Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 43

Tổng truy cập: 1378524

TỬ HÌNH HAY CỨU SỐNG

Tử hình hay cứu sống – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Trong mùa Chay không ai quên được câu: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống” (Ed. 33, 11). Câu đó tỏ rõ lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhưng con người lại muốn kết án tử hình nhau. Bài Tin Mừng cho thấy con người xử tử hình, còn Thiên Chúa lại cứu sống. Người ta đã mở một cuộc thăm dò dư luận về án tử hình, có nên bãi bỏ không? Một số đồng ý bãi bỏ, lý do là án tử hình không răn đe hữu hiệu kẻ phạm tội ác. Đa số ủng hộ luật tử hình, lý do là án tử hình làm người ta sợ không dám phạm tội ác.

Thực tế, hầu hết các nước trên thế giới vẫn duy trì án tử hình, chỉ trừ nước Thụy Sĩ và mấy nước Bắc Âu. Tại sao người ta đã lập ra án tử hình? Có lẽ án tử hình không có sức răn đe làm người ta sợ không dám phạm tội ác, cho bằng lý do trả thù như câu châm ngôn: “ác trả ác báo”, “mắt đền mắt, răng đền răng”, để trừng trị kẻ thù, để tiêu diệt những kẻ tranh giành địa vị và quyền lợi với mình: “Được làm vua thua làm giặc”. Vua tru di tam tộc kẻ thua, phe đảng này giết phe đảng kia, bọn cướp này giết bọn cướp kia, chỉ để chiếm quyền độc tôn thống trị, lợi lộc. Sở dĩ có chiến tranh chém giết lẫn nhau cũng chỉ vì tranh giành quyền lợi. Vua Chúa cấm đạo cũng chỉ vì giữ uy quyền cho mình hay cho giáo phái, tín ngưỡng của mình. Thượng tế và kinh sư chỉ vì ghen tương trang giành quyền binh khi thấy “Toàn dân đến với Người” nên họ phải gài bẫy để đánh gục Đức Giêsu. Một trong những bẫy đó là họ dẫn đến trước mặt Người một phụ nữ ngoại tình và họ nói: “Người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mosê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó, vậy Thầy nghĩ sao?”.

Nếu họ thành thực giữ luật Môsê, sao họ không xử đàn bà đó đi? Họ đang là hạng người có quyền thế trong xã hội Do Thái, còn Đức Giêsu lúc đó chỉ là thường dân. Họ quá ác ý nên Tin Mừng đã chú thích thêm: “Họ nói thế nhằm thử Người để có bằng chứng tố cáo Người”. Họ sẽ tố cáo Người thế nào?

Nếu Người tha cho kẻ ngoại tình, họ sẽ tố cáo Người phá luật Môsê, tức là phản đạo và thông đồng với kẻ tội lỗi, như vậy họ có quyền kết án tử hình Người.

Nếu Người kết án ném đá tội nhân, họ sẽ tố cáo Người đã phạm tội giết người với Chính quyền Đế quốc Rôma, vì luật Hoàng đế cấm người Do Thái không được xử tử ai. Như vậy, chính quyền đế quốc sẽ lên án tử hình cho Đức Giêsu. Họ còn có bằng cơ tố cáo Người đã hành động bất nhất, nghịch với đạo lý yêu thương cứu độ của Người.

Nếu Đức Giêsu mắc vào bẫy của họ, họ sẽ được lợi quá nhiều: Họ sẽ kết án Người cùng với đàn bà ngoại tình, đồng thời không còn ai tin Người là Đấng Cứu thế nữa. Thật là một nhục hình cùng cực, một âm mưu thâm độc, như sau này họ đã thành công kết án tử hình Người trên thập giá.

Trái hẳn với dã tâm gian ác của họ, Đức Giêsu đã hiền từ, lặng lẽ ngồi xuống âm thầm bãi bỏ án tử hình của loài người, với lý do Người viết trên cát câu thật chí lý: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Mắt Người đã nhìn thấu suốt tâm can của họ và vạch trần tim đen của họ như Thánh Augustinô nói: “Chúa đã viết tội từng người và họ đã từ từ rút lui”. Nếu họ dám ném đá người đàn bà ngoại tình thì họ phải ném đá mình nữa. Đúng như Người đã nói: “Họ thấy cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái xà trong mắt mình”. Rõ thật hạng giả hình: “Chân mình lấm láp lê thê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đức Giêsu là người số một đã bãi bỏ án tử hình. Chỉ một mình Thiên Chúa mới hiên ngang bãi bỏ luật tai ác đó thôi. Ngài là Đấng ban sự sống, lại rất tôn trọng yêu quý sự sống của con người. Dù con người gian ác thế nào, Ngài vẫn lo cứu chuộc. Ngài tự nhận mình là thầy thuốc lo cứu chữa những bệnh nhân, Ngài đến để cho thế gian được sống và được sống dồi dào.

Sự sống dồi dào đó, Đức Giêsu đang ban cho chị phụ nữ bị kết án tử hình được tiếp tục sống: “Tôi không lên án chị đâu, thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Từ nay chị được sống dồi dào cả hồn lẫn xác vì chị vừa được tha khỏi bị ném đá và nhất là được tha tội; tâm hồn chị như “tù nhân Sion được Chúa đưa về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ, vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Đáp ca Tv. 125). Tâm trạng vui mừng của chị còn hơn các tù nhân lưu đày ở Babilon được tiên tri Isaia loan báo tin mừng sắp được giải thoát. Đức Giêsu đã mở con đường từ ái giải thoát chị, như Thiên Chúa đã mở con đường giữa đại dương giải thoát dân Israel an toàn trở về đất hứa. Đức Giêsu đã mở trong tâm hồn chị một dòng sông để tưới mát những khao khát của chị như Thiên Chúa đã khơi một giòng sông giữa sa mạc khô cằn cho dân Ngài được giải khát. Đức Giêsu đã xây dựng con người chị thành con Thiên Chúa luôn biết vui mừng ca ngợi Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã gầy dựng dân Israel thành một dân luôn biết ngợi khen Thiên Chúa (Bài I).

Bây giờ chị có thể nói như Thánh Phaolô rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự chẳng thiệt gì, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, vì Người, tôi đành mất tất cả và tôi coi tất cả như đồ bỏ để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Bài II).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết tự tố cáo và lên án mình để Chúa thương xót con và con được nghe những lời từ ái dịu ngọt rằng: Cha không kết án con vì Cha đến thế gian để hiến mạng sống Cha cứu độ con và cho con được biến đổi sống lại trong ánh sáng phục sinh của Cha.

 

2. Thiên Chúa khoan dung

Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình khơi dậy trong chúng ta tâm tình sám hối trước tấm lòng khoan dung của Thiên Chúa.

Thực vậy, hôm ấy Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, thì bọn biệt phái dẫn đến trước mặt Ngài một người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Và chiếu theo luật Maisen thì nàng sẽ bị ném đá cho chết. Chúa Giêsu xem ra không mấy chú ý tới lời tố cáo của họ. Người cúi xuống lấy tay viết trên cát. Đó là cử chỉ muốn từ chối xét đoán, muốn tránh né câu trả lời. Nhưng vì họ cứ một mực lên án, cho nên Ngài cảm thấy bắt buộc phải nói với họ đôi lời: Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi. Câu trả lời của Chúa Giêsu vừa khôn ngoan, vừa công bằng, lại vừa nhân ái. Người đã dùng các thành ngữ của lề luật, bởi vì lề luật quy định chứng nhân phải ném đá kẻ có tội đầu tiên. Như vậy, Người cho thấy lề luật còn nhân từ và công bằng hơn họ đã tưởng. Hãy tìm kiếm tinh thần của luật, sau những hàng chữ khô khan của nó. Lề luật chỉ là phương tiện để thực thi ý định tình yêu của Thiên Chúa. Người không vi phạm luật Maisen nhưng dựa vào lề luật ấy, Người kêu gọi họ hãy trả bị cáo về cho toà án lương tâm của mỗi người. Như thế, lời mời gọi ấy tóm kết tất cả giáo thuyết của Chúa Giêsu: chỉ trích hạng người chuyên kết án kẻ khác, chỉ thấy những lầm lỗi của kẻ khác mà không đếm xỉa gì đến những tội lỗi của mình.

Sống trên đời, chúng ta giống như người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ trước ngực thì đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ sau lưng thì đựng những sai lỗi của chính bản thân. Vì thế, chúng ta chỉ nhìn thấy những sai lỗi của người khác mà chẳng bao giờ nhận ra những sai lỗi của mình. Chính vì thế Chúa Giêsu đã dạy: Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, để trông thấy rõ và có thể lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em. Hãy đối xử khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính bản thân mình, chứ đừng khoan dung với bản thân mình và nghiêm khắc với người khác.

Trước thái độ của Chúa Giêsu họ bắt đầu rút lui từng người một, từ người cao tuổi nhất. Chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu và người thiếu phụ. Thánh Augustinô đã nói: Chỉ còn lại tình thương và tội lỗi. Chúa Giêsu đứng trước tội lỗi. Lòng khoan dung đứng trước sự khốn cùng. Chúa Giêsu nhìn đến sự khốn cùng của tội nhân để rồi tha thứ và kiến tạo lại hình ảnh nguyên thuỷ của con người. Khi tha thứ cho người thiếu phụ, Chúa Giêsu đã không đồng hoá tội với kẻ có tội. Người ghét bỏ tội, nhưng lại khoan dung với kẻ có tội, nên Người đã phán với người thiếu phụ: Ta không kết án con. Còn chúng ta thì trái lại, nhiều khi chúng ta đã kết án kẻ khác, nhất là kẻ có tội, một cách nặng nề, vô lý và quá đáng.

 

3. Lòng thương xót của Chúa.

Người Do Thái là những kẻ xác tín rằng con người chỉ có thể được coi là công chính nếu tuân giữ trọn vẹn luật Maisen. Thực ra, nếu họ là những người sống công chính theo lề luật, thì điều đó tự nó không phải là một chuyện xấu, mà còn tốt nữa là đàng khác. Nhưng cái làm cho họ trở thành những kẻ xấu và thậm chí có thể là những kẻ ác, đó là vì họ vênh vang tự đắc về cái thành tích giữ luật của mình, và nhất là tự biến mình thành những “cảnh sát” của đạo, những loại chó săn, chuyên môn đi rình mò, đánh hơi để tố cáo những người phạm luật. Và họ không ngại nhân danh lề luật, nhân danh lòng nhiệt thành bảo vệ luật pháp mà lên án và ném đá những kẻ lỗi luật.

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình hôm nay thật là tiêu biểu cho cái thái độ đạo đức giả của những tín đồ Do Thái cuồng tín và cái ác ý của họ. Thực ra ở đây họ không chỉ nhằm tố cáo những phụ nữ yếu đuối đáng thương, nhưng chủ yếu là giăng trước mặt Chúa Giêsu một cạm bẫy: Họ tố cáo người phụ nữ ngoại tình để gài bẫy bắt lỗi chính Chúa Giêsu và như vậy để có bằng chứng tố cáo Ngài.

Chúng ta biết rằng luật Maisen truyền ném đá giết chết những kẻ ngoại tình. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, thì quyền xử tử đã bị tước khỏi người Do thái, vì chỉ có tổng trấn Rôma, đại diện hoàng đế tại Giêrusalem mới có quyền ấy. Vậy nếu Chúa Giêsu tuyên bố là phải ném đá người phụ nữ, thì họ sẽ đi tố cáo với quan tổng trấn là Ngài đã phạm pháp. Còn nếu như Ngài tuyên bố là tha bổng thì điều đó có nghĩa là Ngài không tôn trọng luật Maisen.

Chúa Giêsu đã phá vỡ cạm bẫy của họ bằng cách giăng trước mặt họ một cạm bẫy tinh vi hơn nhiều. Ngài bảo họ: Ai trong các ông vô tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Thế là “dĩ đào vi thượng sách”, bọn biệt phái liền đánh bài chuồn. Tác giả Kinh Thánh đã hóm hỉnh ghi lại một chi tiết: Họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Sở dĩ như thế là vì câu thách thức của Chúa Giêsu khiến cho mỗi kẻ trong bọn họ phải ngó lại chính lương tri của mình và khám phá ra rằng: mình càng già thì càng lắm tội.

Lời nói của Chúa Giêsu là ánh sáng chân lý vạch trần sự đạo đức giả của họ. Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Như thế toà án nhân dân bỗng trở nên vắng lặng, chỉ còn lại có tội nhân được dùng như con mồi, như cái bẫy, và Chúa Giêsu mà bọn biệt phái muốn gài bẫy để đưa ra trước vành móng ngựa. Toà án chỉ còn lại một phạm nhân và một người cũng đang bị kẻ khác muốn luận tội, hay nói cách khác, đối với bọn biệt phái thì cả hai đều là những kẻ có tội đứng trước luật pháp của Maisen. Phiên toà kết thúc một cách nhẹ nhàng với lời lẽ đầy từ bi của Chúa Giêsu: Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa.

Có người nói Chúa Giêsu đã giải tội mà quên cả việc đền tội, quên cả công thức giải tội. Thái độ của Chúa Giêsu thật khoan dung độ lượng với người tội lỗi, còn chúng ta thì ssao, chúng ta đối xử như thế nào đối với những kẻ tội lỗi?

 

4. Chúa Nhật 5 Mùa Chay

Chúa Nhật tuần trước, trên đường đi lễ về, chắc các bà cảm thấy vui vẻ, thoả mãn lắm vì bài Phúc âm kể lại câu chuyện đứa con trai hoang đàng, chỉ có đàn ông con trai mới sinh tật, hư đốn làm khổ cha mẹ, làm khổ vợ con. Và rồi Chúa Nhật hôm nay, khi thánh Gioan tông đồ kể lại câu chuyện người phụ nữa ngoại tình, chắc các bà cảm thấy ngại lắm vì chợt hiểu ra không chỉ có đàn ông con trai mới đi hoang mà cả chị em phụ nữ của mình cũng đi hoang nữa.

Kính Thưa OBACE! Chẳng biết người phụ nữ trong bài Phúc Âm hôm nay phạm tội ở đâu, với ai nhưng theo như thánh Gioan kể lại, sáng sớm, khi Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng trong đền thờ, thì các kinh sư và Pharisiêu dẫn một phụ nữ bị bắt gặp quả tang phạm tội ngoại tình. Họ làm như thế để cố ý gài bẫy Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bảo rằng theo luật Môsê, phải ném đá chị này thì Chúa Giêsu cũng như những người bình thường khác thôi, đâu có gì đặc biệt, cũng đâu có lòng yêu thương người ta đâu. Còn nếu Chúa Giêsu bảo không ném đá thì rõ ràng Chúa đang làm trái với lề luật Do Thái. Các kinh sư nghĩ rằng, đàng nào Chúa Giêsu cũng bị mắc kẹt.

Thưa OBACE! Các kinh sư và Pharisêu đem người phụ nữ ngoại tình đến trước đám đông để Chúa Giêsu xử phạt, với ý đồ vừa muốn trừng trị người phụ nữ, vừa muốn gài bẫy kết tội Chúa Giêsu. Theo con nhận thấy, Chúa Giêsu thì khôn ngoan không thể mắc bẫy rồi, người phụ nữ ngoại tình biết lỗi đứng im lặng rất đáng thương, kẻ đáng trách tội nhất là mấy ông kinh sư và pharisêu, cả đám đàn ông lại đi ức hiếp một phụ nữ, cậy vào lề luật để muốn giết chết người ta. Cái chuyện các ông nói xấu, kết tội mấy bà giữa nhiều người, con cũng từng nghe, nhất là trong bữa nhậu: đi làm mệt, đói bụng trông tới bữa cơm mà vào bàn ăn gặp ngay nồi cơm sống, cá thì quá mặn, canh thì quá lạt; Chỉ có cái chuyện quét nhà, rửa chén, giặt đồ mà mỗi lần làm thì cằn nhằn, la con mắng cái; Xách cái giỏ đi chợ, ở nhà con khóc con la mà đi cả buổi mới chịu về; Cuối tuần, về nhà chưa hỏi anh làm có mệt không mà đã hỏi lương tuần này được bao nhiêu rồi, chỉ đưa thiếu 50, 100 ngàn mà cứ cằn nhằn hoài làm nhức cả đầu…. Dĩ nhiên các ông nói nhiều về những thiếu sót của các bà thì cũng có lý do và cũng mong muốn rằng qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu sẽ giúp giải quyết dùm. Và thật sự, bây giờ, Chúa Giêsu giúp các ông giải quyết nè.

Chúa Giêsu nói: “Ai trong các ông phạm tội hãy ném đá chị này đi”. Chúa Giêsu muốn nói với các ông rằng, các ông là chồng, là đấng nam nhi, là bậc trượng phu, muốn Chúa giải quyết dùm vấn đề bực bội với mấy bà, dễ lắm, trước tiên, hãy chứng tỏ mình là đàn ông, hãy can đảm nhận lỗi của mình trước đi. Đã nhiều lần chính các ông cũng làm cho vợ buồn, vợ khổ mà. Nhận lỗi trước đi rồi Chúa mới giải quyết tiếp. Không dám nhận lỗi mình mà cứ nhớ lỗi của mấy bà hoài thì sẽ chẳng bao giờ nhận ra những điều tốt đẹp, tình thương của vợ dành cho mình đâu.

Có đôi vợ chồng nọ chẳng hiểu vì chuyện gì mà mấy tuần nay, chồng không hề nói với vợ tiếng nào, gặp vợ thì mặt mày cau có. Chị vợ sang khóc với mẹ chồng: ” con có làm gì ảnh buồn thì ảnh chửi, ảnh đánh con cũng được, nhưng ảnh cứ làm thinh hoài như vậy con chịu không nổi mẹ ơi”. Một hôm, đi lễ Chúa Nhật về, không biết được ơn soi sáng thế nào, chị lấy hết can đảm mời chồng chị ra bàn để chị có điều muốn nói. Khi hai vợ chồng ngồi đối diện nhau, chị mở lời: Anh ơi, vợ chồng mình sống với nhau cả đời chứ đâu phải vài ngày, em có gì lầm lỗi thì anh cứ nói ra để em biết mà sửa chứ anh cứ làm thinh vậy thì làm sao em sống được, anh biết em vốn là phụ nữ sống với chồng bằng trái tim mà. Anh cũng phải nghĩ rằng cũng có lúc chính anh cũng làm em buồn lắm chứ, anh cũng có lỗi mà. Em đề nghị với anh thế này, hai vợ chồng mình, mỗi người cầm một tờ giấy ghi hết lỗi của người kia ra, rồi trao lại cho nhau đọc, từ đó, chúng ta huề nhau, không ai giận hờn ai nữa. Nghe vợ nói vậy, người chồng đồng ý và nói trong bụng phen này sẽ kể hết tội của vợ ra để bả biết. Sau khi ghi xong, hai vợ chồng trở lại trao giấy viết lỗi của nhau cho người kia. Người chồng nóng vội cầm lấy tờ giấy vợ mình ghi lỗi của mình, mở ra xem trước, anh ngồi như trời tròng và rơi nước mắt khi thấy chỉ một dòng chữ trên tờ giấy: “Em yêu anh và không hề nhớ lỗi của anh bao giờ”. Anh chạy lại ôm vội lấy vợ và cảm thấy chưa lần nào trong cuộc đời anh đón nhận được niềm hạnh phúc tràn trề trong nước mắt như bây giờ.

Kính thưa OBACE! Chúa Giêsu yêu người tội lỗi nên không hề nhớ lỗi, luôn tha thứ cho họ. Chúa nói với người nữ ngoại tình: “tôi không kết án chị đâu”. Người vợ trong câu chuyện trên còn yêu chồng nên không hề nhớ lỗi chồng: “Em yêu anh và không hề nhớ lỗi của anh bao giờ”. Tại sao trước đây khi đeo đuổi theo vợ, ông chồng hay nói cái câu: “trong chuyện này, lỗi tại anh, anh xin lỗi em”, dù rằng lỗi ấy là chính nàng đã gây ra. Còn bây giờ, đụng chuyện là giận hờn, nóng giận, đỗ lỗi. Phải chăng tình yêu dành cho vợ đã không còn như ban đầu. Thưa OBACE! Mấu chốt vấn đề nằm ở đây.Rõ ràng, vợ chồng không còn tha thứ cho nhau được nữa là do họ không còn yêu nhau như ban đầu. Để tha thứ cho nhau cho gia đình thuận hoà thì phải vun đắp lại tình yêu. Cuối bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tế nhị trao cho người phụ nữ ngoại tình một bí quyết vun đắp tình yêu: “chị hãy đi, và đừng phạm tội nữa”.

Kính thưa OBACE, lát đây, dự lễ xong, OBACE ra về, Chúa Giêsu trao gởi cho mỗi người một bí quyết bảo vệ hạnh phúc gia đình: đừng phạm tội nữa. Khi hai vợ chồng mới quen nhau, cần phải có tình yêu tốc độ, tình yêu cháy bỏng qua những bông hồng, bằng những nụ hôn, cái nhìn nhau say đắm nhưng bây giờ đã sống với nhau mấy mặt con rồi thì phải làm sao để tình yêu vợ chồng có chiều sâu hơn, có giá trị hơn. Tình yêu chiều sâu đó là tình yêu tha thứ của Đức Kitô. Muốn sống với nhau bằng tình yêu của Đức Kitô, xin đề nghị với OBACE một việc thực hành cụ thể qua Lời Chúa hôm nay: ai chưa đi xưng tội Mùa Chay, hãy mau mắn nhận lãnh Bí tích Giải Tội, và đón nhận Chúa Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể, và quyết từ nay không phạm tội nữa để Đức Kitô luôn ngự trong lòng mình. Tâm hồn ai mà Đức Kitô hiện diện sẽ yêu người khác bằng một tình yêu tha thứ.

Kính thưa tất cả OBACE! Lời Chúa hôm nay không chỉ nhắc nhở những người trong bậc vợ chồng mà còn cho tất cả chúng ta. Hãy hoán bằng cách mau đến lãnh nhận Bí tích Giải Tội trong mùa chay thánh là điều Chúa Giêsu tha thiết mời gọi. Xin Chúa cho tất cả OBACE trong họ đạo biết thực hiện lời Chúa dạy để dọn tâm hồn sốt sắng chuẩn bị đón Chúa Phục Sinh. Amen.

 

5. Cái nhìn yêu thương

Cái nhìn đúng đắn trước cuộc sống luôn được con người đề cao, tôn trọng. Cái nhìn đúng đắn sẽ dẫn đến hành động đúng đắn. Nếu ta có cái nhìn đúng đắn trước tội lỗi chắc hẳn tôị lỗi không phải là điều gì đáng ghê tởm như người ta thường nghĩ. Tuỳ vào cái nhìn của tôi mà số phận đời mình được biến đổi. Có cái nhìn đưa dẫn con người đến chỗ bất an, tủi hổ. Có cái nhìn đưa dẫn con người đạt đến niềm vui hạnh phúc khôn dò. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy 3 cái nhìn khác nhau trước lầm lỗi của một người. Chính cách nhìn khác nhau đưa đến những cách sống khác nhau.

Cái nhìn kết án, khinh khi.

Các kinh sư và người Pharisêu cho mình là người công chính, có quyền kết án người khác. Họ quên rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng ra lề luật và xét xử. Thế nhưng tính ngạo mạn của họ dần dần đã chiếm lấy luôn quyền của Thiên Chúa. họ đã đi qua giới hạn của mình trong tư cách là người nắm giữ lề luật. Bản chất của lề luật là để hướng dẫn và bảo vệ con người. Nhưng các Kinh sự và Pharisêu đã dùng lề luật để hạ bệ người khác trước đám đông. Họ không ngần ngại đưa người thiếu phụ ra trước mặt nhiều người. Lỗi thầm kín của thiếu phụ này rất cần sự chia sẻ và cảm thông, đàng này lại bị rêu rao bêu xấu. Chưa đủ, họ còn muốn có thêm nhiều đồng minh để ủng hộ việc làm của họ. Chắc chắn nhiều người qua đường sẽ có nhiều lời đàm tiếu khinh miệt. Họ ném những cái nhìn đầy khinh chê vào thiếu phụ này. Cảnh tượng đó chắc làm cho giới Kinh sư và Pharisêu hài lòng lắm, chỉ tội cho người phụ nữ chỉ biết lặng căm, không nói được một lời.

Cái nhìn xót xa, tủi hổ.

Trước những lời tố cáo, trước những cái nhìn khinh chê, người thiếu phụ không dám nhìn lên; bà gục đầu trong tủi hổ như sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả xảy đến cho mình. Bà rất đau khổ, mong ” bản án ” sớm được đưa ra. Điều lam bà đau khổ nhất chính là có sự hiện diện của những người thân của bà. Những người thân yêu đang nhìn bà như bao cặp mắt khinh bỉ khác. Những đứa con bà vừa trách bà, vừa xấu hổ với người khác vì có một ngươi mẹ như thế. Rồi đến chồng bà, người trước đây rất yêu bà giờ thì lạnh nhạt và tránh xa. Người thiếu phụ như cũng gớm ghét chính bản thân mình, phút lỗi lầm đã gây ra bao hậu quả. Bà không mong tìm sự cảm thương nơi người khác, chỉ biết xót xa phận mình cho việc làm đã qua.

Cái nhìn thông cảm yêu thương.

Trong lúc mọi người đều rẫy bỏ, duy Chúa Giêsu là người hiểu rõ sự tình. Ngài thấu suốt tâm tư của bà. Ngài không theo mọi người kết án bà. Ngài phân biệt rõ ràng tội lỗi và tội nhân: tội lỗi đáng ghét nhưng tội nhân thì đáng thương. Chúa không miệt thị bà như những người khác nhưng tỏ ra rất gần gũi và quan tâm đến bà: “Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11b). Ta đừng vội hiểu rằng ở đây Chúa tha thứ cách quá dễ dàng như thể tội này chẳng đáng quan tâm. Chúa Giêsu không có ý nói “Đừng lo, tội này không sao đâu”. Nhưng Chúa Giêsu hoãn lại việc kết án để ban cho bà cơ hội chuộc lại lỗi lầm. “Con hãy đi, và hãy chứng minh rằng con có thể sống tốt lành hơn!”

Anh chị em thân mến, tội lỗi làm cho con người xa dần Thiên Chúa. Nó làm cho khả năng sống thiện hảo nơi con người cũng dần mất đi. Đứng trước tội lỗi ta phải có cái nhìn thể nào để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và ích lợi?

* Ba thái độ chúng ta cần phải có:

Trông cậy vào Chúa: nhìn vào chính mình, mặc cảm tội lỗi dễ khiến ta mất trông cậy vào Chúa. Do đó ta không quá xấu hổ, tuyệt vọng khi phạm lỗi lầm. Điều cần nhất là ta phải tuyệt đối tin tưởng vào lòng thương xót của TC. Tình yêu TC vượt xa những lỗi lầm của ta. Chính tình yêu của ngài sẽ lấp đầy hố ngăn cách để ta có thể đến được với Ngài. Ta trở nên thánh thiện là nhờ sự gắn kết giữa ta với Thiên Chúa. Ta càng gần Ngài thì ta càng thì sự thánh thiện ta càng toả sáng.

Cảm thông: Cảm nhận tội lỗi của bản thân ta sẽ dễ cảm thông trước lỗi lầm người khác. Ta không nên xem thường hay khinh miệt người nào một khi họ lỗi phạm. Ta nên nhìn họ với cái nhìn của CG: Đó là sự cảm thông phát xuất từ một tình yêu chân thành

Tha thứ: Nhìn vào Chúa Giêsu ta thấy sự tha thứ của Ngài không có biên giới. Tình yêu của Ngài vượt xa lầm lỗi của con người. Ngài muốn con người đến với Ngài để được đổi mới. Ngài không chấp tội của ta. Ngài nhìn ta không phải ở chỗ ta đã sống ra sao mà là ta có thể trở nên thế nào.

Chuyện kể về hai người bạn thân đi qua sa mạc, trong cơn đói khát, lã mệt vì bão cát và nắng cháy một người kia tát người bạn này “bốp”. Người bạn bị tát ngồi xuống lấy ngón tay viết lên cát “Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã tát tôi”. Hai người tiếp tục cuộc hành trình. Khi vừa nhìn thấy một ốc đảo, người bạn này vội chạy đến và bị trượt chân, vừa lúc đó có một bàn tay chạm đến và kéo anh lại. Anh ngồi xuống và viết lên đá “Hôm nay người bạn thân nhất của tôi đã cứu tôi”. Về sau có người hỏi anh bạn này. Tại sao khi người khác làm khổ anh thì anh lại viết lên cát, còn khi người ta giúp anh thì anh lại viết lên đá? Anh bình thản trả lời: “Khi người bạn làm ta đau, hãy viết lên cát để ngọn gió của sự tha thứ thổi qua và mang nó đi cùng. Còn khi điều tốt lành đến, hãy khắc nó lên đá như khắc thành kỷ niệm trong tim, không có cơn gió nào xoá đi được”. Thưa anh em, đứng trước lỗi lầm của người khác, ta hãy viết nó lên cát để ngọn gió tình yêu, tha thứ của Thiên Chúa thổi qua và mang nó đi cùng!

Cái nhìn đúng đắn quả là rất cần thiết cho cuộc sống. Xin Chúa cho cái nhìn của ta được hoà nhập cái nhìn của Chúa để cái nhìn ta được biến đổi, hầu cuộc sống ta không còn biểu hiện những khinh chê hay tủi hổ, nhưng luôn dâng trào tình yêu thương và muốn gắn kết với hết mọi người. Amen.

 

6. Làm mới con người – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Khi người Do Thái đang bị lưu đày tại Babylon, ai trong họ dám nghĩ rằng có ngày họ được trở về quê cha đất tổ? Ngay cả khi còn quyền lực và độc lập còn chưa giữ được đất nước quê hương, còn chưa bảo vệ được mình, thì làm sao một khi đã bị lưu đầy sang nơi đất khách quê người lại có thể nổi dậy và trở về quê hương, trừ phi Thiên Chúa can thiệp làm những việc kinh thiên động địa như Ngài đã làm cho dân Do Thái thời ở Aicập qua Môsê.

Sách tiên tri Isaya cho dân một niềm hy vọng. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát”. Thiên Chúa thỏa mãn khao khát của dân Ngài. Ngài đã đưa dân Do Thái đang lưu đầy ở Babylon được trở về quê cha đất tổ qua vua Kyrô, một vua người Ba Tư đã chiến thắng và đang nắm quyền trên khắp vùng. Kyrô, một vua người ngoại, nhưng đã được coi là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Is.45, 1). Một người ngoại được coi là Đấng Kitô, là một điều người Do Thái không bao giờ ngờ tới. Như vậy, hoặc Thiên Chúa đã dùng một người ngoại để giải phóng dân của Ngài, hoặc người ngoại không phải là người ngoại trước mặt Thiên Chúa. Người ngoại vẫn là con dân của Thiên Chúa như người Do Thái, và họ đã được Thiên Chúa yêu và dùng như Ngài đã yêu thương người Do Thái vậy.

Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa còn làm những điều kỳ diệu hơn tất cả những điều Ngài đã làm từ trước tới nay. Tin mừng Chúa Nhật thứ năm mùa chay cho thấy Đức Giêsu đã làm một điều đặc biệt: Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình thoát chết và làm cho những người biệt phái cùng kinh sư trở nên khiêm tốn và nhận biết mình có tội. Khi những người biệt phái và kinh sư bỏ đi không ném đá chị phụ nữ ngoại tình nữa, hàm chứa họ đã được ơn nhận biết chính mình. Đức Giêsu nói với chị phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Một cuộc đời mới đã khai mở với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chị tạ ơn Thiên Chúa đã cứu sống chị qua Đức Giêsu; chị bắt đầu một đời sống mới trong niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người. Một khi gặp gỡ được Thiên Chúa, người ta trở nên nhân hậu hơn, chấp nhận chính mình và tha nhân hơn, tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình.

“Không ai có quyền tha tội trừ một Thiên Chúa” (Mc.2, 7). Thiên Chúa đã dùng Đức Giêsu để tha tội cho người bị bại liệt. Đức Giêsu đã tha tội cho chị phụ nữ ăn năn sám hối (Lc.7, 34). Đức Giêsu cũng không kết án chị phụ nữ ngoại tình (Ga.8, 11). Thiên Chúa không chỉ không kết án, mà còn tha tội cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Không ai có thể giao hòa con người với Thiên Chúa, nếu không phải là chính Thiên Chúa muốn giao hòa với con người. Thiên Chúa đã giao hòa với con người, nhờ và qua Đức Giêsu Kitô. Tạ ơn Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho con người. Thiên Chúa đang làm điều mới qua Đức Giêsu Kitô.

Con người ngày nay không thể gặp gỡ Đức Giêsu vì Ngài đã lên trời, tuy nhiên nhờ đức tin con người vẫn có thể gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh. Thánh Phaolô đã được biến đổi hoàn toàn nhờ biết Đức Giêsu Phục Sinh. “Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Phục Sinh”. Phaolô sẵn sàng mất tất cả để chỉ được Ngài mà thôi. Phaolô đã có cái nhìn khác về vạn sự vạn vật. Ngày xưa, Phaolô miệt mài đi bắt bớ các Kitô hữu, tưởng rằng như thế là làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng biến cố trên đường Đamát đã giúp Phaolô nhận ra sự thật. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đã làm cho Phaolô thành con người mới, thành người công chính không cậy dựa vào sức riêng mình nhằm chu toàn lề luật nhưng nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô.

Với Phaolô, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã làm tất cả trong Đức Giêsu: Ngài tái tạo mọi sự, đưa mọi sự tới với Thiên Chúa. Lề luật không giúp người ta tới gần Thiên Chúa nhưng chỉ giúp con người nhận biết mình là tội nhân; chính niềm tin vào Đức Giêsu mới cho con người có nhận thức đúng đắn hơn về mọi sự, mới cho con người có sức sống, mới giúp con người thực hiện được điều mình thấy đúng, mới làm con người được hạnh phúc. Nhận thức rõ Thiên Chúa làm tất cả trong Đức Giêsu Phục Sinh, Phaolô đã miệt mài rao giảng tin mừng: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đức Giêsu Phục Sinh thật sự là tin mừng cho tất cả mọi người. Tin nhận Đức Giêsu Phục Sinh, là tin Thiên Chúa đang hoạt động và yêu thương con người vô cùng, là có thể phó thác trọn vẹn đời mình trong tay Thiên Chúa tình yêu, là có thể sống an bình hạnh phúc.

Tâm tình của Kitô hữu, là tạ ơn Thiên Chúa đã cho được nhận biết Đức Giêsu Phục Sinh. Tín hữu nhìn lên Đức Giêsu để dõi bước theo Ngài. Ngài đã sống thế nào, Kitô hữu được mời gọi để sống như vậy. Trong mùa chay, Kitô hữu được mời gọi để sám hối. Sám hối, là nhận biết chính mình cách thật sự, là nhận biết mình có lỗi lầm và mong ước quay về với Thiên Chúa, làm hòa với anh chị em mình. Sám hối đòi người ta phải có cái nhìn mới về Thiên Chúa, về tha nhân, về chính mình và về sự vật. Thật không dễ để thay đổi chính mình, thay đổi cái nhìn của mình, quan điểm và chọn lựa của mình; nhưng Thiên Chúa là Đấng có thể làm mọi sự. Không gì mà Thiên Chúa không làm được. Ngài đã giúp những kinh sư và biệt phái muốn ném đá chị phụ nữ ngoại tình được nhận biết họ cũng là tội nhân, để họ thay đổi không còn kết án chị phụ nữ nữa. Thiên Chúa đã làm mới những người đến với Đức Giêsu, kể cả chị phụ nữ ngoại tình lẫn những kinh sư và biệt phái.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

  1. Niềm tin vào Đức Giêsu làm Kitô hữu có cái nhìn mới về tất cả. Bạn có đồng ý không? Tại sao?
  2. Mùa chay này, bạn có biết hơn về con người của bạn không? Xin chia sẻ nếu được.

 

7. Ném hay tha? – Lm. Anmai, CSsR

Chúa Giêsu từ Cha mà xuống trần gian, không phải để tố cáo, để kết án tội nhân, nhưng để cứu rỗi họ. Nhờ đời sống, sự chết, sự sống lại của Người, Người ban tặng cho những người nhất là những người tội lỗi sự sống của Thiên Chúa. Trang Tin mừng hôm nay chúng ta nghe Thánh Gioan thuật lại gợi lên hình ảnh, tấm lòng hết sức tuyệt vời của Chúa Giêsu về sự tha thứ, về sự cứu độ mà Thiên Chúa dành cho con người.

Câu chuyện xảy ra trong Tin mừng xác thực và rõ ràng. Ngoại tình là một trọng tội ít gặp. Để được tha, cần làm việc đền tội công khai, lại chỉ được tha một lần thôi. Cách cư xử của Chúa Giêsu đối với người phụ nữ ngoại tình, với những con người vụ luật và khắc khe thì dễ dãi quá. Nhiều người trong số họ đã quên mất câu “Hãy về và đừng phạm tội nữa”. Họ nghĩ rằng cách cư xử dễ dãi như thế của Chúa Giêsu sẽ đe dọa sự trung tín trong hôn nhân. Sau một ngày giảng dạy ở đền thờ, chiều xuống, theo thói quen, Chúa Giêsu lên núi Ôlivê. Sáng sớm hôm sau, Người lại vào Đền thờ giảng dạy dân chúng.

Các kinh sư và những người Pharisêu từ lâu đã bất bình với Chúa Giêsu. Không chỉ dừng lại ở thái độ bất bình nhưng họ đã thù nghịch nghĩ rằng giáo huấn của Chúa Giêsu làm đảo lộn tất cả. Với những lý do ấy họ quyết định tìm đủ mọi cách để trừ khử Người. Tuy nhiên, để đưa Người ra xét xử, cần phải có một chứng cứ đúng đắn.

Một cơ hội không mong đã đến. Một thiếu phụ “bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Rẽ đám đông, các kinh sư và những người Pharisêu dẫn chị vào “giữa” đám đông đang tụ họp và nói với Chúa Giêsu: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Chúa Giêsu không còn cách nào thoát khỏi cạm bẫy đã giăng của đám người xấu. Không thể bào Chúa Giêsu thoát khỏi cạm bẫy này! Nếu tha, Chúa Giêsu sẽ chống lại luật Môsê. Ném đá, Người tự mâu thuẫn vì Người vẫn rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Đằng sau án xử người thiếu phụ là chính án xử Chúa Giêsu.

Giờ đây, dây thòng lọng đang xiết dần cả người thiếu phụ, lẫn Chúa Giêsu. Quá tệ! Đây không còn là một vấn nạn, một câu hỏi bình thường của cuộc sống, nhưng là một câu hỏi sinh tử, đối với người nữ phạm tội tày đình cũng như đối với chính Chúa Giêsu.

Vẫn ngồi trong dáng điệu của một ông thầy đang giảng dạy, Chúa Giêsu “cúi xuống” và thay vì trả lời, Người dùng ngón tay vẽ vẽ trên đất.

Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh rất quan tâm tìm hiểu xem Chúa Giêsu viết gì trên đất? Thánh Giêrônimô nghĩ rằng Chúa Giêsu vạch tội những kẻ tố cáo người phụ nữ ngoại tình còn nhiều tác giả khác thì cho rằng: Người viết lại một câu trong Jêrêmia 17, l3: “tất cả những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải hổ thẹn, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ phải ghi tên mình trong lòng đất”. Tốt nhất chúng ta nên trung thành với cách diễn đạt của bản văn. Chúa Giêsu vạch trên đất để kéo đài thời gian thinh lặng, làm cho lời phân xử sắp thốt ra thêm trọng lượng. Người ta như không chú ý tới điều được ghi nhận tới hai lần: Chúa Giêsu “cúi xuống”, rồi “ngước lên”. Sao Thánh Gioan lại nhấn mạnh đến cử chỉ ấy trong một câu chuyện ngắn ngủi như vậy, rồi trả lời. Tên núi Ôlviê được nhắc đền ở đầu câu chuyện đã đặt giai thoại này trong bối cảnh cuộc khổ nạn sắp đến. Cử chỉ của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa Kitô học: nó nhắc đền sự hạ xuống, và đưa lên cao mà qua đó, Chúa Giêsu sẽ hòa giải nhân loại bị giam hãm trong tù ngục tội lỗi với Thiên Chúa.

Họ nài nỉ. Trước khi lại chìm trong thinh lặng, Chúa Giêsu nhắc họ lời Kinh Thánh: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì cứ lấy đá mà nén trước đi. ” Đnl 13,9-10 và 11,7: “Người làm chứng sẽ ném đá kẻ phạm tội trước. Từ lúc ấy, vụ án xử bị cáo lại trở thành vụ án xử nguyên cáo.

Các kinh sư và những người Pharisêu đinh minh mình công chính. Họ đứng đằng sau mặt chữ, đằng sau lề luật để tố cáo người phụ nữ. Ở đây, Chúa Giêsu đưa chính họ ra xét xử dưới ánh sáng của Luật. Người buộc những quan tòa phải tự xét xử chính mình, trước hết, phải trở lại với lương tâm mình, nhìn nhận mình cũng là tội nhân, cùng một thân phận như “người phụ nữ kia”, người mà họ đã lôi ra giữa đám đông và giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi của mình.

Trong vòng vây của những nguyên cáo hung hăng, sự lưỡng lự biến thành cuộc lui binh như thánh sử ghi nhận cách hài hước: “Họ rút lui từng người một, bắt đầu từ người già nhất “.

Khi Chúa Giêsu ngẩng đầu lên “lần thứ hai thì chỉ còn mình Người đối diện với người phụ nữ”. Thánh Augustinô chú giải: “Chỉ còn hai. Lòng thương xót và người được xót thương”. Nếu trước đó, những người tố cáo gọi chị là “hạng đàn bà đó” một cách khinh bỉ, coi chị như đồ vật, thì giờ đây, chị thấy một ánh mắt khác nhìn chị, nghe một giọng khác gọi chị như gọi một con người: “Này chị “. Hơn bất cứ ai khác, Chúa Giêsu là người đo lường chính xác nhất mức nặng nhẹ của tội lỗi; và thay vì giam hãm chị trong quá khứ tội lỗi như các kinh sư và những người Pharisêu đã làm, Người thúc đẩy chị bước vào con đường hối cải, và mở cho chị một tương lai một “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng vậy. Hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa “.

Sau đó thì sao? Câu chuyện để ngỏ đó giống như dụ ngôn Chúa nhật trước bỏ ngỏ thái độ người anh. Một khi đã gặp Chúa Giêsu Đấng không lên án mà kêu gọi sống đời sống thánh thiện, người nghe thấy mình được kêu gọi để đừng khép mình vào cái khuôn dĩ vãng chết chóc nhưng là bước đi trong tự do của con cái Thiên Chúa.

Câu chuyện người đàn bà ngoại tình đã đi vào huyền thoại hơn 2000 năm rồi nhưng nhiều và nhiều câu chuyện người đàn bà ngoại tình khác vẫn còn diễn ra trước mắt mỗi người chúng ta, diễn ra mỗi ngày trong đời sống thường nhật. Và, với cái lý, cái lẽ hết sức bình thường của con người, người ta vẫn giơ tay ra và hùng hùng hổ hổ ném đá và ném thật mạnh vào người tội lỗi. Và, chắc có lẽ cái cảnh từng người bỏ đi cũng sẽ tái hiện bởi lẽ nhìn lại mình mình cũng quá nhiều tội như nhiều người ngày hôm ấy nên đã từ từ rút lui.

Thật sự ra mà nói những người rút lui hôm nay xem chừng không hay, không đạt được ý nguyện nhưng được một chuyện là lương tâm và sự thật đã thức tỉnh lòng dạ đen tối của họ. Chỉ sợ rằng vấn đề rõ ràng nơi đó mà họ còn cố tình chối tội, họ cố tình lấp liếm tấm lòng nham hiểm của họ.

Đứng trước những lầm lỗi, những khiếm khuyết của người khác, nên chăng con người cần phải khiêm tốn để nhìn nhận lại chính bản thân của mình. Nếu nhìn nhận chính bản thân mình thì con người sẽ thay đổi lối nhìn cũng như lối hành xử.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philip mà chúng ta vừa nghe cho ta bài học về sự khiêm tốn. Với Ngài, tất cả Ngài coi mọi sự đều là rơm rác. Ngay cả sự công chính của Ngài, Ngài cũng nại vào ơn Thiên Chúa ban cho Ngài chứ không phải do tự bản thân của Ngài. Ngài, dẫu đã trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu nhưng Ngài vẫn còn phải chạy và Ngài không nghĩ là Ngài thành toàn. Có lẽ nhờ vào lối sống, lối suy nghĩ của Ngài nên Ngài hành xử một cách khác người đó là Ngài không bao giờ lên án ai. Ngài vẫn tự nhận mình là môn đệ rốt hết, Ngài vẫn tự nhận Ngài là con người thấp hèn để rồi Ngài không bao giờ hạ nhục người khác.

Thường, con người vẫn và vẫn tìm cách để hạ nhục người khác dẫu chưa tìm ra chứng cứ. Nếu có chứng cứ như người phụ nữ ngoại tình hôm nay thì lại thêm phần bảo đảm, phần chắc chắn cho sự kết án của họ. Thế nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, dù có chứng cứ, dù có bằng chứng nhưng chắc gì những người đưa ra chứng cứ lại là những người vô tội.

Một lần nữa, sự kết án, sự kết tội, sự ném đá với tội nhân vẫn mở ngõ ra cho con người. Con người hoàn toàn tự do sử dụng sự tự do của Thiên Chúa ban cho họ. Hoặc là họ ném đá, hoặc là họ kết án anh chị em đồng loại.

Vấn đề đặt ra là liệu rằng khi ném đá, họ – những người kết án – có thấy mình sạch tội để ném đá, để kết án anh chị em đồng loại hay không mà thôi.

 

home Mục lục Lưu trữ