Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 53

Tổng truy cập: 1378471

TÔI VÀ CHÚA CHA LÀ MỘT

TÔI VÀ CHÚA CHA LÀ MỘT (*) Chú giải của Noel Quession

Tôi là…

Cần phải đặc biệt chú ý tới hai từ trên mà Đức Giêsu đã không ngần ngại sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 4,26; 7,29; 8,58; 13,19; 14,20; 17,24; 18,5) Ta cũng biết rằng, hai từ đó gợi lên kiểu viết “bốn chữ cái không phát âm được là “Tên mầu nhiệm” mà chính Thiên Chúa đã tự mạc khải cho Môsê trong sa mạc Sinai.

YHVH được chuyển dịch thành YaHVeH và đọc là “Adonai”, “Đức Chúa”.

Hơn nữa, qua nhiều câu trích dẫn như dưới đây, Tin Mừng theo thánh Gioan đã sử dụng tới ba mươi lần hai từ trên “Tôi là…”, kèm theo một phẩm tính:

– “Tôi là Bánh hằng sống” (Ga 6,35-42,48-51).

– “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8.12-9,5).

– “Tôi là Sự sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25).

-“Tôi là Cây nho thật” (Ga 15,l-5).

-“Tôi là Cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7-9).

-“Tôi là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11-14).

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh đúng đắn, những kiểu nói trên muốn diễn tả hữu thể thần linh của Đức Giêsu. Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga l,14).

Tôi là Mục tử nhân lành (người chăn chiên đích thực).

Ở đây, Đức Giêsu không chỉ sử dụng một hình ảnh đẹp dân gian và đồng quê, nhưng trước hết đó là một kiểu nói Kinh Thánh vô cùng phong phú. Trong khắp vùng Đông Phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai Cập: “Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78,52). Đavit, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Bêlem (1 S 17,34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Mêxia, Đavit mới, cũng được loan báo như một “Mục tử”: “Ta sẽ chỗi dậy một mục tử duy nhất, Ngài sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavit, tôi tớ của Ta” (Ed 34,23).

Mọi thính giả của Đức Giêsu, cũng như chính Người, đều hiểu rõ những trích dẫn Kinh Thánh trên, đặc biệt là chương 34 nổi tiếng của ngôn sứ Êdêkien, diễn tả khá dài những mục tử xấu ác (các vua thời đó) không quan tâm chăm sóc đoàn chiên của họ trước khi quả quyết rằng, Thiên Chúa Giavê phán thế này: Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom chúng. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng tán loạn. Ta sẽ chăn nuôi chúng nơi bãi cỏ tốt. Chính Ta sẽ chăn nuôi chiên của Ta, sấm của Đức Chúa Giavê. Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm” (Ed 34,1-31).

Như thế, rõ ràng của Đức Giêsu cũng không thể lầm về địa vị đó. Họ rất hiểu ý định của Chúa: “Nhiều người trong nhóm họ nói: ông ấy điên khùng rồi? ‘Kẻ khác bảo: ông nói phạm thượng, ông là người phàm mà lại tự cho mình, là Thiên Chúa” (Ga 10,20-33). Chính vì thế, họ lấy đá để ném Đức Giêsu.

Có lẽ chúng ta nên cầu nguyện lâu hơn dựa vào hình ảnh “Mục tử” biểu trưng này, chẳng hạn dùng Thánh Vịnh 22: “Chúa là Mục tử chắn dắt tôi, Tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tưới, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi đến dòng nước trong lành, và bổ sức cho tôi”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang dẫn con đi. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang chăm sóc. Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu mến con. Và cầu nguyện như thế, không phải là một kiểu cầu nguyện chủ quan, nặng tình cảm và trống rỗng: Chúng ta sẽ nhận ra, Đức Giêsu còn tiếp tục gọi lên cho ta nội dung cầu nguyện phong phú hơn.

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo tôi.

Ngày nay, hình ảnh con cừu, hình ảnh đoàn vật dễ mang một nghĩa xấu: Đừng có u lì như lũ cừu? Đừng có tinh thần. đoàn vật? Thực sự, hình ảnh của Kinh Thánh mang ý nghĩa ngược lại. Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết, theo.

“Nghe”: đó là một trong những thái độ cốt yếu, trong tương quan giữa hai người. Biết lắng nghe, là dấu chỉ của tình yêu đích thực. Biết bao lần, ngay trong một nhóm người, ngay lúc tụ họp chung quanh một bàn tròn, ngay trong một cuộc trao đổi mệnh danh là đối thoại, thế mà thực sự ta, chưa biết lắng nghe. Trong Kinh Thánh, các ngôn sứ không ngừng mời gọi Israel biết lắng nghe. “Hỡi Israel, hãy nghe đây?” (Đnl 6,4; Am 3,1; Tv 29,3-9). Lắng nghe, đó là khởi sự của lòng tin. Thánh Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu như Ngôi Lời, Lời Thiên Chúa mà Chúa Cha muốn ngỏ cùng thế gian. “Đây là Con yêu dấu của Ta. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).

“Theo”: đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do: dính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với… Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo tôi” (Ga l,42).

“Biết”: trong Kinh Thánh, từ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự tin tưởng, hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thân xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4,l).

Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

Đây đúng là một cộng đồng sinh mệnh giữa Mục tử và đoàn chiên, giữa Đức Giêsu và “những kẻ nghe tiếng Người và theo Người”. Đúng là một sự liên kết vĩnh viễn.

Lạy Chúa, khi cầu nguyện, con cố tưởng tượng ra, thực sự con đang ở trong “bàn tay Chúa”. Bàn tay mà Chúa đã giơ ra cho người bệnh để cứu chữa họ. Bàn tay Chúa đã chìa ra cho Phêrô lúc ông chìm sâu dưới lòng biển. Bàn tay đã cầm Bánh hằng sống, vào chiều Thứ Năm Thánh. Bàn tay mà Chúa đã dang rộng trên thập giá tại đồi Gôngôtha. Bàn tay bị thương tích do đinh đâm thấu qua, mà Chúa đã minh chứng với Tôma. Trong bàn tay đó, Chúa đã nắm chặt lấy con và không ai có thể cướp được con! Lạy Chúa Giêsu xin tạ ơn Chúa.

Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.

Như thế, chúng ta được cả “hai bàn tay” giữ gìn.

Như một bé thơ được cả cha mẹ giữ gìn, và hướng dẫn trong an toàn tuyệt đối, hình ảnh đó đẹp biết bao!

Lạy Chúa, con muốn dùng hình ảnh trên để cầu nguyện cùng Chúa. ‘Lạy Chúa Giêsu và Chúa Cha, xin giữ gìn những người con thương mến trong bàn tay của Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra rằng, đó không phải là cảnh sắc màu mè diễn tả những “mục tử hiền lành” và các chú cừu con lông xoăn”. Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gườm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đoàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1 S 17,34-35).

Đức Giêsu, khi Người nói những lời đó, đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người sẽ phải đường đầu trong cuộc Thụ khổ để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói dữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mạng sống mình vì chiên của Người (Ga 10,12-15).

Cùng với Đức Giêsu, tôi có khả năng, chiến đấu để cứu sống anh em tôi không?

Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.

Thế nhưng, lạy Chúa, làm sao giải thích được những hiện tượng bỏ hàng ngũ, bất trung thường thấy chung quanh chúng con, hay ngay trong đời sống chúng con?

Đó là mầu nhiệm của tự do! Nhưng một điều chúng ta cần biết, đó là không khi nào Chúa buông bỏ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chúa. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại. “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15,4-7). Vậy chúng ta đã tự tạo hình ảnh sai lầm nào về Thiên Chúa, để nghĩ rằng Người có thể kết án những tội nhân? Chớ gì chúng ta cần cố gắng ít phạm tội đối với Thiên Chúa yêu thương!

Tôi và Chúa Cha là một.

Các chiên của Đức Giêsu, Người nói chúng đã được Chúa Cha, Thiên Chúa trao phó cho Người. Nhưng chúng vẫn luôn ở trong bàn tay của Thiên Chúa.

Những kiểu nói như trên đã dẫn chúng ta bước vào một vực thẳm choáng váng, khi đứng trước con người Giêsu Nadarét: trong con người thực sự đã được sinh ra từ một phụ nữ, đã lớn lên, sắp phải đổ máu và bị giết đi, lại chính là Thiên Chúa đã hiện diện, nói năng và hành động. Đức Giêsu, chính là Thiên Chúa tự mạc khải trong tình thân hữu với con người. “Tôi và Chúa Cha là một”. Các Công đồng sẽ phải nỗ lực xác định và đưa ra những quan niệm, nhưng sẽ không khi nào có được một kiểu nói giúp ta hiểu được mầu nhiệm của con người Giêsu. Tất cả những gì đã nói, trong công thức trên, chỉ có thể phải “lắng nghe” trong đức tin: “Chúa Cha và tôi, chúng tôi là một… Thiên Chúa và tôi, Giêsu, chúng tôi là một”

Đó là lý do Đức Giêsu dám quả quyết, Người “ban sự sống đời đời”.

Đó là lý do, như chính Thiên Chúa, Người có thể tuyên bố: “Tôi là…”.

Đó là lý do Người đã bị buộc tội là một kẻ phạm thượng, bị người đời đóng đinh, nhưng được Thiên Chúa “minh chính hóa”, bằng cách cho Người từ cõi chết sống lại.

(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt

 

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM C

TA LÀ ĐẤNG CHĂN CHIÊN LÀNH- Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

*1. Đức Giêsu, Đấng chăn chiên lành.

Bản văn Chúa nhật này quá ngắn, cần đưa trở lại văn mạch tổng thể một chút. Vào dịp lễ Lều, sau khi chữa một người mù bẩm sinh và anh ta bị trục xuất khỏi hội đường, Đức Giêsu tỏ ra là một “Đấng chăn chiên, hiến tặng đời mình cho đàn chiên” (Ga 10,11)

Giờ đây, chúng ta trở lại lễ Cung Hiến, lễ kỷ niệm hằng năm ngày cung hiến đền thờ và bàn thờ thời Giuđa Macabê. Đức Giêsu đi đi lại lại nơi hành lang Salômôn (nơi mà sau khi Chúa về trời, các môn đệ thường tụ họp, Cv 5, 12). Những người Do Thái – từ ngữ chỉ chung các thù địch của Đức Giêsu, trong Tin Mừng Gioan – tụ tập quanh Đức Giêsu (đúng ra là “quanh Người”: 10,22). Tin Mừng ghi: “Lúc đó là mùa đông” (Ga 10,22); nói thế, để từ thời tiết, chúng ta dễ nghĩ tới “sự băng giá” của lòng người theo thánh Augustinô sẽ viết sau này. “Nếu ông là Đấng cứu thế, hãy nói huỵch toẹt cho chúng tôi biết đi”.

Những người vây quanh không nắm rõ nội dung từ Cứu thế, nên Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi, Người kêu gọi thính giả suy nghĩ về những công việc của một vị Cứu thế, nhất là việc chữa người mù bấm sinh mới đậy. A. Marchadour giải thích: “Các phép lạ được coi như nhũng dấu chỉ, nhờ đó mà nhận ra Đấng Cứu thế. Rồi, Người tiếp tục đề tài người chăn chiên, hình ảnh truyền thống của Đấng cứu thế dòng dõi Đavít; ở đây, Người nhấn mạnh đến những con chiên mà Chúa Cha trao phó cho Người.

*2. Làm một với Chúa Cha.

Và bây giờ, một đề tài mới, cho tới lúc này, chưa đề cập tới lần nào: sự thân mật với Chúa Cha: “Cha tôi và tôi, chúng tôi là một”. Một khẳng định xác lập cội nguồn sứ mệnh của Đức Giêsu. Tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu toàn bích bao bọc các con chiên đến nỗi không ai có thể cướp được một con nào. “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”

Đối với người Do Thái, nói thế là quá quắt rồi. Phạm thượng? Ai lại dám xưng mình là Cứu thế và lại còn thân mật quá thế với Thiên Chúa. Họ lượm đá để ném Người. Họ nói: “Ông chỉ là phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Tác giả Tin Mừng kết thúc: “Nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”. Tác giả như muốn mời chúng ta đọc đoạn này dưới ánh sáng của cuộc tử nạn trên thập giá và sự Phục sinh từ cõi chết. Với ánh sáng ấy, chúng ta sẽ khám phá ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã hoàn tất tới cùng sứ mệnh của mình bởi tình yêu đối với các con chiên thế nào; trên con đường sự sống nào, Người muốn dẫn đưa những ai nghe tiếng Người và đi theo người; Mối tình hiệp thông yêu thương nào với Chúa Cha mà Người muốn dẫn đưa chúng ta tham dự vào?

BÀI ĐỌC THÊM

*1. Theo Đức Giêsu (G. Boucher, trong “Thiên đường tại thế”).

Lạy Chúa, chúng con không muốn mình bị đồng hóa với đàn súc vật. Con không thích là một chú chiên chỉ biết đi theo người chăn chiên..Con cũng không muốn kêu be be như con chiên. Con nói điều con nghĩ, đi nơi con thích. Con không muốn bị dắt đi.

Ngày nay, chúng con nhấn mạnh đến sự thức tỉnh của lương tâm: mỗi người sẽ chọn lấy hướng đì mà mình muốn. Mong sao có trong tay phương tiện thực hiện sự lựa chọn của mình. Ngày nay, chúng con thích chịu trách nhiệm về số phận mình. Chúng con không muốn trao tấm bảng trắng đời mình cho các nhà lãnh đạo hoặc những người chúng con bầu ra để họ muốn làm gì thì làm. Ngược lại, họ phải trả lời cho chúng con về những việc họ đã làm.

Nhưng, Chúa lại nói với con rằng: giữa con và Chúa là sự hiệp thông. Mong sao Chúa nói lời soi sáng và hướng dẫn đời con. Chúa thuộc một bình diện hoàn toàn khác.

Nghe Chúa và đi theo con đường Chúa đã vạch ra, con sẽ sống cuộc sống tốt đẹp và trọn vẹn, cho tới nỗi cuộc sống ấy sẽ không ngừng lại khi sự hiện hữu trần thế chấm dứt. Cuộc mạo hiểm mà Chúa dắt con đi sẽ dìm con vào sự sống vĩnh hằng.

Với Chúa, mọi sự sẽ đổi khác. Chúng con không còn nguy cơ sẽ bị huỷ diệt nữa. Không ai tiêu diệt được chúng con. Không gì có thể xâm phạm đến chúng con.

Nghe lời Chúa và đi theo con đường Chúa thiết lập là chúng con lên đường với Chúa. Con muốn nói: với Thiên Chúa. Với Thiên Chúa của sự sống và của sự vĩnh cửu. Với Thiên Chúa mà Chúa đã gọi là Cha.

*2. Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi (Sứ điệp của Đức Gioan-Phaolô II).

Ngày nay, vẫn còn nhiều nguyên do cản ngăn thanh thiếu niên và các bạn trẻ sống sự thực của tuổi đời mình trong sự gắn bó quảng đại với Đức Kitô. Biết bao bạn trẻ đang đánh mất năng lực phát triển đích thực.

Vậy nên mong đợi gì? Trong thâm tâm mỗi thế hệ luôn ẩn tàng một ước muốn tạo lập một ý nghĩa cho đời mình. Trên hành trình cuộc sống, các bạn trẻ luôn tìm một người biết thảo luận với họ, những vấn đề làm họ bức xúc và đồng thời đề ra được những giải pháp, những giá trị, những viễn cảnh đầu tư được sự dũng cảm đương đầu với tương lai.

Điều người ta đòi hỏi hôm nay là: một Giáo Hội biết trả lời cho sự kỳ vọng của tuổi trẻ. Đức Giêsu mong muốn thảo luận với họ qua thân thể người là Giáo Hội. Người muốn đề nghị với họ viễn cảnh của một chọn lựa có tính quyết định cuộc đời Như Người đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, Giáo Hội ngày nay cũng phải lên đường đồng hành với các bạn trẻ đầy ưu tư, bất mãn và mâu thuẫn, để loan báo cho họ Tin Mừng kỳ diệu của Đức Kitô phục sinh.

Điều người ta đang cần là một Giáo Hội cho các bạn trẻ, một Giáo Hội nói chuyện được với lâm hồn họ, hâm nóng con tim họ bằng niềm vui của Tin Mừng, bằng sức mạnh của

Thánh Thể, một Giáo Hội biết đón tiếp và mời gọi những ai đang đi tìm mục đích cuốn hút toàn bộ cuộc sống của họ; một Giáo Hội không sợ đòi hỏi nhiều sau khi đã cho đi không ít; một Giáo Hội không sợ đòi hỏi nơi bạn trẻ sự nhọc mệt của một cuộc mạo hiểm cao thượng và chân chính, cuộc mạo hiểm bước “theo” Tin Mừng.

home Mục lục Lưu trữ