Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1378535

Vì loài người chúng tôi

“Vì loài người chúng tôi”

“Ngài chạnh lòng thương, giơ tay sờ vào anh ta”

Như bị một ma lực cuốn hút, người phong cùi cứ rẽ đám đông xấn tới, tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho người ta nạt nộ quát mắng, ngăn cản anh. Và cũng bất chấp dư luận, Đức Giêsu đã giơ tay ra đón và sờ vào anh ta. Theo phong tục Do Thái thời Chúa (và bây giờ ở nhiều nơi vẫn còn như vậy), bệnh nhân phong bị cấm, không được lui tới những xóm thôn, thị tứ, nơi những “người lành” cư ngụ. Họ bị coi là “kẻ xấu xa” vì đã bị Thiên Chúa luận phạt ngay ở đời này vì tội lỗi của mình. Họ bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người, sống lang thang vất vưởng như những bóng ma. Họ là những con ma sống, hay những xác chết còn thở hí hóp. Họ phải la to lên cảnh báo khi có người tới gần họ. Ai cũng không muốn “dây với người hủi”. Nhưng Đức Giêsu đã giơ tay đón anh ta, sờ vào anh ta. Khi đôi tay nhân lành chạm vào làn da “sượng sần và tê điếng”, lạ thay và cũng cao cả nhường bao! Làn da vô cảm ấy đã nhẵn nhụi, hồng hào lành lặn trở lại. Ai nói được hết nỗi vui của anh. Nhưng Đức Giêsu lại bảo anh phải gấp rút đi gặp các tư tế.

Đây là một thủ tục cần thiết để người phong có thể hội nhập lại xã hội. Chứng nhận của tư tế sẽ giúp cho gia đình anh, bạn bè anh, bà con lối xóm vui lòng đón anh trở lại xã hội người. Cứu người phong khỏi bệnh, Chúa còn trả lại nhân phẩm cho anh, cứu anh khỏi thân phận bị loại trừ, hất hủi.

Lệnh truyền thứ hai của Chúa đối với người phong là anh ta không được kể chuyện mình cho ai nghe. Chi tiết này xem ra mâu thuẫn với việc phải đi bẩm báo các vị tư tế, và ý muốn cho anh hội nhập xã hội trở lại. Đương sự đã không thể giữ miệng được lâu. “Vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin đó khắp nơi”. Anh đã trở thành người rao giảng Tin Mừng cứu độ, bởi vì anh đã được cứu độ, được giải phóng. Việc anh loan báo tin vui đã khiến Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Chúa không muốn bị người ta xem Ngài là ông thầy lang mát tay, Ngài không muốn gây một sự cuồng nhiệt nơi quần chúng. Cho dù làm cho người ta hiểu đúng Tin Mừng của Chúa không phải là một điều dễ dàng.

Thánh Gioan đã gọi các phép lạ của Chúa là những “dấu chỉ”, Chứng tỏ vương quốc tình yêu, công bình, hòa bình, hạnh phúc của Thiên Chúa đang đến với lịch sử nhân loại. Qua các phép lạ, Chúa muốn chứng tỏ vì sao Chúa đến. Chúa đến không phải để làm thầy lang, người trừ qủi, người giảng thuyết, mà là để chia sẻ thân phận cùng khổ, tuyệt vọng của con người chúng ta, và để cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Như chúng ta vẫn thường tuyên xưng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu chuộc chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”.

 

42. Nếu Thầy muốn, Thầy có thể chữa tôi.

(Suy niệm của Noel Quesson)

Người phong cùi quỳ xuống cầu xin Chúa: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể chữa tôi”.

Bác sĩ Collins là một người vô tín, có kiến thức cao, ngày kia, gặp một bác nông dân đi lễ, ông lên tiếng hỏi:

- Bác đi đâu vậy?

- Tôi đi nhà thờ, thờ lạy Chúa.

- Chúa của bác to hay nhỏ?

- Thưa ông, Chúa rất lớn, đến mức các tầng trời không chứa nổi; nhưng Người cũng rất nhỏ, có thể ngự nơi trái tim tôi.

Câu nói của bác nông dân đã tóm gọn đầy đủ niềm tin vào Thiên Chúa: tin vào Chúa quyền năng, có thể làm được mọi sự. Đồng thời cũng tin rằng Chúa yêu thương ta triệt để, Người làm chủ trái tim ta. Người phong cùi kể trong Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy một lòng tin như vậy.

Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, người phong cùi là loại người đáng ghê tởm nhất. Họ không được ở chung với cha mẹ anh em trong nhà, không được tiếp xúc với dân làng. Họ phải sống thành nhóm riêng nơi mồ mả, chốn hoang vu. Mỗi khi thấy ai tới gần, họ phải la lên: “Ô uế! ô uế!” để người ta biết mà tránh xa họ. Luật Môsê cấm liên hệ với người phong cùi. Trò chuyện với họ là phạm luật, chưa kể sự đụng chạm tới thân xác họ. Trong hoàn cảnh cách ly đó, một người phong cùi đã nghe nói về Chúa Giêsu, anh tin tưởng Chúa có quyền cứu anh. Anh đón đường đến quỳ trước mặt Chúa và van xin: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể chữa tôi”.

Chuyện này xảy ra vào giai đoạn đầu cuộc sống công khai của Chúa Giêsu. Người ta chỉ mới nghe đồn về Chúa như một dấu lạ xuất hiện, nhưng người phong cùi này hẳn phải được ơn trên soi sáng, mới có được một lòng tin đặc biệt như vậy. Anh đón gặp Chúa mà không sợ Ngài xua đuổi. Anh biểu lộ niềm tin, biết rõ Chúa có thể chữa mình khỏi thứ bệnh nan y. Anh quỳ gối trước Chúa, tỏ lòng tôn sùng, một thái độ người ta vốn dành cho thần linh, cho Thượng Đế.

Thấy lòng tin của anh, Chúa xúc động thương cảm, giơ tay chạm vào người anh và nói: “Ta muốn anh được khỏi”. Chạm đến người phong cùi, Chúa đã phạm luật, khiến một số người đang dò xét Chúa phải bực bội vì hành động này. Dĩ nhiên, Chúa muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Chúa có quyền và đến để làm việc đó. Nhưng ở đây, Chúa muốn tỏ ra Người đã hài lòng trước lòng tin vững mạnh của người phong cùi. Tình yêu Chúa đã trao ban rộng rãi và có thể phát sinh những hiệu quả kỳ diệu, khi con người tin tưởng mở rộng tâm hồn đón nhận.

Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần cho chúng con, nhờ Người soi sáng, chúng con luôn nhận ra Chúa quyền năng và yêu thương đang hiện diện trong cuộc sống chúng con. Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa lành chúng con và những người anh chị em bệnh nạn đang kêu cầu Chúa. Chúng con ngợi khen Ngài.

 

43. Hãy loan báo tin vui – ĐGM. Arthur Tonne

Người cha của một gia đình ở Idaho mới trở thành Kitô hữu. Ông nói về Chúa Kitô mỗi lần có dịp. Ngày kia, người láng giềng vô thần thử ông với một câu hỏi: “Thực sự anh có biết gì về Đức Kitô không?”. Người đạo mới trả lời: “Có, tôi biết”. Người vô thần hỏi: “Người sinh ra bao giờ?”. Người đạo mới không biết chắc. Tới câu hỏi khác: “Người chết lúc Người bao nhiêu tuổi?”. Một lần nữa, người đạo mới của Đức Kitô không trả lời được. Quả thực câu trả lời của ông quá yếu không xác thực đối với các câu hỏi của người lối xóm. Cuối cùng người vô thần la lên “Coi, anh chẳng biết gì về Đức Kitô, phải không?”. Người đạo mới trả lời quả quyết: “Tôi biết ít lắm. Nhưng tôi biết điều này: hai năm trước đây, tôi nằm đường, nằm chợ, tôi say sưa, tôi mắc nợ ngập đầu. Hai năm trước đây vợ tôi ít khi mỉm cười. Thấy bóng tôi các con tôi sợ hãi. Nhưng ngày nay, tôi là một người đàn ông tiết độ. Tôi sạch nợ và còn đủ tiền để mua một căn nhà mới. Ngày nay, vợ tôi thường tươi cười, các con tôi chạy lại đón chào tôi. Chúa Kitô đã làm cho tôi tất cả những điều ấy. Đó là điều tôi biết”.

Rất giống người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay. Anh không biết nhiều về Đức Kitô; nhưng anh biết một điều Đức Kitô đã chữa lành bệnh. Anh ra đi và loan truyền tin ấy. Mặc dù Đức Giêsu đã bảo anh: “Đừng nói với ai cả”.

Người phong cùi khỏi bệnh nói với mọi người. Đó là ý tưởng của ngày hôm nay. Bạn và tôi phải nói cho mọi người những gì mà Đức Giêsu đã làm cho mỗi người chúng ta. Cử chỉ Chúa làm cho người phong cùi cảm động và đáng chú ý: “Người giang tay đụng tới anh… và bỗng nhiên bệnh cùi biến mất”. Đức Giêsu còn giang tay và đụng tới bạn và tôi bằng nhiều cách.

Ví dụ: Đức Kitô đụng vào chúng ta bằng bí tích Rửa Tội, và làm chúng ta nên anh chị em của Người. Người đụng vào chúng ta với dầu Thêm Sức để ban cho chúng ta Thánh Linh Người đã hứa. Trong phép Giải Tội, Đức Kitô đụng tới chúng ta và chữa chúng ta khỏi phong cùi tội lỗi. Khi rước lễ, phép lạ hơn mọi phép lạ, Đức Giêsu không chỉ đụng tới chúng ta, mà còn đến và sống trong tâm hồn chúng ta. Khi Xức Dầu Bệnh Nhân, Người đụng tới thân thể yếu liệt và linh hồn run sợ của chúng ta, Người chữa lành tất cả. Người giang tay cho bạn là cô dâu, là chú rể để thánh hóa sự kết hợp hôn phối của bạn.

Đức Giêsu đặt tay trên tôi trong nghi lễ truyền chức để ban cho tôi quyền làm cho bạn nhiều việc Người đã làm. Chúng ta, người công giáo, như người phong cùi khỏi bệnh phải nói cho người khác những gì mà Đức Kitô đã làm cho chúng ta.

Chúng ta có thể dùng những lời của Đức Trinh Nữ Maria trong bài ca tán tụng Magnificat: “Chúa là Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi muôn việc lớn lao”.

Việc của tôi, một linh mục là nói lên những gì Đức Kitô đã làm cho chúng ta. Bạn là cha, là mẹ phải nói cho con em bạn những gì Đức Kitô đã làm cho bạn và cho chúng. Bạn là giáo lý viên cũng làm như vậy. Tất cả chúng ta phải nói cho những người tin cũng như không tin bằng lời nói, bằng sách báo công giáo, những gì Thầy Chí Thánh đã làm cho chúng ta. Đặc biệt, những gì Người làm trong và qua Thánh Lễ: “Người đổ máu ra cho mọi người”.

Có thể chúng ta không biết nhiều về Đức Kitô. Nhưng chúng ta biết Người đã làm một sự thay đổi lớn - chúng ta được tốt hơn.

Xin Chúa chúc lành cho bạn.

 

44. Cử chỉ

So với những cử chỉ lớn lao, thì những cử chỉ nhỏ bé lại có thể giúp chúng ta thấu hiểu hơn về tính cách của một con người. Những điều lớn lao chứng tỏ cho chúng ta về sức mạnh nơi một con người. Còn những điều nhỏ nhoi lại cho chúng ta thấy được bản tính nhân loại nơi một con người. Chúng ta có được ví dụ rất tốt đẹp này trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là cử chỉ của Đức Giêsu, qua việc Người đụng chạm vào kẻ bị phong hủi, trước khi chữa lành cho anh ta. Mặc dù tự thân sự đụng chạm là một điều nhỏ bé, nhưng trong bối cảnh này, đó là một việc làm lớn lao. Chính những cử chỉ nhỏ bé giống như vậy, lại khẳng định được nhân cách và giá trị của con người.

Ngày nay, người ta không còn sợ hãi bệnh phong hủi như trước đây. nếu người nào bị lây nhiễm căn bệnh này, mà được điều trị kịp thời, thì họ có thể hoàn toàn khỏi bệnh, và không ai biết rằng họ đã từng bị mắc bệnh. Trong Kinh Thánh qua các thời kỳ, bệnh phong hủi là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất. Đối với dân chúng thời đó bệnh phong hủi tương tự như căn bệnh AIDS đối với chúng ta ngày nay.

Người mắc bệnh phong hủi bị cấm không được sống chung với cộng đồng, để bảo vệ cho cả cộng đồng khỏi bị lây nhiễm. Những người phong hủi cũng bị loại ra khỏi những sinh hoạt tôn giáo, bởi vì họ bị coi là những kẻ không tinh sạch theo lễ nghi, và không ai dám liên lạc với họ. Do đó, họ là những kẻ sống ngoài lề xã hội và tôn giáo. Họ bị mọi người ruồng rẫy, khinh miệt và người ta tin rằng họ bị chính Thiên Chúa cũng ruồng rẫy, khinh miệt nữa. Nếu muốn công bố là đã khỏi bệnh, họ phải trải qua một lễ nghi thanh tẩy, trước khi được chấp nhận trở lại với cộng đồng.

Đức Giêsu biết tất cả những điều này. Tuy nhiên, Người đã vượt qua những cấm đoán của xã hội và tôn giáo. Đức Giêsu cho phép người phong hủi lại gần Người. Thế rồi Người đã làm một điều mà không ai ngờ. Người tiến đến gần, đụng chạm vào người phong hủi, trước khi chữa lành cho anh. Tại sao Người lại dám làm một điều mà lề luật cấm đoán? Sự đụng chạm đó cho thấy lòng thương xót lớn lao của Đức Giêsu đối với người sống ngoài lề xã hội, kẻ tội lỗi và người đau khổ.

Người đụng chạm vào người phong hủi, để có thể chứng tỏ rằng tất cả mọi sự đều tinh sạch đối với người mà tự bản thân họ đã tinh sạch. Sự không tinh sạch bên ngoài không hề làm mất đi sự tinh sạch của tâm hồn. Người đụng chạm vào anh ta, để dạy cho chúng ta rằng không được khinh miệt bất cứ ai, và coi họ như là những kẻ đáng thương, bởi vì nỗi đau đớn thể xác của họ. Người đụng chạm vào các thương tích của con người, không phải để cho các thương tích đó có thể dính chặt vào Người, mà là để Người có thể trừ khử chúng ta ra khỏi người đang bị đau đớn.

Đối với người phong hủi, cử chỉ đơn giản đó mang ý nghĩa của cả một thế giới. Nỗi đau khổ tệ hại nhất của người phong hủi không phải là tự thân căn bệnh, mà là nỗi đau đớn vì bị tất cả mọi người ruồng rẫy. Khi đụng chạm vào người anh ta, Đức Giêsu đem đến cho anh một dấu hiệu của sự đón nhận, và sửa đổi nơi anh ý tưởng rằng mình không tinh sạch, vô giá trị, không là gì cả, chỉ là một con người bỏ đi mà thôi.

Đức Giêsu đã có sự hiểu biết lớn lao, và có cảm xúc đối với những người đau khổ, Oscar Wilde nói về điều này như sau;

“Đức Giêsu đã thấu hiểu bệnh phong hủi của người phong hủi, sự tối tăm của người mù, sự bất hạnh do thói tự mãn của những kẻ sống theo lạc thú, sự nghèo nàn đến kỳ lạ của những kẻ giàu có, sự thèm khát có thể dẫn con người đến tình trạng uống cả những giòng nước bùn lầy”.

Đức Giêsu nhấn mạnh đến khả năng thương xót của chúng ta. Người thách đố suy nghĩ của chúng ta về lòng yêu mến. Mỗi người chúng ta đều có khả năng yêu thương lớn lao. Thật đáng tiếc là chúng ta thường không sử dụng đến khả năng yêu thương đó. Chúng ta có được khả năng này trong sức mạnh của chúng ta, để tiếp cận được với những người đang phải chịu đựng nỗi đau đớn của cảnh bị ruồng rẫy. Chúng ta có thể nhen nhúm lại niềm hy vọng, mang lại niềm say mê vui sống nơi người khác, và rồi từ đó, chúng ta phản ánh được một cách mờ nhạt về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Khi nhìn vào Đức Giêsu, chúng ta nhận ra được cách cư xử, mà một cộng đoàn Kitô hữu nên có, đối với những kẻ tội lỗi và những người bị xã hội ruồng bỏ. Trong thời đại của chúng ta, ai là những người phong hủi (sống ngoài lề xã hội)? Chúng ta đã nhận biết được cách cư xử của Đức Giêsu đối với họ. Vậy chúng ta phải cư xử với họ ra sao? Và theo mức độ con người, mỗi người chúng ta đều đã được Đức Kitô thanh tẩy trong phép Rửa tội, và chúng ta cần phải loan truyền tin vui.

 

45. Lời của Thiên Chúa có sức chữa lành...

Anh chị em thân mến,

Mẹ Têrêsa Calcutta đang chăm sóc một người bệnh đầy ghẻ lỡ bên đường. Anh hôi thối bẩn thỉu lắm. Khi Mẹ đang lau rửa cho anh, một nguời đi đường trông thấy nói với Mẹ: "Trả cho tôi một triệu đô la, tôi cũng không làm cái việc này." Mẹ nghe nói ngẩng đầu lên trả lời: "Phần tôi, tôi cũng vậy."... Đúng thế, điều Mẹ Têrêsa muốn nói ở đây là, Mẹ và Tu hội của Mẹ lo lắng cho người nghèo không phải vì tiền, nhưng vì Chúa Giêsu... Chúa Giêsu yêu thương người đau yếu, bệnh tật, người tội lỗi hèn kém biết bao; Chúa luôn muốn chữa lành và chúc phúc cho họ. Chính vì điểm này mà Mẹ và Hội dòng của Mẹ, đã quyết tâm lo lắng cho người nghèo. Đây chính là chủ đề mà Hội thánh mong muốn chúng ta tìm hiểu hôm nay.

a/. Trước hết, xin nói về quan niệm và Luật lệ của Do thái về bệnh cùi:

+ Họ coi bệnh cùi là một thứ bệnh rất ngặt nghèo, không chỉ khủng khiếp về thể xác mà còn là dấu hiệu của hình phạt do đã phạm một tội nào đó. Đọc qua bài Cựu Ước, trích sách Lê vi ở trên, ta thấy những qui định của Lề luật dành cho người lây nhiểm bệnh cùi thật là khủng khiếp (Levi 13, 2.44-46): "Nếu ai mắc bệnh phong cùi, tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế. Người ấy phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu. Gặp ai phải tránh xa và kêu lên: ô uế! ô uế! Phải ở riêng ra; chổ ở của họ là bên ngoài trại."

+ Ta thử nhìn lại về những qui định dành cho người bị bệnh cùi: Trước hết, khi trên da thịt của người nào có dấu hiệu nhọt, lát, hoặc đốm, mà đã được tư tế xác nhận là dấu hiệu bệnh cùi, ông sẽ tuyên bố người đó bị ô uế. Nhưng ta thử nghĩ, thời Chúa Giêsu, làm gì có những dụng cụ thử nghiệm chính xác như của ngày hôm nay, nên sẽ có rất nhiều lầm lẫn, nhất là khi tư tế không có cảm tình với người đó, kể cả vì ganh tị, hay để trả thù...Kế đến, vị tư tế sẽ công bố người bị phong cùi là hạng ô uế. Mà nếu bị coi là ô uế, cuộc đời của họ kể "tàn rồi", vì họ coi bệnh cùi là không chữa được, và hầu như vĩnh viển bị loại trừ ra khỏi cộng đồng xã hội, nhất là lễ nghi thờ phượng của người do thái. Lúc đó, người bệnh còn sống mà kể như đã chết. Cộng đồng coi người cùi là đáng sợ, vì họ ô uế, nên nếu cho họ gia nhập cộng đồng, cộng đồng sẽ bị ô uế luôn. Sau cùng, người bị bệnh phong cùi ít đau khổ thể xác hơn là tinh thần, vì họ cảm thấy bị mọi người sợ hải, cảm thấy bị khinh miệt, bị ghê tởm, nhất là bị xếp loại vào hạng người đang sống dưới ách của thần ô uế, bị phán xét là tội lỗi, bị Chúa chúc dữ và trừng phạt.

b/. Phần này chúng ta nói về việc anh cùi đến với Chúa Giêsu và cách Chúa chữa lành cho anh ta.

+ Bài Tin mừng thuật lại việc anh đi đến với Chúa Giêsu rất cụ thể: Anh đến bên Chúa Giêsu, quì xuống và van xin: "lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.." Đối với anh cùi, Chúa Giêsu là Đấng có thể chữa lành mọi bệnh tật cho anh, vì anh tin Chúa có sức mạnh chiến thắng thần ô uế. Anh đặt hết niềm tin vào Người. Có thể lâu nay, anh nghe người ta nói về Thầy Giêsu có quyền năng cao cả như thế, và anh chỉ tin vào Thầy Giêsu, không tin vào ai cả, kể cả các tư tế, hay chính gia đình anh nữa. Vì thế, anh không tuân theo qui chế dành cho người cùi, gặp người khác là bỏ chạy còn la "ô uế" nữa. Anh đã lên đường, lên con đường của lòng tin, con đường dẫn đến Đấng chữa lành cho nhân loại, và với lòng tin mạnh mẻ, anh nói: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể....."

+ Phần Chúa Giêsu, Phúc âm nói: "Chúa chạnh lòng thương..." vì Nguời hiểu được tâm trạng của anh cùi, hiểu được lòng tin của anh, nên Người đã chữa cho anh ngay: "Ta muốn, anh hãy được sạch". Chúa không chỉ chữa lành cho anh tật bệnh phần xác, mà chữa lành cho cả tật bệnh tâm hồn. Người chữa cho anh khỏi bị nguyền rủa là ô uế, chữa cho anh khỏi tiếng oan rất nặng nề là bị Chúa trừng phạt, giải thoát cho anh khỏi mặc cảm hèn kém, phục hồi cho anh tình trạng nguyên vẹn là một con người được bình đẳng trong xã hội, cả trong nghi lễ phụng thờ tôn giáo của do thái nữa...

Đó chính là Lời Thiên Chúa có sức chữa lành cho anh. Lời Thiên Chúa muốn anh lành mạnh, muốn anh không yếu đuối, muốn anh sống trong niềm tự tin, không mặc cảm, muốn anh không khuất phục quyền uy của ma quỉ, muốn anh sau khi chữa lành, được phục hồi toàn vẹn "hình ảnh của Thiên Chúa" lúc tạo dựng, nhờ cái chết của Con Chí ái của Ngài...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Anh cùi trong Tin mừng hôm nay, đã quá đau khổ thể xác, cũng quá đau khổ trong tâm hồn. Chúa Giêsu hiểu anh ta lắm, cả lòng tin của anh ta nữa, nên Chúa đã chữa lành cho anh ta. Phần chúng ta hôm nay, khi yếu đuối, sa ngã, ta có muốn Chúa Giêsu chữa lành tội lỗi của ta, là tật bệnh phần hồn không?

 

home Mục lục Lưu trữ