Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 45

Tổng truy cập: 1377015

THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH

THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH

Chỉ trong vỏn vẹn có 2 câu trong đoạn Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng 5 lần chữ “tôn vinh”. Dựa vào Lời Chúa tiên báo: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, Thánh sử Gioan muốn diễn tả giờ phút Chúa chịu khổ hình thập giá cũng là giờ phút Chúa được tôn vinh. Đó cũng là giờ phút người ta nhận ra Người là Thiên Chúa đích thực. Nếu Chúa Con đã vâng lời cho đến chết để tôn vinh Chúa Cha, thì qua cuộc phục sinh huyền diệu, chính Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, để rồi vinh quang của Chúa lan tỏa trong vũ trụ, nơi con người cũng như nơi vạn vật. Sự tôn vinh như một dòng chảy giữa Chúa Cha và Chúa Con, và chúng ta, những tạo vật thấp hèn, cũng được chia sẻ vinh quang với Đấng đã chết và sống lại. Hơn thế nữa, chúng ta được hòa vào dòng chảy hiệp thông và vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Chính vì vậy, càng nỗ lực rao truyền Danh Chúa bao nhiêu, chúng ta càng được thông phần vinh quang của Ngài bấy nhiêu.

Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Thiên Chúa đang được tôn vinh qua những cộng tác của chúng ta để loan báo Tin Mừng. Sách Tông đồ Công vụ kể lại sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Mọi tín hữu, nhất là các tông đồ đều dấn thân đến mọi môi trường xã hội để loan báo Chúa Giêsu phục sinh. Bài đọc hôm nay kể lại những hoạt động của Phaolô và Barnabê. Một số địa danh được tác giả nhắc tới cho thấy nỗ lực và lòng nhiệt thành của các ông. Các ông luôn rảo khắp mọi nơi để thiết lập những cộng đoàn mới. Đến bất kỳ nơi nào, hai ông “tập hợp Hội Thánh”, tức là quy tụ mọi người thiện chí và kể lại cho họ những gì Thiên Chúa đã làm. Đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã vượt qua ranh giới những người Do Thái để đến với các dân ngoại, vì vậy, số người tin Chúa ngày một tăng thêm. Vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân mỗi người tín hữu, nhờ đó cộng đoàn đầy tràn sức sống và niềm vui.

Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng ta sống hòa thuận yêu thương nhau. Thánh Irênê đã viết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”. Khi khẳng định điều này, vị Giáo phụ Hy Lạp muốn diễn tả: mỗi khi con người sống hạnh phúc và yêu thương nhau, thì vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Cũng vậy, mỗi khi con người nỗ lực thực hiện tình yêu thương và sống hạnh phúc, là họ loan truyền vinh quang Thiên Chúa. Sau khi nói đến việc Chúa Cha tôn vinh mình, Chúa Giêsu nhắc lại lời mời gọi sống yêu thương. Giới răn yêu thương còn được nhắc lại trong phần tiếp theo của Tin Mừng (x. Ga 15,17). Đức Giêsu cũng khẳng định: một khi các tín hữu sống yêu thương nhau, họ sẽ làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, và những người khác sẽ nhận ra các tín hữu là môn đệ của Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, người ta có thể nhận ra hình ảnh của Ngài nơi đời sống của người tín hữu, ở mức độ cá nhân cũng như tập thể.

Vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện một cách hoàn hảo vào lúc tận cùng thời gian, tức là ngày cánh chung. Thánh Gioan trong thị kiến đã thấy trời mới đất mới. Lúc đó, mọi đau khổ và nước mắt sẽ không còn. Thiên Chúa không còn là Đấng vô hình nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện giữa dân Ngài một cách hữu hình cụ thể (Bài đọc II). Đó là tương lai mà chúng ta đang hướng tới. Đó cũng là đích điểm của đời sống Kitô hữu.

Sứ mạng cốt lõi của Chúa Giêsu khi Người được sai đến trần gian là để tôn vinh Thiên Chúa. Việc rao giảng Tin Mừng và những phép lạ Chúa đã thực hiện là nhằm mục đích thể hiện quyền năng của Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài. Chúa Giêsu đã trung tín thực hiện sứ mệnh được trao, dù phải trải qua thập giá. Tôn vinh Thiên Chúa cũng là ơn gọi của người Kitô hữu. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng trong thực tế lại đơn giản. Quả vậy, tôn vinh Thiên Chúa chỉ là đơn giản là cuộc sống đạo đức yêu thương và nhiệt thành tông đồ. Điều này mọi Kitô hữu đều có thể làm được, nhờ nỗ lực của cá nhân, cộng với ơn phù trợ của Chúa, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta.

 

4.Điều răn mới

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm - ViKiNi)

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Người ta cho rằng: yêu thương phát xuất từ con tim. Người ta còn nói: Tình yêu xưa như trái đất, nghĩa là tình yêu có từ khi có trái đất hay trái đất xưa bao nhiêu thì tình yêu lâu đời bấy nhiêu. Như thế, tình yêu cũ kỹ lắm rồi! Ở đấy, Đức Giêsu không nói đến thời gian có tình yêu. Người chỉ nói phải đổi mới tình yêu.

Tình yêu đã bị hủ hoá, tha hóa vì nó chứa quá nhiều các thứ trần tục, nó bị ô nhiễm bởi tội tổ tông, làm mất giá trị cao quý của con người siêu việt là con Thiên Chúa.

Nó nghiền những thứ: nghiền rượu, nghiền thuốc, nghiền ma túy, mê tiền, mê của, say đắm tình dục xác thịt. Nó bị lôi cuốn, đắm chìm, nô lệ cho những thứ đồ vật. Nó bị sai khiến bởi vật chất, vật chất đã làm chủ con người. Nó hạ giá con người xuống dưới hàng vô tri vô giác. Trong khi đó giá trị con người hơn: “Được lời lãi cả thế gian mất mạng sống mình nào được ích gì?”

Dầu yêu người khác như chính mình, như yêu quê hương, yêu tổ chức, yêu đồng bào, yêu nhân loại, thường được diễn tả bằng những câu ca dao như:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Người chung một nước phải thương nhau cùng”

Ngay thời kỳ Vua Nghiêu, Vua Thuấn đã đề cao:

“Tứ hải giai huyng đệ”: Bốn bể đều là anh em.

“Lấy dân làm gốc”: Dân là quý, xã hội là thứ yếu.

Hay câu: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”: Mình không muốn cho mình, thì đừng làm cho người. Luật Cựu Ước cũng dậy: “Ngươi sẽ không báo oán, không căm thù với con cái dân ngươi, nhưng ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình” (Lev. 19, 18). Tất cả những điều hô hào như thế đều là điều răn cũ, vì một là ta yêu đồ vật thì giá trị con người của ta bị đánh giá bằng đồ vật, hai là ta yêu người thì ta ngang hàng với người mà thôi.

Đồ vật và loài người chỉ có giá trị tạm thời, chóng tàn. Còn Đức Giêsu, Người ban cho ta điều răn mới là để nâng cao con người lên bậc con Thiên Chúa, một giá trị siêu việt trường tồn vinh quang. Cho nên, Người kêu gọi: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em”.

Yêu như Thầy yêu anh em: Thầy là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sống hòa mình với mọi người, nhất là những người đau khổ. Thầy là Đấng Cứu thế, đến phục vụ và cứu chữa những người bệnh tật, tội lỗi, trộm cướp và quỷ ám. Thầy là Đấng thượng phẩm đời đời, đến hiến mạng sống chịu chết làm lễ vật hy sinh tế lễ giao hoà loài người với Thiên Chúa. Thầy là Đấng hằng sống đã sống lại, để cho người ta được sống đời đời. Thầy là Con Thiên Chúa để cho con người được làm con Thiên Chúa vinh phúc muôn đời. Đó là tình yêu của Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau như vậy. Chính vì hiểu như thế, Thánh Augustinô đã giải thích: “Sau khi lột bỏ con người cũ, nó mặc cho ta con người mới… Kẻ vâng theo giới răn mới này được canh tân, không phải nhờ một thứ tình yêu nào, nhưng chỉ nhờ tình yêu mà Chúa đã phân biệt với tình yêu xác thịt khi Người nói thêm rằng: “Như Thầy đã yêu chúng con”. Tình yêu ấy đổi mới chúng ta, những kẻ hát khúc ca mới. Tình yêu ấy đã canh tân tất cả những người công chính ngày xưa, các thánh tổ phụ, các tiên tri thời trước, cũng như đã đổi mới các dân tộc và toàn thể nhân loại sống rải rác khắp mặt địa cầu. Nó đang kết hợp lại thành một dân mới, làm thành thân thể người bạn trăm năm mới của con Thiên Chúa (Bài đọc II, thứ năm sau Chúa nhật hai Phục sinh: Kinh nguyện).

Hội Thánh là bạn trăm năm của Đức Kitô đặt lệnh truyền điều răn mới này vào những ngày Đức Kitô chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết và đang chuẩn bị khải hoàn về trời.

Trong hoàn cảnh này, điều răn mới có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là trong những lúc càng nhiều nguy biến, gặp nhiều âm mưu hãm hại, càng phải triệt để thương yêu nhau để chiến thắng đau khổ, chiến thắng sự chết thì mới được khải hoàn về trời với Đức Kitô Phục sinh vinh hiển.

Thương yêu nhau là dấu chắc chắn chiến thắng. Chúng ta chiến thắng không phải bằng tiêu diệt kẻ thù, mà bằng làm cho kẻ thù được trở về với tình yêu của Chúa: “Cứ dấu này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng thương yêu nhau”. Họ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa tức là họ đã nhận biết Chúa, nhận biết tình yêu cứu độ của Chúa. Họ phục thiẹn, tất nhiên họ đã trở về với Thiên Chúa rồi đó.

Họ trở về với Thiên Chúa là ta đã làm Thiên Chúa được tôn vinh nơi Đức Kitô, làm Thiên Chúa được tôn vinh chính là thực hiện công cuộc cứu thế của Đức Giêsu.

Khi chúng ta thực hiện điều răn mới của Chúa, chúng ta sẽ được, như Thánh Gioan, thấy trời cũ đất cũ biến thành trời mới đất mới, thấy thành Giêrusalem cũ biến thành Giêrusalem mới, thấy mọi người mọi nơi, như đồi Canvê biến thành nơi sáng láng vinh hiển như núi Tabor, sẽ thấy mọi nơi mọi lúc có Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ, sẽ không còn sự chết, sẽ không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa vì những điều cũ đã biến mất! (Bài đọc II)

Lạy Chúa, xin đổi mới trái tim sắt đá của con nên trái tim thương yêu, thông cảm. Xin đổi mới con tim thịt máu xác phàm nên trái tim giống Thánh Tâm chan hoà tình thương yêu Chúa, để con biết thực thi điều răn mới của Chúa và làm cho thế giới khô cằn trở thành Nước Trời xanh tốt phì nhiêu.

 

5.Yêu thương

Nếu kiểm điểm lại đời sống, xét mình về những lời nói, những cử chỉ và những việc làm đối với những người chung quanh, chúng ta sẽ thấy mình đã sai lỗi rất nhiều giới luật yêu thương của Chúa. Tôi nghĩ rằng Lời Chúa phán: Ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi, sẽ bao gồm tất cả và chi phối mọi liên hệ giữa người với người. Nếu chúng ta hiểu thấu đức bác ái và cố gắng thực hiện, chúng ta sẽ trở nên những người lịch sự, tế nhị và dễ thương.

Yêu thương anh em, nhiều người trong chúng ta cho rằng, lệnh truyền này có tính cách giáo điều, mang nặng tính chất đạo đức, không còn gây được những ấn tượng mạnh mẽ. Trong khi đó, cuộc sống thì biến đổi từng ngày và từng giờ. Người ta chú trọng đến những vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những lời nói tuyên truyền. Tất cả làm thành như một lớp sơn, phết trên thanh gỗ mục. Trong khi đó tinh thần bác ái, tinh thần yêu thương vẫn cứ bị quên lãng, và không có một chỗ đứng quan trọng nào trong sinh hoạt thường ngày.

Bên Phi châu, có những bộ lạc, khi gặp nhau người ta chào nhau bằng câu: Tôi nhìn thấy bạn. Câu nói này đối với chúng ta không mang một ý nghĩa gì đặc sắc, nhưng nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy được cả một quan niệm sống của dân bản xứ. Tôi nhìn thấy bạn, có nghĩa là tôi không tập trung cái nhìn ích kỷ trên bản thân tôi, tôi không coi tôi như là cái rốn của vũ trụ, nhưng tôi nhìn thấy bạn, với tất cả địa vị và giá trị của bạn.

Tôn trọng người khác, có lẽ đó là điều mà hiện nay chúng ta còn thiếu sót rất nhiều. Người khác không phải là một hòn đảo để cho tôi thám hiểm, cũng không phải là một trái chanh cho tôi vắt kiệt. Người khác là anh em của tôi, là hình ảnh của Thiên Chúa. Dù họ có xấu xa và tệ bạc đến đâu chăng nữa thì họ cũng đã được cứu chuộc bằng Máu Thánh Đức Kitô, thuộc về gia đình Thiên Chúa cũng như tôi. Trong gia đình này, Thiên Chúa là Cha và chúng ta là anh em với nhau. Nếu nhìn người khác như thế, chúng ta sẽ trở nên người Kitô hữu trưởng thành và sống đạo.

Một người ngoại quốc bước xuống xe điện. Ông ta hỏi thăm về địa chỉ với người mà ông ta gặp đầu tiên. Người ấy đã chỉ vẽ cặn kẽ rồi lại đi theo và xách hành lý cho ông ta tới tận địa chỉ mà ông ta định đến. Tò mò, ông ta bèn hỏi người ấy: Tại sao ông lại làm cho tôi như thế, đang khi tôi chỉ là một kẻ xa lạ. Rất đơn sơ và thành thật, người kia đã trả lời: Vì tôi là người Kitô hữu.

Là người Kitô hữu, chúng ta hãy yêu thương người khác trong Đức Kitô và vì Đức Kitô. Hãy yêu thương người khác, vì tất cả đều là anh em, đều có chung một Cha là Thiên Chúa ở trên trời.

 

home Mục lục Lưu trữ