Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1377266
TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC
Ngay từ hồi còn nhỏ, chúng ta đã thuộc lòng câu giáo lý:
Hỏi. Ta sống ở đời này để làm gì?
Thưa. Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời.
Nói tóm lại, mục đích chúng ta theo đuổi trong cuộc sống là xây dựng hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau. Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy: Hạnh phúc là điều mọi người đều mong muốn và tìm kiếm.
Bất kỳ ai chối bỏ cuộc đời mai hậu, thì cũng không thể huỷ diệt được niềm khát khao hạnh phúc vĩnh cửu. Bất cứ ai là người, thì đều mong mỏi tình yêu có nghĩa là yêu và được yêu.
Chính trong niềm mong mỏi, khát khao tình yêu và hạnh phúc trong cuộc sống, đã gợi lên những thắc mắc trong thẳm sâu cõi lòng. Tình yêu và hạnh phúc chỉ có được khi sống với người khác. Không ai sống đơn độc lẻ loi mà lại cảm thấy hạnh phúc toàn vẹn. Thế nhưng phải sống và phải yêu như thế nào?
Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, ông luật sĩ đã đến để chất vấn Chúa Giêsu về sự sống đời đời. Và Ngài đã nhắc lại điều quan trọng nhất trong lề luật đó là kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình ta vậy. Điều này thì ông luật sĩ đã quá biết, ông ta chỉ thắc mắc:
- Ai là người anh em?
Chúa Giêsu đã không đưa ra một định nghĩa có tính cách triết học và trừu tượng về người anh em, trái lại Ngài đã kể một câu chuyện cụ thể và đòi chúng ta phải hành động như vậy.
Đúng thế, có một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, chẳng may bị bọn cướp trấn lột và đánh trọng thương. Lần lượt xuất hiện các nhân vật. Bắt đầu là thày Tư tế, rồi thày Lêvi và cuối cùng là người Samaria. Chúa Giêsu nhấn mạnh: để đạt tới sự sống đời đời, nếu chỉ hiểu biết cặn kẽ về luật mà thôi thì cũng chẳng ích lợi gì. Thực vậy, thày Tư tế và thày Lêvi, là những đấng vị vọng trong đạo, đương nhiên họ rất thông hiểu giới luật yêu thương. Họ có đủ cách để giảng dạy cho dân, thế nhưng họ đã không thực hiện, bởi vì họ đã đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước tiếng kêu cứu của nạn nhân đang cần sự giúp đỡ. Còn người Samaria là hạng người bị khinh miệt, không mấy thông hiểu về lề luật, bị coi như người ngoại giáo. Thế nhưng, ông đã làm ngược lại với thái độ của hai đấng vị vọng nói trên.
Chúa Giêsu muốn chúng ta xác định cho rõ ai trong ba người, qua thái độ cư xử của mình khi đứng trước nỗi đau khổ của người khác đã thực thi giới luật yêu thương?
Không phải sự hiểu biết, mà chính là việc thực thi tình thương yêu mới dẫn chúng ta đến việc trở nên người anh em của đồng loại mình.
Đây chính là điểm quan trọng, cần phải canh tân tâm hồn, cần có cái nhìn hướng đến hành động trước những nỗi khổ đau của người anh em. Sẽ không có tình yêu, sẽ không có hạnh phúc và sẽ không có hy vọng được sống đời đời nếu như chúng ta lẩn tránh và làm ngơ trước nỗi thống khổ của anh em mình.
37. Một lệnh truyền khó xử – Achille Degeest
(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Theo Phúc Âm thuật, Đức Giêsu đặt lại tất cả mọi vấn đề. Người luật sĩ biết quá rõ Lề Luật giải quyết cách nào vấn đề người ấy đặt ra cho Thầy, nhưng vẫn muốn dồn Thầy vào chỗ lúng túng khó xử. Vì vậy sau câu đáp của Đức Giêsu, người lúng túng nhất chính là người luật sĩ ấy. Thật vậy, Đức Giêsu phá vỡ những hàng rào vừa chắc chắn vừa dễ chịu ngăn đỡ người Do Thái ngoan đạo giữ được chừng mực, khỏi quá nhiệt thành trong việc bác ái. Những luật sĩ từng chẻ cái tóc làm tư, đem nghĩa vụ bác ái mổ xẻ thành cơ man điều luật, sắp xếp theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau: chủng tộc, cách giữ lề luật, giá trị về mặt xã hội, tuổi tác, nam nữ v.v… Chỉ một câu thôi, Chúa lật đổ mọi hàng rào. Đối tượng bác ái là con người, đơn giản thế thôi. Về sau, Chúa mở rộng viễn ảnh ra xa nữa: lòng yêu thương vì bác ái nhắm vào con người trong tư cách con cái Thiên Chúa, nghĩa là cùng trong liên hệ Cha con với Thiên Chúa tất nhiên phải thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Ở tầm cao đó, không một thang giá trị nào đứng vững. Về điểm này Công Đồng Vaticanô II đã khai quang một số viễn ảnh rất đáng chúng ta chú ý.
1) ‘Bác ái Kitô giáo thực sự lan tràn tới mọi người không phân biệt chủng tộc, hoàn cảnh xã hội hay tôn giáo, bác ái không cầu mong một lợi ích hay một sự tri ân nào. Như Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vô vị lợi, các tín hữu cũng phải lấy tình bác ái mà lo lắng cho con người bằng cách yêu mến họ với cùng một ý hướng như khi Chúa tìm kiếm con người. Do đó, như Đức Kitô đã rảo qua khắp các thị thành làng mạc, chữa lành mọi kẻ tật nguyền bệnh hoạn, làm dấu chỉ Nước Thiên Chúa đã đến, Giáo Hội cũng nhờ con cái mình mà liên kết với mọi người thuộc mọi hoàn cảnh, nhất là với những người nghèo hèn đau khổ, và tình nguyện hy sinh cho họ’ (Sắc Lệnh Ad Gentes 12).
2) Bác ái Kitô giáo phải quan tâm cách rất thực tế đến việc chữa lành những vết thương của bất công trên nhân loại. ‘Các Kitô hữu phải hoạt động và cộng tác với mọi người khác để tổ chức đứng đắn những công việc kinh tế xã hội’. Công đồng đưa ra hai phương thức ưu tiên hành động để tiến tới sự tổ chức thế giới công bình hơn, đó là việc giáo dục, và sự viện trợ cho thế giới thứ ba. ‘… Họ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các thiếu nhi và thanh thiếu niên bằng các loại trường học khác nhau. Các trường này không những phải coi như phương tiện tuyệt hảo để huấn luyện và nâng cao giới trẻ Kitô hữu, mà đồng thời còn là một công cuộc phục vụ nhân loại hết sức giá trị -nhất là đối với các quốc gia đang phát triển- để nâng cao nhân phẩm và chuẩn bị những hoàn cảnh hợp nhân bản hơn’. – ‘Ngoài ra, họ còn phải tham gia vào nỗ lực của các dân tộc đang cố gắng tạo ra những hoàn cảnh sống tốt đẹp hơn, và củng cố hoà bình thế giới, bằng cách khuất phục đói khát, dốt nát và bệnh tật’ (Sắc Lệnh Ad Gentes). Người ta có thể công bằng mà nhìn nhận rằng Giáo Hội với danh nghĩa một định chế của Đức Giêsu, đã không sai lầm trong việc thực hành bài học mà Giáo Hội đã biết rút ra từ dụ ngôn người Samaria nhân lành. Tuy nhiên Giáo Hội cũng là mỗi người trong chúng ta. Về thực tế, giá trị và kích thước lòng bác ái của chúng ta lớn hay nhỏ? Nếu chúng ta lúng túng trong khi tìm câu đáp, phải chăng chúng ta không sáng suốt hay thiếu sáng suốt, hoặc chúng ta thuộc hạng người dễ thoả mãn về thành tích của mình?
38. Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân.
(Suy niệm của Lm. Vũ Thái Hoà)
Khi người thông luật đặt câu hỏi: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” và tìm được câu trả lời trong Luật: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu trả lời: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
Vì muốn cho người thông luật này hiểu rõ hơn thế nào là “người thân cận”, Chúa Giêsu kể dụ ngôn người Samari tốt lành.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu giúp người thông luật và giúp chúng ta vượt lên trên cái nhìn hạn hẹp của mình. Người thân cận là tất cả mọi người, dù là người mình không ưa thích, không cùng màu da, không cùng tôn giáo, không cùng lập trường chính trị. Chúng ta đến gặp tha nhân với lòng bác ái và quãng đại. Như vậy, câu hỏi không còn là “ai là người thân cận của tôi?”, mà là “tôi là người thân cận của mọi người như thế nào một cách cụ thể?”
Ngày xưa, trong một làng nhỏ, tại miền Nam Trung quốc, có một em bé gái tiều tuỵ, đói rách và mang bệnh phong hủi. Khi biết em bị bệnh hủi, dân chúng dùng gậy gộc và gạch đá xua đuổi em ra khỏi làng.
Giữa cảnh hỗn loạn ấy, một nhà truyền giáo xông ra ẵm em bé trên tay để bảo vệ em khỏi những trận đòn và những viên gạch, hòn đá ném bừa bãi vào tấm thân bé bỏng của em.
Thấy có người mang em bé đi, dân làng mới chịu rút lui, nhưng miệng vẫn còn gào thét: “ Đồ hủi! Đồ hủi!”
Với những giòng nước mắt chảy dài trên má, những lần nầy là những giọt nước mắt vui mừng chứ không phải là những giọt lệ buồn tủi, em bé hỏi vị cứu tinh của mình: “Tại sao ông lại lo lắng cho con?” Nhà truyền giáo trả lời:”Vì Ông Trời đã tạo dựng cả hai chúng ta, và cũng vì thế con sẽ là em gái của ta và ta sẽ là anh của con”
Suy nghĩ hồi lâu, em bé cất tiếng hỏi: “Con có thể làm gì để tỏ lòng biết ơn cứu giúp của ông?” Nhà truyền giáo mỉm cười đáp: “Con hãy trao tặng lại cho những kẻ khác tình yêu này càng nhiều càng tốt.”
Kể từ đó đến ba năm sau, khi em bé tắt thở cuối cùng, em đã vui vẻ băng bó các vết thương của các bệnh nhân khác trong trại cùi, đút cơm cho những người bị bệnh nặng, và nhất là em tỏ ra dễ thương và yêu mến tất cả mọi người trong trại. Lúc từ giã cõi đời, em bé chỉ mới 11 tuổi. Các bệnh nhân khác đã từng chung sống với em nói với nhau: “Bầu trời nhỏ bé của chúng ta đã về trời”.
Tinh thần Kitô giáo được tóm gọn trong hai điểm: yêu Chúa và yêu người. Cả hai luôn đi đôi với nhau. Hễ mến Chúa là phải yêu người. Càng yêu mến Chúa thì càng yêu người. Công thức Phúc Âm này không thể tách rời được trong đời sống của Kitô hữu.
Thánh Gioan Tông đồ có viết: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Như thế, tình yêu tha nhân là nơi chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Câu đầu và câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay được nhấn mạnh bởi động từ làm. Câu đầu là câu hỏi của người thông luật: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”. Câu cuối cùng là câu trả lời của Chúa Giêsu: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống”, nghĩa là thực thi lòng bác ái xót thương không biên giới, không điều kiện với tất cả mọi người, như người Samari trong dụ ngôn đã thực hành. Như thế, đức ái không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một điều rất cụ thể.
Chúng ta thường dễ dàng yêu thích những người hợp với mình. Nhưng Chúa Giêsu dạy chúng tá phải yêu thương mọi người, kể những người không hợp với mình và thù ghét mình (Mt 5:44). Đó chính là tinh thần Kitô giáo, là giới luật mới lạ nhất mà chỉ có Chúa Giêsu truyền dạy cho chúng ta. Nếu chúng ta thực hiện được điều đó, chúng ta đích thực là con cái Chúa, và chúng ta sẽ “được sự sống đời đời làm gia nghiệp”.
Nguyện xin Chúa Nhân lành luôn ban ơn cho chúng ta niềm vui, sức mạnh và can đảm để yêu Chúa và yêu tha nhân trong đời sống thường nhật của chúng ta, nơi Nước Trời đã bắt đầu.
39. Ai là tha nhân của tôi?
(Suy niệm của Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)
Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên Năm C hôm nay, qua cuộc vấn đáp giữa một nhà thông luật và Chúa Giêsu, Mạc Khải Thấn Linh cho chúng ta thấy rõ hai chân lý liên quan đến phần rỗi của chung loài nguòi và của riêng Kitô hữu chúng ta: thứ nhất là chân lý về đường lối để được sự sống đời đời, và chân lý thứ hai về chân dung của thành phần được gọi là tha nhân.
Trước hết, chân lý về đường lối để được sự sống đời đời, khi công nhận câu đối đáp của nhà thông luật "Ông đã trả lời đúng. Hãy làm như vậy thì ông sẽ được sống", Chúa Giêsu đã cho nhà thông luật thắc mắc: "Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?" biết rằng, đó là "Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng muốn, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, cũng như hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân ngươi". Như thế, yên mến Thiên Chúa hết mình và yêu thương tha nhân như mình chính là đường lối để được sự sống đời đời vậy. Căn cứ vào chân lý này, nói một cách phủ định hơn, nghĩa là, ai không mến Chúa hết mình và yêu người như mình chắc chắn sẽ không được sự sống đời đời, tức bị hư đi đời đời. Tuy nhiên, tới đây, nhà thông luật của chúng ta tỏ ra không có vấn đề gì với Thiên Chúa cho bằng với tha nhân. Bởi thế, ông không hỏi Chúa Giêsu "Thế nhưng Chúa là Thiên Chúa của tôi là Đấng nào?", mà lại đặt vấn đề "tha nhân của tôi là ai?" hay "ai là tha nhân của tôi?" Do đó mới có chân lý thứ hai, chân lý về chân dung của thành phần được gọi là tha nhân.
Theo quan niệm bình thường, trước hết, "tha nhân" tức là một người không phải là mình, hoàn toàn khác với mình. Sau nữa, đối với liên hệ trong gia đình huyết tộc, "tha nhân" cũng không phải là thành phần thuộc về thân nhân ruột thịt hay họ hàng nghĩa thiết với mình. Sau hết, thành phần "tha nhân" lắm khi còn bị tâm lý giao hữu loại trừ ra khỏi bờ cõi cận nhân nữa, ra khỏi phạm vi thân thiết bạn bè, nghĩa là, trở nên một thành phần hoàn toàn lạ mặt, xa cách với mình, thành phần mình không hề quen biết tí nào. Tuy nhiên, thực tế và tâm lý bình thường cũng cho thấy một sự thật không ai có thể chối cãi được là, có nhũng lúc chính thân nhân và thân hữu của mình lại là những kẻ không thể đội trời chung với mình, bị chúng ta đẩy đi lưu đầy xa khuất khỏi mắt của chúng ta, tức ở ngoài cả biên giới "tha nhân" xa lạ nữa. Trong trường hợp này, "tha nhân" đột nhiên và nghiễm nhiên trở thành gần gũi, thành cận nhân với chúng ta hơn cả thành phần vốn là thân nhân và thân hữu của chúng ta trước kia. Vào những lúc đó, một "tha nhân" nào đó tỏ ra thông cảm với chúng ta và ngả về phía của chúng ta, vị "tha nhân" ấy, dù trước kia có những bất đồng với chúng ta, thậm chí đối nghịch với chúng ta, bấy giờ họ cũng sẽ trở thành thân thiết với chúng ta. Điển hình là trường hợp của quận vương Hêrôđê với tổng trấn Philatô, sau khi Hêrôđê được Philatô cho giải Chúa Giêsu đến để Hêrôđê phân xử, thì hai nhân vật này đã được Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở đoạn 23 câu 12 như sau: "Hêrôđê và Philatô trước kia vốn đối nghịch với nhau từ đó lại trở thành bạn bè". Nếu cứ theo tâm lý chủ quan của con người chúng ta như thế, thì "tha nhân" phải nói là người bị tha hóa, tức thành phần không còn là họ nữa, mà là những gì chúng ta tạo ra hay biến thành tùy ý.
Nếu xẩy ra tình trạng này thì quả thực, như thực tế đã cho chúng ta thấy, nhiều khi chính những người vốn thân yêu nhất của chúng ta từ trước đột nhiên trở thành những con ma trơi, những con ma ban ngày, những con ma làm cho chúng ta sợ, lúc nào chúng ta cũng muốn tránh mặt, không dám gặp mặt, không dám đối diện và không còn thích gần gũi hay tìm đến như xưa nữa. Tình trạng "tha nhân" trở thành những con ma đối với chúng ta như thế còn chứng tỏ tâm trạng yếu bóng vía của chúng ta, nghĩa là tình trạng chúng ta chưa sống thực, tình trạng chúng ta còn trẻ con, chưa trưởng thành cả về tâm linh lẫn đức tin liên quan đến Thiên Chúa nữa. Đúng thế, nếu "tha nhân" không thực sự là một con người, mà chỉ là một cái gì do chúng ta tạo ra hay biến thành như thế, tùy theo ý nghĩ và ý thích của mình, thì quả thực chúng ta không phải chỉ có vấn đề với "tha nhân" mà còn với cả "Chúa là Thiên Chúa" nữa. Bởi vì, chỉ khi nào chúng ta tôn thờ "ngẫu tượng", tức tôn thờ vị Thiên Chúa do chúng ta chủ trương, do chúng ta tự tưởng tượng vẽ vời ra, như trường hợp dân Do Thái tôn thờ bò vàng trong sa mạc được Sách Xuất Hành thuật lại ở đoạn 32 câu 4, chứ không phải vị Thiên Chúa đích thực, như Ngài tỏ mình ra cho chúng ta biết như được Thánh Kinh ghi nhận, chúng ta mới có thái độ bóp méo hình ảnh của Ngài là "tha nhân" như thế. Lý do là vì chúng ta chưa biết Ngài thực sự, nên chúng ta cũng không nhận ra những gì thuộc về Ngài. Đó là lý do tại sao Chúa Kitô, trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 21 hay đoạn 16 câu 3, đã vạch rõ căn nguyên thế gian bách hại môn đệ của Người như sau: "Họ làm cho các con tất cả những điều ấy là vì họ chẳng nhận biết Cha cũng không nhận biết Thày". Đó cũng là lý do chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết mình trước rồi mới có thể yêu thương tha nhân như bản thân mình được.
Chính vì "tha nhân" là một con người thực sự, một con người như chính chủ thể yêu và phải được chủ thể yêu yêu như chính bản thân mình mà, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho nhà thông luật "tha nhân của tôi là ai?", song Người đã lật ngược vấn đề, qua câu hỏi gợi ý: "Ai trong ba người này (vị tư tế, thày Lêvi, và người Samariatanô) là tha nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Thế rồi, sau khi nhà thông luật trả lời: "Chính là người tỏ lòng thương cảm hắn", Chúa Giêsu liền nói với ông ta: "Vậy thì anh hãy đi mà làm như thế". Nghĩa là, theo tinh thần Chúa Giêsu dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, một khi yêu thương nhau và trong việc yêu thương nhau, không nên, đúng hơn, không được, đặt vấn đề phân biệt và chọn lựa: "ai là tha nhân của tôi". Bởi vì, một khi đã phân biệt và chọn lựa, thì theo tâm lý tự nhiên, mình chỉ yêu ai mình thích, thích ai hợp với mình, và mến ai làm vừa lòng mình v.v. Nếu yêu thương theo kiểu này là yêu thương mình hơn là tha nhân, và biến tha nhân thành sở hữu, thành thuộc hạ của mình hơn là coi họ như chính bản thân mình, để có thể yêu họ như chính bản thân mình. Bởi thế, vấn đề yêu thương chân chính hay Đức Ai trọn hảo theo Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay là vấn đề hòa đồng và đại kết, ở chỗ, "tôi cần phải là tha nhân của mọi người, cần phải trở nên như mọi người": "Ai trong ba người này là tha nhân của người bị rơi vào tay bọn cướp?". Chỉ có thế chúng ta mới chẳng những không có ai là kẻ thù, hay không bao giờ gặp kẻ thù, dù thực sự có bị bất cứ ai thù ghét và tác hại, trái lại, chúng ta còn có thể "trở nên mọi sự cho mọi người", như tinh thần của vị Tông Đồ Dân Ngoại chia sẻ trong thư Thứ Nhất gửi Giáo Đoàn Côrintô đoạn 9 câu 22.
Phải, chính tinh thần bác ái làm cho con người yêu thương trở thành quốc tế như thế, "trở nên mọi sự cho mọi người" như thế, họ mới thực sự là một nhà truyền giáo và mới có đủ khả năng truyền giáo. Bởi vì, nếu vai trò của nhà thừa sai, như bài Phúc Âm Chúa Nhật XIV Mùa Thuòng Niên Năm C tuần trước cho thấy họ được sai đi trước đến những nơi Chúa Giêsu sẽ đến, nghĩa là đi mở đường, để qua việc họ làm, hay qua đức ái làm nên bản chất và chân dung của người môn đệ Chúa Kitô nơi họ (xem Jn 13:35), thế gian có thể nhận biết Thày họ là Đấng Thiên Sai đến sau họ. Ý nghĩa bài Phúc Âm Chúa Nhật XV Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh Năm C hôm nay, một thời điểm Giáo Hội cử hành Mầu Nhiệm Chúa Kitô tỏ mình ra qua chứng tá Giáo Hội của Người trên thế gian cho đến tận thế, là ở chỗ này, ở chỗ, Chúa Kitô tỏ mình ra qua thành phần chứng nhân của Người, hay qua tình họ yêu thương trọn lành "trở nên mọi sự cho mọi người", một tình yêu thương "đi khắp thế gian (và) cho mọi tạo vật" (Mk 16:15) chứ không phải cho riêng một dân nước nào, hay cho riêng một thành phần nào, một tình yêu hoàn toàn phản ảnh Đấng "muốn chứng tỏ lòng yêu thương đến cùng của mình" (Jn 13:1), ở chỗ, Người "đã đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ, để hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Mt 20:28; xem 1Tim 2:6).
Tuy nhiên, nếu "tha nhân" trở nên mọi sự như ý nghĩ, ý muốn hay ý thích chủ quan của chúng ta, như trên đã nhận định, họ trở thành một con người bị tha hóa đối với chúng ta là chủ thể yêu thong, vậy thì, ngược lại, nếu chúng ta "trở nên mọi sự cho mọi người" thì bản thân chúng ta có bị họ tha hóa không, có bị trở thành một khối như loài vật không, có mất ngôi vị của mình không, vì chúng ta không còn là chúng ta nữa, mà là bị mọi người đồng hóa, hay bị đồng hóa với mọi người mất rồi?
Câu trả lời được tìm thấy ở đây là một đàng thì bị bắt buộc và một đàng hoàn toàn tự nguyện. Việc ép con người phải bỏ mọi sự làm của chung, ngược với quyền sở hữu của họ, hoàn toàn khác với việc các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem tự nguyện "bỏ mọi sự làm của chung", như Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 2 câu 44. Sở dĩ thành phần Kitô hữu tiên khởi của chúng ta có thể thực hiện được việc này là vì họ hoàn toàn hiệp nhất với nhau, như Sách Tông Vụ còn thuật lại ở đoạn 4 câu 32: "Cộng đồng tín hữu đồng tâm nhất trí. Không ai lấy gì làm của riêng mình, mọi sự được lấy làm của chung", một tình trạng chứng tỏ cá nhân con người đã đạt đến tầm vóc hoàn toàn của mình nơi cộng đồng xã hội, và cộng đồng xã hội cũng đạt đến tầm vóc thiện hảo của mình đúng như ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn được bộc lộ qua Lời Nguyện Tiệc Ly của Chúa Kitô ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 17 câu 22: "Cho tất cả đuọc nên một như chúng ta là một", một mối hiệp thông có tác dụng truyền thông Thần Linh, như Người còn đề cập đến ở câu 23 ngay sau đó: "Để thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con".
Vấn đề thực hành sống đạo: Ai trong chúng ta cũng biết, nếu không có lòng yêu mến Thiên Chúa hết mình, chúng ta không thể nào yêu thương tha nhân như mình. Yêu thương tha nhân như mình chỉ là bản trắc nghiệm xem chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa hết mình chưa hay đã yêu mến Ngài đến đâu? Mà yêu mến Thiên Chúa hết mình, như nhà thông luật trong Phúc Âm hôm nay đã nhắc lại đoạn Sách Nhị Luật, đó là yêu mến hết lòng muốn, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Thế nhưng, thế nào là yêu mến Thiên Chúa hết lòng muốn, rồi đến hết linh hồn, tới hết sức lực, sau hết là hết trí khôn. Không biết tiến sĩ tâm lý Trần Mỹ Duyệt có thể chia sẻ ý nghĩa về bốn tác động yêu mến Thiên Chúa hết mình theo thứ tự này được không?
40. Lề luật và bác ái – Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Có lần nghe ca sĩ Hương Lan hát bài "Lạy Chúa, con là người ngoại đạo" với lời ca: Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng con tin có Chúa ngự trên cao; tôi tự hỏi: tại sao là người ngoại đạo mà lại tin là có Chúa ngự trên cao? Đã tin có Chúa ngự trên cao là có đạo rồi. Nếu tin Chúa ngự trên cao mà vẫn là ngoại đạo thì chỉ có nghĩa là có đạo mà không vào đạo đó thôi.
Tôi đã gặp nhiều người có đạo mà không sống đạo. Và tôi cũng đã gặp nhiều người sống đạo mà không có đạo.
Nói về đạo và sống đạo, tôi thấy trong Phúc Âm có nhiều câu chuyện tường thuật về những người ngoại đạo nhưng lòng họ thì lại có đạo.
- Khi Chúa Giêsu vác thập giá lên Núi Sọ, đường dài, sức nặng của thập giá, kiệt sức vì bị hành hạ, Ngài gục ngã đến ba lần. Kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa là ông Simon người xứ Kyrênê, một người ngoại đạo.
- Khi Chúa Giêsu đến Caphanaum, Viên Bách Quản, một người ngoại đạo đến gặp và van xin: Thưa Ngài, tên hầu của tôi nằm liệt bất toại ở nhà đau đớn lắm. Chúa nói: Ta phải đến chữa nó. Viên Bách Quản thưa lại: Thưa Ngài, tôi không đáng được Ngài vào nhà tôi, nhưng Ngài hãy phán một lời, đứa hầu nhà tôi sẽ khỏi. Nghe vậy Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với các kẻ theo Ngài: Quả thật Ta bảo các ngươi, Ta chưa hề gặp được lòng tin lớn như thế nơi một người nào trong Israel.
- Một lần khác, Chúa Giêsu vào một làng kia, có mười người phong hủi đến gặp Ngài. Từ đàng xa họ đã lên tiếng thưa: Lạy Thầy Giêsu xin thương xót chúng tôi. Thấy vậy, Chúa bảo họ: Hãy đi trình diện với hàng Tư Tế. Và xảy ra là khi họ đi thì họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch liền quay lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa và sấp mặt dưới chân Ngài mà tạ ơn. Người ấy là một người Samari, người ngoại đạo. Chúa Giêsu cất tiếng nói: Không phải là cả mười người được sạch cả sao, chín người kia đâu không thấy họ quay trở lại mà chúc vinh Thiên Chúa, trừ có người ngoại này?
- Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn: một người ở Giêrusalem xuống Giêricô, giữa đường bị bọn cướp trấn lột, đánh cho nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Thầy Tư Tế đi qua, thấy vậy liền lãng tránh. Thầy Lêvi đi tới cũng chẳng ngó ngàng, bỏ mặc nạn nhân. Một người ngoại đạo Samari đi ngang, thấy người lâm nạn, chạnh lòng thương liền băng bó, đặt lên lưng lừa đưa về quán trọ, nhờ chủ quán săn sóc rồi trả hết mọi phí tổn.
Thầy Tư Tế, Thầy Lêvi chẳng những là người trong đạo mà còn hơn nữa họ còn là kẻ rao giảng về đạo. Họ ở trong đạo nhưng không sống đạo. Người Samari,kẻ sống đạo lại là người không có đạo.
Như thế kẻ vác đỡ thập giá cho Chúa trên con đường dài với những bước chân xiêu té cuối đời là người ngoại đạo. Kẻ tỏ lòng biết ơn khi được Chúa chữa lành là người ngoại đạo. Kẻ thể hiện lòng bác ái xót thương không phải là Tư Tế, là Lêvi, các chức sắc trong đạo mà là người Samari, người ngoại đạo.
Khi băn khoăn tự hỏi: thế nào là người bên ngoài, thế nào là người bên trong? Thế nào là có đạo, thế nào ngoại đạo? Tôi thấy trong Phúc Âm có lần Chúa Giêsu nói: Ta bảo các ngươi, nhiều kẻ từ Phương Đông, Phương Tây mà đến và được dự tiệc với Abraham, Isaac và Giacop trong Nước Trời, còn chính con dân trong nước lại sẽ bị đuổi ra ngoài tối tăm.
Vậy thì có một khoảng cách rất lớn giữa hiểu biết về đạo và sống đạo. Đạo thì mênh mông vô bờ bến như đất trời, làm sao có thể đem đạo vào một định nghĩa chật hẹp được? Làm sao có thể nhốt đạo vào nhà thờ? Làm sao vẽ chân dung đạo bằng tờ giấy rửa tội được? Bởi lẽ "Đạo khả đạo phi thường Đạo" ( Lão Tử)
Hiểu biết về đạo được thể hiện qua đời sống đạo. Có người nói rằng: tôi tin đạo chứ tôi không tin người có đạo. Đạo thì tốt, nhưng nhiều người có đạo lại xấu. Có nhiều người ngoại đạo lại tốt hơn người có đạo. Họ nói như thế vì họ thấy nhiều người có đạo mà lại không sống đạo của mình. Quả thật, con đường dài nhất là con đường từ cái đầu đến bàn tay. Giữa suy nghĩ, lời nói và việc làm, giữa hiểu biết và cuộc sống có một khoảng cách thật lớn.
Đức Khổng Tử đã nói chí lý: Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính của người ta, nếu theo đạo để cho xa cái bản tính của người ta thì không phải là đạo.
Đạo của Chúa Giêsu là Đạo Thiên Chúa làm người, rất gần gũi với con người. Vì con người là con đường của Giáo hội ( ĐGH Gioan Phaolô II). Người Đông Phương lấy chữ nhân mà định nghĩa con người: nhân là người, nhân là nhân ái là lòng thương người. Ai không biết thương người khác là kẻ không xứng danh là người. Nhân bản và nhân ái có quan hệ mật thiết với nhau.
Qua dụ ngôn Chúa Giêsu kể, tôi thấy rằng, cái khác biệt sâu xa giữa Kitô giáo và Do Thái giáo, đó là: một bên là đạo của tình yêu, một bên là đạo của lề luật. Tư Tế và Lêvi tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Người Samari tượng trưng cho những người sống tình yêu. Những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Thấy người bị nạn, người Samari tốt lành đã động lòng xót thương. Lương tâm và tình thương đồng loại thúc đẩy anh cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn bất chấp nạn nhân là người Do Thái thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc của anh. Cung cách hành xử đầy tình thương này mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Nhìn từ lăng kính luật pháp Do thái, hai ông Tư Tế và Lêvi đã không sai. Luật Cựu Ước dạy rằng, Tư Tế không được đụng vào thây người chết vì sợ bị ô uế. Nếu ô uế thì không được phục vụ trong đền thờ. Nạn nhân dở sống, dở chết, tức là có thể chết. Hai người Tư Tế và Lêvi không dám chạm đến người có thể chết. Họ lựa chọn lề luật. Sách luật Lv 21 ghi rõ điều khoản luật này khi nhắc đến Tư Tế và người chết. Người Samari lựa chọn bác ái. Anh không ngại chạm đến người dở sống dở chết này. Anh chăm sóc, lo lắng cho bệnh nhân như người thân và anh đã vượt quá giới hạn lề luật để sống theo bác ái. Khi phải lựa chọn giữa lề luật và bác ái, người nhân hậu lựa chọn bác ái dù biết các ràng buộc của lề luật. Người ấy không bỏ qua lề luật, không đả phá lề luật nhưng vượt trên lề luật nên đã làm trọn lề luật.
Chúa Giêsu hỏi người thông luật:"Ai là người thân cận của nạn nhân đã sa vào tay kẻ cướp?". Người ấy đáp: "Người đã đem lòng từ bi thương nạn nhân".
Chúa Giêsu đã khéo léo lái vấn đề từ câu hỏi người thông luật: ai là người thân cận của tôi? sang gợi ý tuyệt vời của Ngài: tôi là người thân cận của ai? Trả lời câu hỏi này có lẽ phải đi từ cuộc sống cụ thể của mình. Khi tôi đến gần ai để phục vụ với tình yêu thì tôi trở thành người thân cận với kẻ ấy, và kẻ ấy thành người thân cận với tôi. Ai cũng có thể trở thành người thân cận của tôi nếu tôi yêu thương họ bằng tình yêu mà Chúa đã thương yêu tôi.
Càng hiểu biết về đạo càng phải sống đạo. Chúa Giêsu dạy rằng: "Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy". Đạo của Thầy Giêsu là Đạo Tình Yêu. Yêu Chúa, Yêu Người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Yêu Chúa đích thực thì phải yêu người. Thánh Gioan viết: "Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối". Đối với Thánh Phaolô: "Yêu thương là giữ trọn lề luật". Lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu mà cho người không có tình yêu. Nếu không có tình yêu thì việc làm theo lề luật có tốt đến đâu cũng vô giá trị: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi". Thánh Augustinô khuyên nhủ: cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm. Tình yêu sẽ cho biết ta phải làm gì.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con rằng: không phải những người cứ kêu lên "Lạy Chúa, Lạy Chúa.." là được vào Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha mới được vào mà thôi. Xin cho Lời ấy in vào lòng trí giúp chúng con luôn biết thể hiện trong đời sống đạo hàng ngày. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam