Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 68
Tổng truy cập: 1380168
THIÊN CHÚA ĐẤNG CHUYÊN CHỮA LÀNH
THIÊN CHÚA ĐẤNG CHUYÊN CHỮA LÀNH- Lm Gioan M. Nguyễn Đức Hùng CRM
Một thanh niên lập gia đình và có hai con. Vì là con một, nên ngay từ nhỏ, được cha mẹ nuông chiều muốn gì có đó. Trong một tai nạn, kính xe hơi của anh vỡ bể tan nát văng vào cả hai mắt anh, và dù gia đình tìm mọi cách chữa chạy, cuối cùng cũng phải chấp nhận cho bác sĩ khoét hai con mắt của anh. Lúc đó tất cả bầu trời như muốn sụp đổ xuống cuộc đời anh, anh tỏ ra tuyệt vọng và không còn muốn sống nữa. Thế nhưng, ngày kia có một nữ tu trước đây khi còn ở ngoài, học cùng lớp với anh đến thăm, động viên và tỏ lòng cảm thương với nỗi khốn khổ của anh; đồng thời trước khi ra về, chị nữ tu này đã tặng anh một đĩa audio cuốn sách Ý Nghĩa Sự Đau Khổ của Cha Tuyên dòng Chúa Cứu Thế, và cáo biệt ra về. Trong lúc buồn sầu chán sống, tự nhiên nhớ đến đĩa CD người bạn mới cho, liền nói bà xã cho vào máy mở nghe cho đỡ buồn thôi, nhưng không ngờ càng nghe càng thấy thấm thía thích nghe và tìm được niềm vui trở lại dần dần, nhất là anh đã tìm được ý nghĩa của cuộc sống nhân sinh của con cái Chúa. Có lần anh tâm sự với tôi một cách rất tích cực rằng: Thưa Cha, nhờ bị mù hai mắt thể lý mà mắt tâm hồn con được mở ra, sáng lên và nhận ra đời thật vui tươi như Cha đang thấy nơi con đây. Lạ không, thưa bạn!
Vâng đúng thế, tôi với bạn mỗi người chúng ta đều mang những tật nguyền và bệnh hoạn cả về tâm linh lẫn thể xác, và rất cần được chữa lành để sống khỏe, sống bình an hạnh phúc. Nhưng rất may mắn, loài người chúng ta có một Thiên Chúa là Cha, và Ngài không bao giờ mệt mỏi chữa lành những tật nguyền bệnh hoạn của con cái loài người hầu đem lại hạnh phúc đời này và đời sau trên nơi vĩnh phúc cho chúng ta.
Bài Tin mừng hôm nay soi dẫn cho biết mọi người chúng ta đều mắc những bệnh mù nguy hiểm, tuy mức độ khác nhau, nhưng không ai có thể tự hào là tôi không bị mù chút nào. Và tôi có thể tóm lại các bệnh mù thành ba loại như sau:
– Mù trong việc nhận biết Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình…
– Mù trong việc nhận biết anh chị em của mình trên toàn thế giới.
– Mù trong việc nhận biết chính thân phận mình chỉ là hư vô bọt bèo, tất cả những gì mình có, mình là, mình làm được đều là do hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho.
Vậy thì, Phải chăng mỗi lần chúng ta làm tôi phụng thờ Chúa,mỗi lần chúng ta tham dự cử hành phụng vụ,mỗi lần chúng ta cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích, là mỗi lần chúng ta bớt bị mù hơn về Thiên Chúa là Cha hay yêu thương chúng ta?
Phải chăng mỗi lần chúng ta yêu thương,tha thứ, cảm thông và đối xử tử tế với một trong những người bé mọn của Thiên Chúa, là mỗi lần mắt tâm hồn chúng ta trở nên sáng hơn trong việc nhận ra anh chị em con cùng Cha, cùng Mẹ trên trời với mình?
Và phải chăng, mỗi lần chúng ta hạ mình khiêm tốn, không dám cho mình hơn ai,không dám nhận sức riêng mình có gì, vì tất cả đều là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho…,là mỗi lần chúng ta bớt bị mù,bớt bị hoa mắt hơn bởi những ảo tưởng muốn cho mình là cái rốn của vũ trụ này?
Thưa Bạn,
Như vậy, có lẽ bạn và tôi cũng cần phải quỳ xuống mà cầu xin: Lậy Chúa xin cho chúng con được thấy, thấy Chúa, thấy anh chị em con,thấy chính mình con…để con dám can đảm sống như chúng con đã thấy.
Đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta có thể bị thử thách, bị cám dỗ,làm cho lời cầu nguyện có nguy cơ bỏ ngỏ dở dang, đứt đoạn vì thấy mãi mà chưa được thẩm nhận, làm chúng ta chán ngán muốn bỏ không tin, không cầu nguyện nữa, thì lúc đó, chính Chúa lại ra tay đích thân an ủi động viên khích lệ ta tiếp tục đi đến cùng của lời cầu nguyện với lòng tin tưởng hơn, như Chúa đã động viên người mù cứ vững tin khi thấy người ta ngăn cản không cho anh ta kêu gào to hơn lên tới Chúa.
Nào bạn và tôi cứ tiếp tục gào lên, cứ tiếp tục gõ chiếc thùng hành khất của chúng ta cho đến khi nào Chúa đổ đầy ân sủng của Ngài vào, cho đến khi chúng ta nghe thấy Ngài nói với chúng ta lời đầy an ủi: “Lòng Tin của con đã cứu chữa con”, bạn nhé! Chúc bạn thành công!
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- Năm B
ANH MUỐN TÔI LÀM GÌ CHO ANH- Lm. Nguyễn Hữu Thy
Ở đây, theo tâm lý mà nói, quả thật Ðức Giêsu đã làm một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, khi Người hỏi người hành khất mù: “Bác-ti-mê-ô, anh muốn tôi làm gì cho anh?” – Ðúng vậy, chúng ta ai cũng muốn một lần nào đó trong đời được người khác hỏi như vậy. Một lần nào đó được tự do bày tỏ điều mình mong ước! Ðôi mắt đứa trẻ sẽ mở rộng tròn xoe một cách vui sướng rạng rỡ, khi bà dì hay ông cậu đầy thương yêu nói với nó: “Cháu có quyền xin bất cứ cái gì cháu thích, bà dì (ông cậu) sẽ cho cháu ngay!” Ðứng trước niềm vui được tự do bày tỏ nguyện vọng và chắc chắn sẽ được thoả mãn, tâm lý những người lớn chúng ta cũng không khác tâm lý của những đứa trẻ là bao!
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Ðức Giêsu cũng hỏi mỗi người trong chúng ta như thế! Người mù đã không thể trả lời cách nào khác hơn, là: “Thưa Thầy, xin cho tôi có thể nhìn thấy được!” Anh ta biết mình bị mù. Và anh cũng biết là không còn gì đẹp đẽ và quan trọng hơn là anh ta lại có thể nhìn thấy được. Còn chúng ta, chúng ta trả lời thế nào câu hỏi của Chúa?
Có lẽ đối với chúng ta, trước hết chúng ta sẽ phải bắt đầu câu trả lời: “Thưa Thầy, xin cho con biết được là con đang bị mù!” Hay: “Thưa Thầy xin cho biết là con đang thiếu thốn những gì!” Phải chăng chúng ta không cần phải cầu xin như thế? Chúng ta không biết mình đang bị mù, đang thiếu thốn gì sao? Nhất thiết chúng ta phải cầu xin cho mình được thực sự sáng mắt? Vâng, theo thiển ý, tôi nghĩ rằng đó là điều chúng ta cần phải cầu xin cùng Chúa!
Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy bực mình về con cái chúng ta, vì chúng quá kén chọn, đến nỗi nhiều bậc cha mẹ đã phải than phiền: “Ngày nay người ta chẳng còn biết phải cho con cái điều gì nữa!” Cũng vậy, nhiều khi các ông bà nội / ngoại cũng đã than thở trước ngày sinh nhật của các cháu mình: “Ngày nay chúng nó đã có tất cả rồi, nên chẳng biết phải lấy gì làm quà cho chúng nó nữa!” Nhưng có phải thực sự các cháu của họ đã có tất cả rồi chăng?
“Thưa Thầy, xin cho con biết được điều con – chúng con – đang thiếu thốn!” Dĩ nhiên, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ: Tương lai, công ăn việc làm, sự bảo đảm an ninh khỏi trộm cắp, kiếm cho con cái một chỗ học hành gần nhà, không mắc phải những chứng bệnh nan y nguy tử, không bị tàn tật, không bị rơi vào hoàn cảnh luôn luôn phải nhờ vả kẻ khác, v.v… Vâng, đó là những nguyện vọng cần phải tỏ bày cùng Chúa. Nhưng phải chăng chúng ta chỉ thiếu thốn những điều đó thôi sao?
Chúa đã dạy chúng ta phải cầu xin cho mình có đầy đủ lương thực hằng ngày! Thiên Chúa sẽ không bao giờ xua đuổi bất cứ ai đang trong cơn túng cực và khó khăn mà biết chạy đến kêu xin Người. Trái lại Người còn muốn ban cho chúng ta nhiều hơn nữa, chứ không chỉ có lương thực hằng ngày mà thôi. Với lương thực hằng ngày, Người muốn ban cho chúng ta sự sống, sự sống của Người, sự sống thiên đàng tràn đầy hạnh phúc. Chúng ta có náo nức khao khát được tiếp cận Thiên Chúa và những gì Người hứa ban cho chúng ta không? Chúng ta có ý thức được rằng tội lỗi chúng ta đã chia lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa và vì thế chúng ta phải xa tránh bằng sự ăn năn hối cải không? Cả trong cuộc sống của những người đạo đức cũng không thiếu những mù lòa mà chính đương sự không hề biết. Vì thế, “Thưa Thầy, xin cho con nhận biết điều con đang thực sự thiếu thốn” phải luôn luôn sống động trên môi miệng mỗi người chúng ta!
Nhiều khi chúng ta cũng hãy can đảm và thẳng thắn nhìn nhận rằng vì do sự thiếu khôn khéo và nhất là do các lầm lỗi của mình mà một số các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội đã vô tình làm mai một đi nhiều vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Giáo Hội cũng như của niềm tin Kitô giáo của chính mình trước con mắt người đời. Chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận thấy những người lương dân khi nghe nói đến tiếng “Giáo Hội Công Giáo” là thường nghĩ ngay đến luật lệ cấm phá thai, cấm dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, cấm đồng tình luyến ái, không cho phép những người ly dị được rước lễ, phụ nữ không được làm Linh mục,v.v…! Dĩ nhiên, đó là qui luật hiện hành của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội không chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu! Tất cả chúng ta đều mong muốn trở nên một Giáo Hội mà trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta được rực sáng, trong đó không một ai bị cô lập, nếu như người đó nêu lên những ý kiến có tính cách phê bình và không bị loại trừ, nếu người đó không giữ vuông tròn được các luật lệ. Chúng ta hãy kính nể và biết ơn tất cả những ai đang dấn thân làm chứng nhân cho tình thương xót đó trong Giáo Hội, tức tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người, như bài Tin Mừng hôm nay đã loan báo, đặc biệt là những ai đang ngày đêm săn sóc và chăm nom:
những người già nua, những người bệnh tật,
những người tàn tật và những người bất hạnh, đói khổ,
những người ngoại kiều và những người sống ngoài lề xã hội,
những người bị bỏ rơi, bị tẩy chay, bị khai trừ, v.v…
Chúng ta thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô, nếu chúng ta biết sống trọn tình thương đó trong lòng Giáo Hội và giữa chợ đời. Vì không có dấu chỉ nào khác để cho thế gian nhận biết chúng ta thuộc Ðức Kitô hơn là sự thông cảm, tình thương và đức ái!
Dĩ nhiên, bất cứ ở đâu và trong bất thời đại nào, vẫn có những Kitô hữu sống một cách vô ý thức, thiếu hy vọng, và đầy sợ hãi khi phải đưa mắt nhìn về tương lai, hay chỉ nghĩ đến mình và chỉ sống cho mình mà thôi, v.v… Tất cả đều nói lên “mặt trái của một chiếc mề đay”, những “con chiên ghẻ” trong đoàn chiên của Chúa. Ðiều quan trọng trong một trường hợp đầy thách đố như thế, là người tông đồ của Ðức Kitô càng phải nỗ lực giữ vững đức tin và không để cho những thử thách, những khó khăn của môi trường sống chung quanh làm tê liệt lòng nhiệt thành với Ðức Kitô và tinh thần phục anh em đồng loại. Thật ra, tương lai còn bao la vĩ đại, chứ không phải chỉ đi tìm sự an ninh, sự bình an và dễ dãi cho mình. Tương lai chứa đựng nhiều thách đố nhiêu khê và người ta cần phải nêu danh chúng ra, dẫu rằng điều đó có thể gây ra những chua cay và bất bình. Nhưng chính điều đó lại có thể động viên được những nguồn sức mạnh để giải quyết tận gốc những khủng hoảng và đưa ra được liều thuốc sửa trị hiệu nghiệm.
Người Kitô hữu nên biết rằng, dù cho tương lai đen tối bao nhiêu đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta trong mỗi tương lai! Người là Thiên Chúa của lịch sử và là Thiên Chúa của thế kỷ hiện tại cũng như của những thế kỷ sắp tới! Niềm hy vọng Kitô giáo giúp tôi có thêm nghị lực để bước đi những bước mới theo khả năng tôi cho phép, với sự ý thức chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ chiếu giọi ánh sáng của Người trên việc làm bé nhỏ của tôi, trên cuộc sống cụ thể hằng ngày của tôi.
Chúng ta không chỉ nài xin Chúa giúp chúng ta đạt được những mục đích quan trọng mà chúng ta cần phải hiện thực, nhưng cả đến khả năng để bước đi những bước cụ thể, nhỏ mọn và đơn sơ, mà tôi – chúng ta – có thể thực hiện được trong gia đình, trong Giáo xứ và làng mạc của chúng ta hay ở bất cứ nơi đâu. Và qua đó, thế giới sẽ trở nên tươi sáng hơn. Ðó chínnh là sứ mệnh của tất cả chúng ta!
“Lạy Chúa, xin ban cho con sự can đảm trong những bước mà con sắp sửa đi! Và xin cho con cảm nhận được rằng Chúa hằng đồng hành với con trên mọi nẻo đường con đi!”
Ðó là điều cần phải nài xin Chúa ban cho chúng ta. Bởi vì, có những giờ phút trong cuộc sống, Chúa để xảy đến cho chúng ta trở nên vô cảm và nguội lạnh, không còn cảm nghiệm được bất cứ điều gì nữa. Ðó là những giờ phút chúng ta hoàn toàn trở nên trống rỗng và khô cạn, như thể bị căng ra trên thập giá như Chúa xưa kia ở đồi Golgotha vậy! Tuy nhiên, chúng ta có thể và cần phải tha thiết câu xin:
“Lạy Chúa, xin che chở con, xin che chở cộng đoàn Dân Chúa. Xin cho chúng con cảm nhận được sự gần gũi của Chúa bên chúng con!”
Nói tóm lại, Chúa đã hỏi người mù Bác-ti-mê-ô – Người cũng hỏi bạn và tôi nữa -: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Chúng ta hãy trả lời Người với tất cả sự cảm xúc đầy mong mỏi đợi chờ mà mỗi người chúng ta hằng ấp ủ:
Lạy Chúa, xin cho con biết con đang bị mù!
Xin cho con nhìn thấy được điều con đang thiếu thốn, điều con thực sự đang thiếu thốn!
Xin ban cho sự can đảm trong những bước đường sắp tới, chứ đừng để con chỉ ngồi chờ đợi kẻ khác!
Và xin cho con cảm nhận được rằng Chúa luôn ở bên con!
Hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được lãnh nhận tình thương của Chúa, như người mù Bác-ti-mê-ô: Ðức Giêsu đã sờ đến anh. Anh lại có thể nhìn thấy và anh đã theo Ðức Giêsu trên đường Người đang đi.
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN- Năm B
NIỀM TIN – Lm Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Giêrêmia loan báo tin vui ngày trở về quê hương xứ sở. Ai đi đâu xa, cũng mong có ngày trở về. Nhất là những người bị đi lưu đầy, tù tội hay xa xứ đều mong có ngày được trở về quê hương. Sự trở về mang lại niềm vui lớn. Cuộc sống là một cuộc nối kết những chặng đường trở về. Chúng ta cùng đang lữ hành trên trần gian đầy chông gai thử thách. Mọi cuộc lữ hành cần có cùng đích để hướng tới. Mỗi người được sinh ra đời đều có cội có nguồn, có cha có mẹ, có quê hương xứ sở và có cùng đích để trở về. Cuộc sống vô thường và thay đổi, đổi thay mỗi ngày. Cũng như thời gian đắp đổi, có hợp có tan, có vui có buồn, có đi có về, có xuất có nhập, có sáng có tối và có sinh có tử. Không có ra đi thì cũng không có trở về. Sinh ký tử qui. Cuộc sống con người kết nối bởi những biến cố nhỏ to. Đời sống thiên nhiên cũng thế, vòng xoay bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và hai mùa mưa nắng.
Dân Do-thái nhiều năm bị lưu đầy xa xứ sắp được trở về quê hương. Trong niềm vui mừng hân hoan, tiên tri Giêrêmia đã xướng lên: Vì Chúa phán thế này: Reo vui lên mừng Gia-cóp, hãy hoan hô dân đứng đầu chư dân!(Gier 31, 7). Niềm vui ngày trở về là ngày vui của sự xum họp trong tự do và hạnh phúc. Người Do-thái được giải thoát khỏi làm nô lệ tôi đòi cho ngoại bang. Niềm mơ ước được giải phóng trở về quê hương là một niềm mong ước vượt qúa sức của họ. Thiên Chúa đã yêu thương an bài để mọi người cùng được trở về sống chung, không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ tàn tật và người bất hạnh: Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về, cả một đại hội đông đảo (Gier 31, 8).
Thánh Phaolô mời gọi mọi người hãy sống đúng với tư cách của mình là Kitô hữu, ngài nhắn nhủ rẳng: Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh (Eph 5, 3). Sự xấu có mặt trong đời sống của con người mọi thời, xưa cũng như nay. Những bản năng thú tính kéo lôi con người trở về với cách sống hoang dã. Con người dễ rơi vào những dịp tội của sự ghen tương, thù ghét, oán hờn và gian tham. Sống buông thả theo bản năng thì rất dễ dàng như bèo trôi theo dòng nước. Đi vào con đường hẹp để tu tâm luyện tính đòi hỏi sự ý thức và luyện tập chuyên cần. Tu tâm là xa tránh dịp tội, cải thiện đời sống, giảm bớt tham sân si và tập tành các nhân đức. Muốn nên người tốt, chúng ta phải chuyên tâm tu luyện và thực hành điều thiện trong ý tưởng, lời nói và hành động.
Chúng ta đang sống trong thời đại ‘bấm nút’. Mọi phương tiện khoa học kỹ thuật xử dụng nút bấm và sờ chạm rất thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng. Chúng ta mất dần sự kiên nhẫn và sự kiên trì phấn đấu. Cái gì cũng muốn có kết qủa ngay lập tức như ơn chữa lành các bệnh tật. Vì thế, có sự xuất hiện giữa chúng ta những đáp ứng “mì ăn liền” trong cả niềm tin trong đời sống đạo. Khi xưa thánh Phaolô đã cảnh báo các tín hữu: Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục (Eph 5, 6). Chúng ta đừng dễ cả tin những cách thế trà trộn lẫn lộn thực hư để đưa dẫn chúng ta vào những sự hão huyền. Chúng ta đừng mắc mưu chạy theo các thần tượng và nghĩ rằng họ có thể đáp ứng mọi nhu cầu tâm linh khao khát của chúng ta.
Bài Phúc Âm, kể câu truyện Chúa Giêsu chữa cho anh mù thành Giêricô. Anh bị mù cả hai mắt và phải đi ăn xin. Anh nghe nói về Đức Giêsu Nazarét, anh đã nhận ra Chúa qua con mắt đức tin: Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “(Mc 10, 47). Có lẽ nhiều lần anh đã lảng vảng nơi đám đông tụ họp để ăn xin và nghe ngóng. Anh đã nghe và nhận diện ra Đấng có đầy lòng thương xót. Anh biết Đấng đó có uy quyền chữa trị bệnh cho anh. Anh bị mù chứ không phải quáng gà hay loạn thị. Các bác sĩ không thể chữa trị những chứng bệnh như mù, điếc, câm và què từ bẩm sinh. Anh đã chạy đến xin Chúa chữa. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” (Mc 10, 51). Chúa đã chữa lành cho anh ta.
Chúa chữa lành cho anh mù và tức khắc anh nhìn thấy. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10, 52). Ngày nay xuất hiện nhiều thầy lang chữa bệnh nhưng chỉ chữa những bệnh cảm cúm, đau nhức và phong thấp thường ngày. Thời tiết đổi thay, nay khỏe mai yếu. Hằng ngày người bệnh dùng cả thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tây và thuốc bổ đủ loại, hiệu qủa sớm muộn tùy duyên. Thật khó bề mà lường được nguyên nhân và hậu qủa của các hiện tượng chữa lành xảy ra. Như lời thánh Phaolô phát biểu: Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em. Thời nay có rất nhiều người cả tin, dễ tin và mê tín dị đoan. Những cảm giác, ảo tưởng, tâm sinh lý, ước muốn và môi trường chung quanh cuốn hút chúng ta vào những mê hoặc và giả tưởng. Chúng ta cần thức tỉnh tâm linh và trải nghiệm những diễn tiến thật sự trong thân xác mình. Chúa Giêsu nói với anh mù: Lòng tin của anh đã cứu anh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần một niềm tin tuyệt đối vào danh Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.
Là Kitô hữu, chúng ta tin vào quyền năng của Chúa Giêsu Kitô. Niềm tin cần được hun đúc, trau dồi học hỏi và thực hành trong đời sống. Tin là sự phó thác hoàn toàn vào việc Chúa quan phòng. Chúng ta bắt đầu Năm Đức Tin (the Year of Faith), Đức giáo hoàng Bênêđictô thứ 16 mời gọi các tín hữu hãy ý thức và sống niềm tin của mình cách chân thành. Chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính. Tin vào những mầu nhiệm được mạc khải trong đạo. Tin vào những điều Giáo Hội truyền dạy về sự sống đời này và đời sau. Củng cố niềm tin của mình bằng cách học hỏi lời Chúa, suy gẫm gương của các thánh nhân và thực hành sống đạo. Đức tin cần thấm nhập vào tâm trí, ý chí, ý thức và tuyên xưng qua lời nói và việc làm. Thánh Giacôbê nói về đức tin: Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Giac 2, 17).
Chúng ta đang trở về với cội nguồn của niềm tin. Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin của Công Đồng Nicêa năm 325 (The Nicene Creed). Niềm tin mà chúng ta đã tuyên hứa trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Cậy dựa vào gương sáng của các vị tiền bối đã dám sống chết vì niềm tin vào Đức Kitô. Chúng ta cũng phải củng cố và hun đúc niềm tin sống đạo mỗi ngày. Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được (Mt 17, 20). Đức tin là nhân đức đối thần. Trong cuộc sống đạo, chúng ta còn yếu đức tin và nhiều ngờ vực. Trau dồi qua tri thức chưa đủ mà cần kết hợp với Chúa Kitô trong nguyện cầu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17, 5).
Lạy Chúa, đức tin của chúng con rất hời hợt và nông cạn, xin thêm lòng tin cho chúng con. Đã nhiều lần chúng con mê hoặc chạy theo những lời mời gọi mơ hồ, giả trá, ảo tưởng và mê tín. Chúng con đã đặt niềm tin vào con người và phương tiện khoa học kỹ thuật trần gian hơn là đặt niềm tin nơi Chúa Kitô. Giờ đây, chúng con xin phó thác trọn vẹn cuộc đời trong tay Chúa, xin Chúa nâng đỡ phù trì.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam