Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 40

Tổng truy cập: 1378654

THỦ LÃNH PHÊRÔ

THỦ LÃNH PHÊRÔ- Lm. Gioan M. Nguyễn Thiên Khải, CMC

Thưa anh chị em,

Cả bốn tác giả Tin Mừng và sách Tông đồ công vụ ghi lại, sau khi Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Ngài hiện ra có đến 18 lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như: Ngài hiện ra với bà Maria Mađalenna như một người làm vườn, bà không nhận ra Chúa. Ngài hiện ra với hai môn đệ đi làng Emmaus, như khách bộ hành chưa từng quen biết. Ngài hiện ra với bảy tông đồ trên biển hồ Tibêria, đang lúc các ông đi đánh cá, xem ra như một người xa lạ.

Bà Mađalenna nhận ra Chúa sống lại, khi Chúa gọi đúng tên bà. Hai môn đệ đi làng Emmaus nhận ra Chúa phục sinh qua cử chỉ quen thuộc, lúc Ngài bẻ bánh trao cho họ. Các Tông đồ nhận ra Thầy Giêsu sống lại, khi Ngài ăn điểm tâm với các ông.

 Tin Tibêria. Sau một đêm thất bại ê chề vì không bắt được con cá nào, nhưng vâng Thầy, Phêrô chèo thuyền ra chỗ nước sâu thả lưới, nên bắt được hai thuyền đầy cá. Lúc bấy giờ, Đức Giêsu lên tiếng gọi: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các con trở thành những tay chài lưới người ta” (Lc 5,10).

Hôm nay, tại biển hồ Tibêria, cũng sau một đêm vất vả thả lưới mà không bắt được con cá nào, nhưng vâng lời Thầy, các ông thả lưới bên hữu thuyền, và kìa, đã bắt được 153 con cá lớn. Theo các nhà chú giải Thánh kinh cho rằng: con số 153, là số tượng trưng tất cả mọi thứ cá trong biển. Hàm ý nói rằng: Giáo hội mang tính phổ quát, rồi đây trên hành trình truyền giáo, các tông đồ sẽ quy tụ muôn dân, làm thành một cộng đoàn duy nhất là Giáo Hội Công Giáo.

Ở đây chúng ta nghiệm thấy rằng, Đức Kitô hiện ra không phải lúc các tông đồ chìm đắm cầu nguyện trong đền thờ, nhưng là lúc các ông đang làm việc ở ngoài biển cả.

Đức Kitô Phục Sinh đến với các tông đồ giữa những công việc thường ngày, và Ngài thể hiện bằng cử chỉ trao ban, là dọn điểm tâm cho các ông. Đồng thời, cùng ăn uống với họ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà Chúa dành cho các môn sinh của mình.

Sau khi điểm tâm, là phần Chúa trao quyền thủ lãnh cho Phêrô. Trước khi trao sứ vụ, Đức Giêsu không đòi Phêrô học vị bằng cấp hay đã tốt nghiệp trường đại học nào, mà chỉ hỏi “Con có yêu mến Thầy không?”.

Qua đó, chúng ta nhận thấy rằng, Đức Giêsu thiết lập Hội thánh trên nền tảng yêu thương. Người đứng đầu Hội thánh không phải là người ra lệnh chỉ huy, nhưng là người phục vụ. Sức mạnh của Giáo Hội không dựa trên quyền hành thống trị, nhưng trên tình yêu thương. Cho nên, người đứng đầu phải là người yêu thương nhiều nhất.

Chính vì thế, trước khi trao quyền thủ lãnh cho Phêrô. Đức Giêsu hỏi tới 3 lần: “Phêrô, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Vì có lòng yêu mến Chúa, thì mới có khả năng yêu thương anh em đồng loại. Như vậy, tình yêu là cốt lõi của đạo Công giáo. Bao lâu còn tình yêu, Giáo Hội còn hiệp nhất và phát triển, khi nào tình yêu suy giảm, Giáo Hội sẽ suy tàn.

Thế thì, tại sao Đức Giêsu không trao quyền thủ lãnh cho một người thông thái, có tài lãnh đạo, mà lại trao cho Phêrô, một Tông đồ nhiều khuyết điểm, bị la mắng nhiều hơn khen thưởng, như vậy, chắc chắn Phêrô có lòng mến Chúa thiết tha lắm.

Và sau ba lần Phêrô xác định tình yêu đối với Thầy, Đức Giêsu bảo “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy”. Kể từ đó, Phêrô vâng lời Thầy về Giêrusalem, bài giảng đầu tiên hùng hồn đầy sức thuyết phục, đã có 3.000 người xin rửa tội. Rồi Ngài đi đến thành đô Rôma, một cánh đồng truyền giáo bao la, là. Nơi đây, Ngài đối diện với biết bao gian nan, bắt bớ, tù đày, nhưng thánh nhân đã can đảm làm chứng cho Chúa đến cùng. Ngài lấy máu đào để minh chứng cho lòng yêu mến Thầy. Ngài đã viết lên trang sử vàng, vẻ vang cho Giáo Hội sơ khai.

Anh chị em thân mến,

Ngày nay, Giáo Hội được thừa hưởng đức tin do các tông đồ để lại. Các ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa bằng cái chết đẫm máu của mình. Như vậy, muốn sống làm chứng cho Tin mừng phục sinh, chúng ta không được an phận, mà phải lên đường, phải ra đi đến những vùng ngoại biên, phải nỗ lực tìm kiếm các linh hồn. Có nghĩa là phải chèo thuyền ra chỗ nước sâu, đôi lúc phải đương đầu với sóng to gió lớn, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Bởi vì Giáo Hội của Chúa chỉ có thể phát triển qua những vất vả, khó khăn, cấm cách trăm bề như các Tông đồ năm xưa, nhưng chúng ta hãy vững tin rằng, Đức Kitô Phục sinh vẫn luôn đồng hành thiêng liêng với chúng ta trên mọi nẻo đường.

Ngày nay, mỗi lần cử hành Thánh lễ, Đức Kitô Phục sinh vẫn tiếp tục dọn cho chúng ta những bữa ăn nơi bàn Tiệc Thánh, một bữa ăn hiệp nhất đong đầy tình yêu thương.

Cử chỉ bẻ bánh và cá nướng trao cho các tông đồ năm xưa, gợi lên cho chúng ta thấy Thánh lễ cũng là một bữa ăn. Ngày nay, Đức Kitô phục sinh vẫn tiếp tục dùng đôi tay linh mục bẻ tấm bánh, là Mình và Máu thánh Ngài trao cho chúng ta. Và phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là một. Ngày nay, Ngài vẫn đến với chúng ta qua cử chỉ trao ban ấy.

Xin Đức Kitô mở ánh mắt đức tin, để chúng ta nhận ra dung mạo của Chúa trong mọi biến cố thường ngày. Xin cho chúng ta biết sống quảng đại đối với tha nhân, như Chúa đã từng quảng đại đối với chúng ta. Amen.

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH- NĂM C

TÌNH MẸ TRONG TRÁI TIM CHÚA GIÊSU – Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Thánh Gioan tông đồ giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu và qua bốn sách Tin Mừng, Chúa Giê-su mặc khải cho biết Thiên Chúa là Cha yêu thương. Người dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha bằng tiếng “Áp-ba” rất thân thương, đó là tiếng bập bẹ của đứa con thơ gọi cha mình.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là Thiên Chúa không chỉ yêu thương chúng ta bằng tấm lòng bao la của một người cha mà còn bằng trái tim dịu hiền của một người mẹ nữa. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho chúng ta thấy khối tình từ mẫu của Người qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a:

“Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy” (Is 66,13) và sau nầy, qua thánh sử Mát-thêu, Chúa Giê-su phán:

“Giê-ru-sa-lem… đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.” (Mát-thêu 23,37)

Trích đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay phác họa rõ nét hơn mối tình từ ái của người mẹ được biểu lộ qua tấm lòng của Chúa Giê-su.

Khi biết các môn đệ phải thức thâu đêm chài lưới giữa biển khơi, vừa phải chịu đói lạnh, vừa mệt nhoài, mối tình từ mẫu nơi Chúa Giê-su đã khiến Người dấn bước đến với đàn con để chia sẻ sự nhọc nhằn vất vả của họ, ngay lúc trời vừa hừng sáng.

Sở dĩ Chúa Giê-su đến sớm như vậy vì Người không muốn để cho các môn đệ phải chịu đói lạnh lâu hơn. Như người mẹ hiền, Chúa Giê-su mang đến cho họ sự chăm sóc giúp đỡ ngay khi họ đang cần.

Biết rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, Người dạy họ thả lưới đúng nơi để bắt được nhiều cá.

Đối với người đi biển vừa mới lên bờ còn đang đói và lạnh thì không gì sung sướng bằng được thưởng thức ngay những miếng bánh và những con cá nướng còn nóng hổi và thơm ngon. Chính vì thế, khi đến với các môn đệ, ngoài những thực phẩm khô, Chúa Giê-su còn mang theo than để nướng bánh và cá.

Rồi Chúa Giê-su ngồi trên bãi biển như một người mẹ gia đình, nhóm lửa lên, đem cá và bánh nướng trên than hồng cho sẵn, để khi các môn đệ vừa bước lên bờ là có ngay bữa ăn sáng còn đang nóng.

Sau đó, Chúa Giê-su còn gọi các môn đệ mang thêm cá mới bắt được, để Người tiếp tục phục vụ như người mẹ gia đình, tiếp tục nướng những con cá còn tươi rồi trao cho từng đứa con đang đói. Thật đầm ấm như người mẹ hiền giữa đàn con ngoan, dạt dào tình mẫu tử.

***

Sự chăm sóc ân cần mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm xưa, nay cũng được dành cho chúng ta. Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục chăm sóc và dọn bữa hằng ngày cho chúng ta.

Nơi bàn tiệc thánh, Chúa Giê-su đem Lời hằng sống của Thiên Chúa để ban tặng chúng ta. Nhờ Lương Thực tuyệt vời nầy, tâm hồn chúng ta được dưỡng nuôi và được dồi dào sức sống. Cũng nơi bàn tiệc yêu thương nầy, Chúa Giê-su phục sinh trao chính thân mình Người làm bánh nuôi dưỡng chúng ta, để chúng ta được hiệp thông nên một với Người, và qua đó, Người thông ban sự sống thần linh của Người cho chúng ta.

Hôm nay, Thiên Chúa còn tiếp tục nhờ Mẹ Maria để trao ban tình từ mẫu của Người cho chúng ta. Như mặt trăng đón nhận ánh sáng mặt trời rồi phản chiếu xuống mặt đất làm cho trái đất được chiếu sáng, thì Mẹ Maria cũng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và trao lại cho chúng ta. Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa yêu thương ấp ủ chúng ta bằng một tình mẹ rất dịu dàng, dìu dắt chúng ta như đứa con thơ bé, vượt qua biển đời sóng gió về bến an bình.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng tình Cha bao la lẫn tình Mẹ dịu dàng. Ước gì chúng ta cũng biết đền đáp lại mối tình cao cả ấy với tất cả tấm lòng hiếu thảo của một người con ngoan.

home Mục lục Lưu trữ