Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 34
Tổng truy cập: 1376707
THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT
Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.
1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ
Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.
Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.
Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.
Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.
Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.
Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.
Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.
2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.
Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.
3. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.
Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.
Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.
Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.
Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.
Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giaù lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ,không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.
2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?
17. Phục hồi phẩm chất cao đẹp
(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)
Chỉ có tội lỗi là nguyên nhân duy nhất tàn phá phẩm chất cao đẹp của con người.
Cho dù lũ lụt có thể cuốn trôi tất cả nhà cửa ruộng vườn, biến người ta thành người tay trắng, nhưng không thể cuốn trôi phẩm giá người ta.
Cho dù hoả hoạn có thiêu rụi nhiều phố xá làng mạc, cướp đi tất cả tài sản của người dân, nhưng cũng không thể thiêu rụi phẩm giá con người.
Dù tai ương hoạn nạn có cướp đi một vài chi thể của con người, khiến người ta trở nên tàn phế, nhưng cũng không thể cướp đi phẩm chất cao đẹp của người ấy.
Không gì từ bên ngoài có thể làm mất phẩm chất, mất giá trị con người, nhưng chỉ có tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể huỷ diệt phẩm giá cao đẹp của họ. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định điều nầy: "Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 21-23).
Câu chuyện người con thứ trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho thấy tội lỗi làm băng hoại phẩm giá con người đến mức nào.
Sau khi đòi chia gia tài và phung phí tài sản của mình với bọn đàng điếm, người con thứ lâm vào cảnh đói khát cùng cực và phải xin làm nghề chăn heo là nghề ô nhục nhất đối với người Do Thái.
Không có hình ảnh nào diễn tả tình trạng xuống cấp và suy đồi phẩm giá cho bằng hình ảnh một con người đói rách thảm hại, chen chúc với đàn heo bẩn thỉu hầu mong được ăn thực phẩm của heo nhưng chẳng ai cho.
Chính tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể làm cho giá trị con người bị suy sụp cách thảm hại như thế.
Nhưng cũng qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một chân trời hy vọng: những con người bị tội lỗi làm mất giá trị có thể được phục hồi nhân phẩm cách tuyệt vời.
Phục hồi lại phẩm chất cao đẹp của mình nhờ quay về với Chúa.
Một người giàu có bị phá sản, còn rất lâu mới có cơ may xây dựng cơ đồ, phục hồi sự nghiệp.
Một người bị mất chức, mất việc... khó lòng kiếm lại được chức, được việc ngon lành như trước.
Nhưng thật vô cùng may mắn và hạnh phúc cho chúng ta là những người tội lỗi, một khi lỡ sa ngã phạm tội, đánh mất hết phẩm chất cao đẹp của mình... thì chỉ cần cố gắng, kiên quyết hoán cải là có thể phục hồi lại được phẩm chất cao đẹp như trước.
Sau khi người con thứ lâm vào tình trạng đói khát, anh ta hồi tâm lại và quyết chí trở về nhà cha, để xin làm một người tôi tớ.
Khi thấy con từ đằng xa, người cha mừng rỡ chạy lại ôm lấy đứa con hoang và hôn nó hồi lâu.
Không để cho đứa con hư nói hết lời hối lỗi, ông truyền sai tôi tớ mau mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn quý vào tay cậu, mang giày sang quý vào chân cậu và hãy hạ bò tơ để ăn mừng...
Thế là từ một con người thân tàn ma dại, một thằng chăn heo hèn hạ đói khát, người con hoang đàng đã trở thành chàng công tử thượng lưu với bao nhiêu tôi tớ hầu hạ. Thay vì tấm áo rách hôi hám, cậu được mặc vào người tấm áo đẹp nhất. Thay vì đi chân đất bần cùng, cậu được mang giày dép sang trọng, được đeo nhẫn quý vào tay như những người quyền quý. Thay vì trước đây khao khát được ăn chung máng với đàn heo, ăn giữa đàn heo, cậu được ngồi ăn với cha, với họ hàng, với những bậc tai mắt trong làng xóm, có kẻ hầu người hạ. Thay vì những đồ cặn bã của heo, nay cậu được ăn thịt bê đã vỗ béo ngon lành. Thật khác ngày hôm qua một trời một vực. Thật là một sự thay đổi tuyệt vời, nằm mơ không thấy.
* * *
Chỗi dậy trở về cùng Chúa là từ bỏ tội lỗi và tính hư tật xấu, là kết hợp với Đức Kitô để trở nên con người mới, thụ tạo mới như lời thánh Phao lô dạy trong thư gửi tín hữu Cô-rinh- tô: "Phàm ai kết hợp với Đức Kitô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi." (2C 5,17).
Cơ hội trở về luôn luôn sẵn có. Lời Chúa và Hội Thánh vẫn liên tục kêu mời. Điều còn lại hoàn toàn tuỳ thuộc ở nơi ta. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm lại cuộc đời, sửa đổi và nâng cấp đời sống mình hay không.
18. Mất – Tìm – Mừng
(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)
Trong cuộc đời truyền giáo, Chúa Giêsu có nhiều dịp tiếp xúc nhiều hạn người, nhiều tầng lớp xã hội. Theo Tin Mừng, Chúa đặc biệt ưu ái người nghèo, nghèo vật chất và nhất là nghèo phẩm giá. Chúa lui tới, gặp gỡ, ăn uống với họ. Chúa bày tỏ tình yêu đối với họ là tình yêu thương xót, thông cảm, bao dung, tha thứ và đón nhận. Chúa đi ngược hẳn lối suy nghĩ của những người lãnh đạo trong đạo, ngoài đời của xã hội Dothái đương thời. Họ khinh miệt những người nghèo. Họ xa tránh và gọi những người nghèo ấy là “phường tội lỗi”.
Hôm nay, bằng ba dụ ngôn, Chúa dạy những “nhà lãnh đạo Dothái” bài học của lòng yêu thương thông cảm.
I. MẤT – TÌM – MỪNG
Bài Tin Mừng hôm nay, với ba dụ ngôn, để diễn tả nỗi lòng yêu thương cao cả của Thiên Chúa, có nhiều động từ được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại, đó là những động từ: “mất” (6 lần), “tìm” (8 lần), “mừng” (8 lần).
Người ta bị mất, người ta đi tìm. Tìm thầy, người ta vui mừng.
Cái bị mất càng quý giá, càng phải tìm. Tìm thấy, nỗi vui mừng càng lớn.
Con người lưu lạc khỏi vòng tay Thiên Chúa, Thiên Chúa lạc mất con người. Cả dòng lịch sử cứu độ trải dài hàng thế kỷ là hành động của Thiên Chúa tình yêu đi tìm con người. Bởi thế, dòng lịch sử cứu độ đã ghi một dấu ấn tích cực, đó là dấu ấn của cả Hội Thánh Chúa và biết bao nhiêu anh chị em đã đáp lại sự tìm kiếm của Chúa.
Con người, đối với Thiên Chúa, đó là quà tặng quý giá dành cho chính bản thân Người. Bởi con người đáng quý, cho nên sự bội nghĩa vong ân của họ gây nên nỗi đau lớn nơi lòng Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa đã tìm thấy con người qua sự đáp trả của họ, đó là một niềm mừng vui không xiết. Chúa Giêsu diễn tả niềm vui này bằng nhiều hình ảnh:
- Người chủ chiên, sau khi tìm thấy con chiên tự ý bỏ đàn ra đi, đã “vui mừng vác chiên lên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc”.
- Người phụ nữ cất mọi công sức đi tìm đồng bạc bị lạc mất: “Đốt đèn, quét nhà, tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy”. Khi tìm thấy, “bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: ‘Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi bị mất”.
- Nhất là người cha nhân hậu, sau bao năm mỏi mòn trông đợi đứa con phụ nghĩa bạc tình, ông vui mừng hết sức khi tìm thấy con ông trở về. Niềm vui của ông vỡ òa trong ngày chính ông được chạm đến cuộc đời đứa con hư hỏng: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giày vào chân cậu. Hãy bắt con be béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.
Ba động từ MẤT – TÌM – MỪNG xuyên suốt ba dụ ngôn, trở thành một tình ca hay, ca ngợi lòng yêu thương vừa kỳ diệu, trường kỳ, sâu thẳm trong hành động tìm kiếm con người của Thiên Chúa, vừa cho thấy: Tội lỗi đáng ghét, đáng loại trừ, nhưng người có tội, dù tội của họ nặng đến mức độ nào, vẫn đáng thương, đáng được tha thứ một khi họ biết ăn năn.
Một con chiên lạc, một đồng bạc bị mất, một đứa con hư hỏng. Thực ra đó là hình ảnh của loài người tội lỗi, là linh hồn con người cần được tình yêu tha thứ của Chúa đón nhận. Linh hồn còn quý giá hơn bội lần đối với con chiên, quý giá hơn đồng bạc, quý giá hơn đứa con hoang đàng. Bởi vậy, một khi tìm lại được linh hồn con người, thì không phải chỉ cả nhà vui, người chủ vui, hàng xóm vui, nhưng cả thiên đàng đều vui: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải”.
II. THÁI ĐỘ NÀO CHO CHÚNG TA?
Thứ nhất: Biết mình có tội.
Cả vô tình lẫn cố ý, nhiều lần ta trở thành “người anh cả” trong dụ ngôn thứ ba, đã không thể thông cảm, không thể đón nhận anh em mình đứng lên sau khi đã vấp ngã, lại còn ganh ghét, lên án, kết tội. Đó là thái độ của những biệt phái và luật sĩ mà bài Tin Mừng nhắc đến nói riêng, các nhà lãnh đạo trong đạo ngoài đời của xã hội Dothái nói chung. Chính thái độ loại trừ một cách độc ác này đã “bị” Chúa dạy liên tiếp bằng ba dụ ngôn đáng giá, để nhắc nhở họ về tình trạng tội lỗi của chính họ. Họ cũng cần được tha thứ, cũng cần được Thiên Chúa yêu thương đón nhận như mọi người. Họ phải khôn ngoan nhìn mình để khám phá con người thực của mình hơn là nhìn người anh em để đổ vạ, để lên án.
Hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, lúc mà ta đang lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, hãy biết rằng, Chúa dạy ta đừng xét đoán, đừng lên án anh em, bởi không phải anh em có tội, nhưng là chính bản thân ta có tội. Chúa đang dạy ta hãy cúi đầu nhìn nhận mình tội lỗi mà ăn năn tội và cầu xin ơn tha thứ như lời thú nhận của người con thứ trong dụ ngôn thứ ba: “Thưa Cha, con thật đắc tội với Cha”.
Thứ hai: Đừng đánh mất hy vọng.
Dù ta xấu thế nào, tội nặng đến đâu, ta vẫn không có quyền thất vọng. Hãy tin mãnh liệt rằng, trước khi ta trở về, Chúa đã đi tìm ta. Chẳng những Chúa không bỏ rơi người có tội, ngược lại Chúa chủ động đi tìm. Chúa tìm đến lúc tìm được mới thôi. Ngày nào ta còn xa Chúa, ngày ấy Chúa còn mòn mỏi trông ngóng, chờ đợi, đau khổ. Chúa tìm ta, Chúa cần ta, Chúa thương ta, Chúa nâng niu ta. Một khi đã tìm lại được ta, Chúa không chỉ đón nhận như đón nhận người con ân hận trở về. Nhưng lòng Chúa mở hội, lòng Chúa vui mừng khôn tả.
Ta không có quyền thất vọng trước tình yêu hãi hà của Chúa. Tại sao ta lại thất vọng trong khi Chúa đang tha thiết chờ đợi ta trở về cùng Chúa? Tại sao ta không xác tín rằng, với ơn Chúa, ta sẽ có đủ nghị lực đứng lên trở về với Chúa? Người con hoang đàng trong dụ ngôn thứ ba toàn làm điều xấu, chỉ duy nhất có một hành động đẹp mà thôi: Đứng lên trở về cùng cha. Dẫu chỉ một, nhưng hành động ấy quá đủ để anh lại được ngự giữa tình yêu của cha. Dù ta phạm tội đến mức độ nào đi nữa, thì cũng hãy dứt khoát thực hiện một hành động rất đẹp mà người con hoang đàng đã thực hiện: Ra đi, trở về cùng Cha và thưa với Cha rằng: Lạy Cha, con đã lỗi phạm đến Cha. Hãy nhớ một điều rất quan trọng: Thất vọng là động lực nguy hiểm lôi kéo ta càng ngày càng xa Chúa. Do đó, thất vọng càng nhấn chìm ta. Càng đẩy ta lún sâu vào vũng bùn dơ bẩn của tội lỗi. Thất vọng là giết chết cuộc đời mình, giết chết tương lai vĩnh cửu của mình, giết chết cơ hội trở về với tình yêu của Chúa.
Thứ ba: Tin vào khả năng mình sống thánh thiện.
Ai trong chúng ta cũng có khả năng làm việc thiện. Đó là thực tế. Ngay cả một người dù bậm trợn nhất, xấu xa nhất, thì nội tâm anh ta vẫn khao khát hướng về sự thiện.
Tin vào khả làm việc thiện, sẽ đưa ta tới một niềm tin quan trọng khác: Ta có thể đứng lên thay đổi đời sống và hoán cải lòng mình. Hình tượng người con hoang đàng quyết trở về với cha của anh là bằng chứng mà Chúa đã dùng để nhắc ta hãy tin vào khả năng mình nên thánh thiện. Lịch sử Hội Thánh đã ghi nhận nhiều tấm gương sống đúng như Lời Chúa dạy qua hình ảnh người con hoang đàng. Chẳng hạn: thánh Phêrô, thánh Âugustinô, Thánh Phanxicô Asisi, á thánh Charles de Foucauld… Tất cả những con người thánh ấy, đều đã có một thời gian sai phạm, nhưng đã tự tin đứng lên về cùng Chúa. Họ đã thành công. Họ đã nên thánh. Chính tình yêu của Chúa đã trao cho họ động lực hoán đổi đời mình. Cũng vậy, Chúa vẫn bao bọc đời ta bằng tình yêu triều mến của Chúa. Tin tưởng Chúa không bỏ ta, ta sẽ đủ nghị lực, đủ mạnh mẽ mà dứt khoát giả từ tội lỗi, trở về cùng Chúa.
19. Cha anh chạy ra gặp anh
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Bước vào Chúa nhật thứ XXIV thường niên C, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc Tin Mừng chương 15 Phúc Âm theo thánh Luca (15,1-32). Chương này gồm ba thể hiện lòng thương xót nên gọi là "dụ ngôn lòng thương xót": con chiên lạc, đồng tiền mất, và người con trai hoang đàng.
Khi đọc "Người kia có hai con trai", dù người biết rất ít về Tin Mừng vừa nghe đọc mấy lời trên sẽ biết ngay là " dụ ngôn người con trai hoang đàng", có người gọi là "dụ ngôn người cha nhân hậu".
Dụ ngôn này thường được khai thác dưới nhiều khía cạnh về mặt thiêng liêng. Thực ra dụ ngôn này chỉ là chuyện hoà giải giữa cha và con, một sự hòa giải như thế là thiết yếu cho hạnh phúc của các người cha và con cái.
Trong ca dao, thơ ca, hò vè, văn chương, nghệ thuật, kịch nghệ sân khấu và những quảng cáo, xem ra chỉ tập trung vào một tương quan nhân bản duy nhất là tình yêu lứa đôi giữa người nam và người nữ, giữa người vợ và người chồng. Tương quan giữa cha và con thật quan trọng, vậy mà ít được khai thác. Tương quan này là đem lại vui mừng cho sự sống, niềm vui trong cương vị làm cha và làm con.
Khi nói về tương quan gia đình, không có gì xấu hơn trong tương quan giữa một người nam và một người nữ cho bằng sự lạm dụng, khai thác và bạo lực, và không có gì dễ bị phơi bày và biến dạng trong tương quan giữa những người cha và con cái cho bằng tính độc đoán, chủ nghĩa gia trưởng, sự nổi loạn, sự loại trừ, sự thiếu liên lạc.
Thiên Chúa đã than: "Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta" (Is 1, 2). Nhiều người cha ngày nay có kinh nghiệm về điều trên.
Sự đau khổ là hỗ tương; không phải như dụ ngôn mà lỗi hoàn toàn ở người con. Có những người cha bị đau khổ hơn cả trong cuộc đời khi bị con cái loại bỏ hay khinh chê. Và có những đứa con bị đau khổ sâu xa nhất, đến nỗi không thể chấp nhận được khi cảm thấy bị hiểu lầm, không được coi trọng, bị loại trừ bởi cha mình.
Thực ra một sự hoà giải giữa cha mẹ và con cái và một sự chữa lành nội tâm sâu thẳm về tương quan giữa họ là một điều quan trọng cho sự tân phúc âm hóa. Chúng ta biết, tương quan của một người cha trần thế có thể ảnh hưởng rất lớn, tích cực hay là tiêu cực, đến tương quan chúng ta với Cha trên trời và như thế cũng ảnh hưởng tới đời sống Kitô hữu.
Vậy khi chúng ta phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, chúng ta khước từ Ngài, chúng ta phải làm gì, vì Thiên Chúa vẫn một lòng trung tín, không từ bỏ chúng ta? Thiết nghĩ, chúng ta lấy lại những lời đã soạn sẵn của người con thứ trong dụ ngôn, cùng với can đảm để thưa với cha mình.
"Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha' ". Lời thú nhận đầu tiền của chúng ta với Thiên Chúa là Cha, Đấng Tạo Hóa, giầu lòng thương xót và là thẩm phán là như thế. Cho dẫu Thiên Chúa biết mọi sự, Ngài vẫn đợi chờ chúng ta trở về lên tiếng thú lỗi; lý do là "tuyên xưng nơi miệng thì được ơn cứu rỗi" (Rm 10,10)...
Đó là điều người con thứ đã từng nói với cha mình; nói thôi, chưa đủ, nếu anh không về cùng Cha. Nhưng giờ này biết cha ở đâu để về gặp? " Tôi sẽ trỗi dậy". Đó là điều thánh Phaolô Tông Đồ nói: "Thức dậy đi, hỡi người ngủ mê! Từ trong cỏi chết, hãy đứng dậy!" (Ep 5,14)... Trước hết hãy trỗi dậy, nếu chúng ta đang ngồi đây và ngủ mê. Hãy thức dậy trở về với Giáo hội, với Thiên Chúa là Cha, là Con, là Thánh Thần. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sâu thẳm nơi con người, đến tìm gặp con người; nếu người cha trong dụ ngôn ngày ngày ra ngóng chờ con, nên khi con còn ở đàng xa ông đã chạy tới ôm chầm lấy con. Thiên Chúa là Cha, Ngài luôn dõi mắt theo con người, khi thấy con người khi còn ở đàng xa, Chúa đã thấy và chạy tới ôm chầm lấy con người và hôn lấy hôn để... khi con người bị tội lỗi thế gian vùi dập, Ngài cúi xuống để nâng con người lên; hướng con người về Trời để tìm thấy Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Ngài đã hạ mình xuống để giải thoát con khỏi thân phận nô lệ và trở nên chỗ êm ái nhẹ nhàng để con người dưỡng sức nghỉ ngơi, khi nói, nơi Đức Giêsu, con người gặp được Thiên Chúa Cha Đấng giầu lòng thương xót: «Hãy đến với Ta, hết thảy những kẻ lao đao và vác nặng". Và Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức" (Mt 11,28). Đó là cách mà Chúa ôm chặt con người, nếu con người hoán cái trở về với Chúa. Áo, nhẫn, giầy, con người đánh mất, Thiên Chúa sẽ ban lại. Áo ở đây là áo sự khôn ngoan..., áo tinh thần và là y phục lễ cưới. Nhẫn ở đây không gì khác là dấu ấn của niềm tin chân thành và dấu ấn của chân lý đó sao? Còn đôi giầy đi, chỉ sự loang báo Tin Mừng. Hãy hồi tâm và trỗi dậy, can đảm trở về với Thiên Chúa khi ta lầm đường lạc lối, để đón nhận được lòng xót thương của Thiên Chúa là Cha nhân lành. Amen.
20. Thiên Chúa yêu thương và đợi chờ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn cuối của của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh ba chiều về Lòng Thương Xót Chúa: Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận; Chúa thương xót hết mọi loài; Chúa hành động vì xót thương.
Dụ ngôn: "Con chiên lạc" (x. Lc 15, 4-7); " Đồng bạc bị đánh mất" (x. Lc 15, 8-10); cụ thể hơn cả là dụ ngôn "Tình phụ tử " (x. Lc 15, 11-32) thể hiện niềm vui viên mãn tràn đầy. Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Vì đồng bạc vô tình bị đánh mất, con chiên lạc có thể cố gắng tìm thấy đàn của mình, và người mất chiên cũng có thể tìm lại được chiên, nhưng không một trường hợp nào hồi tâm trở về với chính mình. Nên người tội lỗi trở về, Chúa Cha khao tiệc ăn mừng. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta như thế.
Cả thiên đàng vui mừng khi ta tội lỗi trở về cùng Chúa
Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn: "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18). Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và sự hoán cải của người con tìm thấy được tình yêu trìu mến của cha.
Cha Marko I. Rupknik S.I tác giả Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót họa vẽ Chúa Giêsu đang vác con người lầm lạc trên vai, là một minh hoạ tuyệt vời về lòng thương xót Chúa.
Lòng Thương Xót đã trở nên người, mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Khi vác con người trên vai, Thiên Chúa và con người hướng về nhau, đến nỗi có chung một con mắt. Như thế, Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt con người, để cảm thông, yêu thương và hoán cải con người. Từ nay con người nhìn vũ trụ vạn vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, mà hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa là đem lại hạnh phúc cho con người.
Con người bỏ Chúa ra đi, lầm đường lạc lối, đi vào ngõ cụt, bị thương tích. Thiên Chúa vẫn yêu thương mang về. Logo Năm Thánh diễn tả, Chúa tay chân vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến vết thương đau đớn của chính mình, vẫn vội vã, chân thấp chân cao đi tìm con người. Tìm được rồi, Chúa không lên án lỗi lầm, Chúa vác con người trên vai mang về mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên, yêu thương đến tha thứ những phản bội, yêu thương đến quên mình, dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên, không ai hiểu thấu, không lý luận nào có thể cắt nghĩa được.
Có người nghi ngờ về lòng thương xót ấy nên mới nói: Tôi tội lỗi lắm, vào xưng tội, cho dù cha có tha, không biết Chúa có tha cho tôi không?
Xin thưa: Để lãnh ơn tha thứ, cần phải có tội, và cho dù tội có đỏ như son Chúa vẫn tha thứ, vì Chúa là Đấng tha thứ không biết mệt mỏi. Thứ tha là việc của Chúa, lỗi lầm là của con người chúng ta. Con người tha cho nhau còn nhớ lại. Thiên Chúa tha thứ là xóa sạch tội khiên. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên: nếu xưng tội xong lại phạm, hãy đến tòa giải tội để lĩnh ơn tha thứ. Xin bật mí, ấn tín tòa giải tội luôn được cha giải tội trân trọng giữ gìn, nghe xong quên luôn là việc các cha phải làm.
Có người còn hỏi: Khi ta phạm tội, ta xin Chúa tha thứ, Ngài thứ tha, vậy cần gì phải đến xưng tội với cha cho mất thời gian và thêm phiền toái?
Quả thật, sau khi phạm tội chúng ta thật lòng hối cải ăn năn tội cách trọn thì đã được Thiên Chúa tha thứ rồi, nhưng nếu ta không đến tòa giải tội, ta không lĩnh nhận được cách trực tiếp ơn tha thứ ấy. Cũng như người con thứ bỏ nhà ra đi, cha anh ở nhà đã sắm cho anh nhẫn vàng, áo đẹp và giầy sang, những thứ đó là của anh, nhưng nếu anh không về thì anh chưa nhận được trực tiếp.
Tìm lại chính mình và trở về với tha nhân
Người con trưởng tuy ở hằng ở cùng cha, nhưng anh đã đánh mất chính mình, tự nhận mình là kẻ làm tôi "con đã làm tôi cha" (Lc 15,29), đánh mất em, em mình mà anh gọi là "thằng con con của cha kia" (Lc 15,30). Và giờ đây anh ta tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Ông đã mất cả hai thằng con. Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên Chúa, khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần. Người anh cả cũng cần phải trở về. Những người công chính, những người tin rằng mình công chính cũng cần lòng thương xót.
Đạo của chúng ta không phải là đạo ghen tị, được thua mà là đạo của tình thương. Chúng ta buồn vì anh em thành công, được ưu đãi hơn mình, tìm cách hạ bệ, thậm trí đối xử với đồng loại, cả đồng đạo, tệ hơn nữa là coi cha mẹ, anh em ruột thịt mình như kẻ thù, không bằng người dưng nước lã. Lúc ấy cần phải sám hối trở về với chính mình và anh em.
Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam