Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1377201

THIÊN CHÚA TÌM CHO MÌNH MỘT NGÔI NHÀ

Thiên Chúa tìm cho Mình một ngôi nhà

(Suy niệm của Lm. G. Nguyễn Cao Luật)

Tin Mừng cho người biết khiêm tốn

Ai ai cũng mong đón nhận một tin mừng: một thanh niên thành đạt trong cuộc thi hay đám cưới của một người bạn thân... Một đứa trẻ sắp ra đời cũng là một tin mừng -có lẽ là tin mừng lớn lao nhất, đúng nghĩa nhất- bởi vì trước hết, đó là một sự sống mới phát sinh từ tình yêu. Tuy vậy, một tin mừng không có nghĩa là không có lo âu, không có nghĩa là không có những thắc mắc về tương lai.

Biến cố truyền tin cho Đức Maria đúng là một tin mừng, một Tin Mừng đích thực. Với biến cố này, Đức Maria sẽ sinh hạ một người con, nhưng cũng là sinh hạ Con Người, Con Thiên Chúa, đổng thời cũng là sinh hạ một thế giới mới. Nơi người con này, sự chết sẽ vĩnh viễn bị tiêu diệt. Trước lời loan báo như thế, thái độ đáp trả của Đức Maria diễn ra theo ba giai đoạn: trước tiên, khi nghe lời chào của sứ thần, Mẹ hoảng sợ; sau đó, rất cụ thể và với tất cả ý ngay lành, Mẹ lo lắng vì "làm sao có chuyện ấy được"; cuối cùng, sau khi nghe lời giải thích của sứ thần, Mẹ thanh thản nhường chỗ cho Lời của Thiên Chúa, sẵn sàng chấp nhận làm Nữ Tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa. Trong khi chấp nhận làm Nữ Tỳ khiêm tốn của Thiên Chúa, Đức Maria cũng tràn đầy vui mừng bởi vì Mẹ nhận biết rằng Thiên Chúa yêu mến Mẹ. Mẹ rất hãnh diện khi biết rằng mình là con cái Thiên Chúa, được Người tuyển chọn để thi hành một việc rất cao cả.

Quả thế, Đức Maria được mời gọi cộng tác vào việc hạ sinh Đức Giêsu. Đó là việc phục vụ tuyệt vời nhất, nhưng đồng thời cũng là công việc đau thương nhất của tất cả mọi người phụ nữ. Còn gì cao quý và hạnh phúc cho người mẹ hơn là việc hạ sinh một người con, một sinh vật hình thành từ chính máu thịt của mình. Nhưng cũng có gì đau thương hơn đối với người mẹ trong việc sinh con, không phải chỉ là những đau đớn thể lý, nhưng là thái độ không chiếm hữu người con, để cho người con ấy hành động như một con người, và tự mình sống đời của mình. Không ít người phụ nữ cảm thấy khó có thể chấp nhận được tình trạng đau thương này. Riêng với Đức Maria, khi chấp nhận cưu mang Đức Giêsu, Mẹ cũng đã chấp nhận việc Đức Giêsu thoát khỏi đôi tay của mình. Toàn bộ cuộc đời của Mẹ, từ sau biến cố này, luôn là một sự dấn thân, một cuộc phiêu lưu thực thụ trong việc từ bỏ mình, để cho chính người con mình đã sinh ra luôn hướng về việc thi hành thánh ý của Thiên Chúa (x. Lc 2,48-49). Bởi vì Mẹ biết rằng, người con Mẹ đã cưu mang trong cung lòng trinh khiết của mình là do Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Có thể nói được rằng, trong cuộc đời của Đức Maria, vai trò làm mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa, vẫn có tầm quan trọng thứ yếu. Điều quan trọng hơn hết, chính là lắng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

Ngôi nhà chính là một thái độ

Điều đáng lưu ý trong trình thuật truyền tin, đó là Đức Maria đã không bao giờ dám mơ tưởng mình sẽ nhận được một hồng ân lớn lao; nhưng khi được đề nghị, Mẹ đã ưng thuận. Nơi Đức Maria, niềm hy vọng của quân vương Đa-vít được thành tựu. Ông từng ước mong xây dựng cho Thiên Chúa một ngôi nhà, nhưng ông đã không được diễm phúc ấy. Đức Maria quả là ngôi nhà mà vua Đa-vít hằng mơ ước, bởi vì Thiên Chúa đã đích thân đến xây dựng nơi ở của Người giữa nhân loại. Chính Thiên Chúa xây dựng cho mình chứ không phải ai khác. Ngôi nhà ấy là một con người sống động, thật khiêm tốn chứ không phải là căn nhà uy nghiêm được xây bằng gỗ đá.

Đức Giêsu chính là Đền Thờ của Thiên Chúa. Người đã đến trong cung lòng Đức Maria. Về phần mình, Đức Maria chưa bao giờ nghĩ đến một điều như thế, và cũng chẳng bao giờ tìm cách xây dựng bằng nỗ lực của mình.

Như thế, một bên, chương trình của vua Đa-vít vẫn còn nằm trong ý tưởng, trong ước mơ, (mơ hồ về cả mục đích: mong muốn tôn vinh Thiên Chúa, điều ấy có; nhưng đồng thời cũng là khát vọng muốn tôn phong vương quyền của mình, muốn chiếm hữu Thiên Chúa. Một bên, Đức Maria chỉ có một ước mơ duy nhất là dâng hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa (lời khấn trinh khiết là một dấu chỉ), và không tìm cách chiếm hữu Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu: Người đã đến xây dựng ngôi nhà cho mình.

Quả thế, tính cách cao cả nhất trong con người Đức Maria, tính cách làm cho Mẹ trở thành phần tử ưu việt của Ít-ra-en, tính cách làm cho Mẹ trở nên thánh thiện tuyệt vời, đó là Mẹ hoàn toàn thanh thản và sẵn sàng. Thái độ này đã được khởi đầu với lời khấn trinh khiết và ý muốn duy trì nếp sống này mãi mãi, cả khi nghe lời loan báo của sứ thần. Thế nhưng, cũng chính thái độ này làm bật lên tiếng kêu: "Này tôi là Nữ Tỳ của Thiên Chúa". Đức Maria đã từ bỏ một điều tốt đẹp để nhận lấy điều tốt đẹp hơn; đã từ bỏ ý định cao cả của mình để đón nhận điều cao cả nhất là chính Thiên Chúa, là hoàn toàn phục vụ Lời.

Tuy nhiên, Đức Maria chỉ là điểm để Thiên Chúa đi qua. Mẹ hạ sinh Đấng Cứu Thế; nhưng bởi vì là Mẹ Đức Giêsu, nên Mẹ phải để Người ra đi. Người Con của Mẹ không phải là của riêng Mẹ. Người là Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Toàn bộ phần kế tiếp của Tin Mừng Lu-ca sẽ nhấn mạnh chi tiết này. Đặc ân của Mẹ, chính là thái độ từ bỏ, để cho Người Con thực hiện chương trình của Thiên Chúa, và Mẹ đã đi theo Người Con ấy đến tận cái chết trên thập giá.

Thiên Chúa vẫn đang tìm một ngôi nhà

Đọc đi đọc lại bản văn này, hẳn chúng ta sẽ cảm thấy bị thối thúc đặt mình vào vai trò của Đức Maria và suy tưởng những điều chúng ta phải làm.

Một em bé gái đã đặt câu hỏi với người nói cho em về Đức Maria: Tại sao lại là Mẹ mà không phải là tôi? Người kể chuyện đã đặt câu hỏi khác với em: Tại sao lại là tôi chứ không phải ai khác?

Mỗi chúng ta có thể nói như thế được không? Có thể được, bởi vì chúng ta biết rằng, mỗi lần Đức Ki-tô thâm nhập vào cuộc đời chúng ta, thì đó là một cuộc truyền tin mới, một lễ No-en mới. Và chúng ta hiểu rằng, đó là một hồng ân, một hồng ân đặc biệt Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta.

Bởi vì, như Con Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Maria, Người cũng muốn đến cư ngụ trong mỗi chúng ta, Người vẫn mong muốn bắt đầu lại nơi mỗi người cuộc phiêu lưu trong cái chết và phục sinh.

Theo nhãn giới này, câu trả lời của Đức Maria quả là một gương mẫu cho sự đáp ứng của con người trước Thiên Chúa, và qua đó, cũng cho thấy khoảng cách giữa chúng ta với gương mẫu này.

Trước lời chào của sứ thần, Đức Maria đã bối rối. Còn chúng ta, chúng ta lại thường điếc, không nghe thấy.

Khi nghe loan báo Tin Mừng, Đức Maria nói "Làm sao...". Còn chúng ta, chúng ta đặt câu hỏi "tại sao?"

Và khi Đức Maria thưa "Xin vâng", thì chúng ta lại tranh luận về những từ ngữ trong bản giao ước với Thiên Chúa.

Lời thưa "Xin vâng" của Đức Maria hoàn toàn chìm sâu trong tình yêu và tin tưởng. Tương lai sẽ ra sao, không cần biết! Thiên Chúa là Đấng tín trung, thế là đủ! Còn chúng ta, chúng ta lại chẳng mau mắn nắm lấy trong tay này điều chúng ta vừa cố gắng bỏ ở tay kia đó sao? Cuối cùng, truyền tin cho Đức Maria thì cũng là truyền tin cho cả nhân loại, cho con người trọn vẹn. Đức Maria đã đón nhận Tin Mừng, và Tin Mừng đã không tránh cho Mẹ những đớn đau, những vất vả. Còn chúng ta, chúng ta đón nhận như thế nào? Có phải Đức Giêsu luôn là Tin Mừng cho chúng ta không? Người vẫn đang đến và đang cần một ngôi nhà.

 

57. Xin vâng (4)

(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.)

Có một người kia đã nói: "Nếu tôi có quyền chọn người mẹ sinh ra tôi, tất nhiên tôi sẽ chọn một người hết sức xinh đẹp và thánh đức. Xinh đẹp đến nỗi làm cho tất cả các phụ nữ khác đều phải ghen tuuông sửng sốt. Thánh đức đến nỗi làm cho mọi người đều phải cảm phục, ngợi khen".

Loài người muốn chọn người mẹ sinh ra mình. Nhưng không bao giờ được. Chúng ta phải chịu nhận lấy người mẹ mình như một số mệnh bắt buộc, như một cái may cái rủi, tốt ai nấy được, xấu ai nấy chịu. Không ai có quyền chọn người mẹ sinh ra mình. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác hẳn, Ngài đã sinh ra bởi một người được lựa chọn. Ngài đã chọn người mẹ sinh ra mình. Một người con chọn một người mẹ. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không chọn một cách độc đoán. Ngài không yêu cầu người phụ nữ được chọn phải làm theo ý Ngài vô điều kiện. Nhưng Ngài rất tôn trọng tự do của người phụ nữ ấy, và muốn người phụ nữ ấy hoàn toàn ưng thuận theo suy nghĩ và sự tự do của mình. Nói cách khác, Thiên Chúa đã nhất định chọn một người phụ nữ để làm mẹ mình. Nhưng Ngài cũng muốn để cho người phụ nữ ấy chọn mình làm con nữa. Vì thế, sau khi đã tuyển chọn và trang điểm cho người phụ nữ ấy với muôn vẻ đẹp và ơn phúc, Ngài đã sai một sứ thần cao cấp đến báo tin và thỉnh ý người phụ nữ ấy. Đó chính là câu truyện truyền tin trong bài Tin Mừng hôm nay.

Sứ thần cao cấp đó là tổng thần Gáp-ri-en; và người phụ nữ được truyền tin đó là trinh nữ Maria. Qua cuộc đối thoại giữa tổng thần Gáp-ri-en và Đức Maria, chúng ta biết, cuối cùng Đức Maria đã trả lời: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói".

Tiếng " Xin vâng" vừa thoát khỏi môi miệng Đức Maria, thì Ngôi Hai, Con Thiên Chúa, ngự xuống mặc lấy xác phàm trong cung lòng Đức Mẹ. Sự hiệp nhất bản tính Thiên Chúa với bản tính loài người được thực hiện. Và ngay lúc đó, Thiên Chúa ban cho Đức Mẹ được đầy đủ mọi ơn phúc cần thiết nối kết với chức vụ Mẹ Thiên Chúa, để chu toàn vai trò quan trọng này. Đồng thời Đức Mẹ trở nên Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

Chúng ta thấy Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của Đức Mẹ và Đức Mẹ cũng đã tự do đáp lại lời Chúa. Đức Mẹ đã chấp nhận cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, vì sự ưng thuận của Đức Mẹ đã mở đường cho việc Con Thiên Chúa nhập thể để cứu chuộc chúng ta: Con Thiên Chúa đã xuống thế trong cung lòng Đức Mẹ. Ngôi Lời đã hóa thành con người. Con Thiên Chúa đã trở nên con Đức Mẹ.

Nếu chúng ta muốn hiểu thêm về vai trò của Đức Mẹ trong công cuộc cứu chuộc, chúng ta có thể đặt song đôi hai mẩu đối thoại: từ một mẩu đối thoại thì phát xuất ra sự diệt vong của chúng ta, đó là mẩu đối thoại giữa con rắn và bà E-và trong cuộc cám dỗ đầu tiên ở vườn địa đàng; và từ mẩu đối thoại kia thì phát xuất ra ơn cứu chuộc cho chúng ta, đó là mẩu đối thoại giữa sứ thần Gáp-ri-en và Đức Maria trong cuộc truyền tin. So sánh cách thức con rắn tiếp xúc với Đức Mẹ, chúng ta thấy một bên là sự ngạo mạn và bên kia là sự kính trọng. Con rắn đề nghị những gì? Một nỗi ngờ vực, một sự dối trá, một cuộc nổi loạn. Còn sứ thần Gáp-ri-en đề nghị: một sự ưng thuận và ơn cứu chuộc. Bà E-và ưng thuận và thế là có các hậu quả tai hại; Đức Maria thưa "Xin vâng" và Ngôi Lời đã làm người. Nhờ Đức Maria, nhờ thái độ tin tưởng và vâng phục của Đức Mẹ, nhân loại được liên kết trở lại với Thiên Chúa.

Qua mầu nhiệm này, chúng ta thấy có nhiều bài học: mầu nhiệm nhập thể, Con Đức Mẹ chính là Con Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa, đức tin của Đức Mẹ, lòng khiêm nhường của Đức Mẹ, sự đồng trinh của Đức Mẹ, sự "Xin vâng" của Đức Mẹ. Hôm nay chúng ta ghi nhớ bài học sau cùng thôi. Đó là theo gương Đức Mẹ, vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự. Chúng ta có thể nói: nếu có một chân lý nào được gọi là quan trọng nhất của đời Đức Mẹ, thì chân lý quan trọng đó là câu " Xin vâng thánh ý Chúa". Cũng vậy, nếu có một chân lý nào được coi là quan trọng nhất của cuộc đời Đức Kitô, thì chân lý quan trọng ấy cũng là "Con đến để làm theo ý Cha". Vậy nếu Chúa Giêsu, nếu Đức Mẹ đã chọn chân lý cho đời sống mình là "Vâng theo thánh ý Chúa", thì chân lý ấy cũng phải là chân lý quan trọng nhất của đời sống tất cả chúng ta.

Chúng ta đang chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta. Mẹ là người đã chuẩn bị một lễ Giáng Sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng cả chín tháng cưu mang trong tình yêu. Xin Mẹ cũng giúp chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh với tâm tình như Mẹ.

 

58. Mầu nhiệm truyền tin

(Suy niệm của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng)

Đức Maria là người diễm phúc, bởi vì đã được Thiên Chúa chọn làm mẹ cho con của Ngài nhập thể giáng trần. Điều đó đã được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, gọi là trình thuật truyền tin. Đây là một đoạn văn cho chúng ta biết Thiên Chúa đã đưa Đức trinh nữ Maria, một phụ nữ khiêm tốn trở thành một người diễm phúc như thế nào.

Nhân vật được Thiên Chúa sai đi là sứ thần Gáp-ri-en, đem mệnh lệnh Thiên Chúa đến cho một thiếu nữ tên là Maria, con ông Gioakim và bà Anna, thuộc dòng họ vua Đavít. Sứ thần báo cho Maria một tin rất trọng đại: Thiên Chúa muốn trinh nữ làm mẹ Đấng Cứu Thế. Nhưng vì đã khấn hứa sống trinh khiết trọn đời, nên Maria không hiểu điều đó có ý nghĩa thế nào: làm sao vừa có thể sống trinh khiết lại vừa có thể sinh con và làm mẹ được? vì thế, Maria hỏi sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”. Sứ thần cho biết đây không phải là trường hợp bình thường bởi loài người nhưng bởi Chúa Thánh Thần làm phép lạ vĩ đại cho cô chịu thai mà vẫn còn đồng trinh và cô sẽ sinh một Thánh Tử là Con Thiên Chúa. Có thể nói giây phút ấy, tất cả tương lai nhân loại nằm trên đôi môi Đức Mẹ, giây phút ấy mầu nhiệm nhập thể vẫn còn lơ lửng, và Thiên Chúa hồi hộp chờ đợi câu trả lời của Đức Mẹ. Cuối cùng, Đức Mẹ đã hoàn toàn ưng thuận. Thế là mầu nhiệm truyền tin đã hoàn tất.

Qua mầu nhiệm này chúng ta thấy Đức Mẹ sau khi biết việc thụ thai con trẻ Giêsu là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ đã can đảm thưa “xin vâng”. Để hiểu được sự can đảm phi thường của Đức Mẹ, chúng ta thử đặt mình vào vai trò của Đức Mẹ cách đây 20 thế kỷ, sống dưới một luật lệ khắt khe của Do Thái giáo. Thời đó phụ nữ rất bị khinh miệt hơn cả ở Việt Nam chúng ta, nếu đối với chúng ta: “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” thì phụ nữ ở Do Thái còn “nhẹ giá” hơn nữa. Thực vậy, lúc ấy Đức Mẹ là một trinh nữ mới lớn, khoảng 15, 16 tuổi, lại mới chỉ đính hôn với Giuse, luật lệ lúc ấy rất khắt khe với những người đính hôn, nếu có thai không do người bạn đính hôn của mình là bị kết tội giao du bất chính, ngoại tình và bị ném đá cho chết.

Đàng khác, Đức Mẹ sống trong làng Na-da-rét, một làng nhỏ bé, nên việc mang thai không thể giấu diếm được. Có lẽ nhiều câu hỏi đã nảy sinh trong đầu Đức Mẹ: làm thế nào để giải thích cho họ hàng đôi bên và nhất là với người chồng sắp cưới? Làm thế nào để giải thích cho những vị lãnh đạo tôn giáo khắt khe trong làng? Nhưng tình yêu Thiên Chúa của Đức Mẹ đã thắng, Đức Mẹ đã chấp nhận mọi nguy hiểm. Thực vậy, vì yêu Chúa, Đức Mẹ bằng lòng chấp nhận mọi sự hiểu lầm của mọi giới người, chấp nhận những lời xuyên tạc, đàm tiếu có thể xảy ra, và chấp nhận ngay cả cái chết nữa. Cũng thế, vì yêu Chúa, Đức Mẹ dám hy sinh hạnh phúc gia đình, bởi vì lúc sứ thần đến truyền tin thì Đức Mẹ đang trong thời gian đính hôn với Giuse, bây giờ câu chuyện xảy ra thế này thì việc cưới xin làm sao thành được nữa, nhưng Đức Mẹ đã bằng lòng chấp nhận tất cả, chấp nhận không điều kiện, phó thác mọi sự cho Chúa. Chính vì thế Thiên Chúa đã lo liệu trọn vẹn cho Đức Mẹ, đây cũng là bài học cho chúng ta.

Chúng ta thấy đó, đối với Đức Mẹ lúc ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn dám nói “xin vâng” trong tin và yêu. Đời chúng ta không thể kém Đức Mẹ đâu, sống ở trần gian này, cuộc đời chúng ta cũng gặp nhiều khúc quanh, gánh nặng, nhiều lúc mịt mù lắm mây giăng. Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, có người đã trải qua đau khổ, có người đang quằn quại trong đau khổ, có người đang bị đau khổ rình rập, không ai dám quả quyết mình không có đau khổ, giàu hay nghèo, đi tu hay sống đời gia đình, đều có những đau khổ riêng của mình. Vì thế, đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng, điều quan trọng là thái độ và tinh thần của chúng ta thế nào trước đau khổ. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Đức Mẹ mà an tâm phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, hãy hết lòng tin tưởng và cầu xin Chúa, vì đối với Thiên Chúa, không có gì mà Chúa không làm được.

Tóm lại, mỗi khi gặp chuyện gì đau khổ, chúng ta hãy ca lên bài ca “xin vâng” để giữ vững tinh thần và thêm niềm tin vào Chúa và xin Đức Mẹ trợ giúp: “Mẹ ơi, đường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Mẹ ơi, đường đi phủ đầy bóng tối, bẫy chông giăng tràn muôn lối. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng: hôm nay, tương lai và suốt đời.

Xin Chúa cho chúng ta, dù làm gì, chúng ta luôn biết làm theo thánh ý Chúa, tức là luôn sống đúng và làm đúng với Tin Mừng của Chúa.

 

59. Như Mẹ Maria, thưa vâng trong cả cuộc đời

(Suy niệm của Antôn Nguyễn Thành Chương)

Kính thưa cộng đoàn!

Trong ba Chúa nhật mùa vọng vừa qua chúng ta đã nghe Thánh Maccô và Gioan kêu gọi hãy tỉnh thức, sám hối, dọn tâm hồn và hãy vui lên để đón Chúa vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng trong bốn Chúa Nhật Giáo hội dành cho chúng ta để chuẩn bị đón mừng đại lễ kỷ niệm biến cố Chúa Giáng Sinh.

Bài Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay, tả lại bối cảnh sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho Đức Bà Maria. Đây là biến cố đặc biệt mà Đức Maria đã được đặt vào vị trí trung tâm, vị thế quyết định vận mệnh cho cả thế nhân: hoặc được giải thoát khỏi tội lỗi – hoặc vẫn sống đắm chìm trong đêm tối mà vẫn khắc khoải chờ mong một đấng cứu thế. Vì thế, biến cố truyền tin phải được xếp vào trong những biến cố quan trọng hàng đầu trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa. Bởi vì, nếu không có lời “Xin vâng” của Đức Maria thì Đấng Cứu Thế vẫn chưa đến, thế giới này đã không được trở nên trời mới đất mới và có thể loài người chúng ta chưa được hưởng ơn cứu độ.

Lời xin vâng ấy đã làm xoay chuyển cả cuộc đời còn lại của Đức Maria vì trước đó Mẹ đã nhận lời đính ước cùng Thánh Giuse, dòng dõi con vua Đa-vit. Vì thế, khi sứ thần Thiên Chúa Gabrien xuất hiện, chào kính cùng báo tin đã làm thiếu nữ Maria vô cùng sửng sốt và bối rối… nhưng Đức Maria đã không phụ lòng hết thảy nhân gian đang ngày ngày trông đợi, mong có một đấng đến giải thoát họ khỏi khổ cực lầm than.

Đức Maria đã đáp: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. (Lc 1,38).

Khi lời xin vâng trịnh trọng của Đức Maria cất lên không những làm cho cuộc đời Mẹ thay đổi mà cả thế giới cũng được chuyển mình. Vì thế, Đức Maria xứng đáng được làm Mẹ Con Thiên Chúa và trở nên một Eva mới của trời mới, đất mới. Khi chấp nhận để Chúa Con ngự vào lòng mình thì Mẹ đã sẵn sàng để Thiên Chúa Cha hướng dẫn cuộc đời Mẹ, dù không biết được con đường của Chúa sẽ dẫn tới đâu. Quả là một lời hứa bất chấp sự rủi ro, Mẹ đã từ bỏ quyền kiểm soát tương lai và để mặc cho Thiên Chúa quyết định cuộc đời của mình, hành động đó của Mẹ cũng chỉ vì Tình Yêu cho nhân thế mà bất chấp mạng sống. Mẹ đã nói: Tôi không hiểu được tất cả ý nghĩa của việc này, nhưng tôi tin tưởng rằng nhưng điều tốt đẹp sẽ xảy ra.

Do đó chúng ta có thể nói Đức Maria đã không chỉ thưa tiếng xin vâng một lần đơn giản trong ngày Sứ Thần Thiên Chúa truyền tin. Trái lại, Đức Maria đã tiếp tục thưa tiếng xin vâng mọi ngày trong suốt cuộc hành trình với Chúa Giêsu và suốt cả cuộc đời Mẹ sau này. Lời thưa: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” đã chứng tỏ Đức Maria đã thực sự là một người khiêm hạ, nhận mình nghèo hèn và đặt mình tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng sẽ nâng đỡ và giúp Mẹ sống trung tín suốt cả cuộc đời Mẹ.

Mẹ xin vâng để Chúa Con được làm người và thực thi sứ mệnh mà Chúa Cha giao phó.

Mẹ xin vâng trong suốt chặng đường của cuộc sống gia đình đầy khó khăn.

Cuối cùng Mẹ xin vâng khi chấp nhận để con mình ra đi thi hành sứ mệnh, kể cả khi thấy con đau đớn, kiệt sức và chết trên thập giá.

Thưa cộng đoàn, Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy sống theo gương Đức Maria với lòng khiêm tốn và xin vâng qua những công việc tầm thường xảy ra hằng ngày trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Mẹ Maria đã vui mừng nói lời xin vâng khi Thiên Chúa ngỏ lời hỏi ý, vậy còn chúng ta những Kitô hữu đã và đang lữ hành trên đường tìm kiếm hạnh phúc đích thật, chúng ta có giám mạnh dạn nói “Này con xin vâng” khi Thiên Chúa cần để thực thi Thánh ý của Ngài?

Trong tâm tình những ngày cuối của mùa vọng chúng ta thử một lần nhìn thẳng vào chính con người thật của mình và cùng xin Mẹ Maria phù trợ để biết nói lên lời xin vâng như Mẹ trong mọi hoàn cảnh.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố của cuộc sống, và biết xin vâng như Mẹ Maria đã xin vâng trong suốt cả cuộc đời. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ