Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 42
Tổng truy cập: 1379571
TÔN TRỌNG CHÂN LÝ
TÔN TRỌNG CHÂN LÝ – LƯƠNG TRI SẼ DẪN TA GẶP ĐẤNG CỨU THẾ
Hiển linh là màu nhiệm Thiên Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm tục của loài người được thấy. Từ rất xa xưa (khoảng 525- 520 TCN), ngôn sứ Isaia đã tiên báo (bài đọc 1); Thánh Mátthêu qua bài Tin Mừng đã đề cao dân ngoại nhờ lý trí tự nhiên đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Thánh Phaolo tóm tắt: màu nhiệm chưa hề được tỏ lộ, thì nay được mạc khải cho Lương dân cũng là người cùng được thừa tự, đồng thừa hưởng Lời Hứa trong Đức Kitô nhờ Tin Mừng (bài đọc 2) [1]
Đấng Cứu thế đã Giáng sinh. Ánh sáng Cứu độ của Thiên Chúa đã chiếu tỏa trên trần gian. Đây là Tin vui chung cho cả loài người. Sau khi báo tin Chúa Giêsu Giáng cho các mục đồng, đại diện cho dân Do Thái, Thiên Chúa liền tỏ mình cho muôn dân qua ngôi sao lạ.
Thánh sử Mátthêu cho biết có ba nhà Đạo sĩ từ phương đông, nhờ dấu chỉ sao lạ trên bầu trời họ nhận ra Đấng Kitô, vua các vua mới chào đời. Họ đã tức tốc mang các tặng phẩm qúy giá đến tận nơi để bái thờ vua Hài nhi Giêsu.
Vâng, chỉ qua dấu hiệu sao lạ các nhà Đạo sĩ nhận ra Đấng cứu thế mới giáng trần và nhìn lễ vật tiến dâng Vương Nhi Giêsu (vàng, mộc dược, nhũ hương) cũng đủ cho thấy các vị đạo sĩ này là những người học cao, hiểu rộng, đặc biệt giỏi về khoa chiêm tinh (nay gọi khoa thiên văn học), có địa vị uy tín, thuộc hàng giầu sang trong xã hội.
Có tiền, có quyền, có trình độ hơn người nhưng các nhà đạo sĩ không hống hách, kiêu căng trái lại họ sống đạo đức, biết dùng tài trí của Chúa ban ấy để tìm sống điều thiện, có lòng khao khát đi tìm Đấng Chí Tôn để tôn thờ. Khoa học chân chính, không mâu thuẫn với tôn giáo. Nhà khoa học thành tâm, khiêm tốn sẽ dẫn đến Đấng Tạo Hóa. Quả thật, phần lớn những nhà khoa học làm nên nền văn minh nhân loại trong quá khứ và hiện đang đều có niềm tin tôn giáo.
Ba nhà Đạo sĩ đại diện cho Lương dân, những người thành tâm thiện chí nhưng chưa biết Đấng cứu thế.
Lương dân chưa có mạc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh như Dân Chúa thời cũ (Do Thái), Dân Chúa mới (Kitô giáo), song với lý trí tự nhiên lòng thiện tâm (lương tri), kiên trì theo lẽ phải, tức biết tôn trọng chân lý khách quan trong thiên nhiên cũng như trong đời sống xã hội vẫn có thể nhận biết được Thiên Chúa, dẫu còn hạn chế. (x. Rm 1,19-20)[2].
Một Ngôi sao lạ xuất hiện, ai cũng nhìn thấy song không phải ai cũng nhận ra ‘dấu chỉ’ Đấng Cứu Thế Giáng sinh. Ba nhà đạo sĩ nhận ra ngoài kiến thức sâu rộng, họ có một Trái tim, khao khát truy tìm Chân – Thiện – Mỹ, biết tôn trọng và theo chân lý khách quan.
Nói về tôn trọng Sự thật, nhất là Chân lý tôn giáo do Thiên Chúa mạc khải mà chính Chúa Giêsu hiện thân, liên hệ với thực tại thật đáng báo động.
Ở thời hậu hiện đại mà chúng ta đang sống, một trong những căn bệnh nguy hiểm hay vấn nạn chết người, có thể làm băng hoại xã hội đó là lối sống vô cảm, thờ ơ, xem thường chân lý khách quan, phổ quát, nhất là chân lý siêu vượt trên cái tầm thường vật chất, trần thế.
Đấy là lối sống hời hợt, cảm tính, coi mình là vũ trụ là thước đo các giá trị. Cái đúng cái sai, tiêu chuẩn Chân- Thiện- Mỹ không còn theo giá trị khách quan mà hoàn toàn lệ thuộc vào cảm tính tương đối của cá nhân. Cái tôi thích, tôi yêu, cái tôi quan tâm thì là cái đúng- cái tốt- cái đẹp; ngay cả Chân lý tuyệt đối mà Thiên Chúa mạc khải cũng thế.
Chúa Giêsu là Đường- Sự thật- Sự sống, là tiêu chuẩn- thước đo; đồng thời là nền tảng xây dựng nên Hòa bình- Hạnh phúc đích thực đời này và đời sau. Trong lối sống vô cảm, theo cảm tính thì …quên đi nhé (!) Một bộ phim Hàn mình thích, dễ dàng bỏ cả Thánh lễ Chúa Nhật (bổn phận tối thiểu của Kitô hữu đạo đức); bê bối trong bổn phận gia đình…
Đứng trước vấn đề có lập trường rõ ràng, yêu ghét phân minh dù sao vẫn còn hy vọng. Ghét là mặt trái của yêu; Phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa- đời sau thực chất còn quan tâm đến Thiên Chúa, đời sau dù đứng ở mặt tương phản dưới góc độ nào đó vẫn còn hy vọng hơn thái độ không yêu không ghét; dửng dưng, vô cảm theo kiểu ““Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc” (ca từ bài hát một thời top ten).
Lùi lại lịch sử một chút…
Trong thế kỷ 19- 20, nhân loại chứng kiến tri thức con người phát triển như rầm rộ, đặt con người lag trung tâm vũ trụ, đề cao lý trí, đến độ duy trí, coi khoa học có thể giải quyết tất cả, cả vấn đề Thiên Chúa… Dẫu vậy con người vẫn còn tôn trọng quy luật khách quan trong tự nhiên với khả trí mình; tôn trọng quyền làm người, đề cao dân quyền, tự do. Về tư tưởng, dẫu có ‘triết gia’ tuyên bố ‘Thiên Chúa chết rồi!’, được nhiều người ủng hộ… dù sao vấn đề Thiên Chúa vẫn còn sự quan tâm.
Sang thế kỷ 20, các xu hướng thái quá trên có lẽ đưa đến hệ quả: xuất hiện chủ thuyết biện chứng Duy vật- Vô thần (loại bỏ tôn giáo, coi tôn giáo như thuốc phiệt làm người u mê) kết hợp với đấu tranh bạo lực đã lộng hành, đã lôi kéo rộng khắp trái đất, đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền làm người, nếu không muốn nói gây ra nhiều tội ác, bất công… đến độ Nghị Viện Châu âu xếp vào tội ác chống nhân loại.
(Nói thêm: Mặc dù Duy vật- vô thần biện chứng, có người coi là Triết học, song tôi coi đây là một học thuyết lệch lạc, chứ không phải Triết học, bởi Triết học truy tìm sự khôn ngoan, suy tư về sự hiện hữu của thể nhân linh, hướng dẫn con người yêu quý hơn chân- thiện- mỹ, ít là trên bình diện nhân bản).
Như thế, đứng trước vấn đề còn lập trường rõ ràng, yêu ghét phân minh dù sao vẫn còn hy vọng. Ghét là mặt trái của yêu; Phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa- đời sau thực chất còn quan tâm đến Thiên Chúa, đời sau dù đứng ở mặt tương phản. Phủ nhận cũng là mặt trái của sự quan tâm.
Và như thế vẫn còn hy vọng về với chính lộ- chân lý dễ hơn loại vô cảm, dửng dưng, yêu ghét theo cảm tính cá nhân mau qua và hay thay đổi.
Vô thần lý thuyết không đáng ngại bằng vô thần thực tiễn. Không ít Kitô hữu, sống như không có Thiên Chúa.
Vì sống vô cảm, theo cảm tính cá nhân, nhất là thờ ơ với Tin Mừng, về đời sau, về đời sống tinh thần… nên xu hướng chọn lựa cho cuộc sống hiện tại xem ra cũng tầm thường, xoàng xoàng, thiếu lý tưởng cao quý, thiếu bên vững.
Thật đáng buồn, mới rồi Google, trang tìm kiếm nổi tiếng- phổ thông nhất hiện nay, thống kê 10 từ tìm kiếm nhất Việt Nam trong năm 2015 toàn liên quan đến giải trí, như bài hát gì, phim gì (đơn cử bài ‘đâu phải chuyện vừa’; phim ‘cô dấu 8 tuổi’…) trong khi các nước khác trên thế giới, nhất là các nước văn minh người ta chú ý tìm kiếm các đề tài thiết thực với nhân sinh, quyền lợi chính đáng: kinh tế, chính trị- tự do- nhân quyền- dân chủ…
(Nói thêm: cũng trang mạng này thống kê, năm 2009 VN đạt quán quân thế giới về tìm kiếm từ ‘sex’).
Cũng liên quan đến xu hướng sống xem ra ‘chưa chuẩn’ trong xã hội ta, gần ta hơn. Mùa Seagame vừa qua, đội tuyển VN thua trong trận bán kết, bị loại khỏi vòng chung kết. Thắng thua trong thể thao là chuyện bình thường, hết sức bình thường. Ta thấy gì nơi các fan hâm mộ: khóc lóc thảm thiết, nước mắt và nước mắt…
Khóc đội nhà thua cũng chuyện bình thường, chẳng có gì đáng trách nếu không cùng dịp này ngư trường ta bị ‘tàu lạ’ xâm chiếm, Ngư Dân ta bị chúng cướp, đánh đập dã man, thậm chí có cả án mạng (chuyện đã- đang và sẽ còn thường xuyên xảy ra). Đây là những vấn đề lớn đến chủ quyền dân tộc, đến quyền sống con người song lại ít thấy nước mắt quan tâm. Đến độ, một tờ báo chính thống phải thốt: ‘Nước mắt cho bóng đá, nước mắt nào cho ngư dân?”
Thống kê trên, hiện trạng trên cho thấy điều gì mà người VN, phần lớn là giới trẻ quan tâm, phản ánh rõ lối sống, lối suy nghĩ nào đang phổ biến phổ biến tại quê hương đất nước ta?
Phải chăng đó là hệ quá đáng báo động cho xu thế vô cảm, sống hời hợt dửng dưng, cảm tính, thiếu lý tưởng, thiếu chiều sâu, trong đo có cả con em chúng ta?
Xu thế sống thờ ơ, vô cảm, theo chủ nghĩa ‘makeno’ xem ra ngày càng thịnh phát, nhất là trong giới trẻ. Sống hời hợt, cảm tính, thiếu lý tưởng, thiếu chiều sâu, nhất là những vấn đề thiết yếu đời sống con người, trong đó đặc biệt những vấn đề liên quan đến phần Linh hồn… hệ quả tất yếu thế nào, câu trả xin nhường cho mỗi chúng ta, nhất là Bạn trẻ.
Đức Thánh Cha Phanxico trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới- 2016, có chủ đề trực diện vấn nạn thời đại: “Vượt Qua Vô Cảm Và Dành Hòa Bình”, nhất là trong Năm Thánh Lòng Chúa thương xót. Ngài nói “Vô cảm với Thiên Chúa dẫn đến vô cảm với Tha nhân, sau đó đến Môi trường”. Ngài nhấn mạnh: “Thương xót là tâm điểm nơi Thiên Chúa và do đó cũng là tâm điểm của tất cả con cái Ngài nhắm đến”; Ngài kêu gọi việc xây dựng – đóng góp cho Hòa bình thế giới khởi đi từ Gia đình.
Chúa Giêsu Hiển linh, lương dân nhận biết Chúa khởi đi từ Ánh sao lạ. Trong cuộc sống, trong môi trường làm việc, xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta, cách riêng các Bạn trẻ là Ánh Sao của Chúa để người khác nhận ra Tin Mừng cứu độ là chính Chúa Giêsu.
Ngôi sao tỏa sáng được là nhờ đón nhận ánh mặt trời, Trong Giáo hội Hiệp thông và Sứ vụ, xin cho chúng con luôn biết nối nguồn Ánh sáng Chân – Thiện – Mỹ là chính.
Muốn được như thế, xin Chúa tiêu diệt nơi chúng con lối sống thờ ơ, vô cảm, ích kỷ nhất là đối với Tin Mừng Cứu độ. Amen.
‘Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm’.
——————
1) Lm. Phaolo Nguyễn Văn Đông, Tin Mừng Chúa Nhật Năm C, tr.54-55
2) x. Những con đường giúp Con người nhận biết Thiên Chúa, Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (số 31-35)
102. Muốn gặp Chúa.
Hôm nay Giáo hội mừng kính việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại (Mt 2, 1-12). Ngay từ giây phút đầu tiên hạ sinh tin vui Thiên Chúa hạ sinh đã được loan báo cho các mục đồng và họ đã đến chiêm bái Người. Hôm nay thì đến lượt ba nhà đạo sĩ từ phương đông xa xôi đến kính thờ. Dấu chỉ ánh sao mà ba nhà đạo sĩ dõi theo để tìm ra Ấu Chúa có khó tìm lắm không? Nếu không thì tại sao lại chỉ có ba đạo sĩ nơi xa xôi này?
Tin Mừng theo Thánh Mathêu ghi lại việc ba đạo sĩ nhìn thấy ánh sao của vua Do Thái xuất hiện bên phương Đông và các ông đã theo ánh sao đất Do Thái, đến hoàng cung để hỏi về dấu chỉ ánh sao. Nghe tin ấy vua Hêrôđê và dân Giêrusalem đều xôn xao và họ cũng tìm ra được lời giải đáp là ở Bêlem. Nhưng không vì thế mà họ đi tìm Chúa. Chỉ có ba đạo sĩ ra đi và họ đã được toại nguyện là nhận ra Ấu Chúa (x Mt 2, 1-12). Qua đoạn Tin Mừng này cho tôi hai suy nghĩ về việc muốn gặp được Chúa.
Muốn gặp được Chúa phải có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn. Chúa Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa làm người không chọn cho mình nơi hoàng cung, lầu các….mà chọn cho mình một người Mẹ là một thôn nữ bình thường ở làng Nagiareth, chọn cho mình một người cha cũng bình thường, chọn cho mình sống trong một gia đình bình thường…. tới lúc hạ sinh Người không tỏ lộ mình ra cho những bậc vua chúa, quan quyền nhưng Người chọn các mục đồng để tỏ lộ Người đã giáng sinh, và hôm nay là các đạo sĩ. Tại sao Chúa lại chọn thế? Theo tôi vì các mục đồng là những người đơn sơ khi nghe Thiên Thần loan tin thì đã mau mắn đến bái thờ, các đạo sĩ khi thấy ánh sao lạ thì đã dõi theo ánh sao mà đến chiêm bái Hài Nhi. Đời sống người Kitô hữu chúng ta tuy mang danh là Kitô hữu nhưng có nhiều lúc ta lạc mất Chúa do những ham muốn, những tự phụ, những tính toán, những cách đặt vấn đề của chúng ta. Chúa thì luôn hiện diện nhưng những thứ đó đã làm mờ hình ảnh Thiên Chúa khiến ta khó nhận ra. Chúa Giêsu đã từng nói “ai không nên như trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời”. Thế nên muốn được gặp Chúa trước hết phải có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Có thấy mình thiếu thốn, có thấy mình cần Chúa thì Chúa mới có thể lấp đầy.
Muốn gặp Chúa phải kiên nhẫn đi tìm. Các đạo sĩ đã rất gian nan để tìm đến nước Do Thái, có những lúc lạc mất ánh sao nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Họ dùng đủ mọi cách để tìm cho được Hài Nhi. Và Chúa đã không phụ lòng họ. Có lẽ ánh sao không chỉ là dấu chỉ cho ba nhà đạo sĩ mà thôi nhưng chỉ có ba đạo sĩ tìm ra Chúa. Bằng chứng là vua Hêrôđê và cả thành Giêrusalem xôn xao nhưng không ai đi tìm như ba đạo sĩ. Chúa Giêsu nói:”Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. Ơn gọi của chúng ta là ơn gọi nên thánh, nên thánh là được ở bên Chúa, nên giống Chúa. Theo Chúa không phải một ngày một lúc nhưng đòi hỏi ta luôn nép mình luôn trong tình thương Chúa cho dù có lúc ta như lạc lối nhưng với sự kiên trì chắc chắn ta sẽ gặp được Ngài như ba đạo sĩ.
Hôm nay Chúa tỏ mình ra cho ba đạo sĩ phương Đông, cho lương dân cho thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không là độc quyền của dân tộc hay quốc gia nào nhưng là phổ quát cho mọi dân tộc, mọi người. Vì thế, ta có nhiệm vụ là làm sáng lên trong ta ơn cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em chưa nhận biết Chúa (Ba đạo sĩ dù được ánh sao chỉ đường nhưng phải nhờ đến dân Do Thái và Thánh Kinh mới tìm ra được Vì Cứu Tinh). Các đạo sĩ đã dâng vàng, nhũ hương và mộc dược cho Chúa Hài Đồng tượng trưng cho Vương Quyền, Thiên Tính và Khổ Nạn của Chúa Giêsu, nay chúng ta đến với Chúa ta có gì dâng Chúa, Chúa muốn đón nhận tất cả những ai đến với Chúa với tâm lòng thành thật khiêm tốn, cho dù có những vết thâm tím của những lần lưu lạc nhưng tin chắc rằng Chúa sẽ đón nhận, chữa lành và thêm sức cho ta vững bước về cùng Chúa.
103. Tôi đi tìm Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Minh Vận)
Một ngày kia, có một vị Hoàng Đế cùng với đoàn cận vệ vào rừng săn nai. Đang lúc hứng thú rượt theo con mồi, thì bỗng nhiên nghe tiếng hát từ đâu vọng lại, tiếng hát thật véo von thánh thót làm say mê đoàn người săn bắn, đến nỗi khiến họ quên cả con mồi, để rồi cùng nhau đi tìm gặp cho được vị danh ca nào đó đang náu ẩn đâu đây. Sau một hồi lâu kiếm tìm, họ đã gặp, nhưng không phải một danh ca như họ thường lầm tưởng, mà trái lại, một người thanh niên có thân mình tiều tụy xanh xao gầy còm, áo quần rách rưới nghèo nàn đang ngây ngất, sốt sắng như một Thiên Thần, dâng lời ca tiếng hát ngợi khen Thiên Chúa trong một túp lều tranh xiêu vẹo. Một điều làm cho đoàn người săn bắn phải sửng sốt, là thấy người thanh niên có thân xác đau thương đó, lại luôn tỏ ra lòng đầy hoan lạc hạnh phúc. Vì quá bỡ ngỡ, vị Hoàng Đế cất tiếng hỏi: “Ông tới đây làm gì?” Vị Ẩn Sĩ không trực tiếp trả lời, nhưng hỏi lại: “Vậy thưa ngài, ngài tới đây làm gì?” Vị Hoàng Đế đáp lại: “Trẫm tới đây để săn thú vật”. Bấy giờ vị Ẩn Sĩ mới tỏ ra sung sướng đáp lời: “Thưa ngài, còn tôi, tôi đến đây tìm kiếm Thiên Chúa!”
Tại sao con người có thân xác đau thương ấy lại tỏ ra lòng đầy vui sướng, vang lên những lời ca tiếng hát khiến cho người nghe phải say mê khoái thú? Phải chăng vị Ẩn Sĩ đó đã cảm nghiệm được niềm hoan lạc, khi thấy chẳng bao lâu nữa, bức tường thân xác sụp xuống và Thầy sẽ gặp được Chúa, Đấng mà suốt đời Thầy hằng phụng sự và khao khát kiếm tìm, để được thỏa lòng yêu mến Ngài!
- CHÚNG TÔI TÌM ĐẾN TRIỀU BÁI NGÀI
Hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng Lễ Hiển Linh, là lễ Chúa tỏ mình ra cho các dân tộc mà đại diện là ba nhà bác học. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tường thuật lại việc các nhà bác học từ Đông Phương tìm đến Jerusalem thăm dò tin tức: “Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Vì chúng tôi nhận thấy ngôi sao của Người ở Phương Đông, và chúng tôi tìm đến để triều bái Người” (Mt 2:2). Được tin đó, Vua Herođê và dân thành Jerusalem đều xôn xao náo động. Vua tỏ ra rất hoảng hối lo sợ, cấp tốc triệu tập các vị Đại Giáo Trưởng và các Luật Sĩ, những nhà thông Kinh Thánh, để điều tra cho biết nơi Đức Kitô sinh ra. Sau khi được nghe các nhà thông Kinh Thánh cho biết, Đức Kitô sinh hạ tại Belem theo như lời tiên tri đã báo trước. Vua liền ngầm triệu tập các nhà bác học lại, hỏi han cặn kẽ, rồi phái họ đi và căn dặn: “Các khanh hãy đi, điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo lại cho trẫm, để cả trẫm cũng đến triều bái Ngài!” (Mt 2:8).
Nhưng với tấm lòng đơn thành sùng mộ, các nhà bác học đã tìm gặp được Chúa như lòng mong ước, họ tin kính Hài Nhi là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, là Vị Cứu Tinh nhân loại hằng trông đợi, họ phủ phục tôn thờ và dâng lễ vật triều bái Ngài, họ được mãn nguyện vì đã gặp được Đấng là nguồn Ơn Cứu Độ, là sự sống, là an bình và hạnh phúc.
Trái lại, Hêrođê với tâm ý nham hiểm, ông muốn tìm kiếm Ngài, không vì tin yêu ngưỡng mộ, nhưng vì thù ghét muốn tiêu diệt Ngài, vì sợ ngai vàng của ông sắp sụp đỗ, nên ông đã không xứng đáng gặp được Ngài. Do đó, ông đã nổi cơn xung giận, phạm thêm một tội ác tầy trời, là truyền giết chết tất cả các nam hài nhi từ hai tuổi trở xuống trong thành Belem và các vùng phụ cận để hả cơn tức giận, với hy vọng tiêu diệt được cả Đức Vua mới sinh. Hêrođê đã phải tuyệt vọng, sống bất an và đã bị lịch sử muôn đời nguyền rủa.
- MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG TRÊN TRẦN GIAN
Mục đích con người sống trên trần gian là để tìm gặp Thiên Chúa, Đấng làm thỏa mãn mọi khát vọng, Đấng là Chân Thiện Mỹ, là Hạnh Phúc vĩnh cửu, đáng mọi loài thụ tạo trên trời dưới thế khát mong tìm kiếm.
Nhưng nếu con người chỉ tới khu rừng trần gian này “Để Săn Thú Vật” là tình, tiền, tài, danh vọng, chức quyền thì chắc chắn không bao giờ họ được mãn nguyện! Biết bao người đã hao tốn bao công sức trong suốt cả cuộc đời, với bao nhiêu xảo kế quỉ quyệt lừa đảo, để hy vọng đạt được những tham vọng ngông cuồng thiên đàng dương thế… Nhưng sau cùng, họ khác nào như kẻ vồ bóng, càng vồ bóng càng thoát khỏi vòng tay họ, và họ đã phải tuyệt vọng, lại phải mang hận suốt đời. Cái hậu quả tai hại của những con người cuồng tín, tin theo thuyết vô thần cộng sản trên 70 năm qua tại Nga Sô, đã là một bằng chứng thật cụ thể và chua cay.
Trái lại, nếu con người sống trên trần gian như là đường đưa tới cùng đích, họ sử dụng của cải đời này như phương tiện để đi tìm gặp Thiên Chúa, chắc chắn họ sẽ được mãn nguyện. Chính Chúa đã truyền dạy và hứa ban: “Các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự Công Chính của Người trước, rồi mọi sự khác Người sẽ ban cho các con sau cách dư dật” (Mt 6:33).
III. CHÚNG TA ĐÃ GẶP ĐƯỌC CHÚA CHƯA
Là con cái Chúa, chúng ta đã “Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Sự Công Chính của Người trước”, là đặt Chúa làm cùng đích tối thượng và tối hậu, là hạnh phúc vĩnh cửu, là gia nghiệp đời đời, là Đấng chúng ta hằng khao khát kiếm tìm; hay chúng ta còn đặt tiền, tình, tài, danh, lợi, thú hơn Thiên Chúa? Nếu chúng ta đã thực sự đặt Chúa trên hết, đã chu toàn thánh ý Người, đi đúng theo đường lối Chúa chỉ định, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Chúa, chúng ta sẽ được hạnh phúc và được thỏa mãn mọi ước nguyện trong Chúa, vì chính Chúa là Nguồn Hạnh Phúc của chúng ta.
Là những linh hồn đã tình nguyện làm tông đồ rao giảng sứ điệp Tin Mừng của Chúa cho mọi người, chinh phục tha nhân về với Chúa để họ cũng được hưởng Ơn Cứu Độ của Chúa, chúng ta đã thực sự tìm gặp được Chúa, cảm nghiệm được niềm an vui hạnh phúc nơi một mình Chúa, chỉ khát khao chu toàn thánh ý Chúa, muốn điều Chúa muốn, làm điều Chúa muốn và chỉ có một ước vọng duy nhất làm vui lòng Chúa?
Hay trái lại, chúng ta còn đặt chính mình làm cùng đích, hoặc đặt bất cứ tham vọng trần gian nào hơn Chúa, trái với sứ mạng tông đồ của chúng ta?
Kết Luận
Chúa Cha đã ban Con Một Người cho nhân loại qua tay Mẹ Maria. Do đó, không một ai trong nhân loại được nhận biết Chúa và được diễm phúc lãnh nhận Ngài ngoài Mẹ Maria. Các nhà bác học Đông Phương là những người thành tâm thiện chí, các mục tử Belem là những người chất phác quê mùa, đơn sơ khiêm tốn đã nhận ra Chúa, được diễm phúc lãnh nhận Ngài do tay Mẹ Maria trao ban.
Xin cho mỗi người chúng ta cũng được tâm hồn đơn thành khiêm tốn, để đáng được Mẹ Maria tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu Con Mẹ nơi tha nhân, nơi các công trình sáng tạo của Người, nơi mọi biến cố may rủi của cuộc sống, để chúng ta luôn được nếm hưởng hạnh phúc của những tâm hồn đơn thành khiêm tốn như các Thánh, những người con ngoan thảo của Chúa và Mẹ.
104. Dâng tấm lòng con
Ngày nào đó bước lên chuyến xe khách thử hỏi hai người cùng đi tơí một địa điểm chắc chắn ta sẽ nghe được hai mục đích khác nhau. Cũng vậy, Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay sẽ cho thấy hai thái độ khác nhau của việc tìm kiếm Chúa Giêsu Hài Đồng.
Với các Hiền sĩ từ phương Đông, họ đi tìm trong thái độ thật lòng và khiêm tốn. Họ đã lặn lội từ phương xa theo ánh sao lạ dẫn đường. Vàng, nhũ hương và mộc dược là những lễ vật họ mang theo để dâng tiến Chúa Hài đồng. Vàng là thứ dành riêng cho vua. Nhũ hương chỉ đặc biệt một mình vị thượng tế sử dụng. Còn mộc dược là thứ để dành cho việc ướp xác. Những lễ vật này chứng tỏ các vị ấy phần nào đã công nhận thân thế và sự nghiệp thật của Hài nhi Giêsu. Hài nhi Giêsu chính là vị Vua Messia mà muôn dân đang trông đợi. Cũng chính Người sau này sẽ dùng cái chết của mình làm hy tế dâng lên Chúa Cha đền thay tội lỗi muôn dân.
Ngược với các Hiền sĩ là thái độ tò mò và ghen ghét của vua Hêrôđê. Vì sợ mất quyền ảnh hưởng nên vừa nghe các Hiền sĩ hỏi thăm, ông hết sức bối rối đến nỗi làm cho cả thành Giêrusalem xôn xao. Câu nói: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” thật sự chỉ là ác ý. Trong tâm trí ông luôn bị ám ảnh đến sự mất ngôi. Vì thế, ông sẵn sàng làm mọi cách để tiêu diệt những ai có ảnh hưởng đến vị thế ấy. Bằng chứng rỏ ràng, sau đó ông đã ra lệnh giết tất cả trẻ em Do thái từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng lân cận. (Mt 2, 16)
Thật vậy, ông bà ta thường nói: “Dò sông dò biển dể dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người.” Cùng một biến cố Hài nhi Giêsu nhưng trước mắt ta đã thấy hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Từ đó đã đưa đến hai kết quả cũng khác nhau. Các Hiền sĩ đã được ngôi sao dẫn đường đi đến chiêm ngắm Hài nhi Giêsu. Còn Vua Hêrôđê không được ai chỉ đường đến Bêlem thì làm sao chiêm ngắm.
Biến cố Ngôi Hai nhập thể là sự thật. Đây cũng chính là một trong ba mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo. Chỉ những ai biết để cho mình bé mọn trước Chúa thì sẽ được biết nhữnng điều cao cả (Mt 11, 25). Chỉ cần ta hết lòng dâng cho Người thì sẽ được Người ban thêm cho (Mt 25, 29). Hãy tha thiết nài xin Hài nhi Giêsu cho ta biết khao khát và thật lòng đi tìm chân lý trong cuộc sống.
105. Đấng cứu chuộc muôn dân – Lm. Nguyễn Hữu Thy
Những người đã đọc trước tiên bài Tin Mừng chúng ta vưa nghe xong, là những Kitô hữu người Do-thái. Dù đã trở lại Kitô giáo, tâm tình và cách suy tư của họ vẫn còn bị ảnh hưởng nặng quan điểm của Do-thái giáo. Vì thế đối với những tín hữu này, là cả một điều vô cùng lạ lùng và bỡ ngỡ, khi nghe đọc: Các nhà Phù thủy (Magie) từ phương đông xa xôi đã đến để thờ lạy “vua Do-thái”. Ðối với họ, những người Phù thủy là những kẻ ngoại đạo, họ không được phép liên hệ, vì những người đó – cũng tương tự như những Chiêm tinh gia – thực hành những điều bị tôn giáo họ cấm đoán, như bói toán, bùa chú. Những Phù thủy là những người xa lạ, là những kẻ dạy những điều mê tin dị đoan nhảm nhí, vâng, là những kẻ thù nghịch với đức tin.
Thế nhưng bây giờ, chính những người đó đã đến Giê-ru-sa-lem và nói: “Một ngôi sao lạ đã dẫn đường chúng tôi đến đây! Vị tân vương của người Do-thái mới sinh ra ở đâu?” Họ đã làm đảo lộn và làm điên đầu những người bảo vệ đức tin và gìn giữ trật tự tôn giáo tại Do-thái. Nhưng chính những người này, dù thông thạo Kinh Thánh và theo lẽ thường là phải biết được cách rõ ràng biến cố đã xảy ra, cũng chỉ có thể nói được tên của nơi chốn có thể xảy ra biến cố, chứ nhiều hơn cũng đành bó tay. Còn bạo vương Hê-rô-đê thì chỉ nhìn thấy trước mắt một sự đe dọa nguy hiểm cho vương quyền của y. Vì thế, với mánh khóe xảo quyệt, y đã tìm cách lợi dụng sự hiểu biết của ba vị đạo sĩ ngoại giáo để thi hành thâm ý ích kỷ và độc ác của y. Qua đó, chúng ta thấy rằng, trong khi những người ngoại giáo – được hướng dẫn bởi một ngôi sao – đã tìm gặp được điều Kinh Thánh mặc khải, còn những người “tín hữu” lại không hề hay biết gì cả.
Ðúng vậy, về phương diện thần học, điều làm cho chúng ta phải ngạc nhiên trong đoạn văn này là: Những người ngoại giáo đã được kêu mời đến cùng Ðức Kitô. Và qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ, họ đã nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa và đã quì gối tôn thờ. Còn những gì họ mang đến để kính dâng lên như lễ vật của mình, đã nói lên ý nghĩ và sự đánh giá của họ về Hài Nhi: Họ mang đến vàng. Vàng là một thứ kim loại quý hiếm. Nó sáng bóng như mặt trời. Ðó là một thứ kim loại dành để các vị vua khắc ấn hình ảnh của mình trên đó. Vậy, họ mang vàng đến như lễ vật dâng lên vị Ấu Chúa, Ðấng sẽ in đậm hình ảnh mình trên cả vũ trụ.
Món quà thứ hai là nhũ hương. Ðó là một loại hương liệu quý. Khi những hạt nhũ hương được đốt cháy, thì tỏa ra một làn khói trắng bốc thẳng lên cao với một mùi thơm dịu dàng. Mùi hương thơm bay tỏa ra và làm cho cả một vùng không khí thơm ngào ngạt. làn khói là tượng trưng cho sự hiện diện đầy huyền nhiệm của Thiên Chúa. Làn khói cuộn tròn, lan ra chung quanh và bốc lên cao, như muốn nối kết phía dưới thấp với phía trên cao, nối kết đất với trời.
Còn món quà thứ ba là mộc dược, một thứ rễ cây đắng, một vị thuốc chữa bệnh. Món quà muốn biểu hiệu cho sứ mệnh của Hài Nhi trong máng cỏ: Người sẽ hàn gắn và chữa lành mọi bệnh tật tâm linh và cả bệnh tật thể xác của con người, cũng như mang lại cho họ sự cứu rỗi!
Với những lễ vật đó, ba người ngoại giáo muốn bày tỏ lòng tôn kính và sự xác tín của họ: Ðức Kitô là Vua và là Ðấng Cứu Thế cho tất cả mọi người và mọi dân nước. Ðó là điều được đề cập tới ở đây, trong phần đầu của Tin Mừng theo thánh Má-thêu. Và tiếp đến trong phần cuối của bản Tin Mừng lại được thánh sử kết thúc bằng câu: “Các con hãy làm cho tất cả mọi người trở thành môn đệ của Thầy và hãy rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần!”
Bởi vì, Thiên Chúa là Vua, một Ðức Vua đầy tình phụ tử; Còn Chúa Con thuộc về Thiên Chúa và là Thiên Chúa; Người tác động trong cuộc sống chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Ðó chính là sứ điệp của ngày lễ hôm nay. Hay nói cách khác, ngày lễ Hiển Linh phải là một sứ điệp vui mừng cho chúng ta, vì nó bày tỏ cho chúng ta một sự thật là tất cả chúng ta – không phân biệt màu da, chủng tộc, văn hóa hay tôn giáo – đều có thể trở thành môn đệ Ðức Kitô. Bởi vậy, chớ gì những người còn ở “ngoài cuộc”, chưa nhập vào đoàn môn đệ Ðức Kitô – dù do họ là người ngoại giáo hay do họ đi lạc đường – hãy biết nỗ lực tìm kiếm một cách nghiêm chỉnh con đường dẫn đến cùng Ðức Kitô, Ðấng duy nhất có thể ban cho con người sự cứu rỗi sau cùng. Và sự nỗ lực đó không chỉ họ, những người còn “đứng ngoài”, phải có, nhưng cả chúng ta nữa, những người vẫn nghĩ mình đã “ở trong cuộc” rồi, cũng phải luôn luôn cố gắng không ngừng.
Những điều chúng ta vừa nói trên có thể giúp chúng ta đi tới ba suy tư:
Chúng ta cần phải giữ cho tư tưởng của mình được khoan dung và cởi mở; không đoán xét những người lạ mặt hoặc coi khinh họ hoặc kết án những con đường họ đi là lệch lạc; bởi lẽ, rất có thể là họ đã được một ngôi sao lạ dẫn đường, còn chúng ta lại không nhìn thấy được ngôi sao đó hoặc nhìn thấy, nhưng lại không nhận ra được.
Chúng ta được cảnh tỉnh: Những người có quyền bính và trách nhiệm xưa kia đã bị sai lầm. Mặc dù họ đã biết chính xác được địa danh, nơi Vị Tân Vương được sinh ra, và chẳng những họ không muốn đi đến kính viếng và thờ lạy Người, nhưng họ còn bày tỏ thái độ thù nghịch chống lại Vị Tân Vương mới sinh ra nữa. Khi trong một cộng đoàn đức tin mà Ðức Kitô không còn được nghiêm chỉnh tìm kiếm, thì cộng đoàn đó sẽ trở thành trò hề cho thiên hạ và là một cản trở cho Tin Mừng. Chúng ta cần phải nghiêm chỉnh. Vì chỉ khi chúng ta nghiêm chỉnh tìm hiểu điều Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta, bấy giờ chúng ta mới trở thành những vị đạo sĩ, những người “khôn ngoan”, biết tìm kiếm Ðức Kitô.
Và điều thức ba được nói cho chúng ta, đó là: Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải mang lễ vật đến dâng lên Người. Vì qua các lễ vật đó, chúng ta có thể nói lên Ðức Kitô có ý nghĩa gì đối với chúng ta, một cách rõ rệt hơn là bằng lời nói suông.
Nhưng chúng ta cần phải mang theo những lễ vật nào?
Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng, có hai lễ vật chúng ta cần mang theo để dâng lên Ðức Kitô:
Lễ vật thứ nhất là: Thời giờ! Vâng, thời giờ là một lễ vật quan trọng nhất. Chúng ta hãy dùng thời giờ để đi tìm kiếm Ðức Chúa và để qui hướng cuộc sống mình theo gương sống của Người.
Lễ vật thứ hai đối với tôi cũng quan trọng tương tự, đó là: Chúng ta cần phải thật lòng quan tâm tới những người phải sống một cuộc sống tương tự như Ðức Giêsu, tức những người nghèo hèn, những người phải hằng ngày chân lấm tay bùn, những người bị coi là loại người “vô tích sự” trong con mắt người đời!
Ðó chính là bài học thực tế nhất chúng ta có thể rút tỉa ra được từ đại lễ Chúa Hiển Linh hôm nay! Amen.
106. Thái độ của con người đối với Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)
Bài Phúc Âm tường thuật sự xuất hiện của các Đạo Sĩ đi tìm Đấng Thiên Sai là đề tài khiến các nhà thần học Kitô giáo qua mọi thời đại phải suy nghĩ. Các Giáo Phụ dạy là có ba vị Đạo Sĩ, tức ba vị đại diện cho ba lục địa trong thời cổ đại lúc bấy giờ: Âu Châu, Á Châu và Phi Châu. Còn Úc Châu và Mỹ Châu vào thời đó chưa được khám phá ra. Các ngài cho rằng qua ba vị Đạo Sĩ, lời Thánh Kinh “mọi dân nước trên mặt đất sẽ được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” hoàn toàn được nên trọn.
– Các Đạo Sĩ là dẫn chứng cụ thể cho việc tất cả mọi người trên khắp trái đất đi tìm kiếm Đấng Cứu Thế.
– Các Luật Sĩ người Do-thái là biểu tượng cho tất cả những ai thông hiểu mọi giáo lý về đức tin, nhưng lại không muốn động tay động chân ra sức thực hành đức tin. Vậy họ là biểu tượng của sự thờ ơ lạnh lùng và cố chấp.
– Cuối cùng các Giáo Phụ coi Hê-rô-đê là hiện thân cho tất cả những ai ham hố chức quyền danh vọng, những kẻ chỉ vì quyền lợi và phẩm hàm của mình, đã sẵn sàng thực hiện bất cứ thủ đoạn nào, trước hết họ tìm mọi cách hạ bệ và tiêu diệt một cách dã man các đối thủ của mình, bất cứ là ai, dù cho đó chỉ là một đứa trẻ vừa mới được sinh ra từ dòng giống hoàng tộc, cũng không được tha.
Sự phân định con người làm ba loại như thế, tức: Những kẻ thành tâm tìm kiếm chân lý – những kẻ thờ ơ hững hờ – những kẻ ham hố quyền hành – vẫn luôn giữ nguyên giá trị của nó trong suốt dòng lịch sử qua mọi thời đại và mãi cho đến ngày nay.
Vâng, ngày nay giữa các dân tộc trên khắp thế giới vẫn luôn có cả hàng triệu “đạo sĩ” đã và đang can đảm bỏ lại “nhà cửa và quê hương vô đạo” của mình để đi theo ánh sáng của “ngôi sao đức tin” hướng dẫn, tìm về với Đức Kitô trong lòng Giáo Hội của Người. Trên khắp các lục địa, đặc biệt ở Á và Phi Châu, số tân tòng được lãnh nhận bí tích Rửa Tội mỗi ngày mỗi tăng. Ở Châu Mỹ La-tinh, các Kitô hữu mạnh mẽ tranh đấu cách ôn hòa cho sự canh tân xã hội, chính trị và tín ngưỡng. Trong khi đó ở các nước chủ trương vô thần hay thù địch với Kitô giáo, mặc dầu hằng ngày phải đối mặt với những bắt bớ, đàn áp và kỳ thị, số người trưởng thành nói chung và số thanh thiếu niên nói riêng coi việc đi tìm kiếm Thiên Chúa như một khát vọng to lớn của đời họ vẫn tăng triển.
Trong khi đó, ở mọi thời đại bao giờ cũng có những kẻ trí thức, thông hiểu luật lệ và giáo lý, những lý thuyết gia Kitô giáo hững hờ khô khan, những kẻ luôn có thể cắt nghĩa rành mạch từng câu từng chữ về giáo lý, về đức tin, nhưng lại không hề quan tâm tới việc rút tỉa cho cuộc sống của riêng mình những hệ luận và những quyết định thích ứng. Vâng, đã có bao nhiêu Kitô hữu đã trở nên mệt mỏi và ù lì trong đức tin. Đó là những Kitô hữu đi tìm cho mình những vũ trụ quan thoải mái và không muốn đi tìm kiếm Đức Kitô nữa, vì họ cho rằng họ đã tìm gặp Người rồi. Phải chăng cuộc sống đức tin hằng ngày của chúng ta cũng đã bao lần trở nên mệt mỏi như thế? Phải chăng chúng ta đã nói về Đạo rất nhiều, nhưng lại sống Đạo rất ít? Phải chăng các tổ chức và các hội đoàn trong các giáo xứ thì không thiếu, nhưng lại có rất ít người có được hứng khởi, lòng nhiệt thành và hăng hái thực thi đúng đắn tinh thần của các tổ chức và của các hội đoàn thánh thiện đó?
Sau cùng, xưa kia cũng như ngày nay bao giờ cũng có những cuộc chiến của những kẻ có thế quyền lực chống lại Kitô giáo và chống lại các Kitô hữu. Họ là những người có quyền thế và không bao giờ chấp nhận những kẻ khác còn có quyền thế hơn mình hay ngang hàng với mình. Đó là những nhà độc tài hay những tập đoàn, đảng phái chuyên chính ở khắp nơi trên thế giới, và để bảo vệ quyền hành, họ luôn nắm trọn các phương tiện truyền thông trong tay để độc quyền chi phối dư luận theo chiều hướng chủ quan và lệch lạc của họ. Điều làm cho họ lo sợ nhất, đó là quyền bính của một Trẻ Sơ Sinh vừa đến trong trần gian để làm chứng cho sự thật và cho tình yêu chân chính. Bởi vậy, những kẻ hay những tập đoàn độc tài chuyên chính đó đã làm đủ mọi cách để loại bỏ sức mạnh của tinh thần bằng những khủng bố thể lý hay bằng những cuộc áp đảo và đe dọa về mặt tâm lý.
Tất cả ba lớp người – những người thành tâm tìm kiếm chân lý – những người thờ ơ hững hờ – những người nắm quyền lực đầy tham vọng – vẫn luôn hiện diện và cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc sống đức tin và trên đường tìm kiếm Đức Kitô. Đức Kitô vẫn luôn là mục đích tìm kiếm của ba nhà Đạo Sĩ từ Phương đông và của tất cả những ai muốn bước theo vết chân của các ngài. Nhưng đồng thời Đức Kitô cũng chính là Đấng bị các thầy thông luật và những kẻ nối tiếp họ qua mọi thời đại tẩy chay chối từ, họ là những kẻ thông hiểu hết mọi góc cạnh, mọi ý nghĩa của chân lý, nhưng lại không chịu chấp nhận chân lý và không sống theo chân lý, không quì gối tôn thờ Đấng là Chân Lý Tuyệt Đối. Sau cùng, Đức Kitô cũng là Đấng bị Hê-rô-đê và tất cả những kẻ nắm giữ quyền hành đầy tham vọng tìm mọi cách để bắt bớ và tiêu diệt. Đức Giêsu Kitô luôn hiện diện một cách vô hình giữa lòng lịch sử nhân loại. Người là mốc giới phân định giữa sự cứu rỗi và sự hư mất, giữa hạnh phúc và sự bất hạnh, giữa Thiên đàng và hỏa ngục. Trước ngai tòa Đức Giêsu, dù dưới bất cứ hình thức nào, chỉ có sự tôn thờ hay chối từ, chứ không hề có thái độ trung lập được.
Các Giáo Phụ xưa cũng hiểu rõ Kinh Thánh và các ngài đã biết rất rõ, không có gì có thể bảo đảm chắc chắn được rằng ba Đạo Sĩ là ba vị vua cả. Tuy vậy, trong các bức tranh người ta thường trình bày các nhà Đạo Sĩ với mũ triều thiên đội trên đầu và khoác y phục của các bậc vương giả. Nhưng đối với chúng ta dữ kiện ba nhà Đạo Sĩ có phải là ba vị vua hay không, chuyện đó không quan trọng. Thật ra không có gì xứng đáng với phẩm hàm vương giả của con người hơn là việc con người biết can đảm lên đường tìm kiếm chân lý, và rồi biết quì gối kính thờ tình yêu nhập thể của Thiên Chúa.
Hôm nay, tất cả chúng ta cũng như các nhà Đạo Sĩ xưa kia, sấp mình bái thờ Con Trẻ nằm trong máng cỏ để nhận diện được tình yêu trọng đại của Thiên Chúa đã hiện thân hữu hình giữa loài người chúng ta.
107. Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại
“Các đạo sĩ bước vào nhà, thấy Hài nhi và thân mẫu là Bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người, rồi mở tráp lấy vàng nhử hương và mộc dược mà dâng lên…” (Mt 2, 11)
Câu chuyện Phúc âm của ngày lễ Hiển linh hôm nay thật lạ lùng, lạ lùng không phải vì chỉ có thánh Matthêu ghi lại, nhưng chính là vì nội dung của câu chuyện này. Ba nhà chiêm tinh từ đâu xa lắc bên xứ Á rập, Ba Tư, nơi người ta rất quan tâm về khoa chiêm tinh, đã nhận thấy sao lạ hiện ra; họ đã bỏ mọi sự để đi tìm vị vua của ánh sao lạ đó. Cuối cùng họ đã tìm gặp và họ đã thờ lạy, bỏ công bao lâu nay đi tìm kiếm… Câu chuyện lạ lùng y như câu chuyện thần tiên; vậy mà chính Kinh thánh ghi lại cho chúng ta cách chi tiết như vậy. Kính mời anh chị em cùng suy niệm.
- Truyền thuyết cho ta biết ba nhà đạo sĩ có tên gọi là: Gaspar, Balthasar và Melchior. Nhờ ánh sao dẫn đường, ba đạo sĩ đã gặp Chúa và đã quỳ xuống thờ lạy Người. Sự việc này được coi như cuộc Hiển linh (tỏ mình ra) cho bất luận là ai, không phải chỉ một mình dân tộc Do thái.
Khi ba đạo sĩ vừa đến Giêrusalem, ngôi sao dẫn đường biến mất; họ đành phải đi hỏi thăm các thày thư ký, các thông luật, các thượng tế và cả Hêrôđê nữa. Lúc đó Phúc âm ghi, cả thành đều xôn xao. Vua Hêrôđê bối rối. Thái độ bối rối của ông vua này không phải vì không biết Vua dân do thái sinh ra ở đâu, nhưng đó chỉ là vì sợ chiếc ngai vàng của ông bị lung lay khi hay tin Vua dân do thái chào đời…. Khi các đạo sĩ được cho biết rồi, họ ra đi và đã gặp Vua mới sinh. Họ đã sụp lạy và dâng lên Người: vàng – nhủ hương và mộc dược… Ba món lễ vật này, chính là để tỏ lòng tôn kính. Vàng chỉ vương quyền của đức Kitô; nhủ hương chỉ thiên tính; mộc dược chỉ cuộc tử nạn sau này.
- Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho ta hai ý suy niệm:
* Hình ảnh cuộc hành trình đi tìm Chúa Hài nhi của ba nhà đạo sĩ, cũng chính là hành trình cuộc đời mỗi người chúng ta, hôm nay. Thật vậy, việc tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm Thiên Chúa của con người ở mọi thời đại đều giống nhau. Khi xưa, ba nhà đạo sĩ đã không ngại bỏ nhà cữa, gia đình, nệm ấm chăn êm, lao đao vất vả, để đi đến chân trời vô định mà tìm kiếm Vua mới sinh. Công việc xem ra không chút hi vọng gì! Vậy mà cuối cùng họ đạt được ý nguyện. Hành trình đức tin chúng ta cũng tương tợ như thế. Trên đường đi, gặp khó khăn cản trở, đó là điều tất nhiên. Ba nhà đạo sĩ đầy quả cãm, kiên trung; chính vì thế họ đạt được thành công trọn vẹn, là gặp Đấng Cứu thế. Cuộc hành trình đức tin, cũng dài và cũng không êm ả như vậy. Vì thế nó đòi hỏi ta phải can đãm, kiên trì sống theo Lời Chúa, hiệp nhất với Ngài ngay trong cuộc sống ở đời này. Có như vậy mới đạt tới đích là gặp gở Đấng Cứu thế như ba nhà đạo sĩ…..
* danh từ: Hiển linh có nghĩa: Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, đại diện chính là ba nhà đạo sĩ. Lẻ ra người được Thiên Chúa tỏ mình ra trước tiên phải là dân tộc Do Thái, vì từ Cựu Ước, họ đã lãnh nhận lời hứa trở thành dân thánh của Chúa, và Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Tinh sinh ra từ dân tộc này. Điều này muốn nói lên: ơn cứu rổi là dành cho tất cả mọi người, không riêng dân tộc Do thái. Chính vì thế, Con Thiên Chúa giáng sinh hôm nay, là cho mọi người, không phân biệt ai cả. Tại sao các kinh sư, thượng tế lại không được đón nhận hồng ân này…
c/. Gợi ý suy niệm:
* Lễ Hiển Linh chính là để nói lên Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, không phải chỉ dân tộc Do thái. Mừng lễ Hiển linh, ta có suy nghỉ nào đây? Ta có muốn TC tỏ mình ra cho chính ta không?
* Các nhà chiêm tinh đã lặn lội vất vã ngày đêm, để tìm đến và thờ lạy Chúa Hài nhi. Khi nhận ra dấu chỉ Chúa mạc khải, họ sẵn sàng bỏ tất cả, gia đình, vợ con, quê hương để đi tìm Vua mới sinh. Còn ta thì sao? Ta có sẵn lòng bỏ tất cả để theo Vua Giêsu không?
108. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo hội mừng lễ Chúa Hiển Linh. Hiển linh có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra.
Đây là biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh. Qua bài Tin mừng Thánh Mathêu còn cho chúng ta biết, trên hành trình tìm Chúa của các nhà chiêm tinh còn có ánh sao lạ, vua Hêrôđê, các thượng tế, các kinh sư và những người Do Thái. Mỗi nhân vật đều phản ánh cuộc sống của con người qua mọi thời đại và có lẽ phảng phất hình ảnh của mỗi người chúng ta.
- Hình ảnh các nhà chiêm tinh?
Các nhà chiêm tinh hay còn gọi là Ba Vua. Họ là thành phần thuộc dân ngoại. Chắc chắn cuộc sống của họ có đầy đủ mọi thứ vật chất, nhưng họ luôn cảm thấy trống vắng về đời sống tâm linh, họ khát khao chân lý. Khát khao của họ cũng là khát khao của con người qua mọi thời đại. Nhưng có điều đáng trân quý nơi các nhà chiêm tinh, đó là họ biết tìm kiếm chân lý, trong khi rất nhiều người khát khao chân lý nhưng không cố gắng đi tìm. Nhờ lòng khát khao và nhờ quyết tâm đi tìm kiếm chân lý nên các nhà chiêm tinh đã nhận ra “ánh sao lạ”. Theo họ, “ánh sao lạ” là dấu chỉ của vị vua mới sinh ra. Họ đã vội vã khăn gói lên đường. Sau cuộc hành trành dài đầy khó khăn vất vả, họ đã gặp được Đấng Cứu Thế. Họ thờ lạy và tiến dâng Ngài: Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược.
Sau khi gặp Hài Nhi Giêsu, họ không trở lại với Hêrôđê nhưng đi lối khác mà về xứ sở mình(x. Mt 2,12). Không trở lại với Hêrôđê tức là không trở lại con đường cũ, con đường qúa khứ tội lỗi. Đi lối khác có nghĩa là thay đổi nếp sống tốt hơn. Tương truyền cho rằng, sau này họ trở thành những vị tông đồ loan báo Tin mừng cho nhiều dân nước.
Qua ánh sao lạ, các nhà chiêm tinh đã nhận ra Chúa Hài Nhi. Qua Lời Chúa, qua các bí tích, qua những người nghèo khổ, những người già cả neo đơn, bệnh tật…chúng ta có nhận ra sự hiện diện của Chúa không? Sau khi gặp gỡ Chúa, các nhà chiêm tinh đã thay đổi đời sống tốt hơn. Bao nhiêu lần chúng ta gặp gỡ Chúa qua các bí tích nhất là bí tích Giao hòa và bí tích Thánh Thể, đời sống đạo của chúng ta hiện nay như thế nào, có tốt hơn không?
- Hình ảnh Ngôi Sao?
Là vật vô tri vô giác nhưng ngôi sao lạ đã được nhân cách hóa và đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hành trình tìm Chúa của các nhà chiêm tinh, đó là vai trò dẫn đường cho họ đến gặp Chúa Hài Nhi. Ngày hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa biết Đức Kitô là ai? Đạo công giáo là gì? Thánh Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời”(Pl 2,15). Ngôi sao thì phải chiếu sáng. Chúng ta hãy là ngôi sao chiếu sáng để dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Bề trên là ánh sao dẫn đường cho bề dưới. Cha xứ là ánh sao dẫn đường cho giáo dân. Thầy cô giáo lý viên là ánh sáng dẫn đường cho học sinh. Cha mẹ là ánh sáng dẫn đường cho con cái. Vợ chồng là ánh sáng dẫn đường cho nhau. Người kitô hữu là ánh sáng dẫn đường cho lương dân. Chúng ta không chỉ chiếu sáng bằng những kiến thức học được từ các lớp Giáo lý mà cần phải chiếu sáng bằng chính đời sống đạo của chúng ta. Chiếu sáng về đời sống công bằng bác ái yêu thương. Chiếu sáng về đời sống đức tin, cậy, mến. Chiếu sáng về việc tôn trọng sự sống. Chiếu sáng về đời sống thuỷ chung. Chiếu sáng về niềm hy vọng vào sự sống đời sau. Chiếu sáng về lòng thương xót của Chúa cho mỗi người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
- Hình ảnh Vua Hêrôđê?
Vua Hêrôđê là một bạo chúa, ông đã giết vợ là Mariamne và giết cả bốn đứa con trai của mình là: Anlexandra, Antipater, Alexander và Aristobulus. Với chủ trương “giết nhầm hơn bỏ sót”, cho nên hễ nghi ngờ ai có thể làm lung lay ngai vàng của ông thì ông quyết tâm giết cho bằng được. Chính vì lý do đó, cho nên khi các nhà chiêm tinh đến hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người,” thì vua Hêrôđê tỏ hết sức ngạc nhiên(Mt 2, 2). Ông liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu (x. Mt 2, 4-6). Họ cho biết: “tại Bê-lem, miền Giuđê”. Ông bí mật phái các nhà chiêm tinh đi tìm và bảo họ khi tìm được phải báo lại cho nhà vua biết để vua cũng đến thờ lạy Người. Ông nói thế không phải để gặp và thờ lạy Người nhưng là để tìm cách giết Người. Bằng chứng là sau khi không thấy các nhà chiêm tinh quay lại, nhà vua đã ra lệnh giết tất cả các con trẻ từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng phụ cận.
Hình ảnh của vua Hêrôđê cũng là hình ảnh của rất nhiều người trong xã hội qua mọi thời đại. Đó là những người cha người mẹ vì ích kỷ mà tàn nhẫn giết chết những đứa con chưa mở mắt chào đời. Đó là những cá nhân, tập thể vì lợi ích của phe nhóm cho phép phá thai dưới nhiều hình thức khác nhau. Đó là nạn buôn bán, bạo hành, xâm hại tình dục và muôn vàn tội ác khác người lớn gây ra cho trẻ em, không cho chúng sống đúng với nhân phẩm, sống đúng với một con người.
- Hình ảnh các thượng tế, các kinh sư và những người Do Thái
Họ thuộc dân riêng Chúa chọn. Họ thông hiểu Kinh Thánh. Họ biết vị vua mới sinh ra ở đâu. Nhưng họ không chịu tiếp nhận. Họ không chịu đi tìm. Đúng như Tin mừng theo Thánh Gioan: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”(Ga 1,11).Ngày hôm nay vẫn có rất nhiều người am hiểu kiến thức Kinh Thánh, kiến thức giáo lý nhưng họ không gặp được Chúa, họ không tin Chúa. Đó là những những cán bộ cộng sản phụ trách về vấn đề tôn giáo. Đó là những người chỉ tìm hiểu Kinh thánh để làm luận án luận văn. Thực tế cho thấy có những người dự tòng học giáo lý rất giỏi, điểm thi rất cao nhưng họ chỉ học để lấy vợ lấy chồng chứ họ không sống đạo. Thậm chí, con em trong giáo xứ chúng ta tham gia học giáo lý rất đông, nhưng các giờ kinh lễ ở nhà thờ lại rất ít. Như vậy, có sự chênh lệch rất lớn giữa học và hành, giữa biết và mến. Người ta thường nói “Vô tri bất mộ”, không biết thì không mến đó là điều thiệt thòi lớn cho con người, nhưng nếu biết mà không mến thì lại là một điều tệ hại hơn.
Chúng ta vừa lướt qua các nhân vật mà Thánh Mathêu đề cập trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Mỗi chúng ta thử kiểm điểm xem nhân vật nào có mặt trong đời sống của tôi: Các nhà chiêm tinh? Ánh sao dẫn đường? Vua Hêrôđê? Các thượng tế, các kinh sư và những người Do Thái? Nếu tôi giống Hêrôđê: hãy thống hối ăn năn tội ác đã gây ra, hãy loại bỏ tính tham quyền cố vị, sự độc ác nhẫn tâm ra khỏi con người của mình. Nếu tôi giống các thượng tế, các kinh sư và những người Do Thái: hãy đưa những kiến thức đã học được áp dụng vào đời sống đạo. Hãy luôn đi tìm Chúa và khát khao gặp Ngài như các nhà Chiêm tinh. Hãy là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho chúng con vì có những lúc chúng con vẫn là hiện thân của các thượng tế, các kinh sư và những người Do Thái, thậm chí là một Hêrôđê độc ác. Xin giúp chúng con luôn khát khao đi tìm Chúa như các nhà chiêm tinh. Xin giúp chúng con trở thành những ánh sao yêu thương, công bằng, tha thứ…để dẫn đường cho nhiều người trở về với Chúa. Amen.
109. Lễ vật
Các nhà bác học đã dâng tiến cho Chúa Hài Nhi vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng để chỉ Hài Nhi Giêsu là vua, nhũ hương để chỉ Hài Nhi Giêsu là Chúa và mộc dược để chỉ đến cái chết đau khổ của Hài Nhi Giêsu sau này… Thế nhưng những lễ vật này có ý nghĩa gì đối với chúng ta.
Trước hết là vàng. Vàng nói lên lòng yêu mến của chúng ta, một lòng yêu mến tinh ròng, cao cả và mãnh liệt như lời Ngài đã xác định:
– Hãy kính mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.
Đồng thời thánh Phaolô còn nhấn mạnh:
– Ai có thể phân rẽ tôi ra khỏi lòng yêu mến đối với Đức Kitô, dù bắt bớ, dù tù đày, dù đòn vọt, dù đói khát cũng không thể nào được.
Vàng còn làm lên sự trung kiên của chúng ta, không vì một lý do, một hoàn cảnh nào mà bị chao đảo, mà bị lung lay để rồi đi đến chỗ phản bội. Hãy trung thành với Chúa cho đến chết, vì không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Sau hết, vàng còn nói nói lên sự chân thật của chúng ta. Thực vậy, chúng ta có thể lừa dối kẽ khác chứ chẳng thể nào lừa dối được Thiên Chúa. Con người thời nay thường thích hóa trang, thường thích đeo mặt nạ. Nhưng người Kitô hữu phải luôn biểu lộ con người và bộ mặt thật của mình. Phải là một thứ vàng ròng chứ không phải là một thứ vàng dổm.
Tiếp đến là nhũ hương. Nhũ hương nói lên tâm tình thờ lạy của chúng ta đối với Đức Kitô. Thực vậy, trong những nghi thức phụng vụ, nhũ hương thường được dùng khi đọc Phúc âm, khi dâng Mình Thánh, khi chầu Thánh Thể.
Qua hình ảnh nhũ hương chúng ta tìm thấy một niềm tin tưởng mãnh liệt vào bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô. Đây không phải là một niềm tin tưởng có tính cách giáo điều hay lý thuyết mà là một niềm tin tưởng sống động và mãnh liệt, vì Đức Kitô là Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể, cũng như đang giảng dạy chúng ta qua lời Ngài trong Phúc âm.
Nhũ hương còn là tượng trưng cho tâm tình kinh nguyện, như thánh vịnh đã viết:
– Lạy Chúa, xin cho lời con nguyện cầu tựa hương thơm bay lên tôn nhan Chúa.
Sự cầu nguyện là một việc làm riêng tư, một sự kết hợp giữa tâm hồn chúng ta với Thiên Chúa, nó xuất phát tự cõi lòng, tự con tim chúng ta. Đồng thời sự cầu nguyện còn mang tính cách cộng đồng vì lời nguyện đẹp lòng Chúa hơn cả là lời nguyện của Giáo Hội và với Giáo Hội, vì qua lời nguyện của Giáo Hội chúng ta tìm thấy lời nguyện của Đức Kitô, là đầu của nhiệm thể.
Sau cùng là mộc dược. Mộc dược là niềm tin tưởng vào Đức Kitô bị đóng đinh, mà bây giờ được tái diễn qua lễ dâng trên bàn thờ:
– Mỗi khi anh em ăn bánh này, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Ngài trở lại.
Chính vì thế, thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta:
– Anh em hãy mang lấy dấu tích của Đức Kitô nơi thân xác anh em.
Vì thế, mộc dược có ý nói tới việc hy sinh hãm mình, như lời Chúa đã phán:
– Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta.
Tiếp đến, mộc dược còn nói lên những hy sinh trong cuộc sống. Hãy chấp nhận những khổ đau vì lòng yêu mến Chúa và hãy dâng tiến Chúa như một lễ vật nhỏ mọn, bấy giờ những đau khổ của chúng ta sẽ trở nên là một góp phần vào những đau khổ của Đức Kitô, là những giọt máu tử đạo chúng ta có thể đổ ra từng giây từng phút để làm chứng cho Chúa.
Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và tự hỏi: Chúng ta đã dâng gì để làm lễ vật cho Chúa Hài Nhi hay chưa?
110. Tìm kiếm Chúa
Các nhà chiêm tinh từ phương Đông phát hiện ngôi sao lạ và các ông nhận ra là có một vị Vua mới sinh ra nên các ông vội vả mang lễ vật lên đường tìm kiếm để thờ lạy vị Vua mới sinh ấy. Hành trình của các nhà chiêm tinh thật vất vả, các ông phải lặn lội đường xa theo dấu ngôi sao lạ mà đi. Đến Giêrusalem thì ngôi sao lạ biến mất, các ông phải tìm hỏi khắp nơi làm xáo trộn cả thành Giêrusalem, làm cho Vua Hêrôđê vô cùng bối rối: “Nhà Vua liền triệu tập tất cả các Thượng tế và Kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđa, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-el dân Ta sẽ ra đời”. Các nhà chiêm tinh lại tiếp tục lên đường theo hướng Bêlem, miền Giuđa. Đến nơi, “họ vào nhà, thấy Hài Nhi với Mẹ Người là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.
Trong sách Giáo Lý Công giáo số 27 và 35 dạy: “Tận đáy lòng, con người khao khát tìm kiếm Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa,… vànhờ những năng lực của mình, con người có thể nhận biết sự hiện hữu của một Thiên Chúa…và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc…”. Và trong Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Rôma dạy “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ…”. Các nhà chiêm tinh nhờ vào sự hiểu biết của mình mà nhận ra Vị Vua mới sinh và mau mắn lên đường tìm gặp Ngài. Các nhà chiêm tinh đã dùng khả năng Chúa ban để đi tìm kiếm Ngài. Ngược lại, các Thượng tế và Kinh sư nhờ đọc sách Thánh mà biết được vị Vua sẽ sinh ra tại làng Bêlem nhưng không tìm kiếm Ngài, những điều các Thượng tế và Kinh sư biết được trong sách Thánh chẳng đem lại ích lợi gì cho các ông, vì các ông không tìm Chúa.
Thật trớ trêu thay, các nhà chiêm tinh không hiểu biết kinh thánh nhưng nhờ vào sự hiểu biết thiên văn mà nhận ra vị Vua xuất hiện, rồi đến với Ngài. Còn các Thượng tế và Kinh sư thì không. Đúng là “kẻ trước hết sẽ nên sau hết, kẻ sau hết sẽ trở nên trước hết”.
Mỗi Kitô hữu chúng ta hãy xét mình lại, dù chúng ta đã đã được rửa tội, dù chúng ta đã lãnh nhận các Bí tích, nhưng chúng ta có chân thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày trong cuộc sống không? Chúng ta có có dùng khả năng Chúa ban để tìm Chúa như các nhà chiêm tinh không hay chúng ta lại an tâm vì mình đã được rửa tội, đã được nghe Lời Chúa và lãnh các bí tích rồi không cần tìm kiếm Chúa nữa như thế chúng ta giống các Thượng tế và Kinh sư xưa.
Các nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xa vất vả, không ngại tốn thời gian, không ngại tốn của cải, gặp khó khăn trở ngại họ không hề chùng bước thối lui, họ cố gắng vượt qua tất cả để gặp được Chúa hài nhi.
Chúng ta có được thái độ như thế không? Đường xá xa xôi có làm chúng ta ngại đến nhà thờ tham dự thánh lễ không? thời gian đọc kinh, cầu nguyện, dự lễ có làm cho chúng ta ngán ngại không? Những khó khăn, buồn phiền, thất mùa, thiên tai có làm cho chúng ta chậm bước chân đến với Chúa không? Một chút thử thách đó có làm cho chúng ta “thay lòng đổi dạ” với Chúa không? Chúng ta có tin vào quy luật “sau cơn mưa trời lại sáng” để luôn vững niềm tin vào Chúa không?
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết hết lòng tìm Chúa trong mọi sự như lời Chúa dạy: “tiên vàn hãy tìm những sự trên trời còn mọi việc khác Chúa sẽ ban cho”.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam