Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1379793

VUA LÒNG TIN

VUA LÒNG TIN- Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Khi nói đến một vị vua chúa nào dù đã chết hay còn đang tại vị, chúng ta nghĩ ngay đến quyền lực, đến giầu sang, đền đài, nghi lễ sang trọng, đền đời sống vương giả… Chúng ta thường chỉ nghĩ đến như thế thôi. Vì đã được nghe qua, hoặc đọc trong sách báo hay xem truyền hình về đời sống của họ. Nào mấy người có được cơ hội trải qua cuộc sống thực sự trong cung điện vua chúa. Và đời sống của vua chúa thường đồng nghĩa với đời sống xa dân. Thần dân có bổn phận kính trọng và nghe lời họ. Họ có quyền hành gần như tuyệt đối cai trị người dân.

Hình ảnh này về vua chúa không những chỉ đúng cho ngày xưa – cách đây chừng trên dưới nữa thế kỷ thôi như Nhật Hoàng, Nga Hoàng, vua xứ Brunei, vua xứ Thái Lan, vua xứ Chùa Tháp Campuchia… – nhưng phần nào cũng còn đúng cho các vị vua chúa trong xã hội cộng hòa dân chủ ngày hôm nay.

Người công giáo tuyên xưng: Chúng tôi cũng có một Vua, nhưng Vua của chúng tôi là Vua-lòng-tin! Vậy Vua-lòng-tin của chúng ta thì thế nào? Chúng ta có thể biết được chút nào về đời sống Vua-lòng-tin không? Vua-lòng-tin của chúng ta sống gần con người hay cũng xa dân như các bậc vua chúa khác?

Chúng ta hát ca ngợi Vua-lòng-tin như thế này: “Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Chúa. Nhưng lòng Chúa không bến bờ, tự hiến thân nơi bàn thờ!”

Như thế danh xưng Vua-lòng-tin của chúng ta là Giêsu. Vương quốc lâu đài của Vua-lòng-tin là tâm hồn con người. Vương quốc này không có biên giới bờ cõi và cũng không bị giới hạn vào một thời điểm nào. Nó trải rộng khắp nơi vào mọi thời gian. Nơi nào có người tuyên xưng niềm tin vào ngài là Con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng tội lỗi, nơi đó là vương quốc của ngài.

Còn cách thế cai trị của Vua-lòng-tin không dựa trên sức mạnh quyền lực, nhưng lấy tình yêu làm nền tảng. Chính vị vua này từng khẳng định: Thầy truyền cho chúng con giới luật mới, là các con thương yêu nhau (Gioan 13,34).

Và ngày sau cùng khi mọi người ra trước Vua để trả lời về đời sống việc làm của mình, ông không căn cứ vào thành tích đã đạt được, nhưng căn cứ vào tình yêu mà phân xử: Khi các con cứu giúp một người bé nhỏ lâm cảnh khốn cùng, đói rách, chính là các con làm cho ta. (Mátthêu 25,31-46)

Vị Vua này tự nhận: “Ta là người mục đồng tốt lành” (Gioan 10,11). Lời xác quyết này muốn nói lên: “Tôi quan tâm đến đời sống tâm hồn con người. Nỗi băn khoăn lo âu đè nặng tâm hồn họ, là băn khoăn của tôi. Tôi muốn giúp họ thoát khỏi gánh nặng này.”

Hình ảnh vị Vua mục đồng này nói lên lối sống của ông với thần dân: sống gần dân, cho dân và vì dân, như người mục đồng luôn đi sát đoàn vật chăm sóc chúng.

Ngai vàng của Ông là thánh giá gỗ, nơi ngài bị đóng đinh xử tử. Vương miện của ngài là vòng gai người ta chụp lên đầu khi bị điệu ra pháp trường.

Vua-lòng-tin của người công giáo đã bị xử tử đóng đinh trên thập giá, bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, nhưng ông đã được Thiên Chúa cho sống lại. Ông sống trong trong tâm hồn những người tin theo ông. Ông hiện diện nơi bàn thờ, khi những người tin theo Ông cử hành thánh lễ, cử hành các bí tích, khi họ họp nhau đọc kinh ca hát cầu nguyện nhân danh Ông.

Vua-lòng-tin của người tín hữu công giáo là Vua tình yêu.

CHÚA NHẬT XXXIv THƯỜNG NIÊN B-

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

CHÂN LÝ – Lm Giuse Trần Việt Hùng

Tiên tri Đaniel đã ngắm nhìn thị kiến về vương quốc vĩnh cửu. Vị Bô Lão ban cho Con Người quyền năng, vinh dự và vương quốc. Mọi dân tộc sẽ qui tụ về để phụng sự Ngài. Đây là thị kiến về ngày cánh chung. Không ai biết được ngày giờ kết cùng của thế giới. Khi chúng ta có mặt ở đời, mọi sự đã có đó và luôn chuyển động. Con người được thông dự sự sống với muôn loài và muôn vật. Con người là loài cao quí được Thiên Chúa ban cho có hồn có xác. Xác hồn kết hợp để hoàn thành sứ mệnh được trao ban.Chúng ta hiện hữu trên trần gian một khoảnh khắc thời gian rồi lại trở về cát bụi. Tuy cuộc đời của chúng ta ngắn ngủi phù du, thân xác sẽ tan biến nhưng linh hồn sẽ hiện hữu đến muôn đời. Mọi sinh hoạt trong cuộc lữ hành trần thế sẽ dẫn bước chúng ta về chung hưởng hạnh phúc bên Đấng quyền năng trong vương quốc của Ngài.

Sách Khải Huyền của thánh Gioan cũng diễn tả về hình ảnh của ngày cánh chung. Chúa Giêsu Kitô là thủ lãnh của các vua, Vua các vua và là Đấng yêu thương đã hiến mình rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Ngài là trưởng tử những kẻ đã an giấc, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: Ngài là Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Chúng ta đặt niềm tin vào những lời mạc khải của Con Thiên Chúa. Con người chúng ta bị giới hạn mọi mặt và tâm trí không hiểu thấu những sự cao siêu. Ngay trong vũ trụ vật chất hiện hữu chung quanh, con người cũng chỉ mới khám phá một chút ven bìa giới hạn của một số nhỏ hành tinh. Tâm trí và giác quan của con người đắm chìm thưởng ngắm vũ trụ bao la để nhận ra sự cao siêu vô lường của Tạo Hóa. Chúng ta chẳng biết đâu là bến bờ. Thánh Gioan đã diễn tả về sự vô thủy vô chung của vũ trụ qua Đấng Toàn Năng phán: Ta là Alpha và Ômêga, là nguyên thủy và cứu cánh (Kh 1, 8).

Kinh Thánh mạc khải giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của vũ trụ và sự sống. Với những suy tư tìm tòi của con người qua mọi thời đại, nhân loại vẫn còn lần mò trong đêm tối của vô minh. Những suy tư triết học, thần học và khoa học chỉ trả lời một cách rất khiêm tốn về sự hiện hữu của vũ trụ và muôn loài. Có nhiều giả thuyết tìm cách giải thích sự có mặt của vũ trụ theo thuyết Tiến hóa, Ngẫu nhiên hoặc Tự nhiên hình thành. Các khoa học không thể giải đáp một cách thỏa đáng cho những khao khát của tri thức con người muốn tìm hiểu về cội nguồn. Trí khôn của con người không vượt qua được biên giới của sự hiện hữu và chung cục. Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta về nguồn gốc và cứu cánh của vũ trụ và con người. Đây là một chân lý cao siêu mà Chúa Giêsu đã làm chứng.

Đứng trước tòa án của Philatô, Chúa Giêsu đã phát biểu một cách công khai: Tôi sinh ra và đến trong thế gian nầy là chỉ để làm chứng cho Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi (Ga 18, 37). Lời của Chúa Giêsu là thần trí và là sự sống. Ngài đến thế gian để làm chứng cho chân lý. Chân lý là sự thật. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Sự thật nằm trong tâm thiện. Lời sự thật là không quanh co, giả dối, lừa lọc, dối trá hay gian manh. Đôi khi nói sự thật thì mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc bất công. Chúa Giêsu nói rằng ai thuộc về chân lý thì nghe lời Ngài dạy. Chúng ta đã nhận lãnh Bí tích Rửa Tội để trở nên chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta thuộc về Chúa, như thế chúng ta cũng thuộc về chân lý. Thuộc về chân lý thì phải suy nghĩ sự thật, phát biểu sự thật và hành động trong sự thật.

Chúa Giêsu nhìn sự thật trong tận đáy tâm hồn mỗi người. Con người thì thích phô trương và xuất hiện bên ngoài để kéo chú ý của người khác. Giống như các mặt hàng cần quảng cáo ra thị trường, các tiếp viên đã tô điểm bên ngoài, làm đẹp, chào hàng hấp dẫn để kéo lôi khách hàng. Cũng giống như các chính trị gia đã không ngại dùng mọi thủ đọan để hứa hẹn, tô bóng và khuyến dụ các cử tri dồn phiếu. Giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thật có một khoảng cách xa. Có những người rất khôn khéo trong lời nói và thuyết phục đã kéo lôi được nhiều thành viên. Sự dối trá ẩn nấp trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần sống trung thực qua ý tưởng, lời nói và việc làm: Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5, 37). Nhớ điều răn thứ 8 là chớ làm chứng dối.

Có một số cụm từ tiếng Anh mà người nói dối hay dùng: Never, khi bị ai bắt gặp đang nhìn một cái gì không tốt và bị chất vấn, người đó liền chối ngay là không bao giờ. That man/woman’, dùng chữ đó để diễn tả một sự xa cách với người đó. ‘I would never do something like that’ tôi không bao giờ làm những việc như thế. Yes, ma’ma, nếu một người nào không có lý do, tự dưng nói mama với bạn, hãy cẩn thận. By the way, người nói dối dùng chữ này để người khác chú ý hơn tới điều họ sẽ nói sau. ‘I know you think I’m lying, but…Tôi biết bạn nghĩ rằng tôi đang nói dối, nhưng…Why would I do that?’What kind of person do you think I am? Tự bào chữa bằng cách hỏi tại sao tôi làm thế? Bạn nghĩ tôi là loại người nào? Người nói dối quanh qua, quẩn lại cũng chỉ là tránh né vấn đề nói sự thật.

Mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về cách đối xử trong thế thái nhân tình. Người đời nói: Một sự bất tín vạn sự không tin. Trong dụ ngôn những yến bạc rút ra cho chúng ta một bài học về sự tín trung và chân thật: Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh (Mt 25, 23). Sự chân thành là một đức tính tốt cần tu luyện mỗi ngày. Người ta nói rằng khôn ba năm dại một giờ, đôi khi vì sự sa ngã bất trung dại dột trong chốc lát mà mất cả chì lẫn chài. Đặc biệt trong đời sống gia đình, vợ chồng cần trung tín và thành thật với nhau trong mối tương giao. Chúng ta biết rằng mọi việc làm dối trá trong bóng tối rồi cũng sẽ có ngày được phơi bày ra ánh sáng.

Mang danh là Kitô hữu, chúng ta là nhân chứng cho sự thật. Sự thật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngôi Ba Thiên Chúa là Thần Chân Lý. Chúa Giêsu đã hứa cùng các môn đệ: Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26). Sự thật thì rất đơn sơ, rõ ràng, trong sáng và có tính thuyết phục. Sự thật không cần đối chất. Ai ở trong Chúa thì yêu mến sự thật. Sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi những phiền muộn và lo lắng. Sống sự thật là sống trong an lạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể tìm kiếm chân lý qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô: Ai thuộc về Chân lý thì nghe tôi. Đáp lời hỏi của Philatô: Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giêsu đáp: “Quan nói đúng: Tôi là Vua (Ga 18, 37). Chúa Giêsu chính là Vua vũ trụ, Vua muôn vua.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến để khai mở tâm trí chúng con, để chúng con biết suy tưởng sự thật, loan truyền sự thật và sống sự thật. Xin cho chúng con tìm đến sự thật tuyệt đối nơi thập giá Chúa Kitô. Từ thánh giá Chúa, chúng con sẽ được múc tận nguồn ơn tha thứ và lòng thương xót.

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN B-

LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

VUA KHIÊM NHƯỜNG VÀ PHỤC VỤ- Lm. Phêrô Lê Văn Chính

Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm vương quyền của vị Vua vũ trụ, được biểu lộ hàm ẩn nơi khuôn mặt Đức Giêsu Nazarét chịu xét xử trước mặt tòa án Philatô và đóng đinh vào thập giá, nhưng rồi sẽ được biểu lộ cách quyết định sau này trong vinh quang vĩnh cửu vào cuối thời gian của lịch sử nhân loại và vào lúc kết thúc mọi vương quốc trần gian.

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Đaniel chương 7, nói về một giấc mơ của tiên tri Đaniel. Ông được nhìn thấy một Con người đến trong đám mây trước vị Bô Lão và lãnh nhận từ vị Bô lão này quyền năng và vương quyền trên mọi dân tộc và ngôn ngữ. Từ mà tiên tri dùng là “Con người” cũng sẽ là từ mà Chúa Giêsu sẽ dùng nhiều lần để ám chỉ chính người, tức là Con Thiên Chúa vĩnh cửu, nhưng được sinh hạ như một con người ở trần gian để rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người. Từ này xuất hiện lần đầu tiên trong sách tiên tri Đaniel, và “Con người” mầu nhiệm này được mô tả là đến trong đám mây trên trời. Người vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Người là Con Thiên Chúa nên đến trong mây trời và được ban cho mọi quyền năng vinh dự và vương quốc đến muôn ngàn đời và vương quốc của người sẽ không bao giờ qua đi.

Vương quyền của Chúa Giêsu đã là điều mà các tác giả Tin mừng cũng như thánh Phaolô đã nói tới và cố gắng để chứng minh. Vương quyền của Người cũng đồng thời là vương quyền của Đấng cứu thế, bởi vì những người do thái vốn tin vào lời loan báo của các tiên tri là Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện từ dòng dõi vua Đavít một Đấng cứu thế sẽ giải thoát và cứu độ họ, và Người sẽ là Vua trên các vua. Giờ đây, với việc Chúa Giêsu Nazarét hiện diện, những người do thái không thể đón nhận người như là Đấng cứu thế và là vua của họ, bởi vì Đức Giêsu không hành xử như một nhà vua hay đấng cứu độ trần gian lãnh đạo dân tộc họ để chiến đấu chống quân thù hoặc xâm chiếm các nước hay để xây dựng một vương quốc trần gian hùng mạnh.

Sách Khải huyền mô tả thời cuối cùng của lịch sử khi Đức Giêsu, con người lại đến trong vinh quang, lúc mà các vương quốc trần gian kết thúc. Sách Khải huyền vang vọng lại thị kiến của tiên tri Đaniel, với hình ảnh Chúa Kitô đến trong đám mây. Người là Đấng đã tạo dựng mọi sự bởi Lời quyền năng của người, giờ đây người cũng sẽ kết thúc mọi sự bởi vì Người là nguyên thủy và cùng đích mọi sự. Nhưng sự kết thúc lịch sử nhân loại cũng là lúc biểu lộ Vương quyền của người, khi mà người sẽ ban tặng sự sống vĩnh cửu cho những kẻ thuộc về người mà người đã đổ máu cứu độ và tẩy sạch mọi tội lỗi của họ. Bài Tin mừng theo thánh Gioan sẽ tường thuật cụ thể việc Đức Giêsu bị xét xử trước tòa án của Philatô, một hình ảnh tượng trưng tiêu biểu của quyền lực trần gian đối diện với Nước Thiên Chúa và vị vua trời vĩnh cửu. Đức Giêsu bị tố cáo là đã xưng mình là vua và Philatô chất vấn xem người có xác nhận những gì mà người do thái tố cáo chăng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Philatô và giải thích cho ông về Nước của người, một nước không thuộc về trần gian và không giống như những nước trần gian. Đồng thời Chúa Giêsu còn khẳng định cho Phaolô rằng bất cứ ai nghe lời của người và đón nhận chân lý của người thì thuộc về nước của người: “Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi”. Quả thực, cuộc đối thoại này cho thấy hai thế giới thực là khác biệt. Thế giới của Philatô và của các thượng tế do thái là thế giới của quyền lực, gian dối, trong khi đó thế giới của Chúa Giêsu là thế giới của chân lý, của tình yêu và sự sống. Quả thực, Đức Giêsu là Vua, nhưng là vua của một vương quốc sự thật, không giống như những vương quốc trần gian, và những gì mà Người muốn ban tặng là vương quốc sự thật này để cho mọi người được chia sẻ hạnh phúc và sự sống của người. Một cách cụ thể, Philatô thực là ngạc nhiên, vì trước mặt ông một người bị bắt, bị tra tấn, không có sức mạnh nào để nương tựa và tự vệ lại có thể làm vua được sao. Ông còn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe nói đến vương quốc chân lý, một điều mà Philatô khó có thể tưởng tượng, bởi vì một con người không có gì để tự bảo vệ mạng sống mình trong lúc này khi mà những người khác tố cáo mình bằng bạo lực thì những lời nói của ông phải chăng là hoang tưởng. Philatô thực là bối rối và không muốn bị ràng buộc vào một vụ án mà ông không muốn chịu trách nhiệm.

Nước của Chúa Giêsu không định vị ở một nơi nào trong thế gian, nhưng lại là một vương quốc chân thật và vững bền hơn hết và dành cho những ai đã bắt đầu tin vào Người, đón nhận Lời của người và thực hành những chân lý Tin mừng mà người rao giảng. Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội nhắc nhở cho chúng ta thời gian thuộc về Chúa, và thời gian có ý nghĩa vì đó là thời gian được ban tặng cho chúng ta để với hành trình của cuộc đời qua mọi năm tháng, chúng ta càng ngày càng được biến đổi nhiều hơn nhờ ân sủng của Chúa Giêsu ban tặng. Các bài đọc đều mời gọi chúng ta đón nhận vương quyền của Chúa Giêsu để thuộc về vương quốc của người. Bài đọc sách Khải huyền khẳng định tất cả mọi người là những kẻ tin vào Chúa Giêsu thì đều được thuộc về Người và vương quốc của người bởi vì Người yêu thương chúng ta và dùng máu người mà rửa sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi và làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế của Thiên Chúa, Cha của người. Và lời khẳng định của Chúa Giêsu trước tòa án Phaolô còn mời gọi hơn nữa tất cả mọi người không trừ ai, để được mời gọi đó nhận vương quyền của người: “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”. Chúng ta được mời gọi, qua mọi thăng trầm và vui buồn của cuộc đời, khi đau khổ hoặc thất bại, luôn tin tưởng vào vương quyền của Chúa Giêsu, và cùng với người chúng ta chiến thắng tội lỗi và sự chết bằng đời sống mới đầy tràn quyền năng Thánh Thần của người.

home Mục lục Lưu trữ