Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 72

Tổng truy cập: 1376813

TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ CỦA CHÚA

Trở thành môn đệ của Chúa - Dã Quỳ

Con đường Chúa Giêsu đang đi là đường tiến về Giêrusalem, nơi cuộc tử nạn thập giá đang chờ Người. Trên con đường ấy, có nhiều người đang đi cùng với Chúa. Đi cùng nhưng có lẽ họ đã chưa thực sự theo và là môn đệ của Chúa! Vì thế, Chúa đã chỉ cho họ biết những điều kiện để trở thành môn đệ. Với mỗi người Kitô hữu, qua Phép Rửa, chúng ta cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa. Vậy ta cùng dừng lại để nghe những lời Chúa nhắn nhủ với chính chúng ta hôm nay.

- "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con. anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một sự từ bỏ trọn vẹn để gắn bó với Người cách triệt để. Thoạt nghe những lời này, ta cảm thấy như khó chấp nhận và không để thực hiện. Thế nhưng, chúng ta biết rõ rằng Chúa muốn chúng ta yêu thương những người thân của ta. Tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình huynh đệ, tình bạn bè... trong sáng đều được Chúa chúc lành và thánh hóa. Nhưng ở đây, Chúa muốn tình yêu chúng ta yêu Thiên Chúa phải là tình yêu lớn nhất,  tình yêu vượt qua tất cả tình yêu khác và linh hoạt tất cả. Tình yêu dành cho Chúa là yêu hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Như trong Mười Giới Răn ta vẫn đọc "Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự."

Chúa Giêsu khẳng định ai muốn theo Chúa và trở thành môn đệ  thì cần yêu mến Chúa hơn bất cứ ai khác, hơn cha mẹ, anh em, vợ chồng. Vì "Ai yêu cha, yêu mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy."(Mt 10,37) Khi yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trái tim chúng ta sẽ rộng mở và rồi ta có thể yêu cha mẹ, anh em với một tình yêu phổ quát, không điều kiện, không biên giới, vô vị lợi chứ không phải chỉ là một tình cảm cỏn con ích kỷ và hẹp hòi!

Vì thế, để theo Chúa Giêsu, chúng ta cần yêu mến Chúa trên hết mọi sự và chọn một mình Chúa là Chủ, là Chúa của đời ta. Thách đố cho chúng ta, nhất là những bạn trẻ Kitô hữu, chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao danh vọng, tiền tài... người ta đam mê những cầu thủ bóng đá, những minh tinh màn bạc hay ngôi sao ca nhạc...và xem họ là thần tượng đời mình! Vậy khi được hỏi: Bạn hâm mộ ai nhất? Yêu thích ai nhất? Mỗi người Kitô hữu chúng ta hãy mạnh dạn và thực lòng trả lời : Đó là Chúa Giêsu- Thần tượng của tôi, Đấng tôi hâm mộ, yêu mến nhất. Xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và đổ đầy tình yêu của Người vào lòng chúng ta, để dẫu cho cuộc sống đầy dẫy những cám dỗ, khó khăn ngăn cản, ta vẫn một lòng yêu mến Chúa Giêsu và có thể vác thập giá đời mình theo Người.

- "Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Theo Chúa Giêsu, đòi ta trả một giá đắt; cần phải đầu tư không tiếc công sức và tâm trí; cần phải dấn thân trọn vẹn "Vác Thập giá mình". Trong thời đại chúng ta, không còn thấy những cảnh vác thập giá trên đường, nhưng những thính giả của Chúa và những độc giả của thánh Luca thì đã chứng kiến tất cả cảnh những người bị kết án tử phải vác thập giá đến tận nơi người ta đóng đinh mình. Và Chúa Giêsu không quên điều đó vì Người đang trên đường lên Giêrusalem, ở đó, chính Người sẽ trao tặng cho chúng ta khung cảnh đau thương với thân xác tan nát vì roi đòn và thập giá trên vai vác đến tận nơi hành hình Người. Đó là con đường thập giá, con đường của dấn thân và tự hiến, con đường đánh bại tội lỗi, sự dữ và cái chết, con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh vinh hiển của Chúa.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, những người Kitô hữu "Vác thập giá mình đi theo Chúa" với lòng trung tín đến cùng trong mọi hoàn cảnh diễn ra trong cuộc sống đời thường. Những đau khổ, khó khăn của cuộc sống Kitô hữu không làm chúng ta ngạc nhiên nữa. Không còn những chịu đựng nhăn nhó, miễn cưỡng...nhưng là nhìn ngắm và đón nhận đau khổ như một sự hiệp thông với Chúa Giêsu, như được tham dự với công trình cứu độ và như một "Bước theo Chúa". Khi chúng ta biết đón nhận những đau khổ, bệnh tật, yếu đuối của bản thân, vất vả lao động, lo toan cho gia đình, .....với lòng quảng đại và tin tưởng, ta sẽ được tràn đầy bình an, hy vọng, vượt thắng được những sợ hãi, những bất công và chia rẽ trong cuộc đời.

Vác thập giá mình theo Chúa là chúng ta đi trên con đường riêng của Chúa Giêsu, con đường mang đến cho nhân loại ơn cứu độ. Khi đối mặt với gian nguy, đau khổ, sự dữ... đáp trả duy nhất của Kitô hữu là hy sinh hiến thân, là trao ban cả cuộc sống riêng, là yêu thương phục vụ. Chúng ta đừng trốn tránh hay quên đi thập giá đời mình nhưng hãy can đảm vác và bước đi trong vui tươi, hạnh phúc. Ta chọn theo Chúa, đón nhận những đau đớn như thập giá trên vai nhưng ta không khổ sở, vì chính thập giá là trường đào luyện ta trở thành môn đệ của Chúa. Chính Chúa Giêsu đã bước đi trên con đường thập giá và ai biết từ bỏ tất cả để đi theo Người, sẽ được tiến vào sự sống vinh quang. Hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng đi trước và chúng ta theo sau Chúa.

- "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được."- Từ bỏ là khởi đầu cho một chọn lựa. Chọn lựa ấy đòi chúng ta suy tính và phải bền chí như hai việc Chúa đưa ra là xây dựng và chiến đấu. Theo Chúa, cần có sự suy nghĩ chín chắn. Phải "Ngồi xuống" để tính xem ta cần làm gì, chuẩn bị gì và phải từ bỏ những gì. Chúa muốn chúng ta là suy nghĩ để biết từ bỏ những gì không phù hợp với lối sống của người theo Chúa, chứ không phải tính toán thiệt hơn theo kiểu thế gian. Như thánh Phêrô, nhiều lúc ta cũng so đo với Chúa "Thầy coi, ...chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" (Mt 19,27) Nhưng ta tin chắc vào phần thưởng mà Chúa Cha nhân lành sẽ ban cho chúng ta là sự sống đời đời làm gia nghiệp và được là con cái của Thiên Chúa tình yêu. Ước gì ta có thể xác tín như thánh Phaolô "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu-Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô."( Pl 3,8)

Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta, chính Người đã thực hiện, đã sống và nêu gương cho ta. Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang và địa vị là Thiên Chúa để nhập thể, sống như con người. Chúa đã yêu thương nhân loại đến cùng, đã vác thập giá trong suốt hành trình làm người, đã xuống tận cùng nỗi khổ đau của con người và đã chết trên thập giá để cứu chúng ta. Tất cả chúng ta  được mời gọi cách cá nhân trở thành môn đệ của Chúa và bước đi theo Người. Điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa là "Yêu mến Người trên hết mọi sự, vác thập giá mình và từ bỏ hết những gì mình có", không dễ thực hiện chút nào! Thế nhưng Chúa không đòi chúng ta thành công, mà Người chỉ mong ta cố gắng. Vậy chúng ta hãy đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần để rồi từng ngày, chúng ta có thể trở thành những Kitô hữu trung thành và những môn đệ tốt lành của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từ bỏ tất cả để nhập thể, nhập thế; đã vác thánh giá, Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ chúng con. Xin nâng đỡ và giúp sức cho chúng con dám từ bỏ những danh lợi thú thế gian mà can đảm vác thập giá bước theo Chúa. Amen.

 

2. Cùng đi với Đức Giêsu - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Ở Giêrusalem, hàng năm cứ đến ngày thứ sáu tuần Thánh, từng đoàn người cùng với chủ chiên vác thập theo chính con đường Đức Giêsu đã vác thập giá lên núi Sọ chịu đóng đinh.

Ở Rôma cũng long trọng diễn ra cảnh Đức Giáo Hoàng cùng với đoàn tín hữu vác thập giá lên đồi Vaticanô vào ngày thứ sáu Tuần Thánh để thờ kính Thánh giá Đức Giêsu và những Thánh giá của thánh Phêrô, thánh Phaolô và hàng ngàn Thánh giá của các thánh tử đạo đã chịu đóng đinh suốt 300 năm thời Giáo hội sơ khai.

Ở Việt Nam chúng ta chưa thấy diễn ra cảnh vác Thánh giá như thế, chỉ thấy rước Thánh giá và viếng chặng đàng vào cuối thứ sáu Tuần Thánh. Phải chăng chúng ta chưa vác nổi thập giá mình đi theo Đức Giêsu chăng? Có lẽ chúng ta đi theo Người giống như đám đông đi theo Đức Giêsu xưa: “Họ cùng đi đường với Đức Giêsu đông lắm”. Nhưng, không cùng vác thập giá với Người, mà chỉ đi theo Người vì nhiều lý do lợi lộc, như được chữa khỏi bệnh tật, được ăn bánh hóa nhiều, mong được giải phóng nô lệ Rôma hay được địa vị sang trọng khi Người làm Vua, làm Đấng Cứu thế cai trị muôn dân. Vì thế, Người quay lại bảo họ: “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. “Ai không vác thập giá mình đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được”. “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ Tôi được”.

Vậy muốn cùng đi đường với Đức Giêsu chúng ta phải làm gì? Một là từ bỏ, hai là vác thập giá, ba là vâng ý Cha.

Một là từ bỏ: yêu cầu đầu tiên của Đức Giêsu là dứt bỏ mọi liên hệ gắn bó với mình, như: cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình, từ bỏ hết những gì mình có. Đức Giêsu là ai mà đòi hỏi họ phải gắn bó với chính Người hơn là cha mẹ, vợ con, và cả mạng sống mình? Chỉ có Thiên Chúa mới dám yêu cầu như thế, vì giới răn trọng nhất là “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Dnl. 6, 5). Đức Giêsu cũng đòi buộc họ yêu mến Người như thế. Vậy Người đòi họ phải tin Người là Thiên Chúa. Khi họ tin Người là Thiên Chúa, thì yêu mến Người là làm cho tình yêu của họ được vươn lên tới tình yêu của Thiên Chúa: “Anh em hãy yêu nhau như Thầy yêu anh em”. Tình yêu của họ được tái sinh, được đổi mới, được siêu thăng, thành tình yêu thăng tiến, tình yêu thánh hóa, tình yêu siêu nhiên và tình yêu cứu độ vinh phúc muôn đời. Họ được giải thoát khỏi tình yêu phàm trần chỉ bám vào xác thịt bên ngoài, chỉ lo cho đời sống vật chất tạm bợ, chóng tàn. Loài người, dù vĩ đại như Khổng Tử cũng chỉ dậy: Hiếu có ba: đại hiếu tôn trọng cha mẹ, thứ đến không làm ô nhục, sau là nuôi dưỡng - “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân. Kỳ thứ phất nhục. Kỳ hạ năng dưỡng” (lễ ký, tế nghĩa). Như vậy, yêu mến hiếu thảo cha mẹ vẫn còn trong vòng tình cảm loài người. Đức Giêsu đòi ta dứt bỏ thứ tình yêu tầm thường hạn hẹp đó, để vươn lên tình yêu như Thiên Chúa: Người đã yêu thương dựng nên ta, sống nên một với ta, mang lấy đau thương tật nguyền, tội lỗi và cả cái chết của ta, cho ta được sống và được sống dồi dào hạnh phúc vinh quang đời đời. Nhờ tình yêu như Thiên Chúa, Phaolô đã nhận Ônêximô làm con, làm anh em rất thân mến, chứ không còn là nô lệ nữa.

Hai là vác thập giá mình đi theo Ta. Thập giá Đức Giêsu là gì? Là hình khổ do người Hy Lạp và Rôma lập ra để phạt đóng đinh treo trên thập giá những kẻ nô lệ phạm tội và những kẻ trọng tội không phải công dân của Rôma. Đức Giêsu đã chịu cực hình đó như kẻ tử tội, khốn cùng, bị chúc dữ, ô nhục và chết đi để làm giá cứu chuộc muôn dân. Như vậy, Người đã biến khổ giá loài người thành Thánh giá, biến đau khổ thành hạnh phúc, biến chúc dữ thành chúc lành, biến ô nhục thành vinh quang, biến sự chết thành sự sống muôn đời; như Người đã biến thân nô lệ thành thân Đấng Cứu thế, biến những chum nước lã thành rượu ngon, biến bánh rượu vật chất thành Mình Máu thánh Người.

Thập giá chúng ta cũng là những cực khổ, những sự dữ, những xỉ nhục, những thử thách gian nan, những sự chết dần dần. Chúng ta phải biết hy sinh vác đi theo Chúa để Chúa biến đổi những khốn khổ đó thành giá cứu chuộc chúng ta và mọi người, như những giọt nước hòa tan trong rượu nho làm của lễ dâng lên Chúa.

Ông Simon đã vác thập giá mình theo Chúa. Xin cho mỗi người chúng con được vinh phúc như ông Simon.

Ba là sống theo Thánh ý Thiên Chúa: Đức Giêsu đã xin vâng ý Cha để từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, hạ mình xuống làm thân nô lệ, vâng lời Cha chịu chết trên Thánh giá. Người đã thực hiện ý Chúa Cha vì Chúa Cha đã thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và được sống phong phú, như vậy, lý do Người từ bỏ mình và vác Thánh giá là vâng ý Cha, để yêu mến Chúa Cha trọn vẹn và yêu thương loài người đến thí mạng sống. Chúng ta muốn cùng đi với Đức Giêsu, muốn vác thập giá mình đồng hành với Đức Giêsu, cũng phải vâng ý Cha như Đức Giêsu, vì ý của Thiên Chúa ban đức khôn ngoan của thượng giới cho chúng ta được cứu độ. Đó là nền tảng vững chắc để xây dựng nhà cho chúng ta ở vĩnh viễn trên trời. Đó là sức mạnh của chúng ta đi giao chiến với tướng quỷ để chúng ta chắc chắn chiến thắng.

Lạy Chúa, vinh dự của chúng con là thập giá Đức Kitô.

Tình yêu của chúng con là đồng hành với Đức Giêsu.

Lẽ sống của chúng con là làm theo Thánh ý Người.

 

3. Theo và vác Thập Giá - Huệ Minh

Lời Chúa như ngọn đèn pha soi tỏ sự thật về chúng ta. Tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giêsu, nếu cách này hay cách khác, tôi còn loay hoay tìm kiếm “những gì đó” cho mình dọc theo con đường tôi theo Chúa. “Những gì đó” có thể là tiền bạc, của cải vật chất, song cũng có thể là quyền lực, danh vọng, địa vị… Và tôi chưa thật sự là môn đệ của Chúa Giêsu, nếu người ta nhìn vào tôi và họ không tìm thấy một thập giá nào cả, mà có khi lại là những thứ đối nghịch với thập giá!

Trang Tin Mừng hôm nay phải được gọi theo thánh Phaolô là “sự điên rồ của Thiên Chúa”. Sự điên rồ đã thúc đẩy Chúa Giêsu đến độ hóa thân làm người và chết cho tất cả những người tội lỗi.

Những ai chọn theo Đức Kitô không còn có thể ở lại trong bình diện lí luận nữa, mà phải đi vào tình yêu. Và chỉ như thế chúng ta mới thể lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của Đức Kitô hôm nay:

“Nếu ai muốn theo Thầy mà không yêu mến Thầy hơn cha, mẹ, vợ con và ngay cả cuộc sống riêng của mình thì không thể làm môn đệ Thầy”.

Nghe lời ấy, chúng ta rất dễ bị cám dỗ muốn so sánh Chúa Giêsu với một người độc tài áp đặt những đòi hỏi phi lí.

Chúa Giêsu nói với những ai muốn làm môn đệ Người. Người nói với quần chúng đông đảo, làm chứng Người muốn kêu gọi hết mọi người và muốn mọi người được hạnh phúc.

Do đó, Lời của Chúa Giêsu không dành riêng cho một nhóm người nào. Ðừng bảo những lời ấy chỉ có giá trị đối với người Do Thái đồng thời với Người. Cũng đừng nói ngày nay những lời ấy chỉ dành cho linh mục và tu sĩ. Chúa Giêsu nói với tất cả chúng ta ngày hôm nay. Người bảo: Muốn đến với Người và làm môn đệ của Người phải ghét cha mẹ, vợ con, anh chị em mình và cả mạng sống của mình nữa. Lại phải vác khổ giá mình mà đi sau Người. Và phải từ bỏ của cải mình đi hết thảy.

Dĩ nhiên Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta bỗng dưng phải bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì có chi mà phải ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chua, thì hôm nay Người bảo chúng ta phải dứt khoát lựa chọn: hoặc bỏ chúng để được Người, hoặc giữ chúng mà mất Người. Không có lối thoát nào khác. Không phải vì Chúa quá đòi hỏi; nhưng giữa ánh sáng và tối tăm, giữa tình yêu và hận thù, người ta phải lựa chọn.

Thế nên, tiếp theo Chúa bảo người ta phải suy nghĩ, cân nhắc. Như người muốn xây tháp, như vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn.

Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Và theo Chúa không như theo bất cứ một ai. Những người Do Thái đồng thời với Ðức Giêsu còn có thể hiểu lầm được, chứ ngày nay chúng ta đã thấy rồi, Chúa đã đi con đường thập giá, ai muốn đi sau Người, cũng phải mang lấy thập giá.

Kẻ muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô phải vác thập giá đi sau Ðấng đã vác thập giá mở đường cứu độ cho muôn người. Ðối với những thính giả ở thời Ðức Giêsu, điều này có một ý nghĩa rất cụ thể. Người ta vẫn thấy những tên tù tội phải vác thập giá đi đến nơi chịu tử hình. Ngày nay chúng ta đã thấy Ðức Giêsu đi như thế. Ai đi sau Người tất bị khai trừ bởi những ai phủ nhận đường lối Người đã đi. Không chấp nhận bị khai trừ như vậy không thể làm môn đệ của Người được. Và khi đi vào con đường thập giá như vậy, làm sao còn có thể bám vào của cải thế gian nữa? Do đó hãy hiểu hai đòi hỏi "ghét cha mẹ" và "từ bỏ của cải" như là điều kiện và hậu quả của việc lựa chọn đi vào đường lối của Chúa, khi tình yêu tự nhiên và của cải thế gian ngăn trở người ta bước đi sau Chúa để trở thành môn đệ của Người.

Khi theo Ngài, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải vác thập giá mình mà theo (Lc14, 27). Thập giá ở đây là gì? Đó chính là đời sống ta, là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao gửi cho ta. Hãy hoàn thành trách nhiệm của mình một cách hoàn hảo, chúng ta sẽ hân hoan và tự tin đi theo Người. Nếu bạn là một người tu sĩ ư? Hãy sống trọn đời sống của người tu sĩ. Bạn là một người cha ư? Hãy sống trọn trách nhiệm của một người cha, biết lo cho gia đình và nuôi dạy con cái nên người. Bạn là một giáo sư ư? Hãy làm trọn bổn phận của mình, hãy chuẩn bị giáo án đầy đủ và trao gửi tâm huyết, kiến thức của mình cho thế hệ trẻ để giúp họ nên người trưởng thành. Vác thập giá mình để đi theo Đức Giêsu chính là đi đến tận cùng của tình yêu. Đó chính là làm mọi việc vì tình yêu.

Và người môn đệ Chúa Giêsu phải là người biết ngồi lại, suy nghĩ như một người muốn xây tháp hay như ông vua chuẩn bị giao chiến (Lc 14, 28-32). Người môn đệ không phải là người vô tri, hành động thiếu suy nghĩ, nhưng là người biết dùng sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban tặng cho anh để phân định và phục vụ tốt hơn. Phục vụ nước Thiên Chúa giữa đời.

Theo Chúa Giêsu là đi ngược lại những cách sống của thời đại chúng ta. Sự chọn lựa của tin mừng có thể kéo theo những đoạn tuyệt đau đớn. Nó sẽ quấy rầy chúng ta trong các thói quen, tiện nghi chúng ta. Đó là trường hợp của những người sẵn sàng hi sinh thời giờ để giảng dạy giáo lí, coi sóc một nhóm trẻ hoặc tham dự vào các hội đòan và làm việc phục vụ giáo xứ. Vị trí ưu tiên dành cho tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt cho những người bé nhỏ, những kẻ đau yếu, những người bị lọai trừ. Ngài mời gọi tất cả chúng ta đi theo Ngài để trở thành chứng nhân trong thế giới hôm nay.

Của cải đời này cũng thật đáng quý, nhưng khi cần, người ta sẵn sàng từ bỏ của cải để dành lấy những giá trị cao hơn. Khi bị cướp hăm doạ tính mạng và đòi lấy của cải bạc tiền, người ta sẵn sàng bỏ của lấy người. Khi bị một chứng bệnh nan y đe doạ cướp đi mạng sống, người ta sẵn sàng bỏ ra hàng tỉ bạc để kéo dài đời sống, dù chỉ sống thêm được một năm.

Qua cuộc đời từ bỏ của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy từ bỏ không là mất đi nhưng là được lại và là được lại gấp nhiều lần.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, đó không hề là một chuyện ‘rẻ tiền’, dễ dãi. Bởi vì điều ấy giả thiết rằng người ta phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những gì thiết thân nhất của mình – dù đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, hay cả mạng sống mình nữa. Nhưng từ bỏ mới chỉ là một phần việc. Phần còn lại càng thách đố hơn gấp bội: Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu! Thập giá không chỉ gợi liên tưởng cái chết, mà đó còn là cái chết thê thảm, cái chết tận cùng nhục nhã. Chúa Giêsu không hề lập lờ, giấu giếm các điều kiện để theo Ngài. Trái lại, Ngài rất rõ ràng về các đòi hỏi đối với những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Đó là không giữ lại cho riêng mình bất cứ điều gì; trái lại phải sẵn sàng chịu tước mất tất cả, ngay cả mạng sống mình, dù một cách ê chề, nhục nhã.

Nếu chúng ta yêu thương Chúa Giêsu thì ta hãy để Ngài đi vào trong cuộc sống của chúng ta. Sự hiện diện của Ngài là một luồng Ánh sáng đến ở trong cuộc đời chúng ta và biến đổi từ bên trong. Khi cử hành Thánh lễ, chúng ta có thể múc tận nguồn để tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta đi theo Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành nhân chứng nhiệt thành cho tình yêu của Người trong cuộc sống hôm nay.

 

4. Độc thân

Phát biểu trong Thượng hội đồng Giám mục thế giới, nhóm họp tại Rôma vào tháng 10.1990, Đức Cha Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Nha Trang đã đề cao chứng tá của đời độc thân linh mục. Ngài cho biết: Sở dĩ các linh mục ở Việt Nam được kính trọng là nhờ ở đời sống độc thân. Đồng thời cũng nhờ đời sống độc thân mà các linh mục xứng đáng được gọi là thầy. Như chúng ta đã biết linh mục là Alter Xtus, là Đức Kitô thứ hai. Nếu Đức Kitô đã được gọi là Thầy nhờ vào sự tận hiến của Người, thì các linh mục cũng thế, muốn được gọi là thầy, thì cũng phải sống tâm tình hiến dâng.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã nhiều lần xác quyết: Ai không từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn, nhà cửa, thì không thể làm môn đệ Ta được. Là môn đệ của Chúa, chúng ta phải trở nên giống Người, có nghĩa là chúng ta cũng phải dâng hiến, và sự dâng hiến trọn vẹn nhất cho Chúa, chính là cuộc sống độc thân của các linh mục và tu sĩ.

Trên bình diện Giáo Hội, sự độc thân của các linh mục tu sĩ chính là một kho tàng Thiên Chúa đã trao tặng cho Giáo Hội, bởi vì nhờ đó các ngài không còn bị ràng buộc bởi hôn nhân, bởi gia đình, bởi tài sản và những tiện nghi vật chất khác nữa.

Nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta thấy có những thuận tiện cho việc độc thân của linh mục và tu sĩ, bởi vì các tín hữu luôn quý mến và nâng đỡ các ngài, chính những tình cảm nồng hậu ấy trở nên như một hàng rào bảo vệ cho sự độc thân của các ngài. Đó không phải chỉ là một ơn riêng cho bản thân linh mục mà còn là một quà tặng chung cho Giáo Hội, bởi vì các ngài trở nên như những chứng tá cho Giáo Hội, đồng thời qua sự độc thân ấy, các ngài như muốn mời gọi tất cả chúng ta: Hãy sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, đó cũng là một ơn gọi chung cho mọi người tín hữu.

Thực vậy, sự nên thánh không bao giờ có một biên giới bởi vì mọi người đều được mời gọi để nên thánh. Các linh mục và tu sĩ thì nên thánh qua bậc độc thân của mình, còn người giáo dân thì nên thánh qua bậc gia đình và môi trường sống của mình. Chính vì thế sống bậc gia đình không phải là một cái gì thấp kém nhưng cũng là một ơn gọi. Nếu chúng ta trung thành trong đời sống vợ chồng, nếu chúng ta chu toàn được những bổn phận của mình trong phạm vi gia đình, chúng ta cũng có thể nên thánh.

Chúa Giêsu không đến để hạ giá đời sống gia đình, nhưng trái lại Người đã nâng nó lên hàng bí tích và lấy nó làm hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Người và Giáo Hội. Nếu như linh mục phải đi cho đến tận cùng lời cam kết độc thân của mình, thì chúng ta, những người giáo dân, chúng ta cũng phải đi cho đến tận cùng lời cam kết hôn nhân của mình.

Bởi đó chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục cũng như cho mỗi người chúng ta biết sống trọn vẹn cho Chúa trong bậc sống của mình ở mọi nơi và trong mọi lúc.

 

5. Đòi hỏi của tình yêu – Thiên Phúc

(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.

Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.

Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.

***

Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: "Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ "dứt bỏ" không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là "ít hơn". Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu "yêu và bỏ". Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy" (Mi 10, 37).

Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.

Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quí mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.

Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn "Xây tháp" và "Cuộc giao chiến". Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.

Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận "cầm cày mà còn quay lại sau lưng". Thật vậy, những kẻ "đứng núi này trông núi nọ" thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ "bắt cá hai tay" là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: "Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi".

***

Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.

Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hôi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ