Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 68
Tổng truy cập: 1377168
VUA LÒNG TIN
Vua-lòng-Tin - Lm. Nguyễn Ngọc Long
Khi nói đến một vị vua chúa nào dù đã chết hay còn đang tại vị, chúng ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến giầu sang, đền đài, nghi lễ sang trọng, đền đời sống vương giả... Chúng ta thường chỉ nghĩ đến như thế thôi. Vì đã được nghe qua, hoặc đọc trong sách báo hay xem truyền hình về đời sống của họ. Nào mấy người có được cơ hội trải qua cuộc sống thực sự trong cung điện vua chúa. Và đời sống của vua chúa thường đồng nghĩa với đời sống xa dân. Thần dân có bổn phận kính trọng và nghe lời họ. Họ có quyền hành gần như tuyệt đối cai trị người dân.
Hình ảnh này về vua chúa không những chỉ đúng cho ngày xưa - cách đây chừng trên dưới nữa thế kỷ thôi như Nhật Hoàng, Nga Hoàng, vua xứ Brunei, vua xứ Thái Lan, vua xứ Chùa Tháp Campuchia... - nhưng phần nào cũng còn đúng cho các vị vua chúa trong xã hội cộng hòa dân chủ ngày hôm nay.
Người công giáo tuyên xưng: Chúng tôi cũng có một Vua, nhưng Vua của chúng tôi là Vua-lòng-tin! Vậy Vua-lòng-tin của chúng ta thì thế nào? Chúng ta có thể biết được chút nào về đời sống Vua-lòng-tin không? Vua-lòng-tin của chúng ta sống gần con người hay cũng xa dân như các bậc vua chúa khác?
Chúng ta hát ca ngợi Vua-lòng-tin như thế này: "Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Chúa. Nhưng lòng Chúa không bến bờ, tự hiến thân nơi bàn thờ!"
Như thế danh xưng Vua-lòng-tin của chúng ta là Giêsu. Vương quốc lâu đài của Vua-lòng-tin là tâm hồn con người. Vương quốc này không có biên giới bờ cõi và cũng không bị giới hạn vào một thời điểm nào. Nó trải rộng khắp nơi vào mọi thời gian. Nơi nào có người tuyên xưng niềm tin vào ngài là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng tội lỗi, nơi đó là vương quốc của ngài.
Còn cách thế cai trị của Vua-lòng-tin không dựa trên sức mạnh quyền lực, nhưng lấy tình yêu làm nền tảng. Chính vị vua này từng khẳng định: Thầy truyền cho chúng con giới luật mới, là các con thương yêu nhau (Gioan 13,34).
Và ngày sau cùng khi mọi người ra trước Vua để trả lời về đời sống việc làm của mình, ông không căn cứ vào thành tích đã đạt được, nhưng căn cứ vào tình yêu mà phân xử: Khi các con cứu giúp một người bé nhỏ lâm cảnh khốn cùng, đói rách, chính là các con làm cho ta. (Mátthêu 25,31-46)
Vị Vua này tự nhận: "Ta là người mục đồng tốt lành" (Gioan 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng này.
Hình ảnh vị Vua mục đồng này nói lên lối sống của ông với thần dân: sống gần dân, cho dân và vì dân, như người mục đồng luôn đi sát đoàn vật chăm sóc chúng.
Ngai vàng của Ông là thánh giá gỗ, nơi ngài bị đóng đinh xử tử. Vương miện của ngài là vòng gai người ta chụp lên đầu khi bị điệu ra pháp trường.
Vua-lòng-tin của người công giáo đã bị xử tử đóng đinh trên thập giá, bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, nhưng ông đã được Thiên Chúa cho sống lại. Ông sống trong trong tâm hồn những người tin theo ông. Ông hiện diện nơi bàn thờ, khi những người tin theo Ông cử hành thánh lễ, cử hành các bí tích, khi họ họp nhau đọc kinh ca hát cầu nguyện nhân danh Ông.
Vua- lòng- tin của người tín hữu công giáo là Vua tình yêu.
50. Suy niệm của Lm Mark Link
“Chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô như thế nào nơi kẻ bé mọn nhất hiện đang sống giữa chúng ta.”
Trong cuốn sách của mình nhan đề: The Christian Vision (Thị kiến của người Kitô hữu) John Powell có kể lại một truyền thuyết xưa kia của Ái Nhĩ Lan. Truyền thuyết này nói về thời còn các vị vua đang cai trị Ái Nhĩ Lan.
Ngày xưa, có một vị vua đương cai trị không có con nối dõi ngai báu. Vì thế, ngài truyền sứ giả ghi lên các tấm biển nơi mỗi thành phố và làng mạc trong vương quốc, để mời gọi những người đàn ông ưu tú đến cho Đức vua phỏng vấn.
Đức vua làm thế với hy vọng có thể chọn được một người kế vị trước khi Ngài chết. Hai đặc tính tiêu chuẩn đặc biệt được ngài nhấn mạnh là kẻ ấy phải có lòng mến Chúa yêu người sâu sắc. Anh thanh niên là vai chính trong câu chuyện truyền thuyết này nhận thấy mình có một trong các điều kiện đòi hỏi, vì thực sự anh ta rất mến Chúa yêu người. Anh ta cảm thấy từ thâm sâu nội tâm có tiếng thúc giục anh đi dự cuộc phỏng vấn. Nhưng anh lại quá nghèo đến mức chẳng có quần áo tươm tất để mặc đi dự phỏng vấn và cũng chẳng có tìên mua thực phẩm cho cuộc hành trình xa xôi đến cung điện đức vua. Vì thế anh thanh niên này đã cầu nguyện xin ơn soi sáng cho vấn đề. cuối cùng anh quyết định đi ăn xin quần áo và lương thực cần thiết. Khi mọi sự đã sẵn sàng anh bắt đầu lên đường.
Sau một tháng du hành, ngày nọ anh thanh niên này đã nhìn thấy cung điện đức vua. Anh ta ngồi xuống trên ngọn đồi phía xa. Ngay lúc đó anh trông thấy một ông lão ăn mày nghèo khổ ngồi bên vệ đường. Ông cụ chìa tay ra xin anh giúp đỡ. Giọng nói ông ta thật yếu ớt: "Tôi đói và lạnh quá, cậu có thể cho tôi cái gì mặc cho đỡ lạnh và ăn cho đỡ đói không?" anh thanh niên nhìn ông già lòng tràn đầy xúc động. Và liền cởi bộ đồ ấm áp mặc ngoài của mình đổi lấy tấm áo cũ tơi tả của ông già ăn xin, đồng thời cũng cho lão ta phần lớn lương thực dự trữ mang theo trong túi xách dành cho chuyến trở lại về nhà. Thế rồi, lòng hơi ngài ngại anh thanh niên bước tới cung điện trong bộ đồ rách nát và lương thực mang theo không đủ cho chuyến trở về. Khi anh ta đến lâu đài, đám lính gác chận anh ta lại tại cổng và dẫn anh đến khu vực dành cho du khách. Sau một thời gian chờ đợi lâu, anh ta được dẫn tới diện kiến đức vua.
Đến trước bệ rồng anh thanh niên liền gập sâu người xuống cúi chào. Khi ngước thẳng lên nhìn anh ta không thể nào tin nổi mắt mình và thốt lên: "Té ra ngài chính là ông lão ăn xin bên vệ đường!" đức vua đáp: "Đúng thế". Anh thanh niên liền hỏi: "Tại sao ngài lại làm điều ấy đối với kẻ tiện dân này?" Đức vua trả lời: "Bởi vì Trẫm muốn thử xem ngươi có thật lòng mến Chúa yêu người không?"
Dù đây là một câu chuyện giả tưởng, nhưng chủ điểm của nó rất là vững chắc. Đây cũng chính là chủ điểm mà các bài đọc hôm nay, đặc biệt là bài Phúc âm nêu ra. Chủ điểm ấy là:
Vào ngày cuối đời, tất cả chúng ta sẽ bị xét xử về việc chúng ta đã phục vụ Chúa Kitô Vua như thế nào nơi kẻ hèn mọn nhất trong anh chị em chúng ta. Hãy nhớ lại những lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc âm: "Đoạn đức vua sẽ nói “Xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta vào nhà, Ta đau ốm bệnh hoạn các ngươi đã chăm sóc Ta"
Bây giờ đám người công chính sẽ thưa với Ngài: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu? Đức vua sẽ đáp lại: "Ta nói cho các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó".
Để cụ thể hơn chủ điểm trong các lời Chúa Giêsu nói đó, một giáo sư ở Chicago đã hỏi các sinh viên của mình: "Lần mới đây nhất mà các bạn giúp đỡ kẻ túng thiếu là lúc nào?". Sau đây là các câu trả lời của ba sinh viên:
- Vào bữa thứ sáu tôi đang ở trên chiếc xe buýt đường Roosevelt thì có một ngươiì đàn ông mang lên xe một vài chiếc hộp cồng kềnh. Tôi liền nhường cho ông ta chỗ ngồi. Ông ta từ chối nhưng lại yêu cầu tôi giữ giùm ông ta vài chiếc hộp. Tôi đồng ý và ông tỏ ra rất biết ơn".
- "Hai tuần trước đây, tôi đang ngồi trên một chiếc xe buýt cạnh một bà dở hơi. Bà ta muốn kíêm người nói chuyện vì thế tôi đã cư xử tử tế với bà và lắng nghe bà nói"
- "Tôi chẳng thể nào nhớ được tôi đã có giúp đỡ ai đó vào một lúc nào không. Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ về điều này, hẳn là đã lâu quá rồi nên tôi không thể nhớ được, có lẽ có một điều gì trục trặc nơi con người tôi, có lẽ tôi đã làm ngơ nhắm mắt trước những kẻ thiếu thốn".
Chúng ta có thể tự vấn mình về chính câu hỏi vị giáo sư đặt ra cho các sinh viên: "Lần mới đây nhất mà chúng ta giúp kẻ khốn khó là vào lúc nào?"
Chúng ta sẽ trả lời ra sao? Liệu chúng ta có sẽ trả lời giống hai sinh viên trên hay là giống anh sinh viên thứ ba là kẻ không thể nhớ nổi mình đã giúp đỡ kẻ khốn khó cách đây bao lâu?
Chẳng hạn vấn đề giúp đỡ những kẻ khác trong gia đình chúng ta. Lần mới đây nhất mà chúng ta tự nguyện giúp đỡ họ một điều gì đó, vào lúc nào?
Rồi đến láng giềng, và dân chúng trong giáo xứ này, lần mới đây nhất mà chúng ta bước tới gíup đỡ cho họ khi họ cần, là vào lúc nào?
Tại sao chúng ta không mở rộng lòng mình hơn cho những kẻ đau khổ, cô đơn, túng thiếu, bất chấp họ là ai và sống ở đâu? Kể từ hôm nay, chúng ta nên làm điều gì để thay đổi ngay lập tức sự thiếu sót ấy.
Các bài đọc hôm nay nhằm kết thúc năm phụng vụ của Giáo Hội. trong số tất cả bài đọc của năm phụng vụ này ít bài nào chứa đựng một sứ điệp quan trọng hơn sứ điệp hôm nay. Sứ điệp này sở dĩ quan trọng đến thế là vì nó liên quan đến những gì chúng ta sẽ bị xét xử vào lúc cuối cuộc đời của chúng ta. Chúng ta sẽ bị xét xử về cách thức chúng ta đã phục vụ Đức Kitô nơi kẻ hèn mọn trong chúng ta như thế nào. Tôi xin kết thúc bằng vài hàng trích dẫn từ bài thơ của Brewer Matlocks như sau:
"Có cha xứ một dòng khổ tu nọ
thường leo cao trên nóc giáo đường
hầu gần Chúa hơn để mang lời Chúa
xuống đám dân trong xứ của ngài.
Ngày nọ bỗng ngài được nghe tiếng Chúa
Khi ngài kêu từ nóc giáo đường:
Chúa ở đâu Chúa hỡi, Chúa ở đâu?
Và Chúa đã đáp lời:
Xuống đi Ta ở giữa đám dân Ta đó"
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
51. Suy niệm của Lm Trần Khả
Trùm Sò làm chủ hàng chục nhà hàng nhưng keo kiệt vô cùng. Một hội từ thiện nọ gởi nhân viên đến bao nhiêu lần cũng đều vô ích. Bực quá nên ngày nọ, đích thân bà chủ tịch hội đến gặp hắn:
"Chúng tôi biết ông là một trong những thương gia thành công trong thành phố này. Ông đúng là một tấm gương sáng cho những người di dân. Tuy nhiên, từ trước đến nay tôi vẫn thắc mắc tại sao ông không chia sẻ dù chỉ 1 phần triệu những cái mà ông có cho những người nghèo khó khắp mọi nơi trên đất nước này."
"Thưa bà, bà có biết là tôi còn một mẹ già yếu đau liệt lào ở Việt Nam mà không ai chăm sóc không? Thế bà có biết tôi còn một người chị ở Việt Nam vừa bị mù lại bị câm điếc đang sống quằn quại vì chứng bệnh ung thư quái ác không? Bà có biết em tôi đi vượt biên bị công an bắn què giò, bị tịch thu hết nhà cửa, bị tán gia bại sản, nay đau mai yếu vì những năm tháng tù đầy cải tạo không?"
Nghe đến đấy thì bà chủ tịch vội đứng dậy: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi ông, chúng tôi nào có biết gia cảnh ông đau khổ đến thế. Lạy Chúa tôi, xin tha thứ cho tôi. Chúng tôi thật đã nghĩ không đúng về ông."
Trùm sò nói tiếp, "Mẹ! Mấy người đó mà tôi còn không cho một cắc huống hồ là cái hội cà chớn của các bà." (Trích trong: Truyện Cười Nhà Đạo).
Nguyên Tắc Xét Xử
Các bài đọc Chúa Nhật hôm nay nhắc nhở cho chúng ta biết Thiên Chúa là Mục Tử, là Vua, và là Thẩm Phán. Trong suốt chuyến hành trình của cuộc đời, Thiên Chúa là Mục Tử chăn dắt chúng ta. Ngài là Vua lãnh đạo, chiến thắng Satan, giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích nô lệ tội lỗi và lo cho chúng ta. Sau cùng Ngài sẽ là Thẩm Phán xét xử chúng ta và mọi người thuộc mọi dân tộc. Bài Phúc Âm nói rất rõ nguyên tắc Chúa Kitô dùng để xét xử và quyết định cho ai được vào Thiên Đàng và ai phải đi xuống hỏa ngục. Người được vào Thiên Đàng là người có tấm lòng từ tâm biết để ý thăm viếng, thông cảm, chăm lo và giúp đỡ cho những ai có nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Những công việc từ thiện bác ái, những cử chỉ và hành động giúp đỡ cho những người anh chị em thiếu thốn chính là bảo chứng cho chúng ta biết mình có thuộc về Nước Thiên Chúa hay không.
Có khi nào chúng tôi thấy Chúa đâu….? Cả những người lành đứng bên hữu cũng như những người bị loại đứng phía bên tả đều đã hỏi Đức Giêsu Kitô Vua cùng một câu hỏi như thế. Họ đã phục vụ Chúa Kitô hay không phục vụ Ngài mà không hay biết. Đức Ktiô đã cho họ biết rằng, những việc họ đã làm hay không làm cho những người gặp nỗi khốn khó là họ đã làm hay không làm cho chính Ngài. Ngài đã nhận những người nghèo, người yếu đau, người đói khát không cơm ăn không áo mặc, người bị giam cầm là chính Ngài. Chúa Kitô vẫn còn đang bước đi trên trái đất đội lốt những người nghèo, những con người thiếu thốn, đau khổ, bất hạnh, bị xã hội lên án bỏ tù, quên lãng và bỏ rơi. Chúng ta có nhận ra Ngài không?
Những Kitô Thời Đại
Chính chúng ta là những người bé nhỏ mà Chúa Giêsu nhận là chính Ngài vì hằng ngày chúng ta cũng có nhu cầu cần đến sự giúp đỡ, cảm thông của người khác. Những ân huệ chúng ta nhận được từ người khác thuộc về cả phương diện vật chất, tình cảm cũng như tinh thần. Nhu cầu của chúng ta có thể rất quan trọng hay không mấy quan trọng.
Sự giúp đỡ của người khác dành cho chúng ta có nhiều loại như khi chúng ta cần phải hỏi đường đi trong thành phố; khi chúng ta cần một lời chỉ dẫn, một lời an ủi, một nụ cười hay một cái nhìn thông cảm của người khác. Khi chúng ta lỡ đường và ghé vào nhà một người quen và được họ tiếp đãi cho cơm ăn cho chỗ nghỉ đêm. Khi chúng ta không may bị hư xe giữa đường và được người khác dừng lại giúp đỡ. Khi chúng ta đang đứng trước quầy trả tiền mà bị thiếu một đồng hay một vài xu mà được người khác cho vay cho mượn. Khi chúng ta đang thất nghiệp mà được bạn bè giới thiệu việc làm.
Chẳng kể sự giúp đỡ và nghĩa cử tử tế của người khác dành cho chúng ta nhỏ bé hay lớn lao, chúng ta luôn luôn cảm thấy vui sướng và biết ơn về lòng tốt và sự ân cần của họ dành cho chúng ta trong lúc thiếu thốn cùng quẫn. Lúc đó chính chúng ta là những Kitô nhỏ.
Cũng có những lúc chính chúng ta lại là những người thi ân. Chắc chắn không nhiều thì ít chúng ta cũng đã và sẽ còn tiếp tục có những nghĩa cử nhân ái với người khác. Gởi đi một cánh thư chia buồn với tang quyến người quá cố, tới bệnh viện thăm người đau yếu hay đến nhà dưỡng lão an ủi người già yếu, khuyến khích một người bạn đang có tâm sự buồn nản, trao cho người hành khất một vài đồng hay mua cho họ một chiếc bánh, giúp đỡ người lâm nạn hay trong hoàn cảnh khó khăn. Dành thời giờ để tiếp một người cần đến chúng ta. Tất cả đều là những việc bác ái sẽ được Thiên Chúa nhìn nhận.
Ở mọi thời đại, trong Giáo Hội Công Giáo, và trong các xứ đạo, việc săn sóc bệnh nhân, thăm nom người đau yếu, việc giúp đỡ những người nghèo, bênh vực cho những người bị áp bức, thăm hỏi những tù nhân vẫn luôn là những công tác mục vụ được ưu tiên để ý. Nhiều anh chị em chúng ta thường xuyên giúp đỡ người nghèo bên quê nhà. Và hiện nay hàng ngàn hàng triệu đôla đang được anh chị em chúng ta đóng góp để gởi về cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung. Chúng ta làm vì lòng nhân ái yêu thương, chứ không phải vì bất cứ một lý do nào khác. Người tin biết Chúa cũng làm và người không tin biết Chúa cũng làm. Tất cả đều được Chúa Kitô nhìn nhận là làm cho chính Ngài.
Tuy nhiên cũng có những lúc chúng ta thiếu thốn nhưng không được ai giúp đỡ; đau khổ mà không được ai an ủi; cô đơn mà không ai đoái hoài hỏi han; thất nghiệp mà chẳng ai thèm mướn... Và ngược lại cũng có những lần chính chúng ta vì ơ hờ hay bận rộn, vì lười biếng hay ích kỷ, chúng ta cũng đã quay đi trước những nhu cầu của người cần đến chúng ta. Hay khi một người nào đó trách mắng chúng ta là tại sao lại ích kỷ không chịu giúp đỡ họ thì chúng ta sẽ nói lại rằng, "Chẳng có luật nào bắt tôi phải cho anh hay phải giúp đỡ chị cả." Đúng thế! Chẳng có công an hay cảnh sát nào có quyền bắt chúng ta vì chúng ta đã không làm việc bác ái giúp đỡ người khác. Chẳng ai có quyền bắt lỗi chúng ta nếu chúng ta không giúp đỡ hay không làm việc từ thiện bác ái. Chỉ duy có Chúa Kitô mới có quyền trách và lên án chúng ta. Luật bác ái và thương yêu tha nhân là luật của Chính Chúa Kitô. Và Ngài dùng đó làm nguyên tắc để xét xử. Chỉ có Chúa Kitô mới làm chúng ta cảm thấy có lỗi khi nghe Ngài nói, "khi Ta đói ngươi đã không cho ăn; Ta khát các ngươi không cho uống. Ta là khách lạ các ngươi chẳng tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc. Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!"
Kitô giáo nhấn mạnh đến tinh thần yêu thương và xây dựng kiến tạo một xã hội yêu thương. Chúa Kitô nhắc cho chúng ta biết rằng đến cuối đời chúng ta sẽ bị xét xử trên căn bản lòng bác ái và những nghĩa cử yêu thương chăm sóc ân cần chúng ta thực hiện đối với những người bé mọn có nhu cầu cần trong cuộc sống. Sự hiện diện của Chúa Kitô được chứng thực khi chúng ta biết đưa tay ra để cứu giúp và ân cần chăm sóc chia sẻ với những người anh chị em thiếu thốn. Chúa Kitô quả quyết là điều gì chúng ta làm cho những người anh chị em này là chúng ta làm cho chính Ngài.
52. Chú giải của Noel Quesson
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.
Trong bài giảng lớn cuối cùng này của Đức Giêsu, người thợ mộc hèn mọn Nadarét sau cùng biểu lộ ý thức phi thường mà Người có về vai trò của mình. Ơ đây, chúng ta có sự khẳng định mạnh mẽ nhất về thiên tính của Đức Giêsu theo nghĩa chặt chẽ. Trong vài ngày nữa, Người sẽ bước vào cuộc khổ nạn (Mt 26,1-5) và trở thành "ông vua" bị nhạo báng, bị đội mão gai, bị giết chết như một người nô lệ tầm thường. Nhưng Người biết mình là ai. Một ngày kia Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét thế gian, là đặc quyền mà Cựu ước dành cho Giavê. Ở đây Đức Giêsu lấy lại tước hiệu Con Người mà Người đã sử dụng nhiều lần trong bài giảng về thời Thế Mạt (Cánh chung): Mt 24,3.27.30.37.39.44. Kể từ ngôn sứ Đanien (7,13), Con Người là nhân vật mầu nhiệm, có nguồn gốc từ trời, mà sách Khải Huyền Do Thái (Đặc biệt là sách Hê-nóc) mô tả như vị Thẩm Phán của thời Thế Mạt.
Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
Thỉnh thoảng chúng ta nên nghĩ đến "Ngày" này. Tôi sẽ được đưa về với ngày đó rất nhanh. Lúc đó mọi sự vật trần gian sẽ có một tỉ lệ mới: Lạy Chúa, xin Chúa ngay từ bây giờ giúp con phán đoán mọi sự việc theo quan điểm vĩnh cửu, để phân biệt cái gì là không đáng kể với cái gì là quan trọng. “Các dân thiên hạ..". Tôi cũng thế, tôi sẽ có mặt ở đó. Một đám đông to lớn chờ phán xét. Cũng có mặt ở đó tất cả những người mà tôi yêu thích, tất cả những người mà tôi biết, tất cả những người mà tôi có trách nhiệm.
Nhưng cũng có mặt mọi người khác: Do Thái và không Do Thái, Kitô hữu và không phải Kitô hữu, tín hữu và không tín hữu, Hồi giáo, Ấn giáo, người theo thuyết vật linh… những nhà thần bí suốt đời sống trong sự cầu nguyện, và những người vô thẩm mà cả đời không bao giờ cầu nguyện... tất cả đều đứng trước mặt Đức Giêsu! Người là vị Vua Mục tử, tước hiệu mà văn chương của các ngôn sứ cũng đã dùng để nói về Gia-vê (Ed 34,11-22).
Bấy giờ Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng:"Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho cắc ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa”.
Trong vài ngày nữa, Đức vua này, Con Thiên Chúa sẽ bị đóng đinh. Tuy nhiên Người ý thức được "ý định của Thiên Chúa từ thuở tạo thiên, lập địa!". Người nói Thiên Chúa đã tạo ra con người… để một ngày ban cho con người Nước của Người làm gia nghiệp. Nhưng sự phán xét dựa trên tiêu chuẩn nào? Trên quy tắc nào sự sàng lọc được thực hiện?
Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn Ta khát, các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các người đã thăm nom, Ta ngồi tù, các người đã đến thăm.
Vậy chúng ta được phán xét dựa trên và chỉ dựa trên tình yêu. Và dựa trên một tình yêu rất đơn giản: cho ăn, cho uống, tiếp đón, cho mặc, thăm viếng, săn sóc. Như thế, những cử chỉ yêu thương khiêm hạ và chân thật có một giá trị vô cùng, một giá trị vĩnh cửu. Vả lại danh sách những hành động yêu thương mà Đức Giêsu kể ra không hạn chế. Đó chỉ là những gương mà chúng ta có thể kéo dài ra tùy theo cuộc sống của mỗi người.
Con tôi khóc ban đêm, và tôi thức dậy để dỗ dành âu yếm nó. Bà mẹ già của tôi không thể ngồi dậy, và tôi đã đỡ bà ra khỏi giường để cho bà ngồi vào ghế bành. Những người láng giềng của chúng tôi thiếu thốn tình bạn họ cần và chúng tôi đem tình bạn đến với họ. Trong giáo xứ, linh mục cần các bậc phụ huynh phụ trách việc dạy giáo lý và tôi đã chấp nhận trách nhiệm này và nó chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Các đồng nghiệp của tôi cần được bảo vệ và tôi đã lãnh trách nhiệm về cộng đoàn và chính sách.
Thế giới thứ ba yêu cầu chúng ta giúp đỡ để phát triển, và tôi đã tham dự vào chiến dịch thế giới chống nghèo đói…Người phối ngẫu, con cái tôi, bạn bè tôi... đang cần những cử chỉ yêu thương của tôi... Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng:
"Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống, có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp đón hoặc trân truồng là cho mặc. Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu?"
Sự ngạc nhiên của những người "được cứu” là một trong những yếu tố gây kinh ngạc trong cảnh này. Theo Đức Giêsu không một ai trong số những người được Chúa Cha chúc phúc có vẻ nhận biết đích xác điều gì đã được diễn ra trong đời sống hàng ngày của họ: ý nghĩa sau cùng của các hành động họ làm chỉ được tiết lộ vào giờ sau hết.
Như thế, cuộc phán xét sau cùng này mà chúng ta tưởng tượng trong tương lai, còn rất xa trong thời gian, thực ra lại là một biến cố thường xuyên: Chính HÔM NAY là ngày phán xét? Thiên Chúa sẽ không cần phán xét con người, mà con người ta phán xét mình trong suốt cuộc đời.
Thiên Chúa chỉ cần tiết lộ điều đã được "che giấu” trong mỗi ngày mà họ đã sống. Đời sống vĩnh cửu đã được bắt đầu. Vậy điều gì đã được "che giấu” và không được nhận thức?
Để đáp lại Đức vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Điều được "tiết lộ vì thế chính là sự hiển diện khó tin được của Đức Giêsu! Khi toàn bộ lịch sử nhân loại sẽ hoàn tất, và để tóm thu toàn bộ lịch sử ấy, Đức Giêsu chỉ có thể nói về Người, như thể trong vô số người đàn ông và đàn bà, chỉ mình Người đã hiện hữu, bằng sự hiện diện vô số và ẩn giấu. 'Ta đói …Ta khát… Ta ngồi tù… Ta là khách lạ.. Ta đau ốm...". Như thế, cuộc quang lâm sau cùng, sáng chói trong vinh quang của Đức Giêsu từ trên các đám mây sẽ là bằng chứng cho một "sự đến" khác, bí mật và ẩn giấu nhưng thường xuyên, và xảy ra qua những hành động yêu thương. Một cách rõ ràng và hiển nhiên sự hiện diện huy hoàng của Đức Giêsu trong ngày Thế Mạt sẽ nói rằng Người không ngừng đến và không ngừng hiện diện trong mỗi người anh em đang cần đến chúng ta.
Lạy Chúa, xin giữ cho chúng con luôn canh thức cho đến giờ Chúa sẽ hiện ra.
Rồi Đức vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên ác quỷ và các sứ thần của nó".
Lạy Đức Giêsu, Đấng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, chính Chúa đã tuyên bố những lời đáng sợ như thế. Con lắng nghe và không thể trốn tránh trách nhiệm đã gạt bỏ những gì gây phiền nhiễu cho con trong Tin Mừng. Thật vậy Tin Mừng không phải là một thuyết duy tâm mơ hồ và nặng tình cảm, đó là lời kêu gọi của một yêu sách cực độ. Từ chối yêu thương... không giống như yêu thương? Không - tình yêu không thể có chỗ của nó bên cạnh Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta nhận thấy có một khía cạnh có tầm quan trọng tột bậc: Chúa Cha đã chuẩn bị thiên đàng cho người từ thuở tạo thiên lập địa... còn hỏa ngục không được chuẩn bị cho con người nhưng cho sa tan và các sứ thần của nó. Ơ đây chúng ta gặp lại nhân vật hắc ám mà ngay từ lúc đầu đã được giới thiệu như kẻ thù của Đức Giêsu (Mt 4,1), kẻ đã gieo cỏ lùng vào cánh đồng lúa mì (Mt 13,39), kẻ mà Đức Giêsu đã nhiều lần đi đầu để tiêu diệt (Mt 9,34; 12,24; 8,31; 15,22; 17,18). Tín điều về hỏa ngục không do Giáo Hội bày đặt ra. Chúng ta nghe từ chính miệng Đức Giêsu: “Quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt Ta…”
Tín điều về Hỏa ngục có nghĩa như sau: Thiên Chúa có đủ tình yêu cao cả để cho tạo vặt được tự do với sự tự do chân thật, kể cả tự do nói "không" với Thiên Chúa. Dĩ nhiên Thiên Chúa không muốn có Hỏa ngục. Và sự hiện diện dù của chỉ một người bị sa Hỏa ngục đối với chúng ta cũng là một cớ vấp ngã, đối với Thiên Chúa thì còn hơn thế nữa. Giữa Hỏa ngục “có thể" và Hỏa ngục thực, Thiên Chúa can thiệp với tất cả năng lực của Tình Yêu Của Người: chính ở chỗ đó, thập giá của Đức Giêsu được dựng lên Thiên Chúa đã làm tất cả để không một ai phải vào chỗ đó nội các tạo vật dứt khoát nói "không" với Thiên Chúa. "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ". "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người' tội lỗi" (Mt 9,13). "Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi" (Rm 5,9). "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu (1Tm 2,4). Hỏa ngục vì là sự khước từ tuyệt đối Tình yêu nên lúc nào cũng chỉ hiện hữu từ một phía... phía của người đã tạo ra hỏa ngục cho chính mình. Nhưng chính Thiên Chúa không thể có bất cứ sự cộng tác nào trong sự lệch lạc ấy. Chừng nào còn có dù chỉ một con người ở trong sự khước từ ấy thì có thể nói Thiên Chúa còn thấy mình bị đóng dấu sắt nung đỏ bởii sự từ chối ấy xúc phạm đến tình yêu vô hạn của Người và người ta đoán rằng dấu ấn này đã mang hình thể của thập giá?
Vì xưa Ta đói, các Ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom". Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ đâu?": Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các người không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy". Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.
Cả hai cảnh phán xét hoàn toàn giống nhau và đối nhau: điều mà những người này đã làm, những người khác bỏ không làm. Mọi con người dù là Kitô hữu hay không, dù biết hay không biết Đức Giêsu sẽ bị xét đoán trên cùng một tiêu chuẩn: không phải số lời cầu nguyện đã đọc, những hành động thờ phụng đã hoàn tất …những tình yêu cụ thể mà người ấy sẽ biểu lộ cho các anh em mình. Không làm điều xấu chưa đủ. Còn phải làm điều tốt. Mỗi con người ngay từ HÔM NAY được phán xét bằng điều tốt lành mà người ấy làm cho những người cần đến người ấy. Vậy ngày hôm nay, ai đang chờ đợi tôi một điều gì?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam