Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 38

Tổng truy cập: 1378897

VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Mục tử nhân lành

Ở Trung Đông, người ta sống bằng nghề chăn nuôi, chủ yếu là chiên và cừu. Tổ phụ Abraham và con cháu ông đều có những đàn chiên, đàn cừu khổng lồ. Vua Đavid, khi còn là một cậu bé tóc hung, cũng đã đi chăn giữ đoàn chiên của cha cậu. Và cũng từ giữa đàn chiên, Thiên Chúa đã gọi Đavid và xức dầu cho cậu làm vua. Đối với dân Do thái, hai chữ mục tử còn được dùng để chỉ những vị lãnh đạo của dân Chúa.

Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người giữa một dân tộc đã bao phen bị chiếm đóng, bị lưu đày. Và thời bấy giờ đang bị đế quốc Rôma đô hộ. Dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Ngài thường cứu chữa nhiều người mắc những chứng bệnh nan y như phong cùi, bại liệt, mù lòa…Những người này vốn đã bị liệt vào phường tội lỗi, phải sống tủi nhục bên lề xã hội. Chúa Giêsu rất thương xót họ. Ngài chữa họ lành, để họ được trở về với cuộc sống bình thường của xã hội, an vui với gia đình.

Đức Kitô không phải chỉ chữa lành phần xác, mà còn chữa lành cả phần hồn. Ngài vừa là mục tử, lại vừa là Thiên Chúa, nên Ngài thấu suốt mọi tâm hồn. Từ một Giakêu thu thuế, tham ô xảo trá, đã được Ngài thức tỉnh lương tâm bằng một cái nhìn trìu mến và đôi lời trao đổi chân tình. Ngài không sợ dư luận quần chúng, khi bênh vực một cô gái điếm và dám để cho Mađalêna lấy tóc mình mà lau chân Ngài, giữa một bữa tiệc tại nhà ông biệt phái. Đức Kitô biết rõ đây là những kẻ tội lỗi và chỉ có thể cứu chữa họ bằng tìnhyêu thương tha thứ.

Các thánh sử còn thuật lại nhiều chứng từ yêu thương khác nữa. Thề nhưng, chứng từ cao cả nhất của Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, chính là cái chết trên thập giá vì yêu thương chúng ta. Thực vậy, với tư cách người mục tử nhân lành, Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết ê chề và tủi nhục trên thập giá, để tỏ tình liên đới với đàn chiên khổ đau, và nhất là để cứu tất cả những con chiên còn đang lầm đường lạc lối.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về cha thánh Đamiêng, vị tông đồ người hủi. Ngài là một linh mục đạo đức, thánh thiện và nhiệt thánh. Ngài đã từ bỏ mọi sự, để lại sau lưng tất cả, dấn bước tới hải đảo Molokai, một hải đảo xa côi và hẻo lánh, một hải đảo biệt lập và được dành riêng cho những người mắc phong cùi. Ngài đã đến với họ, đã sồng giữa họ, đã chăm sóc và giúp đỡ họ, những người bất hạnh bị xã hội khai trừ. Cuối cùng chính ngài cũng đã mắc phải chứng bệnh này và đã chết ở giữa họ.

Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành cũng đã đến với chúng ta, sống giữa chúng ta, đã chăm sóc và giúp đỡ chúng ta. Tất cả chúng ta đều được Ngài yêu thương, bởi vì tất cả chúng ta đều là con cái Chúa Cha, tất cả chúng ta đều là em của Ngài. Tất cả chúng ta đều là con chiên trong đàn chiên mà Ngài là vị mục tử nhân lành. Đồng thời, Ngài còn muốn tất cả chúng ta cũng lãnh nhận và chia sẽ trách nhiệm mục tử với Ngài. Có nghĩa là mỗi người chúng ta trong phạm vi và khả năng của mình, cố gắng chăm sóc, yêu thương, giúp đỡ và phục vụ anh em, góp phần xây dựng một thế giới công bình và hạnh phúc, đề rồi chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.


 

2. Chúa Chiên Lành

Từ ông Abraham cho tới vua Đavid, biết bao tổ phụ của dân Do Thái đã từng là những người chăn chiên. Họ không được huấn luyện trong những trường hành chánh hay trường đào tạo cán bộ, cũng chẳng được qua những lớp bổ túc văn hoá, nhưng chỉ được học từ kinh nghiệm duy nhất của nghề chăn chiên để có thể đứng ra lãnh đạo dân tộc. Hơn thế nữa, chính quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng đã từng dựa trên kinh nghiệm đó, cho nên họ gọi Thiên Chúa là mục tử và tự coi mình là đàn chiên của Ngài.

Chúa Giêsu làm người, sinh trưởng trong môi trường xã hội Do Thái, cũng đã thừa hưởng một nền văn hoá và một quan niệm tôn giáo Do Thái, nên cũng đã sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh cùng những khái niệm Do Thái, để công bố cho họ thông điệp cứu độ của Thiên Chúa. Nếu từ thời các tiên tri, dân Do Thái vẫn mong chờ ngày Thiên Chúa đích thân đến chăn dắt họ như mục tử chăn dắt đoàn chiên, thì ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã xác quyết với họ rằng: Ngài là vị mục tử. Điều đó có nghĩa là Ngài tỏ lộ cho họ biết Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa.

Tuy nhiên Ngài còn đi xa hơn nữa. Đúng thế, Ngài đến không phải chỉ để chăn dắt đoàn chiên, mà còn hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Đây là điều vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Bởi vì ngoài mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, chúng ta khó có thể nghĩ tới chuyện Thiên Chúa chịu chết. Thực vậy, tự bản tính Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu, Đấng trường tồn bất biến, nơi Ngài chỉ có sự sống mà thôi, thế nhưng vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chấp nhận cái chết ê chề nhục nhã trên thập giá để giải thoát chúng ta khỏi án phạt đời đời của tội lỗi và sự chết.

Cùng với Đức Kitô, thì đoàn chiên của Ngài không còn bị giới hạn trong phạm vi dân Do Thái, mà đã mở rộng cho toàn thể nhân loại, như lời Ngài đã nói: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Người Con ấy thì sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời. Như thế là đã rõ: Chúa Giêsu đã đến trần gian, đã sống, đã yêu thương và đã chết, không phải chỉ cho dân tộc Do Thái mà thôi, nhưng còn cho toàn thể loài người.

Tình yêu thương không chỉ thôi thúc Chúa Giêsu đi tìm cứu những con chiên lạc, cũng không dừng lại ở việc hy sinh mạng sống để cứu chuộc đoàn chiên, mà còn chủ yếu là quy tụ những con chiên đã được tìm thấy, đã được cứu chuộc, để chúng làm thành một đoàn chiên, quây quần chung quanh một vị mục tử duy nhất, để rồi dưới sự chăn dắt của Ngài, chúng sẽ được sống trong tình yêu thương, hợp nhất và bình an.


 

3. Nghe-Biết-Theo – Lm Trịnh Ngọc Danh

Những dấu hiệu để nhận ra người thân quen là gương mặt và giọng nói.

Tuy cách nhau, nhưng nhớ đến ai, ta vẫn hình dung ra được gương mặt người ấy; nghe giọng nói qua diện thoại, ta nhận ra ngay người thân quen của ta là ai.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Các chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga. 10,27), hay “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga. 10,14).

Động từ “biết” trong Kinh Thánh có một ý nghiã đặc thù diễn tả tình yêu thương kết hợp nơi thân xác của vợ chồng để cả hai trở nên một như Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha. Khi nghe Thiên Thần báo tin: “Này Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu…”, Trinh nữ Maria đã trả lời: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Như thế “biết” là không chỉ có ý nghiã thuần túy thuộc phạm trù nhận thức mà còn bao gồm cả về phương diện tình cảm. Biết là thân thương, trìu mến, gắn bó, kết hợp.

Ta biết các chiên Ta

Chúa Giêsu đã tự xác nhận mình là Mục Tử. Ngài là chủ đàn chiên chứ không phải người chăn thuê và là một Mục Tử Nhân Lành. Khác với chủ chăn đích thực, người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về anh ta, anh ta không thiết gì đến đàn chiên, nên khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy, mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chúng chạy tán loạn.

Người Chăn Chiên Nhân Lành ấy biết đàn chiên của mình là con cái cùng một Cha, cùng chung một mái nhà, là anh em, là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ…, biết từng con chiên một, biết đàn chiên yếu đuối hay sa ngã, biết chúng đang phải sống một kiếp sống hủy diệt vì tội lỗi, biết chiên đang khát vọng tìm một đồng cỏ xanh tươi, một dòng suối mát cho cuộc sống để nghỉ ngơi…

Vì yêu thương đàn chiên, muốn giải cứu chúng khỏi kiếp sống diệt vong ấy để được sống hạnh phúc viên mãn nơi Nhà Cha trên trời, người Mục Tử Nhân Lành ấy đã xuống thế mang thân phận thấp hèn của con chiên, đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên để từ sự phục sinh của người Mục tử Nhân Lành ấy, đàn chiên được sống trong an bình và hy vọng.

Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, Mục Tử Nhân Lành đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, cho từng con người. Ngài muốn chăn dắt, gìn giữ, nuôi sống từng con chiên một trong đàn chiên. Mục Tử Nhân lành biết các chiên của mình là như thế đó! Và dung mạo của Chủ Chăn ấy là nhân lành , yêu thương, biết các chiên, hy sinh mạng sống vì đàn chiên và bảo vệ đàn chiên là như thế đó!

Là con chiên thuộc đàn chiên của Mục Tử Nhân Lành, ta đã biết chủ chăn, nghe tiếng Đấng ấy như thế nào? đã cảm nhận được sự hy sinh, bảo vệ, chăm sóc qua cái “ biết” của Mục Tử ấy chưa?

và các chiên Ta biết Ta, chúng nghe tiếng Ta

Nhờ dấu hiệu nào giúp chúng ta “ biết” Chủ Chăn?

Qua Kinh Thánh và nhất là qua Tin Mừng và phép Thánh Thể, ta biết Ngài, nghe tiếng Ngài kêu gọi. Ngài là Đấng Phục Sinh, nghĩa là Đấng Hằng Sống. Ta sẽ biết rõ Ngài hơn, nhiều hơn, thân mật hơn, nếu ta sống và đi vào cuộc sống với, sống cùng các chiên khác.

Chúng ta đọc Kinh Thánh để nhận biết Người Chăn Chiên, để nghe tiếng Đấng ấy kêu gọi, nhưng ta nhận biết và nghe được tiếng gọi ấy bằng cách nào? Bằng phân tích, lý luận hay bằng tình cảm tin yêu?

Ba người ngồi trao đổi với nhau về bản dịch Kinh Thánh.

Ông thứ nhất nói:

- Tôi thích bản dịch A. Nó sáng sủa hơn những bản dịch trước. Bản dịch này đọc dễ hiểu hơn.

Ông thứ hai nhận định:

- Tôi thì thích bản dịch B hơn. Bản dịch vừa rõ ràng lại vừa văn chương, rất thích hợp cho chúng ta cầu nguyện.

Ông cuối cùng nhỏ nhẹ nói:

- Phần tôi, tôi thích bản dịch của mẹ tôi nhất. Mẹ tôi dịch Thánh Kinh ra thực thế, làm cho Thánh Kinh dễ dàng áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Mỗi ngày, có thể ta sẽ viết thêm một trang mới vào cuốn sách Tin Mừng sống của thời đại bằng chính những việc ta làm, bằng những lời ta nói.

Nếu những lời nói và hành động của ta không phản ảnh được những giá trị của Tin Mừng, thì những lời nói và hành động ấy cũng chẳng nói lên được gì cả.

Nói đến đây, có lẽ cũng là dịp để ta nhớ lại dụ ngôn người gieo giống.

Sống và thực hành lời Chủ Chăn kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, nhiệt thành tham dự Thánh Lễ để từ đó sống kết hợp với Ngài là ta biết và nghe tiếng Mục Tử Nhân Lành kêu gọi.

Bổn phận của con chiên là biết nghe tiếng của chủ chăn. Chỉ có một tiếng thôi, không có tiếng nào khác để chiên nghe theo mà được yên ổn, an vui, sống hạnh phúc ngoài tiếng Giêsu.

Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ, chưa trọn vẹn bổn phận mà còn phảibước theo sự dìu dắt của Mục Tử nhân lành.

và chúng theo Ta” (Ga. 10, 27)

Đã biết Chủ Chăn, và đã phân biệt được tiếng gọi của Ngài với tiếng gọi của người chăn chiên thuê, ta phải mau mắn, tin tưởng đi theo. Đi theo để được chăm sóc , được bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy trong bất cứ hòan cảnh nào.

Không như người chăn thuê, khi thấy sói rừng đến thì bỏ mặc đàn chiên mà chạy thoát thân; trái lại, Mục Tử Nhân Lành của ta sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên. Đi theo và tin tưởng phó thác vào sự bao bọc chở che của Chủ Chăn đã lấy mạng sống Ngài để bảo vệ, cứu thoát ta khỏi tội lỗi và cái chết hủy diệt để đưa ta vào sự sống Phục sinh vĩnh cửu như tác giả Thánh vịnh 22 đã cảm nghiệm:

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ.

Ngài đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Ngài dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Ngài.

Lạy Chúa, dầu qua thung lũng tối tăm,

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm…

Thế nhưng, ta có sẵn sàng chịu nghe tiếng của Chủ Chăn để tìm về với Ngài mỗi khi đi lạc đường, có sẵn sàng đi theo Ngài để cho Ngài bảo vệ, chăm sóc hay lại tìm cách tách rời đàn chiên để đi tìm những bãi cỏ tiền tài, danh vọng, bãi cỏ ý riêng…thay vì gặm cỏ xanh tươi, uống nước dòng suối mát nơi đồng Tin Mừng và Thánh Thể!

Phải coi chừng chủ chăn giả hay người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về ngưới ấy, nên họ thiếu trách nhiệm với đàn chiên, ích kỷ sợ nguy hại đến bản thân mình hơn đến số phận của đàn chiên..

Ngược lại, Mục Tử nhân lành là người yêu thương, bảo vệ, chăm sóc đàn chiên, biết từng con chiên một.

Tiêu chuẩn cuối cùng để phân biệt chủ chăn đích thực và ngươì chăn chiên thuê là thí mạng sống vì đàn chiên. Chỉ có Mục Tử Nhân Lành Giêsu là Đấng đã làm như thế cho đàn chiên của mình.

Là chiên trong đàn chiên của Chúa, có ba điều ta cần phải suy xét và thực hành trong cuộc sống của mình là:

Chiên Ta nghe tiếng Ta, chúng biết Ta và chúng theo Ta. Sống và thực hành ba điều đó không phải chỉ để mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình mà còn phải cùng Mục Tử nhân Lành thực hiện một sứ vụ khác, một nỗi trăn trở khác là:“Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên đó ta cũng phải mang về đàn, chúng sẽ nghe tiếng ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”

Khi gặm cỏ, gặp những chiên khác chưa thuộc đàn chiên của Chủ Chăn Giêsu, chúng ta có thái độ nào? Đố kỵ hay thân thiện, nhường nhịn chia sẻ hay ganh ghét tranh phần, yêu thương hay thù hận, tiếp đón giúp đỡ hay làm ngơ bỏ mặc, cộng tác hay dửng dưng, đối thoại hay khép kín?

Ghen ghét, đố kỵ, phân cách, tự mãn, tự kiêu, ích kỷ... có giúp gì được cho mong ước quy tụ những chiên khác chưa thuộc về đàn chiên của Mục Tử Giêsu thành một đàn chiên duy nhất và chỉ một chủ chiên mà thôi không?


 

4. Chân dung mục tử Giêsu – Lm Ignatiô Trần Ngà

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:

1. Mục tử Giêsu sống hoà mình thân mật với đoàn chiên.

Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa đôi bên thật là quá lớn.

Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua mọi cách biệt để sống hoà đồng với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.

Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người vui sống chan hoà với mọi người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.

Người đã từng hoà mình với dòng người tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Gio-đan (Mát-thêu 3, 13-16). Người cùng ăn uống đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi. (Lc 19,7). Người nâng li rượu chúc mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11). Người khóc thương La-da-rô bạc mệnh (Ga 11,35). Người cứu chữa kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ… Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giêsu.

2. Mục tử Giêsu cho chiên được sống dồi dào.

Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Chúa Giêsu như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)

Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giêsu thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)

Người chấp nhận trao ban chính mình làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),

3. Mục tử Giêsu chăm sóc từng con chiên một, không bỏ rơi bất cứ con chiên nào.

Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã được ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giêsu: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)

Qua dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)

4. Mục Tử Giêsu hiến thân mình cho chiên được sống.

Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành... tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời: Chúa sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con một, không bỏ rơi bất cứ con nào và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.

Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.

Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen.


 

5. Tình người mục tử – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một thai nhi sắp được chào đời. Nó mới hỏi Thượng đế rằng: “Thưa Ngài, có phải ngày mai Ngài sẽ đưa con vào đời không?

Thượng đế trả lời: Đúng đó con ạ!

Đứa bé đáp: Nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?”.

Thượng đế đáp: “Hãy yên tâm, trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ ở bên con và chăm sóc con chu đáo”.

Đứa bé lại hỏi: “Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?”

Thượng đế trả lời: “Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những lời ngọt ngào và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dậy con biết nói những điều hay lẽ phải”.

- Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Vậy, ai sẽ bảo vệ con?

- Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của mình.

- Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được thấy ngài nữa.

- Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta mỗi khi lạc lối.

- Vậy thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con là gì?

- Tên của người không quan trọng, con chỉ giản đơn gọi người là Mẹ.

Nếu người mẹ cần thiết cho con cái thế nào, thì người mục tử cũng cần thiết cho đàn chiên như vậy. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục từ luôn sống vì lợi ích đàn chiên, luôn sống cho và vì đàn chiên. Người mục tử gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Ngài yêu thương con người nên đã mang lấy thân phận con người để cùng đồng hành với con người. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ như một người đầy tớ phục vụ chủ nhân. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho đàn chiên được sống. Ngài còn hiến mình thành lương thực nuôi dưỡng đàn chiên qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Hình ảnh người mục tử còn là hình ảnh của những người cha, người mẹ đang ngày đêm lo lắng bảo vệ con con cái. Các ngài đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc các con. Các ngài đã trải qua những mưa nắng khắc nghiệt của dòng đời để mang lại cơm no áo ấm cho đàn con. Các ngài đã chấp nhận chịu tiêu hao như hạt lúa chịu mục nát đời mình cho con cái lớn khôn.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử hết lòng vì đàn chiên. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ luôn hết mình hy sinh cho chúng ta. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách. Cám ơn Chúa vẫn nuôi dưỡng chúng ta trên đồng cỏ xanh tươi là bàn tiệc Thánh thể, nhờ đó mà ta được no thoả ân tình của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể. Xin đừng bao giờ để tâm hồn mình bị chết đói, chết khát ngay bên nguồn nước trong lành với đồng cỏ xanh tươi là Bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu với tình mục tử đã dọn sẵn cho chúng ta. Amen.

home Mục lục Lưu trữ