Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1379438

THÌ RA CHÚA VẪN CÓ Ở ĐÂY

THÌ RA CHÚA VẪN CÓ Ở ĐÂY- Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Sứ điệp phụng vụ hôm nay muốn nhấn mạnh với cộng đoàn chúng ta ý nghĩa nầy: nhịp sống cơ bản của cộng đoàn Giáo hội, của đời sống đích thực là kitô hữu đó chính là qui tụ nhau lại chung quanh Đức Kitô để lắng nghe Lời Ngài, để tái diễn Hiến Tế của Ngài, để gặp gỡ và chia sẻ chính Thân Mình Ngài. Chính vì thế, Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta tự vấn thường xuyên về thái độ nghiêm túc hay không của chính mình khi đứng trước Lời Chúa và sự hiện diện của chính Chúa.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta…..

Giảng Lời Chúa:

Sự kiện thường tình nhân loại: Chuộng cái lạ, thích cái mới…

Tâm lý của con người thường giống nhau điểm nầy; thích cái gì mới lạ, chuộng cái gì ở xa, quí cái gì ít gặp, ít thấy; và dĩ nhiên, hay có thái độ ngược lại; coi thường cái ở gần, coi rẽ cái thường gặp, thường thấy, thường đụng chạm trong cuộc sống.

Trong đời sống đức tin cũng không thoát khỏi cái lề thói không hay nầy. Thật vậy, người tín hữu thường hay chuộng hay kiếm tìm những hiện tượng lạ lùng, những biến cố mầu nhiệm hãn hữu, những phép lạ động trời…mà thường lãng quên, lãnh đạm đối với các mầu nhiệm trọng đại đang hiện diện nơi đây, lúc nầy.

Bằng chứng là năm vừa rồi, chỉ với vài vết nhăn trên bức tượng đá cẩm thạch Nữ Vương Hòa Bình trước Nhà Thờ Đức Bà Sài đã lôi kéo hàng vạn con người đổ về để chiêm ngưỡng, cầu nguyện, tôn kính…Trong khi đó, ở phía sau lưng tượng đá Đức Mẹ đó, có Nhà Tạm với Thánh Thể Chúa Kitô hiện diện từng ngày, từng giờ thì vẫn cứ leo lét chiếc đèn chầu với một ít ông già bà già lặng lẽ cầu nguyện…

Vì thế chúng ta cũng chẳng lấy làm lạ khi tại những nơi vào những ngày đại hội giới trẻ quốc tế, khi ĐGH hiện diện thì có hàng triệu người nô nức đón chào, tập họp để sau đó, cũng tại nơi nầy, có biết bao ngôi thánh đường trống không, hoang vắng, dầu cho nơi những thánh đường nầy có chính Đức Kitô đang hiện diện đầy ắp quyền năng và thân thương, Người mà vị giáo hoàng kia, cho dù thánh đến đâu, thông minh đến mấy, tài giõi dường nào, cũng chỉ là kẻ đại diện thấp hèn, bất xứng.

Tôi có thể đánh cá với anh chị em rằng: mai mốt, hay một ngày nào đó, có Đức Giáo Hoàng ở Rôma hay một Đức Hồng Y của Giáo triều sang thăm chính thức Việt nam tại Tuy Hòa nầy, thì chắc chắn có rất nhiều người bỏ công ăn việc làm, hy sinh mọi thứ để đi đón rước “Đấng Nhân Danh Chúa mà đến”…Nhưng ở đây, trong nhà thờ nầy, nơi Nhà tạm nầy, chính Con Thiên Chúa đang hiện diện trọn vẹn, đầy ắp…thì hỏi thử có được bao nhiêu người đến tôn thờ, cung chiêm bái kính?

Sự kiện trong lịch sử cứu rỗi:

Thái độ xem ra đáng trách nầy Không chỉ có trong Giáo hội hôm nay, mà tận xa xăm vào thời sứ ngôn Ê-dê-ki-en, Dân ưu tuyển của Chúa, Ít-ra-en, cũng đã từng trãi nghiệm một thái độ đức tin thiếu nền tảng và thiếu trưởng thành, như chúng ta vừa nghe công bố qua một trích đoạn sách sứ ngôn Ê-dê-ki-en trong BĐ 1: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá…chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng”.

Nhưng cụ thể nhất là câu chuyện về cuộc “hồi hương về làng” của chính Chúa Giêsu do Mác-cô kể lại: Khi nghe Chúa giảng dạy trong hội đường quê hương vào ngày sabat, dân Na-da-rét đã “khinh mạng dể duôi: “Ông Ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xết, Giu-đa và Si-mon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” và họ vấp ngã vì Người. Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở quê hương mình, hay giữa đám thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”…

Những bài học cho đời sống đức tin hôm nay:

– Hãy trở nên nghèo, khiêm hạ để đón nhận Lời và sự hiện của Đức Kitô:

Như vậy, không thể gặp được một Đức Kitô, không thể tin được một Thiên Chúa khi con người mang theo trên mình cả “bộ giáp sắt” kiêu căng hợm hĩnh của mình. Hêrôđê, Philatô, các tư tế Do Thái, những đại gia tiền của, thế lực kếch xù…những hạng người đó không có trong hàng ngũ nhưng kẻ tin vào Đức Kitô Đấng Cứu Thế. Quan hệ với Ngài nếu có chỉ là để theo dõi, rình chờ cơ hội hãm hại, bắt bẻ trong lời nói việc làm, phê bình chỉ trích thái độ hành động và ứng xử…và nhất là để kết án, loại trừ.

Muốn đến với Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Đức Kitô để nhận được hồng ân, để “ăn mày phép lạ”, thì phải bước theo lộ trình của Tin Mừng. Đó chính là những con đường mà Đức Kitô đã vạch lối chỉ đường:

– Hãy trở nên như một em bé: “Nếu không trở nên như em sẽ không được vào nước trời”.

– Hãy khiêm hạ như mẹ Maria: “Nầy tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền”

– Hãy trung thành gắn bó như Phêrô và các tông đồ: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai. Thầy có những lời ban sự sống đời đời”.

– Hãy phó thác và để Lời dẫn đưa cho dù đói khát nơi hoang mạc như đám dân nghèo khố rách áo ôm nơi hoang mạc: “Ta thương đám dân nầy, vì họ bơ vơ tất tưởi như chiên không kẻ chăn”.

– Hãy quỳ xuống với những giọt nước mắt sám hối như những người tội lối hối cải; Người thu thuế, M.Mađalêna, Giakê, tên trộm…”Lạy Chúa xin thương xót con vì con là người tội lỗi”.

– Hãy tin tưởng phó thác đầy lòng trông cậy vững vàng như những người xấu số bạc mệnh: mù què đuôi điếc, bệnh hoạn tật nguyền…”Tôi chỉ đụng vào gấu áo của Người thôi”

Và hãy như Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay ý thức thân phận hèn yếu của chính mình:

“Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sĩ nhục hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”

Đón nhận Lời và sự hiện của Đức Kitô ở đâu:

– Không phải chỉ ở những đại lễ long trọng với âm thanh to, ánh sáng rạng rỡ, trang trí hoành tráng…mà trong mọi thánh lễ hàng ngày, nơi tòa giải tội giản đơn, nơi các buổi sáng âm thầm rửa tội cho các trẻ em và những buổi hoàng hôn cử hành bí tích xức dầu bệnh nhân cho những ông bà già yếu liệt…

– Không phải chỉ ở nơi những thánh điện, thánh đường nguy nga to lớn đồ sộ với các cuộc lễ đại trào với các chức sắc cao cấp của Giáo hội, nhưng cũng còn ở những mái tranh lá ọp ẹp của buôn làng dân tộc, những ngôi nhà nguyện xa xôi hẻo lánh của những thôn làng nghèo khổ của những anh chị em nông dân tay lấm chân bùn…

– Đó chính là sự hiện diện êm đềm, bình dị như đứa bé oa oa trong máng cỏ hang lừa thuở nào ở Bê Lem, như chàng thợ mộc ở mái tranh nghèo của Giuse và Maria thành Na-da-rét, của vị Thầy mệt mõi ngủ gà ngủ gậc trên chiếc thuyền tròng trành biển động của Phêrô, như người khách lạ trên đường Emmau sẵn sàng chén tạc chén thù với các môn sinh bên quán nhậu bên đường, hay như một tên tội đồ trần trường bị đóng đinh giữa hai người trộm cướp…

– Và sự hiện diện của Lời Chúa và của chính Chúa vẫn đang hiện diện nơi đây, trong Nhà Thờ nầy, trong nhà tạm nầy, trong những con người linh mục mõng dòn yếu đuối nầy, trong cộng đoàn còn mang bao dấu vết của bất toàn, khiếm khuyết nầy…

– Chính vì thế, điều quan trọng không phải cứ mãi miết đi tìm một hình tượng Giêsu vinh thắng khải hoàn uy nghi trên mây trời hay trong vương quyền chính trị hùng oai…mà hãy đến cúi đầu thờ lạy Chúa Giêsu ở đây trong hình bánh và hình rượu sắp sửa biến thành mình và máu để nuôi dưỡng và ở lại với chúng ta.

Tóm lại, nếu phép lạ đã không xảy ra nơi quê hương Na-da-rét vì nơi đó dân không đón nhận Lời và sự hiện diện của Đức Kitô với niềm tin khiêm hạ, thì ước gì hôm nay, sự kiện nầy sẽ không tái diễn ở đây, nơi quê hương Tuy Hòa nầy, với chúng ta khi chính nơi đây, giờ phút nầy, cũng chính Đức Kitô đó, cũng chính Thầy Giêsu Na-da-rét đó lại một lần nữa đang trở về công bố Lời Chúa cho ta và tái diễn hy tế cứu độ để đem ta vào hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta phải reo lên: “Thì ra Chúa vẫn có ở đây. Ôi! Chúng con thật có phúc vì đã tin”.

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B

HỌ KHƯỚC TỪ NGÀI- Lm  Giacôbê Tạ Chúc

Nhìn nhận một Đức Giêsu của lịch sử, người ta dễ dàng chấp nhận. Thế nhưng khi đối diện với một Giêsu của niềm tin, con người như rơi vào hòan cảnh lúng túng. Liệu Đức Giêsu thành Nazareth có phải là Đấng Messia không? Não trạng của dân Do Thái ngày xưa cũng chẳng khác gì con người trong thời đại ngày hôm nay. Mãi mãi Ngài vẫn là một ẩn số trong một phương trình hoặc có một nghiệm, nhiều nghiệm hay vô nghiệm. Con người không thể tự sức mình mà khám phá hết về Chúa Giêsu, chỉ khi nào họ biết khiêm nhường và biết nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu với tâm tình tin tưởng và lắng nghe, lúc đó họ mới có thể biết về Ngài.

Tiên tri Êdêkien sống vào khỏang năm 593-571 trước công nguyên, ông có kinh nghiệm về một dân tộc bội ước quên thề, trong thời lưu đày Babylon, Thiên Chúa sai ông đến với nhà Itrael, đến với một dân tộc ương nghạnh:”Người phán với tôi:”Con người hỡi, Ta sai ngươi đến với nhà It-ra-el, đến với những dân phiến lọan, đã từng dấy lọan chống lại Ta, chúng và cha ông chúng đã từng làm nghịch với Ta, cho đến mãi ngày hôm nay”(Ed 2, 3). Quả là bi đát cho số phận của các Tiên tri, họ luôn phải sống với những con người lọan tặc, và tâm trạng của các Tiên tri là khiếp sợ, vì bị chống đối, bị ruồng bỏ. Chúa Giêsu số phận của Ngài cũng chẳng khác gì với những Tiên tri trong thời cựu ước. Ngài trở về quê hương Nazareth, nơi sinh trưởng của mình. Nhưng lạ lùng thay, dân ở đây không tin vào Ngài. Một cuộc tranh luận xảy ra, Đức Giêsu thành Nazareth là ai? Do đâu mà Ngài có quyền năng trên bệnh tật, thiên nhiên và con người. Các phép lạ xảy ra một cách nhãn tiền. Lý luận mãi cũng không xong, sau cùng người ta quy về thân thế của Ngài:” Ông ta không phải bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuda và Simon sao?”( Mc 6,3). Như thế một cách có chủ ý, người ta phủ nhận một Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, điều này được chứng tỏ khi họ không đón nhận và tin vào Ngài. Chi tiết mà thánh Marcô ghi nhận là Ngài bị xem thường ở chính tại quê hương mình. Dân Do thái ngạc nhiên về những việc làm của Chúa Giêsu, nhưng tiếc thay họ vẫn cứng lòng. Chúa Giêsu cũng biết được điều này khi Ngài thốt lên:”Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính tại quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”(Mc 6, 4).Thiên Chúa đến với con người, nhưng con người vẫn không đón nhận và tin vào Ngài. Trái đất này là quê hương của Chúa, nhưng khi Chúa đến con người vẫn chối từ Ngài. Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng người ta vẫn khăng khăng khẳng định Ngài chỉ là con ông thợ mộc Giuse và Mẹ Maria là Mẹ Ngài.

Thế giới ngày nay cũng có vô số những con người không nhìn nhận Thiên Chúa có chủ quyền trên cuộc đời mình. Từ chỗ khước từ Thiên Chúa, họ cũng phủ nhận anh em mình. Vì không có niềm tin, con người sẵn sàng hành động theo bản năng của mình. Một khi sống và làm việc theo bản năng hạ đẳng con người không còn biết tôn trọng phẩm giá của mình và anh chị em xung quanh. Chúa Giêsu đến để kêu mời nhân lọai cộng tác với Ngài xây dựng một cuộc sống chan hòa tình yêu thương.

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN- Năm B

THÀNH KIẾN- Lm. Giacôbê  Phạm Văn Phượng, OP

Ông là ai vậy? Bởi đâu ông ta đã làm được những chuyện lạ lùng như thế? Ông ta không phải là con ông Giuse và bà Maria sao? Họ hàng anh chị em của ông ta không phải là những người láng giềng của chúng ta sao? Ông ta không phải là người đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở đây với chúng ta sao?

Phải, đúng lắm. Đó chính là Chúa Giêsu, con của ông Giuse và bà Maria, đã sinh sống và làm nghề thợ mộc ở Na-da-rét 30 năm rồi. Nhưng tại sao những người đồng hương lại ngạc nhiên và thắc mắc về Chúa như vậy? Bởi vì ít lâu nay họ đã nghe dư luận đồn thổi về những lời giảng dạy mới lạ, đầy uy quyền của Chúa, cũng như đã nghe dân chúng bàn tán xôn xao về những phép lạ Chúa đã làm ở nơi này nơi kia…Đó là những công việc, những phép lạ Chúa Giêsu đã làm trước khi Ngài về Na-da-rét, quê hương của Ngài. Nhưng những người đồng hương của Ngài không tin và không thể tin. Tin làm sao được ông Giêsu đang đứng trước mặt họ đây có thể làm được những điều lạ lùng như thế, nhất là tin làm sao được ông Giêsu đây là Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, là Đấng mà dân tộc họ đang trông đợi cả ngàn năm?

Dân làng Na-da-rét không thể nào chấp nhận một người mà họ đã quá biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn. Biết cả họ hàng chẳng danh giá gì. Biết rõ quá như thế thì làm sao người đó có thể là vị cứu tinh, là Đấng Cứu Thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc họ được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giàu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Chúa Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Chúa làm phép lạ như đã làm ở những nơi khác. Trước thái độ ít cởi mở và hoài nghi của họ, vì họ không tin, nên Chúa không làm phép lạ được. Không phải vì Ngài không thể làm, bằng chứng là Ngài cũng có đặt tay chữa cho mấy người bệnh, nhưng chính vì họ không tin.

Dân làng Na-da-rét không tin Chúa Giêsu. Không tin là vì bụt nhà không thiêng, như có lần Chúa đã nói: “Chẳng ngôn sứ nào được danh tiếng nơi quê hương mình “; hoặc tệ hơn, như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”. Tại sao dân làng Na-da-rét không tin? Họ không tin vì thành kiến. Họ đã đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi, có sẵn của họ. Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Chúa mở ra cho họ. Họ cũng không thể chấp nhận Chúa Giêsu là hiện thân của nước trời và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế. Đối với người Do thái đương thời, Chúa Giêsu đến quá ư bất ngờ và quá khác xa với quan niệm họ sẵn có về Đấng Cứu Thế. Họ không biết rằng đường lối của Thiên Chúa có thể khác xa với sự toan tính của loài người.

Qua đó chúng ta rút ra được một bài học thực tế: Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự in trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả không hay, sai lầm hoặc nguy hại. Thật vậy, ai đeo kính đen thì nhìn cái gì cũng tối hết; lưỡi đắng thì ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Yêu nên tốt, ghét nên xấu: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Lòng chúng ta có khuynh hướng mạnh về điều gì, thì mắt chúng ta hay tìm, trí chúng ta hay tưởng và rồi chúng ta phán đoán người khác cũng giống như chúng ta và hơi chút là chúng ta đoán về đàng đó liền.

Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Đánh giá một người theo bên ngoài có thể đúng nhưng cũng có thể sai lầm. Câu nói: “Trông mặt mà bắt hình dong”. Khổng Tử cũng xác nhận: “Người tôi yêu chưa chắc đã tốt; người tôi ghét chưa chắc đã xấu”. Phong dao cũng có câu: “Người xấu duyên lặn vào trong. Bao nhiêu người đẹp duyên rong ra ngoài”. Lặn vào thì còn lại, bong ra thì mất đi rồi. Và hẳn chúng ta cũng không quên câu nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “Xanh vỏ mà đỏ lòng”. Cho nên, đánh giá một người mà chỉ căn cứ vào bề ngoài có thể là nông nổi, thiển cận và nguy hiểm.

Tóm lại, thành kiến đã làm cho dân làng Na-da-rét phán đoán sai về Chúa Giêsu. Họ đã không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Tinh. Đối với chúng ta cũng vậy, thành kiến có thể làm chúng ta mù quáng, không nhận định và phê phán một cách khách quan đúng đắn được. Thành kiến làm chúng ta không thể đối thoại, cởi mở với người khác và không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi người. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì là thành kiến về bản thân để khỏi tự ti mặc cảm; cũng như thành kiến về những người chung quanh, để có được một cái nhìn đúng đắn hơn, một nhận xét chân thành hơn, một phán đoán khách quan hơn,và một đời sống yêu thương cởi mở hơn.

home Mục lục Lưu trữ