa yêu tôi và Ngài đã chết vì tôi không? Đây là câu trả lời hệ trọng, vì nó kéo theo cả cuộc đời vào trong tâm tình cảm mến tri ân Đấng đã yêu thương và chết vì chúng ta là kẻ có tội. Khi anh em còn là tội nhân thì theo kỳ hẹn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta là những kẻ có tội.

Để cảm tạ và đáp đền lòng Chúa yêu thương, mỗi người chúng ta cần có lòng sám hối, ăn năn và nhất là sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. Một đời sống phù hợp với Tin Mừng: công bằng, chính trực, bác ái, yêu thương, nhất là xây dựng tình hiệp thông từ trong gia đình tới cộng xã hội nơi chung ta cùng chung sống.

Một khi đã được mặc lấy Chúa Giêsu, anh em đừng theo lối sống xưa kia, con người cũ đã ra hư hốt buông theo những đam mê lầm lạc. Nếu cuộc đời chúng ta sống tâm tư của Chúa, chắc chắn sẽ có con người mới, gia đình mới, xã hội mới và một thế giới mới.

Xin Chúa thương chúc lành cho chúng ta trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay. Amen.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

VÂNG PHỤC NGAY CẢ CHẤP NHẬN CÁI CHẾT-  Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Biến cố chi phối toàn bộ đời sống Kitô hữu, là biến cố Đức Giêsu chết và phục sinh. Qua biến cố này, Kitô hữu nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và Đức Giêsu trở thành gương mẫu sống cho mọi Kitô hữu.

Người Tôi Tớ Đau Khổ của Yavê

Bài ca thứ ba về người tôi tớ Yavê trong sách tiên tri Isaya cho thấy hình ảnh người tôi tớ Yavê, luôn lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa; Ngài đã bị đánh, bị xỉ nhục; tuy nhiên, người tôi tớ Yavê luôn tin tưởng và trông cậy Thiên Chúa. Hình ảnh người tôi tớ Yavê được thấy nơi các tiên tri, chẳng hạn như tiên tri Yêrêmia, và hình ảnh này được thấy thật rõ nét nơi Đức Giêsu.

Đức Giêsu không đi tìm cái chết. Ngài không muốn chết, và Ngài sợ đau khổ như bất cứ ai khác: “Ngài bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các tông đồ: tâm hồn thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc.14, 33-34). Ngài cầu xin với Thiên Chúa Cha: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm theo điều con muốn, mà làm theo điều Cha muốn” (Mc.14, 36).

Đức Giêsu đã chia sẻ thân phận con người cho đến cùng. Ngài chia sẻ sự sợ hãi, chia sẻ nỗi buồn, cả nỗi buồn đến độ muốn chết được. Đức Giêsu sợ hãi cái chết, vì con người khi đứng trước cái chết luôn run sợ. Đức Giêsu đã vượt thắng nhờ cầu nguyện và lòng tin tưởng phó thác. Con người chỉ có thể an bình trước cái chết với một niềm tin và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Không phó thác cho Thiên Chúa, Đấng yêu thương mình, con người không thể an bình đón nhận cái chết. Khi nói như vậy, không có nghĩa những người không là Kitô hữu không thể có cái chết an bình, trong trường hợp này, Thiên Chúa chính là Đấng Tuyệt Đối mà họ tin, hoặc ít là, Đấng là chủ lương tâm họ.

Đức Giêsu vâng phục cho đến chết

Đức Giêsu không chỉ là người. Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Khi Ngài còn đang sống, không ai dám tin và nhờ đó mà biết thân phận của Ngài, tuy dù đã có những lần Ngài mặc khải: “Ta và Cha Ta là một” (Ga.10, 30), “không ai biết Cha trừ Con và những người Con muốn mặc khải cho” (Mt.11, 27), “ông này phạm thượng. Ai có quyền tha tội ngoại trừ một Thiên Chúa” (Mc.2, 7), “trước khi có Abraham, đã có Ta” (Ga.8, 58), “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng quyền năng và đến trên mây trời” (Mc.14, 62).

Không những không ai dám tin, kể cả các tông đồ, vì làm sao các ngài có ý niệm “Thiên Chúa nhập thể” hay “Thiên Chúa làm người.” Tất cả những điều này hoàn toàn xa lạ với con người. Chỉ sau khi Ngài phục sinh từ cõi chết, các tông đồ mới dần dần hiểu trọn vẹn về Ngài: “Khi nào Thần Chân Lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào tất cả sự thật” (Ga.16, 13). Không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể nhận biết về Ngài.

Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, là Đấng thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn đến độ Ngài và Cha là một (Ga.10, 30). Ngài có quyền tha tội (Mc.2, 7), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha (Mc.14, 62). Và sau đó tác giả tin mừng theo Yoan viết: “Từ nguyên thủy đã có Lời, Lời vẫn ở nơi Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa… Lời đã thành xác phàm” (Ga.1, 1.14). Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu, tuy là thân phận Thiên Chúa, nhưng không đòi cho được ngang bằng Thiên Chúa” (Pl.2, 6). Ngài thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn đến độ nói Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn khác Cha. Ngài vẫn luôn quy hướng về Cha qua cầu nguyện (Mc.1, 35), qua việc lấy Ý Thiên Chúa làm của ăn của uống cho Ngài (Ga.4, 34), đến độ Ngài xịn cho Ý Cha được thể hiện nơi Ngài (Mc.14, 36; Mt.6, 9-10). Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa khác Thiên Chúa: Ngài là Lời Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai. Nói một cách nôm na, không thể tách Ngài khỏi Thiên Chúa. Ngài vừa khác với Thiên Chúa, vừa là một với Thiên Chúa.

Vạn tuế Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến

Phụng vụ hôm nay cho thấy Đức Giêsu vào thành Yêrusalem và được dân chúng long trọng đón rước như một vị vua, vị vua được Thiên Chúa xếp đặt và sai gởi tới. Người ta trải áo lót đường, chặt nhành cây trải lối để vị vua thiên sai đi qua. Dân chúng hôm nay đón tiếp Ngài vì coi Ngài là Đấng Thiên Sai, nhưng chỉ mấy ngày sau những người dân này đã xin Philatô đóng đinh Đức Giêsu, vì cho rằng Ngài lộng ngôn phạm thượng: “dám cho mình là Con Thiên Chúa” (Ga.19,5), dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Người Do Thái không thể hiểu tại sao một người lại có thể là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Thế nên khi phải xử tử Đức Giêsu, họ hoàn toàn ý thức và cho rằng họ làm đúng hoàn toàn: “Máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và trên con cháu chúng tôi” (Mt.27, 25). Sự thật về Đức Giêsu vượt quá sức hiểu biết của con người. Chân tính của Đức Giêsu không ai có thể ngờ được. Dân chúng Do Thái chỉ muốn giết một tên phạm thượng, vì đối với họ, làm gì có chuyện Thiên Chúa nhập thể. Chính vì vậy, họ không ngờ rằng họ giết Thiên Chúa.

Đức Giêsu cứ sống như Ngài là. Ngài làm điều phải làm, nói điều phải nói. Số phận Ngài nằm trong tay của Thiên Chúa tình yêu. Tuy dù lo lắng xao xuyến như bao người, nhưng cuối cùng Ngài vẫn phó thác, tin tưởng trông cậy tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu trở thành gương và mẫu mực sống cho mọi Kitô hữu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Tại sao người công chính phải đau khổ và phải chết?
  2. Tại sao Đức Giêsu, người công chính, bị hành hạ và phải chết ô nhục trên thập giá như vậy?
  3. Xin bạn tìm ba chỗ trong Tin Mừng Máccô Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ bị bắt, bị giết, và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Theo bạn, tại sao Đức Giêsu lại thốt lên khi bị treo trên thập giá “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” khi đã có lúc Ngài biết rõ ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại?

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

NHỮNG IM LẶNG SAU TIẾNG HOAN HÔ-  Lm. Trịnh Ngọc Danh

Lần thứ ba, Chúa Giêsu tiên báo về sự chết và sự sống lại của Ngài: “Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế, các luật sĩ và các kỳ lão. Họ sẽ kết án tử hình Người, và nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo cười Người, phỉ nhổ vào Người, đánh đòn và giết Người và ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. (Mc. 10,33)

Thế là Thầy trò lên đường đi lên Giêrusalem. Chúa Giêsu dẫn đầu đi trước các môn đệ và các ông hết sức bỡ ngỡ, những người theo sau thì sợ hãi. (Mc. 10,32)

Khi đến gần thành Giêrusalem, vào địa hạt Bếtphagê, giáp núi Cây Dầu, Chúa Giêsu sai hai môn đệ: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp một con lừa cột sẵn, trên lưng nó chưa hề có ai đã cỡi, các con hãy cởi dây mà dắt về đây.” Nếu có ai hỏi thì bảo Chúa cần dùng rồi Ngài sẽ trả lại ngay. Hai môn đệ dẫn lừa con về, trải áo lên mình lừa và Ngài cỡi lên. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt cành cây trải lối đi: kẻ đi trước, người theo sau tung hô: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến: chúc tụng nước Đavít tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời”.

Chúa Giêsu đã long trọng tiến vào thành Giêrusalem bất chấp những đối thủ đang hầm hực tìm cách bắt Ngài. Đến thành Giêrusalem, Ngài tiến vào đền thờ và sau khi đã quan sát mọi sự, thấy trời đã xế chiều, Ngài về Bêtania cùng với nhóm mười hai môn đệ.

Vinh quang trong ngày Lễ Lá chỉ là một thoáng qua và sau đó là những gì sẽ xảy ra? Thưa, đó là những bội phản, những trốn chạy, những a dua và những im lặng khó hiểu.

Chúa Giêsu im lặng

Chúa Giêsu bị bắt vào đêm thứ năm.

Trước khi chính thức bị đưa ra tòa xét xử, Ngài đã bị áp giải đến dinh cựu thượng tế Anna, là người rất có uy tín vào thời đó, nhưng lại là người có ác cảm với Chúa Giêsu. Ông muốn biết cặn kẽ về Ngài, nhưng ông cũng không khai thác được gì, vì Ngài vẫn một mực giữ thái độ im lặng. Tức giận, ông truyền áp giải Chúa Giêsu sang cho Caipha, con rể của ông đang làm thượng tế năm ấy.

Caipha cho triệu tập 72 thành viên của Thượng Hội Đồng, tòa án tối cao của người Do thái. Trước tòa, có nhiều vị đã đứng lên tố cáo Chúa Giêsu là lộng ngôn, phạm thượng dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, đã công khai tuyên bố phá đền thờ Giêrusalem và xây lại trong ba ngày, đã nhiều lần vi phạm qui luật về ngày Sabbat…Trước những lời tố cáo ấy, Chúa Giêsu vẫn im lặng không một lời phân bua, biện hộ. Và Ngài chỉ trả lời cho Caipha những gì Ngài cần phải nói khi ông hỏi Ngài có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa không, Ngài đã trả lời: “Đúng như lời ngài nói”. Và Caipha bực tức, xé áo và tuyên bố: “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa! Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?” Ai nấy đều lên án Ngài đáng chết. Nhưng kể từ khi bị người Rôma đô hộ, người Do thái không có quyền kết án tử hình bất cứ ai, nếu không có sự ưng thuận của chính quyền Rôma. Nên sáng hôm sau, họ lại áp giải Chúa Giêsu tới tòa tổng trấn Philatô, một viên chức cao cấp nhất, đại diện cho chính quyền Rôma tại nước Do thái để xin chuẩn nhận bản án tử hình.

Trước tòa Philatô, thay vì tố cáo Chúa Giêsu về tội thuộc lãnh vục tôn giáo, họ lại chuyển những lời tố cáo sang lãnh vực chính trị: tội tự xưng là vua dân Do thái. Philatô thấy không có gì đáng kết tội, nhưng thấy họ lại càng hung hăng dữ tợn hơn đòi đóng đinh Chúa vào thập giá; vì muốn tránh né trách nhiệm, ông đã chuyển vụ án qua cho Hêrôđê, một người từ lâu đã muốn gặp Chúa Giêsu, nhưng gặp rồi, ông lại thất vọng vì Ngài chẳng thỏa mãn được tính tò mò ham vui của ông. Ông đã hùa với lính để chế diễu Chúa, rồi trao trả lại cho Philatô.

Tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng Philatô rửa tay thanh minh mình vô can trong việc đổ máu người vô tội và sau cùng đã buông xuôi trao Chúa Giêsu cho họ để mặc cho họ hành động theo ý họ. Họ đã bắt Chúa vác thập giá, đóng đinh vào thập giá và cuối cùng Ngài đã chết trên thập giá.

Từ đầu vụ án cho đến lúc kết thúc, Chúa Giêsu đã im lặng trước những gì người ta vu khống. Không một lời kháng cáo, không một lời biện hộ.

Cái im lặng của Chúa Giêsu là vâng phục, là chấp nhận trong tinh thần tự nguyện, không oán trách, không kêu ca: “Lạy Cha, nếu có thể được thì cho con khỏi uống chén này, nhưng không phải theo ý Con mà xin vâng theo ý Cha.” Chính vì tinh thần tuân phục theo ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã im lặng chấp nhận những gì sẽ xảy đến.

Sự im lặng như thế phải chăng là một hình thức im lặng như Euripide đã nói: “Im lặng là thú nhận”, là xác nhận những lời người ta tố cáo như: “phá đền thờ, ba ngày sẽ xây dựng lại, tự xưng là Con Thiên Chúa, là vua dân Do thái”. Tất cả những lời tố cáo ấy là đúng như Chúa đã từng nói; nhưng khi bị người ta xuyên tạc, bóp méo tố cáo là “xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Xêsarê…” thì Chúa Giêsu lại im lặng không một lời thanh minh, cải chính! Với suy nghĩ của con người, thì đây là một sự im lặng khó hiểu!

Nếu những lời tố cáo là chân lý, là đúng sự thật thì tại sao con người lại kết tội. Phải chăng tiếng nói thiện tâm đã bị tà tâm bắt im tiếng!

Lương tâm im lặng.

Philatô biết rõ chỉ vì ghen ghét mà người ta đã nộp Ngài (Mt. 27: 18), đã tuyên bố:“ Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi” (Mt. 27: 24), “ Ta không thấy người này có tội gì” (Lc. 23: 4), “ Ta không thấy nơi người này có lý do để kết án” (Ga. 18: 38). Thế mà ông lại không dám quyết định, lại sợ đụng chạm đến uy thế và quyền lợi của mình, và cuối cùng đã xếp Con Thiên Chúa ngang hàng với một tên trộm cướp.

Các thầy thượng tế và toàn thể công nghị cố tìm cho được một chứng cớ buộc tội Chúa Giêsu để giết Ngài, song họ không tìm ra. Có nhiều kẻ cáo gian Ngài, nhiều kẻ làm chứng gian, nhưng chứng cớ của họ không ăn khớp. Cáo gian, làm chứng gian để buộc tội một người vô tội như thế là hợp tình, hợp lý ư? Thế mà họ cứ khăng khăng cho là sự thật; vậy lương tâm ngay thẳng của họ ở đâu? Phải chăng nó đã chết, đã buộc phải im hơi lặng tiếng để cho ác tâm, thù hận, ghen ghét lên tiếng!

Thỏa hiệp, đồng ý, đồng lõa với những gì sai trái, những gì không đúng sự thật là im lặng với chân lý, với lẽ phải. Một sự im lặng khó hiểu!

Lòng tin và lòng mến im lặng

Hơn ai hết, các môn đệ là những người theo Chúa, được Chúa yêu thương dạy dỗ để mai sau còn tiếp nối công việc của Ngài, thế mà vào những giấy phút gay go nhất thì có người đã đang tâm bán đứng Thầy mình với mấy chục đồng bạc như Giuđa Iscariốt; có người đã nhiều lần thề thốt sống chết với Thầy, nhưng trước hiểm nguy lại ba lần chối bỏ Thầy mình: Tôi không biết, tôi không quen..Dường như tất cả các môn đệ đã rút vào bóng tối vì sợ liên lụy, sợ nguy hiểm đến tính mạng..

Về phía dân Do thái, họ đã từng theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng dạy giáo lý, đã được thấy Ngài làm nhiều phép lạ, đã được cho ăn no nê. Hôm trước, người ta lớn tiếng: Hoan hô Con vua Đavít, thì hôm sau lại gào thét: Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập gia! Và nhục nhã hơn, họ xem người họ đã từng tin tưởng không bằng tên trộm khét tiếng là Baraba!

Sợ liên lụy, tin hời hợt, a dua, phản bội…phải chăng đó là bất trung, bất tín! Là những im lặng khó hiểu nơi những người mang danh Kitô hữu!

Qua thái độ im lặng của các môn đệ và của dân Do thái, có lẽ đây cũng là cơ hội để chúng ta xét đến thái độ im lặng của chúng ta ngày nay.

Có những lúc chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu im lặng để nghe theo thánh ý Thiên Chúa, để chấp nhận những nghịch cảnh, những bất ưng vì Thiên Chúa và có những lúc chúng ta không được im tiếng khi cần phải bảo vệ công lý và lẽ phải, khi cần phải loan báo Tin mừng đến cho muôn người nhận biết.

Với một tâm tình đơn sơ, chân thật, chất phát của trẻ em, chúng ta hãy bắt chước trẻ em Do thái reo vang ca tụng: Hoan hô Con vua Đavít; chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Đừng như dân Do thái: Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, rồi lại nhất quyết đòi đóng đinh Chúa vào thập giá, lại xin tha Baraba, một tên trộm cướp và giết Giêsu, Đấng cứu chuộc nhân loại.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ- Năm B

TÌNH CHÚA, TÌNH NGƯỜI-  Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội bắt đầu cử hành Chúa Nhật Lễ Lá. Có nghi thức làm phép lá, phát lá và kiệu lá. Chỉ những người trong đạo mới hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Lá. Khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem thì các trẻ Dothái cầm nhành ôliu đi đón Chúa, lấy áo trải xuống đường và reo vang ca tụng rằng: Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Lạy vua Israel! Hoan hô trên các tầng trời! Tiếp theo, chúng ta nghe bài Bài Thương Khó với những diễn tiến xảy ra mấy ngày cuối đời của Chúa Giêsu trên trần gian. Dân chúng hùa theo với quân lính và những kẻ thù ghét Chúa Giêsu với những lời phản bội sát phạt: Xin phóng thích Baraba và giết đi, đóng đinh nó vào thập giá. Những cành lá tung hô đã cuốn thành vòng gai nhọn đặt trên đầu của Chúa.

Chương trình cứu độ trải dài suốt dọc lịch sử của dân Dothái, từng biến cố xảy ra đều mang dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện diện sát cánh qua mọi biến cố thăng trầm với dân riêng của Người. Tình yêu của Thiên Chúa đã thắng vượt sự dữ và tội lỗi. Tình Chúa bền vững thiên thu không hề thay đổi trong khi lòng người đổi thay. Biết bao lần chính Dân mà Chúa đã chọn, bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại bang được đúc bằng đất đá. Dân chúng quay lưng chạy theo những đam mê sắc dục, tiền tài danh vọng và tìm thoả mãn mọi đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Tiên tri Daniel đã thân thưa cùng Chúa: “Tôi đã cầu xin Chúa là Thiên Chúa của tôi, đã thú nhận và thưa Người rằng: Chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài” (Dn 9,4-5).

Tình yêu Chúa cứ dõi theo những con người lạc bước và tạo cơ hội cho họ trở về như dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’ hay còn được gọi là ‘Người con hoang đàng’ (Lc 15,11-32).

Thiên Chúa không bỏ rơi con người trong lầm lạc, nhưng đã ban và phó thác chính Con của mình làm của lễ cứu độ. Chúa Giêsu đã phán: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).

Chúa Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa và là Đấng được Xức Dầu đã hoàn tất mọi lời tiên tri đã loan báo về Người. Biến cố thương khó đã xảy ra và ứng nghiệm mọi lời đã tiên báo.

Biến cố Chúa Giêsu được đón rước vào thành Giê-ru-sa-lem thì vắn gọn. Sự vinh quang trần thế tuỳ thuộc vào con người chỉ có thế, luôn đổi thay. Từ những lời hoan hô ca ngợi mau chóng biến thành những lời nguyền rủa, chế giễu và kết án. Cách đối xử của con người thật là vô ơn bội bạc. Chúa dạy dỗ, chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, cho ăn uống no say và dẫn về đàng thật nhưng lòng người thì tráo trở, lật lừa và đổi trắng thay đen. Chúa Giêsu đón nhận tất cả sự xỉ nhục này như của lễ dâng tiến lên Chúa Cha. Chúa gom tóm tất cả tội lỗi xấu xa của con người để đóng gim vào thánh giá. Của lễ châu báu trên thập giá là giá máu cứu chuộc.

Mỗi người nghe bài tường thuật sự Thương Khó của Chúa Giêsu với những tâm tình khác nhau. Có người nghe qua bài Thương Khó và nghĩ đây là một câu truyện đáng thương thuộc quá khứ. Đôi người lại có thái độ như khách bàng quan coi sự sống chết của Chúa Giêsu chẳng liên quan gì tới đời sống tâm linh của họ. Có người cảm thương sự đau đớn và khổ nhục của Chúa, nhưng rồi lại có thái độ thù ghét, kết án dân Dothái, chính quyền, trưởng tế, quân lính, người phản bội và các đồng bọn đã giết Chúa. Hôm nay, chúng ta nên có một tâm tình tôn kính về sự thương khó của Chúa. Chúng ta suy gẫm và chiêm niệm từng lời nói, từng hành động, từng giọt mồ hôi, giọt máu rơi xuống và từng bước chân ngã quỵ trên đường tiến lên Núi Sọ. Tất cả mọi khổ đau về tinh thần và cũng như thể xác của Chúa đều là sự trả giá cho tội lỗi và bất trung của loài người.

Các lãnh đạo tôn giáo và chính quyền đã toa rợp để tiêu diệt một người công chính. Vì yêu thương nhân loại, Chúa đã chấp nhận tất cả mọi khổ đau. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu đang mạnh khoẻ, đã bị bán, bị bắt, bị chối bỏ, bị xét xử, bị xỉ nhục, bị đánh đập, bị đói khát và bị hành hạ cho đến chết trên thập giá. Mỗi một hành vi lên án dù nhỏ mọn cũng đã góp phần đưa đến sự chết của Chúa. Chúa không than van trách móc, nhưng còn thương xin Chúa Cha tha thứ cho lỗi lầm của họ. Mầu nhiệm của tình yêu gắn liền với mầu nhiệm của sự đau khổ. Sự đau khổ, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là cao điểm của ơn cứu độ. Đây là Lễ Vượt Qua mà Giao Ước mới được ký kết bằng Máu Châu Báu của Chúa.

Chúng ta có thể gọi các hành vi xấu ấy là tội lỗi của thế gian. Tội bất trung, tội phản nghịch, tội làm chứng dối, tội cáo gian, tội đoán xét, tội thù ghét, tội xỉ vả lăng nhục, tội hại người, tội bất công, tội đồng loã, tội gian tà và tội giết người bằng môi miệng, thái độ và hành động. Tất cả các tội đổ dồn trên đầu, trên vai, trên những bước chân trần và trong trái tim đầy lòng thương xót của Chúa. Qua bài Thương Khó của Chúa, chúng ta đừng gán ghép tất cả những tội lỗi giết Chúa cho quân Giudêu xưa. Không phải thế đâu! Chúa chịu hy sinh đền tội chung cho cả nhân loại. Khi chúng ta phạm tội là chúng ta lại tiếp tục quất những vết roi hằn trên thân mình Chúa. Thánh Phaolô đã kể lại là trong khi đi ruồng bắt các tín hữu, có một luồng sáng đánh ngã ông: Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Người nói với tôi: “Ta là Giêsu Nazareth mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 22,7-8).

Qua mọi thời, có một số người cứ muốn loại Chúa ra khỏi cuộc sống. Chối bỏ Thiên Chúa để con người được hoàn toàn tự do làm chủ đời mình. Đi tìm tự do để có thể thực hành điều mình mong muốn. Những ước muốn của con người thường là để xuôi theo dòng lạc thú tạm thời. Mọi thoả mãn vẫn không đáp ứng được những khao khát thầm kín thẳm sâu trong tâm hồn. Một số người muốn có thêm quyền lực, thêm danh vọng và thêm hưởng thụ. Họ tìm cách tiêu diệt mọi chướng ngại trên đường để tìm thỏa mãn quyền lực và ý riêng mình. Cha ông chúng ta đã giết chết các sứ giả, các tiên tri được sai đến và cả người Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa cũng bị loại trừ và giết bỏ.

Các thứ tội lỗi của chúng ta hôm nay cũng giống như các tội phản nghịch của người xưa, đều làm phật lòng Chúa. Mỗi khi phạm tội, chúng ta lại đâm thấu trái tim và đóng thêm gai nhọn vào thân mình Chúa. Thân mình Chúa chính là Giáo Hội của Ngài. Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Thánh Phaolô nói về sự liên kết giữa Chúa Kito và Hội Thánh: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Khi chúng ta phạm tội là chúng ta xúc phạm đến Chúa và chi thể của Chúa. Mùa Chay mời gọi chúng ta xét mình và xin ơn tha thứ để sửa mình. Giáo Hội không ngừng kêu gọi con cái mình hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm để được ơn cứu rỗi.

Trong Tuần Thánh, mỗi người chúng ta dành ít phút thinh lặng và chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu bị treo trần trụi trên thập giá. Chúng ta có thể hợp dâng lên Chúa tất cả những đau buồn, sầu khổ, chán nản, bị đổ vạ cáo gian, bị hàm oan, những lời châm chọc chỉ trích, nỗi cô đơn và tất cả những khổ đau của cuộc đời. Xin cho được ơn thông phần nhục nhã với Chúa trên khổ giá để đền vì tội của chúng ta. Xin Chúa thương tha thứ và ban sức mạnh để chúng ta tiếp tục vác thánh giá theo Chúa mỗi ngày. Chúa sẽ trao triều thiên vinh thắng cho những ai bền đỗ đến cùng.

home Mục lục Lưu trữ