Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1379302

TÔI SINH RA TỪ THIÊN CHÚA

TÔI SINH RA TỪ THIÊN CHÚA (*) Chú giải của Noel Quesson

Tin Mừng theo Thánh Luca kể lại cho ta giai đoạn đầu, đời sống công khai của Đức Giêsu theo trình tự sau đây:

1*. Gioan Tẩy Giả rao giảng: Các ngươi hãy hoán cải …Ngài đang đến (Lc 3,1 -18).

2*. Gioan Tẩy giả bị cầm tù (Lc 3, 19-20).

3*. Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,21 -22).

4*. Gia phả của Đức Giêsu (Lc 3,23-58).

5*. Đức Giêsu chịu cám dỗ trong thời gian 40 ngày chay tịnh tại hoang địa (Lc 4,1-13).

6*. Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, đặc biệt tại Na-gia- rét (Lc 4,14-30).

Một lần nữa, chúng ta lưu ý rằng, trước hết Luca không tìm cách thông tin cho ta về một chuỗi “sự kiện lịch sử”. Nếu chỉ có Tin Mừng Luca truyền lại, thì ta sẽ không biết “ai” đã làm phép rửa cho Đức Giêsu: vì Luca kể cho chúng ta việc cầm tù Gioan, trước khi cho chúng ta chứng kiến phép rửa của Đức Giêsu, mà trong nghi thức này, Luca cũng không nhác đến vị Tiền hô. Những người thời xưa (cả Luca và mọi kẻ khác) không có quan niệm tân thời như chúng ta về lịch sử. Mục đích của họ không phải là kể ra những sự kiện đơn thuần, nhưng nhằm nói với lương tâm tín hữu.

Đối với họ, ý nghĩa những sự kiện hoàn toàn thuộc về lịch sử. Do đó qua những thể thức văn chương thường được dùng đi dùng lại trong Kinh thánh, thánh sử trình bày phép rửa của Đức Giêsu vừa như một sự kiện lịch sử không thể chối cãi được (do đó có một nền tảng chung với những trình thuật đối chiếu khác), vừa như một “hành động tượng tương” (do dó, có những đặc điểm khác nhau trong mỗi Tin Mừng). Giải thích một sự kiện, không phải là chối bỏ sự kiện đó, mà cho nó là thực và định giá đúng tầm quan trọng của nó. Chẳng hạn, ở đây chúng ta thấy một sự “giải thích” của Luca: “Đức Giêsu khai mở một kỷ nguyên mới”. Giao uỡc cũ đã chấm dứt… Gioan Tẩy giả là một vị đại diện cuối cùng của giao ước cũ. Ong biến mất trước khi Đức Giêsu bắt đầu công trình của Ngài. Sự diễn giải lịch sử như thế là diễn giải đúng theo lãnh vực đức tin, nhưng chúng ta cũng không bị ngăn cản vận dụng trí tuệ để qua các chính sử khác, biết ràng thực ra, sự cầm tù Gioan Tẩy gỉa xảy ra sau đó rất lâu, và thời gian rao giảng của Đức Giêsu đã bị xén bớt rất nhiều (Mc 6,17; Mt 16,3).

Bài đọc phụng vụ Chúa Nhật này đã xếp gần lại những pha cảnh sau đây: 1. Cuộc rao giảng của Gioan (Lc 3, 15-16)… Và 2. Phép rửa của Đức Giêsu (Lc 3, 21 -22) bằng cách bỏ qua các câu trung gian kể lại sự vắng mặt của Gioan. Sự giải thích trên đây đã cho chúng ta hiểu tại sao. Phần chú giải lời rao giảng của Gioan, chúng ta gặp ở Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, hôm nay chúng ta bắt đầu bài Tin Mừng dành cho Chúa Nhật này.

Khi toàn dân đã chịu phép rửa.

Kiểu nói phổ quát: “toàn dân” cũng là nét riêng của thánh Luca, mà ông thích dùng (Lc 1,10; 3,4). Luca, vị phát ngôn viên của Thiên Chúa lặp lại ở đây rằng, ơn cứu độ dành cho mọi người và sứ vụ của Đức Giêsu sắp bắt đầu sẽ dành cho tất cả. Kiểu nói này cũng muốn nói lên từ trước đến giờ Đức Giêsu hành động “như mọi người”. Và lúc Người bước ra hoạt động không có gì phân biệt Người với những công dân khác, với “toàn dân”. Đó là một người Do Thái tốt lành và tín trung, không cố tách riêng ra khỏi quần chúng Vì mọi người đều xin chịu phép rửa, nên Đức Giêsu cũng xin lãnh phép rửa.

Chúng ta lưu ý rằng, từ “toàn dân” này của Luca đúng thực biết bao: đó là đặc điểm mà ông nhấn mạnh và cũng là nét riêng của ông, so với trình thuật của các thánh sử khác.

Lạy Chúa, con nhận được sự mạc khải này, qua “từ” trên đã được linh hứng.

Tôi ngắm nhìn Đức Giêsu đã hoàn toàn “nhập thể” làm “người” đến độ Ngài làm “như toàn dân”. Tôi dùng trí tưởng tượng quan sát Đức Giêsu lẫn trong đám đông một cách vô danh. Ngài đang ở đó trong dãy dài những nam nữ bình thường đang đợi đến lượt mình để nhận phép rửa. Tôi cầu nguyện nhờ suy niệm mạc khải này.

Đang khi Đức Giêsu cầu nguyện.

Cầu nguyện cũng là nét riêng của trình thuật Luca thích minh chứng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang cầu Nguyện (Lc 5,16 – 6,12 – 9,18. 28.29 – 10,21 – 11,1 – 22,23. 40,46 – 23, 34,46). Tôi cũng có thể ngừng lâu ở chi tiết này, để cầu nguyện.

Vậy thì theo Luca “hành vi đầu tiên” đánh dấu đời sống công khai của Đức Giêsu là cầu nguyện. Đây là việc đầu tiên mà chúng ta thấy Ngài làm với tư cách là một người trưởng thành. Lần đầu tiên nói tới Đức Giêsu bước vào tác vụ của Ngài, lại là nói đến việc Ngài: “đang cầu nguyện”. Và trong lúc cầu nguyện đó, Ngài sẽ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Và khi kể lại giai đoạn đầu của Giáo hội, đến lượt mình, cũng sẽ nhận lãnh Thánh Thần (Cv 1,4-2,1-11). Do đó cầu nguyện là nhường chỗ cho Thánh Thần. Là dọn chỗ trống cho người ngự đến. Là tạo điều kiện cho người xuất hiện. Trong một đoạn khác của Tin Mừng, Luca sẽ nói với ta rằng, điều cần thiết chung nhất phải xin với Chúa, là xin người ban cho “Thần khí của Người” như thế tất cả những cái khác sẽ đến thêm sau. “Chúa Cha ngự trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11-13). Tôi có cầu nguyện với ý đó không?

Tôi có xin “phép rửa của Thần Khí” không? Theo lời loan báo của Gioan Tẩy giả: Ngài (Đức Giêsu) sẽ rửa các ngươi (sẽ dìm các người) trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16). Theo gương của Đức Giêsu cầu nguyện, tôi đã dành cho cầu nguyện vị trí nào trong đời sống của tôi? Cầu nguyện để “xin Thánh Thần” mà Chúa Cha sẵn sàng ban cho những kẻ kêu xin, có chỗ đứng như thế nào?

Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa.

Trước tiên, sự kiện trên hẳn làm ta dễ thắc mắc. Làm sao Đức Giêsu lại nhận “phép rửa tỏ lòng sám hối”? (Lc 3,3). Làm sao, Ngài không có tội lại cần phải chịu phép rửa? Câu trả lời ở phía sau, trong Tin Mừng này. “Đó là một thứ lửa mà Thầy đã đến để ném vào mặt đất. Đó là một phép rửa mà Thầy sẽ bị dìm xuống, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất (Lc 12,49-50). Phép rửa thật sự của Đức Giêsu, đó là cái chết cứu chuộc của Ngài. Khi xin chịu phép rửa “trong hàng ngũ các tội nhân” và trong suốt cuộc đời Ngài đã chấp nhận thái độ của một “hối nhân”, Đức Giêsu đã hoàn toàn liên kết với khát vọng của con người muốn cầu xin Thiên Chúa “cứu rỗi” và thanh tẩy mình. Ngài muốn thay thế cho ta là những tội nhân. Đức Giêsu không đến để lên án thế gian tội lỗi, nhưng để cứu chuộc (Ga 3,17).

Đức Giêsu “cũng chịu phép rửa”, nên không đứng từ trên cao xét đoán những yếu đuối đáng thương của tôi. Ngài liên đới với những yếu đuối đó. Phép rửa của Đức Giêsu là mô hình cho phép rửa của các Kitô hữu.

Lúc đó trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người.

Máccô nói: Bầu trời “xé ra” (Mc 1,10). Còn Luca lại viết: Trời “mở ra” không có vẻ gì là ác liệt của lối văn khải huyền cả, có thể nói còn mang tính dịu dàng nữa.

Vâng, Đức Giêsu bắt đầu một kỷ nguyên mới. Giao ước cũ đã chấm dứt. Thời Gioan Tẩy giả hăm dọa nhân loại bằng “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa (“nòi rắn độc” Lc 3,7) cũng đã chấm dứt. Một cuộc giao hòa mới được thiết lập giữa trời và đất. Trời không còn đóng kính nữa, mà đã “mở” ra. Và Thần Khí Thiên Chúa – phần của Thiên Chúa mà ta có thể thông hiệp được, đã được ban cho một người, Đức Giêsu trước khi được ban cách dồi dào cho tất cả những ai chịu “phép rửa trong Thánh Thần”: Vào ngày lễ Ngũ tuần và mỗi khi cử hành phép rữa. Tôi dành cho phép rửa của tôi một chỗ đứng nào? tôi dành cho phép rửa của các con tôi vị trí nào? Tôi dành cho Chúa Thánh Thần chỗ đứng nào trong cuộc sống thiêng liêng của tôi? Thánh Thần là Đấng không được biết nhiều ở Phương Tây, là Đấng mà Phương Đông đã bắt đầu mang lại cho chúng ta.

Đức Giêsu chính là “Đấng mà Thánh Thần ngự xuống” (Lc 4,1.4, 14.4,18).

Dưới hình dáng như chim bồ câu.

Đã có nhiều cách giải thích về câu chú thích về “dấu chỉ” dễ cảm nhận này. Phải chăng đó là nhắc lại bồ câu của biến cố Đại hồng thủy, nhằm báo trước một thế giới mới? (St 8,8). Phải chăng đó là tượng trưng cho tình yêu của Thiên Chúa trong sách Diễm ca (Lc 2,14-5,2)? Phải chăng đó là nhắc lại cuộc sáng tạo thế gian mà Thần Khí bay là là trên mặt nước? (St 1,1).

Mỗi cách giải thích như thế, có thể trở nên khởi điểm cho một buổi cầu nguyện. Vâng, một tạo vật mới đang phát sinh. Một nhân loại mà Thiên Chúa không muốn trừng phạt nữa, vì người yêu thương nhân loại hết tình.

Lại có tiếng từ trời phán rằng.

Thiên Chúa nói với Đức Giêsu, một cách âu yếm như cha nói với con, đầy yêu thương.

Con là con của Cha.

Ở đây theo Luca, Đức Giêsu được xưng gọi theo Ngôi thứ hai. Trong khi đó, Mát-thêu kể lại cùng cảnh này, lại dùng Ngôi thứ ba: “Đây là con yêu dấu của Ta” (Mt 3,17). Vậy theo lịch sử cách nói nào là đúng thực? Cả Luca lẫn Mátthêu đều không lưu tâm đến việc đặt câu nói như thế của thời chúng ta. Truyền thống Do Thái từ xa xưa vẫn khẳng định rằng, Thiên Chúa “duy nhất” chỉ nói bằng “một cung giọng duy nhất” (bình luận của Rachi về thập giới: Mười điều răn này được tuyên bố bằng cách chỉ phát ra một lời duy nhất, đó là điều con người không thể hiểu được, Thiên Chúa nói “một lời” và loài người nghe “nhiều lời”. Họ hiểu theo nhiều cách.

Ngày hôm nay Cha đã sinh ra con.

Hiển nhiên, Luca diễn giải lời duy Nhất của Thiên Chúa bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia 42,1 và Thánh Vịnh 2,7. Trích dẫn Kinh Thánh này sẽ được dùng nhiều lần để diễn tả tư cách “là con Thiên Chúa” và việc tái sinh của Đức Giêsu phục sinh, dưới cùng ngòi bút của Luca (Cv 13,33) và của một môn đệ khác của Phaolô (Dt 1,5-5,5).

Nhờ cầu nguyện, chúng ta hãy bước sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu hôm nay, được sinh ra! Ở đây, không đề cập đến noãn sào của Đức Maria vào lúc đầu thai, cũng không bàn đến việc sinh hạ cậu bé còn quấn tã ở Bê-lem, nhưng lại nói về Đức Giêsu trưởng thành, vào lúc 30 tuổi! Đây là thông điệp cấp bách nhất cho nhân loại ngày nay: con người không thể mồ côi, không là kết quả của “ngẫu nhiên và tất yếu”. Nơi Đức Giêsu, nhân loại phát sinh từ một Thiên Chúa thương yêu nó. Đó là ý nghĩa phép rửa của tôi. Tôi sinh ra từ Thiên Chúa.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

TRỜI MỞ RA… (*)- Chú giải của Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Vào Chúa Nhật này, chúng ta tưởng niệm biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa trong nước bởi Gioan Tẩy Giả, và ngay liền sau đó, được Chúa Thánh Thần ngự xuống và được Chúa Cha chứng nhận: “Con là Con Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki-tô như một trong ba lễ Hiển Linh: Hài Nhi Giê-su tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Người (Mt 2: 11), Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình ra trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa bên bờ sông Gio-đan (Lc 3: 21-22; Mt 3: 13-17; Mc 1: 9-11) và Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Người cho các môn đệ qua dấu lạ đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na (Ga 2: 11).

Is 40: 1-5, 9-11

Bài Đọc I gợi lên gốc tích của thuật ngữ “Tin Mừng” được loan báo cho những người lưu đày ở Ba-by-lon.

Cv 10: 34-38

Tại nhà của viên quan ngoại giáo, ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô thuật lại phép Rửa của Đức Giê-su, khuôn mẫu phép Rửa của Ki-tô hữu.

Lc 3: 15-16, 21-22

Phép rửa của Đức Giê-su là nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Chúng ta đã được lãnh nhận phép rửa dưới dấu chỉ của Thiên Chúa Ba Ngôi, “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

BÀI ĐỌC I (Is 40: 1-5, 9-11)

Sứ điệp an ủi này được gởi đến cho những người lưu đày ở Ba-by-lon khi mà cuộc thử thách đã quá dài lâu đến mức người ta không còn chịu đựng được nữa. Những người lưu đày đầu tiên, tiếp đó là những đợt lưu đày khác nữa, đã bị dẫn đến đất nước ngoại bang này đã gần năm mươi năm rồi.

1*.Bối cảnh:

Ở giữa những người đồng hương lưu đày của mình, một vị ngôn sứ đã đem đến cho những người chán chường thất vọng này một niềm an ủi khi ông hứa với họ cuộc giải phóng sắp đến gần. Người ta không biết một chút gì về vị ngôn sứ, ngay cả tên của ông; vì thế, người ta đặt cho ông biệt danh là I-sai-a đệ nhị, vì tác phẩm của ông (Is 40-55) được sáp nhập vào tác phẩm của vị tiền nhiệm của ông (Is 1-39). Vào lúc đó, trên chính trường Trung Đông, vua Ba tư, Ky-rô, nổi lên như một thế lực hùng mạnh. Vị ngôn sứ thoáng thấy nơi nhân vật này khí cụ của Thiên Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông quả quyết: Thiên Chúa sắp can thiệp để giải phóng dân Ngài khỏi cảnh đời lưu đày.

2*. “Hãy an ủi, an ủi dân Ta”:

“Hãy an ủi, an ủi dân Ta”. Đây là những lời đầu tiên của tác phẩm ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, chính xác được đặt dưới nhan đề “Sách An Ủi”. Diễn ngữ “dân Ta” này chắc chắn đã làm ấm lại lòng của những người lưu đày khốn khổ, họ cứ tưởng Thiên Chúa đã quên họ, không còn đoái hoài gì đến họ. Không, họ vẫn luôn luôn là “dân của Ngài”, dân Chúa chọn mà xưa kia đã được Ngài nuông chiều.

“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem”. Tâm tư của những người lưu đày không bao giờ ngừng hướng về Thành Thánh. Bị trừng phạt vì tội bất trung dài lâu, điều quan trọng là dân được loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ tội của dân và Ngài sẽ đích thân dẫn đưa dân trở về quê cha đất tổ.

“Thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong, vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm”. Chúng ta có thể hiểu diễn ngữ “gấp hai lần” theo sát nghĩa của từ, nếu chúng ta khảo sát hai cuộc thử thách lớn mà dân thành phải chịu: dân bị lưu đày đến Ba-by-lon và Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Ngài, bị phá hủy hoang tàn. Nhưng diễn ngữ này cũng được hiểu một cách đơn giản như ghi nhận muôn vàn đau khổ mà dân phải chịu.

3*.Một cuộc xuất hành mới:

 Để trở về cố hương, những người lưu đày sẽ phải băng qua hoang địa (sa mạc Syri-Paléttin). Đây sẽ là một cuộc xuất hành mới ở đó Thiên Chúa sẽ lại hướng dẫn dân Ngài và thực hiện cho họ những điều kỳ diệu. Điều quan trọng là phải chuẩn bị tấm lòng đón nhận lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Ở nơi những hình ảnh của các câu “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”, chúng ta gặp thấy một lời mời gọi hãy thay lòng đổi dạ, biến đổi sa mạc của tâm hồn. Các tác giả Tin Mừng sẽ nhận dạng vị ngôn sứ vô danh này, biệt danh là I-sai-a đệ nhị, là thánh Gioan Tẩy Giả.

4*. Nguồn gốc nguyên khởi của thuật ngữ “Tin Mừng”:

“Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao”. Chính ở nơi bản văn này mà các Ki tô hữu tiên khởi đã mượn diễn ngữ “Tin Mừng” để chỉ mặc khải của Đức Giê-su. Chính ở đây mà chúng ta ở nơi tận nguồn thần học về Tin Mừng. “Tin Mừng” này đòi hỏi phải được loan báo từ trên núi cao để mọi dân trong các thành miền Giu-đê được nghe, đó là Tin Mừng gì? Thưa, chính Thiên Chúa đích thân đến cứu dân Ngài, giải thoát những kẻ bị giam cầm và đưa họ trở về quê cha đất tổ.

Vị ngôn sứ tưởng tượng cuộc hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem như một đám rước khải hoàn; nhưng ông tô đậm chân dung Đức Chúa vinh thắng khi liên kết Ngài với hình ảnh của người mục tử tận tình chăm sóc đàn chiên của mình: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt”. Thiên Chúa tha thứ và dẫn đưa dân Ngài về Đất Hứa, trước hết là Thiên Chúa tình yêu.

Đó là “Tin Mừng” đầu tiên báo trước một Tin Mừng khác dứt khoát hơn, phổ quát hơn: giải phóng những người tội lỗi. Vì thế, không phải đoàn rước khải hoàn mà vị ngôn sứ hình dung loan báo cuộc khải hoàn của những người được chọn về Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc hay sao?

BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)

Đoạn trích Công Vụ Tông Đồ này thuật lại một biến cố đánh dấu một khúc quanh quyết định trong lịch sử Giáo Hội tiên khởi: đây là lần đầu tiên một lương dân và gia đình của ông được đón nhận vào cộng đoàn Ki-tô hữu qua phép Rửa.

Cho đến lúc đó, các Tông Đồ đã ngỏ lời với dân Do thái bằng cách chứng minh cho họ hiểu rằng Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nơi Ngài Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki-tô giáo được khai sinh từ Do thái giáo. Chiều kích phổ quát của sứ điệp được nhận ra qua các sấm ngôn: sẽ đến ngày muôn dân nước sẽ tiến về Giê-ru-sa-lem. Nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ đến chiều kích đảo ngược: chính họ đến với lương dân để loan báo Tin Mừng cho họ.

Vào lúc đó, thánh Phê-rô, vị thủ lãnh Giáo Hội, lợi dụng thời kỳ tạm lắng dịu sau một cuộc bách hại giáng xuống trên các cộng đoàn Ki-tô hữu, để viếng thăm họ. Vào lúc đó, một viên đại đội trưởng Rô-ma trú đóng tại thành Xê-da-rê cho người đến mời thánh nhân. Lúc đó, thánh Phê-rô đang trọ tại Gia-phô, cách Xê-da-rê khoảng 50 cây số. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước vào nhà một người không cắt bì, bất chấp những cấm đoàn lâu đời, và đây cũng là lần đầu tiên thánh nhân loan báo Tin Mừng cho một lương dân và gia đình của ông. Đối với thánh Phê-rô, đây thực sự là một kinh nghiệm không thể quên được. Thánh nhân chắc chắn rất cảm động khi hiểu được những ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Phụng Vụ hôm nay trích dẫn phần đầu bài giảng của thánh Phê-rô tại nhà ông Co-nê-li-ô.

1*.Chiều kích phổ quát của ơn cứu độ:

Trước tiên, thánh Phê-rô khẳng định sự bình đẳng giữa lương dân và dân Do thái: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10: 34). Lời khẳng định này cấu thành một viễn cảnh đảo ngược mà dân Ít-ra-en thường nghĩ rằng đó là những đặc quyền của dân Chúa chọn. Vị thủ lãnh Giáo Hội, dưới tác động của Thánh Thần, chấp nhận viễn cảnh đảo người này khi công bố rằng “Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp đón” (Cv 10: 35). Ông Co-nê-li-ô là một trong số những người có thiện cảm với Do thái giáo, thuộc những người được gọi là “kính sợ Thiên Chúa”. Sách Công Vụ xác nhân những phẩm chất của ông Co-nê-li-ô: “một người đạo đức”, “rộng tay cứu trợ dân” và “luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Cv 10: 2).

Thánh nhân giải thích cho gia đình ngoại giáo này hiểu đặc quyền của dân Ít-ra-en: “Người đã gởi đến cho con cái nhà Ít-ra-en lời loan báo Tin Mừng bình an”. Con cái Ít-ra-en đã nhận một sứ mạng là chuẩn bị bình an, bình an giữa nhân loại, bình an giữa dân Do thái và lương dân. Bình an này có được “nhờ Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người”.

2*.Quyền năng của phép Rửa:

Tiếp đó, thánh Phê-rô tóm tắt sứ vụ của Đức Giê-su: Đức Giê-su đã chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, sau đó Ngài đã được đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Từ đó, thánh nhân khai mở viễn cảnh đạo lý của Giáo Hội: ân ban của Chúa Thánh Thần không đơn giản là một điều gì đó mà người ta thủ đắc được, nhưng là một sức mạnh bùng nổ, một quyền năng thúc đẩy người ta chu toàn sứ mạng, làm chứng, thực thi những việc lành phúc đức, kiềm chế ma quỷ theo mẫu gương của Đức Ki-tô.

TIN MỪNG (Lc 3: 15-16, 21-22)

Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ hai phân đoạn: phân đoạn thứ nhất (3: 15-16) về việc Đức Giê-su chịu phép rửa và phân đoạn thứ hai (3: 21-22) về cuộc hiển linh của Đức Giê-su.

1*.Ý nghĩa phép rửa của Đức Giê-su:

Thánh ký chỉ kể ra một cách ngắn gọn việc Đức Giê-su chịu phép rửa, nhưng rất có ý nghĩa: Đức Giê-su ở giữa đám đông dân chúng; Ngài hòa nhập vào dòng người tội lỗi, những người muốn thể hiện hành vi ăn năn sám hối. Như họ, Ngài bước vào dòng nước sông Gio-đan để lãnh nhận phép rửa, dấu chỉ bày tỏ lòng sám hối; kể từ giây phút này Ngài bày tỏ ý muốn của Ngài được liên đới với nhân loại tội lỗi. Cử chỉ công khai đầu tiên của Đức Giê-su tự nó đã là một cử chỉ cứu độ.

Dường như thánh Lu-ca gợi lên rằng việc Đức Giê-su chịu phép rửa kết thúc việc “toàn dân” đón nhận phép rửa, như để muốn nói rằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả đã đạt được mục đích của nó: chuẩn bị cho một sứ điệp khác và nhường chỗ cho một sứ vụ đang đến.

2*.Lời cầu nguyện của Đức Giê-su:

Khi bước ra khỏi dòng nước sông Gio-đan, Đức Giê-su cầu nguyện. Thánh Lu-ca là thánh ký duy nhất ghi nhận nét đặc trưng này; thánh ký luôn luôn chủ ý nhấn mạnh thái độ này của Đức Giê-su trong những giờ phút quan trọng hay có tính quyết định (Lc 5: 16; 6: 12; 9: 18, 28-29; 10: 21; 11: 1; 22: 32, 40, 46; 23: 34, 46). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, trong khi các Tông Đồ cũng đang cầu nguyện, thì Chúa Thánh Thần ngự xuống (Cv 2: 1-6).

Khi Đức Giê-su cầu nguyện, thì “trời mở ra”, nghĩa là, một sự thông hiệp giữa thế giới thần linh và con người bởi một cuộc thần hiển kép: Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình dáng chim bồ câu và Chúa Cha tỏ mình ra qua tiếng phán từ trời.

3*.Chúa Thánh Thần tấn phong:

“Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giê-su”. Phép rửa trong nước mà Đức Giê-su đón nhận bởi thánh Gioan Tẩy Giả trở nên phép rửa trong Chúa Thánh Thần, khuôn mẫu và nguyên mẫu phép rửa Ki-tô giáo. Đức Giê-su, đã hòa mình vào đám đông dân chúng tội lỗi, được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong; vì thế, Đức Giê-su đích thật là “Đấng được xức dầu”, nghĩa là, “Đấng Mê-si-a” theo tiếng Híp-ri, hay “Đấng Ki-tô” theo tiếng Hy-lạp. Xưa kia, các ngôn sứ đã được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong để có đủ tư cách thông truyền Lời Chúa. Cũng vậy, Đức Giê-su được Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong làm ngôn sứ. Nhưng, phải nói một cách chính xác hơn, Đức Giê-su không đơn giản là một trong các ngôn sứ, được hiểu theo nghĩa “phát ngôn viên của Lời Thiên Chúa”, nhưng Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa tự thân, đã trở thành một phàm nhân.

Quả thật, Đức Giê-su, ngay từ khi thụ thai, được Chúa Thánh Thần ở cùng; Ngài sinh ra bởi tác động của Chúa Thánh Thần, nhưng trong cuộc sống ẩn dật của Ngài, Chúa Thánh Thần đã không tỏ mình ra một cách rực rỡ. Vào ngày Đức Giê-su chịu phép rửa này đánh dấu khởi điểm sứ mạng của Ngài, Đức Giê-su được đảm bảo rằng Ngài sẽ luôn luôn được Chúa Thánh Thần phù trợ.

Chúa Thánh Thần tỏ mình ra qua một dấu chỉ bên ngoài “dưới hình dáng chim bồ câu”, như sau này, vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ tỏ mình ra dưới “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2: 3). Như vậy, thánh Lu-ca muốn nói rằng Chúa Thánh Thần là một Ngôi Vị biệt phân với Chúa Cha. Quả thật, phép rửa của Đức Ki-tô là mặc khải đầu tiên về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện. Các Giáo Hội Đông Phương cử hành phép rửa của Đức Ki tô như một ngày Lễ Ba Ngôi; và chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép rửa Ki-tô giáo được ban “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Diễn ngữ “dưới hình dáng chim bồ câu” chắc chắn nhắc nhớ những câu đầu tiên của Kinh Thánh trong chuyện tích về cuộc tạo dựng: “thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1: 2). Vì thế, trên mặt nước của dòng sông Gio-đan một cuộc tạo dựng mới bắt đầu.

4*.Chúa Cha thánh hiến:

“Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Đây là câu trích dẫn từ Tv 2: 7, một thánh vịnh phong vương mang chiều kích Mê-si-a tuyệt vời. Vào ngày vua được phong vương, Đức Chúa công bố vị tân vương là “con của Ngài” (“thiên tử”). Thánh Vịnh này ngầm quy chiếu đến sấm ngôn của ngôn sứ Na-than được ngỏ lời với vua Đa-vít: “Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con” (2Sm 7: 13-14).

Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu cũng trích dẫn Tv 2 này, nhưng chỉ trích dẫn vế thứ nhất của câu 7: “Con là con yêu dấu của Cha” mà hai thánh ký liên kết thành một với bản văn của Is 42: 1 về ơn gọi của Người Tôi Trung: “Ta hài lòng về Người”, để loan báo Đấng Mê-si-a vừa là Vua, vừa là Người Tôi Trung: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3: 17) và “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1: 11).

Chỉ một mình thánh Lu-ca trích dẫn trọn vẹn câu 7 của Tv 2, theo đó Thiên Chúa xác nhận rằng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa”: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Lời công bố Đức Giê-su là Con Thiên Chúa này cũng sẽ được vang lên khi trời được mở ra vào biến cố Biến Hình (Lc 9: 35). Chính trên Con Thiên Chúa này mà thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh: cuộc thần hiển ngay sau phép rửa là mặc khải công khai, chính thức, về mầu nhiệm của Đức Giê-su, Ngài thật sự là Con Thiên Chúa.

Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ hai, những người phủ nhận Thần Tính của Đức Ki-tô đã khai thác vế thế hai của câu trích dẫn này để chủ trương rằng Đức Giê-su chỉ là một con người, con của ông Giu-se và bà Ma-ri-a, nhận được ơn nghĩa tử (được Thiên Chúa nhận làm con), ơn nghĩa tử này được công bố chính xác bởi những lời này “Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

Tư tưởng của thánh Lu-ca rất khác xa với một viễn cảnh như vậy. Rõ ràng ngay liền sau lời trích dẫn này, thánh ký tường thuật gia phả Đức Giê-su Ki-tô, ở đó thánh ký chủ ý lên cho đến A-đam, “con Thiên Chúa” (Lc 4: 38). Đức Giê-su là A-đam mới, được sinh ra từ Thiên Chúa, Ngài là thủ lãnh của một nhân loại mới. Phép rửa của Ngài là một sự khẳng định về một thực tại thần linh thường hằng ở nơi Ngài rồi. Qua phép rửa của chúng ta, nhờ kết hiệp với Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, nghĩa tử của Chúa Cha: “ngày hôm nay, chúng ta được sinh ra”. 

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

CHÚA GIÊSU LÃNH NHẬN SỨ MẠNG-  Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

I*. Dẫn vào Thánh lễ

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa giai đoạn Chúa Giêsu sống ẩn dật với giai đoạn Ngài rao giảng công khai: sau thời gian sống với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Việc đầu tiên Ngài làm là lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan. Như thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là gạch nối giữa mùa Giáng sinh với mùa Thường niên: Chúng ta đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố giáng sinh và hiển linh. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ cùng sống với Ngài qua các biến cố của đời rao giảng.

Trong dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận kitô hữu của mỗi người chúng ta: chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu mà cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.

II*. Gợi ý sám hối

  • Do bí tích Rửa tội, chúng ta đã được nhận là con của Chúa. Nhưng chúng ta chưa sống xứng đáng với danh nghĩa ấy.
  • Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã sống như một Người Tôi Tớ hạ mình phục vụ mọi người. Còn chúng ta, chúng ta không thích hạ mình, không ưa phục vụ.
  • Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngược lại chúng ta hay sống theo ý riêng.

III*. Lời Chúa

1/. Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7):

Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I:

  • Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
  • Người đó rất hiền lành và dịu dàng: “không lớn tiếng, không nở bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
  • Sứ mạng của Người Tôi Tớ là: a/ Tái lập công bình; b/ nên ánh sáng cho muôn dân; c/ giải thoát những người khốn khổ.

2/. Đáp ca (Tv 28):

Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên: Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.

Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.

3/. Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22):

Bài Tin Mừng này cho ta biết về người làm phép rửa và người được làm phép rửa:

-Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả: lời giảng và hoạt động của ông đã khiến ông nổi tiếng, đến nỗi dân chúng nghĩ rằng ông chính là Đấng Messia. Gioan đã khiêm tốn thanh minh ông không phải là thế, và còn giới thiệu cho họ biết Đấng Messia thực sắp đến sau ông và cao trọng hơn ông nhiều.

-Người lãnh nhận phép rửa là Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa (chim câu, tiếng từ trời) giới thiệu Ngài:

  • Ngài là Con của Thiên Chúa (“Con là con của Cha”)
  • Là Đấng Messia mà Tv 2 và ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Kiểu nói “Con là con của Cha” là tước hiệu Isaia dùng để nói về Đấng Messia; kiểu nói “Hôm nay Ta sinh ra con” là của Tv 2 cũng nói về Đấng Messia).

4/. Bài đọc II (Cv 10,34-38):

Dân Do Thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người Do Thái đã thắc mắc.

Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu:

  • Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia: “Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài”.
  • Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người”. Phêrô còn nói: “Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận”.

IV*. Gợi ý giảng

Mỗi người đều có sứ mạng

Hai tiếng “sứ mạng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo – nói chung là mọi “hữu thể” – đều có sứ mạng:

  • Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
  • Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người
  • Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.

Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.

Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng?”

Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói “Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.

“Con yêu dấu”

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là “Con yêu dấu của Cha”.

Thế nào là một người “con yêu dấu”?

  • là biết ý của cha mình: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
  • và luôn làm theo ý cha mình: Chúa Giêsu nói “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”. Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay “Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha”.

Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu: luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.

“Nếu…”

Nếu tôi là dân Do Thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Chúa Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.

Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy: “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.

Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to: Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế: dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.

Còn Chúa Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan: “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.

Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời. (Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, “Xây nhà trên đá” Năm A)

Tình yêu cứu thế

Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.

Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.

*

Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.

Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.

Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.

Đấng xoá tội trần gian, lại hoà mình trong đoàn người tội lỗi.

Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông “sám hối”.

Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.

Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.

Chính thái độ tự huỷ tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.

Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân:

  • Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
  • Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
  • Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.

Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,

Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha: “Mọi sự của Cha là của Con”.

Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa: “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta” (Dt 2,14).

Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”(Dt 2,18).

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là Tình Yêu: Một Tình Yêu vui lòng tự huỷ để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một Tình Yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một Tình Yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em chỗi dậy cùng bước về nhà Cha.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giođan, chúng ta hiểu được thế nào là Hiệp Thông: Chính trong giây phút Hiệp Thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).

Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi Hiệp Thông thân mật với Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một Tình Yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn: Tình Yêu Cứu Thế!

Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. (TP)

Chuyện minh họa

Ở một nước kia có luật cấm đạo. Hai vợ chồng kia bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Người chồng tên là Moran.

Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn đọc bài biện hộ mà đại ý như sau:

  • Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế.
  • Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm… Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái.
  • Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ, ở nhà họ có bàn thờ và thường đọc kinh trước bàn thờ, họ đeo ảnh Thánh giá… Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là kitô hữu.
  • Chính Thánh Kinh của Kitô giáo đưa tiêu chuẩn để xác định ai là kitô hữu thật: “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,15); Mà hoa quả chứng minh ai là kitô hữu là những việc bác ái yêu thương, như một câu Thánh Kinh khác: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là kitô hữu: mọi người đều không thấy họ có chút quan tâm nào đến những người nghèo, những người khổ sở, những người già yếu…; mỗi khi có cuộc lạc quyên để giúp thiên tai, hoạn nạn, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác chứ thực sự ít hơn mọi người khác.
  • Vì những bằng chứng trên, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi.

Toà tạm ngừng để nghị án. Sau đó Tòa kết luận: Tội danh Kitô hữu không được thành lập. Hai vợ chồng Moran được tự do! (FM)

Bài giảng được gán cho Thánh Hippolite (+ 236)

Nếu Chúa chìu theo lời ngăn cản của Gioan mà không chịu phép rửa thì chúng ta đã bị mất mát biết bao điều quan trọng.

Trước đó các tầng trời bị đóng chặt, chúng ta không ai có thể đến được quê hương trên trời. Sau khi xuống thấp tận đáy, chúng ta không còn có thể trở về trên cao. Nhưng Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Không phải một mình Ngài chịu phép rửa, mà Ngài còn canh tân con người cũ và ban lại cho nó thân phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi thế lúc đó “trời mở ra”. Các thực tại hữu hình được giao hòa với những thực tại vô hình; các phẩm trật trên trời hớn hở vui mừng, dưới đất thì bệnh tật được chữa lành…

Suy nghĩ về phép rửa

Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.

Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời:

  • Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn: đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
  • Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu: đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
  • Chúng ta được rửa bởi niềm vui: đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
  • Chúng ta được rửa bởi tình yêu: đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.

Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.

V*. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy chúng ta cùng nguyện xin Người:

  1. Chúa Giêsu đã tự hạ / đến xin ông Gioan làm phép rửa / hấu chỉ lối khiêm nhường cho người Kitô hữu học đòi bắt chước / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết noi gương Chúa Giêsu mà phục vụ tha nhân trong yêu thương và khiêm nhường.
  2. Chúa Giêsu đã dùng phép rửa mà thánh hóa nhân loại / và mở cửa cho những người thống hối trở về / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho kẻ có tội biết từ bỏ đời sống tội lỗi / mà quay trở về nẻo chính đường ngay.
  3. Đức Kitô là ánh sáng muôn dân / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ánh sáng đức tin cho hết thảy mọi người đang đi tìm Chúa.

4 Đức Kitô là nguồn hy vọng của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tìm đến Chúa khi gặp gian nan thử thách / để được Người nâng đỡ ủi an.

Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã được Chúa Trời tuyển chọn, Chúa không nỡ nghiền nát cây lau đã gãy, cũng chẳng nỡ dập tắt tim đèn còn cháy. Xin cho tất cả chúng con cũng biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI*. Trong Thánh Lễ

– Trước Kinh Lạy Cha: Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.

VII*. Giải tán

Thánh lễ đã hết, anh chị em lại trở về cuộc sống bình thường. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.

home Mục lục Lưu trữ