Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 45
Tổng truy cập: 1379198
TINH FYÊU CẦN SỰ QUAN TÂM
Tình yêu cần sự quan tâm
(Suy niệm của Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
Tình yêu đích thực luôn bày tỏ sự quan tâm lo lắng cho nhau. Không yêu nhau người ta đâu cần để ý đến nhau, chỉ có trong tình yêu người ta mới dành tình cảm, sự quan tâm, nâng đỡ và chia sẻ cho nhau.
Thế nên, khi tình yêu chín mùi người ta sẽ thề non hẹn biển với nhau là quan tâm chăm sóc nhau suốt đời. Họ thề hứa một cách công khai sẵn lòng chia sẻ cuộc đời với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Nghĩa là gắn bó chia sẻ với nhau trong mọi sướng vui cuộc đời và cùng dìu nhau qua mọi khó khăn của dòng đời.
Nhưng trớ trêu thay! Khi đã thành vợ chồng người ta lại thường quên đi lời thề ước ấy. Họ chỉ quan tâm khi còn tình yêu đôi lứa, nhưng khi đã là vợ chồng lại hờ hững với nhau. Chúng ta vẫn thường nghe những lời trách móc, than vãn: Anh ấy không còn yêu em như trước nữa. Anh hay nói những lời châm chọc, khích bác, phán đoán giọng kẻ cả. Hoặc vợ tôi thường không để lỡ một cơ hội nào mà không phê bình chồng mình trước mặt bạn bè, ngay cả trước mặt con cái. Cô ấy hay kể tật xấu tôi với đồng nghiệp bạn bè cô ấy...
Có một anh chồng đã liệt kê những lần mà họ mở miệng ra là cãi nhau như sau:
Vợ tôi hỏi: Trên TV có gì không anh?
Tôi trả lời: Có rất nhiều bụi bặm, chắc tại em quên lau.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
Rồi
Kỷ niệm hai mươi năm cưới nhau, tôi hỏi bả muốn đi đâu.
Bả nói: Em muốn đi đến một chỗ mà từ lâu em đã không đặt chân đến.
Tôi nói: Ủa em muốn vào trong bếp hả?
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
Một lần khác:
Vợ tôi: Ngày cưới em có phải là ngày vui nhất đời anh không?
Tôi nói: Không! Chỉ là ngày vui hạng nhì thôi.
Vợ tôi: Chứ ngày vui thứ nhất là ngày gì?
Tôi nói: Là cái ngày em về bên má em 3 tuần. Giời ơi ngày nào cũng xỉn.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau. Giận dỗi.
Có một định nghĩa về tình yêu như sau: "Yêu là muốn cho một cái gì". Một số người có thể nghĩ rằng: khi kết hôn, hai người đã tự hiến mình cho nhau với tất cả những gì họ có, nên không cần biểu lộ sự quan tâm, lòng biết ơn dành cho nhau. Chính vì thiếu điều đó mà làm cho tình yêu mất đi hơi ấm nồng nàn tình yêu. Không có sự quan tâm thì tình yêu đâu còn được nuôi dưỡng, vun đắp, và dĩ nhiên là sẽ chết dần theo năm tháng.
Cách thức để gìn giữ tình yêu chính là làm mới lại tình yêu mỗi ngày bằng sự quan, lo lắng và chăm sóc nhau. Đó mới là một tình yêu chân chính luôn hy sinh cho người mình yêu. Một tình yêu chân chính thì luôn vượt lên trên sự ích kỷ bản thân để lo lắng, quan tấm đến người mình yêu.
Chúa Nhật lễ Chúa chiên lành như mời gọi chúng ta hãy học nơi Chúa Giê-su là vị mục tử luôn bày tỏ tình yêu với đàn chiên. Người mục tử luôn đồng hành với đàn chiên. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài biết từng con chiên. Ngài chăm sóc từng con chiên. Ngài sẵn lòng cùi mình phục vụ trong khiêm hạ. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho người mình yêu.
Đó là mẫu mực của mọi tình yêu. Tình yêu luôn đòi sự hy sinh quan tâm đến cho người mình yêu. Xin cho các đôi hôn phối luôn dành sự quan tâm cho nhau. Xin đừng sống ích kỷ chỉ lo cho bản thân mà bỏ rơi người bạn đời. Xin hãy sống vì nhau và cho nhau để tạo nên một mái ấm gia đình ngập tràn hạnh phúc yêu thương. Amen.
23. Chúa Nhật 5 Phục Sinh
"Thầy là cây nho, chúng con là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái". (Ga 15,5)
Qua bài Tin Mừng này, ta hết sức cảm phục Chúa Giêsu, vì cách Người dùng hình ảnh thật giản dị, dễ hiểu, để diển tả một mầu nhiệm vừa cao cả, lại vừa hết sức trừu tượng; để nói về mối liên kết chặt chẽ phải có giữa người Kitô hữu với Chúa Giêsu, Người dùng hình ảnh cành nho luôn dính chặt vào thân nho; và cành nho, tự nó ý thức phải luôn dính chặt vào thân cây, nếu không nó sẽ chết. Như vậy muốn là người Kitô hữu thực sự có hạnh phúc, chính là phải "ở lại " trong Chúa Kitô, như cành nho không tách rời rời khỏi thân nho. Nhưng ở lại trong Chúa Kitô như thế nào? Và sinh hoa trái ra sao?
1. Giải thích:
a. Động từ Hy Lạp: ở lại (menein en) từ câu 2 đến câu 10, thánh Gioan dùng đến 10 lần có nghĩa: ở lại trong Chúa Giêsu ở lại trong lời Chúa, ở lại trong tình thương của Chúa, trong các môn đệ v.v.. Còn một nghĩa nữa làgắn liền với: "cành nho gắn liền với thân nho."
b. Với cách dịch động từ Menein en: "ở lại", hay "gắn liền", hay có vài bản dịch khác dịch là: tháp chặt vào, dính liền, không thể tách rời, xem ra cũng không phải là sai nghĩa như điều Chúa Giêsu muốn nói: Như cành nho phải liên kết với Thân nho thế nào thì người Kitô hữu cũng phải kết hợp chặt chẻ với Đức Kitô là sức sống, là hạnh phúc của họ. Sự liên kết đó đòi hỏi người Kitô hữu phải sống và hành động theo Lời của Đấng đã chết và sống lại vì yêu thương chúng ta.
c. Thực hành: Linh mục nhận lãnh chức vụ Linh mục từ Giám mục, từ Hội Thánh, nhưng lại không có ý hiệp thông, liên kết chặt chẽ với Hội Thánh, Linh mục sẽ ban Bí Tích thành sự, nhưng không sinh hiệu quả sống động cho người lãnh nhận... Như khi người giáo dân bình thường chúc lành cho nhau trong sự chân thành, yêu mến, ơn phúc lành đó sẽ ở lại nơi người được chúc phúc, và sinh ơn ích cho họ biết bao trong đời sống, dù họ không thấy được bằng mắt xác thịt.
2. Gợi ý suy niệm:
a. Ai trồng nho, lại không muốn nó sinh trái. Đất đai ở Việt Nam không phù hợp mấy với cây nho, nhưng ta thấy cũng có nhiều nơi trồng được, dù kết quả không cao. Cành, nhánh nho muốn sinh trái, phải được tháp chặt (ở lại, gắn liền, liên kết) với thân nho, nếu không, cành nho không những không sinh trái, mà còn phải chết nữa, vì tự mình cành nho không thể cho mình nhựa sống. Khi ta lãnh nhận Bí Tích Rửa tội là lãnh nhận ơn gọi trở thành cành nho, được gắn liền (tháp chặt, ở lại, liên kết) với Thân nho là Đức Kitô, ta có nhận ra ơn sủng cao cả này không? Ta có biết luôn cảm tạ Chúa mọi nơi mọi lúc và hết sức nỗ lực gắn liền "tháp chặt" và kết hợp với Thân Nho là Đức Kitô không? Là người Kitô hữu, ta có nghĩ mình được quyền sống bên lề họ đạo, không phải tham gia vào sinh hoạt của họ đạo, vì nghĩ rằng, mình đã đi lễ, cầu nguyện và giữ mọi Lề Luật của Hội Thánh là đủ không?
b. Cành nho muốn sinh nhiều trái, phải chịu để cho ông chủ cắt tỉa bớt những cành dư thừa. Ta có muốn và sẵn sàng để Chúa cắt tỉa những tính hư tật xấu, để ta ngày càng được tháp chặt, gắn liền với Thân Nho, để sinh nhiều hoa trái hơn nữa không?
24. Sự sống trong Chúa Kitô – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Phân tích
Bài giáo lý về Dụ ngôn cây nho. Về sự sống trong Chúa Giêsu.
Dụ ngôn cây nho chúng ta một cách vừa cụ thể vừa dễ hiểu nhưng lại rất sâu sắc về cuộc đời Kitô hữu:
Kitô hữu nếu muốn sống phong phú thì phải sống trong Chúa Giêsu và sống bằng sức sống của Ngài “Thầy là cây nho, các con là nhành… Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiếu trái.”
Kitô hữu cũng phải chấp nhận để cho mình “được Cha Thầy tỉa sạch” bằng những việc xảy ra không đúng ý mình làm cho mình đau khổ.
Chúa Giêsu còn hứa một điều rất tốt đẹp: “Nếu các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin thì sẽ được.”
Suy gẫm
1. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “Người thuộc về Đức Kitô.” Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là cành nho khô, sớm muộn gì thì cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
2. Cắt tỉa: cuộc đổi đời nào cũng được đánh giá bằng những cái mất và những cái được. Tuy nhiên với con mắt đức tin, người ta vẫn nhìn thấy cái được trong cái mất… Đức Hồng y Etchegaray có lần đã nói “Đứng trước cánh rừng, chúng ta không nên dừng lại ở tiếng ngã đổ của cây rừng, nhưng hãy lắng nghe âm thanh của những mầm non đang mọc lên.”
3. Thánh Anphongxô đã được Thiên Chúa cắt tỉa bằng việc để Ngài thất bại ê chề trong một cuộc xử kiện mà Ngài làm luật sư. Thánh Inhaxiô được cắt tỉa khi bị thương què chân trong một trận chiến. Các Ngài mất một điều nhưng được lại nhiều điều khác quý hơn.
4. “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.”
Mỗi ngày đọc báo, nghe đài, xem truyền hình tôi lại nghe thấy vụ giết người dã man; những thảm họa của chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, hạt nhân; những cái chết đầy thương tâm do các căn bệnh thế kỷ gây ra như Sida, Ebôla… Đâu đâu cũng thấy tang thương và chết chóc.
Có lần tôi đã phải bàng hoàng sửng sốt trước mẩu tin: “Một thanh niên đã chỉa súng bắn chết bố mẹ chỉ vì ông bà không cho cậu ta tiền tiêu vặt.”
Tại sao cuộc sống hôm nay lại có nhiều tội ác đến thế? Nguyên nhân chính phải chăng là vì con người xa lìa Thiên Chúa, chạy theo cuộc sống vật chất, do đó trở nên thoái hóa, buông thả, vô đạo. Đức tin khô héo rồi chết đi.
Lạy Chúa, xin cho con biết lưu lại trong Chúa qua cuộc sống yêu thương và phục vụ. (Cha Carôlô)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là cây nho, còn chúng con là cành, xin cho chúng con biết kết hợp với Chúa qua từng giây phút cuộc sống, nhất là khi chúng con được rước Thánh Thể Chúa ngự đến trong tâm hồn chúng con. Xin đừng để chúng con xa lìa Chúa bởi những tội lỗi, những đam mê mù quáng, những thói đời bất nghĩa, bất trung.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con vẫn biết rằng, để cành nho cuộc đời chúng con sinh hoa kết trái thì cần được cắt tỉa, loại bỏ những gì không phù hợp với sức sống Thần Linh của Chúa. Thế nhưng, Chúa ơi, chúng con vẫn bám víu vào những đam mê tật xấu. Tâm hồn chúng con vẫn chứa đựng đầy những tham lam bất chính, những tư tưởng dâm ô tội lỗi. Cuộc sống chúng con còn đầy những lầm lỗi gây nên đau khổ cho gia đình và bạn bè. Xin Chúa thứ tha tội lỗi chúng con. Xin Chúa cắt tỉa nơi tâm hồn chúng con khỏi những ước ao phạm tội, những toan tính xấu xa, những mưu đồ bất chính để chúng con luôn xứng đáng là đền thờ cho Chúa ngự trị.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được lưu lại trong Chúa mỗi khi chúng con rước Chúa vào lòng, để sự sống của Chúa tuôn chảy trên dòng đời của chúng con, qua các việc đạo đức hằng ngày, qua cuộc sống yêu thương và phục vụ mọi người, nhờ đó mà muôn dân sẽ nhận ra “chúng con là môn đệ của Chúa.” Amen.
25. Chúa Nhật 5 Phục Sinh
Cây nho và việc trồng nho rất quen thuộc đối với người Do thái nên Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho và cành nho nói lên mối liên hệ rất mật thiết giữa Chúa và dân của Ngài. Chúa Giêsu là cây nho còn dân chúng xưa cũng như chúng ta hôm nay là cành nho gắn liền với thân nho là Chúa Giêsu. Cành nho hút nhựa sống từ thân cây nho để sống và sinh hoa kết quả. Nếu không liên kết, không gắn liền với thân nho, cành nho sẽ khô héo, tàn úa và chết đi, không thể sinh hoa quả được.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta được tháp nhập vào đời sống của thân nho là Chúa Giêsu, trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa. Khi tham dự Thánh lễ và Rước lễ chúng ta được nuôi dưỡng, được hút nhựa sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu. Khi cành nho là chúng ta bị sâu bệnh, héo úa do tội tội lỗi của chúng ta, chúng ta được chữa lành và tha thứ qua Bí tích Giải tội. Ân sủng Chúa là nhựa sống của thân nho không ngừng cung cấp cho ngành nho là chúng ta, để chúng ta được sống và sống dồi dào và để chúng ta sinh hoa kết quả tốt lành trong đời sống đạo của chúng ta.
Ngược lại, nếu chúng ta không liên kết, không gắn bó với Chúa qua việc năng lãnh nhận các Bí tích thì đời sống của chúng ta sẽ héo úa, khô cằn vì thiếu nhựa sống từ thân cây là Chúa Giêsu. Như vậy thì đời sống chúng ta sẽ sẽ cằn cỗi, không sinh hoa trái được.
Nhờ đời sống cầu nguyện, nhờ việc năng lãnh nhận Bí tích nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, người Kitô hữu chúng ta ngày càng gắn bó hơn với Chúa Kitô, mà gắn bó với Chúa Kitô có nghĩa là cũng gắn bó với Chúa Cha. Nhờ gắn bó với Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ nhận ra những người chung quanh là anh chị em cùng là con một Cha trên trời.
Chúng ta là cành nho cần liên kết mật thiết với thân nho là Chúa Giêsu để chúng ta được sống, nhưng chúng ta cũng cần phải liên kết mật thiết với các cành nho khác là các anh chị em chung quanh chúng ta nữa. Thân nho là Chúa Giêsu cung cấp nhựa sống cho các cành nho, nhưng các cành nho cũng phải chuyển thông sự sống cho nhau nữa. Một cành nho héo úa, bệnh hoạn cũng ảnh hưởng đến sức sống của các cành nho khác.
Cũng vậy tội lỗi của một người trong chúng ta cũng ảnh hưởng đến người khác, đến cộng đoàn họ đạo, làm bớt đi sự thánh thiện của Hội Thánh. Và sự thánh thiện, tốt lành của một người sẽ làm tăng thêm sự thánh thiện, tốt lành của toàn thể Hội Thánh. Nếu họ đạo chúng ta có nhiều người tội lỗi thì sẽ làm giảm bớt đi sự tốt lành, thánh thiện của họ đạo, của mỗi người chúng ta và làm cho họ đạo chậm phát triển. Ngược lại nếu họ đạo chúng ta có nhiều người thánh thiện và rất ít người tội lỗi thì sẽ làm tăng sự thánh thiện tốt lành của họ đạo và của mỗi người chúng ta và sẽ làm cho họ đạo phát triển rất nhanh. Đó là sự liên đới trong cộng đồng của những người có cùng cùng một niềm tin như chúng ta.
Là người Kitô hữu, chúng ta đã trở nên một trong Chúa Kitô qua Bí tích Rửa tội. Chúng ta đang bước theo Chúa Kitô trên con đường tiến đến sự hoàn hảo như Thầy chí thánh của chúng ta là Chúa Kitô. Chúng ta còn trãi qua nhiều cám dổ của ma quỷ, của tội lỗi, của sự xấu để thanh luyện con người chúng ta.
Nếu không có Chúa chúng ta không thể đi trọn con đường như Chúa đã đi, nên chúng ta cần phải liên kết mật thiết với Chúa qua các Bí Tích để chúng ta có đủ sức mạnh thiêng liêng mà bước đi trên con đường theo Chúa. Chúng ta không đơn côi, không cô độc nhưng chúng ta còn có Chúa, còn có Hội Thánh, còn có biết bao người cùng niềm tin với chúng ta. Chúng ta hãy vững tin vào Chúa, hãy trợ giúp nhau sống tốt, hãy làm gương tốt cho nhau, hãy dìu dắt nhau để chúng ta được tăng thêm sức mạnh và luôn vững bước trên con đường theo Chúa, để Chúa ở đâu chúng ta cũng được ở đó với Chúa.
26. Sinh nhiều hoa trái
(Suy niệm của Lm. Đaminh Trần Quang Hiền SDB)
Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh rất quen thuộc của người Do Thái đó là người mục tử và đoàn chiên. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên mối liên hệ của Người với ta và của ta với Người. Người là Mục tử nhân lành còn ta là đoàn chiên của Người. Chúa nhật tuần này Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của mỗi người chúng ta. Đời sống đạo của mỗi người chúng ta được sánh ví như đời sống của cây nho.
Chúa Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:
1. Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ thân cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.
2. Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.
Đời sống đạo của chúng ta cũng cần có 2 điều kiện:
Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, Người là nguồn sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Nhìn vào đời sống đạo của chính chúng ta, biết bao lần chúng ta muốn tách lìa khỏi mối tương quan mật thiết với Chúa Giêsu. Tôi quá bận bịu, lo lắng mọi thứ trong cuộc sống: công ăn việc làm, gia đình, những kế hoạch, dự định trong tương lai, lo kiếm tiền, xây cất nhà cửa, sắm sửa cái này cái kia, những chuyến nghỉ lễ, nghỉ hè xa, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, những trò giải trí, kể cả những thú vui thỏa mãn thân xác… làm sao có giờ đi lễ, cầu nguyện được. Những điều này làm tôi tách lìa khỏi mối bận tâm thiêng liêng và đánh mất đi những giá trị cao đẹp của người kitô hữu trong đời sống của mình: không còn nhớ để đi lễ chúa nhật nữa, hay có đi nhưng đầu óc bị chia trí, khô khan, nguội lạnh trong việc cầu nguyện. Những thú vui, hưởng thụ xác thịt làm tôi xa dần đời sống luân lý về trong sạch và tiết độ. Những tìm kiếm danh vọng, tiền bạc biến tôi trở thành người ham mê danh vọng và quyền lực. Tôi trở thành người chỉ biết sống cho mình, không quan tâm đến yêu thương, chia sẻ với người khác. Quả thật, khi đánh mất đi mối bận tâm liên kết với Chúa, bỏ bê đời sống cầu nguyện, khô khan với việc đi tham dự thánh lễ và cử hành các bí tích, đời sống của chúng ta sẽ trở nên khô cằn, tàn lụi, đồng thời không có sức sống, không hữu ích cho xã hội và người khác. Khi chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu đời sống của chúng ta sẽ tràn đầy ân sủng và sẽ giúp ta trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Điều kiện thứ hai: phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu cắt tỉa bởi những cành lá rườm rà. Cũng thế, đời sống đạo của chúng ta phải để Chúa cắt tỉa những gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư, những sự ích kỉ, đam mê để chuyên tâm đi tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài, những phô trương, hưởng thụ, ồn ào để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những giả dối, vô cảm với người khác để mặc lấy sự trung thực, bao dung, yêu thương. Chúng ta hãy can đảm để cho Chúa cắt tỉa chúng ta. Chắc chắn việc cắt tỉa này làm cho chúng ta đau đớn, khó chịu, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.
Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Người để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uốn chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Để từ đó, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu là cây nho thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.
27. Chúa Nhật 5 Phục Sinh
Cây nho, cành nho và trái nho
Người ta nói rằng ở Ephêsô có 1 ngôi đền rất nổi tiếng. Đó là đền thờ thần Diana. Một trong những nét độc đáo làm cho ngôi đền trở thành nổi tiếng là trong ngôi đền đó có cả 1 thang lầu làm từ 1 gốc cây nho duy nhất được mang về từ đảo Chypre. Rất oai nghi! Rất hùng tráng. Biết được như thế chúng ta mới có thể phần nào hiểu được hình ảnh và ý niệm về cây nho mà hôm nay chúa Giêsu đãsánh ví với Ngài.
Một cách cụ thể, hôm nay Chúa Giêsu xác định và tuyên bố: "Thầy là cây nho các con là nhành". (Ga 15,5). Tại làm sao Chúa lại tyên bố như thế. Lời tuyên bố ấy được nói trong hoàn cảnh nào và có ý nghĩa gì?
Theo chú giải Kinh Thánh thì Đức Giêsu nói những lời này với các môn đệ ngay sau bữa ăn cuối cùng với các ông. Giả thiết rằng có thể trên đường đi từ nhà tiệc ly đến vườn Giêtsêmani. Đức Giêsu biết rằng Người sẽ phải rời xa các môn đệ để bước vào cái chết. Người cũng biết môn đệ Phêrô sẽ chối Thầy, Giuđa sẽ phản bội. Tất cả các môn đệ còn lại cũng sẽ chối bỏ Người. Mọi sự như tan vỡ và chấm dứt. Chính trong hoàn cảnh đó, Đức Giêsu đã xưng mình là cây nho và các môn đệ là cành nho.
Khi khám phá ra điều này, tôi hiểu rằng Chúa muốn bộc lộ một ước mơ, và Ngài muốn ước mơ đó trở thành hiện thực. Cũng có thể nói được rằng ước mơ đó là một chân lý. Chân lý đó ở chỗ này:
Cho dù các môn đệ có phản bội, có khước từ nhưng Ngài vẫn gắn bó vơi họ.
Và cho dù Chúa Giêsu không ở với họ theo nghĩa thể lý nữa thì chính sự liên kết bền chặt giữa các môn đệ là yếu tố nền tảng làm cho các ông vẫn đứng vững và đoàn kết với nhau bất chấp phản bội, bất chấp khước từ, bất chấp yếu đuối đến độ hèn nhát.
Chúa Giêsu diễn tả điều tôi vừa nói bằng hình ảnh gắn liền của thân nho và cành nho. Cây nho và cành nho có cùng một sự sống và cùng một dòng nhựa. Cành sống nhờ cây. Cành có khả năng sinh được hoa quả là nhờ nối kết với thân cây. Nếu cành tách lìa khỏi thân cây, chúng sẽ không chỉ trở nên cằn cỗi mà còn nhanh chóng bị khô héo và chết rục.
Cũng thế, giống như những cành cây cần thân cây. Chúng ta cần đến Đức Giêsu Kitô vì sự sống của Người. Khi bị tách lìa khỏi Người, chúng ta không có sự sống và không có khả năng sinh trái. Nhưng cây cũng cần đến cành. Chính những cành nho mới sinh những trái nho. Như thế, chúng ta không những cần đến Đức Giêsu mà Người cũng cần đến chúng ta. Người đợi chờ hoa trái của Người trổ sinh nơi chúng ta, qua chúng ta. Nói cách khác chúng ta có bổn phận sinh hoa trái cho Người.
Thếnhưng thực tế chúng ta đã thực sự sản sinh ra những trái nho ấy chưa. Người khác có cảm nếm và thưởng thức được vị ngon vị ngọt của những trái nho ấy chưa.
Như thế, hoá ra lời tin mừng hôm nay lại là một lời tra vấn chúng ta, khi ta nhìn thấy sự cằn cỗi của ta, trong Giáo Hội và của thế giới. Đời ta không trổ sinh hoa trái được là vì ta chưa chịu cắt tỉa khi đời sống ta có nhiều cái thừa và không ít những cái thiếu. Thừa tiền bạc, thừa địa vị, thừa ích kỷ, thừa cái tôi chật hẹp của mình. Nhưng ta lại thiếu quá nhiều, thiếu cảm thông, thiếu chia sẻ, thiếu hợp tác, thiếu quan tâm đến người khác... Đang khi đó, Giáo Hội tuy có không ít những thánh nhân nhưng lại có quá nhiều người như chúng ta. Điều đó làm cho khuôn mặt Giáo Hội thêm già nua, cằn cỗi. Bên cạnh đó, xã hội càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn nạn: sự chênh lệch giàu nghèo, nạn ma túy, tình dục, siđa, nạn tham nhũng ở Á Châu và Việt Nam... đang là vấn đề thời sự. Khuôn mặt thế giới đang héo tàn.
Vì thế trách nhiệm sinh hoa trái thánh thiện đạo đức đòi hỏi ta rất lớn và rất nhiều. Và muốn được như thế đời ta cần chấp nhận cắt tỉa những gì cản trở những gì không cần thiết cho mùa dơm hoa kết trái. Đồng thời, ta hãy đóng góp những hoa trái tốt lành ấy cho nhân loại cho Giáo Hội. Được như thế mọi người sẽ nhận ra cây nho thật là Đức Kitô. Người trồng nho là Thiên Chúa. Và người ta sẽ cảm nếm được hương vị ngọt ngào, thánh thiện, thanh khiết của những trái nho. Amen.
28. Cây Nho hiệp nhất – AM Trần Bình An
Cây mít thường được trồng giáp ranh giữa hai thửa vườn. Với thân mộc xum xuê, cây mít hay mọc hỗn, che phủ tràn lan, nên bị cả đôi bên vườn tận tuỵ cắt cành lá chĩa qua. Nhưng nhờ vậy, cây mít lại càng sai trái, lủng lẳng suốt từ thân đến cành. Vậy mới có câu ca: “Mít chặt, chanh cột. Hoặc là “Mít chặt cành, chanh xén rễ.”
Nếu cứ để cây chanh thoải mái chĩa cành lên trời, thì chẳng thể nào chanh có trái. Nên người ta thường níu cành, cột đá vào kéo xuống, hoặc xén bớt rễ ngang, chanh mới cho sai trái. Cây nhãn muốn ra quả trái vụ, cũng được khắc quanh gốc, cùng các cành lớn. Còn cây dó bầu mà không bị thương tích trên thân, thì không thể nào tích tụ trầm hương. Như thế, có những cây phải chịu thương đau, uốn nắn, cắt tỉa, mới có thể bội thu.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố mình là cây nho, mọi người đều là cành nho. Cành nào không sinh hoa trái sẽ bị cắt bỏ. Còn cành nào sinh hoa kết trái thì phải chịu cắt tỉa để thêm dồi dào năng suất. Như thế, cành nào muốn sống thì cần liên kết, hiệp nhất với cây nho.
Nhờ Người được sống
Nhờ hiệp nhất với Chúa Giêsu, tín hữu mới được sống thật, sống viên mãn đời này lẫn đời sau. Không như manna trong sa mạc, không như cơm bánh thế gian chỉ đem đến cái chết, bệnh tật, bất an, lo lắng, nỗi buồn, cơn đau, thất vọng, lương thực hằng sống của Chúa Giêsu trao ban, chính là thực thi Thánh Ý Chúa, cùng sống Lời Chúa và đón rước Thánh Thể. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4, 34)
Chọn cái chết hay sự sống là quyền tự do của mỗi người, mà Chúa luôn tôn trọng. Nhưng Người luôn tha thiết mời gọi, khuyên răn sống kết hiệp với Người để có thể tu thân, tích đức và được sống:“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15, 4)
Với lòng thương xót từ bi, Người ân cần cảnh báo hệ quả dành cho những ai dứt khoát tuyệt tình, từ chối hiệp thông với Người:“Ai không ở trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” (Ga 15, 6)
Trong xã hội thực dụng hôm nay, thiên hạ đua nhau thờ Thần Tài, sản nghiệp, danh vọng, tham lam vô độ đến vỡ mộng vì mất mát, mất chức quyền, mất tình người. Thay vì hút lấy nhựạ sống thật, thì chỉ toàn tích trữ những nọc độc gian dối, virus đố kỵ, mầm mống chia rẽ, tiêm nhiễm thói xấu, di căn tà đạo, thất đức, bất nhân, bất nghĩa. Vậy làm sao sinh được hoa thơm, trái ngọt?
Thánh Phaolô khuyên nhủ đừng trông cậy vào của cải vật chất phù du, mà luôn trông cậy, hy vọng vào Chúa mà thôi: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng.” ( 1Tm 6, 17)
Với Người chịu hy sinh
Hiệp nhất với Chúa Giêsu là đồng nghĩa bỏ mọi sự, mà chấp nhận vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa. “Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15, 2)
Con đường Đức Giêsu đi là con đường chông gai, khổ hình và chết nhục nhã, nên Người tiên báo và an ủi các môn đệ qua chính sự phục sinh của Người: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan, khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)
Chính vì hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, muốn noi gương Người, mà Thánh Phaolô hy sinh chịu khổ nhục, tù đầy, xiềng xích, đã viết thư chia sẻ cùng tín hữu thành Philípphê: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (Pl 3, 10-11)
“Con không hiểu tại sao thánh Augustinô cầu nguyện:“Xin cho con biết Chúa, cho con biết con!” Vì Chúa nói với Philipphê: “Đã bao lâu rồi, Ta ở với các ngươi! Thế mà, Philipphê ngươi đã không biết Ta sao?” (Ga 14, 9). Nếu “biết” thật, đời con sẽ đổi hẳn. (Đường Hy Vọng, số 100)
Trong Người được phục sinh
Chỉ khi nào sống kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, người tín hữu mới được dưỡng nuôi, phát triển, sinh nhiều hoa thơm trái ngọt, những nhân đức cao quý: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5)
Ở trong Người là thấm nhuần Lời Chúa, mà đem thực hành mới được sống đời đời. “Ai nghe lời Tôi, và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.“ (Ga 5, 24)
Ở trong Người là thường xuyên đón rước Lương Thực cực quý, Mình và Máu Đức Giêsu trong nhiệm tích Thánh Thể: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi, mà được sống như vậy. (Ga 6, 56-57)
Ở trong Người là cùng chịu vác thánh giá, cùng chịu khổ hình với Đức Kitô, như thánh Phaolô chịu nạn, trở nên đồng hình đồng dạng với Người: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” ( Gl 2, 19-20)
“Một cuộc cách mạng thực sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người, mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội… của thế giới, không thể thực hiện “ngoài con người, ngoài Thiên Chúa,”chỉ thực hiện “bởi con người, trong Chúa Kitô, với Chúa Kitô.” Con hãy dấn thân vào mặt trận cách mạng thế giới ấy.” (Đường Hy Vọng, số 623)
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót cứu giúp chúng con là những cành nho yếu đuối, èo uột, mong được hiệp nhất với Cây Nho Đức Giêsu để được chữa trị, chăm sóc, được sống và sinh hoa trái.
Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ cầu bầu cho chúng con chịu đựng những gian nan, thử thách, những nhát cắt tỉa đau đớn, những sự từ bỏ xác thịt, thế gian và cám dỗ, để chúng con được sống dồi dào mạnh khoẻ, sống tốt lành và bội thu hoa trái sự sáng. Amen.
29. Cây Nho Thật – AM Trần Bình An
Cây nho là biểu tượng bình an và thịnh vượng của dân Do Thái. Có lẽ vì thế hình ảnh cây nho đã được khắc trên đồng tiền Do Thái dưới thời dòng họ Maccabe, thế kỷ II, trước Công nguyên. Theo sử gia Josephus, sau này vua Hêrôđê còn trang trọng gắn trên cửa vào Đến Thờ, một cây nho bằng vàng.
Trong Kinh Thánh, cây nho cũng từng được nhắc đến với tần xuất khá cao, để khắc họa dân tộc Israel, mà trước đây Thiên Chúa đã từng yêu thương giải thoát khỏi kiếp đọa đầy nô lệ ở Ai Cập: ”Gốc nho này Chúa bứng từ Ai Cập, đuổi chư dân lấy chỗ mà trồng. Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu mà lan rộng khắp nơi.” (Tv 80, 9-10) Nhưng Israel đã đền đáp lại bằng thái độ bất trung, bất nghĩa với Thiên Chúa. “Ta đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hóa thành những cây nho tạp chủng?” (Gr 2:21)
Thầy là cây nho thật.
Vì thế, Đức Ki tô muốn xóa đi hình ảnh cây nho đã bị thoái hóa, lai tạo, hay biến đổi gien kia, bằng cách công bố, chính Người chính mới là cây nho thuần chủng, thuần giống, nguyên mẫu do chính Thiên Chúa trồng cấy. Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (Ga 15, 1) Đồng thời mời gọi nhân loại tái sinh, trở về cội nguồn giống tốt, nguyên thủy, nhân chi sơ, tính bản thiện.“Không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không tái sinh bới nước và Thần khí (Ga 3, 5)).
Anh em là cành
Thật bất ngờ, Đức Kitô không hề phân biệt đâu là cành chính, đâu là cành phụ, hoặc ai là nhánh cái, ai là nhánh con. Dưới mắt Người, nhân phẩm mọi người đều bình đẳng, đồng hạng và giá trị ngang nhau, không hơn, không kém. Có khác chăng, chính là mức độ kếp hợp mật thiết với Người như thế nào mới đáng kể.
Từ khi Adam và Eva ăn trái cây biết lành biết dữ, con người bắt đầu vướng vào cái tâm phận biệt. Chính cái tâm phân biệt này tạo ra lắm phiền muộn, nghiệp chướng, đánh mất tình người, tình huynh đệ tương thân, tương ái. Chẳng hạn khi con người trầm luân vào vòng cương tỏa của cái thiện, cái ác, hơn thiệt, tốt xấu, của giai cấp cao thấp, mới phát sinh ra thái độ vô minh, khen chê, cái thói nịnh trên, nạt dưới, trọng phú, khinh bần, bon chen, chà đạp, hãm hại lẫn nhau, coi nhau như thù địch, như bậc thang leo lên danh lợi…
May thay, Người quá đỗi thương yêu nhân loại, đã kịp thời đến giải thoát con người khỏi cái tâm hư đó, cùng ban tặng lại tình người, tình huynh đệ, một khi cành nào biết kết hợp chặt chẽ vào cây nho thật là Người. Nguyện ước của Người là tái lập lại quan hệ song phương hỗ tương hiệu quả.
Chúa luôn hiện diện trong đời sống từng người, từ khi người ta nhận bí tích Thánh Tẩy. Nhưng con người lại không phải luôn luôn ở trong Người, mà có khi ở trong người khác, hay của cải, danh lợi, ham muốn, dục vọng, nên từ chối hợp nhất với Người, như cành nho chối bỏ dưỡng chất cần thiết để sinh trưởng, nên sẽ bị đào thải, bị đốn đi, quăng vào lò lửa. “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi.”(Ga 15, 2)
Chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái
Cây nho luôn được tận tình chăm sóc tỉa cành. Trong ba năm đầu người trồng không cho đơm bông kết trái, mà còn tỉa thật sạch để cây nho phát triển và giữ được sức sống mạnh mẽ. Nếu không được cắt tỉa thật kỹ cây nho sẽ không cho trái nhiều.
Thảo vật còn phải chịu hy sinh như thế, huống hồ con người, tạo vật cao cấp, muốn trở nên tốt lành, đạo hạnh, hầu xứng đáng kết hợp vói Đấng Tối Cao. Ngoài tuân giữ lề luật, còn phải dứt khoát với những thói kiêu căng, tự phụ, khoe khoang, màu mè, phù phiếm, như cây nho phải chịu đau đớn bấm ngọn, tỉa chồi khỏi lãng phí nhựa, mới sinh nhiều hoa trái. “Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15, 2)
Lời Thầy ở lại trong anh em
Khi liên kết với nguồn mạch sự sống, con người được Lời Chúa hướng dẫn soi đường.“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119, 105). Lời Chúa chính là mối liên kết chặt chẽ giữa cành và với thân cây nho, điều hoa sức sống, mạch nhựa nuôi dưỡng toàn thân, đem lại phong phú kết quả. Lời Chúa tỉa gọt, mài dũa, chấn chỉnh tâm hồn con người trở nên trong sáng, hoàn thiện, phù hợp với sự sống vĩnh cửu. Khi thật sự sống Lời Chúa, cùng liên lỷ cầu nguyện, thì con người mới có thể trổ hoa kết trái nhiều.
Và anh em trở thành môn đệ của Thầy
Nguyện ước của Người chẳng viển vông, mà rất thực tế và hữu ích cho con người, là trở nên đồng hình đồng dạng với Người, kết hiệp mật thiết với Người, chịu hy sinh thử thách và quên mình như Người, để cho Danh Cha cả sáng, qua vai trò chứng nhân Tình Yêu, phục vụ tha nhân và mở mang Nước Chúa.“Ai muốn làn môn đệ Ta, phải bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”(Mt 16, 24)
Lạy Chúa, xin cho con sống niềm tin vững vàng, cùng thể hiện niềm tin ấy qua cuộc sống liên kết thân hữu với mọi người, biết hy sinh bản thân, từ bỏ những phù phiếm trần tục, để có thể gặt hái nhiều hoa thơm, trái ngọt dâng lên Chúa.
Lạy Mẹ Mân Côi, xin luôn giữ gìn con sống trong ân sủng của Chúa, để con khỏi bị cắt bỏ, và quăng vào ngọn lửa đời đời. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam