Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 35

Tổng truy cập: 1378322

Thấy - Gọi - Bỏ - Theo

Thấy - Gọi - Bỏ - Theo

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Suy niệm:

Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ gia đình ở Nadarét, phải chia tay với người mẹ thân yêu, phải từ giã nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời.

Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống,

Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường

dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.

Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Nước Trời (c.14).

Ngài mời người ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15).

Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể tự mình làm mọi sự.

Ngài cần người cộng tác, dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ.

Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ Galilê.

Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của Ngài.

Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt cá.

“Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành những kẻ lưới con người” (c. 17).

Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương.

Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con người của Ngài,

chứ không phải theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp.

Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi họ: từ lưới cá đến lưới con người.

Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa nữa.

Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan.

Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với người cha.

Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như chẳng gì có thể làm xáo trộn.

Tiếng gọi của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly.

Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu.

Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ những thú vui của sông nước.

Hơn nữa họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu.

Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị lớn hơn,

bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu lớn hơn.

Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy.

Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20).

Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho người khác,

dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương,

dám bỏ lại cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.

Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng đáp lại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,

một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,

để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội

trên một tảng đá mong manh,

để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con

theo Chúa, sống cho Chúa,

đặt Chúa lên trên mọi sự:

gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối

viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,

đến những nơi bất ngờ,

vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,

bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,

hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

 

18. Đức Giêsu đến

(Suy niệm của Peter Feldmeier - Lm. GB. Văn Hào SDB chuyển ngữ)

Thời kỳ đã mãn (Mc 1,15)

Có một lần người ta đã công bố, vào ngày 21 tháng 5 năm 2011, Đức Giêsu Kitô sẽ trở lại và phán xử vũ trụ. Lời tuyên bố rất rõ ràng, rất khẳng quyết và đầy xác tín. Đó là câu tuyên bố của ông Harold qua chương trình phát thanh về gia đình. Chương trình phát thanh đã quảng bá rộng khắp nguồn tin trên, kèm theo những lời cảnh báo. Một ít người đã tin, và đã phân phát tài sản của mình cho bạn bè, cho hàng xóm và cho cả những người không quen biết. Chúng ta thử nghĩ xem, ví dụ bạn đang có một căn nhà sang trọng, hay một chiếc xe hơi đắt tiền, bạn nghe lời cảnh báo, và sẵn sàng từ khước mọi sự, không màng đến những thứ đó nữa. Vào ngày 23 tháng 5, chương trình phát thanh này lại công bố một lần nữa và xác nhận là Harold đã nói đúng. Đức Kitô thực sự đã đến, nhưng theo như họ nói, Ngài đến một cách linh thiêng. Cuộc phán xử đã xảy ra, nhưng nó diễn ra trong âm thầm và bí mật.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên có người tuyên bố về ngày tận thế. Vào thế kỷ 19, ông William Miller cũng quy tụ một số thân hữu lại, và loan báo Chúa Kitô sẽ đến vào ngày 21 tháng 3 năm 1844. Nhiều người tin ông ta, và nóng lòng chờ đợi. Rồi ngày đó cũng qua đi. Một tín đồ của ông Miller sau đó lại khẳng quyết, ngày Chúa đến sẽ được hoãn lại cho tới  21 tháng 10 năm đó, và điều này đã được nói tới trong sách ngôn sứ Habacuc. Những người theo ông Miller, tức môn phái: “Chờ đợi ngày thứ bảy của Chúa”, vẫn kì vọng như thế và họ tin là việc Chúa đến đã được thực hiện. Nhưng theo họ, Chúa thực thi cuộc phán xét vũ trụ một cách thầm lặng chứ không theo cách thái thông thường như người ta vẫn nghĩ tưởng.

Tuy nhiên, chúng ta thấy tư tưởng của Harold và Miller, qua những hạn từ biểu tỏ sự chờ đợi và vui mừng, khá giống với tư tưởng của Thánh Phaolô, có lẽ hơn hẳn chúng ta. Thánh Phaolô cũng nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại một cách bất ngờ, và Đấng Cứu thế sẽ đến ngay trong thời đại của Ngài (1Thes 4,17). Tư tưởng xác quyết này càng rõ nét hơn trong thơ thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô, đặc biệt qua bài đọc phụng vụ của Chủ nhật hôm nay. Thánh Phaolô khởi đầu đoạn văn với lời khẳng quyết: “Thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7,29). Ngài còn phác vẽ một viễn cảnh với năm lời khuyên dạy “Từ nay, ai có vợ hãy sống như không có, ai khóc lóc hãy làm như không khóc, ai vui mừng hãy sống như chẳng mừng vui, ai mua sắm hãy làm như không có gì cả, kẻ hưởng dùng của cải đời này hãy làm như chẳng hưởng.” Tóm kết những lời khuyên đó, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến động cơ và lý do phải hành xử như thế, chính là “Vì bộ mặt thế gian đang biến đi” (1Cr 7,31).

Thánh Phaolô đưa ra sứ điệp cấp thiết trên, quy chiếu vào lời  hiệu triệu của Đức Giêsu khi Ngài khởi sự ngày đầu tiên đi rao giảng công khai. Marcô trình thuật lại lời kêu gọi và cảnh báo của Đức Giêsu, mà bài Tin mừng hôm nay nhắc tới “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”. Nơi cả 2 bản văn của Thánh Phaolô và của Thánh sử Marcô, ý niệm nói về “thời gian” hay “thời kỳ”, được dịch từ hạn từ Kairos. Từ ngữ Chronos cũng nói về thời gian, nhưng đơn giản ám chỉ về thời gian đang xảy ra trong hiện tại. Còn hạn từ Kairos lại nói về một thời kì đặc biệt, một thời cơ đem đến cho ta, hay một thời khắc quan trọng của cuộc sống, ví dụ lúc chúng ta đang rơi vào một khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, hạn từ Kairos được dùng ở đây muốn nêu lên một điều quan trọng, đang xảy ra tại chính thời điểm này. Đức Giêsu công bố điều quan trọng đó, đó là thời kỳ Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ cho con người. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta phải sám hối. Sám hối, Metanoia, không phải chỉ là việc chúng ta từ bỏ tội lỗi. Nhưng trên hết, hành vi sám hối là một tư thế nội tâm, một động thái toàn diện nơi con người chúng ta để trở về với Chúa. Chúng ta phải quyết tâm định hướng lại, từ suy nghĩ, đến con tim và trọn cả đời sống, để quy về Thiên Chúa, đặt Ngài vào vị trí tối thượng nơi cuộc đời chúng ta. Nước Trời đã đến gần, và Nước Trời mà Chúa Giêsu gợi nhắc, mời gọi chúng ta phải thực sự biến đổi.

Thánh Marcô diễn tả lời gọi mời của Chúa Giêsu ngỏ trao cho bốn môn đệ đầu tiên, như là một sức mạnh đến từ Thiên Chúa. Đó là một lời cầu ngỏ cách tự nguyện, nhưng cũng là một mệnh lệnh hiển thị qua uy quyền được diễn bày, mà con người không thể cưỡng lại. Mệnh lệnh đó cũng đòi hỏi chúng ta phải đáp trả, ngay hôm nay và ngay lúc này. Trên bờ biển Galilê, Chúa Giêsu đã thấy Phêrô và Anrê. Ngài truyền lệnh “ Hãy theo tôi”. Sau đó Ngài gặp Giacôbê và Gioan, và cũng gọi hai ông với cùng một dạng thức truyền lệnh giống như thế. Marcô thuật lại, ngay lập tức cả bốn ông bỏ thuyền và lưới để đi theo Ngài. Giacôbê và Gioan còn bỏ lại cả cha của mình cùng những người làm công trên thuyền. Các ông bỏ lại tất cả để đến với Chúa. Uy quyền Đức Giêsu đã hoàn toàn chinh phục các ông.

Harold và William Miller đã tiên đoán sai. Thánh Phaolô thì không dám khẳng quyết ngày giờ chính xác Đức Kitô sẽ trở lại, cho dầu vị tông đồ vẫn kì vọng Chúa sẽ đến ngay trong thời đại của Ngài. Sự kỳ vọng đó hiển nhiên cũng sai. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chúng ta thấy lời khuyên dạy của Thánh Phaolô và của Chúa Giêsu vạch dẫn cho ta thấy rằng “ Tin mừng mà Chúa Giêsu đem đến sẽ kiến tạo một thời kỳ mới, một Kairos mới nơi chính cuộc đời chúng ta. Tin mừng khuyến mời chúng ta, cũng giống như một chỉ lệnh rất mạnh mẽ, là hãy hoán cải, hãy quy hướng trọn vẹn cuộc sống chúng ta về với Chúa. Điều đó không phải vì “ thời gian hiện tại , tức chronos đang qua đi”, nhưng Kairos “ thời kỳ ân điển, thời cơ mà Chúa gửi đến để giúp ta hoán cải”, đang được ngỏ trao cho chúng ta, ngay bây giờ.

Có bao giờ bạn nghĩ rằng, ngày hôm nay với tất cả những gì chúng ta đang vui hưởng, những niềm vui, những nét đẹp, những mơ ước chúng ta đang có…. được đồng hóa với thời điểm cùng tận vũ trụ mà chúng ta đang phải đối diện hay không? Giao ước tình yêu của Đức Giêsu mới thật sự là thời điểm sau cùng, là thực tại cánh chung, là giai đoạn cuối của lịch sử cứu độ. Giai đoạn cùng tận và thời điểm cánh chung đó không phải là lúc chúng ta phải buông xuôi tất cả, giã từ tất cả. Nhưng trên hết, đó là thời kỳ ân điển được hiến trao, để chúng ta mạnh mẽ đi vào thế giới hôm nay, với sức mạnh và lời gọi mời khẩn thiết của Đức Giêsu luôn vang vọng bên tai mỗi người: Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng.

 

19. Đáp trả lời mời gọi

Đọc lại Phúc Âm chúng ta thấy các môn đệ đã mau mắn và quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu. Thực vậy, ngày kia Chúa Giêsu đi dạo trên bờ hồ, Ngài nhìn thấy Simon và Andrê đang thả lưới dưới biển. Ngài bèn lên tiếng gọi: Hãy theo Ta và Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người. Lập tức các ông đã bỏ ghe thuyền chài lưới mà đi theo Chúa Giêsu.

Đi được một quãng, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới dưới thuyền với cha là Giêbêđê. Ngài cũng lên tiếng gọi: Hãy theo ta. Lập tức các ông đứng dậy, bỏ cha già ở lại với những người làm công mà đi theo Chúa Giêsu.

Lần khác, tại Capharnaum, Chúa Giêsu đi ngang qua một bàn thu thuế, nhìn thấy Matthêu, Ngài liền phán: Hãy theo Ta. Lập tức Matthêu đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu.

Từ những sự kiện cụ thể ấy, chúng ta thấy, trước hết là Chúa Giêsu. Ngài đã không chọn lựa những con người giàu sang và quyền thế, học rộng và biết nhiều. Trái lại Ngài đã chọn lựa những kẻ nghèo túng và đơn sơ làm môn đệ của Ngài. Ngài biết các ông thiếu khả năng và bị hạn hẹp rất nhiều. Nhưng đồng thời Ngài cũng thấy các ông là những người quảng đại và hết sức nhiệt tình. Chính vì sự quảng đại và nhiệt tình này, Ngài đã bắt tay vào công việc giáo dục các ông. Cắt nghĩa riêng cho các ông thấu hiểu giáo lý Tin mừng. Trao ban quyền hành và sai các ông đi thực tập truyền giáo, để rồi cuối cùng đã ủy thác cho các ông sứ mạng chèo lái con thuyền Giáo Hội. Trong khi chọn lựa các môn đệ, có lẽ Chúa Giêsu đã nghĩ tới Giáo Hội, và nhất là có lẽ Ngài đã nghĩ tới chúng ta, và muốn nói với mỗi người rằng: Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những kẻ chinh phục người khác…

Tiếp đến là các môn đệ. Lúc đầu có lẽ các ông chưa hiểu được sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng như con đường mà Ngài sẽ dẫn dắt các ông. Tuy nhiên các ông xác tín rằng Chúa cần đến các ông và các ông đã mau mắn quảng đại đáp trả tiếng Chúa gọi, bằng cách từ bỏ ghe thuyền và chài lưới, cha già và nhà cửa, bàn giấy và nghề nghiệp để đi theo Chúa.

Với chúng ta ngày hôm nay cũng vậy. Điều quan trọng và cần thiết đó là chúng ta phải nhận ra tiếng Chúa gọi, nhất là phải mau mắn và quảng đại đáp trả tiếng gọi ấy. Chúa nói với chúng ta qua những biến cố xảy ra, cũng như qua những người mà chúng ta có dịp tiếp xúc với. Chúng ta có thể đáp trả bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, chúng ta có thể đáp trả bằng những hành động bác ái và yêu thương. Thực vậy, Chúa cũng kêu mời chúng ta phục vụ Ngài nơi những người anh em, thế nhưng chúng ta đã mau mắn và quảng đại đáp trả hay chưa?

home Mục lục Lưu trữ