Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 91

Tổng truy cập: 1379705

TRÂN TRỌNG MÁI ẤM GIA ĐÌNH

Trân trọng mái ấm gia đình

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Hôm nay lễ thánh gia thất. Nói đến thánh gia là nói đến một gia đình hạnh phúc. Một gia đình luôn đồng cảm với nhau, chia sẻ vui buồn với nhau và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Gia đình thánh gia nơi có thánh Giuse, một người cha luôn là lá chắn chở che cho gia đình. Gia đình thánh gia, nơi có Mẹ Maria luôn sống âm thầm, tận tuỵ trong công việc của mình. Và nhất là có Chúa Giêsu luôn kính trọng và vâng lời cha mẹ. Chính các ngài đã tạo nên một mái ấm gia đình. Các ngài đã làm cho gia đình trở thành thiên đường tại thế khi mỗi thành viên đều sống có trách nhiệm với gia đình và cùng nhau vun trồng hạnh phúc cho gia đình. Nhất là các ngài luôn tìm kiếm ý Chúa và thực thi trong cuộc đời.

Là người ai trong chúng ta cũng có một gia đình. Gia đình là chỗ chúng ta tựa nương. Gia đình là thành trì vững chãi cho cuộc đời chúng ta. Gia đình mang lại cho chúng ta niềm vui, tiếng cười. Gia đình là chiếc nôi êm ái cho cuộc đời chúng ta. Thế nên, khi xa gia đình, chúng ta vẫn luôn cảm thấy mất mát, trống vắng trong cõi lòng.

Có một lời bộc bạch của một người con vừa chập chững bước chân vào đời đã tâm sự:

“Em nghĩ tới mẹ em lúc em đi học về, lúc em đói bụng. Nghĩ hồi trước về nhà, đi học về, có mẹ nấu đồ ăn, có cơm sẵn cho mình ăn. Bây giờ, đi học về, ngồi gặm bánh mì thui thủi một mình hay nấu mì gói.

Em nhớ mẹ trong lúc đi làm, khi bị người ta nói này nói kia. Mình nghĩ lúc ở nhà, ba mẹ la mình thì mình giận, nghĩ là không thương mình. Rồi bây giờ, đi ra ngoài đi làm, người ta khó khăn với mình thì mình cũng phải chịu thôi, không nói lại được. Nên nghĩ lại thấy thương nhớ cha mẹ.”

Lời tâm tình này cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ – những chú chim non vừa bay ra khỏi tổ, tự một thân một bóng phải vật lộn, chống chọi lại mọi thứ để tồn tại trong khoảng không gian bao la vô tận mà trước đây bầu trời xanh trong với những ước mơ bay bổng từng thu hút và đầy quyến rũ để các chú chim luôn khao khát mau được bay ra khỏi tổ một cách tự do, độc lập.

Chính vì thế mà có nhiều bạn trẻ khi va vấp những khó khăn trong cuộc sống mới giật mình xót xa:

“Có đôi lúc,

Mải mê quay với dòng đời ồn ã

Những đô hội thị thành

Những phương trời lạ

Chợi giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.”

Có một sự thật là khi còn trong mái ấm gia đình chúng ta lại sống dửng dưng. Chúng ta luôn muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của gia đình. Chúng ta muốn tự do, tự tại, tự hành xử theo ý mình. Nhưng, đường đời đâu mấy khi bằng phẳng, dòng đời đâu mấy khi bình yên, đã giúp chúng ta nhận ra không ở đâu bình yên cho bằng gia đình, không ở đâu có tình yêu chân thành cho bằng tình cha mẹ yêu con. Lúc này, kẻ xa quê mới cảm thấy xót xa:

“Giữa bể đời, bao la rộng lớn.

Con bơ vơ, phố xá đông người.

Tìm lối về, mênh mông bóng tối.

Con khóc nhiều, số phận thương đau.

Cuộc đời con, cần một hạnh phúc.

Mái ấm gia đình, buổi cơm chung.

Cùng nhau sum vầy, ba ngày tết.

Mười bảy năm rồi. Có được đâu!”

Hôm nay là lễ thánh gia, ngày thánh hoá các gia đình. Chúng ta xin ơn Chúa thánh hóa từng gia đình chúng ta và ban cho chúng ta một mái ấm gia đình hạnh phúc yêu thương. Xin cho mỗi thành viên trong gia đình biết trân trọng những ngày tháng bên những người thân yêu nơi gia đình, biết hy sinh, biết sống nhường nhịn và thân ái với nhau. Xin cho chúng ta cũng biết xây dựng gia đình mình hạnh phúc bằng việc chu toàn bổn phận và sống có trách nhiệm với gia đình. Xin đừng xúc phạm đến nhau khi đang được cùng sum họp trong một mái ấm gia đình. Và xin cho mỗi thành viên biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại thánh ý trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 

28. Công cha – nghĩa mẹ

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Câu ca dao này dường như là người Việt nam ai cũng thuộc nằm lòng. Có thể nói bất cứ người Việt nam nào dù sang hay hèn, dù có hay không có địa vị đều ý thức và tôn trọng chữ Hiếu. Đây chình là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.

Không ai có thể phủ nhận rằng cha mẹ là những người có công lớn trong việc sinh thành và dưỡng dục ta. Lại nữa, trong đức tin ta biết rằng cha mẹ được ơn đồng sáng tạo với Thiên Chúa khi sinh ra ta. Do đó, con người dù thành đạt cách mấy mà không biết hiếu thảo với cha mẹ thì cũng được xem là thấp. Bởi vì, một trong những tiêu chuẩn để đánh giá một con người đó tấm lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

Với thân phận làm người, Chúa Giêsu cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình như ta. Người luôn ý thức và chu toàn tốt bổn phận làm con của mình. Phải công nhận gia đình Nagiareth là gia đình hạnh phúc và kiểu mẫu. Dù rằng có thể gia đình này thua sút nhiều mặt.

Trong mười điều răn Đức Chúa Trời sau ba điều về Chúa liền đó là điều dạy phải thảo kính cha mẹ. Rồi hằng năm vào mùng hai Tết âm lịch cũng như cả tháng 11 Giáo hội không ngừng nhắc nhở giáo dân nhớ đến ông bà cha mẹ. Ta không thể nào sống hiếu thảo với Chúa nếu như trước đó ta chưa sống hiếu thảo với cha mẹ.

Không biết đã có bao nhiêu bài hát, ca dao, tục ngữ, bài thơ… ca ngợi công ơn cha mẹ. Tuy nhiên, ngày nay do ảnh hưởng lối sống thực dụng nên có nhiều người dường như xem thường công ơn cha mẹ. Có nhiều kẻ làm con vì quá ích kỷ nên đã bỏ cha mẹ cô đơn, trong khi đó mình dư khả năng để lo cho các ngài. Thật đáng tiếc.

Có câu chuyện kể rằng trong gia đình nọ, ngày kia đứa con thấy cha nó gọt cái gáo dừa mới hỏi cha nó gọt làm chi. Lặng nhìn đứa con hồi lâu ông ta trả lời: “Để cho ông nội mày ăn cơm. Vì lúc này ông nội mày làm bể chén hoài, phí quá!”. Đứa con suy nghĩ và không nói gì. Vài ngày sau đó, nó cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Tưởng là con cũng đồng tình với mình, người cha hí hởn hỏi: “Bộ mày tính giúp tao lo cho ông nội mày hả?”. Đứa con trả lời: “Đâu có, cái này con để dành cho cha. Khi nào cha như ông nội con sẽ cho cha xài”. Nghe xong câu trả lời người cha tái mặt…

Như vậy, công ơn cha mẹ không biết làm sao ta có có thể đáp đền cho cân xứng. Dù rằng ta có thành tài cách mấy đi nữa mà không có lòng hiếu thảo cha mẹ thì cũng kể bằng không. Hơn nữa, thái độ của ta với cha mẹ như thế nào thì con cháu sẽ nhìn vào đó để cư xử với ta như vậy.

 

29. Mái ấm gia đình

Sinh ra làm con người ai cũng có một gia đình, có cha, có mẹ, có anh chị em…Thiên Chúa làm người Người cũng chọn cho mình một gia đình. Ngài có cha, có mẹ. Chính gia đình này là mẫu gương cho tất cả mọi gia đình. Vì sao thế?

Gia đình Nagiareth là Thánh Gia Thất vì gia đình này luôn có Chúa hiện diện. Chính Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria luôn xác tín rằng con mình là Thiên Chúa, Thiên Chúa làm người ở với nhân loại. Nên mọi sự trong gia đình đều được sưởi ấm bởi niềm xác tín này. Là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu không miễn trừ cho mình luật lên Giêrusalem hằng năm và Ngài đã ở lại trong Đền Thờ để làm công việc của Cha Ngài mà Thánh Giuse và Đức Mẹ không biết. Thánh Luca thuật lại việc lạc mất Chúa Giêsu cho ta thấy rõ vai trò của Chúa Giêsu trong gia đình quan trọng như thế nào. Sau ba ngày tìm Con mới gặp lại con trong hoàn cảnh làm cho Đức Mẹ và Thánh Giuse ngạc nhiên sửng sốt. Thánh Giuse và Mẹ Maria mặc dù biết Con mình là Ai nhưng làm sao hiểu được ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Câu trả lời của Chúa Giêsu với Đức Mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” đây cũng là một mặc khải đòi hỏi Thánh Giuse và Đức Mẹ phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa mặc dù hai ông bà chưa thể hiểu thấu.

Gia đình Kitô hữu chúng ta noi gương gia đình Nagiareth hãy để Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống gia đình mình, hãy để Chúa Giêsu nối kết mọi thành viên trong gia đình. Có Chúa Giêsu hiện diện chắc chắn mọi sự sẽ được quan phòng, chăm nom trong tình yêu Thiên Chúa. Có những lúc gia đình chúng ta cũng lạc mất Chúa, mất niềm tin, mất hy vọng… hãy bắt chước Đức Mẹ và Thánh Giuse mau mắn đi tìm Chúa. Việc đi tìm Chúa đòi hỏi gia đình chúng ta phải có sự kiên trì và nhận ra Ngài trong những cảnh huống của cuộc sống. Xưa Thiên Chúa đòi hỏi Thánh Giuse và Đức Mẹ từng bước từng bước nhận ra mặc khải của Thiên Chúa trong cuộc sống của Chúa Giêsu thì nay Chúa cũng đòi hỏi chúng ta nhận ra Ngài, tin tưởng vào Ngài trong cuộc sống với tinh thần vâng phục cho dù ta chưa hiểu, cho dù khó chấp nhận…

Thánh Giuse và Đức Mẹ đã hoàn thành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là làm cha và làm mẹ Đấng Cứu Thế. Trong bản văn (Lc 2, 41-52) được đọc hôm nay ta không thấy Thánh Giuse nói lên một tiếng nói nào, hình bóng của Thánh Giuse thật mờ nhạt nhưng không vì thế mà ta có thể nói vai trò của Thánh Giuse là không quan trọng. Thánh Giuse là chủ gia đình. Gia đình có vững chắc, có nề nếp hay không là do ở người chủ này. Mười hai tuổi Chúa Giêsu được phép theo người chủ này lên Giêrusalem. Khi lạc mất con Thánh Giuse phải vất vả và tìm kiếm. Người ở người nam thường là thế, lo lắng lắm, vất vả lắm, đau khổ lắm… nhưng ít có khi bộc lộ. Ở đây ta thấy vai trò thầm lặng của Thánh Giuse thật đặc biệt. Thầm lặng dõi tìm con để nhận ra ý Chúa muốn cho cuộc đời mình. Mẹ Maria cũng thế, sau khi gặp Con, nghe câu nói của Con dù Mẹ không hiểu nhưng Mẹ không đòi giải thích hay oán trách nhưng Mẹ suy niệm những lời ấy trong lòng.

Chúa Giêsu đã chọn gia đình là bước khởi đầu cho hành trình bước lên đồi Sọ của Ngài. Ngài đã sống vâng phục cha mẹ Ngài, thánh hóa gia đình và làm cho gia đình có một ý nghĩa đặc biệt là môi trường dưỡng nuôi Con Thiên Chúa làm người. Luca hôm nay cũng cho ta thấy đâu là cùng đích thực sự mà ta phải tiến về và đâu là bổn phận mà ta phải vâng phục “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Hỡi các bậc làm cha mẹ hãy vâng lời Thiên Chúa chăm lo dạy dỗ con cái, hãy yêu thương nâng đỡ chúng. Hỡi những người làm con hãy vâng lời cha mẹ và như thế là vâng phục thánh ý Chúa. Hãy làm tròn bổn phận của mình trong gia đình vì gia đình môi trường để nên thánh, môi trường đã được chính Con Thiên Chúa sống và thánh hóa. Hỡi các gia đình hãy để Thiên Chúa hiện diện trong gia đình, hãy để Chúa làm trung tâm của mọi suy nghĩ , mọi sinh hoạt… khi đó chắc chắn gia đình bạn cũng sẽ là một Thánh Gia Thất.

 

30. Học được gì nơi Thánh Gia

(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty)

Tôi thấy trong các gia đình Công Giáo rất thường trưng ảnh tượng Thánh Gia trên bàn thờ, và đó là điều đáng mừng. Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, họ học được điều gì nơi cái gia đình ‘siêu phàm’ đó? Đối với nhiều người đó chỉ là một sự tôn thờ, tôn thờ một biểu tượng gần gũi với đời mình để dễ nhận được điều cầu được ước thấy. Nhưng cũng có nhiều người nói với tôi là họ (được dạy) coi Thánh Gia là một mẫu gương để họ noi theo bắt chước. Nhưng bắt chước điều gì mới được chứ? Những ‘công dung ngôn hạnh’, những cần cù đảm đang, những trên thuận dưới hòa… tôi đâu có thấy Phúc Âm ghi nhận chỗ nào đâu. Những điều này trong sách Huấn Ca của Cựu Ước (tư tưởng hao hao như sách Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi… và có lẽ mỗi dân tộc đều có một vài tác phẩm tương tự) đã có dư thừa và còn phong phú hơn cả Phúc âm nữa. Lời Chúa của lễ Thánh Gia hôm nay cũng chỉ trích dẫn trong bài Tin Mừng câu chuyện về ‘trẻ Giêsu vị thành niên bị thất lạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem’, một giai thoại chẳng liên quan gì tới các nội dung luân lý giáo điều về gia đình.

Giai thoại hiếm hoi được ghi nhận trong thời gian thật dài khi trẻ Giêsu còn chung sống trong gia đình mình, giai thoại được Maria ghi vào ký ức để suy đi nhẩm lại, có vẻ gì đó tiêu cực, nếu xét theo các tiêu chí luân lý thông thường: Trẻ Giêsu đã làm phiền lòng chính cha mẹ mình. “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Như thế thì trong đời sống của Thánh Gia đâu phải mọi sự đều trôi chảy, đều êm thắm, đều lý tưởng… để có thể trở thành mẫu gương luân lý tiết hạnh của mọi thời đại. Tôi chắc rằng Thánh Gia cũng có những diễn biến cuộc sống (tạo nên những hỷ, nộ, ái, ố) giống như mọi gia đình bình thường khác thôi. Tuy nhiên Thánh Gia đã có một điều gì đó rất khác, rất phi thường: vì đó là gia đình đầu tiên đã học biết (Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói) sống những diễn biến bình thường đó trong một tinh thần Tin Mừng thực sự. Trẻ Giêsu đã đưa ra hướng giải đáp cho vấn nạn chính đáng và thông thường của đời sống gia đình: khi có những mất lòng nhau vì nhiều nguyên nhân, khách quan hay chủ quan: hãy lo ‘bổn phận ở nhà của Cha’. Bổn phận ở nhà của Cha là gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ đơn thuần là ở lại trong đền thờ? Chỉ mình Giêsu đấng từ trời xuống mới biết; và Ngài đã mạc khải qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài về cái bổn phận chưa ai từng biết đó. Thánh Gioan (mà lịch phụng vụ hôm nay 27/12 nói là không cử hành lễ kính) đã dần dần học biết được cái bổn phận căn bản đó. Và một khi đã học được, vì là người môn đệ được tựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã mạnh mẽ thốt lên: “Anh em hãy thương yêu nhau vì tinh yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa…Tinh yêu cốt ở điều này… chính Người đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta… Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 7-16). Thánh Gia, và mọi gia đình công giáo, đều phải học bài học này. Cả Giuse cũng phải học, cả Maria nữa. Bài học yêu thương tha thứ cho nhau vì biết rằng Thiên Chúa đã tha thứ yêu thương trước thì ai cũng phải học, đơn giản vì ai cũng có thể bực dọc hay phật lòng (cho dầu bực dọc có lý do chính đáng). Và bài học này không dễ hiểu được đâu, chưa nói đến thực hành, vì nó không dựa trên lý luận hay hợp lý, nó không công bằng chút nào. Chỗ dựa duy nhất của nó là niềm tin vào Đức Kitô Giêsu, vào sự điên rồ hay ngu xuẩn của Thập giá. Kể cả Giuse và Maria cũng thấy khó khăn như thế “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói… Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”. Như vậy Thánh Gia thật gần với đời thường, vì là nơi niềm tin tìm được cách biểu lộ cách chân thực nhất và cũng bị thách thức nhiều nhất. Chính trong các gia đình (kể cả các gia đình tu sĩ), nơi chung sống những con người bất toàn, bất hòa hay bực dọc sẽ vẫn là chuyện cơm bữa, thì tình yêu thương xót và tha thứ (phát xuất từ Thiên Chúa) sẽ có dịp cất lên tiếng nói mãnh liệt nhất.

Lạy Chúa, xin cho con hằng biết chiêm ngưỡng Thánh Gia như nơi đã học và đã cố gắng sống bổn phận vĩ đại nhất của Thiên Chúa Tình Yêu. Xin cho con không chỉ biết tôn thờ suy tôn, mà còn biết đồng hành với Thánh Gia trong tiến trình sống niềm tin. Amen.

home Mục lục Lưu trữ