Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1379732

VƯƠNG QUỐC CỦA TÌNH YÊU

Vương quốc của tình yêu

Nước Trời được diễn tả là vương quốc của tình yêu, nơi đó mọi người được vui hưởng tình yêu tràn đầy của Thiên Chúa. Trong vương quốc này, Đức Giêsu là vị Vua của tất cả mọi người như Lời Ngài đã nói: “mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy”.

Khi nghe nói đến tước hiệu vua, mọi người thường nghĩ đến một con người quyền lực, oai vệ trong bộ cẩm bào, nắm trong tay quyền sinh sát tùy ý mình khiến mọi người khiếp sợ… Thế giới đã từng biết đến một Tần Thuỷ Hoàng, một Napoleon, một Hitler…là những vị vua như thế. Nhưng Vua Giêsu thì hoàn toàn ngược lại. Ngài là vị Vua Hiền lành, Vua Hoà bình và Vua Tình yêu. Vua Giêsu có hoàng cung là cuộc sống rong rủi nay đây mai đó “Con Người không có nơi tựa đầu”, có vương miện là vòng gai đội đầu, có vương trượng là cây sậy yếu ớt, có vệ binh là 12 tông đồ không biết đến việc binh đao… Bởi lẽ, Nước của Ngài không thuộc về thế gian này. Hiến Pháp của Nước trời là giới luật Yêu thương: “Đây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Yêu như Thầy là hy sinh mạng sống cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Thế nhưng, đứng trước một vị vua như thế, thử hỏi có được mấy người yêu mến và qui phục Ngài? Hình như, con người ngày nay quá yêu thích quyền lực, giàu sang, thoải mái… nên họ cũng muốn xây dựng nơi mình hình ảnh của một vì vua theo ý và sở thích của riêng họ. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng giờ ngồi phơi nắng dầm mưa để xem vua bóng đá Péle, Ronaldo trình diễn trên sân cỏ và cổ võ hết mình. Họ sẵn sàng thức trắng đêm để nghe vua nhạc Pop Michael Jackson hát… nhưng họ rất ngại đến với Vua Kitô để nghe Ngài chỉ dạy những con đường dẫn tới chân thiện mỹ và sự sống vĩnh cửu. Lý do là vì ta còn biết quá ít về Chúa Giêsu, chưa đi vào sự sống mật thiết với Ngài, chưa để cho tình yêu của Ngài dẫn dắt cuộc đời của ta và trên hết là chúng ta chưa có lòng ao ước sống trong Vương quốc tình yêu của Chúa.

Tin mừng hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Chúa Giêsu và Philatô xung quanh vấn đề vương quyền của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khẳng định với Philatô và cũng là với tất cả chúng ta rằng Ngài là Vua, nhưng Nước Ngài không thuộc về thế gian này. Điều đó cũng có nghĩa là Nước của Ngài thuộc về thượng giới hay chính là Nước trời.

Tôi có quen với một chị ở Việt Nam nhưng đã sang định cư ở bên Úc 5 năm rồi, dù chính quyền Úc chấp nhận cho chị nhập cư, nhưng chị chưa thể trở thành công dân của nước Úc được, và dĩ nhiên những quyền lợi của chị bị nhiều hạn chế. Chị nói với tôi là để được chấp nhận là một công dân của nước này thì phải có một số điều kiện như: phải ở lại Úc trong thời gian xuyên suốt ít là năm, rồi phải trải qua kì thi quốc tịch rất khó…

Còn chúng ta, kể từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta chính thức trở thành công dân của Nước trời, được đầy đủ quyền lợi của một người con cái Thiên Chúa với quyền thừa kế Nước trời, xem ra quá dễ dàng. Nhưng thử hỏi chúng ta đã lưu tâm đến quyền công dân này như thế nào? Chúng ta có quí trọng, có tha thiết với chuyện này không? Hay vì thấy Chúa ban ơn dễ dàng quá rồi chúng ta xem thường? Thậm chí có người còn chối bỏ quyền công dân này cách dễ dàng khi họ quyết đi theo tiếng gọi của quyền lực trần thế (Chẳng hạn: làm trưởng phòng này thì anh chị không thể là người Công giáo được! Thế là Chúa bị khai trừ. Chức trưởng phòng được đặt lên trên quyền Công dân Nước trời, đôi khi trên cả Chúa nữa! Chuyện này không phải là hiếm xảy ra đâu). Hoặc có người sẵn sàng chấp nhận tuyệt thông với Giáo hội chỉ vì muốn thoả mãn đi theo tiếng gọi của những mối tình vụn trộm nên dẫn đến việc ngoại tình, phá thai, kết hôn không phép đạo… Nhưng cũng có biết bao những tâm hồn thành tâm thiện chí, quyết bảo vệ quyền Công dân Nước trời của mình nên sẵn sàng hy sinh tất cả, vui lòng mất mát tất cả, ngay cả mạng sống của mình miễn sao đừng lạc mất Chúa. Đó là gương của các thánh tử đạo mà chúng ta mới vừa mừng kính hôm Chúa Nhật tuần trước. Khi hết lòng vì niềm tin mình đã lãnh nhận là khi chúng ta tin nhận Chúa Giêsu chính là Vua của chúng ta, Nước trời là gia nghiệp đời đời của chúng ta. Thử hỏi cón có ai khôn ngoan hơn nũa không? Chọn Chúa, chọn Nước Trời làm gia nghiệp là chọn lựa cao nhất và khôn ngoan nhất mà con người có thể làm được ngay tại thế gian này.

Nhưng làm sao chúng ta có thể chọn lựa được như thế nếu chúng ta không hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa của mình. Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” thì Chúa Giêsu hỏi lại: “quan tự ý nói thế hay có người khác nói với quan về tôi”. Chúa muốn kiểm định xem cái biết của Philatô ở mức độ nào: chỉ nghe nói về Chúa hay đã có cảm nhận riêng về Ngài? Rõ ràng Philatô đã biết cách rất mù mờ về Chúa Giêsu với những thông tin đầy thành kiến về Chúa do những kẻ chống đối Chúa cung cấp cho. Cách biết của Philatô về Chúa Giêsu như thế sẽ không thể làm cho ông đi vào sự thân mật với Chúa Giêsu. Và như thế thì Chúa Giêsu sẽ còn tiếp tục im lặng. Ngài sẽ im lặng trước câu hỏi của Philatô: “Sự thật là cái gì?”. Như thế, chắc chắn Philatô sẽ không được: “sự thật giải thoát” mà sự thật đó chính là Đức Giêsu như Ngài đã từng nói: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Sống niềm tin và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu là đi vào sự tiếp xúc riêng tư với Ngài, để chi tình yêu của Ngài tác động và lôi kéo ta vào thế giới riêng. Nơi đó, ta sẽ gặp được tình yêu, lòng thương xót và sự thật. Nơi đó, ta sẽ gặp được vị Vua thật của lòng ta và Ngài sẽ Vua cai trị tâm hồn ta. Khi đó, chúng ta sẽ biết cách hành động theo chân lý và sẽ được “Chân lý giải thoát” chúng ta.

 

11. Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng

ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ – VUA SỰ THẬT

Chúa Giêsu có phải là vua thật không? Ngài là vua theo nghĩa nào? bài Tin Mừng trả lời cho chúng ta những câu hỏi đó trong phiên tòa Rô-ma xử án Chúa Giêsu. Người xét xử là tổng trấn Phi-la-tô, là ông quan của đế quốc Rô-ma đặt cai trị ở Do thái, vì lúc ấy dân Do thái đang ở dưới quyền đô hộ của người Rô-ma. Bị cáo là Chúa Giêsu, do người Do thái điệu Chúa đến đây để xin Phi-la-tô xét xử.

Phi-la-tô hỏi Chúa: “Ông có phải là vua dân Do thái không?”. Để trả lời, Chúa hỏi lại: “Ngài tự ý hỏi điều ấy hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”. Hỏi như vậy là Chúa muốn vạch trần thâm ý của Phi-la-tô. nếu Phi-la-tô tự ý hỏi như vậy tức là Phi-la-tô muốn hỏi: “Anh có phải là tay lãnh tụ chính trị, dám chống lại chính quyền Rô-ma không?. Đối với Phi-la-tô, là vua Do thái chỉ có nghĩa như vậy. Mà nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “không”. Ngài không phải là vua theo nghĩa đó. Còn nếu câu Phi-la-tô hỏi là do các nhà lãnh đạo Do thái nhắc nhở cho, thì có nghĩa là Chúa Giêsu là vị cứu tinh của Do thái như Thiên Chúa đã hứa với dân tộc họ. Nếu như thế thì câu trả lời của Chúa là “có”. Ngài thực sự là vua. Nhưng không phải chỉ là vua của dân Do thái mà còn là vua của mọi người. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu là vua tâm linh, là vua lòng mọi người, chứ không phải là vua theo nghĩa thông thường trần gian. Nước của Chúa bao gồm những tâm hồn tin theo Chúa. Vì thế, vương quyền của Chúa có tính cách thiêng liêng chứ không có tính cách trần thế, không dùng phương tiện, sức mạnh, bạo lực của trần gian. Trái lại, phương tiện thực thi vương quyền của Chúa là nhập thể cứu chuộc và rao giảng sự thật. Chính Chúa đã khẳng định với Phi-la-tô: “Tôi là vua, nước tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

Như vậy, chúng ta có thể quả quyết: Chúa Giêsu là vua. Ngài là vua sự thật. Sự thật là gì? Chính Phi-la-tô đã hỏi Chúa điều đó. Chúa không đáp lại bằng lời nói mà bằng chính việc Ngài đang thực hiện trước tổng trấn. Việc đó là thực hiện việc của tình yêu cứu độ. Ngài vô tội, nhưng vì yêu thương nhân loại, đã cam lòng chịu chết để đền tội cho nhân loại. Sự thật là như thế. Đó là tình yêu cứu độ. Đó là sự thật mà Chúa muốn làm chứng và muốn nói tới. Và giờ đây, nhìn chung quanh trong nhà thờ này: các ảnh tượng Chúa, chúng ta cũng thấy sự thật cứu độ là như vậy: Chúa Giêsu trên cây Thánh giá, Chúa Giêsu trong phép Mình Thánh, Chúa Giêsu trong chặng đường thánh giá…Tất cả đều nói lên tình yêu cứu độ.

Tình yêu ấy đã được ban cho con người, chỉ cần con người đón nhận tình yêu ấy bằng một tâm hồn khiêm tốn, khao khát tình yêu cứu độ. Và bằng tâm hồn mở rộng ra, yêu thương bác ái đối với những người chung quanh. Sự thật cứu độ như vậy, nói thì đơn sơ dễ dàng, nhưng thực hiện thật là phức tạp và khó khăn, đòi hỏi nhiều cố gắng của chúng ta. Bởi vì cuộc sống tất bật, chật vật, đầu tắt mặt tối, đầy lo toan khốn khổ, dễ đẩy chúng ta vào thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, thấp hèn. Chúng ta không dễ nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau, mà ngược lại, muốn lấn lướt người, muốn được phần hơn, muốn loại trừ nhau, nhiều khi dùng cả những thủ đoạn độc địa, thô bỉ nữa. Như vậy, chúng ta chưa sống sự thật cứu độ, chưa rao giảng sự thật cứu độ, chưa làm chứng cho sự thật cứu độ. Điều đó có đúng không?

Chúng ta tôn xưng Chúa Giêsu là vua, thì chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta tôn xưng Chúa là vua sự thật, thì chúng ta là dân sự thật của Ngài, chúng ta phải làm sáng tỏ sự thật ấy. Cuộc sống chúng ta có rất nhiều dịp, nhiều lúc phải quyết định chấp nhận hay từ khước, nói có hay không dứt khoát: có thì nói có, không thì nói không. Một khi chúng ta trả lời “có” cho một người, tức là chúng ta trả lời “không” cho người khác. Khi chúng ta trả lời “có” cho Thiên Chúa, là chúng ta trả lời “không” cho ma quỷ cám dỗ. Không thể có trung lập giữa không và có, giữa Chúa và ma quỷ, giữa ánh sáng và bóng tối. Theo Chúa là phải có một quyết định, một lập trường, một triết lý sống thực hành thánh thiện, ngay thẳng, trung thực, chứ đừng ăn không nói có, lật lọng, dối trá, thay trắng đổi đen.

Nói rõ hơn, chúng ta phải tôn trọng sự thật: phải giữ thành thật trong lời nói, tư tưởng và việc làm. Không được làm chứng dối, thề gian, bỏ vạ, cáo gian, đổ tội cho người khác, vu khống người ta. Không được xét đoán vô căn cứ, kết tội khi chưa đủ bằng chứng, cả khi nói những lời gây thiệt hại danh dự của người khác…cũng đều lỗi phạm sự thật. Can đảm biện hộ cho sự thật khi cần đến và có sự thật buộc chúng ta phải giữ kín.

Chúng ta hãy nhớ: một người sống trung thực, chân thành, bác ái, yêu thương giữa một xã hội đầy dẫy những lừa lọc, gian dối, ích kỷ, ti tiện…có lẽ sẽ bị đánh giá là một người không giống ai, là một người lội ngược dòng nước cuốn, Nhưng chính việc lội ngược dòng, chính việc sống trung thực, yêu thương lại chính là thánh giá mỗi người cần phải vác hằng ngày. Chúng ta phải trở nên muối đất, trở nên ánh sáng thế gian bằng cuộc sống chứng nhân trung thực cho Chúa Giêsu Kitô.

 

12. Một giải pháp cho nền hòa bình thế giới

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Vương quốc Fanxica là một đất nước thái bình, thịnh vượng. Nhà vua và hoàng hậu lại có diễm phúc sinh được hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn và có khí phách dũng cảm của bậc anh hùng. Hai vị hoàng tử nầy lại thương yêu hoà hợp với nhau, đêm ngày gắn bó với nhau như hình với bóng.

Trong khi đó, vua nước láng giềng tên là Faroux, là một người cực kỳ nham hiểm và ác độc, nuôi mối căm thù truyền kiếp với vua Fanxica. Lòng căm thù của ông lại càng dâng cao khi thấy vua Fanxica có hai hoàng tử khôi ngô tuấn tú, vũ dũng hơn người, trong khi mình thì không có lấy một mụn con. Vì thế, ông rắp tâm hạ sát hai vị hoàng tử kia cho bằng được.

Vua Faroux biết hai vị hoàng tử thường hay vào rừng săn bắn, nên vua cho người mai phục, giăng bẫy bắt được hoàng tử em là Faram.

Sau khi hay tin em mình mất tích trong rừng, hoàng tử anh một mình một ngựa xông xáo vào rừng tìm em. Không ngờ chính anh cũng bị vua Faroux giăng bẫy bắt được.

Tên vua độc ác giam hai anh em vào hai ngục tối biệt lập nên hai hoàng tử không hề hay biết gì về số phận của người kia.

* * *

Theo thông lệ hàng năm, vào dịp sinh nhật của vua, vua cho tổ chức những cuộc quyết đấu giữa những con ác thú, để chúng phanh thây xé xác nhau làm trò vui cho quan quân và dân chúng.

Năm nay, thay vì cho ác thú đấu nhau, nhà vua ác độc bắt hai tù nhân vạm vỡ khoẻ mạnh, mỗi người mang một bộ da sư tử trên mình, đeo thêm mặt nạ sư tử, và buộc họ phải quyết đấu cho đến khi một trong hai người phải chết. Ai sống sót sẽ được trả tự do.

Cả đấu trường hò la vang dậy khi quân lính dẫn hai đấu thủ mặc lốt sư tử bước ra. Với thanh mã tấu trên tay, hai con người lốt sư tử xông vào nhau chiến đấu vô cùng ác liệt như hai ác thú say mồi. Đám đông cổ võ hò la vang trời dậy đất.

Cuộc chiến kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai đấu thủ mệt nhoài, mình mẩy hai người đều đầy thương tích máu me, nhưng không ai chịu nhường ai. Mỗi người đều dốc hết toàn lực để hạ đối thủ, để dành sự sống, để được trả tự do, để khỏi làm nô lệ suốt đời. Chỉ có chiến thắng hay là chết!

Thế rồi đấu thủ cao người hơn lao tới như báo vồ mồi, vung đao chém xoạc mặt đối phương, làm rơi mặt nạ sư tử, để lộ ra một khuôn mặt… rất thân quen!

Anh kinh hoàng tột độ! Thanh mã tấu trên tay rơi xuống. Anh giật bỏ mặt nạ của mình ra. Hai người ồ lên kinh ngạc. Họ bàng hoàng nhận ra nhau. Không ai xa lạ, họ chính là hai anh em ruột thịt, hai hoàng tử con vua Fanxica bị vua Faroux bắt cóc.

Họ lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Họ đâu ngờ rằng đối thủ mà họ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được lại là người anh em rất thân yêu.

Nước mắt tuôn tràn hoà chung với máu. Hai con người bầm dập, mình mẩy đầy máu me ôm nhau khóc tức tưởi. Khóc vì đã coi nhau như kẻ thù, đã đấu tranh với nhau như ác thú; khóc vì đã gây cho nhau bao vết thương đau. Họ vẫn đứng đó, ôm nhau khóc tức tưởi trước hàng ngàn cặp mắt bàng hoàng kinh ngạc của mọi người.

* * *

Hình ảnh hai anh em ruột thịt giao đấu với nhau một mất một còn trong câu chuyện trên đây là một minh hoạ cho tấn thảm kịch đau thương vẫn diễn ra hằng ngày giữa cộng đồng nhân loại. Ngay giờ đây, nhiều nơi trên thế giới cũng đang xảy ra những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn y như thế.

Chính ma quỷ thù nghịch với Thiên Chúa, cũng giống như ông vua Faroux độc ác kia, đã trùm lên con người lốt sư tử, lốt chó sói. “Người là chó sói của người – homo homini lupus”. Vì thế, con người không còn nhận ra nhau là anh em cùng loài; mà xem người khác như là kẻ thù cần tiêu diệt để dành lấy sự sống cho mình.

Đứng trước thảm cảnh đó, mọi cố gắng xây dựng hoà bình của con người, của các tổ chức quốc tế đều không thể dập tắt hận thù và chiến tranh.

Khi hai bên đã say máu chiến tranh, nếu có người tước súng đạn của họ đi, thì đôi bên sẽ chiến đấu với nhau bằng dao rựa, mã tấu… Nếu tịch thu dao rựa, mã tấu, thì đôi bên sẽ dùng gậy gộc gạch đá để huỷ diệt nhau; Có tịch thu hết gậy gộc gạch đá thì đôi bên có thể tấn công nhau bằng nắm đấm, dùng răng để cắn xé nhau…

Vậy phải làm thế nào để chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình cho nhân loại?

Muốn làm cho đôi bên tự động ngưng chiến và làm hòa lại với nhau thì giải pháp tốt nhất không phải là tước bỏ khí giới mà là khai hoá cho đôi bên biết rằng: đối thủ của họ không là ai khác mà chính là người anh em ruột thịt con cùng một cha.

Chính Vua Giê-su đến thế gian để thực hiện điều đó. Ngài tuyên bố trước toà Philatô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”. Sự thật quan trọng nhất của Chúa Giê-su là soi sáng cho mọi người biết Thiên Chúa là Người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Ngài và là anh chị em ruột thịt với nhau. Với sự thật nầy, mặt nạ da thú đã bị tước bỏ đi, để lộ khuôn mặt rất thân thương của người anh em.

Mừng lễ Chúa Giê-su Vua, chúng ta hãy cầu xin cho mọi người trên khắp thế giới được đón nhận sự thật cao đẹp do Chúa Giê-su mang đến. Chỉ có sự thật tuyệt vời nầy mới có thể giải thoát nhân loại khỏi hận thù chiến tranh, khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Chỉ có sự thật nầy mới là động cơ xây dựng thế giới trở thành một đại gia đình huynh đệ.

 

13. Suy niệm của Đ.Ô. Nguyễn Quang Sách

CHÚA KITÔ VUA “CHÚA GIÊSU TRỌN VẸN,

NHÂN BẢN NHẤT VÀ CÒN SIÊU VIỆT”

ROMA- Bài giải thích của Cha Raniero Cantalamessa, giảng Phủ giáo Hoàng, về những bài đọc phụng vu Chúa nhật Chúa Kitô Vua:.

“Rồi các ông sẽ Con Người ngự bên hửu Đấng toàn năng, và ngự giá mây mà đến…”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Pilatô hỏi Chúa Giêsu,” Ông có phải là Vua dân Dothái không?” và Chúa Giêsu trả lời,” Chính ngài nói tôi là Vua.” Trươc đó không lâu, Caipha đã hỏi Người cũng một câu hỏi đó trong cách khác: “Ông có phải là Con Thiên Chúa Đáng Chúc tụng không?” và Chúa Giêsu đã thẳng thắng trả lời lần này: “Chính tôi đây!”

Thật vậy, theoTin Mừng Thánh Marcô, Chúa Giêsu tăng cường câu trả lời này, trưng dẫn và áp dụng cho chính mình điều mà tiên tri trong Sách Daniel đã nói vể Con Người ngự giá trên mây trời mà đến và nhận lãnh vương quốc không bao giờ tàn (Bài đọc I). Một thị kiến vinh hiển trong đó Chúa kitô xuất hiện trong câu truyện và trên câu truyện, thế tục và đời đời

Bên hình ảnh vinh hiển này của Chúa Kitô chúng ta gặp, trong các bài đọc lễ trọng này, hình ảnh Chúa Giêsu khiêm tốn và đau khổ, quan tâm về việc làm cho các môn đệ nên vua hơn là cai trị họ. Trong đoạn trích từ sách Khải Huyền, Chúa Giêsu được diễn tả như là “Đấng yêu thương chúng ta và đã cứu chúng ta khởi tội bằng máu Người, Đấng đã đưa chúng ta vào một vương quốc, làm linh mục cho Thiên Chúa và Cha của Người.”

Điều được luôn luôn chứng tỏ khó làm là giữ chung hai đặc quyền này của Chúa Kitô-vẻ uy quyền và lòng khiêm tốn-phát sinh từ hai bản tính của Người, thần tính và nhân tính. Con ngươi thời nay không có vấn đề thấy trong Chúa Giêsu người bạn và người anh của mọi người, nhưng họ gặp là chuyện khó nếu cũng công bố Người là Chúa và công nhận vương quyền của Chúa Giêsu trên họ.

Nếu chúng ta xem cuốn phim chiếu Chúa Giêsu, thì rõ về sự khó nầy. Nói chung phim cinema đã chọn Chúa Giêsu làm người hiền, bị bắt bớ, bị hiểu lầm, rất gần gũi con người hầu chia sẻ thân phận con người, những sự nổi loạn con người, sự ước muốn của con người sống một đời sống bình thường. Trong đường hướng này được kết nối phim”Jesus Christ Superstar-Chúa Giêsu Siêu Sao” và “Sự Cám Dỗ Cuối Cùng của Chúa Kitô” thô lỗ và phạm thượng hơn của Martin Scorcese.

Pier Paolo Pasolini, trong “Vangelo secondo Matteo” (Tin Mừng theo thánh Matthêo), cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Người bạn các tông đồ và các con người, gần gũi với chúng ta, mặc dầu Người không thiếu một chiều kích nào đo của mầu nhiệm, được diễn tả với nhiều thi thơ, hơn hết qua những lúc sầu thảm thinh lặng.

Chỉ có Franco Zeffirelli, trong cốn phim “Chúa Giêsu thành Nadareth” của ông, đã cố gắng giữ cả hai là vẻ uy quyền và tính khiêm nhượng. Chúa Giêsu xuất hiện trong cuốn phim của Zeffirelli’s như là một người giữa muôn người, niềm nở và gần gũi, nhưng, đồng thời, như một Đấng, với những phép lạ và sự phục sinh của Người, đặt chúng ta trước mầu nhiệm của bản thân Người, một con người vượt quá sự nhân bản đơn thuần.

Tôi không muốn ngăn chận những cố gắn tái đề nghị biến cố Giêsu trong những từ có thể hiểu được và bình dân. Trong thời gian của Người Chúa Giêsu không bị xúc phạm nếu “dân chúng” xem người như là một trong các vị tiên tri. Tuy nhiên, ngài hỏi các tông đồ, “Nhưng phần anh em, anh em nói Thầy là ai?” cho thấy rõ những câu trả lời về phía dân chúng thì không đủ.

Chúa Giêsu mà Giáo Hội trình bày cho chúng ta hôm nay trong ngày lễ trọng Kitô Vua, là Chúa Giêsu trọn vẹn, hầu như nhân bản mà còn siêu việt. Tại Paris thanh gỗ đã được sử dụng để thiết lập chiều dài của thước được giữ cẩn thận đến nỗi đơn vị đo lường này, do Cách Mạng Pháp đưa vào, không bị thay đổi với thời gian. Cũng vậy, trong cộng đồng tín hữu tức là Giáo Hội, hình ảnh thật sự của Chúa Giêsu thành Nadareth được bảo tồn. Hình ảnh này phải được sử dụng như là tiêu chuẩn để đo tính hợp pháp của mọi sự trình diễn về Người trong văn chương, cinéma và nghệ thuật.

Đó không phải là một hình ảnh cố định và trơ trơ, được giữ dưới tủ kính như cây thước, nhưng là một hình ảnh Chúa Kitô sống động, Đấng lớn lên trong sự hiểu biết của Giáo Hội, Đấng sẽ tiếp tục làm nẩy sinh những câu hỏi và những thách thức mới của nền văn hóa và phát triển nhân bản.

home Mục lục Lưu trữ