Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 67

Tổng truy cập: 1377165

VƯƠN CAO HƠN

Vươn cao hơn

Theo Tin Mừng kể lại, thì Thánh gia không phải chỉ gặp toàn những chuyện may mắn và suôn sẻ. Trái lại, thánh Giuse có lần đã tính đến chuyện tháo lui. Còn Chúa Giêsu, lúc được đưa tới đền thờ, khi còn đang ăm ngửa, đã được tiên đoán là sẽ trở thành như một lưỡi gươm đâm thâu qua cõi lòng người mẹ. Vào dịp theo cha mẹ lên đền thờ tham dự lễ Vượt Qua năm mười hai tuổi, Ngài đã là duyên cớ của những nỗi khổ tâm không cầm nén được của cha và mẹ Ngài. Có một lúc nào đó, trong khi giảng dạy, Ngài đã tuyên bố: Ngài đến không phải là để đem lại sự hòa thuận, mà là sự chia rẽ giữa các thành viên trong gia đình.

Những đoạn Phúc âm ngắn ngủi và họa hiếm về Thánh gia và về mối quan hệ thân thuộc, lại không phải là những bức họa rõ nét của một gia đình gương mẫu, hiểu theo nghĩa thông thường. Không ai có thể hồ nghi về sự thánh thiện của từng thành viên trong gia đình này. Vậy phải chăng Thánh gia không còn là gương mẫu cho các gia đình Kitô hữu nữa sao?

Hoàn toàn không phải là như vậy. Thánh gia vẫn luôn là mẫu mực cho các mối quan hệ giữa các thành viên của gia đình Kitô hữu. Thực vậy, Đức Maria vẫn một lòng tin tưởng và tôn trọng việc làm của Người Con, dù rằng có những lức Mẹ đã tỏ ra không hiểu hết tầm mức của việc làm đó. Không chỉ tôn trọng mà thôi, Mẹ còn dõi theo những bước chân Con đi, dù là những bước chân dẫn lên Núi Sọ. Còn thánh Giuse thì vẫn âm thầm lao động để tìm kiếm chén cơm manh áo, nuôi sống cả gia đình, cũng như chu toàn thánh ý của Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã thể hiện và hoàn tất công việc của Chúa Cha, không chỉ đối với các thành viên của gia đình ruột thịt, mà còn để mọi người trở thành anh em trong gia đình của ơn cứu chuộc.

Thánh gia là gương mẫu của một tình yêu vượt ra ngoài giới hạn của những quan hệ bình thường theo một nghĩa nào đó, vốn được gọi là tự nhiên, ruôt thịt, họ hàng, chủng tộc. Thánh Gia là gương mẫu cho một mối quan hệ đi ngược lại với óc cục bộ và sự kỳ thị, cho một lối sống gắn bó, không chỉ với những người thân quen, mà còn với hết mọi người.

Nhìn vào cuộc sống Thánh gia, chúng ta nhận ngay ra rằng: Còn có một cái gì lớn hơn cuộc sống gia đình, mà chính cuộc sống gia đình phải hướng tới. Tứ hải giai huynh đệ. Bốn bể đều là nhà. Bốn bể đều là anh em. Từ quan hệ ruột thịt tiến tới quan hệ của một huynh đệ, của một tình liên đới, của một tình đồng loại, một tình của những người con làm theo ý Chúa, hoạt động cho chính nghĩa, cho lẽ phải.

Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, trở nên con của thánh Giuse và Mẹ Maria, để mọi người chúng ta được trở thành con Thiên Chúa và trở thành anh em với nhau.

 

2. Những nhân vật

Giờ đây chúng ta cùng nhau dừng lại để tìm hiểu về những nhân vật qua đoạn Tin Mừng vừa nghe.

Trước hết là Chúa Giêsu

Từ thuở thơ ấu, ngay cả khi chưa nói được, Chúa Giêsu đã hoàn tất các lời Thánh Kinh. Hôm nay Ngài thực hiện lời hứa đã được ban cho Đaniel, Malakia và nhiều tiên tri khác. Hôm nay trong con người hài nhi Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa trở lại cung thánh đã bị bỏ phế của Ngài. Dù tội của Israel có thế nào chăng nữa, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời mình đã hứa. Sự bất trung của Israel chỉ làm trì hoãn việc thực hiện các lời hứa ấy chứ không thể huỷ bỏ chúng được.

Trong cuộc đời chúng ta cũng thế. Ngày chúng ta được rửa tội, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm nghĩa tử. Mặc dù chúng ta có lắm bất trung, Ngài vẫn không khi nào ruồng rẫy. Mặc dù chúng ta có xua đuổi Ngài ra khỏi cung lòng chúng ta, Ngài vẫn tìm mọi cách giúp đỡ chúng ta ăn năn sám hối. Hôm nay, chúng ta hãy mở rộng cung thánh tâm hồn chúng ta cho Ngài, hãy mời Ngài đến ở mãi trong cuộc đời chúng ta, để rồi chúng ta sẽ trở nên ánh sáng chiếu soi cho những người chúng ta gặp gỡ trên vạn nẻo đường đời.

Tiếp đến là Maria và Giuse

Các Ngài đã chấp nhận chu toàn mọi lề luật. Các Ngài vâng phục đến độ còn thi hành thói quen đạo đức là trình dâng con trai đầu lòng tại đền thánh, một điều luật không đòi hỏi. Sở dĩ các Ngài đã đi quá lề luật như thế là vì các Ngài đã tuân phục với tình yêu chứ không vì sợ hãi. Riêng Mẹ Maria là thụ tạo tinh tuyền nhất của nhân loại, đã khiêm tốn chấp hành nghi thức thanh tẩy. Phần chúng ta là những kẻ bị tội lỗi làm cho trở nên xấu xa, chúng ta hãy khiêm tốn lãnh nhận bí tích Cáo giải để tâm hồn được thanh tẩy.

Sau khi nghe ông già Simêon nói về hài nhi Giêsu, hai ông bà đã ngạc nhiên. Sở dĩ như vậy vì các ngài chưa hoàn toàn thấu triệt mầu nhiệm sâu xa che phủ trên Con mình. Dù được sống thân mật với Chúa Giêsu, các ngài vẫn phải tiến tới trong đức tin. Nhưng đức tin các ngài luôn được đào sâu, vì các ngài suy gẫm trong lòng. Đối với chúng ta, cũng chẳng có gì lạ, nếu chúng ta không hiểu hết được những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Dù qua hai mươi thế kỷ, Giáo Hội vẫn luôn tiếp tục đào sâu mầu nhiệm Đức Kitô. Nơi Đức Kitô, đức tin của chúng ta cũng phải triển nở và lớn lên trong sức mạnh và ơn sủng. Đức tin của chúng ta chính là sự tăng trưởng liên tục của Đức Kitô trong tâm hồn chúng ta.

Sau hết là ông Simêon và bà Anna

Chúa Thánh Thần đã ở trên ông Simêon, mạc khải cho ông biết Đấng Messia trước khi qua đời, thúc đẩy ông vào đền thờ chờ đón Hài Nhi Giêsu đến. Đối với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sống dưới sự hoạt động của Chúa Thánh Thần cách thường xuyên, nếu chúng ta ở trong ơn nghĩa và biết chăm chỉ tuân theo những thúc đẩy bên trong của Ngài. Chúa Thánh Thần cũng có thể trở nên trong chúng ta một nguồn ánh sáng giúp chúng ta hiểu rõ hơn đức tin và bổn phận của chúng ta. Ngài đem đến một nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta can đảm sống đời sống chứng nhân cho Thiên Chúa.

Simêon và Anna đã suốt đời chờ mong Đức Kitô. Với chúng ta họ là những tấm gương hy vọng và trung tín. Lòng trung tín của họ đã được ân thưởng. Họ đã được niềm vui bồng ẵm trên tay ánh sáng dân ngoại, vinh quang Israel, là chính Chúa Giêsu. Trong mùa Giáng sinh này, chúng ta cũng hãy chuẩn bị và đón nhận hồng ân Thiên Chúa trong sự trung tín đợi chờ và đón nhận nó với tất cả tâm tình biết ơn ơn Simêon và Anna ngày xưa.

 

3. Gia đình nhân loại

Giáo Hội đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng gia đình Kitô hữu thành một cái nôi của tình thương, thành một mái trường dạy cho chúng ta những bài học làm người. Trong chiều hướng đó, Thánh Gia với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse vốn được coi là những mẫu gương sáng chói của gia đình công giáo.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không muốn đóng khung nhãn giới của chúng ta trong khuôn khổ một gia đình theo huyết thống. Bài học lớn nhất Ngài để lại cho chúng ta đó là bài học làm người trong xã hội. Ngài không vun xới cho gia đình riêng của mình, nhưng Ngài lại xây dựng đại gia đình nhân loại được cứu chuộc.

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu ngay từ lúc lọt lòng mẹ đã phải trải qua một cuộc bôn ba, đã là một con người bị ruồng bắt bởi quyền lực thế gian. Con đường trốn qua Ai Cập cũng chính là con đường dân riêng của Chúa đã đi qua thuở xưa, con đường dẫn tới cuộc sống nô lệ trong suốt 400 năm. Nhưng rồi Ngài cũng được đưa về lại Galilê tượng trưng cho cuộc xuất hành của dân riêng khỏi đất nô lệ Ai Cập. Như thế Phúc Âm đã tóm gọn cuộc đời Chúa Giêsu và đặt cuộc đời ấy trong lịch sự của dân Chúa.

Qua Ai Cập và từ Ai Cập trở về, Chúa Giêsu đã không chỉ đi với cha mẹ Ngài mà còn đi với dân của Ngài. Qua cái chết và sống lại của Ngài, một dân mới được thiết lập và các môn đệ của Ngài được sai đi đến tận cùng trái đất để mọi người, không phân biệt màu da, tiếng nói, ý thức được mình là con Thiên Chúa và là anh em với nhau.

Việc xây dựng đại gia đình nhân loại nhiều khi vượt lên trên quyền lợi của gia đình ruột thịt hay dòng họ. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó một cách thật rõ ràng. Ngài đã từng cho người ta hiểu rằng Ngài đến không phải để đem hoà bình mà là gươm giáo, đến để chia rẽ con cái khỏi cha mẹ, nàng dâu khỏi mẹ chồng và làm coh những người trong gia đình trở thành kẻ thù của nhau. Những lời lẽ quả là lạ lùng, khó nghe. Dĩ nhiên chúng ta không thể coi Ngài như một kẻ chủ trương phá hoại gia đình hay coi nhẹ giá trị gia đình. Nhưng Ngài muốn cho người ta hiểu rằng: Còn một gia đình khác lớn hơn phải được xây dựng. Cái mối quan hệ lớn lao, cao quý mà người ta cần phải quan tâm thiết lập và vun xới, không phải là mối quan hệ cha con, anh em theo máu huyết. Mà là mối quan hệ cha con, anh em theo việc thực thi ý định của Chúa: Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta. Đó là người nghe và thực hành lời Chúa.

Nếu mọi thành phần trong gia đình cùng nhìn về một phía, cùng theo đuổi một lý tưởng phục vụ hạnh phúc của con người trong xã hội. Đó chính là gia đình gương mẫu, thánh thiện theo cái nhìn của Tin Mừng. Để đạt tới lý tưởng ấy, mỗi người trong gia đình cần phải tìm hiểu và đào sâu những đòi hỏi của Tin Mừng, thấy rõ trách nhiệm làm người và làm môn đệ của Chúa trong xã hội và trong thế giới hiện tại, đồng thời cố gắng giúp nhau chu toàn trách nhiệm ấy.

 

4. Giáo Hội cỡ nhỏ

Gia đình là tế bào sống động của quốc gia, của nhân loại, cũng như của Hội Thánh. Tế bào căn bản này có khỏe mạnh và phát triển, thì toàn thể thân xác mới khỏe mạnh và phát triển. Sức khỏe và sự ổn định của gia đình ảnh hưởng tới sức khỏe và sự ổn định của quốc gia và Giáo Hội. Chính vì thế chúng ta phải đem vào trong gia đình một tinh thần Kitô giáo đích thực.

Thế nhưng ngày nay, vì chiến tranh, vì những trào lưu duy vật và chối bỏ đức tin, gia đình đã bị khủng hoảng và suy sụp, tế bào nền tảng này đã bị nhiễm độc. Vậy chúng ta phải làm gì để cứu vãn tình thế?

Điều tôi nhấn mạnh giờ đây, đó là tinh thần cộng đoàn. Thực vậy, mỗi người chúng ta phải biết từ bỏ tính ích kỷ để tiến đến một sự hòa hợp và yêu thương, như hình ảnh về thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô mà thánh Phaolô đã đề cập tới. Gia đình là một Giáo Hội cỡ nhỏ, là một nhiệm thể được thu hẹp. Đây không phải chỉ là một hình ảnh tượng trưng, mà còn là một thực thể sống động.

Người cha là đầu thân thể như Đức Kitô là đầu Giáo Hội. Người mẹ là thân thể như vai trò của Giáo Hội, và con cái là những phần tử như những tín hữu là chi thể của Đức Kitô.

Một gia đình đích thực phải hiệp nhất và trở nên một: Một tư tưởng, một ước muốn, một cõi lòng, một con tim. Người cha tìm kiếm cơm áo, người mẹ phân phát cơm áo và con cái thì lãnh nhận máu huyết và sự sống nơi cha mẹ. Người cha thì giống với Đức Kitô là đầu nhiệm thể. Người mẹ thì giống với Giáo Hội, còn con cái thì giống những chi thể trong nhiệm thể ấy.

Bởi đó hãy đón nhận và thực thi tinh thần hợp nhất. Là con cái, hãy nhìn thấy Đức Kitô nơi người cha, hãy yêu mến và trọng kính Đức Kitô nơi người cha của mình. Trgkhi đó, những người cha hãy sống như Đức Kitô và điều hành gia đình của mình trong tinh thần yêu thương.

Còn người mẹ, hãy lấy Giáo Hội làm lý tưởng cho mình, để có sự trung thành và hiền dịu. Con cái chính là những tế bào, trong đó Đức Kitô phải lớn lên, phải trưởng thành. Muốn thấm nhuần tinh thần ấy, chúng ta phải cần đến một bầu khí đạo đức. Bầu khí đạo đức này được tạo nên do thánh lễ, do phụng vụ, do các bí tích và đặc biệt do những giờ kinh chung trong gia đình.

Đây là những giây phút linh thiêng, cha mẹ, vợ chồng, con cái cùng quây quần bên nhau và cùng nhau quây quần bên Chúa, để dâng lên Ngài của lễ chung là những hy sinh gian khổ trong cuộc sống. Đây cũng là một liều thuốc thần diệu hàn gắn những đổ vỡ, vì trong những phút giây ấy chúng ta thực sự trở nên một.

Hãy xây dựng gia đình mình trong tinh thần hợp nhất như các chi thể hợp nhất với nhau và nhất là như Đức Kitô hợp nhất với Giáo Hội của Ngài.

 

home Mục lục Lưu trữ