Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1379593

THIÊN CHÚA CHĂN DẮT DÂN

THIÊN CHÚA CHĂN DẮT DÂN- Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm SJ

Khi từ thuyền bước lên bờ, Đức Giêsu thấy đám đông dân chúng thì Ngài động lòng thương vì họ như chiên không người chăn dắt, và Ngài đã dạy dỗ họ. Dân chúng mong chờ khao khát điều mà họ thiếu, nay gặp Đức Giêsu và các môn đồ, họ như thể tìm được điều họ mong ước, nên họ tuôn đến với Đức Giêsu. Thiên Chúa cần những con người cụ thể để chăn dắt dân Ngài.

Ta sẽ đem chúng trở lại đồng cỏ

Tiên tri Giêrêmia sống vào thời trước và trong khi dân Do Thái bị lưu đầy. Trước thời lưu đày, dân Do Thái có tất cả những cơ cấu cần thiết, gồm những người có quyền đại diện Thiên Chúa mà cai quản, dạy dỗ dân chúng: vua, tư tế và tiên tri. Hai tiên tri lớn thời này là Giêrêmia và Edêkiel. Tuy nhiên, những người lãnh đạo thời đó là vua quan và tư tế thì lại đi tìm lợi ích và thỏa mãn riêng của họ; nên dân chúng chán nản không còn có thể tin vào những người lãnh đạo được nữa, và họ bị lạc lối và tán loạn.

Thiên Chúa đã nói qua tiên tri Giêrêmia: “khốn cho các mục tử đã để đàn chiên của Ta bị tan hoang và phân tán…; tuy nhiên Ta sẽ quy tụ chúng từ những nước Ta đã phân tán chúng; Ta sẽ mang chúng trở lại đồng cỏ”. Vì những lỗi lầm của những người lãnh đạo chăn dắt, dân chúng đã phải phân tán lưu đày; nhưng chính Thiên Chúa sẽ là Đấng quy tụ và đem dân trở về. Thiên Chúa sẽ đem con người trở về với Thiên Chúa cho dù con người hiện tại có bị lạc xa đường lối của Thiên Chúa.

“Ta sẽ làm chỗi dậy một nhành cho David, và vị này sẽ chăn dắt dân như một vị minh vương”. Thiên Chúa vẫn tiếp tục chăn dắt con người qua những trung gian của Ngài. Ngài sẽ cho chỗi dậy những con người như lòng Ngài mong ước để chăn dắt dân của Ngài. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người như hiện tại, là Ngài đã muốn dùng cơ cấu vật chất- tinh thần, trung gian hữu hình để ở với và nói với con người của mọi thời đại.

Đức Giêsu động lòng thương dân như chiên không người chăn

Sau hơn ba mươi năm tháng dài ở Nadarét, Đức Giêsu đã rong ruổi khắp đất nước Do Thái để rao giảng. Ngài thu nhận môn đệ, và giữa các môn đệ Ngài tuyển chọn nhóm 12, để chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng sau này. Tin Mừng Mác-cô cho thấy Ngài đã sai các tông đồ đi rao giảng, và các ông đã trở về với bao kết quả đáng mừng. Dân chúng đổ xô đến cùng các ngài, đến độ các ngài không còn thời gian để ăn và nghỉ ngơi hầu lấy lại sức khỏe cần thiết.

Đức Giêsu khuyên các tông đồ hãy tìm chỗ vắng vẻ để nghỉ ngơi. Ở đây một lần nữa người ta thấy Đức Giêsu cũng tôn trọng nhịp sống của con người: làm việc và nghỉ ngơi, kể cả đối với những công việc quan trọng như việc tông đồ. Dường như nhu cầu tông đồ không bao giờ cạn; người được sai phải làm bổn phận của mình, nhưng cũng cần phải có thời gian để yên lặng, để sống với Thiên Chúa cho chính mình, để thân xác hồi lại sức lực. Tôn trọng cơ cấu con người, cũng là tôn trọng Thiên Chúa.

“Khi Đức Giêsu ra khỏi thuyền và lên bờ, Ngài thấy dân chúng đông đảo nên động lòng thương vì họ như chiên không người chăn, và Ngài giảng dạy họ nhiều điều”. Đức Giêsu vẫn để các tông đồ có thời gian nghỉ, và lúc này chính Ngài dạy dỗ dân chúng. Đức Giêsu, hơn ai hết, Ngài nhận ra nhu cầu của dân chúng, của con người cụ thể. Ngài biết điều gì là thực sự cần thiết cho con người, Ngài đã làm và huấn luyện các tông đồ để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian.

Con người hôm nay như dấu chỉ thời đại

Khi những người lãnh đạo dân không sống đúng với ơn gọi của họ, dân chúng bị phân tán vì họ không tìm thấy nơi những vị đó điều họ mong ước hy vọng. Con người luôn cần những người lãnh đạo tinh thần. Và ngược lại, nếu dân chúng phân tán như một sự kiện, thì những người lãnh đạo tinh thần cũng cần xét lại xem họ có đáp ứng nhu cầu thực sự của con người thời đại không.

Ngày nay, ở châu âu và ngay cả ở Mỹ, người ta ít đến nhà thờ; những người trẻ không tìm thấy ý nghĩa nơi nhà thờ. Nhà thờ ở Ý và nhiều nước ở châu âu trở thành “bảo tàng viện”, nơi các du khách tìm đến để xem những kiến trúc xa xưa, những hình ảnh phản ánh văn hóa một thời đại. Phụng vụ ở nhiều nơi chỉ gồm những nghi thức nhưng nội dung giảng dạy thì không được chú ý; cả một số nơi người ta cố gắng đổi hình thức nhưng lại không cố gắng để có nội dung sâu xa, và như vậy không cuốn hút được người trẻ, vì họ không tìm thấy nơi đó của ăn sức sống tinh thần, hay điều họ thâm sâu mong ước.

Những mục tử chân chính phải xét lại cách rao giảng của mình, xem mình và Giáo Hội có đáp ứng nhu cầu của con người ngày nay, đặc biệt là các người trẻ hôm nay không, hơn là chỉ nói: con người ngày nay không muốn đến nhà thờ nữa, hoặc con người ngày nay không còn có tinh thần đạo đức nữa. Làm sao có thể đòi họ đến nhà thờ khi họ không thấy ý nghĩa, khi họ không tìm thấy nơi đó có sức sống hay của ăn nuôi dưỡng họ và làm cho họ lên tinh thần. Thiển nghĩ, con người của mọi thời đại đều tốt, và cũng đang được Thánh Thần hướng dẫn và thúc đẩy. Người mục tử chân chính ngày nay phải làm sao để giúp con người hiện tại gặp gỡ Thiên Chúa, điều mà con người của mọi thời đại đều mong ước. Có lẽ Giáo Hội cũng phải xét lại cách huấn luyện những mục tử tương lai, sao cho những người này có thể nghe được và nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa qua con người ngày nay, qua thao thức và khát vọng của họ. Làm sao phụng vụ, những bài giảng, phải là lương thực nuôi dưỡng con người ngày nay. Nếu những người trẻ ngày nay không muốn tới nhà thờ, thì đâu là điều người trẻ hôm nay mong ước mà Giáo Hội cần khám phá và đáp ứng.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Theo bạn, con người ngày nay mong ước gì một cách sâu xa nhất?

Theo bạn, Giáo Hội Công Giáo ngày nay đáp ứng được đến mức nào mong ước của con người hiện đại? Tại sao bạn nghĩ vậy?

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN- Năm B

HÃY DÀNH THỜI GIAN CHO NHAU – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Có lời hát viết rằng:

“Hãy cho nhau thời gian nhé

Hãy cho nhau bình yên nhé

Để biết ta còn gần nhau dẫu mai về đâu

Hãy vững tin người ơi đường dài còn mãi những nỗi đau

Thì vẫn tin, tương lai mình sẽ có nhau….. “

Người ta nói khi còn yêu nhau thì thời gian luôn là của nhau. Đôi trẻ yêu nhau thì họ dành toàn bộ thời gian bên nhau, nếu vì công việc thì họ vẫn luôn nghĩ tới nhau rồi tranh thủ điện thoại, nhắn tin cho nhau. Cặp vợ chồng yêu nhau thì luôn quan tâm tới công việc của nhau và sẵn lòng dành thời gian để chia sẻ giúp đỡ nhau. Con cái  yêu cha mẹ thì dù ở phương xa vẫn tranh thủ về thăm khi có dịp hay ít ra cũng thăm hỏi thường xuyên qua điện thoại, email.

Đúng như lời bài hát khẳng định: “Hãy cho nhau thời gian nhé, để biết ta còn gần nhau dẫu mai về đâu”. Và cho dù đường dài có những nỗi đau thì người yêu nhau vẫn có nhau để chia sẻ ngọt bùi, nhục vinh.

Trong “Ngày hội gia đình và tuổi thơ”  tại Sài gòn ban tổ chức đã hỏi các gia đình: “Theo anh (chị), vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến hạnh phúc của mỗi gia đình hiện nay là gì?”. Kết quả, có đến 50 % cho rằng các thành viên quá ít thời gian dành cho nhau, và 50 % còn lại là vấn đề kinh tế, giáo dục con cái hoặc người thứ 3 xen vào.

Có một chị là giáo viên kể rằng: Khi mới lấy nhau, chị dành rất nhiều thời gian để đi chợ, nấu nướng, háo hức chờ chồng về ăn cùng. Nhưng ngày nào cũng thế, chồng chị đi đến nửa đêm mới về, mặc cho vợ dùng hết “vũ khí” từ khóc lóc  đến bỏ nhà đi và đòi ly dị nhưng anh chồng vẫn không thay đổi. Đến khi chị có thai, rồi sinh con, chị đàm phán: “Giờ có con rồi, anh phải ở nhà nhiều hơn để lỡ có chuyện gì xảy ra còn kịp xử lý”.

Nhưng chỉ được vài bữa anh lại “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục những ngày vắng nhà triền miên với đủ lý do. Chị vừa buồn vừa tiếc công sức mình bỏ ra. Chị nghĩ: “Thời gian đó để làm việc khác chắc sẽ có ý nghĩa hơn”. Rồi từ đó, khi chị sinh con, chị liền gửi con ở nhà ngoại. Còn chị, hết giờ dạy ở trường, chị tìm chỗ dạy thêm. Khi không còn việc gì để làm, chị chạy về nhà mẹ ruột ăn vội chén cơm rồi đón con về nhà. Chồng chị một vài tiếng sau mới về, họ cũng chẳng có thời gian, tâm trí để hỏi han hay tâm sự…

Điều đáng báo động là nhiều gia đình trẻ hôm nay khi cưới nhau về là bỏ rơi nhau. Họ dành thời gian cho công việc sinh sống và quảng đại dành thời gian với bạn bè mà rất ít khi dành thời gian cho nhau. Họ đâu hiểu được rằng trong đời sống vợ chồng việc không có thời giờ cho nhau chính là nguyên nhân đưa đến những hiểu lầm, xích mích, tranh cãi, lạnh nhạt, và nếu không được giải quyết kịp thời nó có thể đưa đến đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng.

Nói về thời gian có lẽ không ai là hoàn toàn rảnh rỗi, nhưng nếu còn yêu thì luôn dành thời gian cho người mình yêu. Khi không có yêu thương thì người ta sẽ dành thời gian cho nghỉ ngơi, cho hạnh phúc riêng mình.

Bài phúc âm hôm nay kể rằng sau một ngày vất vả cứu chữa những mảnh đời khổ đau, Chúa Giê-su cũng muốn cùng các môn đệ nghỉ ngơi đôi chút.  Các ngài lên thuyền lánh riêng ra nơi khác. Nhưng khi vừa lên tới bờ, các Ngài đã thấy một đoàn người đang khao khát  để được Ngài thi ân, giúp đỡ. Ngài chạnh lòng thương và tiếp tục dành thời gian dấn thân phục vụ cho họ.

Là người ky-tô hữu chúng ta hãy biết chạnh lòng thương anh em mình. Chạnh lòng thương là biết dành thời gian cho nhau. Khi ai đó đang cần chúng ta quan tâm hãy dành thời gian cho họ. Khi ai đó đang yếu đau hãy dành thời gian viếng thăm họ. Khi ai đó đang cô đơn hãy an ủi họ. Đặc biệt trong đời sống gia đình đừng bao giờ bỏ rơi người thân khi chúng ta vô tâm đi qua cuộc đời họ mà thiếu chăm sóc, hỏi han đến nhau. Đừng nại vào công việc để rồi quên đi mái gia đình là nơi có những con người đang chờ đón sự ân cần chăm sóc của chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết hoạ lại chân dung tình yêu của Chúa cho anh em. Biết hy sinh cho anh em. Biết sống quảng đại vì anh em. Biết dành thời gian cho con người hơn là công việc hay tiền tài. Xin cho đời sống chúng ta luôn là một lời chứng hùng hồn về tình yêu và lòng quảng đại luôn yêu thương và phục vụ tha nhân. Amen

CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN- Năm B

TÌM KIẾM LƯƠNG THỰC THIÊNG LIÊNG- Lm Inhaxiô Trần Ngà

Bà Delia Delgatto, Giám đốc Trung tâm quốc gia chăm sóc trẻ em của Chi-lê cho biết: Một bé trai người Chi-lê 10 tuổi, bị cha mẹ nghiện ma tuý nặng, vứt bỏ ra đường từ lúc lên năm. Từ đó, em chung sống với một đàn chó hoang chừng 15 con trong một cái hang tại thành phố cảng Talcahuano, ở phía Nam Chi-lê. Ngày ngày cậu bé cùng đi kiếm ăn chung với đàn chó. Hôm nào không tìm được thực phẩm, những con chó cái trong đàn cho bé trai này bú sữa của chúng.

Bà Delia kể tiếp: “Cảnh sát Chi-lê bắt lại được bé trai này khi bé nhảy xuống biển hòng thoát thân.”

Vì lâu ngày ở chung với chó, em không biết nói tiếng người mà chỉ biết gầm gừ như chó. Vì em cũng chẳng biết tên của mình nên báo chí gọi em là bé Chó. (Nguồn: ABC nEWS, Santiago, June 19, 2001)

Bé Chó nầy không hề thiếu lương thực nuôi xác, nhưng em thiếu lương thực tinh thần như văn hoá, lễ nghĩa, lời dạy bảo khôn ngoan… nên em không thể thành người. Tuy có hình hài con người nhưng em lại mang tính cách của loài chó hoang.

Sự kiện hiếm có nầy chứng tỏ rằng nếu chỉ dùng lương thực nuôi xác mà không hấp thụ lương thực tinh thần, con người trở nên như con vật.

Để trở thành người, chúng ta không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần đến văn hoá, giáo dục và nhất là Lời khôn ngoan mang lại sự sống đời đời của Chúa Giê-su (Mt 4,4).

Khao khát lương thực tinh thần

Sau cuộc hành trình truyền giáo vất vả khó nhọc, các Tông đồ tụ họp quanh Chúa Giê-su và kể cho Ngài biết thành quả các ông vừa đạt được. Bấy giờ đám đông dân chúng tuôn đến đông đúc, kẻ tới người lui tấp nập, khiến các môn đệ không còn giờ nghỉ ngơi và ăn uống. Chạnh lòng thương các Tông đồ vất vả nhiều mà chẳng được nghỉ ngơi, Chúa Giê-su bảo các ngài hãy lánh riêng ra một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút.

Kế đó, Chúa Giê-su và các môn đệ xuống thuyền tìm chỗ nghỉ ngơi. Đoàn dân chúng đoán biết địa điểm mà Chúa Giê-su và các môn đệ sẽ tới, nên họ vội vã chạy đến nơi ấy trước Chúa Giê-su.

Thế là khi vừa bước lên bờ, Chúa Giê-su lại gặp đông đảo những người mà Ngài mới từ giã họ để lánh qua đây.

Trước đám đông dân chúng đổ xô đến với mình như đoàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giê-su chạnh lòng thương xót họ và ban cho họ thứ lương thực thiêng liêng tối cần thiết là những lời dạy dỗ khôn ngoan (Mc 6,34).

 Hôm nay, chúng ta không phải vất vả tìm kiếm Chúa Giê-su để được đón nhận Lời khôn ngoan của Ngài như đám đông người Do-thái được thuật lại trên đây, vì chúng ta có Lời Chúa ở bên cạnh chúng ta, có Chúa Giê-su là hiện thân của sự Khôn ngoan đang sống giữa chúng ta.

Vấn đề quan trọng là chúng ta có mở tâm  hồn ra để đón nhận, có bỏ công sức để khai thác “kho tàng” vô giá này hay không.

Khai thác kho tàng trong tầm tay

Người Ả-rập Xê-út trước đây mang phận nghèo truyền kiếp mặc dù tổ tiên họ sở hữu một kho báu vĩ đại nằm ngay dưới chân mình. Đó là nguồn dầu lửa khổng lồ chiếm hơn một phần tư trữ lượng dầu của toàn thế giới. Tiếc thay, vì không biết khám phá kho tàng đó, nên cha ông họ đã sống trong nghèo đói cùng cực từ đời nầy sang đời khác.

Từ năm 1938, nhờ việc phát hiện và khai thác kho “vàng đen” vĩ đại này, Ả-rập Xê-út trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhân dân Ả-rập trở thành những người giàu có.

Như người Ả-rập xưa, chúng ta cũng đang sống bên cạnh kho tàng khôn ngoan của Thiên Chúa. Kho tàng đó là Lời Chúa được ghi lại trong Kinh thánh. Kho tàng đó là chính Chúa Giê-su, hiện thân của sự Khôn ngoan luôn ở cùng chúng ta, nhưng tiếc thay, chúng ta không biết khai thác kho tàng khôn ngoan bên cạnh mình, nên chúng ta vẫn còn là những người nghèo đói trong đời sống tâm linh.

Muốn bắt được cá lớn, người ta phải dong buồm ra khơi vì không ai có thể câu được cá lớn ven bờ. Muốn tìm được trầm hương, người ta phải lặn lội vào rừng sâu đầy gian nan hiểm trở… Vậy muốn tìm được “kho báu”, chúng ta phải chấp nhận dành thời giờ để tìm kiếm và khám phá Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin giúp chúng con sẵn sàng hy sinh thời giờ và công sức để tìm kiếm và khai thác “kho báu” trong Tin mừng của Chúa, nhờ đó chúng con  được trở nên giàu có trong đời sống thiêng liêng, được hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.

home Mục lục Lưu trữ