Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1377289
VĨNH CỬU
Vĩnh cửu
“Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì, về bên kia thế giới, ngoài trống vắng mà thôi”.
Nhà thơ Du Tử Lê đã suy tư về một chân lý ngàn đời vẫn tái diễn chung quanh chúng ta, đó là một chân lý về thân phận tro bụi của con người, mọi người cùng có một mẫu số chung: có sinh có tử, tro bụi trở về tro bụi. Và trong Tin Mừng hôm nay thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta chuẩn bị, sẵn sàng chờ đợi Chúa đến đưa vào sự sống vĩnh cửu.
Có thể nói với các bạn đầu tư cho một tương lai sau cái chết khi tuổi các bạn còn trẻ, sức khỏe tràn đầy, có lẽ các bạn cho rằng: nói chuyện không thực tế, sao không đầu tư cuộc sống này để được hạnh phúc, được giầu có, được danh vọng… mà lại đầu tư cho vĩnh cửu xa vời.
Vâng, cuộc sống hiện tại lo cho cuộc sống hiện tại là điều dĩ nhiên, thế nhưng các bạn vẫn biết cuộc sống này không bền lâu, như ngay sự sống con người, ai cũng luôn chăm sóc, bảo vệ cho mình, thậm chí dùng cả gia tài để đổi lấy mạng sống. Vậy mà, con người rồi ai cũng phải chết, chết một cách bất ngờ, huống chi vật chất, một đời ta ba đời nó. “Rồi sẽ có một ngày giã từ cuộc sống, nhan sắc là gì, danh vọng, tiền tài là chi, sẽ lấy được gì ngoài chiếc sọ khô”.
Ngay trong cuộc sống, khi nói đến cái chết ai cũng sợ hãi, không thích ai hăm dọa mình phải chết. Một bệnh nhân đứng trước cơn bệnh nguy hiểm đến tánh mạng, thì họ luôn lo lắng, cầu xin cho được gặp được thầy gặp thuốc, chạy đến bác sĩ này bác sĩ nọ mong cho thoát cái chết. Ngay cả chúng ta đây ngày nào cũng trau chuốt sắc đẹp để mong trẻ đẹp mãi, hay khi phát hiện trên đầu có vài cọng tóc bạc thì lo lắng, than rằng tôi già rồi. Đó là cái gì? Có phải khi nói đến già là xấu đi, già là sẽ chết phải không? Đó chính là các bạn đang mong muốn cho mình sự vĩnh cửu, sống mãi trường sinh bất tử. Vậy sự sống vĩnh cửu luôn có giá trị, và nó là niềm hạnh phúc, là điều các bạn mong ước.
Nếu các bạn hay tất cả mọi người ai cũng nghiêm chỉnh tự đặt cho mình những câu hỏi: Con người bởi đâu mà có? Con người sống đạo đức, thánh thiện,… ở đời này để làm gì? Đâu là hạnh phúc đích thực mà con người luôn khao khát tìm kiếm? Rồi tại sao những người giàu có họ cũng phải khóc? Và cuối cùng con người sẽ đi về đâu sau cái chết? Thì chắc chắn rằng ai cũng đặt niềm tin vào sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa vào Chúa Giêsu, và sẵn sàng tích lũy kho tàng trên trời để chờ đợi ngày Chúa đến. Như Mẹ Têrêxa Calcutta đã sống một tình yêu thương phục vụ tha nhân, luôn đem hạnh phúc cho những con người nghèo, con người bất hạnh, và mẹ đã được hàng ngàn trái tim bạn trẻ trên toàn thế giới yêu mến, và xem mẹ là một bậc vĩ nhân, một vị thánh sống.
Chính vì thế, Kitô hữu chúng ta tin rằng chết không phải là một dấu chấm hết, nhưng là một cuộc đi đường xa nay trở về với mái ấm gia đình, nơi đây được bình an, thoải mái, hạnh phúc, không có cô đơn, không có thăng trầm của thời gian, mà chỉ có yêu thương, một tình yêu mạnh hơn sự chết, mà chính Thiên Chúa là Cha đã ban cho chúng ta tình yêu này, và đồng thời tình yêu này làm người chết được sống lại và sống lại với Ngài ở trên trời. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi: “Hỡi các bạn trẻ, đừng sợ, vì Cha các bạn đã vui lòng ban Nước Trời cho các bạn”; như lời Chúa Giêsu đã khẳng định với cô marta nhân cái chết của Lagiarô: “Chính Thầy là sự sống lại; ai tin vào Thầy dù đã chết cũng được sống lại”. Và Tin Mừng thánh Gioan cũng cho chúng ta thấy Ngài đã làm cho Lagiarô sống lại sau ba ngày đã chết, để cho chúng ta hiểu rằng Ngài là ai đối với con người và Ngài có được điều quí giá nhất mà con người mơ ước: đó là sự sống, sự sống vĩnh cửu.
Vậy niềm tin ở đây là một sự kiện hết sức nghiêm chỉnh, hết sức quan trọng, vì niềm tin là điểm tựa cho đời sống các bạn, là nền tảng vững chắc cho đầu tư vào vĩnh cửu.
Thật vậy, không có thành công nào mà lại thiếu hay chẳng có niềm tin, cũng như: học sinh, sinh viên muốn mình học giỏi thi đậu mà lại không đặt niềm tin thầy cô của mình, hay một bệnh nhân muốn hết bệnh thì phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ, hay trong bài đọc I sách Khởi Nguyên – cho chúng ta thấy dân Do thái đặt niềm tin vào Giavê Thiên Chúa cứu họ khỏi vòng nô lệ Ai cập, và Giavê Thiên Chúa đã giải phóng cho họ khỏi ách nô lệ trong đêm vượt qua; và bài đọc II cho thấy ông Nôe thoát chết trong trận Đại Hồng thủy, vì ông có niềm tin, và lòng kính sợ Thiên Chúa.
Vẫn biết cuộc sống vĩnh cửu có giá trị. Vậy mà vẫn có một số bạn trẻ Kitô hữu đang sống trong xã hội ngày nay vì miếng cơm manh áo họ có thể chà đạp phẩm giá của mình, có thể tối mặt, chối bỏ luân thường đạo lý, dám làm tất cả dù trái lương tâm mình, và họ chối bỏ cả giáo lý của Chúa: công bằng, bác ái, yêu thương, không còn biết quên mình để nâng đỡ, chia sẻ cho những ai đang sống trong túng thiếu, nghèo khó, đang sống trong đau khổ của bệnh tật. Còn khi không thành công được trong tìm kiếm miếng cơm manh áo, thì họ xem đó như là một định mệnh của Thiên Chúa giáng xuống trên đầu họ, họ oán trách Thiên Chúa, và như thế họ chấp nhận sống trong bóng tối của tội lỗi, trong tuyệt vọng.
Còn một số bạn khác cho rằng tôi còn trẻ, đời còn dài thôi hưởng thụ cái đã, kẻo phải hoang phí tuổi trẻ, mai mốt về già ăn chay cầu nguyện cũng còn kịp chán, người trộm lành còn hốt được nước trời vào phút chót huống chi là tôi.
Những suy nghĩ này trong Tin Mừng tuần trước, Chúa Giêsu đã quở trách: “Đồ ngốc nội đêm nay người ta sẽ lấy mạng ngươi”. Và chắc hẳn các bạn từng nghe, từng chứng kiến những cái của người già người trẻ, giàu nghèo, hiền ác, cái chết đã không buông tha ai như có câu thơ: “Lá vàng đeo đẳng trên cây. Lá xanh rụng xuống trời chăng hay trời”. Cái chết đến thật bất ngờ. Niềm tin như thế có đầu tư được cái gì cho vĩnh cửu hay không?
Trong kinh doanh người ta thường nói đầu tư càng nhiều thì thu lợi nhuận càng nhiều, và thánh Phaolô cũng đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Chính vì thế, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức dùng cuộc sống đời này làm vốn đầu tư cho vĩnh cửu: “Hãy bán của cải của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy kho tàng trên trời”, đồng thời: “Hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để biết nhạy cảm nhanh lẹ, sang suốt khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa dành cho cuộc sống chúng ta, để chúng ta can đảm, nghị lực để khi mưu cầu chén cơm manh áo, chúng ta có đủ khả năng biết khước từ mọi hành động bất chính, mọi sự lừa đảo gian trá, vượt qua những cám dỗ tình thương của con người, từ đó biết vươn lên khỏi miếng cơm manh áo: đó là tình thương, lòng bác ái, khoan dung, tha thứ phục vụ người khác.
Nhờ đó chúng ta mới có thể chôn vùi những sự ích kỷ, nhỏ nhen, mở rộng trái tim với đôi bàn tay, để chia sẻ với mọi người, nhất là những người đau khổ vì miếng cơm manh áo…, chúng ta xem đó như là một cuộc tập dượt, luyện tập để dành được kho tàng Nước trời. “Phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo vì Nước Trời là của họ”. Như abraham trong bài đọc II, Thánh Phaolô xem là tấm gương: Abraham tin vào lời hứa của Thiên Chúa ban cho ông một vùng đất chảy đầy mật, sữa, và một dòng dõi tuyển chọn đông như sao trên trời, mà ông dấn thân nhập cuộc với Thiên Chúa là từ bỏ cuộc sống sung sướng ở quê hương, sống tình trạng bấp bênh đi tìm đất hứa, và dâng hiến cho Chúa người con duy nhất khi tuổi ông và vợ ông đã già, mặc dù Chúa chỉ thử lòng ông, và như người đầy tớ trung tín trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nhắc đến.
42. Tỉnh thức
Tại Thụy sĩ, có một vườn hoa tuyệt đẹp, đủ loại hoa, đủ màu sắc. Nằm giữa vườn là một tòa nhà tráng lệ. Nhìn vườn hoa với cảnh phối trí, cắt tỉa, uốn nắn… ai cũng phải công nhận đã có một sự chăm sóc kỹ lưỡng, kèm theo một óc thẩm mỹ hiếm có của người chủ vườn. Một du khách đi qua đây, thoáng nhìn ông đã thấy như say mê. Giữa lúc đó, người làm vườn bước ra. Chủ khách chào hỏi lẫn nhau. Rồi từ chuyện hoa cỏ, cách chăm bón, trồng tỉa, sự phối hợp màu sắc… câu chuyện đi đến chỗ thân tình.
Du khách hỏi: “Xin lỗi cụ, cụ ở đây được bao lâu rồi?”- “Khoảng 40 năm rồi” – “Tôi đoán, có lẽ ông chủ của cụ rất sành về nghề cảnh, chắc giờ này ông có nhà?” – “Ông ta không ở đây, thỉnh thoảng mới ghé qua đây thôi” – “Ông có thư từ gì với cụ không?” – “Không, ông ta bận lắm” – “Ông không về cũng không thư từ, thì ai trả lương cho cụ?” – “Hàng tháng tôi chỉ nhận được ngân phiếu từ ông ta để chi phí mọi sự cho khu vườn này” – “Thế tội gì cụ phải chăm sóc kỹ lưỡng thế này, ông chủ có mấy khi đến thưởng ngoạn đâu?” – “Tôi thì lại không nghĩ thế, mình là một gia nhân được chủ tín nhiệm trao phó việc bảo quản khu vườn này, mình phải tận tụy chứ lúc nào ông về cũng được, ông sẽ hài lòng với công việc của tôi. Hơn nữa, khi làm đẹp khu vườn cho chủ, chính tôi cũng được thưởng ngoạn cảnh đẹp do chính tay mình làm nên”.
Người gia nhân trên đây thật đáng ca tụng. Ông làm việc không vì sợ nhưng vì yêu, không vì mắt chủ mà vì trách nhiệm, Ông coi việc của chủ như việc của mình, nên đã hết lòng. Thái độ của ông thực là thái độ Chúa muốn mỗi người chúng ta phải có khi làm việc cho Ngài. Trong huấn dụ về sự tỉnh thức Chúa đã dạy chúng ta trong bài Tin Mừng: “Hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ gõ cửa thì mở ngay cho chủ. Nếu canh hai canh ba chủ trở về mà gặp thấy như vậy thì phúc cho các đầy tớ ấy”.
Lời dạy của Chúa chúng ta đã nghe nhiều, nghe đi nghe lại, nhưng có lẽ nó chưa rơi vào óc, chưa thấm vào tim chúng ta. Chúa bảo chúng ta cầm đèn cháy sáng, nhưng đèn chúng ta lại không dầu, chúng ta lại ngủ vùi trong đam mê. Chúa bảo chúng ta đợi Ngài, nhưng chúng ta lại đợi những gì khác Ngài… Vậy nếu canh hai canh ba Ngài về thì phúc cho chúng ta hay họa cho chúng ta? Linh hồn và thân xác chúng ta là tòa lâu đài Chúa trao, vườn hoa chính là nhân đức Chúa đã gieo trồng, rồi ủy thác cho chúng ta chăm sóc. Hôm nay nhìn lại, tòa lâu đài còn xứng đáng với danh xưng của nó hay đã biến thành nhà hoang, nhà điếm hoặc hang trộm cướp? Vườn hoa nhân đức giờ này còn khởi sắc hay chỉ phơi bày sự úa tàn? Trong hoàn cảnh này, nếu Chúa trở về, Ngài sẽ buồn hay vui? Vui buồn của Ngài cũng là quyết định cho khổ đau hay hạnh phúc của chúng ta.
Suy nghĩ và nhận ra những thiếu sót của mình, chúng ta hãy tức thời tu sửa. Thời gian của vũ trụ thì con dài, nhưng thời gian của đời mình thì thật ngắn ngủi. Sự chấm dứt chẳng biết lúc nào. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết: mình còn trẻ, khỏe mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời”. Ông Lã Phụng Tiên kể một câu chuyện ngụ ngôn: có một cụ già kia đang cuốc đất trồng cây, có ba chàng thanh niên tình cờ đi qua, thấy vậy các cậu nói: “Cụ ơi, cụ lẩm cẩm quá, già rồi mà còn trồng cây. Thôi cụ ơi, việc ấy để tụi cháu, cụ lo dọn mình chết là vừa”. Cụ già vui vẻ ân cần trả lời: “Chắc gì lão chết trước. Chắc gì các cháu sống lâu hơn lão. Tử thần xưa rày có phân biệt trẻ hay già đâu. Trẻ hay già có khác chi nhau về phương diện đó. Các cháu cứ lo làm cho đàng hoàng công việc của các cháu đi”. Một thời gian sau, cụ già lần lượt được tin ba chàng thanh niên, vì công việc đều chết cả: người thì chết vì tai nạn xe hơi, người thì chết trận, người thì bị đắm tàu trong một chuyến kinh doanh. Cụ già được tin buồn, khóc thương ba chàng trai trẻ đó.
Giả sử chúng ta cho là mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn lâu mới chết cũng được đi. Nhưng Chúa dạy chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải quan tâm và chấp hành nghiêm chỉnh. Tỉnh thức không phải là không ngủ mà là ngủ trong thức tỉnh. Tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm như thường trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc lời Chúa nhưng là để lời Chúa chi phối đời sống của mình. Như vậy, thái độ tỉnh thức của chúng ta không phải là một thái độ tiêu cực, chạy trốn, tránh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại, vẫn sống tích cực, vẫn chu toàn bổn phận hàng ngày, vẫn liên đới với mọi người… sống và làm việc cách tốt đẹp. Tóm lại, sự tỉnh thức của chúng ta là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ. Đây chính là ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.
Chúng ta còn trẻ hay đã già, khỏe mạnh hay đau yếu, điều đó không quan trọng, nhưng quan trọng là chúng ta đang sống thế nào? Đang tỉnh thức hay ngủ mê? Nếu chúng ta đang sống tốt đẹp, chúng ta cứ vui sống. Có một câu chuyện kể rằng: Một hôm, một số trẻ em đang vui chơi, một giáo sư đi tới hỏi các em: “Nếu bây giờ Chúa gọi các con chết, các con sẽ làm gì?”. Nghe hỏi thế, em thì nói: “Con vào nhà thờ cầu nguyện”. Em khác thưa: “Con đi xưng tội”. Có một em hồn hiên trả lời: “Phần con vẫn vui chơi như thường”. Vị giáo sư hỏi: “Tại sao con lại vui chơi như thường?”. Em trả lời: “Vì con luôn sống tốt đẹp, nên con chẳng có gì phải lo sợ”. Em bé đó chính là thánh trẻ Bec-man.
Khi đời chúng ta luôn sẵn sàng, khi lương tâm chúng ta không trách cứ chúng ta điều gì, khi mọi nợ nần của chúng ta với Chúa và anh em đều sòng phẳng, chúng ta không có gì phải lo sợ, chúng ta cứ vui sống.
43. Tin là sẵn sàng
Chúa nhật tuần trước Chúa Giêsu đã dạy chúng ta đừng quá dính bén với của cải vật chất đời này. Người kêu gọi chúng ta hãy biết làm giàu trước mặt Chúa. Đó là một trong những điều quan trọng trong đời sống của người kitô hữu. Nếu không tin vào Chúa, không tin vào sự sống đời sau chắc hẳn chúng ta sẽ khó lòng chấp nhận lời dạy này của Chúa Giêsu. Cũng trong cái nhìn ấy, Chúa nhật hôm nay Người kêu gọi chúng ta hãy biết thức tỉnh và sẵn sàng. Thức tỉnh và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến.
Sẵn sàng luôn luôn là một thái độ chủ động tích cực. Người có thái độ sẵn sàng là người luôn sống trong tâm trạng bình an, không phải nơm nớp lo sợ, vì mọi sự đã được xếp đặt an toàn, kẻ trộm có đến bất ngờ thì cũng bó tay, chẳng lấy được của mình cái gì. Đây là một thái độ khôn ngoan nhất. Với cái nhìn đức tin, đây là người biết sống đẹp lòng Chúa. Vì họ đã nhận ra được tình thương của Chúa dành cho mình. Cho nên, bất cứ lúc nào Chúa gọi họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng như 10 trinh nữ khôn ngoan biết chuẩn bị sẵn dầu để đón chàng rễ. (Mt 25, 1 - 13)
Có lẽ, khi nhắc đến Thánh Đaminh Saviô thì không ai trong chúng ta có thể quên một sự kiện đặc biệt về ngài. Một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với những bạn ngoài sân. Cha Gioan Boscô mới gọi thánh nhân ra và hỏi: "... Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?"
"... Con vẫn tiếp tục chơi!"
"... Con không đi xưng tội hay cầu nguyện để dọn mình chết sao?"
"... Bây giờ là giờ chơi, mọi người có bổn phận phải chơi để thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn sàng trở về với Chúa!..."
Câu trả lời của Saviô đã làm cho nhiều bạn và cho cả Cha Gioan Boscô hết sức ngạc nhiên. Quả thật, đấy mới là một thái độ sẵn sàng đúng nghĩa. Thánh nhân đã tin vào Chúa một cách vững mạnh.
Ngược lại, đó là thái độ của một người luôn bê trễ, ù lì. Thái độ của người đầy tớ xấu nghĩ rằng: " Chủ ta còn lâu mới về, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa". Cũng giống như 10 cô trinh nữ dại khờ không biết chuẩn bị dầu đèn để đón chàng rễ. (Mt 25, 1-13)
Do đó, khi chúng ta biết chu toàn bổn phận của mình trong từng giây phút của cuộc đời là chúng ta đang sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một người vợ, người mẹ trong gia đình.
Hãy chu toàn tốt bổn phận của một con trong gia đình...
Và trên hết hãy chu toàn tốt bổn phận của một người tín hữu, một người con Chúa trong niềm tin yêu phó thác.
44. Bấp bênh
Trong tất cả mọi chuyến bay, khi máy bay vừa cất cánh và đã ổn định đường bay, các tiếp viên hàng không đều chỉ dẫn cho hành khách phải làm những gì khi rủi mà máy bay gặp tai nạn. Sự việc này có nghĩa là mặc dù chuyến bay đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, nhưng người ta vẫn chưa dám chắc là sẽ an toàn 100/o, do đó phải chuẩn bị đối phó với điều bất ngờ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta những chỉ dẫn cho chuyến bay cuộc đời. Ngài bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng, như một người đầy tớ chuẩn bị sẵn mọi thứ để chờ chủ về bất cứ lúc nào.
Lời dạy của Chúa rất hợp lý, bởi vì cuộc sống con người rất bấp bênh. Càng sống nhiều năm, con người càng cảm nhận sự bấp bênh của cuộc sống: người ta có thể chết ở bất cứ tuổi nào, bất cứ ở đâu và chết vì đủ thứ lý do.
Ở những vùng thường bị lũ lụt, người ta luôn chuẩn bị sẵn sàng để nếu có lũ thì tài sản không bị hư hao. Vào mùa hè thường xảy ra hỏa hoạn, người ta cũng nhắc nhau lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đối với nhà cửa và tài sản, chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng. Vậy tại sao không biết chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống đời đời?
Chuẩn bị sẵn sàng không có nghĩa là đã hoàn thành hết mọi việc phải làm (được như vậy thì càng tốt, nhưng ít ai được như vậy), mà là lúc nào cũng đang làm tốt việc bổn phận.
Một tu sĩ kia đang quét nhà trong tu viện. Chợt một người đến hỏi “Nếu một giờ nữa anh phải chết thì anh sẽ làm gì?” Vị tu sĩ trả lời “Tôi cứ tiếp tục quét nhà cho xong”.
Làm việc bổn phận không phải chỉ là làm cho xong việc bổn phận đó, mà còn là làm cách vui vẻ và với lòng yêu mến. Cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Dag Hammarskjold đã để lại câu sau đây: “Có ngày nào mà niềm vui thì lớn còn nỗi buồn thì nhỏ không?” Và chính ông trả lời: “Thưa có, ngày nào chúng ta biết sống với bổn phận và chu toàn bổn phận thì ngày đó chúng ta sẽ thấy niềm vui thật lớn và thấy những nỗi buồn thật nhỏ nhoi”. Thi hào Tagore cũng có một câu tương tự: “Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận là niềm vui”.
Cách đây vài năm, một thày dòng Phanxicô kia phụ trách một trường giáo dục các trẻ em hư hỏng. Trong một chuyến đi vận động các nhà hảo tâm trợ giúp tài chánh cho trường, thầy đã bị tai nạn xe và chết. Nhiều người tội nghiệp cho thầy vì chết đột ngột quá. Nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng thầy đã chết một cách tuyệt đẹp, bởi vì chết đang khi thi hành bổn phận mình.
45. "Một nơi chưa bao giờ đến"
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói về một nơi mà trước đây chúng ta chưa bao giờ đến: "Các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con" (Lc 12, 32).
Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa rằng Thiên Chúa Cha, Đấng luôn yêu thương, sẽ ban tặng cho chúng ta với điều kiện chúng ta phải đặt trọn vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài bằng cách: "Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó" (Lc 12, 33-34). Vậy Nước Trời ở đâu?
Sách Giáo Lý Công Giáo đã dạy (số 2816- 2820) và Thánh Phaolô để diễn tả: "Nước Thiên Chúa là công chính, an bình và vui vẻ trong Chúa Thánh Thần" (Rm 14, 17)
Trong bài đọc thứ hai (Dt 11, 1-2; 8- 19) chúng ta nghe lại câu chuyện của tổ phụ Abraham, cha của những người có lòng tin. Qua đức tin, Abraham đã vâng lời Thiên Chúa để ra đi đến "một nơi chưa bao giờ đến" để được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã lên đường theo tiếng Chúa phán. Abraham có đức tin vào Đấng đã ban lời hứa. Ông tin vào lời Thiên Chúa hứa và biết rằng Thiên Chúa đồng hành với mình trên đường về đất hứa. Cuộc hành trình của Abraham là một cuộc hành trình đức tin (Dt 11,12-16). Giống như Abraham, cuộc đời của chúng ta cũng là một cuộc hành trình của niềm tin đi về Nước Trời mà Chúa Giêsu đã hứa hôm nay: "Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con" (Lc 12, 32). Ngài đòi hỏi chúng ta phải tin, phải lên đường ngay. Phải có đối tượng và mục đích rõ ràng. Phải dự trù hành trang cần thiết cho cuộc hành trình dài. Hành trang phải thật nhẹ nhàng. Từ bỏ của cải vật chất là điều kiện cần thiết (1 Pr 1,17), "Hãy bán những của các con có mà bố thí. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó" (Lc 12, 33-34). Tuy nhiên, con người thời đại đã làm ngược lại với Lời Chúa dạy hôm nay (Pl 3, 19). Họ tin vào của cải, trương mục ngân hàng, vốn đầu tư, công ăn việc làm, chế độ bảo hiểm, hưu dưỡng, đất đai, nhà cửa. Khi đặt trọn vẹn tin tưởng vào của cải vật chất thì hãy coi chừng kẻo sẽ bị mất tất cả, mất hết của cải đời này lẫn hạnh phúc đời sau (Gc 4, 4).
Tiền của vật chất đã không làm con người dễ dàng hướng về Nước Trời được (Mt 19, 23). Và nó cũng không làm con người biết sẵn sàng chờ đợi giờ phút "Con Người" đến nữa.
Hành trình đức tin về Nước Trời phải từ bỏ của cải vật chất và thế gian để giúp ta sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào Thiên Chúa muốn (2 Ga 4, 6-8). Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh của người ăn mặc sẵn sàng lúc làm việc: "Các con hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12, 35-40)
Thánh Augustino là một con người tội lỗi, sau này lại trở thành một Giám Mục, là thánh tiến sĩ của Giáo Hội. Mẹ của ngài, bà thánh Monica đã cầu nguyện kiên trì để ngài bỏ đường tội lỗi để phục vụ Chúa Giêsu Kitô, nhưng Augustino vẫn chứng nào tật nấy. Cho đến một hôm, đang khi kể chuyện cuộc đời mình cho một anh bạn nghe, Augustinô đã bật khóc nức nở khi nghe có tiếng thôi thúc: "Hãy cầm lên mà đọc; hãy cầm lên mà đọc". Sau này, Augusttinô đã viết trong cuốn Tự Thuật như sau:
"Ngay lúc đó tôi liền ngưng khóc, tôi bước đi lấy cuốn Thánh Kinh, mở ra và đọc đoạn đầu tiên đã được biểu tỏ cho tôi, vì tôi nghĩ rằng đây là lệnh từ trời. Rồi nhanh chóng, tôi trở lại chiếc ghế dài nơi bạn tôi, Alypius đang ngồi, và đặt cuốn Thánh Kinh xuống ghế. Thình lình tôi lại chộp lấy nó, mở ra, và trong thinh lặng tôi đọc đoạn Thánh Kinh in ngay vào mắt tôi: "Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng" (Rm 13,13-14). Tôi không muốn đọc thêm nữa, cũng chẳng cần phải đọc thêm. Ngay lập tức, khi câu cuối cùng vừa kết thúc, giống như luồng ánh sáng của sự thật rót vào trong tim tôi. Và tất cả bóng tối của nghi ngờ đã biến mất."
Nếu "Con Người" đã đến trước cái ngày định mệnh này thì Augustinô đã bị bắt quả tang chưa sẵn sàng chuẩn bị gì cả. Có lẽ ngài đã còn đang ngủ. Tuy nhiên từ lúc đó trở đi, Augustino đã sửa soạn sẵn sàng Ngài đã cảnh giác và thức tỉnh khỏi tội lỗi.
Một tác giả nào đó đã cho chúng ta những lời khuyên chân thành và thực tế về giá trị của những giây phút hiện tại trong cuộc sống trần gian như sau:
Để nhận ra giá trị của một năm: Hãy hỏi một học sinh thi rớt cuối năm.
Để nhận ra giá trị của một tháng: Hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để nhận ra giá trị của một tuần: Hãy hỏi người chủ bút của tờ tuần báo.
Để nhận ra giá trị của một ngày: Hãy hỏi công nhân lao động phải nuôi 10 đứa con.
Để nhận ra giá trị của một giờ: Hãy hỏi những tình nhân phải chờ đợi nhau.
Để nhận ra giá trị của một phút: Hãy hỏi người vừa trễ chuyến xe lửa, hay xe buýt.
Để nhận ra giá trị của một giây: Hãy hỏi người vừa thoát khỏi tai nạn.
Để nhận ra giá trị của một sao: Hãy hỏi nhà thể thao Olympic được huy chương bạc.
Và sau cùng, để nhận ra gía trị của một đời người: Hãy hỏi, ai sẽ khóc trong buổi tang lễ của bạn.
Vì thế, chúng ta cần thay đổi thái độ sống chưa xứng hợp với vai trò là người Công Giáo. Chúng ta hãy đặt Chúa lên trên hết, để mọi việc việc làm của chúng ta đều hướng về Chúa, nghe theo tiếng Chúa gọi mời là "tìm kiếm Nước Thiên Chúa".
Áp dụng Lời Chúa hôm nay, tôi xin đề nghị đối với các bậc làm cha mẹ: Bởi vì Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho các cha mẹ nên chúng ta hãy biết cách giáo dục, nuôi nấng, hướng dẫn, sửa dạy và chịu trách nhiệm về con cái.
Trên hết, cha mẹ hãy làm gương lành cho chúng và phải chỉ dạy cho chúng. Hãy tham dự thánh lễ, năng lãnh nhận các bí tích. Đừng say sưa, cờ bạc; tránh cãi vã, và những việc không tốt thường con em sẽ theo vết chân bạn.
Gia đình cùng quây quần đọc kinh hôm, kinh mai với nhau ngay từ khi con cái còn nhỏ. Đọc Lời Chúa và lần chuỗi. Bên cạnh đó, Cha mẹ nên đọc gương thánh nhân cho con cái nghe để khuyến khích chúng bắt chước những đức tính tốt ấy
Mặt khác, để giáo dục con cái thì Cha mẹ nên làm gương cho chúng nó: Biết lắng nghe con cái, hãy cho con cái có dịp trình bày hoàn cảnh của chúng. Thông cảm, sẵn sàng dành thời gian chia sẻ, dạy dỗ và tỏ ra quan tâm đối với những khó khăn mà chúng gặp phải khi tiếp xúc với xã hội, tập cho chúng nó biết quan sát, nhận định và phán đoán theo lề luật của Chúa và Giáo hội. Cha mẹ dạy cho chúng nó biết quý trọng những giá trị Nước Trời, không ham mê của cải, không ăn trộm cắp, biết giữ giới răn của Chúa. Cha mẹ nên tránh nói những câu: "Đồ khùng, đồ ngu, im đi...".
Ngoài ra, hãy hy sinh chú ý tới những cái con cái thích. Khen thưởng để khích lệ, tha thứ để khích lệ và sửa sai cho chúng nó.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết qúy trọng những giá trị Nước Trời, để chúng con luôn biết sống theo Lời Chúa chỉ dạy ngay từ hôm nay, biết sống tỉnh thức và chu toàn bổn phận của công dân Nước Trời bởi vì quê hương của chúng con là Nước Trời.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam