Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 40
Tổng truy cập: 1378580
VUI LÒNG VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚA
(Trích trong 'Suy Niệm Lời Chúa' – Radio Veritas Asia)
Với Lễ Lá hôm nay, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: "Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này".
Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa. Trước tiên Chúa nhật lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẫn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
Ý hướng thứ hai của lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: "Hoan hô chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời". Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, "Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái". Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên thập giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng tôi". Vậy Chúa nhật lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.
Với ý nghĩa thứ ba, Chúa nhật lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.
Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Đó là niềm hy vọng của chúng ta.
Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi", chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.
9. Bài Giảng của ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc
(Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá năm 2005 cho Giới Trẻ).
Cha phải nói với chúng con những gì trong thánh lễ chiều nay? Cha đã cầu nguyện rất nhiều, và Chúa đã dạy cha.
Chiều nay, cha mời gọi chúng con cùng với cha, chúng ta hãy quyết tâm thực hiện điều quan trọng nhất đối với cuộc sống kitô hữu của chúng ta: hãy chọn Chúa Giêsu giữa nhiều đối tượng, dù Chúa Giêsu chịu đóng đinh, dù Người chịu treo trên thập giá, Người bị bỏ rơi, dù Người bị sỉ nhục, và bị giết chết...
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị sỉ nhục ngày hôm nay; Chúa Giêsu vẫn tiếp tục bị bôi tro trét trấu trên gương mặt đẫm máu của Người. Chúa Giêsu vẫn không ngừng bị bôi nhọ cho đến ngày tận thế, bấy giờ không ai có thể bôi nhọ Người nữa, vì Người trở lại trong vinh quang để phán xét mọi người.
Chúng ta chọn lựa Chúa Giêsu, dù có những tiếng kêu mời khác: tiếng kêu mời của hưởng thụ và tiện nghi, của lợi nhuận và tiền bạc, tiếng mời gọi của danh vọng và địa vị, của các loại tình cảm và đam mê. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và đã cắt đặt các con để các con đi và sinh nhiều hoa trái và hoa trái các con tồn tại (Ga 15, 16).
Khi nói như thế, Chúa Giêsu cố ý dạy chúng ta rằng: chính tình yêu của Người đi bước trước: Chúa Giêsu yêu chúng ta trước, chứ không phải chúng ta yêu Người trước. Như lời kinh Tin Kính: vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Người đã chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta. Người đã chết vì tội lỗi chúng ta như lời Kinh Thánh và như lời thánh Phaolô, Người đã sống lại cho chúng ta được nên công chính, được cứu độ, được chia sẻ Thần Khí Phục Sinh của Người, thông phần sự sống thần linh của Người...
Khi nói với các môn đệ không phải các con đã chọn Thầy, Chúa Giêsu không cố ý nói rằng các con đừng chọn Thầy, đừng theo Thầy. Trái lại Người luôn mời gọi hãy theo Thầy, hãy từ bỏ mọi sự vác thập giá mà theo Thầy. Và đã có biết bao nhiêu người trẻ bỏ mọi sự mà theo Người.
Đứng trước những khó khăn, Chúa Giêsu còn cho thấy rõ ràng là phải chọn lựa, như trường hợp có nhiều người bỏ Chúa Giêsu, nhiều môn đệ nói với Người: lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã hỏi nhóm Mười Hai: "các con cũng muốn bỏ đi hay sao?" Và ông Simon Phêrô đã nhanh nhẩu đáp thay cho nhóm Mười Hai: "Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Chỉ có Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6, 67-69).
Các con sẽ nói với Chúa Giêsu như thánh Phêrô: Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con theo ai? Chỉ theo Thầy, chúng con mới có những lời ban sự sống đời đời. Các con chọn Chúa Giêsu; Các con có biết rằng chọn Chúa là chọn lời của Người, chọn Tin Mừng của Người không? Lời của Người vẫn còn chướng tai đối với nhiều người hôm nay. Giáo huấn của Người, dù rất tiến bộ vẫn bị coi là bảo thủ đó! Muốn vâng nghe lời Người, đôi lúc các con phải lội ngược dòng sông!
Theo bài tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hôm nay, đám đông người Do Thái đã bị xúi giục chọn lựa Barraba, và họ đã chọn ông. Còn Chúa Giêsu, thì họ để cho bị lôi đi đánh đòn, và giết chết. Các con có dám nói ngược lại với đám đông không? Các con có dám chọn Chúa Giêsu, khi nhiều mãnh lực thế gian tìm cách loại bỏ Người? Các con có sợ mình lỗi thời khi chọn Chúa Giêsu không? Có nhiều người, vì sợ lỗi thời mà đã bỏ Chúa. Nhưng tất cả những ai đã bỏ Chúa rồi sẽ thất vọng, vì thế gian này qua đi, chỉ có Chúa mới tồn tại. Chỉ có Chúa mới là Tương Lai đích thực của loài người.
10. Giờ chiến thắng vinh quang – Lm Ignatio Trần Ngà
Đức Giêsu gọi giờ tử nạn là giờ Ngài được tôn vinh, được vinh quang.
Vinh quang ở đâu mà chỉ thấy bị bắt bớ, xét xử, bị vu cáo đủ điều, rồi bị kết án, bị đòn vọt, đinh sắt, lưỡi đồng, gai nhọn và cuối cùng là cái chết thảm thương trên thập giá.
Nhìn lên thập giá, người ta chỉ thấy ô nhục và đau thương, thất bại cay đắng! Vậy vinh quang của Chúa Giêsu ở đâu? Vì sao Ngài gọi đây là giờ Ngài được tôn vinh? Nghe có vẻ ngược đời.
Đối với người không suy xét, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại, một thất bại rất chua chát đắng cay; nhưng suy cho kỹ, cái chết đó là một chiến thắng oanh liệt vô cùng.
Đây là chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung vô bờ bến. Đối diện với cuộc kết án bất công, đối diện với đám đông cuồng nộ đòi đóng đinh Ngài, đứng trước những vị lãnh đạo tôn giáo muốn diệt mình cho bằng được, đứng trước những kẻ chế giễu nhạo cười với bao lời thách thức, đứng trước đội quân hành quyết hung dữ bạo tàn... Chúa Giêsu vẫn không mảy may oán hận! Ngài chiến thắng sự hận thù lẽ ra phải có bằng lòng bao dung vô bờ bến. Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy thương xót, vẫn yêu thương họ bằng trái tim nhân hậu... Rồi Ngài sợ Chúa Cha đánh phạt họ vì tội lỗi ngất trời của họ, nên trước khi nhắm mắt tắt hơi, Ngài tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ gây đau khổ và kết án tử cho Ngài. "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm".
Đây là sự chiến thắng tính khiếp nhược, chiến thắng lòng tham sinh uý tử bằng một sự dũng cảm rất cao cường. Là người ai không sợ chết. Chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua những giờ phút kinh hoàng trước viễn ảnh cái chết đau thương sắp đến khi cầu nguyện trong vườn Dầu, thế nhưng Ngài không bị khuất phục bởi cái chết. Ngài đã đứng dậy để dũng cảm đương đầu với nó. Ngài đã chấp nhận chết cách can trường và đã huỷ diệt sự chết để hồi sinh.
Đây là chiến thắng trên sự đau đớn thể xác và đau khổ trong tinh thần. Là người ai cũng sợ khổ, sợ đau. Ai cũng tìm cách lánh thoát khổ đau. Nhưng Chúa Giêsu đã đón nhận những cực hình đau thương khủng khiếp một cách can đảm phi thường. Qua thập giá, Ngài đã hoàn toàn chiến thắng nỗi sợ hãi đau đớn của kiếp người.
Qua cách thức Ngài đương đầu với cuộc khổ nạn, ta thấy không một thách thức nào làm cho Ngài nao núng; không một đau khổ nào làm cho Ngài khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Ngài nổi giận hay mất bình an; không một khó khăn nào làm cho Ngài lùi bước... Cả cái chết cũng không làm Ngài khiếp sợ mà thoái thác sứ mạng Chúa Cha trao cho Ngài. Ngài thắng được bản năng tham sinh úy tử; Ngài chiến thắng bản năng sợ khổ, sợ khó, sợ đớn đau; Ngài thắng được bản năng muốn được an toàn, muốn được sung sướng hạnh phúc; Ngài thắng được lòng thù hận lẽ ra phải có khi người ta bị sỉ nhục và đối xử tàn ác và rất dã man... Trong cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu chiến thắng hoàn toàn bản thân mình, vượt qua mọi thách thức từ mọi phía để hoàn thành mỹ mãn sứ mạng Chúa Cha đã trao ban.
Chiến thắng cả thiên hạ không bằng chiến thắng chính bản thân mình. Chúa Giêsu đã thực sự chiến thắng bản thân mình, hoàn toàn làm chủ con người mình, bắt thân xác phải vâng phục tinh thần như chiên ngoan. Đó là chiến thắng vĩ đại nhất không còn chiến thắng nào lớn lao hơn.
Lạy Chúa Giêsu Ki-tô, Ngài vô cùng dũng cảm và hùng mạnh nên đã chiến thắng tử thần và đẩy lùi mọi cuộc tấn công của nó, xin nâng đỡ chúng con là những kẻ yếu hèn bạc nhược, đừng để chúng con chào thua trước tội lỗi cách dễ dàng mà phản bội lại tình yêu cao vời của Chúa.
11. Giờ cứu độ – Lm Jos. Trần Ngà
Cuộc đời Chúa Giêsu dường như luôn chuẩn bị cho Giờ của Thiên Chúa. Giờ cứu độ. Giờ mà chính Chúa sẽ hiến mình làm của lễ dâng mình cho Chúa Cha và để cứu độ trần gian. Chúa đã từng nói "chính vì Giờ này mà Ta đến trong thế gian". Và cuộc đời của Chúa Giêsu dường như lúc nào cũng có bóng thập giá. Thập giá đã thấp thoáng ngay từ ngày Chúa sinh ra. Hêrôđê đã kết án tử cho Chúa. Trong suốt ba năm rao giảng tin mừng, bóng thập giá luôn lấp ló trên mọi hành trình Chúa đi qua.
Nét đẹp nơi Chúa Giêsu khi phải đối diện với Giờ cứu độ chính là thái độ cương quyết dấn thân của Chúa Giêsu. Ngài không chùn bước. Ngài không sờn lòng. Ngài vẫn mạnh dạn tiến về phía trước. Ngài đã từng nhiều lần mời gọi các môn đệ: "nào chúng ta cùng lên Giêrusalem". Ngài biết rằng ở đó có thập giá, có khó khăn, có đau khổ đến với Ngài. Nhưng Ngài vẫn tiến bước, vì đó là sứ vụ của Ngài. Đó cũng là điều đẹp lòng Chúa Cha. Dầu trên hành trình này, Ngài đã tiến bước trong cô đơn. Dầu chẳng ai đủ can đảm theo Ngài, nhưng Chúa Giêsu vẫn phải uống chén đắng để vui lòng Chúa Cha.
Trong tin mừng hôm nay, thánh Luca đã miêu tả Chúa Giêsu thật sự cô đơn trong 12 giờ cuối cùng của cuộc đời. Các môn đệ ngủ vùi trong vườn cây Dầu và bỏ chạy khi đối diện với gian nguy. Các thành viên của thượng hội đồng Do Thái chống đối, âm mưu làm hại, môn đệ Giuđa phản bội, và cố gắng của Phêrô đã cố đi cho tới bên trong dinh thượng tế, nhưng đáng tiếc, ông không bênh vực Thầy mà đã chối bỏ Thầy mình, không chỉ một lần mà là 3 lần, dù rằng ông đã được nhắc trước về những gì sẽ đến với ông. "Ngay trong đêm nay khi gà chưa kịp gáy con đã chối Thầy 3 lần".
Nhưng vượt lên trên sự bỏ rơi của các môn đệ, sự cô lập của các thế lực thù địch đó là thái độ bình thản của Chúa Giêsu trước các biến cố. Ngài hoàn toàn tự do để có thể lẩn tránh hay đón nhận. Ngài có thể khước từ chén đắng, nhưng Ngài đã đón nhận trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha. Tuy nhiên khi giờ đã đến, Ngài vẫn cảm thấy hãi hùng, xao xuyến. Ngài sợ hãi, vì viễn tượng chết vẫn vượt qúa những dự phóng của con người nên Ngài đã phải cầu nguyện. Cầu nguyện trong cô đơn, sợ hãi đến nỗi mồ hôi máu bịn rịn nơi thân thể Ngài. Qua đây ta thấy rõ hơn nhân tính của Ngài. Vì con người là yếu tố bất định trong lịch sử. Do đó Chúa Giêsu cũng không thể biết được ngày mai ra sao. Dòng đời sẽ xô đẩy Ngài đi đến đâu. Thực vậy, nếu Ngài biết thì không còn là con người nữa. Tất cả những gì đang diễn ra, Ngài đều phải cầu nguyện để tìm hiểu thánh ý Chúa Cha. Đây quả là giờ của đau khổ, giờ của hãi hùng, giờ bị mọi người khước từ. Đây quả là chén đắng của cuộc đời. Chén chua chát bị ruồng bỏ, của nhạo báng, của cái chết, đến nỗi Ngài đã nại đến quyền năng vô biên của Cha: "Cha có thể làm mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng khi hiểu được đâu là thiên ý Ngài lại tiếp tục bình thản "xin đừng theo ý con, một xin vâng ý Cha".
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những bóng tối của lòng người, khi chúng ta nuôi dưỡng hận thù, tìm cách hãm hại anh em. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện bị trù dập và cô lập giữa xã hội mà công bình bác ái đã không còn công minh. Đồng tiền và quyền lực đã làm cán cân công lý bị bẻ gẫy. Người công chính, kẻ lương thiện vẫn là nạn nhân của bất công, gian dối và tham lam. Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nỗi chà đạp lương tri và nhân phẩm của bản thân và đồng loại. Con người ngày nay vẫn nhân danh hạnh phúc của riêng mình để kết án tử hình người khác, nhất là các thai nhi vô tội. Biết bao cha mẹ đã viện ra nhiều lý do để loại trừ những đứa con trong lòng mình một cách dửng dưng đáng sợ. Con người chỉ vì lòng tham, chỉ vì tính ghen tỵ, chỉ vì thói kiêu căng giả hình vẫn đang tìm cách làm hại cuộc đời của nhau. Bao lâu chúng ta còn nuôi dưỡng những ý đồ bất chính, những thủ đoạn gian tham, những ích kỷ nho nhen là bấy lâu vẫn còn đó những con người lương thiện bị đe doạ, bị hành hạ và loại trừ. Và như thế, Đức Kitô vẫn lại phải chịu những bản án bất công mà con người dành cho Chúa. Đức Kitô vẫn tiếp tục bị cô đơn và khước từ giữa dòng đời này.
Hôm nay ngày khởi đầu tuần thương khó, mỗi người chúng ta hãy rà xét lại lối sống của mình để ăn năn thống hối về lời nói việc làm của mình, dù là vô tình hay hữu ý đã và đang gây đau khổ cho người khác. Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết vì tội lỗi chúng ta ban ơn tha thứ và giúp chúng ta chỉnh sửa lại lối sống của mình cho xứng với lòng ăn năn sám hối. Amen.
12. Chiến thắng của tình yêu - McCarthy
Suy Niệm 1. NỖI ĐAU CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CỦA CHÚNG TA
Một buổi tối, một người đi làm bằng xe tháng ở Luân Đôn vội vã trở về nhà. Khi nhìn thấy Vương Cung Thánh Đường Wesminter, tự nhiên anh ta được lôi kéo đi vào trong đó. Anh không thể giải thích được nguyên nhân tại sao, bởi vì anh đã bỏ đạo từ lâu. Vừa bước vào toà nhà, anh hoảng hốt khi nhận thấy cây thánh giá treo từ trên mái vòm. Anh sửng sốt khi nhìn vào người đàn ông ở trên thánh giá, bị tra tấn, bỏ rơi, và đã chết. Anh đã từng nhìn thấy những bức hình khủng khiếp của những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị giết chết ở Bosnia, họ cũng đã bị bỏ rơi. Ở những nơi khác, anh đã được xem bức hình của những người dân bị đói lả, hốc hác, với từng đàn ruồi bò trên mặt họ, với những đôi mắt nhìn trừng trừng, không còn chờ đợi sự giúp đỡ nào nữa, mà chỉ còn chờ đợi cái chết.
Người đàn ông này ngồi xuống và nhìn chằm chằm vào cây thánh giá trong một lúc. Dần dần, ý nghĩa nội tại của cây thánh giá đã tự mặc khải cho anh ta. Qua nhân vật bị tra tấn và đã chết trên cây thánh giá, anh bắt đầu nhận ra được sự chịu đựng nỗi đau đớn về tâm lý và thể lý của một bà mẹ đang than khóc cái chết của những đứa con trai bà ở Bosnia, của một đứa trẻ đang đói lả ở Châu Phi, của những ông bố bà mẹ đau khổ vì đứa con thân yêu của họ bị chết vì tai nạn. Dường như tất cả nỗi đau của nhân loại đều tập họp ở đây, và đã được người đàn ông trên cây thánh giá biến thành của mình.
Thế rồi anh ta nhìn ra xung quanh, và thấy những người đàn ông và phụ nữ đang im lặng cầu nguyện. Dường như họ chứa đựng một điều bí mật quý giá nào đó. Trong Vương Cung Thánh Đường này, họ cảm thấy thoải mái với chính mình như ở trong nhà. Thế rồi anh nhìn thấy một bà cụ già tiến lại gần một cây thánh giá được đặt gần gian cung thánh. Lúc hôn xong những vết thương của Đức Kitô, bà cụ quay trở ra, sau khi đã được khích lệ và an ủi nhờ tình yêu vĩ đại đó.
Trong lúc quan sát, dường như tâm trí và cõi lòng của anh được nâng lên cao, để đưa vào một thực tại khác. Lần đầu tiên trong cuộc đời, anh biết cầu nguyện. Cây thánh giá không nói nhiều về cái chết, cho bằng ca ngợi tình yêu thương, sự sống và niềm hy vọng. Cây thánh giá của sự khủng khiếp đã trở thành cây thánh giá của niềm hy vọng, thân thể bị tra tấn trở thành thân thể của sự sống mới, những vết thương rộng toang hoác trở thành nguồn gốc của ơn tha thứ, chữa lành và hoà giải. Cuối cùng, khi anh rời khỏi ngôi thánh đường, và hoà mình vào dòng xe cộ đang lưu thông buổi tối, anh cảm thấy được bình an với chính mình và với thế giới.
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu không phải là một vở kịch, mà có thật, và được Người tự do chọn lựa. Người đã phải chịu đựng nỗi đau bị các bạn hữu của mình bỏ rơi. Người đã phải chịu đựng nỗi đau bị Giuđa –một người trong số họ phản bội. Người đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi và cơn hấp hối trong vườn cây dầu, và Người không hề được một ai nâng đỡ trong suốt cơn hấp hối của Người.
Người là đối tượng của một hàng rào gồm những lời tố cáo gian ác. Người đã phải chịu đựng những lời xỉ vả, những trận đòn, khạc nhổ, chế nhạo, những trận đòn roi, mạo gai và những cây đinh xuyên thấu da thịt. Người đã phải chịu đựng nỗi ô nhục vì bị kết án đến chết, giống như một tên tội phạm. Khi sắp chết, Người vẫn còn phải chịu đựng thêm những lời chế nhạo, xỉ vả, và giễu cợt. Ai có thể thăm dò được hết chiều sâu của những điều mà Người đã phải chịu đựng?
Chúng ta có thể tìm được sự bình an, bằng cách liên kết nỗi đau khổ của Đức Giêsu. Không có nỗi cô đơn, đói khát, bị áp bức, khai thác, tra tấn, tù tội, bạo lực hoặc đe doạ nào mà Đức Giêsu đã không phải chịu đựng. Bởi vì Thiên Chúa đã trở thành Emmanuen, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, trong và thông qua Đức Giêsu, nên không một người nào có thể phải hoàn toàn bị cô độc trong nỗi đau khổ của mình.
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu đem lại lòng can đảm, sức mạnh và niềm hy vọng cho tất cả những người đau khổ. Điều này có nghĩa là chúng ta không còn cô độc nữa.
Suy Niệm 2. LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ
Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá, các môn đệ của Đức Giêsu đã hoàn toàn nhận ra được lòng tin của họ nơi Người và lòng trung thành đối với Người. Điều làm cho việc bày tỏ sự ủng hộ của họ càng trở nên đáng khen hơn, đó là vì hành động này được thực hiện trong sự nghiến răng cay đắng chống đối của người Pharisêu. Khi một số người Pharisêu đến phản đối Đức Giêsu, Người phán rằng: "Họ mà làm thinh, thì chính những viên sỏi đá cũng sẽ kêu lên".
Có những cơ hội đòi hỏi một sự minh chứng công khai. Đây là một trong những trường hợp này. Đây là trường hợp duy nhất, mà Đức Giêsu chấp nhận một điều gì đó tương tự cảnh được dân chúng sùng bái như một vị anh hùng. Người biết rằng các môn đệ của Người có quyền và có nhu cầu được công khai diễn tả lòng tin của họ nơi Người. Nhưng người ta lại nghi ngờ về lời cam kết của các môn đệ. Không phải là người ta nghi ngờ về sự chân thành của họ, nhưng đó là một sự đáp ứng của công chúng, và khi dân chúng hùa theo như vậy, thì thường có tính cách ồn ào hơn là có chiều sâu.
Thật dễ dàng trong việc làm chứng cho Đức Giêsu ở nơi đây, trong nhà thờ. Chúng ta đang ở giữa những người cùng vây cánh với chúng ta. Nhưng không phải là chuyện dễ dàng, để làm chứng cho Người trong một thế giới hững hờ và đôi khi còn thù địch nữa.
Có những lúc chúng ta cần phải tuyên xưng lòng tin của mình nơi Đức Giêsu một cách công khai. Và có những khi hoàn cảnh đòi buộc chúng ta phải làm như vậy.
Những viên đá sẽ không biết nói ra. Chỉ có con người mới có thể làm được điều đó. Chúng ta đừng nên giữ im lặng nữa, khi có một tiếng kêu đòi hỏi chúng ta phải nói ra: lời nói ủng hộ, để bảo vệ một người nào đó, mà sự đóng góp của họ đang bị quên lãng; hoặc lời nói lên sự thật, ở nơi nào mà người ta cố tình nói dối. Nhưng nói ra không phải là điều dễ dàng. Giữ im lặng thì dễ dàng hơn và an toàn hơn nhiều.
Như vậy, chúng ta hãy cẩn thận, trong khi tuyên xưng lòng tin của mình vào Đức Kitô ở nơi đây, trong nhà thờ, sao cho chúng ta không phớt lờ hoặc chối từ Người tại nơi công cộng. Đức Giêsu nói với chúng ta "Bất cứ kẻ nào tuyên xưng về Ta trước mặt những người khác, thì Ta cũng sẽ nhìn nhận người đó trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời".
Chúng ta có thể rút ra được nguồn cảm hứng từ các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Trong Tin Mừng, họ được biết đến như là những người không e ngại trong việc thừa nhận những hoài nghi, nhu cầu và sự thiếu lòng tin của mình. Tuy nhiên, trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá đầu tiên, họ đã mạnh mẽ và gan dạ trong việc làm chứng cho Đức Giêsu.
Xin Chúa rủ lòng thương xót trên chúng ta, là những người môn đệ nhút nhát và đầy sợ hãi của Người, và ban cho chúng ta lòng can đảm, để cuộc sống của chúng ta có thể mang lời chứng về lòng tin mà chúng ta tuyên xưng.
13. Vua vào thành: Lc 19,28-40
Thành Giêrusalem chỉ cách Giêrikhô khoảng 27km, giờ đây Chúa Giêsu đã gần tới đích của Ngài. Giêrusalem điểm cuối cùng của hành trình đang ở trước mặt Ngài. Các ngôn sứ có thói quen mà họ vẫn thường áp dụng, là khi lời nói không đủ tác động, khi dân chúng không muốn tiếp nhận, không muốn hiểu sứ điệp đã được công bố, thì các vị có hành động đặc biệt để đặt sứ điệp của mình vào một bức tranh mà ai cũng nhìn thấy. Chúng ta gặp những hành động ngôn sứ đặc biệt như thế ở 1Vua 11,29-31; Giêrêmia 13,1-11; Êdêkien 4,1-3; 5,1-4. Giờ đây Chúa Giêsu đang dự định vào thành Giêrusalem một cách đặc biệt, đến nỗi chính hành động đó sẽ là lời tuyên bố không thể lầm lẫn rằng Ngài chính là Đấng Mêsia, là vị vua được Thiên Chúa xức dầu. Chúng ta ghi nhận một số điểm cụ thể về việc vào thành Giêrusalem.
1. Công việc được chuẩn bị kỹ càng. Đó không phải là hành động tức thời, đột xuất. Chúa Giêsu không để mọi sự cho đến phút cuối. Ngài đã thương lượng trước với chủ của con lừa: "Chúa cần dùng nó", đó là một mật khẩu đã chọn từ trước.
2. Đó là một hành động thách thức đầy vinh hiển, đầy can đảm. Vào thời điểm này, người ta đã treo giá cái đầu của Chúa Giêsu rồi (Ga 11,57). Theo lẽ thường tình, nếu Ngài có lên Giêrusalem, Ngài cũng nên đi kín đáo và ẩn mình trong chỗ bí mật nào đó ở ngoại thành. Nhưng không thế Ngài vào thành một cách long trọng, công khai, khiến toàn dân phải chú ý và Ngài trở nên trung tâm của sân khấu. Chúng ta phải nín thở khi nghĩ đến một con người mà đầu đã bị treo giá, bị đặt ngoài vòng pháp luật, lại hiên ngang cỡi lừa vào trong thành khiến mọi người phải chú ý vào mình, quả thật không thể mô tả hết được mức độ can đảm của Chúa Giêsu.
3. Đó là cách quả quyết xưng vương, là việc làm ứng nghiệm hoàn toàn bức hoạ tiên tri trong Dacaria. Trong việc này Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến vương quyền đặc biệt của Ngài. Ở Palestine, con lừa không phải là con vật hèn hạ như ở các nước khác, nhưng là một con vật sang trọng. Các vua cỡi ngựa khi đi đánh giặc, còn trong lúc thái bình thì các người cỡi lừa. Như vậy, bằng hành động này, Chúa Giêsu đã ngự giá như một vị vua đến với dân mình trong hoà bình và yêu thương. Ngài không đến như một anh hùng chiến thắng như dân chúng từng trông mong chờ đợi.
4. Đó là một lời kêu gọi sau cùng. Chúa Giêsu đến trong hành động này, khác nào với hai tay giơ ra, nài xin dân Ngài rằng "Ngay cả trong lúc này các ngươi cũng không muốn nhận Ta làm vua các ngươi sao?". Trước khi sự ghen ghét của loài người vùi dập Ngài, một lần nữa, Ngài vẫn cứ kêu mời nhân loại tiếp nhận tình yêu của Ngài.
14. Baraba và Đức Giêsu.
(Trích trong 'Niềm Vui Chia Sẻ')
Văn sĩ Fabran Lagerkvist của Thụy Điển đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1966 nhờ quyển tiểu thuyết nổi tiếng có tựa đề là "Baraba". Baraba là một tên cướp được nhắc đến trong vụ án của Chúa Giêsu. Theo các sách Tin Mừng kể lại: Baraba là một tên cướp khét tiếng đã phạm nhiều tội ác và sa lưới pháp luật. Hằng năm vào những ngày lễ lớn, quan Tổng trấn đại diện cho Đế quốc Rôma tại Palestina có thói quen ân xá cho một tội nhân. Năm đó, Tổng trấn Philatô đã đưa Chúa Giêsu và Baraba ra trước mặt dân chúng và hỏi họ nên tha cho ai. Toàn dân đã la lớn: tha cho Baraba và đóng đinh Chúa Giêsu.
Dựa vào sự kiện lịch sử này, văn sĩ Lagerkvist đã tưởng tượng ra quãng đời còn lại của Baraba. Baraba đã trở nên một con người quyền thế được mọi người biết đến. Baraba có được tất cả, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chết thay cho ông. Thế nhưng ông không hề muốn nhắc đến Chúa Giêsu và cũng không muốn biết Ngài là ai.
Lý do khiến văn sĩ Lagerkvist được trao giải Nobel văn chương là vì qua nhân vật Baraba, ông đã họa được chân dung đích thực của con người. Baraba chính là con người được cứu độ nhờ Chúa Giêsu, nhưng vẫn không hiểu lý do tại sao. Con người ngày nay không tin vào Chúa Kitô và nhất là muốn loại bỏ Ngài ra khỏi con người thời đại. Với những tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật, con người chẳng khác nào một thứ Baraba trong tác phẩm của Lagerkvist: con người tưởng mình là Đấng cứu độ của chính mình, con người tưởng mình có thể loại bỏ mọi chiều kích siêu việt của cuộc sống, con người tưởng mình có thể sống mà không cần một Đấng cứu độ nào.
Thưa anh chị em,
Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài trên thập giá.
Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là do chính tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Chúa Giêsu.
Thử hỏi nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào? Phải thú nhận rằng tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác thập giá đỡ Chúa Giêsu. Nhưng cũng đừng vội vã quả quyết rằng tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm môn đệ trốn chạy, hay là Philatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa. Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ dàng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh.
Anh chị em thân mến,
Với Chúa Nhật hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Bề ngoài, cuộc tiến vào thủ đô Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông nô nức phất cao càch lá "Hoan hô con Vua Đavít" có vẻ một cuộc toàn thắngvang dội. Thực ra đây là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc thương khó. Bởi vì chúa biết rõ trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên: "Đả đảo! Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!"
Rước là đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn cho lắm. Đi theo Chuá giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng. Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rời và lên án, điều đó khó hơn nhiều. Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba. nếu kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa kitô thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến. Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buốn. Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.
Trong những ngày thánh này, chúng ta hãy tìm thời giờ đọc lại chậm rãi chương 14 và chương 15 của Tin Mừng theo Thánh Marcô. Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.
Đừng đọc vội vã, hãy ngừng lại khi Chúa có điều muốn nói với chúng ta, đừng ngắt lời Ngài. Chúng ta có thể thấy mình giống với Giuđa, Phêrô hay Philatô. Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến tận thế.
Đừng theo Chúa như một người quay vidéo cho đám tang, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì chúng ta và cho chúng ta. Sau khi đã suy niệm lâu dài về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình yêu Thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và trân trọng thánh giá của người khác hơn.
15. Suy niệm của Noel Quesson.
CUỘC KHỔ NẠN CHÚA GIÊSU
Cái chết của Chúa đã làm đổi thay thế giới, làm xúc động bao tâm hồn và cũng gây cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ. Bao kiệt tác đã lấy cái chết của Chúa làm chủ đề. Một họa sĩ đã vẽ cảnh tháo đinh, đưa xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập giá. Đặc điểm của bức họa là người trong cảnh đều có khuôn mặt quen thuộc của những người cùng thời với họa sĩ. Và người đang tháo đinh ở Chúa ra chính là họa sĩ. Người ta hỏi họa sĩ về chuyện này, ông cắt nghĩa: Tôi đã từng đóng đinh Chúa vào Thập giá, đinh sắt là tội của tôi. Cần phải tháo gỡ những chiếc đinh tội lỗi ra khỏi thân xác của Chúa.
Để tháo gỡ chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi, Chúa đón nhận tất cả một cách ý thức và chủ động.
Chẳng những bằng lời nói, Chúa còn chuẩn bị đi vào khổ nạn bằng hành động. Chúa lập phép Thánh Thể, dùng một lối khác diễn tả tình yêu vĩnh cửu Người dành cho nhân thế. Chúa dùng chính thịt máu làm của nuôi chúng ta, đó cũng như nói tình yêu và cái chết của Chúa đem lại sự sống muôn đời cho tâm hồn người ta.
Chúa Giêsu đi vào cuộc khổ nạn hoàn toàn đơn độc. Cái chết cũng đơn độc, và khi Chúa Giêsu mang thân phận con người, Chúa không muốn thoát khỏi số phận đó. Trong vườn Cây Dầu, Chúa không biết chia sẻ đau buồn với ai. Bao nhiêu âu lo chồng chất mà không ai hiểu, hay an ủi một lời. Chúa để ba môn đệ thân tín gần chỗ Người cầu nguyện, nhưng ba lần Chúa trở lại đều thấy họ ngủ say. Trên thập giá nhìn xuống, Chúa thấy mình hoàn toàn trơ trọi, bên Người chỉ còn Gioan, Mẹ Maria và vài phụ nữ. Chính Thiên Chúa Ngôi Cha như cũng như xa vắng, vì thế Chúa thốt lên lời cầu nguyện như một tiếng than van: "Lạy Chúa, Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con!".
Chúa Giêsu bị kết tội trước tòa đạo cũng như trước tòa đời. Hội đồng công nghị, cơ quan tối cao của Do Thái giáo kết án Chúa vì đã tự xưng là Con Thiên Chúa. Trong khi Philatô, Tổng trấn đại diện Đế quốc La mã xử Chúa vì đã nhân danh mình là Vua. Còn Chúa Giêsu, thay vì chối bỏ những lời cáo buộc, Người chỉ bình thản quả quyết mình là Con Thiên Chúa và là Vua. Nhưng cả hai danh hiệu này không phải có ý nghĩa như những người tố giác đã hiểu. Chúa là Con Thiên Chúa toàn năng. Người đã từng làm nhiều phép lạ, nhưng không làm gì để tự bảo vệ và thoát khỏi tay địch thù. Chúa không phải vị Vua như mọi người mong chờ. Chúa là Con Thiên Chúa, là Tình yêu tột đỉnh, yêu đến mức sẵn sàng chết vì người khác. Chúa là Vua, Người cai trị mọi tâm hồn bằng tình yêu mà xét xử nhân loại cũng theo luật Tình yêu. Chỉ khi ta nhìn Chúa chết trên thập giá, ta mới hiểu Người đã là Con Thiên Chúa và là Vua như thế nào.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con nhận ra tội lỗi và thật lòng sám hối, chiến thắng tội lỗi là tháo gỡ những mũi đinh chúng con đã đóng vào chân tay Chúa.
16. Một vài ý suy niệm
Về cuộc THƯƠNG KHÓ CHÚA GIÊSU
Ý CHA ĐƯỢC NÊN TRỌN (Lc 22,39-46)
Khu vực nội thành Giêrusalem rất nhỏ nên không có những khu vườn rộng rãi. Nhiều người giàu sang có những khu vườn riêng ở ngoại thành, trên sườn núi Ôliu. Có người bạn nào đó đã cho Chúa Giêsu sử dụng một khu vườn như vậy và nay Chúa Giêsu đi tới đó để một mình chiến đấu trận quyết liệt. Chúa Giêsu chỉ mới 33 tuổi và không ai muốn chết ở tuổi này. Ngài hiểu rõ tử hình đóng đinh trên thập tự là thế nào. Ngài đã từng chứng kiến việc đó. Ngài ở trong cơn hấp hối. Danh từ Hy Lạp dùng ở đây chỉ về một người nào phải chiến đấu với tâm hồn đầy kính sợ. Đây chính là điểm mấu chốt và là chỗ ngoặt trong đời sống Chúa Giêsu. Ngài vẫn còn có thể tháo lui. Ngài có thể từ chối thập giá. Sự cứu rỗi nhân loại đang treo trên cán cân khi Con Thiên Chúa kịch liệt chiến đấu trong vườn Giệtsimani và Ngài đã chiến thắng.
Một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng đã nói về nhạc phẩm "Đêm Xưa" của Chopin rằng: "Tôi phải nói cho anh về điều đó. Chopin đã bảo Liszt và Liszt đã bảo tôi. Trong bản nhạc này tất cả là u sầu và khổ não, ôi biết bao u sầu khổ não, cho tới khi người ta bắt đầu nói với Chúa, bắt đầu cầu nguyện, bấy giờ mọi sự đều tốt đẹp". Chúa Giêsu cũng thế, Ngài vào vườn Giệtsimani trong tối tăm. Ngài ra khỏi vườn trong ánh sáng bởi Ngài đã nói chuyện với Chúa Cha. Ngài vào vườn Giệtsimani trong cơn hấp hối, Ngài trở ra trong chiến thắng, với sự bình an trong tâm hồn, bởi Ngài đã nói chuyện với Chúa Cha. Thật hoàn toàn có sự khác biệt được thể hiện qua âm điệu của một người khi nói: "Ý Cha được nên trọn".
1. Người đó có thể nói bằng một giọng hoàn toàn khuất phục như một kẻ đã nằm bất lực dưới một sức mạnh phi thường. Mấy lời đó nghe như tiếng chuông báo tử cho hy vọng.
2. Người đó có thể nói bằng giọng của một kẻ bại trận, đầu hàng. Mấy lời đó nghe như tiếng của kẻ thú nhận thất bại.
3. Người đó có thể nói bằng giọng của kẻ bị thất vọng hoàn toàn khi thấy giấc mộng của mình không thể thành sự thật. Đó là những lời tiếc xót và cũng chất chứa uất hận, tệ hơn nữa là biết mình không thể làm gì trong tình trạng đó.
4. Người đó có thể nói bằng giọng hoàn toàn tin cậy. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm. Ngài đang nói với một Đấng là Cha. Ngài đang nói với Chúa Cha là Đấng hằng bao bọc nâng đỡ Ngài dù Ngài đang trên thập tự. Ngài chịu khuất phục, nhưng là khuất phục một tình yêu không rời bỏ Ngài. Việc khó nhất của đời sống là chấp nhận điều mà chúng ta không thể hiểu, nhưng chúng ta cũng có thể làm điều đó nếu chúng ta tin chắc vào tình yêu Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã nói như vậy, và khi chúng ta có thể nói như vậy, chúng ta có thể nhìn lên và hoàn toàn tin cậy mà thưa rằng "Lạy Chúa, xin cho ý Ngài được nên trọn".
CÁI HÔN CỦA KẺ PHẢN BỘI (Lc 22,47-53)
Giuđa đã tìm ra cách nộp Chúa để các nhà cầm quyền bắt Ngài khi dân chúng vắng mặt. Hắn biết rằng ban đêm Chúa thường đến khu vườn trên đồi và hắn dẫn các tay sai của Toà Công Luận tới đó. Viên đội trưởng của Đền Thờ cũng gọi là sagan, là một sĩ quan có trách nhiệm giữ an ninh trật tự cho Đền Thờ, còn các thầy đội coi Đền Thờ được đề cập đây là những sĩ quan có trách nhiệm thi hành lệnh bắt Chúa Giêsu. Khi một môn đệ gặp rabbi quý mến thì chàng đặt tay phải mình lên vai trái của thầy và hôn thầy. Cái hôn giữa môn đệ với thầy yêu quý này là cái hôn mà Giuđa đã dùng làm dấu hiệu để phản thầy mình. Có bốn thành phần khác nhau liên hệ trong việc truy bắt này. Hành động và phản ứng của họ rất có ý nghĩa.
1. Giuđa, kẻ phản bội. Hắn là con người đã bỏ Thiên Chúa và đi liên hiệp với Satan. Chỉ khi nào người ta bỏ Chúa ra ngoài đời sống và rước Satan vào lòng mình thì người đó mới có thể bán Chúa Giêsu.
2. Những người Do Thái đến bắt Chúa Giêsu. Họ là những người mù loà đối với Thiên Chúa. Khi Chúa nhập thể, đến thế gian thì họ chỉ có một ý nghĩ là làm thế nào để mau treo Ngài lên cây thập tự. Từ lâu họ đã chọn con đường riêng của họ, bịt tai trước tiếng gọi của Chúa, nhắm mắt trước sự dẫn dắt của Ngài, đến nỗi sau cùng khi Ngài ngự đến thì họ không thể nhận biết. Thật đáng sợ khi người ta trở nên mù và điếc đối với Chúa.
3. Các môn đệ. Họ là những người bỏ Chúa. Thế giới của họ đã sụp đổ, họ tin chắc thôi thế là hết. Điều sau cùng mà họ còn nhớ được lúc đó là Thiên Chúa, trí óc họ chỉ còn suy nghĩ đến một điều là tình trạng khủng khiếp đang vây bủa họ. Hai điều xảy ra cho người quên Chúa và bỏ Chúa ra ngoài cuộc sống của mình. Một là người ấy rất sợ hãi và hoàn toàn rối loạn tâm thần; hai là người ấy mất năng lực đối diện với đời sống và thích nghi với cuộc sống. Trong giờ thử thách, đời sống sẽ bị tiêu huỷ nếu thiếu Chúa.
Chỉ khi nào con người biết cúi đầu xuống trước mặt Chúa, bấy giờ người ấy mới có thể nói năng và hành động như người chiến thắng được.
ĐƯỜNG LÊN ĐỒI GÔNGÔTHA (Lc 23,26-31)
Khi một tên tù đã bị kết án đóng đinh trên thập tự, thì hắn bị lôi ra khỏi toà án và giao cho bốn người lính Rôma. Cây thập hình của hắn được đặt lên vai hắn, hắn phải vác nó đến pháp trường bằng con đường dài nhất trong lúc một tên lính đi trước hắn mang tấm bảng ghi rõ tội trạng để điều đó trở thành một sự khủng khiếp cho người nào còn có ý muốn phạm thứ tội tương tự như hắn. Họ đã làm điều đó cho Chúa Giêsu, Ngài bắt đầu vác thập tự của mình (Ga 19,17), nhưng sức nặng của nó vượt quá sức lực của Ngài nên Ngài không thể vác đi được nữa. Palestine là một xứ bị chiếm đóng, nên mọi người dân đều có thể tức khắc bị xung vào công tác phục dịch chính phủ Rôma. Dấu hiệu của sự ép buộc đó là khi thấy có lưỡi giáo Rôma đặt nhẹ lên vai người nào thì người đó phải phục dịch. Khi Chúa Giêsu đã ngã quỵ dưới sức nặng của cây thập tự thì viên đội trưởng Rôma nhìn quanh tìm kiếm một người để vác thập giá đó. Bấy giờ có một người tên là Simon quê ở Kyrênê xa xôi, đang từ vùng quê đi vào thành. Chắc chắn ông là người Do Thái đã suốt đời chắt chiu dành dụm để có thể dự một Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Lưỡi giáo Rôma đã chạm vai ông, tức khắc, dù muốn hay không, ông cũng đành vác cây thập tự của người tử tù. Chúng ta thử tưởng tượng lúc bấy giờ Simon đã nghĩ gì? Ông đã đến Giêrusalem để thực hiện hoài bão của đời mình, thế mà ông phải vác cây thập tự lên đồi Gôngôtha. Lòng ông hẳn chứa đầy cay đắng đối với quân Rôma và đối với tên tử tù ngày là kẻ khiến ông bỗng dưng phải liên luỵ vào tội của hắn. Nhưng nếu chúng ta đọc thêm một số chi tiết, thì sẽ biệt câu chuyện không chấm dứt ở đây. J.A.Robertson coi đó là một trong những chuyện cảm động nhất của Tân Ước, Máccô tả rõ Simon là cha của Alecxandơ và của Ruphô (Mc 15,21). Bạn không thể nhận diện một người bằng tên các con của người đó trừ khi các con đó rất được quen thuộc trong cộng đồng của người mà bạn viết thư cho. Mọi người đều công nhận rằng Máccô đã viết Phúc Âm của ông cho Hội Thánh tại Rôma. Giữa ác lời chào ở cuối thư, ông viết rằng "Xin hãy chào thăm Ruphô, người được chọn của Chúa, và chào thăm mẹ người cũng là mẹ tôi" (Rm 16,13). Như vậy trong Hội Thánh Rôma có Ruphô, một Kitô hữu quý báu đến nỗi Phaolô gọi người đó là một trong những kẻ được chọn của Chúa, với một bà mẹ rất yêu dấu đối với Phaolô, đến nỗi ông gọi bà là mẹ của ông trong đức tin. Rất có thể Ruphô này là Ruphô con của Simon ở Kyrênê, mẹ chàng là vợ ông Simon ấy. Rất có thể khi Simon nhìn thấy Chúa Giêsu, bao nhiêu cay đắng của ông đã biến thành ngạc nhiên và sau cùng ông đã tin, đã trở thành Kitô hữu và gia đình ông đã cung cấp cho Hội Thánh những tâm hồn quý giá nhất. Có thể Simon nghĩ rằng ông đến đó để thực hiện một ước vọng của đời sống, ông đang chuẩn bị mọi sự để mừng Lễ Vượt Qua tại Giêrusalem, nhưng ông đã phải vác thập giá cho một phạm nhân, thật hoàn toàn trái ngược với ý muốn của mình, nhưng khi ông nhìn xem Ngài, thì nỗi buồn bực của ông đã trở thành nỗi ngạc nhiên và niềm tin, và trong sự việc mà thoạt đầu ông coi như một điều sỉ nhục đó đã cho ông gặp được chính Cứu Chúa của đời ông.
Theo sau Chúa Giêsu là một đám phụ nữ khóc thương Ngài. Ngài quay lại bảo họ đừng khóc vì Ngài, nhưng hãy khóc cho chính mình. Những ngày khủng khiếp sắp xảy đến. Trong gia đình người Do Thái không có thảm kịch nào cho người vợ bằng cuộc hôn nhân không con, vì không con là lý do đủ mạnh để ly dị. Nhưng sẽ đến một ngày mà người đàn bà son sẻ lại vui mừng vì không con. Một lần nữa Chúa Giêsu lại nhìn thấy trước sự tàn phá thành này là thành đã nhiều phen và hiện giờ vẫn còn đang từ chối lời mời gọi của Chúa. Câu 31 là câu châm ngôn, có thể dùng trong nhiều trường hợp. Ở đây nó có nghĩa là nếu họ làm điều này cho một người vô tội thì một ngày kia, họ sẽ còn làm gì nữa cho những kẻ có tội?
TẠI ĐÓ CHÚNG ĐÓNG ĐINH NGÀI (23,32-38)
Khi đã tới chỗ đóng đinh, tội nhân đặt thập giá nằm xuống đất. Thường thì thập giá giống hình chữ T, không có phần nhô lên trên để có thể dựa đầu. Nó khá thấp, đến nỗi chân của tội nhân chỉ cách xa mặt đất độ 6-8 tấc. Có một nhóm phụ nữ nhân đức ở Giêrusalem thường tới chỗ tội nhân và tặng một chén rượu pha thuốc mê có tác dụng làm tê liệt những cảm giác đau đớn ghê gớm đó. Họ đến tặng Chúa Giêsu chén rượu và Ngài từ chối (Mt 27,34). Ngài quyết định nếm tới tận cùng vị cay đắng nhất của sự chết, với một tâm trí minh mẫn và giác quan tinh tường. Hai tay phạm nhân bị căng ra trên đà ngang của thập giá, đinh đóng xiên qua hai bàn tay. Thường hai bàn chân thì không đóng đinh, nhưng được buộc sơ vào thập giá. Ở lưng chừng có một miếng gỗ nhô ra để đỡ sức nặng thân thế phạm nhân, kẻo các đinh xé rách toạc hai bàn tay. Rồi thập giá được dựng thẳng đứng, cắm vào lỗ sâu. Sự khủng khiếp của tử hình đóng đinh nằm ở chỗ cơn đau đớn rất dữ dội, nhưng lại không giết chết ngay, phạm nhân bị để cho chết đói, chết khát dần dưới sức nóng của mặt trời ban trưa và giá lạnh của đêm trường. Có nhiều phạm nhân bị đóng đinh sống ngắc ngoải đến cả một tuần lễ trên thập giá, sau cùng chết trong cơn điên cuồng.
Quần áo của tử tù thuộc về bốn tên lính áp giải phạm nhân ra pháp trường. Mỗi người Do Thái có năm loại trang phục: áo trong, áo ngoài, dây thắt lưng, khăn đội đầu và giầy dép. Bốn thứ chia cho bốn tên, còn lại chiếc áo choàng bên ngoài, áo đó dệt thành một tấm không có đường nối (Ga 19,23-24). Nếu cắt nó ra để chia thì làm hỏng cả áo, vì thế bọn lính ngồi ngay dưới chân thập giá gieo súc sắc, bắt thăm chiếc áo đó. Tên tử tù có hấp hối bao lâu cũng chẳng có nghĩa lý gì với bọn này.
Tấm bảng gắn trên đầu thập giá chính là bảng chữ mà người lính mang đi trước tội nhân qua các đường phố đến nơi hành hình.
Chúa Giêsu đã nói nhiều lời tuyệt diệu, nhưng có lẽ câu tuyệt diệu nhất mà Ngài nói là "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không hiểu việc họ làm. Sự tha thứ trong Kitô giáo thật sự là một sự lạ lùng. Khi Stephanô bị ném đá chết, ông cũng cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ" (Cv 7,60). Không có điều gì đáng yêu, cũng không có gì hiếm cho bằng sự tha thứ của người Kitô hữu. Khi nào tinh thần thiếu tha thứ đe doạ biến lòng chúng ta thành cay đắng, hãy nhớ lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài và lời Phaolô dặn dò các bạn hữu "Hãy ở lại với nhau cách nhân từ, đầy lòng thương xót, tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em trong Chúa Kitô vậy" (Ep 4,32).
LỜI HỨA THIÊN ĐÀNG (Lc 23,39-43)
Chủ ý của nhà cầm quyền là họ đóng đinh Chúa ở giữa hai tên cướp khét tiếng. Họ làm như vậy để sỉ nhục Ngài trước mặt cả dân chúng, liệt Ngài vào hạng trộm cướp. Người ta đã nói nhiều về tên trộm biết hoán cải. Hắn được gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus. Có một chuyện kể hắn là một thứ Robin Hood của Do Thái, ăn trộm của người giàu để phân phát cho người nghèo. Có chuyện rất đáng yêu kể rằng khi Chúa Giêsu còn nhỏ được gia đình đem sang Ai Cập, dọc đường bị một bọn cướp tấn công. Một thanh niên là con một thủ lãnh đảng cướp thấy con trẻ Giêsu dễ thương qua, nên người đó không nỡ ra tay, hắn tha Ngài và nói "Hỡi con trẻ rất có phước, nếu sau này có dịp nào để thương xót tôi, thì hãy nhớ đến tôi, đừng quên giây phút này nhé". Tên cướp đó là kẻ đã cứu Chúa Giêsu khi còn nhỏ, nay gặp lại Ngài trên thập giá trên đồi Gôngôtha. Lần này thì Chúa Giêsu đã cứu anh ta.
Parađi là từ trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "Một khu vườn rào kín". Khi vị vua Ba Tư muốn đặc biệt tôn trọng một bầy tôi nào của ông thì người ấy được cùng dạo mát với vua trong vườn thượng uyển. Chúa Giêsu đã hứa cho tên trộm cướp ăn năn đó một sự gì quý hơn là sự bất tử. Ngài hứa cho hắn vinh dự được làm bạn của Ngài trong vườn thượng uyển trên trời.
Trên hết mọi điều khác, chắc chắn câu chuyện này cho chúng ta biết rằng không bao giờ là quá trễ để trở lại với Chúa. Về các việc khác, chúng ta có thể nói "Thì giờ để làm việc đó đã qua rồi". "Bây giờ tôi đã quá lớn tuổi, không làm được việc đó". Nhưng không bao giờ chúng ta có thể nói như thế về sự trở lại với Chúa. Bao lâu trái tim còn đập, bấy lâu lời kêu gọi của Chúa Giêsu vẫn còn hiệu lực đối với chúng ta. Sự thật vẫn chính xác là hơi thở còn thì vẫn còn hy vọng.
NGÀY DÀI CHẤM DỨT (Lc 23,44-49)
Trong đoạn Kinh Thánh này, mỗi câu đều có nhiều ý nghĩa.
1. Có sự tối tăm khủng khiếp khi Chúa Giêsu tắt thở. Dường như mặt trời cũng không thể nhìn xem việc gớm ghiếc mà tay loài người vừa làm ra. Thế giới bao giờ cũng tối tăm khi con người tìm cách loại bỏ và khai trừ Chúa Kitô.
2. Màn trong Đền Thờ xé ra làm đôi. Đây là tấm màn ngăn Nơi Cực Thánh, là nơi có sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa nơi không ai được phép vào trừ vị thượng tế, và ông chỉ được vào mỗi năm một lần trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Chúng ta hạnh phúc mà nói rằng con đường vào nơi Thiên Chúa hiện diện một cách bí nhiệm, bấy lâu nay ngăn cách với loài người, thì nay đã được mở toang cho mọi người. Trái tim của Chúa bấy lâu giữ kín nay được phơi bày ra cho loài người. Sự Giáng Sinh, đời sống và sự chết của Chúa Giêsu đã xé đôi bức màn bấy lâu nay che giấu Chúa khỏi loài người. Chúa Giêsu đã phán: "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14,9). Nơi thập giá, loài người đã được nhìn thấy cao điểm của tình yêu Thiên Chúa như họ chưa hề thấy trước đó bao giờ.
3. Chúa Giêsu đã kêu lên một tiếng lớn. Cả ba sách Phúc Âm đều nói về tiếng kêu lớn này (Mt 27,50; Mc 15,37). Gioan thì không nói đến tiếng kêu lớn ấy, nhưng ông cho biết Chúa Giêsu khi chết đã nói: "Mọi việc đã hoàn tất". (Ga 19,30). Trong tiếng Hy Lạp và tiếng Aram thì "mọi việc đã hoàn tất" chỉ gồm trong một từ mà thôi. Cho nên mọi việc đã được trọn vẹn và tiếng kêu lớn cũng là một mà thôi, và Chúa Giêsu thật đã chết với tiếng kêu chiến thắng trên môi. Ngài đã không nói thì thầm "Thế là hết" như một người bị hành hạ đến nỗi phải quỳ gối xuống và bị buộc phải chấp nhận sự thua bại. Ngài kêu lớn như một người chiến thắng, đã thắng đối thủ trong trận cuối cùng và đã đưa một công tác vĩ đại tới chỗ kết thúc tối hậu đầy vẻ vang. "Đã xong" đó là tiếng kêu của Chúa Cứu Thế, Đấng chịu đóng đinh, nhưng là Đấng toàn thắng.
4. Chúa Giêsu chết với lời cầu nguyện trên môi. "Lạy Cha, con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha". Câu này có trong Thánh Vịnh 31,5 với tiếng "Cha" được thêm vào. Câu này là lời cầu nguyện trước nhất mà mỗi bà mẹ Do Thái dậy cho con mình đọc trước giờ đi ngủ, trước khi bóng tối ghê rợn đổ xuống: "Con trao phó linh hồn con trong tay Chúa". Chúa Giêsu đã nói câu đó tha thiết hơn nhiều vì Ngài đã bắt đầu với tiếng Cha, dù trên thập giá Chúa Giêsu đã chết như đứa con nằm ngủ trong cánh tay Cha mình.
5. Viên đội trưởng và đám dân chúng đã xúc động sâu xa khi chứng kiến cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết của Ngài đã thực hiện điều mà khi sống Ngài đã không thể làm, tức là làm tan vỡ những tấm lòng sắt đá của loài người. Lời phán của Ngài trước đó giờ đây được ứng nghiệm "Khi Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta". Ngay lúc Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng thì sức thu hút của thập giá đã bắt đầu thực hiện.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam