Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 56
Tổng truy cập: 1379814
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
Tỉnh thức & sẵn sàng
Chúa phán: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. (Lc 21, 36)
Câu chuyện tôi sắp kể đây, vừa xảy cách đây không lâu (09.11.2006): một anh giáo lý viên có tuổi có đứa con đang đi đại học; đứa con bổng bị đâm chết và gia đình đang kêu hoảng, vừa lo ma chay…. Điều tôi muốn nói, có liên quan tới cái chết của chú thanh niên trẻ này là: cách đây vài tháng, người cha giáo lý viên trong họ đạo lớn, trong cuộc bầu cử lại vào hàng Ban Qưới chức mới, đã không được bầu, nên anh bất mãn; và vì giận hờn, cả gia đình anh cải theo đạo Tin Lành; anh còn tỏ ra thái độ thù hằn, bài xích công giáo nữa. Nguyên do anh không được bầu, vì anh có nhiều khuyết điểm, không gương mẫu, nhất là vì anh vừa cưới vợ cho đứa con đang đi đại học, không có phép hôn phối… Bên ngoài người ta xầm xì: Chúa phạt! Thực ra, người Công giáo chúng ta không kết án như thế; nhưng chắc chắn đó là dấu chỉ nhắc nhở mọi người còn sống: hãy đề phòng, hãy tỉnh thức, đừng để mọi chuyện xảy tới như chiếc lưới chụp xuống đầu mà mình không hay biết gì, vì đã không chuẩn bị trước. Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay sẽ soi sáng cho ta hiểu rõ câu chuyện trên. Kính mời anh chị em cùng suy niệm…
a/. Bài Tin Mừng hôm nay, trích trong bài giảng về ngày tận thế. Chúa Giêsu dùng lối văn khải huyền như Cựu Ước để diển tả giáo huấn mà Chúa muốn nói. Chúa vì hiểu thấu sự yếu mềm và lầm lạc của con người, nên đã mạnh mẽ kêu gọi ta phải đề phòng. Nhưng làm cách nào để đề phòng? Hai phương thế đề phòng, đó là tỉnh thức và cầu nguyện.
Trước tiên, Tỉnh thức: tỉnh thức không phải là ngồi yên một chổ, mà là tích cực sống với tinh thần ý thức trách nhiệm, biết chọn lựa cái nào là thật và có giá trị cho mình, đồng thời sống trong mối tương quan tốt với Chúa và mọi người, thực sự bác ái, yêu thương, quảng đại, tha thứ, luôn trông cậy và sống theo Thánh Ý Chúa… Như thế thì khi chiếc lưới thình lình ụp xuống, ta đâu cần phải lo lắng điều gì nữa? Ngược lại nếu ta cứ tìm thú vui vật chất, lo lắng sụ đời, lười biếng, vụ lợi…. sống như thế thì khi chiếc lưới ụp xuống, cái gì sẽ nâng đỡ, sẽ cứu giúp cho ta?
Thứ hai: Cầu nguyện: theo sách GLCG, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Chúa trong tình yêu; nhưng phương thế hữu hiệu nhất để ta nâng tâm hồn lên với Chúa, chính là tham dự tích cực các nghi lễ phụng vụ, các bí tích, vì chính qua các bí tích, ta mới gặp gỡ Đức Kitô dễ dàng và hữu hiệu…
b.Gợi ý sống và chia sẻ:
* Hãy tỉnh thức: năm nào vào Mùa Vọng, ta cũng nghe câu nói này. Nếu năm nay, hay tháng này, Chúa gọi tôi về với Chúa, tôi sẽ phản ứng ra sao? Nhất là bao lâu nay, tôi đã chuẩn bị cho ngày đó thế nào đây?
* Mùa Vọng là mùa hi vọng, mùa chuẩn bị đón Chúa đến, đón Chúa đến dịp lễ Giáng sinh, nhất là đón Chúa đến trong cuộc đời của mình. Trông chờ Chúa đến, không phải ngồi đó mà chờ, nhưng phải biết sống tích cực, phải tỉnh thức và cầu nguyện như Chúa dạy, phải trung thành với bổn phận mình. Bao lâu nay ta đã chờ đợi Chúa như thế nào?
* Khi ta lãnh nhận Bí tích rữa tội, chính là lãnh nhận thẻ Công dân Nước Trời. Vậy khi nhìn nhận mình là Công dân Nước Trời, lúc còn sống ở trên đời này, ta có nhận mình là khách lữ hành đang tiến về Nước Trời không? Nều nhận mình là khách lữ hành, ta không được sống tiêu cực, hưởng thụ,… ngược lại phải sống xứng với địa vị là khách lữ hành, là công dân Nước Trời không?
34. Sống thánh hôm nay – Lm Phạm Quốc Hưng
Với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta cùng với Hội Thánh bước vào một năm Phụng Vụ mới, một năm mới trong hành trình đức tin, một giai đoạn mới trên đường hy vọng khi chúng ta cùng bước đi với Chúa Kitô để về với Chúa Cha. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến chung cánh của nhân loại và việc Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người. Đồng thời, Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày chung cánh ấy. Những gì Chúa dạy chúng ta phải chuẩn bị cho ngày tận thế là chung cánh của vũ trụ và nhân loại, cũng là những gì chúng ta phải chuẩn bị cho ngày chung cánh của riêng mình: ngay chết của chúng ta, ngày chúng ta từ giã cõi đời này để bước vào cõi vĩnh hằng.
Chúa phán: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người trên trái đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36). Ở đây, chúng ta thấy có hai điều Chúa dạy chúng ta phải thực hiện. Điều thứ nhất là chúng ta phải giữ mình để khỏi bị say mê cuốn hút vào các vui thú và các sinh hoạt trần thế; nghĩa là chúng ta phải biết đề phòng hai kẻ thù của linh hồn chúng ta là những đam mê xác thịt và những quyến rũ của thế gian. Điều thứ hai là chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để luôn được yêu mến kết hợp với Chúa và chiến thắng ma quỷ là kẻ hằng ghen ghét và tìm cách hãm hại chúng ta.
Như để giúp các tín hữu thực hiện lời dạy quý giá này của Chúa Giêsu, trong bài đọc hai trích thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô Tông Đồ ân cần thiết tha nhắn nhủ họ phải ra sức sống thánh thiện để chuẩn bị đón Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang: “Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Kitô, Chúa chúng ta ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen. Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em ” (1Tx 3:12-4:2).
Như vậy, sống đẹp lòng Chúa hay sống thánh thiện phải là mối quan tâm hàng đầu của mọi tín hữu Chúa Kitô. Chính vì vậy, Thánh Trẻ Đaminh Saviô trong ngày Rước Lễ Lần Đầu đã đặt ra hai quyết tâm đơn sơ nhưng đủ khiến ngài nên thánh. Đó là: “Thà chết chẳng thà phạm tội và hai người tôi phải yêu mến nhất là Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng viết cho một người bạn: “Hãy tin tôi, đừng đợi đến ngày mai mới khởi sự nên thánh…Thế nhưng chúng ta phải làm việc, không phải để trở thành những vị thánh nhưng để làm vui lòng Chúa…một việc nhỏ nhặt nhất cũng quý giá trước mắt Người”.
Năm Phụng Vụ chúng ta bắt đầu hôm nay trùng vào Năm Đức Tin do Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố để đánh dấu 50 năm khai mạc Công Đồng Vaticanô II. Vì vậy, thật thích hợp và hữu ích cho đời sống tâm linh nếu chúng ta biết suy niệm và sống theo “Mười Điều Tâm Niệm cho Hôm Nay” sau đây của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII-Đấng đã được ơn Chúa soi sáng để triệu tập Công Đồng.
- Hôm nay, tôi sẽ gắng sống suốt ngày một cách tươi vui tích cực mà không ước ao phải giải quyết mọi vấn nạn của đời tôi một lúc.
- Hôm nay, tôi sẽ hết sức để ý đến dung diện của mình: tôi sẽ ăn mặc đoan trang; tôi sẽ không lớn tiếng; tôi sẽ giữ thái độ lịch duyệt; tôi sẽ không phê phán ai; tôi sẽ không đòi cải thiện hay kỷ luật bất cứ ai trừ bản thân tôi.
- Hôm nay, tôi sẽ sống hạnh phúc trong sự xác tín rằng tôi được dựng nên để hạnh phúc không phải chỉ trong đời sau nhưng ngay cả trong đời này.
- Hôm nay, tôi sẽ thích ứng với các hoàn cảnh mà không đòi mọi hoàn cảnh phải thích hợp với các ước muốn của tôi.
- Hôm nay, tôi sẽ dành ra 10 phút để đọc sách tốt, luôn nhớ rằng như đồ ăn cần cho sự sống thể xác, việc đọc sách tốt cũng cần cho đời sống linh hồn như vậy.
- Hôm nay, tôi sẽ làm một việc tốt và sẽ không nói với bất cứ ai về việc ấy.
- Hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một việc mà tôi không thích; và nếu tôi cảm thấy bị đau đớn điều gì, tôi sẽ cố không để ai nhận thấy.
- Hôm nay, tôi sẽ xếp chương trình cho chính tôi. Có thể tôi sẽ không theo sát từng chữ, nhưng tôi vẫn phải có chương trình. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: hấp tấp và không quyết định.
- Hôm nay, tôi sẽ tin chắc rằng dù cuộc sống có thế nào, sự quan phòng tốt lành của Chúa vẫn săn sóc tôi như không có ai khác trên thế giới này.
- Hôm nay, tôi sẽ không sợ chi. Đặc biệt, tôi sẽ không sợ thưởng thức những gì xinh đẹp và tin vào sự thiện.
Tóm lại, đây là một quyết tâm tổng quát: Tôi muốn ở nhân hậu với mọi người, hôm nay và luôn mãi.”
Ave Maria, xin Mẹ dạy con biết sống đẹp lòng Chúa.
35. Hy vọng
Khi còn nhỏ, mỗi lần tựa cửa đợi mẹ đi chợ về là mỗi lần trong tôi có những tình cảm mong nhớ, đợi chờ, hy vọng… Mong nhớ vì mẹ đi chợ chắc chắn mẹ sẽ về, hy vọng vì rất có thể tôi sẽ có được quà bánh…
Hôm nay Chúa Nhật thứ I Mùa vọng, bắt đầu một năm phụng vụ mới. Mùa vọng (Adventus) có ý nghĩa hướng tâm hồn người tín hữu về việc Chúa Kitô sẽ trở lại vào ngày quang lâm, cũng như hướng tâm hồn mừng kỷ niệm việc Chúa đã đến trong lịch sử. Giai đoạn đầu mùa vọng Giáo hội chuẩn bị chờ đón cuộc tái lâm của Đức Kitô. Cuộc tái lâm sẽ hoàn tất mọi sự, cuộc tái lâm mà mọi người mong ngóng lo âu. Chúng ta những người Kitô hữu chờ đợi ngày đó như thế nào? Sợ hãi hay hy vọng.
Tin Mừng Thánh Luca hôm nay cũng như nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh(Mc 13,24-27; Mt 24,3tt; 1Tx2,19….) cho ta thấy ngày trở lại của Đức Kitô thật vĩ đại kinh hoàng: đất đá nổ tung, mặt trời không còn chiếu sáng… thế thì ai lại mong chờ ngày ấy, ngày Chúa quang lâm.
Với mớ giáo lý vế tứ chung mà tôi được học từ nhỏ, tôi thường xin Chúa đừng trở lại lúc tôi còn đang sống trên dương thế vì tôi nghĩ nó quá khinh khủng, hãi hùng. Nhưng thật sự ngày quang lâm của Đức Kitô có hãi hùng như thế không?
Thánh Kinh dùng nhiều kiểu nói khải huyền để nói về ngày quang lâm chỉ với mục đích là diễn tả quyền năng của Thiên Chúa trên hoàn vũ. Ngày Chúa quang lâm là lúc Chúa biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa trên vạn vật, còn những hình ảnh được nói tới trong Kinh Thánh chỉ là tùy phụ so với uy quyền của Thiên Chúa. Vậy có nên sợ ngày quang lâm? Ngày Chúa trở lại là ngày Chúa hoàn tất mọi sự, Chúa sẽ tách biệt người lành kẻ dữ….nên ngày đó cũng phải là một ngày hãi hùng. Nhưng nỗi sợ đó phải là một nỗi sợ trong tình yêu vì Chúa sẽ xét xử ta trong tình yêu. Thánh Matthêu ghi lại hình ảnh cuộc phán xét chung thật nhẹ nhàng nhưng dứt khoát (Mt 25, 31-46). Trong đoạn Tin Mừng ấy, Chúa Giêsu tự đồng hóa mình với những người hèn mọn nhất và phần thưởng của ta có được là do ta biết yêu mến những con người hèn mọn đó. Như thế nỗi sợ của ta đang khi mong chờ Chúa trở lại phải là một nỗi sợ thánh. Ta sợ vì ta chưa yêu Chúa thật lòng, chưa nhận ra Chúa nơi anh em, sợ mất lòng Chúa….và nỗi sợ này thúc giục ta thực thi lòng mến chứa chan và thiết thực hơn.
Ngày Chúa trở lại cũng phải là một ngày đầy hy vọng. Nếu không có quà cho tôi thì mẹ tôi cũng không bao giờ phạt hay đánh tôi khi tôi chờ mẹ. Đức Kitô chính là niềm hy vọng của chúng ta (Cl 1,27). Mầu nhiệm cứu độ đã được Đức Kitô thực hiện trong lịch sử cứu độ chẳng lẽ lại vô hiệu cho những ai hy vọng vào Người. Chính Chúa Giêsu đã mở lối cho ta dõi bước tiến vào đời sống vĩnh cửu. Ngày Chúa trở lại hẳn thật là một ngày đầy hạnh phúc vì ta sẽ được hưởng kiến nhan Chúa trọn vẹn, được thỏa mãn mọi mong ước…trong ngày chiến thắng của Đức Kitô. Và vì là thần dân của Người ta cũng được vinh hiển với Người.
Tóm lại, đang khi còn sống trên dương thế ta không thể biết được rõ ràng ngày Chúa trở lại như thế nào. Tuy nhiên, nhờ mạc khải ta biết được chắc chắn Chúa sẽ trở lại để hoàn tất mọi sự, ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Trong khi mong chờ ngày ấy, Giáo hội mời gọi ta tỉnh thức và hy vọng vào tình yêu Thiên Chúa, Ngài sẽ đưa mọi con cái trở về trong tình yêu của Ngài.
Chúng ta cũng hãy nhìn về Đức Mẹ Maria, Mẹ là hình ảnh cánh chung của Giáo hội (GLHTCG số 972). Mẹ đã tin rằng Con Mẹ sẽ phục sinh cho dù chưa ai tin như thế và phần thưởng tuyệt vời Thiên Chúa dành cho Mẹ là hồn xác lên trời. Xin Mẹ cũng dạy cho chúng con biết tin tưởng, phó thác và hy vọng vào tin yêu Thiên Chúa khi Người trở lại.
36. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện.
(Trích trong Manna năm C – Lm. Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Nhiều kitô hữu tưởng Phục Sinh là dấu chấm hết của Kitô giáo. Thật ra Kitô giáo vẫn đang hy vọng và chờ đợi một biến cố hết sức quan trọng: biến cố Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Biến cố này hoàn tất lịch sử nhân loại và hoàn tất công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu.
Bao lâu Chúa Kitô chưa trở lại người kitô hữu còn phải chờ. Chờ đợi làm nên cuộc sống kitô hữu, cuộc sống Giáo Hội.
Những kitô hữu thời sơ khai đã nôn nao chờ đợi. Họ ngỡ rằng chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ trở lại. Nhưng dần dần người ta nhận ra rằng cần phải chờ đợi một cách tích cực, cần phải chuẩn bị thế giới này đón tiếp Chúa khi Ngài đến, để Ngày Chúa quang lâm thực sự là ngày hội vui của cả địa cầu và cả vũ trụ. Mà ngày Chúa đến vẫn là một bất ngờ như mọi lần.
Ngài đã chào đời bất ngờ như một trẻ thơ quấn tã. Ngài đã sống bất ngờ như một bác thợ mộc vô danh. Ngài đã chết bất ngờ như một kẻ bị đóng đinh vì gây rối. Ngài đã sống lại bất ngờ, hiện ra với hai môn đệ về Emmau. Ngài sẽ trở lại bất ngờ…
Tỉnh thức chờ đợi là thái độ sống của Mùa Vọng.
Tỉnh thức là sẵn sàng đón Chúa với đèn sáng trong tay. Tỉnh thức là trung tín chu toàn cả những điều bé nhỏ. Tỉnh thức là tích cực đầu tư những nén bạc Chúa trao. Tỉnh thức đi đôi với cầu nguyện.
Thế giới hôm nay có nhiều thứ gây ngủ mê.
Cuộc sống quá khó khăn hay quá tiện nghi dễ dãi đều làm chúng ta đánh mất thái độ tỉnh thức chờ đợi.
Chúa đã đến âm thầm, Chúa sẽ đến trong vinh quang.
Chúa đang đến nhẹ nhàng trong thế giới, trong từng người, từng tập thể. Cần tập nghe tiếng bước chân của Chúa…
Mùa vọng là thời gian ta chờ Chúa đến, nhưng đừng quên chính Chúa mới là người chờ ta trước, từ lâu, vì ta không nhận ra tiếng gõ cửa của Ngài.
Ước gì chúng ta dám can đảm và thành thật nài xin: Marana tha! Lạy Chúa, xin hãy đến.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, con người hôm nay có dễ tỉnh thức không? Cái gì đang làm cho giới trẻ trở nên mê ngủ (ma túy, rượu chè, bạo lực, tình dục…?
Bạn dự tính sống mùa Vọng như thế nào? Bạn sẽ giúp gì cho những bạn khác sống mùa Vọng?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
Con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài. Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con. Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất: khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột con lại thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
Những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.
37. Tỉnh thức chờ đợi Chúa đến
(Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành)
Mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến. Chờ đợi Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh. Đây là ngày kỷ niệm, vì Chúa đã đến cách đây 2015 năm. Nhưng quan trọng hơn, Mùa Vọng mời gọi mỗi người kitô hữu chúng ta chờ đợi Chúa đến với từng người trong giờ chết và với toàn thể nhân loại trong ngày tận thế.
Thật vậy, chết là có thật. Ngày tận thế cũng có thật. Nhưng giờ chết và ngày tận thế sẽ đến một cách thình lình như chiếc lưới chụp xuống trên mặt đất (x. Lc 21,34-35). Ngày đó lại quyết định số phận đời đời của con người. Cho nên, con người muốn được hạnh phúc vĩnh cửu cần phải chờ đợi trong “Tỉnh thức”.
- Tỉnh thức là biết sống yêu thương (x. 1Tx. 3,12):
Thánh Phaolô mời gọi: Mọi người phải thể hiện tình thương đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết (x. 1Tx 3,12). Thông thường khi biết mình sắp chết, con người sẽ nói những lời yêu thương đối với người thân của mình: Cám ơn, xin lỗi, yêu mến…Nhưng vì cái chết thường xảy đến quá đột ngột nên con người ít có cơ hội để thực hiện điều đó. Chính vì vậy, hãy thể hiện tình yêu thương nhau khi còn có thể. Vợ chồng hãy yêu thương nhau, cha mẹ hãy yêu thương con cái. Con cái hãy yêu mến cha mẹ. Mọi người hãy thể hiện tình yêu thương nhau. Hãy cám ơn, hãy bỏ qua những bất bình, hãy xin lỗi nhau“Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26).
- Tỉnh thức là giữ mình không chè chén say sưa (x. Lc. 21,34):
Các chất có men như bia, rượu tự nó không xấu. Xấu tốt là do con người sử dụng nó. Khi dùng bia rượu quá liều lượng sẽ gây ra biết bao hậu quả khôn lường. Do bia rượu nên gây ra tai nạn giao thông, chính mình chết, người khác thiệt mạng (Khoảng 15% người chết tai nạn giao thông là do bia rượu). Do bia rượu nên nhiều gia đình tan nát: Vợ chồng ly tán; Anh em từ nhau; Làng xóm mất lòng nhau. Do bia rượu người ta chém giét lẫn nhau và biết bao nhiêu tội lỗi khác. Chính vì vậy, tỉnh thức là không chè chén say sưa.
Ngày xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn ăn ở hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu: Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống rượu. Bấy giờ chàng thanh niên liền suy nghĩ như sau: “Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu phải là điều quá xấu xa!” Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu: lúc nào cũng say xỉn! Một hôm, anh ta say đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát và vứt mọi thứ đồ đạc trong nhà ra đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền chạy tới khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết. Thế là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã trở nên nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là bất hiếu xúc phạm cha mẹ, và bất nghĩa giết người vợ thân yêu của mình.
- Tỉnh thức là giữ mình, không lo lắng việc đời(x. Lc 21,34):
Dự tiệc Nước trời là công việc quan trọng hàng đầu, nhưng con người vẫn vịn lý do này khác để từ chối. Dụ ngôn khách được mời xin kiếu (x. Lc 14, 15,24) nói lên điều đó. Người thì bảo: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu”. Người khác thì nói: “Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu”. Kẻ khác nữa lại vịn lý do: “Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được”. Ngày nay con người vẫn vịn vào những lý do đó và các lý do khác tương tự để từ chối việc giữ đạo, sống đạo. Chẳng hạn: Vì ngày Chúa nhật tôi phải đi làm, phải đi học nên không thể tham dự thánh lễ. Vì bận công việc tối ngày nên tôi không còn thời gian để đọc kinh, cầu nguyện. Vì để thăng quan tiến chức nên tôi phải kết nạp Đảng, phải chấp nhận “Xa Chúa” một thời gian, sau này sẽ tiếp tục trở lại đạo. Vì chuyện gia đình, vì chuyện nghề nghiệp, vì chuyện nọ kia nên chưa có thể xưng tội rước lễ được, khi nào giải quyết xong việc tôi sẽ đi xưng tội…Đó là những hạng người quá lo lắng việc đời.
Nhưng lời Chúa hôm nay lại mời gọi chúng ta “không lo lắng việc đời”. Vì “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” (Mt 6,27). Nghĩa là đừng tìm bảo đảm nơi của cải vật chất mà phải tìm điều chính yếu của cuộc đời đã rồi mọi sự khác Ngài sẽ ban cho. “Trước tiên, hãy tìm kiếm nước Chúa, mọi thứ khác Ngài sẽ ban cho sau”(x. Mt 6, 33). Vậy, hãy chọn Chúa và những gì thuộc về Chúa, chọn sự sống đời đời hơn sự sống tạm bợ chóng qua, đừng quá lo lắng việc đời.
- Tỉnh thức là luôn nghĩ về sự chết, sự phán xét (x. Gr. 33,15):
Ngày đó, “Chúa sẽ xét xử và thi hành công lý”(Gr. 33,15). Cho nên luôn nghĩ về sự chết, sự phán xét sẽ giúp con người biết tránh xa tội lỗi, chu toàn bổn phận và sống tỉnh thức hơn. Thánh Louis Gonzaga luôn “Nhìn mọi sự và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh đời đời”. Cho nên, Ngài không hề sợ chết, cho dù giờ chết sắp đến.
Một hôm, ban giáo sư trường muốn trắc nghiệm các thiếu niên đang chơi ở sân, bèn đặt một câu hỏi: “Nếu anh được biết anh sắp chết trong một giờ nữa thì anh sẽ làm gì?
Có nhiều câu trả lời khác nhau:
– Tôi sẽ vào nhà thờ cầu nguyện.
– Tôi sẽ dọn mình xưng tội.
– Tôi sẽ tìm gặp cha mẹ và người thân lần cuối cùng.
– Còn tôi, nếu tôi biết tôi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục chơi!.
Câu trả lời ấy của cậu Louis Gonzaga làm ban giáo sư vô cùng bỡ ngỡ.
– Tại sao trước giờ phút nghiêm trọng như vậy mà anh cả gan tiếp tục chơi?
– Vì Chúa dạy phải luôn luôn sẵn sàng, mà bổn phận hiện giờ của tôi là chơi nên tôi cứ tiếp tục chơi. Thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại này đối với tôi là chơi, nên tôi chơi là làm đẹp lòng Ngài vậy!
- Tỉnh thức là luôn cầu nguyện (x. Lc 21,36):
Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không có Ta, các con không thể làm được gì”(Ga 15,5). Vì vậy, để sống tỉnh thức cần phải cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Bao lâu con người không còn cầu nguyện thì giống như linh hồn đã chết. Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em hãy cầu nguyện không ngừng”(1 Tx 5,17. Lúc nào ta cũng có thể cầu nguyện: Cầu nguyện hôm sớm; Cầu nguyện trước và sau khi dùng cơm; Cầu nguyện trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy; Cầu nguyện trong khi làm việc; Cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Chúng ta có thể cầu nguyện khắp mọi nơi: Cầu nguyện ở nhà thờ; Cầu nguyện trong gia đình; Cầu nguyện trên đường đi làm việc. Chúng ta có thể biến tất cả mọi thời gian trong ngày thành thời gian cầu nguyện. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Dù ở ngoài chợ hay đang đi dạo một mình, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện và cầu nguyện sốt sắng. Ngồi trong tiệm của bạn, hoặc khi mua khi bán, cả khi làm bếp, bạn cũng có thể cầu nguyện”. Làm được như vậy, tức là chúng ta đang tỉnh thức trong cầu nguyện.
Để đón mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới, để chờ đợi Chúa đến với chúng ta trong giờ chết và trong ngày tận thế, chúng ta phải luôn sống tỉnh thức: Tỉnh thức là biết sống yêu thương; Tỉnh thức là không chè chén say sưa; Tỉnh thức là không lo lắng việc đời; Tỉnh thức là luôn nghĩ về sự chết và phán xét; Tỉnh thức là luôn biết cầu nguyện. Làm được như vậy, chúng ta sẽ “Không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta trong ngày Ngài ngự đến viếng thăm” (1Tx 3, 13). Nhờ vậy, chúng ta sẽ được Ngài đón nhận vào hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên đàng. Amen.
38. Niềm hy vọng mới
Đạo binh Rôma đã chiếm đóng xứ Pa-lét-tin khoảng 60 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Người Rôma lúc đó là ông chủ của thế giới, nắm gọn trong tay mọi nền văn hoá, tri thức, khoa học kỹ thuật và của cải. Theo đường lối chính trị khôn khéo, người Rôma cắt cử những người yếu nhược, ham danh vọng cá nhân để cai trị địa phương. Vua Hêrôđê là người thuộc bọn đó, ông được đặt làm vua xứ Giuđê khoảng năm 40 trước Chúa giáng sinh. Hêrôđê là con người độc ác và mê sắc dục, sẵn sàng thoả hiệp với người Rôma để bảo vệ quyền bính và tậu thêm của cải. Hêrôđê không phải là con người của đức tin, hoàn toàn chỉ là một bạo chúa dưới tay người Rôma.
Bị bóp nghẹt và bị hạ nhục bởi những quân ngoại giáo này, dân Do Thái chịu khuất phục, nhưng trong thâm tâm thì hậm hực, tự biết mình không đủ sức chống lại quyền lực hung mạnh kia. Một số người cố gắng sống sao cho có lợi nhất trong hoàn cảnh bất khả kháng này: họ chấp nhận sống yên phận, cố duy trì một chút tự do còn lại để thực thị lề luật Thiên Chúa.
Một số khác lợi dụng sự chiếm đóng của quân đội Rôma để thủ lợi làm giàu, họ thông đồng với người Rôma, chối bỏ đức tin cha ông. Đó là lựa chọn không những của bọn thu thuế và những thương gia, những gái điếm, mà còn có cả những triều thần vua Hêrôđê và đội vệ binh của ông. Nhiều người cố che đậy nỗi sợ hãi và khổ nhục bằng nhậu nhẹt và chơi bời phóng đãng, họ cố nuốt nỗi ô nhục và sự cắn rứt lương tâm.
Một số khác, nhân danh tôn giáo, tự hào về nền văn hoá và nòi giống, đã lập những nhóm cách mạng, chiến đấu giành tự do, khủng bố để trả thù. Họ dùng bạo lực để để chống đối, như ám sát những vị chỉ huy quân đội, những tay sai cho đế quốc mà họ cho là người tục hoá danh thánh Chúa.
Trong dân Do thái thời đó, chỉ có một nhóm nhỏ giàu có, còn phần đông dân chúng là nghéo nàn và khốn khổ. Nhiều người giàu, người có chức quyền coi khinh bọn hành khất, người phong cùi, tàn tật… họ cọi bọn này như bị Thiên Chúa phạt. Họ còn bị coi là ô uế, là nhơ nhớp, không được”tiếp xúc” với Thiên Chúa. Hô không có tiếng nói trong xã hội và không có chỗ đứng trong đền thờ. Họ không nhìn thấy chút hy vọng nào cho bản thân, mà chỉ thấy án phạt ở đời này và đời sau.
Chính trong lúc tình thế đang hỗn loạn và sôi sục tranh chấp nầy, trong lúc căm thù và tuyệt vọng âm ỉ trong lòng người, thì xuất hiện một người tên là Gioan. Gioan loan báo rằng “có một Đấng khác” đến sau ông. Đấng khác này là Đức Giêsu. Ngài không đến với các kinh sư và Pharisêu, không đến với người giàu có thống trị, nhưng đến với người nghèo hèn đau yếu, người bị áp bức khổ đau, đến với tất cả những ai thấp cổ bé miệng, với tất cả những ai bị loại trừ ra khỏi đền thờ Giêrusalem, những ai sống trong lo âu sợ hãi, những ai bị giam cầm trong tội lỗi. Ngài bảo họ đừng sợ hãi vì Thiên Chúa ở bên họ, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, Thiên Chúa cảm thương họ. Ngài ăn uống với người thu thuế và tội lỗi. Ngài chạm đến người cùi để chữa lành họ. Ngài kêu gọi “hỡi những ai khó nhọc và mang gánh nặng nề hãy đến với Tôi”.
Đức Giêsu là hy vọng của dân Do thái xưa thế nào thì Ngài cũng là hy vọng của chúng ta trong thế giới hôm nay. Chúng ta hãy mau chạy đến với Chúa Giêsu để Ngài khơi lên trong chúng ta niềm hy vọng mới trong Mùa vọng này. Đền lượt chúng ta cũng hãy ra đi gieo niềm hy vọng mới cho anh chị em chung quanh chúng ta. Hãy làm cho thế giới này thêm hy vọng, thêm niềm vui qua từng cử chỉ lời nói và cung cách sống của chúng ta.
39. Tỉnh thức.
Có một bà già nóng tính, đi trên một chuyến tàu lửa. Khi xe đang xuống dốc, bà liền hỏi bác tài công:
– Chúng ta có thể dừng lại được không?
Bác tài công trả lời ngay:
– Được chứ, chúng tôi có chiếc thắng điện mà.
Bà già chưa lấy làm thỏa mãn, nên hỏi tiếp:
– Nhưng nếu chiếc thắng điện không ăn, thì bác có thể dừng lại được không?
Bác tài công vui vẻ trả lời:
– Được chứ, chúng tôi còn chiếc thắng tay nữa.
Bà già liền nói:
– Lỡ chiếc thắng tay cũng không ăn thì sao?
Bác tài công vẫn không mất kiên nhẫn:
– Chúng tôi còn một chiếc thắng đặc biệt dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Bà già vẫn không an tâm, nên hỏi:
– Nếu cả chiếc thắng đặc biệt này cũng không ăn, thì số phận chúng ta sẽ ra sao?
Bác tài công tỏ vẻ bực bội:
– Nếu chiếc thắng đặc biệt này mà không ăn, thì một số người trong chúng ta sẽ lên thiên đàng, còn một số người khác sẽ xuống hỏa ngục.
Thực vậy, qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ với mỗi người rằng: Mỗi ngày qua đi là một bước chúng ta tiến dần đến cái chết, để rồi tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải ra trước tòa án tối cao mà tính sổ cuộc đời với Chúa. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn sàng cho phiên tòa định mệnh này hay chưa?
Trong ngày trọng đại ấy, Chúa Kitô sẽ lại đến như một tia chớp lóe lên từ đông sang tây, hay như một kẻ trộm viếng thăm vào ngày chúng ta không ngờ, vào giớ chúng ta không biết. Liệu chúng ta có ở trong tư thế tỉnh thức và sẵn sàng hay không?
Nhiều người trong chúng ta vốn thường nghĩ:
– Tôi không có thời giờ để lo việc linh hồn, bởi vì tôi bận rộn quá nhiều công việc phải làm.
Nếu nghĩ và sống như vậy, họ sẽ có cả một khoảng thời gian đời đời để hối tiếc cho việc đã không làm này. Nhưng bấy giời thì đã quá muộn. Nước đến chân rồi mới nhảy, thì nhảy làm sao cho kịp.
Chúng ta không biết việc phán xét ấy xảy ra như thế nào, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng:Lúc bấy giờ Chúa sẽ hỏi mỗi người chúng ta xem có mang hình ảnh của Ngài trong tâm hồn hay không? Nếu linh hồn chúng ta ở trong tình trạng ơn thánh, thì hình ảnh của Ngài sẽ tỏa sáng, bằng không, Ngài sẽ nói:
– Ta không biết các ngươi từ đâu mà đến.
Có một câu chuyện kể lại như sau:
Một linh hồn kia tới trước của thiên đàng, vừa ngơ ngác, lại vừa sợ hãi, nhưng cũng đưa tay ra và gõ. Khi được hỏi là ai, linh hồn ấy đã trả lời:
– Lạy Chúa, con đấy ạ.
Bỗng một tiếp đáp lại: – Nếu ngươi là con, thì ngươi chưa sẵn sàng để vào thiên đàng.
Trở lại trần gian, linh hồn ấy lo ăn chay cầu nguyện, hãm mình phạt xác. Cũng trong thời gian này, linh hồn ấy học hỏi và biết được rằng trong ngày phán xét, Chúa sẽ hỏi: – Ngươi có mang hình ảnh Ta trong tâm hồn ngươi hay không?
Ngày kia, linh hồn ấy cũng lên tới của thiên đàng và khi nghe tiếng hỏi: – Ai đó?
Linh hồn ấy đã thưa lên: – Chúa đấy.
Lập tức có tiếng vọng lại: – Hỡi đầy tớ trung thành và khôn ngoan, hãy vào lãnh lấy phần thưởng của ngươi.
Mỗi người chúng ta đều phải chết. Đó là là sự thật thứ nhất. Rồi sau đó, mỗi người chúng ta đều bị phán xét. Đó là sự thật thứ hai. Trót cả cuộc đời, chúng ta phải hướng tới hai sự thật ấy.
Vậy chúng ta đã sẵn sàng cho cuộc phân xử định mệnh này hay chưa? Nếu như chúng ta chưa sẵn sàng, nếu như chúng ta còn vướng mắc quá nhiều những món nợ đối với Chúa và đối với anh em, nếu như chúng ta còn chồng chất tội lỗi, thì ngay từ hôm nay, chúng ta hay thanh toan cho xong bằng tâm tình sám hối của bí tích giải tội, để rồi chúng ta không còn phải lo lắng khi phải tính sổ cuộc đời với Chúa.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam