Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 70

Tổng truy cập: 1379944

TIN, THẤY VÀ ĐI THEO

Tin, thấy và đi theo

“Lạy Thầy xin cho con được thấy”

Các môn dệ và dân chúng gặp Chúa Giêsu, thấy Chúa Giêsu thường xuyên nhưng họ lại không nhận ra Chúa Giêsu là con vua Đavid, là Messia. Họ chỉ nhìn Chúa Giêsu bằng con mắt người thế, chỉ thấy hình dáng con người của Chúa Giêsu mà không tìm hiểu sâu hơn nữa, nên không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế.

Có lẽ đang lúc đất nước bị đô hộ, người do thái chỉ nghĩ đến một ông vua Messia trần thế để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc của họ chứ không nghĩ xa xôi về ơn trọng đại của Thiên Chúa sắp ban cho loài người: ơn cứu chuộc linh hồn, đem lại sự sống đời đời cho mọi người. Lý do chính khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế là vì họ nghĩ đến quyền lợi trần thế nhiều hơn lợi ích phần hồn, ưu tiên cho vật chất nhiều hơn tinh thần, bận tâm cho đời này hơn là đời sau.

Những người sáng mắt thể lý mãi lo nghĩ đến vấn đề vật chất, chức quyền nên khó nhận ra chương trình siêu việt của Thiên Chúa. Còn anh mù Bartimê nghe biết Chúa Giêsu bằng con mắt tâm hồn, anh đã tuyên xưng Chúa Giêsu bằng tước hiệu của Đấng Messia: Con vua Đavid. Cho dù nhiều người không muốn cho anh gặp gỡ Chúa Giêsu và nói lên lời tuyên xưng của mình nhưng anh vẫn la to: Lạy Con vua Đavid, xin thương xót tôi.

Chúa Giêsu ở giữa đám đông vây kín, nhưng Ngài vẫn nghe rõ tiếng của anh từ xa. Ngài truyền gọi anh đến. Anh tin tưởng hết lòng vào Chúa Giêsu nên vứt bỏ áo choàng là tài sản rất quan trọng của anh, bỏ vị trí quen thuộc của mình để đến với Chúa Giêsu. Anh đã được toại nguyện và đi theo làm môn đệ Chúa.

Anh mù Bartimê có lòng tin qua những lời người ta thuật lại cho anh về Chúa Giêsu. Anh được Chúa mở mắt và cho làm môn đệ. Còn chúng ta, chúng ta là những người sáng mắt, chúng ta có giống đám đông dân chúng: có mắt mà tâm hồn thiếu ánh sáng đức tin, không nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện bên mình, không biết rằng mình đang được diễm phúc nhìn ngắm, nghe những lời phán dạy trực tiếp từ Người và còn được sờ chạm vào Người nữa. Nếu như đôi mắt tâm hồn của họ mở thì họ đã không giết Chúa Giêsu. Nếu như đôi mắt đức tin của chúng ta mở thì chúng ta sẽ không bỏ lễ Chúa Nhật và rất ham đi lễ hằng ngày để được gặp Chúa, để lắng nghe Lời Người, để được ăn Thịt uống Máu Người trong Bí tích Thánh Thể, được rước Người vào lòng mình. Nếu đôi mắt tâm hồn chúng ta mở rộng thì chúng ta sẽ nhận ra mọi người là anh em, sẽ yêu thương tha nhân và sẵn sàng cứu giúp những người nghèo khổ xung quanh.

Ước gì chúng ta biết đến với Chúa để Chúa làm cho đôi mắt đức tin của chúng ta được sáng thêm, đời chúng ta gắn bó với Chúa hơn như anh mù Bartimê trong Tin mừng hôm nay. Như thế, mọi công việc chúng ta làm hàng ngày đều là làm với Chúa và vì Chúa. Đó là sự an ủi cho những khó nhọc hàng ngày của chúng ta, đó cũng là phần phúc của chúng ta đời này và đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương và hồng ân Chúa trên chúng con để chúng con biết cảm tạ Chúa và hết lòng cậy trông vào ơn cứu độ của Ngài.

 

38. Mù dắt mù.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một người đi trong đêm tối, tay cầm chiếc lồng đèn. Một khách qua đường chặn ông lại và hỏi:

– Anh cầm chiếc lồng đèn để làm gì, bởi vì nghĩ cho cùng, anh mù mà!

– Để cho kẻ khác thấy tôi và không đụng vào tôi.

Người mù trả lời và tiếp tục đi. Một ngọn gió nhẹ thổi qua, rồi anh bị một người đi đường khác đụng mạnh té lăn trên đường. Người mù bực mạnh la lớn:

– Anh không nhìn thầy đèn của tôi sao?

– Nhưng thưa ông, chiếc đèn của ông bạn đã bị tắt rồi mà!

Anh bèn thắp lại đèn và tiếp tục đi. Lần này, anh giữ đèn cẩn thận để khỏi bị gió thổi tắt. Đi được một quãng anh lại bị đụng ngã. Anh liền phản ứng quyết liệt:

– Anh không thấy ngọn đèn của tôi cháy sáng hay sao?

– Xin lỗi ông, tội nghiệp cho tôi, vì tôi bị mù…

Thưa anh chị em,

Người mù đã làm hết cách, nhưng vẫn không thể làm sáng mình, anh vẫn lẩn quẩn trong thế giới mù loà. Chúng ta chỉ dựa vào mình, thì chúng ta cũng chỉ lẩn quẩn trong giới hạn của mình, ngay khi cả chúng ta tự hào về những văn minh tiến bộ, thì coi chừng đó cũng chỉ là anh mù cầm đèn sáng mà nghĩ rằng mình thấy đường. Chỉ có Chúa mới là Đấng mở mắt cho chúng ta được thấy.

Con người thường tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng thật ra mình không thấy nhiều cái lắm “có mắt mà như mù”. Và mù trên tất cả là không thấy mình đang sống như người mù: sống mà không biết tại sao mình sống? Mình sống để làm gì? Cuộc sống này sẽ đi về đâu?…

Còn anh mù trong Tin Mừng hôm nay lại khác. Anh thấy nhiều cái mà người khác không thấy. Anh thấy Đức Giêsu là Con Vua Đavít, là Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô Cứu Thế. Anh thấy quyền năng của Đức Giêsu có thể giúp đỡ anh một cái gì khác hơn là vật chất, tiền bạc. Anh thấy tình trạng khốn khổ của mình. Vì thế, có một sự trái ngược, anh mù thấy được nhiều cái mà người sáng mắt không thấy. Và tiếng kêu của anh “Lạy Thầy, xin cho con được thấy” là một tiếng kêu của lòng tin. Lời cầu của anh được Đức Giêsu đáp ứng. “Lòng tin của anh cứu chữa anh”. Chúa Giêsu mời gọi anh không những đến với Ngài mà còn đi theo Ngài.

Mẹ Têrêsa Calcutta kể lại câu chuyện: Một người đàn ông phong cùi sống trơ trọi trong một túp lều tăm tối, xa tránh và hận thù mọi người, hận thù xã hội. Mẹ nói: “Ngày tôi đến thăm, người đàn ông ấy đã không bao giờ muốn ra khỏi túp lều tăm tối của mình. Tôi tiến lại gần con người ấy và đưa cánh tay mời mọc, nâng cánh tay của anh để anh đứng dậy, rồi cùng dìu anh bước ra khỏi túp lều tăm tối. Vừa đến bên cánh cửa nơi ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua, người đàn ông đã có một thái độ mà mãi mãi tôi không bao giờ có thể quên được: Ra khỏi căn lều, đứng giữa ánh sáng, anh hô lên một tiếng kêu lớn: “Tôi thấy!” Kể từ khi bóng tối của bệnh phong cùi ập phủ xuống trên cuộc đời, thì hôm nay thực sự là lần đầu tiên anh cảm nhận được có ánh sáng trong cuộc đời. Với tất cả sức lực còn lại, anh muốn thét lên với cây cỏ, với núi non, với thiên nhiên, với trời cao, với tất cả mọi người như sau: “Tôi thấy! Tôi thấy! Tôi thấy rồi!”.

Thưa anh chị em,

Có những người tự giam mình trong bóng tối, và có những người bị giam hãm vào bóng tối. Vô tình hay hữu ý, có lẽ chúng ta cũng đã xô đẩy không biết bao nhiêu người vào trong bóng tối. Nếu chúng ta không sống làm chứng tá cho Tin Mừng, chúng ta khước từ giúp đỡ người xấu số, đó có thể là hành động xô đẩy người khác vào bóng tối cô đơn của thất vọng, chúng ta cũng tự giam hãm mình vào bóng tối hay ít ra cũng giảm bớt ánh sáng nơi chúng ta.

Chúa Giêsu đã nói: “Anh em là ánh sáng thế gian”. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta. Người Kitô hữu chỉ là Kitô hữu khi họ là ánh sáng thế gian. Trong Kinh Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha đã cầu “xin cho các môn đệ Đức Kitô được toả sáng, nhờ biết yêu thương những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức”. Ánh sáng không còn khả năng chiếu sáng, ánh sáng ấy trở thành tăm tối. Hãy chiếu sáng bằng những việc làm của ánh sáng. Một cuộc sống đầy gương sáng, một lời nói nâng đỡ ủi an, một nụ cười thông cảm, một đường hướng đưa ra để đồng hành. Đó chính là những việc làm của ánh sáng mà những người chung quanh đang chờ đợi ở chúng ta và chúng ta cũng tin rằng một ánh lửa càng được chia sẻ thì càng được đốt sáng lên và tỏa lan.

“Lạy Chúa, xin cho con được thấy”.

Xin mở mắt con, để con biết nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên, những kỳ công do tay Chúa tạo dựng trong vũ trụ, trời đất, vạn vật…

Xin mở mắt con, để con thấy những anh em nghèo đói, ốm đau, bệnh tật quanh con, để con biết yêu thương, nâng đỡ và chia sẻ.

Xin mở mắt con, để con thấy cái tốt nơi người khác, những việc tốt anh em đã làm cho con trong cuộc sống hàng ngày.

Xin cho con phản chiếu ánh sáng của Chúa trong cuộc đời con, vì Chúa là Sự Sáng, là Tình Yêu, là Chân Lý và là Sự Sống. Amen.

 

39. Nhìn cái tốt – Gm. Arthur Tonne.

Nàng là một phụ nữ không bao giờ có thể thấy được một điều gì tốt đẹp nơi người khác. Bất kể ai làm điều gì tốt, nàng cũng tìm ra được một điều sai. Một người nào đó làm một việc tốt, nàng vẫn có thể tìm ra một nguyên nhân xấu xa. Nàng ưa câu nói: “Nó phải có ẩn ý… Nó rút ra được gì trong đó”. Nàng bắt lỗi mọi người. Nhiều người chúng ta ít nhiều có tật xấu như nàng. Nàng bất thường, để lấy lại niềm tin, nàng ý thức rằng cái tật “bới bèo ra bọ” làm nàng sợ hãi. Nàng đến bác sĩ tâm thần, nhưng ông chẳng giúp nàng được bao nhiêu. Ngày kia, được nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa người mù bẩm sinh. Câu chuyện chúng ta vừa nghe thực sự thức tỉnh nàng: Nàng bị mù trước những cái tốt đẹp của người khác. Nàng can đảm nhìn sự thật và thay đổi nhãn quan với người khác.

Chúa Giêsu chữa người đui mù thể xác, để chứng tỏ rằng Người cũng có thể chữa bệnh đui mù thiêng liêng. Quả thật. Bệnh đui mù tinh thần và thiêng liêng còn tai hại hơn đui mù thể xác. Loại đui mù thiêng liêng này lây nhiễm người trong chúng ta. Mỗi người chúng ta phải tự hỏi: “Tôi có mù trước cái tốt của kẻ khác không?”. Nếu có, chúng ta kêu cầu Chúa Kitô chữa chúng ta như người đui mù trong bài Tin Mừng.

Nơi tốt nhất để bắt đầu sửa chữa là ngay trong gia đình. Vợ bạn quên đính nút áo sơ mi, thay vì nghĩ đến sự thiếu sót này, trước hết bạn hãy nghĩ đến những việc tốt nàng đã làm trong ngày đó cho bạn và cho gia đình: Nấu ăn, giặt giũ, lau chùi, săn sóc con cái… Chồng bạn quên đổ thùng rác, không sao đâu, bạn hãy nghĩ để chàng làm việc cả ngày cho bạn và các con.

Thanh niên nam, nữ: bạn cần nghĩ đến những việc tốt cha mẹ đã làm cho bạn, hơn là những lần các ngài không cho phép bạn hoặc muốn bạn ở nhà.

Tập nghĩ đến cái tốt người khác làm, thay vì nghĩ đến lầm lỗi của họ, như trong trường giữa thầy và trò, như cha sở và giáo dân, như các thành phần của hiệp hội, công nhân trong công đoàn. Ông chủ của bạn không thể hoàn toàn xấu, người công nhân không thể hoàn toàn vô dụng. Mở mắt ra để thấy cái tốt của người khác, nghĩ tới nó và nói về nó.

Nhìn cái tốt nơi người khác là một cách để yêu người. Tình yêu không tiêu cực. Tôi không thể yêu một ai bằng cách nói: “Tôi sẽ không bao giờ nghĩ tàn nhẫn về bạn, hoặc nói tàn nhẫn cho bạn”. Đó không phải là tình yêu. Tình yêu phải tích cực: “Tôi sẽ bỏ cách thức của tôi, tôi sẽ cố gắng đặc biệt để nghĩ, nói và hành động tử tế với bạn”. Hoa trái lớn của việc tìm cái hay cái tốt trong người khác là cảm giác hài lòng và hân hoan. Và chúng ta còn giữ được giới răn của Chúa Kitô bảo ta đừng xét đoán.

Để nhìn thấy cái tốt cái hay của người khác, chúng ta cần sức mạnh thiêng liêng, một thứ phép lạ. Chúa Kitô sẽ làm phép lạ cho bạn nếu bạn xin Người.

Xin Chúa chúc lành bạn.

 

40. Suy niệm của Anmai, CSsR

XIN MỞ CHO CON ĐÔI MẮT THẤY TÌNH YÊU KỲ DIỆU CỦA CHÚA KHẮP NƠI

Ngày còn bé, thi thoảng Mẹ và Dì dẫn lên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cũng thi thoảng được nghe những sáng tác của Cha Thành Tâm. Một bài hát đã đi vào lòng của mình tự bao giờ chẳng hiểu. Chắc có lẽ nhịp điệu bài hát ấy nó hơi sôi động và dễ hát nên dễ nhập tâm:

“Lạy Chúa xin mở mắt tôi biết nhìn kỳ công của Ngài

Trời xanh tinh tú long lanh, mây ngàn cùng muôn muôn thú

Đồi kia! Ai đắp nên cao, sóng trào đại dương mênh mông.

Biết rằng: Ngài đã thương tôi thế mà tôi đâu có hay.

Ephata hãy mở! Mở ra! Ephata! Hãy mở ra! Ephata”.

Giờ lớn lên một chút, thi thoảng nghe lại bài hát này thấy vẫn còn hay vì lẽ lời cầu nguyện của bài hát này hết sức mộc mạc và cũng hết sức dễ thương: Lạy Chúa xin mở mắt con!

Vâng! Nhiều lúc mình có mắt nhưng mắt có chịu thấy đâu để rồi cũng phải xin Chúa mở ra để nhìn thấy kỳ công của Chúa đang thực hiện trên cuộc đời này. Cứ chịu khó xin đi, Chúa sẽ nhận lời nguyện xin của mỗi người chúng ta như Chúa chữa anh chàng mù thành Giêricô hôm nay trong tin mừng Máccô vậy.

Trang tin mừng về việc Chúa Giêsu chữa anh chàng mù thành Giêricô được phác hoạ như là một tiền dẫn để chuẩn bị cuộc tiến vào Giêrusalem chịu khổ hình thập giá của Chúa Giêsu.

Thánh Maccô đã khéo lép sắp xếp cách hành văn để tạo nên một sự song chiếu với trình thuật chữa người mù Betsaiđa (Mc 8, 22-26). Vì chưng câu chuyện chữa người mù thành Betsaiđa cũng đã là một thứ tiền khúc cho cuộc tuyên xưng đức tin của Phêrô (Mc 8, 27-33)

Nói cách khác, phép lạ chữa người mù Betsaiđa cũng như phép lạ chữa người mù Giêricô được Thánh Maccô trình bày như những trình thuật chuyển mạch đưa dẫn tới sự tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Đấng Thiên sai cứu độ.

Và họ đến Giêricô. Lúc Người ra khỏi Giêricô cùng với môn đệ và dân chúng đông lắm, thì có con của Timê là Bartimê, một người ngồi ăn xin dọc đường. Nghe nói là Chúa Giêsu Nadarét đó, thì hắn lên tiếng kêu rằng: Giêsu con Đavit, xin thương xót tôi. Nhiều người quát bảo hắn im, nhưng hắn càng kêu hơn nữa: Lạy con Đavit xin thương xót tôi (c. 46-48).

Giêricô vốn là một thành cổ xưa nhất của Palestina, nằm cách Biển Chết khoảng 10 km về phía Bắc, cách Giêrusalem chừng 30 km về phía Đông Bắc. Trong Tin Mừng Maccô, đây là nơi dừng chân sau cùng của Chúa Giêsu trước khi tiến vào Giêrusalem. Cũng chính ở đây, Chúa Giêsu chữa lành cho Bartimê, một kẻ ăn xin mù lòa.

Một người mù ăn xin: Trong bối cảnh thời đại ở Đông Phương lúc ấy, bệnh mù mắt được coi như thứ bệnh vô phương cứu chữa và số phận của nạn nhân thường rất bi đát. Đa phần trong họ không có cách kiếm sống nào khác ngoài việc đi ăn xin (x. Ga 9,8). Bởi thế, một cách nào đó, bệnh tật này gợi nhớ nỗi khốn cùng tuyệt vọng của kiếp người.

Trở lại câu chuyện Tin Mừng, người mù này là con của Timê. Tên gọi Bartimê là một ngữ vựng Aram ngữ có ý nghĩa y hệt (Bar = con; Bartimê = con của Timê). Thánh Maccô vẫn có thói quen lấy lại nguyên ngữ Aram. Chi tiết này cũng là bằng chứng cho thấy thánh ký có lấy nguồn tài liệu từ một truyền thống Aram ngữ.

Người mù đó ngồi ăn xin ở vệ đường và khi nghe biết Chúa Giêsu Nadarét đi qua, anh đã lớn tiếng khẩn cầu sự trợ giúp của Người: “Giêsu con Đavit, xin thương xót tôi”. Và khi mọi người quát bảo anh ta im, anh ta lại càng kêu xin lớn nữa: Lạy Con Đavit, xin thương xót tôi (x. c. 47.48).

Trong truyền thống Do Thái, tên gọi Con Đavit là một tước hiệu bình dân gán cho Đấng Thiên sai.

Người mù ăn xin đó đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai, vốn được dân Do Thái chờ mong. Anh ta đã khẳng khái tỏ bày sự tin tưởng vào Người, bất chấp sự cản trở của dân chúng.

Cách miêu tả của thánh ký gợi lên sự kiện này: dân chúng háo hức tháp tùng Chúa Giêsu, song họ không có một đức tin chân thực, họ mù quáng về sứ mệnh Thiên sai của Người. Đang khi đó, một kẻ mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường lại đặt tin thác vào Người con Đavit, tức là Đấng Thiên sai được đợi trông. Chắc hẳn lòng tin tưởng đó của anh còn cần phải được soi sáng hơn, y như trường hợp người phụ nữ băng huyết đã được chữa lành và tin tưởng vào Người. Tuy nhiên, có điều chác chắn là người mù đã tin vào sự vĩ đại cũng như quyền lực của nhân vật mà anh ta van xin. Anh ta biết rằng, ít ra chính Thiên Chúa đã ban cho anh cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu. Bởi thế, anh đã không nản lòng van xin sự trợ giúp. Dù biết rằng Chúa Giêsu là người quê ở Nadaret (x. c 47a Giêsu Nadaret), anh ta đã không dừng lại ở gốc gác lý lịch, nhưng đã tỏ bày sự tín nhiệm không do dự: Giêsu con Đavit xin thương xót tôi.

Trong nhãn quan thần học Maccô, người mù ăn xin này nói lên mẫu gương tuyệt vời của một môn đệ dứt khoát chọn theo Chúa Giêsu trên con đường tiến về Giêrusalem, tức con đường khổ nạn.

Đứng dậy, Chúa Giêsu nói: gọi người ấy… Hắn vứt áo choàng một bên, nhảy chồm dậy và đến cùng Chúa Giêsu. Người lên tiếng nói vói hắn: Ngươi muốn ta làm gì cho ngươi? Người mù đáp lại: Rabbuni, xin cho tôi được thấy. Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy đi, lòng tin của ngươi đã cứu ngươi. Và lập tức hắn đã thấy được mà theo Người lên đường (c. 49-52).

Khác với nhiều lần trước, lần này Chúa Giêsu không khước từ danh xưng Thiên sai gán cho Người. Người để cho kẻ mù ăn xin lớn tiếng tuyên xưng Người là Con Đavit. Thêm một lần nữa chúng ta phải bắt nhận ra được ý nhắm thần học ở đây trong liên hệ với thần học về Bí mật Thiên sai của thánh ký Maccô. Tại sao Chúa Giêsu không còn căn dặn im lặng hay bó buộc im tiếng? Độc giả Maccô sẽ không quên rằng Chúa Giêsu đang đi trên đường tiến về Giêrusalem mà Giêricô là trạm chót sắp vượt qua. Người đang trên đường gần kề cuộc khổ nạn thập giá: ý định của Thiên Chúa về công cuộc cứu độ sắp hoàn thành. Bởi vậy không còn lý do gì để giữ mãi những màn che Bí mật Thiên sai: tất cả sắp được tỏ lộ một cách thanh thiên bạch nhật. Đành rằng khó lòng mà tránh được mọi hiểu lầm về một Đấng Thiên Sai chính trị và và trần tục như sau này Người sẽ bị kết án như thế. Song le, không có cản trở nào làm đổ vỡ được hoạch định của Thiên Chúa. Theo ý định của Thiên Chúa cái chết của Người sẽ là con đường dẫn tới ơn cứu độ cho nhân loại. Người thực sự là Đấng Thiên Sai cứu độ, dù rằng khác với cách mơ ước trần tục ích kỷ của người Do Thái.

Người đến đem ơn cứu độ cho tất cả ai đón nhận, mà việc chữa lành người mù ăn xin là một dấu chỉ: dấu chỉ của đức tin cứu độ.

Chính vì thế, Người đã nói với nạn nhân: Đức tin của ngươi đã cứu người. Gợi nhắc sự việc y hệt Người đã chữa cho phụ nữ băng huyết khi bà bị bệnh (Mc 5,34) Và kẻ được chữa lành đã lên đường theo Người (c. 52b). Đó cũng là sứ điệp ngõ cho những ai chọn theo Người. Như đức tin vào Chúa Giêsu đã chữa lành người mù, cũng thế đức tin đưa dẫn kẻ tin Người biết chọn theo Người trên con đường khổ nạn để có được ơn cứu rỗi đích thực nơi mầu nhiệm phục sinh này.

Vấn đề ở chỗ mù là mù đức tin. Cuộc đời của khá nhiều người, mắt vẫn sáng ấy nhưng không nhìn thấy được đức tin và đức tin cũng chẳng thể nhìn bằng con mắt thường nhưng nhìn bởi con mắt của lòng tin, của sự tín thác vào Thiên Chúa. Anh chàng mù hôm nay dù đã bị ngăn cản nhưng anh đã vượt qua cái ngăn cản của con người để đến với Chúa và anh ta đã được toại nguyện.

Chúng ta, có thể được sáng mắt, không cần Chúa chữa cho mình được sáng về thể xác như anh mù nhưng có thể chúng ta bị khuyết tật, bị khiếm khuyết chút gì đó trong con mắt tâm hồn, con mắt đức tin. Và vì vậy, chúng ta nên chăng cũng bắt chước anh chàng mù để xin Chúa chữa con mắt tật bệnh của chúng ta. Lời nguyện trong Thánh Thi kinh sách thứ Năm tuần II thật hay:

Ôi lạy Chúa, xin mở cho con đôi mắt

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.

Con mù loà bên vệ đường hành khất,

Xin chữa con để con nhìn thấy mặt Ngài.

Lạy Chúa Giêsu – con vua Đavít, xin chữa cho con để con nhận thấy tình yêu của Chúa thật kỳ diệu xiết bao và đặc biệt là kỳ diệu với riêng mảng đời của con. Chúa đã thương ban cho con qúa nhiều ơn lành nhưng hình như con cứ như mù loà để không nhận ra những ơn ấy. Lạy Chúa, xin mở mắt con.

 

41. Đức tin của con đã cứu con – Noel Quesson.

Năm 1945, tại nhà ga Verona bên Ý, dân chúng đang náo nức chờ các binh sĩ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc xã. Một người lính trẻ hai mắt đã bị hư, anh lần mò từng bước trên sân ga tiến về chỗ một bà già. Anh la lên: Mẹ! Và hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, khóc nức nở. Bà mẹ xót xa nói: “Làm sao một người mù lòa như con mà vẫn về được với mẹ”. Người lính đáp: “Con không nhìn thấy mẹ bằng mắt, nhưng trái tim đã hướng dẫn con”.

Người mù thành Giêricô cũng đã đến với Chúa Giêsu bằng trái tim. Anh không được nhìn Chúa, nhưng niềm tin của anh đã dẫn anh đến với Người. Anh được nghe nhiều về Chúa, và lòng trí anh đã ghi nhớ đuợc một số điều căn bản. Vì thế, nghe xôn xao có Chúa đến gần, anh đã phát biểu niềm tin của mình bằng tiếng kêu lớn: “Lạy Đức Giêsu, con Vua Đavid, xin thương con”. Do thiện chí và do ơn trên soi sáng, anh mù đã nhận ra Đấng Cứu Thế. Khi nghe người ta bảo: “Hãy vững tâm đứng dậy. Thầy gọi anh đó”. Anh vội vã liệng áo choàng, nhảy lên và chạy tới Chúa. Chúa chữa lành anh bằng một lời khen ngợi: “Đức tin của con đã cứu con”. Anh được khỏi bệnh và gia nhập vào đoàn ngũ những người theo Chúa.

Theo Thánh Marcô thì đây là phép lạ sau cùng Chúa thực hiện trước khi chịu thương khó. Dưới ngòi bút của Thánh Marcô, các môn đệ Chúa cho tới giờ chót vẫn như những người mù, sự kiện này làm Chúa rất bận tâm. Chúa đã ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn (Mc 8,31;9,31;10,34). Và nhiều lần nói về số phận các tín hữu muốn trung kiên với Chúa phải sẵn sàng hy sinh mạng sống (8,35), phải chọn địa vị rốt hèn (9,35), phải sẵn sàng móc mắt, chặt bỏ tay chân để khỏi phạm tội (9,47), phải uống chén đắng và trở nên đầy tớ mọi người (10,38-44)… Những điều này cho tới giờ các Tông đồ vẫn chưa hiểu. Theo Chúa mà như vậy. Thầy đi một đường, trò đi một lối như vậy đâu có được! Đúng là không thể được. Không thể thành môn đệ bằng lối suy tư con người. Cần thiết phải có ơn Chúa, phải được Chúa mở mắt, đem ánh sáng cho. Có vậy mới nhìn ra giá trị ơn cứu độ của Chúa và mới biết lựa chọn thái độ nguơì tín hữu, theo sự hướng dẫn của Chúa. Có vậy mới thoát khỏi cảnh tăm tối u mê như một căn bệnh mù lòa trầm trọng.

Người hành khất mù được sáng mắt nhờ đức tin. “Đức tin của con đã cứu con” nghĩa là gì? Là chính đức tin mà Chúa trao tặng cho anh để anh tuyên xưng trước mặt mọi người. Anh đã can đảm tuyên xưng đức tin ấy bằng cách lớn tiếng kêu cầu, bằng cử chỉ vứt bỏ áo choàng (nhu cầu tối cần của anh), bằng cách nhảy chồm lên, vội vã chạy tới Chúa, bất chấp mọi cấm cản của những người chung quanh. Cặp mắt đức tin của anh đã được bật sáng và anh đã nhìn thẳng vào đối tượng duy nhất là Đức Giêsu Nagiarét. Nhờ đức tin sống động ấy, anh mù đã thấy điều mà những người sáng không được thấy (“Con Vua Đavid”, nghĩa là Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha xức dầu bằng Thánh Thần): “Anh liền xem thấy, rồi đi theo Người”.

Lạy Chúa, xin bật sáng niềm tin chúng con để chúng con nhìn ra Ngài đang hiện diện với chúng con. Xin giúp chúng con biết can đảm tuyên xưng Ngài trong mọi tình huống của cuộc đời, để chúng con tiếp tục bước theo Chúa trên đường phục vụ hôm nay.

 

42. Mù loà.

Con mắt là một ơn huệ Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Thật là bất hạnh nếu chúng ta bị mù từ khi mới sinh hay do một tai nạn, một cơn bệnh nào đó. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy anh mù tại Giêricô, ngồi ăn xin bên vệ đường, đã cố gắng làm cho Chúa Giêsu chú ý tới mình, vì anh ta đã được nghe nói rất nhiều về Ngài, Đấng đầy lòng thương xót, đã thực hiện biết bao nhiêu phép lạ để xoa dịu những nỗi khổ đau. Bởi đó, anh ta đã lớn tiếng kêu cầu:

– Lạy Đức Kitô, con vua Đavít, xin thương xót con cùng.

Nếu Thiên Chúa ban cho cặp mắt sáng, chúng ta hãy cảm tạ Ngài. Nhưng điều quan trọng, đó là chúng ta đã sử dụng cặp mắt ấy như thế nào? Chúng ta có biết mở mắt ra để nhìn ngắm những cái khả dĩ nâng cao tâm hồn và làm đẹp cho cuộc đời chúng ta hay không? Đồng thời chúng ta có biết nhắm mắt lại trước những cái khả dĩ làm cho tâm hồn chúng ta bị hoen ố hay không?

Có một vị hoàng tử được vua cha ban tăng cho hai chú ngựa quí giá. Thế nhưng cả hai vẫn còn thuộc loại ngựa chứng, chưa biết vâng phục.

Khi vị hoàng tử tới gặp, thì chúng ta không chịu đứng yên một chỗ hay tiến đến với chủ của mình. Trái lại, chúng ta chạy chỗ này chỗ kia và thích phi nước đại trên những cánh đồng hoang. Nhưng rồi vị hoàng tử đã ra công tập luyện và dần dần chúng đã biết vâng phục. Chúng chỉ phi nước đại khi vị hoàng tử kéo dây cương và thủng thẳng đi từng bước một khi dây cương được buông lỏng.

Từ những chú ngựa cứng đầu, chúng đã trở nên những con ngựa ngoan hiền. Kể từ nay, chúng không còn chạy xiên bên nọ, chạy xọ bên kia. Nhưng chúng bước đi một cách đều đặn với tiếng hí reo vang.

Đây chỉ là một câu chuyện, thế nhưng từ đó chúng ta rút ra một điều thực hành. Vị hoàng tử chính là mỗi người chúng ta. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở nên con cái Chúa. Ngài cũng đã ban cho chúng ta một quà tặng quí giá hơn hai chú ngựa kia rất nhiều, đó là cặp mắt sáng.

Cũng như hai chú ngựa chứng, cặp mắt chúng ta luôn nhìn chỗ này và liếc chỗ nọ. Bởi đó, cần phải biết làm chủ và quản lý chặt chẽ cặp mắt của chúng ta. Chỉ nhìn những cái làm cho tâm hồn trở nên cao thương và xa tránh những gì làm cho tâm hồn bị vẩn đục.

Cặp mắt chính là của sổ của linh hồn. Cánh cửa được mở ra để đón nhận những làn gió mát và những tia nắng ấm, nhưng phải lập tức đóng lại khi trời mưa gió. Cũng thế, cặp mắt được mở ra để ghi nhận những cái hay, những cái đẹp để làm giàu cho tâm hồn và cuộc sống, nhưng chúng ta phải lập tức đóng lại trước những cái làm cho tâm hồn bị hoen ố. Vì thế, Thánh Kinh đã bảo:

– Tội lỗi đột nhập vào tâm hồn qua con mắt như qua một khung cửa.

Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của Adong Eva. Trước hết hai ông bà đã nhìn ngắm trái cấm, rồi thầm mong được nếm thử. Và rồi những gì xảy ra, hẳn chúng ta đã biết: Hai ông bà đả ngắt trái cấm mà ăn và phản bội cùng Thiên Chúa.

Hãy canh phòng con mắt như canh phòng biên giới, đừng đễ cho kẻ thù đột nhập.

Để kết luận, chúng ta hãy nhớ lại lời ông Gióp đã nói như sau:

– Tôi đã giao kết với cặp mắt của tôi là sẽ xa tránh những cái nhìn làm cho tâm hồn tôi xao xuyến.

Nếu bây giờ có gìn giữ cái nhìn, thì tâm hồn chúng ta mới được sạch trong và mai ngày bản thân chúng ta mới được chiêm ngưỡng Chúa trong vinh quang muôn đời, bởi vì phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

 

home Mục lục Lưu trữ