Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 43
Tổng truy cập: 1378521
TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH
Trở về với chính mình
Mùa chay là thời điểm thuận tiện để mỗi người chúng ta làm một cuộc trở về. Trở về với Chúa, với anh em và với chính mình.
Tin mừng của Chúa nhật 4 Mùa Chay tuần qua là lời mời gọi tha thiết chúng ta trở về với Chúa và với anh em của mình qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Trong Tin mừng hôm nay, qua việc các kinh sư và người Pharisêu cố tình gài bẫy Chúa Giêsu trong việc xét xử người đàn bà bị bắp quả tang phạm tôi ngoại tình, Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người hãy trở về với cõi lòng mình trước khi thực hiện hành động xét xử người khác. Nói cách khác, đó là lời mời gọi từng người chúng ta hãy trở về với chính mình. Đây là việc làm khôn ngoan, phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Trở về với chính mình là một một việc làm thật quan trọng. Nhờ biết trở về với chính mình, biết nhìn vào tận cõi lòng mình mà những Kinh sư và những người Biệt Phái lần đầu tiên nhìn nhận mình là những kẻ tội lỗi. Chúa Giêsu mời gọi họ quay trở về với chính mình cách hết sức tế nhị và độc đáo: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá người này trước đi”. Lời nói chân tình ấy là bảng chỉ đường tuyệt vời cho những kinh sư và Biệt Phái trở về với chính mình. Trước khi gặp Chúa Giêsu, khi chưa trở về với chính mình, các Kinh sư và Biệt Phái không hề nhìn nhận mình là kẻ có tội. Các ông luôn chọn cho mình thế đứng cao hơn mọi người “Lỗi lầm là của ai đó chứ không bao giờ phải là của tôi”. Và cho đến khi gặp được Chúa Giêsu, được Ngài chỉ đường cho họ trở về với chính mình thì họ đã nhận ra mình cũng là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, cũng cùng trong tình trạng tội lỗi như người phụ nữ kia thôi, có khác chăng là chưa bị ai “bắt gặp quả tang”. Nhưng trước toàn án lương tâm, họ đã thú nhận tình trạng đích thực của mình. Chúa Giêsu nhắc nhớ họ: “Ai trong các ngươisạch tội , thì cứ việc lấy đá ném đi”. Và khi nghe những lời đó, những Luật sĩ và Biệt Phái rút lui hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất.
Có lẽ đây là bài giảng ngắn nhất nhưng mang lại hiệu quả nhất của Chúa Giêsu. Bởi vì trước đây, những người Biệt Phái và luật sĩ chẳng bao giờ đủ khiêm tốn để nhìn nhận mình là kẻ có tội dù là trước Thiên Chúa hay trước mặt ai khác. Từ hệ quả này, chúng ta thấy rằng: Việc kêu gọi con người trở về với chính mình, nhìn vào tận cõi lòng mình quan trọng biết là ngần nào! Một trong những chuyện nguy hiểm nhất là trong đời sống đức tin là ảo tưởng về chính mình, tưởng mình là vô tội, là thánh thiện và trong sạch hơn mọi người. Chúa Giêsu đã giúp cho những Biệt Phái và Luật sĩ nhận ra sai lầm chết người ấy để họ kịp sửa chữa lầm lạc của mình. Đó cũng là lời mời gọi và là bảng chỉ đường yêu thương cho chính chúng ta nữa: Hãy trở về với cõi lòng mình, với chính mình. Một mình mình đối diện với toà án lương tâm ngay thẳng của chính mình để thấy, để nhìn nhận thân phận đích thực của mình là gì? Là tội nhân trước mặt Thiên Chúa!
Qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với những luật sĩ, biệt phái và dân chúng hôm nay, chúng ta khám phá ra rằng: Chúa Giêsu chính là con đường dẫn đưa con người tới sự sống trong hạnh phúc và tình yêu. Ngài luôn luôn mở ra những con đường sống cho mọi người. Trong khi đó, con người ta rất thường hay đặt dấu chấm hết cho người khác; thích đẩy người khác đi vào ngõ cụt và coi đó như là thành công của mình! Con người thích làm quan toà xét xử người khác nhưng lại quá dễ dãi với chính mình và thường rất mù loà trước tội lỗi của mình. Người ta sánh ví như sau: “Con người ta thường đeo 2 cái túi: một cái để sau lưng và một cái đeo trước bụng. Cái để ở sau lưng thì chứa tội của mình; Cái đeo trước ngực thì chứa tội của người khác. Vì thế, chúng ta rất dễ thấy lỗi lầm của người khác mà hay quên đi thiếu sót của mình, nên thường chỉ lo kết án người khác thôi. Chúng ta đừng ảo tưởng về chính mình là người trong sạch!
Khôn ngoan là hãy để cho Chúa xét xử vì Ngài hiểu thấu tâm tư và cõi lòng của mọi người, còn nhiệm vụ và quyền lợi của chúng ta hãy biết cảm thông thật nhiều, tha thứ thật nhiều và yêu thương mọi người thật nhiều như Chúa đòi hỏi, “yêu như Thầy đã yêu”. Amen.
43. Lòng thương xót
Trong cuộc đời của mình, chúng ta có khuynh hướng đưa ra một giá trị cao hơn về nhân đức tốt lành – sự tử tế rõ rệt, thông thường và diễn ra hằng ngày. Khi nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta cảm thấy tiếc nuối, khi nhớ đến những hành vi thiếu sự tử tế. Nhưng khi nhớ lại những hành động ân cần tận tuỵ của mình, thì đó thật là những giây phút đáng yêu. Sự tử tế chủ yếu là lẽ công bằng đích thực. Đức Giêsu đặc biệt thương cảm đối với những kẻ mà người ta đưa ra cho Người phán xét. Một ví dụ kinh điển là câu chuyện nói về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Câu chuyện này cảnh báo chúng ta chống lại thói quá vội vã trong việc đưa ra phạm vi luân lý cao. Ai trong chúng ta là người vô tội? Chúng ta phải học hỏi từ ví dụ của Đức Giêsu. Người kết án tội lỗi của người phụ nữ đó, nhưng Người từ chối không kết án bản thân chị ta. Không phải là tội lỗi đó không thành vấn đề đối với Người. Có chứ. Nhưng Người phân biệt giữa tội lỗi và tội nhân. Người kết án tội lỗi, nhưng lại tha thứ cho tội nhân.
Và động cơ quan trọng nhất trong tất cả hành động này của Người, đó chính là tấm lòng thương xót. Vấn đề không phải là hào phóng, nhưng là biết thương xót. Một người thánh thiện,, thì càng ít có khuynh hướng phán xét người khác. Trong mỗi con người, đều có khuynh hướng muốn tránh né quyền phê phán của bất cứ người nào khác.
Đức Giêsu từ chối việc phán xét người phụ nữ ngoại tình. Nhưng Người nói với chị ta “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Nói cách khác, Người không hề phủ nhận tội lỗi của chị ta. Người bảo chị ta hãy thừa nhận và chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Thật là dễ dàng hơn nhiều, khi người ta chối tội, biện hộ, hoặc đổ tội cho người khác. Khi người ta biết trực diện với tội lỗi và giải quyết nó, thì không còn gì để đổ tội, hối tiếc, ân hận, hoặc thất vọng nữa.
Lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Giêsu mang lại sự sống. Người phụ nữ đó đã được tự do ra đi – tự do để thay đổi thái độ sống của mình, và lấy lại được lòng tự trọng. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng con người có khả năng thay đổi, nếu được tạo cho cơ hội.
Sứ vụ của Giáo Hội phải là một nơi dành cho sự tha thứ, sao cho những kẻ đã bị sa ngã (tất cả chúng ta đều đã từng sa ngã, theo nhiều cách thức và mức độ khác nhau) đều cảm nghiệm được tình yêu thương và lòng thương xót của Đấng đã khước từ việc kết án. Giáo Hội phải trở thành một cộng đoàn của ân sủng, một cộng đoàn không câu nệ vào luật lệ, một cộng đoàn sẽ không kết án, nhưng sẽ yêu thương, một cộng đoàn quan tâm đến lòng thương xót, hơn là sự công bằng.
Ngày kia, có một phụ nữ đến van xin hoàng đế Napoléon tha thiết cho người con trai của bà. Anh thanh niên đó đã phạm một tội nặng. Lề luật đã rõ rệt. Công lý đòi buộc anh ta phải chết. Hoàng đế quả quyết rằng đảm bảo phải thi hành công lý. Nhưng bà mẹ nài nỉ “Thưa bệ hạ, tôi đến van xin lòng thương xót của ngài, không phải vì công lý”. Hoàng đế Napoléon trả lời “Nhưng hắn ta không xứng đáng được thương xót”.
Bà mẹ nói “Thưa bệ hạ, nếu nó xứng đáng, thì không còn gọi là lòng thương xót nữa”.
Hoàng đế Napoléon đáp “Thôi được. Ta sẽ rủ lòng thương xót nó”. Và ông sai thả người thanh niên đó ra.
Về bản thân, sự thương xót thuần tuý là một quà tặng. Đây là điều gì đó mà tất cả chúng ta đều cần đến, và do đó, chúng ta phải sẵn sàng mở lòng ra với người khác. Chúa nói “Phúc cho kẻ có lòng thương xót”.
44. Tình cảm
Người ta thường nói rằng con người chúng ta có bảy thứ tình cảm là Hỉ Nộ Ai Cụ Ái Ố Dục. Hỉ là vui, nộ là giận, ai là buồn, cụ là sợ, ái là thương, ố là ghét và dục là muốn. Tất cả gồm bảy tình cảm, “thất tình”. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết thêm một thứ tình cảm nữa, đó là thương xót.
Thương xót là gì? Thưa là một tâm trạng đặc biệt vừa êm đềm ngọt ngào (thương) vừa đau đớn đắng cay (xót).
Hai cảm giác mâu thuẫn vừa thương lại vừa xót ấy trỗi dậy trong lòng chúng ta khi chúng ta đứng trước một người chúng ta thương những người ấy vừa phạm một lỗi lầm.
Khi đó, chúng ta phải đối xử thế nào? Lên án chăng? Không được, vì làm như thế là không thương. Bỏ qua chăng? Cũng không được, vì làm như thế là dung túng cho sự xấu. Vậy làm thế nào bây giờ? Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu: Ngài nói với người phụ nữ ngoại tình “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Nghĩa là Chúa không lên án mà cũng không dung túng, nhưng Ngài cho kẻ có tội một cơ hội. Nếu Ngài lên án thì chị này phải chết, không còn cơ hội nào nữa. Nếu Ngài bỏ qua thì chị này sẽ tiếp tục phạm tội, cũng không có cơ hội. Ngài bảo chị về và đừng phạm tội nữa tức là cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Tại sao Chúa ban cơ hội cho người tội lỗi? Chúng ta cũng hãy tìm lý do trong bài Tin Mừng này. Và ta tìm gặp trong câu Chúa nói với những người muốn giết người phụ nữ ngoại tình ấy: “Ai trong các ông không có tội thì hãy ném đá chị này trước đi”. Vậy lý do là bởi vì ai cũng có tội. Thân phận làm người là như thế, đã là người thì có tội. Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành và thánh thiện, đúng lý ra Ngài có đầy đủ lý do để lên án loài người tội lỗi chúng ta, nhưng vì thương xót, Ngài đã ban cho chúng ta biết bao cơ hội: “Ta không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. Trong dụ ngôn về hai con nợ, Chúa Giêsu cũng nói một câu đáng chúng ta suy nghĩ: “Sao ngươi không biết thương xót bạn ngươi như Ta đã thương xót ngươi”.
Một quyển sách tựa đề “Tình trên non cao” kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống với nhau trên một ngọn núi cao, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ hô to giữa trời lồng lộng “Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá!”. Nhưng đâu phải chỉ sống với nhau mãi trên núi mà hạnh phúc. Người chồng thỉnh thoảng cũng phải xuống núi để làm ăn. Trong một chuyến xuống núi, người chồng đã lỡ sa ngã ngoại tình với một người đàn bà khác. Người vợ biết được, rất giận, từ đó không nói chuyện với chồng nữa. Phần người chồng thì cũng hối hận nhưng không thể nào xin lỗi được vì mỗi lần muốn nói lời xin lỗi với vợ thì vợ bỏ đi nơi khác. Một đêm kia người chồng trên đường lên núi về nhà thì gặp bão tuyết, chiếc xe ngựa bị gãy, con ngựa bị què, anh cũng bị thương nặng ở chân. Nhưng anh vẫn cố bò về tận cửa nhà. Người vợ ở trong nhà nhìn ra thấy chồng lết tới cửa, nhưng chị nhất định không mở cửa. Sáng hôm sau, người ta thấy xác người chồng đã cứng đờ ngay trước mái ấm gia đình của mình. Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế, chỉ vì người vợ không biết thương xót, không cho chồng mình một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Cuộc đời quả thật không đơn giản trắng là trắng, đen là đen, tốt là tốt, xấu là xấu. Trong một dụ ngôn, Chúa Giêsu cho chúng ta biết cuộc đời phức tạp như một mảnh ruộng có cả lúa và cỏ lùng lẫn lộn. Lòng người cũng thế, có khi tốt như thiên thần, có khi xấu như ác quỷ, có phần sáng có phần tối, dù lỡ phạm tội nhưng vẫn còn lương tâm. Bởi thế con người sống với nhau phải có lòng thương xót. Mà thương xót là, xin lặp lại một lần nữa, biết ban cho kẻ lỡ lầm có cơ hội làm lại cuộc đời.
Chúa đã thương xót chúng ta cho chúng ta biết bao cơ hội. Chúng ta cũng thương xót chính mình nên tự cho mình rất nhiều cơ hội. Lời Chúa hôm nay khuyến khích chúng ta thương xót anh chị em chúng ta để ban cho anh chị em chúng ta những cơ hội làm lại cuộc đời.
45. Đừng phạm tội nữa
Bắt đầu rao giảng, Đức Giêsu kêu gọi: Hãy hối cải vì Nước Trời đã gần. Năm tuần mùa Chay được sắp đặt như là một tóm kết súc tích về giáo huấn của Đức Giêsu, nói rỏ về hối cải:
Tuần I Chay: Ăn chay, làm việc lành cụ thể là ăn chay, bố thí và cầu nguyện để làm chủ bản thân.
Tuần II Chay: chống lại các cám dổ để không phạm tội bị lôi cuốn theo những chuyện thế tục.
Tuần III Chay: Rỏ ràng hơn: không hối cải thì chết hết. Cây vả không sinh trái thì phải chặt đi để hại đất. Có hoản, nhờ có ơn cứu độ thì cũng chỉ một năm. Tiếp tục không sinh trái thí năm sau phải chặt. Ba năm là tuổi trời cho mỗi người, chỉ hoản được một năm thôi. Sinh trái là tích cực, làm việc lành, sinh lợi.
Tuần IV Chay: Một ngưòi tội lỗi hối cải, trên trời vui mừng. Hối cải là trở về. Đứa con là người có tự do. Tự do đi thì tự do về. Không như đồng bạc bị mất thì phải quét tước tìm cho được. Con chiên đi lạc chủ phải đi tìm rồi vác trên vai đem nó về (vì nó đâu có biết về). Chúa tìm người tội lỗi bằng cách để nó đi tới cùng đường khốn khổ để nó biết hồi tâm và quyết tâm trở về. Về thì được đón tiếp không về thì đành chịu.
Tuần V Chay: Là câu kết chung: Đừng phạm tội nữa. Không có tội, là người công chính, đạo đức mới sẳn sàng theo Đức Giêsu vào tuần Thương khó. Những người có tội thì chỉ có kết án và đóng đinh Đức Giêsu. Câu chuyện’Người phụ nữ ngoại tình’ bị bắt quả tang đáng lẻ phải bị ném đá, không phải là bài học mà chỉ là ‘ miếng trầu làm đầu câu chuyện’. Câu ‘chìa khóa’ làm bài học là ‘đừng phạm tội nữa’. Ý tưởng nằm ngầm trong mọi lời dạy của Đức Giêsu là mọi người đều có tội. ‘Ai có tội thì ném dá trước đi’ và tất cả họ rút êm. Thiên Chúa chỉ có yêu thương ‘ mãi mãi Chúa là Tình Yêu’ và không có gì khác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không kết án nhưng không hối cải thì ‘chết hết’. Nhưng coi chừng hiểu sai tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsu làm thinh, lấy ngón tay viết trên đất. Không một lời lớn nhỏ nào. Nhưng cũng rất dịu dàng, từ tốn. Tôi cũng không kêt án chị. Thiên Chúa không kết án, nhưng không hời hợt mà lạnh lùng, sự lạnh lùng nghiêm khắc. Người không nói ” tốt, tốt” về bình an. Phạm tội là không tốt chút nào. Ghét con cho ngọt cho bùi. Thiên Chúa không có ghét nên cũng không cho ngọt cho bùi để nó hư thêm và cuối cùng là….. Về đi, đừng phạm tội nữa. Lở lầm một lần thì thôi. Phạm nữa thì chết. Thiên Chúa không muốn người tội lỗi phải chết vì Thiên Chúa là tình yêu nên muốn nó hối cải mà được sống. Phạm tội là chuyện của con người, của tự do. Phải giúp nó hối cải, là đừng phạm tội nữa chứ không phải là cứ phạm tội rồi xưng tội là hềt. Cũng không phải chỉ rán đừng phạm tội mà đừng phạm tội để cùng Đức Giêsu đi vào tuần thương khó, sự thanh tẩy cuối cùng và trọn vẹn để hướng tới sự Phục Sinh Vinh quang là đích điểm của đời người. Có cùng Đức Giêsu đi qua thập giá mới tới được Phục Sinh vinh quang.
Xin Chúa giúp con cùng Chúa vào tuần thương khó, vượt qua thập giá, mừng lể Phục Sinh, nắm chắc niềm hy vọng được Phục sinh vinh quang với Chúa.
46. Giới luật yêu thương
Ông bà và anh chị em thân mến!
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đã đến thế gian để giữ gìn che chở và cứu thoát con người khỏi ách nô lệ, khỏi ách tội lỗi của thế gian và làm cho con người được sự sống mới trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia tường thuật lại việc Thiên Chúa đã cứu dân Ngài vượt qua biển đỏ thoát cảnh nô lệ Ai Cập. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã mặc cho lề luật một tinh thần mới, vì Ngài đến để kiện toàn lề luật của Thiên Chúa.
Bài Phúc Âm thánh Gioan hôm nay cho ta thấy Chúa Giêsu đã dùng trái tim nhân hậu của Thiên Chúa để cứu một tội nhân là người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Thật ra, tội ngoại tình theo lề luật trong sách Lêvi và sách Đệ Nhị Luật thì tội nhân phải bị xử tử. Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đến thế gian để tìm kiếm và chữa lành những tâm hồn tội lỗi biết ăn năn sám hối. Vì lý do này mà các Kinh Sư và Biệt Phái rất khó chịu và chống đối Đức Giêsu. Người đàn bà phạm tội ngoại tình mà hôm nay các ông đưa tới nhằm gây sự khó khăn cho Đức Giêsu, họ xem Ngài phán xét như thế nào trước một tội phạm rành rành như vậy. Nếu Đức Giêsu cũng kết án tử cho chị ta, thì Ngài cũng đâu có yêu thương và chữa lành cho tội nhân gì đâu! Nhưng nếu Đức Giêsu không kết án chị ta, thì Ngài đi ngược lại với luật Cựu Ước và chính Ngài cũng bị kết án vì đã vi phạm đến lề luật.
Điểm độc đáo của Chúa Giêsu là Ngài rất điềm tĩnh trước khi phán quyết một điều gì. Đức Giêsu thinh lặng vẽ nguệch ngoạc trên đất. Những người tố cáo tưởng rằng Đức Giêsu đã bí lối, nên tiếp tục gây áp lực. Chúa Giêsu đã biến tòa án dân sự sang tòa án lương tâm: “ai trong các ngươi không phạm tội thì ném đá chị ta trước đi” và Ngài tiếp tục thinh lặng. Qua lời nói này đã đánh thức lương tâm của đám đông bởi vì đã là người thì ai cũng có tội và từng người đã bỏ đi.
“Phần Tôi, Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về và đừng phạm tội nữa!” Chúa Giêsu không bao che, không dung túng cho tội, nhưng Ngài yêu thương tội nhân và cho họ cơ hội để sửa đổi. Thật vậy, Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài muốn tội nhân sám hối mà hoán cải đời sống. Chúa Giêsu yêu con người đến nỗi đã từ bỏ cõi trời mang phận phàm nhân mà lãnh lấy tội lỗi của thế gian, chịu khổ hình chịu chết trên thập giá. Ôi tình yêu Chúa thật cao vời còn chúng ta thì sao?
Nhìn lại đời sống đạo của chúng ta, trong tư tưởng, trong hành động ai cũng là tội nhân, nhưng Chúa đã bao lần tha thứ cho chúng ta. Tuy vậy, tâm trạng của chúng ta nhiều khi cũng giống như những Pharisêu và Biệt Phái: chỉ biết lên án, kết tội người khác mà không nhận ra tội mình. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6.41)? Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi, hãy cải thiện đời sống mà quay về với Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Chúng ta cũng noi gương Đức Giêsu, biết tha thứ cho những anh chị em lỗi phạm đến mình và cho họ một cơ hội để làm lại cuộc đời.
Hôm nay đã bước vào thời gian cuối cùng của mùa chay thánh, chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn để sám hối cùng Chúa, để nhận ra những lỗi lầm của ta với Chúa, với bản thân và với những người xung quanh, bằng đời sống đức tin vững mạnh, lối sống hiền hòa, lương thiện đối với những anh chị em xung quanh. Xin ơn Chúa Thánh Thần phù trợ cho tất cả ông bà và anh chị em. Amen.
47. Làm lại cuộc đời
Cùng với Giáo hội chúng ta đang sống vào tuần lễ trước khi vào tuần cao điểm của năm Phụng vụ. Chúng ta nhớ, Mùa chay là mùa Thiên Chúa và Giáo hội tha thiết các con cái của mình trở về. Trở về nếu đã đi lầm đường lạc lối. Trở về để được sống trong tình thương ấm áp của Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót va hay tha thứ. Trở về để làm lại cuộc đời.
Tuần trước chúng ta đã suy niệm về tình thương của Thiên Chúa qua hình ảnh “Người cha nhân hậu”. Người cha nhân hậu vui mừng đón nhận đứa con hư hỏng trắc nết trở về. Người cha nhân hậu này cũng kiên nhẫn đón nhận đứa con cả. Bởi vì bấy lâu nay ông không ngờ rằng nó sống với ông mà như là một người tôi tớ với ông chủ.
Cũng với đề tài ấy, hôm nay Giáo hội chọn đoạn Tin mừng thật hay và ý nghĩa theo Thánh Gioan cho chúng ta suy niệm. Người ta thường nói: “chuyện người thì sáng còn chuyện mình thì oán”. Ðúng vậy, các kinh sư trong xã hội Do thái thời Chúa Giêsu sau khi đã bắt quả tang được một người phụ nữ phạm tội ngoại tình thì nhanh chóng dẫn tới Chúa Giêsu. Mục đích của họ là vừa muốn cho chị này phải chết theo luật Môsê. Hơn nữa, họ lại còn muốn hại cả Chúa Giêsu. Do đó, họ đã dẫn chị này đến với Chúa Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 4 – 5).
Họ đang muốn theo kiểu “một mũi tên bắn trúng hai con nhạn”. Nhưng họ đã lầm, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho họ từ nguyên cáo trở thành bị cáo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” (Ga 8, 7b) “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.” (Ga 8, 9).
Không biết họ đã bỏ đi đâu nhưng cứ nghĩ theo hướng tích cực là họ bỏ đi để làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, câu nói ấy của Chúa Giêsu đã làm cho họ giật mình nhìn lại chính mình.
“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11). Ðây mới là câu mấu chốt của đoạn Tin mừng hôm nay. Chúa Giêsuchính là hiện thân của Chúa Cha. Với câu nói này, Chúa Giêsu đã mở ra cho người phụ nữ này một chân trời mới. Người tạo cơ hội cho chị làm lại cuộc đời.
Là con người không ai không có lầm lỗi. Trong những ngày mùa Chay này chắn hẳn không nhiều thì ít chúng ta cũng cảm thấy mình con nhiều điều cần phải sửa đổi. Hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa để cố gắng làm lại cuộc đời mỗi ngày cho tốt hơn.
48. Sáng tinh sương – Lm. Vũ Đình Tường
Ánh dương chiếu toả bắt đầu một ngày mới. Vẫn biết có người ưa thinh lặng nhưng thật thích tai khi nghe tiếng chim ríu rít chào hừng đông bên cạnh cửa sau hè. Nơi cành cây, kẽ lá còn đọng hạt sương đêm, lung lay trước gió, phảng phất đó đây, phản chiếu những tia sáng muôn màu tươi sáng như những hạt ngọc trắng toát. Ngày mới mang lại hy vọng mới. Hy vọng một ngày tươi sáng, nhiều niềm vui, không gặp ngăn trở đáng ngại trong công việc.
Phá vỡ hy vọng, niềm vui giây phút đầu ngày là điều nên tránh. Kẻ làm điều đó đáng bị quở trách bởi vì nó gây cho ta cảm xúc suốt ngày đó mang lại toàn chuyện buồn sầu, lo lắng, nhiều mệt mỏi, âu lo. Điều này không đồng nghĩa với quan niệm mở hàng buổi sáng của dân buôn bán tin là người mở hàng khởi nởi ngày đó hên, người mở hàng kì kèo, chê bai ngày đó xui vì hàng hoá ế ẩm.
Chúng ta luôn mong mỏi một buổi sáng tươi đẹp nhiều niềm vui. Mong mỏi vì không phải sáng nào cũng có nhiều niềm vui đâu vì có nhhiều trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.
Đức Kitô cũng gặp trường hợp tương tự như trên trong câu chuyện chị phụ nữ ngoại tình hôm nay. Sáng sớm Đức Kitô thường bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện. Khi thì ngài cầu nguyện nơi thanh vắng, chốn yên tịnh, không người, khi thì ngài vào đền thờ cầu nguyện. Chúng ta không biết ngài cầu gì nhưng chắc chắn ngài muốn hiệp thông, liên kết với Chúa Cha qua hành động thánh thiện đầu ngày. Trên đường vào đền thờ thì có hai nhóm người đón chặn, với mục đích đen tối, mong gài bẫy bắt lỗi. Họ dẫn đến trước mặt ngài chị phụ nữ tuyên bố chị này bị bắt công khai tội ngoại tình. Theo luật Môisen thì phải ném đá chết, còn Thầy dậy sao. Nếu trả lời Môisen dậy sao thì cứ thế mà thực hành thì Ngài làm trái điều ngài rao giảng là kêu gọi thống hối và thứ tha. Nếu ngài trung thành với giáo huấn ngài dạy thì ngài làm trái điều luật Môisen và như thế bị ghép tội coi thường luật lệ tiền nhân. Câu trả lời nào cũng dẫn đến bế tắc trăm chiều. Đức Kitô không trả lời họ ngay nhưng cúi lưng xuống dùng ngón tay viết trên đất. Điều rõ ràng về nhân số họ nắm đa số. Tiếng nói của họ đại diện cho đám đông, đa số vì là hai nhóm Pharisiêu và Kinh Sư hợp lại bàn cách hạ độc thủ. Tiếng nói thiểu số chính là tiếng nói của Đức Kitô còn chị phụ nữ hoàn toàn không được lên tiếng vì phụ nữ thời đó không được lên tiếng hơn nữa chị lại là phạm nhân.
Chờ một lát nhóm đa số mất kiên nhẫn la lên. Đức Kitô ngẩng mặt nói với họ. Ai trong các ông tự nhận không có tội, tự nhận là người công chính thì ném đá trước đi. Họ nhìn thấy tội người mà không nhìn thấy tội mình. Họ phạm lỗi làm nhục và làm mất nhâm phẩm chị phụ nữ nơi công cộng. Họ xâm phạm đời tư người khác quá đáng. Họ cản trở cả việc Đức Kitô vào đền thờ cầu nguyện. Những điều đó cho thấy họ không thể tự nhận mình công chính. Nếu tự nhận là công chính là lừa dối họ. Vì thế họ lần lượt tự xet và ra đi, bắt đầu từ người cao niên. Cuối cùng còn sót lại mình chị phụ nữa và Đức Kitô. Chị ta vẫn yên lặng mãi cho đến khi Đức Kitô hỏi chị. Họ đâu cả rồi? Lúc đó chị mới lên tiếng. Đức Kitô nhẹ nhàng, ôn tồn nói với chị
Tôi không kết án chị đâu, ra về và đừng phạm tội nữa. Ga. 8,11
Bài dụ ngôn dậy chúng ta muốn có bình an không cần đến bạo động. Vua bình an giải quyết mọi khúc mắc trên đời bằng đường lối ôn hoà, bất bạo động.
49. Khoan dung
Những người Pharisêu và kinh sư thời Chúa Giêsu luôn cố gắng tìm mọi cách để tố cáo và hạ bệ Ngài. Ngài là một chướng ngại, một cái gai rất khó chịu trước mắt họ, vì họ thấy Ngài đối xử nhân từ với những người thu thuế, những người tội lỗi, những phụ nữ xấu nết và những người sống ngoài luật Môsê. Để đối đầu với Ngài, nhiều lần họ đã giương cao cạm bẫy, nhưng lần nào cũng vậy, họ đều thất bại và phải xấu hổ bỏ đi. Vì thế, lần này, họ nhất định ăn thua đủ với Ngài. Họ đã kinh nghiệm rồi, họ không đặt ra những vấn đề lý thuyết như việc đóng thuế cho hoàng đế Xêda hay những trường hợp giả tưởng như chuyện người đàn bà goá lấy bảy anh em làm chồng. Trái lại, lần này là một việc cụ thể, với những vai chính sống động, rõ ràng, chắc chắn.
Đó là trường hợp một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Theo luật Môsê thì tội này bị kết án tử hình ném đá. Như vậy, người phụ nữ này có thể bị giết chết mà không cần một lời tố cáo nào và cũng chẳng cần cho người có dịp bào chữa, vì đã trở thành đồ bỏ rồi. Vậy tại sao họ còn đem người phụ nữ này đến để hỏi Chúa Giêsu về cách trừng phạt, vì tội bà ta đã rõ ràng và hình phạt đã được luật pháp qui định cũng rõ ràng? Thưa, họ muốn gài bẫy Chúa để loại trừ ảnh hưởng của Ngài và bêu xấu Ngài. Hoặc là Ngài phải đứng về phía luật pháp với tất cả sự gay gắt của nó, điều đó trái ngược với thái độ nhân từ Ngài thường có. Hoặc là Ngài xác định sự biệt lập của mình để trở thành kẻ bất trung và lạc giáo vì chống lại luật Môsê. Nói rõ hơn, nếu Chúa tuyên bố không ném đá, tức là Ngài chống lại luật Môsê. Còn nếu Chúa tuyên bố ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài là phạm đến quyền của đế quốc Rôma, vì người Do thái lúc đó đang sống dưới sự đô hộ của Rôma, họ không có quyền xử tử ai, chỉ quan toàn quyền Rôma mới có quyền đó. Thật không dễ gì trả lời. Chống lại luật Môsê thì sẽ bị dân phản đối, chống lại quyền của đế quốc thì sẽ bị đế quốc trừng trị. Chúa Giêsu sẽ chọn đàng nào? Chúa xử trí vụ này ra sao?
Chúa không nói lời nào, Ngài im lặng và cúi xuống lấy ngón tay viết trên mặt đất. Đây là lần đầu tiên Tin Mừng ghi lại Chúa Giêsu viết nhưng không nói Ngài đã viết gì. Người ta đã tìm đủ cách để đoán xem Chúa viết gì. Có người cho rằng Chúa chỉ nguệch ngoạc, không viết rõ chữ gì để tỏ thái độ không muốn dây mình vào việc xét xử ai. Có người cho rằng Chúa viết những lời than trách của ngôn sứ Giêrêmia về tội dân Do thái phản bội Chúa còn nặng tội gấp mấy người phụ nữ này. Có người cho rằng lần nhất Chúa viết số thứ tự của mười điều răn, lần hai Ngài viết các tội nặng của những kẻ đứng ra tố cáo về ngày giờ, nơi chỗ và lý do phạm tội với ai. Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi. Bản văn Tin Mừng đã cố ý không nói Chúa Giêsu viết gì. Có thể Chúa chỉ lấy tay vạch vẽ trên đất mà chẳng viết chữ gì cả. Đây chỉ là cách Chúa tạo một khoảng thinh lặng chờ đợi để cho những kẻ tố cáo người phụ nữ này kịp suy nghĩ lại.
Những người Pharisêu và kinh sư thấy thái độ của Chúa có vẻ như không quan tâm gì đến vấn đề họ đặt ra, nên họ phải nhắc đi nhắc lại câu hỏi. Và bây giờ Chúa mới đưa ra quyết định. Ngài không trả lời câu hỏi của họ, nhưng lời Ngài nói ra làm cho họ ngạc nhiên đến choáng váng. Chúng ta thấy Chúa không nói: “Đừng ném đá chị ta”, vì Ngài không muốn tỏ vẻ chống lại luật pháp. Và Ngài cũng không nói: “Hãy ném đá chị ấy”, vì Ngài đến không phải để làm mất đi những gì Ngài đã tìm lại được, nhưng là để tìm kiếm những gì đã hư mất. Vì vậy Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Chúa không phủ nhận tội của người đàn bà kia, cũng không phủ nhận luật Môsê, nhưng Chúa đưa ra một quan điểm mới: hãy tự xét xử mình trước khi xét xử người khác. Họ đang dựa vào luật Môsê để xét xử người khác, thì Chúa bảo họ hãy dựa vào đó mà xét xử chính mình trước đã. Ngài yêu cầu họ hãy trở về với chính mình. Họ mưu toan bên ngoài nhưng họ lại không nhìn vào đáy lòng mình. Họ trông thấy người ta ngoại tình nhưng họ không nhìn vào chính mình, vì hễ ai chú ý xét mình, người ấy sẽ thấy mình là kẻ tội lỗi. Vậy hoặc là trả tự do cho người phụ nữ ấy, hoặc hãy cùng với bà ta chịu sự trừng phạt của lề luật đi. Nói rõ hơn, họ đang đòi xử tội người đàn bà này vì tội ngoại tình, nhưng thật sự ý đồ của họ là đang tìm cách mưu giết Chúa. Những lời của Chúa Giêsu đã đánh trúng tim đen của họ. Thế là họ lần lượt bỏ đi, vì họ nhận ra rằng chính họ cũng là những kẻ có tội.
Cuối cùng, chỉ còn lại một mình người đàn bà đứng trước mặt Chúa, chỉ còn lại hai bên: kẻ đáng thương đối diện với tình thương. Kẻ đáng thương chờ đợi tình thương xót; và tình thương xót chờ đợi kẻ đáng thương. Chúa Giêsu ngẩng đầu lên và nói với người đàn bà: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị ta thưa lại: “Thưa ông, không có ai cả”. Chúa Giêsu nói tiếp: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là lời của tình thương, tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn sám hối chứ không phải để lên án.
Tóm lại, Chúa Giêsu đến trần gian để kêu gọi người tội lỗi ăn năn sám hối chứ không phải để kết án. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình là một bằng chứng. Và Chúa dạy chúng ta hãy theo gương Chúa mà đối xử với nhau như thế: đừng bao giờ kết án ai hay vào hùa với ai để kết án người khác; đừng đấm ngực ai, nhưng hãy đấm ngực mình, nhìn nhận mình cũng chẳng khá hơn ai, mình cũng đầy những tội lỗi và thiếu sót, cần ăn năn sám hối để được tha thứ. Đó cũng là lời kêu gọi tha thiết cho mỗi người trong Mùa Chay này.
50. Thức tỉnh
Hôm nay Tin Mừng dẫn chúng ta tham dự vào một vụ xử án có thật xảy ra cách đây hơn 2000 năm. Vụ án “Người phụ nữ ngoại tình”. Một vụ án được xét xử thật kỳ lạ: vụ xử kết thúc mà không có một bản án. Chỉ một lời thẩm vấn của Đức Giêsu, các nguyên cáo bỏ đi hết chỉ còn lại bị cáo.
Vụ án không oan uổng đối với bị cáo với chứng cứ rõ ràng, tưởng chừng nắm chắc cái chết trong tay, nhưng bị cáo lại tìm được con đường sống.
Phải chăng mấu chốt của sự kỳ lạ ấy nằm ở con người vị thẩm phán tên Giêsu?
Từ sự kỳ lạ ấy giúp chúng ta khám phá ra sứ điệp của Tin Mừng hôm nay đó là: Đến với Thiên Chúa lương tâm ta được thức tỉnh, ta biết thật về con người mình, và ta được mời gọi sống đời sống mới.
Căn cứ trên trang Tin Mừng trước hết chúng ta thấy các nguyên cáo có vẻ hăm hở đắc thắng khi mang bị cáo đến trước Đức Giêsu, với những chứng cớ rõ ràng: “Thưa Thầy, người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Theo luật Môsê thì người đàn bà này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy xử thế nào?”. Thế nhưng sự việc đã không xảy ra như dự đoán và mong muốn của họ.
Sự thinh lặng của Đức Giêsu cùng với cử chỉ viết trên đất cho câu trả lời, đó như một sự nhắc nhở khéo léo nhẹ nhàng và tế nhị đối với những người kết tội. Một khoảng lặng để cho họ bình tĩnh nhìn lại mình. Một khoảng lặng để họ xét lại những việc họ đang làm. Thế nhưng họ như không hay biết điều đó hoặc cố tình lờ đi để rồi tiếp tục ép buộc Chúa lên tiếng.
“Ai sạch tội thì hãy ném đá người này trước đi”. Đức Giêsu trả lời. Một câu trả lời thay vì xét xử và kết tội phạm nhân thì lại là một câu thẩm vấn đánh sâu vào lương tâm các nguyên cáo để họ có thể nhận ra chân tướng của mình, con người thật của mình với đầy tội lỗi chẳng kém. Chính họ cũng đã đồng loã liên kết với nhau, dùng mưu mẹo để hại người, để loại trừ kẻ mà họ không ưa, một người đang có ảnh hưởng trong dân có vẻ như lấn át vị thế của họ. Lại một khoảng lặng nữa bắt đầu.
Và thái độ “bỏ đi hết, kẻ trước người sau bắt đầu từ những người lớn tuổi” cho thấy rõ lương tâm của các nguyên cáo đã được đánh động và thức tỉnh họ như đã dần dần nhận ra con người thật của mình.
Còn với bị cáo: Người phụ nữ ngoại tình? Tội đã rõ rành rành, chẳng cần chứng cớ, không chạy đâu được. Nếu như ta thử đặt câu hỏi: giả như chị ta không bị bắt quả tang phạm tội, thì hỏi rằng chị sẽ còn làm sự tội ấy nữa không? Điều đó sẽ cho chúng ta nghĩ rằng: có lẽ chị cho rằng chuyện tội lỗi chị làm trước đây khi chưa bị phát hiện, chẳng tội lỗi gì? Khi đến trước Đức Giêsu lương tâm của chị cũng đã được thức tỉnh bởi lời của Ngài: “Chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Đừng phạm tội nữa, một lời khẳng định cho chị thấy rõ chuyện chị làm là tội lỗi.
Vâng! Con người ngày hôm nay cũng đang có những cách sống và thái độ sống không khác gì các kinh sư và Pharisêu hoặc như người phụ nữ ngoại tình. Đó là thái độ dửng dưng trước tội. Làm sự tội mà không biết mình tội. Sống trong sự tội mà cho rằng mình không mắc tội. Lương tâm của họ xem ra như chai lì hoặc bị ngủ mê. Hầu như vô tư trước những tội lỗi của mình xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.
Thật vậy có những người bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa nhất là thánh lễ Chúa nhật với những lý do biện hộ rất đơn giản khi nại vào công việc hoặc đạo tại tâm, hoặc có tham dự cũng chỉ máy móc cho qua.
Có những người đang sống thiếu thành thật trong lời nói, thiếu ngay thẳng trong công việc làm ăn: gian lận thủ đoạn, lừa gạt… nhưng vẫn coi đó là bình thường chẳng tội lỗi gì.
Có những bạn trẻ hôm nay đang lao đầu vào những thú vui giải trí thiếu lành mạnh nhưng vẫn nghĩ rằng xã hội nhiều người làm được như thế, nên tôi làm cũng chẳng sao. Họ tự do yêu đương, tự do quan hệ, tự do luyến ái.
Có những người cho rằng rất bình thường chẳng có tội lỗi gì khi nói xấu, lên án người khác hoặc có thái độ cố chấp không cho rằng mình có lỗi khi gây ra những tổn thương cho tha nhân.
Ngay trong cuộc sống gia đình cũng vậy, chồng hoặc vợ xúc phạm đến nhau mà chẳng ai chịu nhận lỗi về mình.
Vâng, còn rất nhiều nếu đi vào từng chi tiết ngõ ngách của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy chẳng thiếu những cung cách sống và thái độ sống thiếu ý thức về tội như vậy, đến nỗi Đức Thánh Cha trong Tông huấn “Sám hối và hoà giải” đã phải lên tiếng: “Con người ngày nay gần như mất cảm thức về tội, họ làm điều tội mà không biết là tội, họ sống trong tội mà không biết mình mắc tội”.
Trước mặt Thiên Chúa, không ai không là tội nhân. Chẳng ai có thể tự vỗ ngực nói rằng mình không có tội, như thánh Gioan nói: “Ai bảo mình không có tội là kẻ nói dối tự lừa dối mình”. Điều quan trọng tôi có ý thức mình là tội nhân không? Hãy có những khoảng lặng để gặp Chúa, để cho lời Ngài thức tỉnh chúng ta như Ngài đã thức tỉnh các kinh sư, người Pharisêu và người phụ nữ ngoại tình để chúng ta có thể nhận ra mình là tội nhân.
Thiên Chúa không chỉ thức tỉnh lương tâm chúng ta, nhưng Thiên Chúa còn mời gọi và đề nghị chúng ta sống một đời sống mới.
“Ta không kết tội chị, chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Một lời thức tỉnh, tha thứ nhưng cũng là một lời đề nghị.
“Hãy đi và đừng phạm tội nữa” cũng là lời đề nghị và mời gọi của Thiên Chúa đối với chúng ta hôm nay khi đã nhận ra lỗi lầm và sám hối rồi, chúng ta không chỉ dừng lại ở đó, nhưng phải tiến xa hơn, vượt lên trên bằng một sự thay đổi tận gốc rễ với một cuộc sống mới. Một lời xin lỗi xong chưa đủ, nhưng là đừng để cho điều lỗi xảy ra nữa. Đời sống mới là đời sống không còn như đời sống cũ trước đây đang sống tội nữa. Ví như trước đây tôi sống gian dối, nay tôi sống thành thật và ngay thẳng. Trước đây tôi hay vu khống kiện cáo, nay tôi sống khiêm tốn hoà nhã với tha nhân.
Mùa chay đã bước vào tuần thứ năm. Những ngày đại thánh mừng cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô sắp đến gần. Thiên Chúa đang rộng mở bàn tay đón chờ và mời gọi chúng ta đến với Ngài để lãnh nhận ân phúc. An phúc trước hết đó là chúng ta được Thiên Chúa đánh động và thức tỉnh lương tâm; ân phúc được ơn giao hoà với Thiên Chúa và được mời gọi sống đời sống mới qua việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Giải tội. Chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn can đảm, lòng khiêm nhường để chúng ta mạnh dạn đến gặp Chúa.
51. Chúa Nhật 5 Mùa Chay
Kính thưa quý OBACE!
Tuần trước chúng ta đã được thánh Luca kể lại dụ ngôn người con hoang đàng để nói lên lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa. Và hôm nay, chúng ta lại được nghe thánh Gioan Tông đồ kể lại thái độ của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ sắp bị ném đá vì phạm tội ngoại tình. Tất cả đều nói lên lòng bao dung và tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người.
Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe chẳng khác gì một phiên toà. Bị cáo là người phụ nữ với tội danh ngoại tình. Nguyên cáo là nhóm Kinh sư, Biệt phái. Bản án là tử hình bằng cách ném đá. Thật ra các kinh sư và người Pharisêu có thể thi hành án dựa theo luật Môsê. Trong sách Lv 20,10 có quy định: “ném đá cho tới chết kẻ phạm tội ngoại tình.”Họ đến hỏi Chúa Giêsu không phải vì thiện ý nhưng nhằm gày bẫy Người. Nếu Chúa tha cho người phụ nữ họ sẽ tố cáo Người chống lại luật Môsê. Còn nếu Chúa kết án chị ta thì những lời rao giảng về yêu thương tha thứ của Chúa sẽ không còn ai tin nữa. Một cái bẫy thật hiểm độc. Đằng sau bản án dành cho người phụ nữ, họ hy vọng sẽ có một bản án khác dành cho Chúa Giêsu.
Đứng trước cạm bẫy nham hiểm này, Chúa Giêsu đã có một cách giải quyết rất khôn ngoan. Người không trả lời họ ngay mà chỉ im lặng cúi xuống viết trên đất một điều gì đó. Nhiều người cho rằng Chúa viết ra các tội lỗi của những người tố cáo. Cũng có ý kiến cho rằng Chúa cố tình im lặng để những kẻ tố cáo có thời gian nhìn lại cõi lòng mình, để nhận thấy mình cũng là những kẻ có tội.
Họ không thể nào chịu nổi sự im lặng đó nên đã hối thúc Chúa Giêsu: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao”. Chúa Giêsu ngước mắt lên nhìn thẳng vào họ, một cái nhìn thấu suốt tận tâm cang, và Người nói “ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi”. Câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm cho những hòn đá họ đang cầm trên tay để ném người phụ nữ lại ném vào chính lương tâm của họ. Và rồi không ai dám ném hòn đá đầu tiên vì ai dám nói mình là vô tội. Những hòn đá từ từ rơi khỏi tay họ. Thế là họ rút lui từng người một.
Khi họ đã đi hết chỉ còn lại mình Chúa Giêsu và người phụ nữ. Một con người đau khổ đối diện với Đấng giàu lòng thương xót. Chúa nhìn chị ta với ánh mắt nhân từ, Người nói: “tôi cũng không kết án chị đâu, thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Kính thưa OBACE!
Qua câu chuyện vừa rồi chúng ta thấy có một nghịch lý trong cuộc đời: Một đàng, Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng lại đầy lòng thương xót đối với người tội lỗi. Một đàng, con người ai cũng mắc tội, không nhiều thì ít, không tội nặng cũng tội nhẹ lại hay phê bình, chỉ trích và kết án đồng loại của mình. Thay vì chúng ta biết cảm thông với những lồi lầm của người khác thì chúng ta lại thường đóng khung số phận của họ trong quá khứ lỗi lầm, đôi khi vô tình chúng ta đẩy họ tiếp tục rơi vào con đường tội lỗi mà không có lối thoát.
Chúa Giêsu ghét tội nhưng Người yêu thương kẻ có tội. Người không dung túng cho tội lỗi của người phụ nữ nhưng Người cho chị một cơ hội làm lại cuộc đời. ” chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đức cố hồng y Phanxicô nguyễn Văn Thuận nói rằng: “vị thánh nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai”. Nghĩa là vị thánh nào cũng đã có lần phạm tội và tội nhân nào cũng có khả năng hoán cải và làm lại cuộc đời. Cho nên, chúng ta đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho một con người còn sống.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết cảm tạ ơn Chúa, vì biết bao lần Người đã tha thứ cho những lỗi phạm của chúng ta. Chúa luôn muốn con người bắt đầu và lại bắt đầu. Đối với Chúa sự sám hối không bao giờ là muộn màng, lòng ăn năn không bao giờ Ngài từ chối.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp cho mỗi người chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, mỗi người chúng ta đều là tội nhân được Chúa tha thứ. Vì thế, chúng ta hãy noi gương Chúa đừng kết án anh chị em nhưng hãy tha thứ, hãy nâng đỡ và cầu nguyện cho những người tội lỗi được ơn ăn năn trở lại.
Có sống như thế, chúng ta mới thật sự góp phần vào việc kiến tạo nền văn minh của tình thương, một nền văn minh không phải chỉ dựa vào khoa học kỹ thuật hay luật pháp của con người, mà được xây dựng trên tình yêu và lòng tha thứ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam