Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 87
Tổng truy cập: 1379697
XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG
XÂY DỰNG PHÚC LỢI CỘNG ĐỒNG- Lm Inhaxiô Trần Ngà
Chủ nghĩa Makeno (có nghĩa là mặc-kệ-nó, một cách nói khôi hài chỉ thái độ vô cảm, thờ ơ trước những đau thương khốn khổ của người khác, không quan tâm đến lợi ích chung) là một thói xấu tai hại đang lan rộng trên quê hương đất nước chúng ta.
Vì tiêm nhiễm thói vô cảm và tham lam, người sản xuất thực phẩm độc hại chỉ cần biết thu lãi thật nhiều cho mình mà không thiết gì đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Vì tiêm nhiễm thói vô cảm, tham lam… nhiều người sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc độc hại để hốt tiền, bất chấp sinh mạng và sự thiệt hại lớn lao của người khác.
Thói vô cảm cực kỳ tai hại vì nó hủy diệt tình nghĩa đồng bào, phá vỡ nền móng đạo đức, làm đất nước suy yếu, gây thiệt thòi, mất mát đau thương cho nhiều người… Thói xấu tai hại nầy hoàn toàn trái ngược với chủ trương sống yêu thương phục vụ của Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su hiến thân xây dựng phúc lợi cộng đồng
Mang lại phúc lợi cho cộng đồng nhân loại là ưu tiên hàng đầu của Chúa Giê-su. Vì thế, Ngài đã hạ mình xuống thế để phục vụ nhân loại và hiến ban cả mạng sống để cứu rỗi muôn người.
Trong ba năm bôn ba rao giảng Nước Trời, Chúa Giê-su luôn sống vì mọi người: “Cho người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kể điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng” (Lc 7, 22).
Qua Tin mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc người khác. Ngài không dừng lại ở việc rao giảng Tin mừng mà còn chăm lo cho cả cái bao tử trống không của họ nữa.
Chúa Giê-su mời gọi chúng ta quan tâm giúp ích cho người khác
Xây dựng phúc lợi cộng đồng là trách nhiệm chung của mọi người, thế nên Chúa Giê-su không thực hiện một mình mà còn kêu mời các môn đệ cùng tham gia vào việc nuôi ăn đoàn dân đông đảo đang theo Ngài ngày hôm ấy.
Trước hết Chúa hỏi Phi-líp-phê, để mời gọi ông cùng chung lo với Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”
Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”
Bấy giờ môn đệ thứ hai là An-rê tham gia: “Thưa Thầy, ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! “
Thế là em bé nầy được đưa đến với Chúa Giê-su. Ngài đã thuyết phục em chịu hy sinh phần ăn quý hóa của mình cho tập thể. Thế là ngay cả trẻ con cũng được Chúa Giê-su mời gọi góp phần cho phúc lợi của cộng đồng.
Khi bụng đói cồn cào thì chẳng có gì cần hơn cơm bánh. Vậy mà em bé nầy đã quảng đại trao năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ vào tay Chúa Giê-su.
Nhờ có sự tham gia của các môn đệ và đứa bé, “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy.”
Thế rồi, điều tuyệt vời là đang khi mỗi người chấp nhận trao phần bánh ít ỏi của mình cho người khác thì phép lạ xảy ra: bánh càng trao đi thì càng được tăng thêm nhiều, cá càng được chia ra thì lại phát sinh gấp bội, nhiều đến nỗi cả 5.000 người ăn không hết còn dư lại cả 12 thúng đầy!
Xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển là điều kiện tiên quyết để mỗi người được hạnh phúc
Số phận của mỗi tế bào trong cơ thể tùy thuộc vào số phận của toàn thân. Khi thân thể lâm trọng bệnh thì các tế bào cũng bị ảnh hưởng nặng nề và khi thân thể chết đi thì các tế bào không thể nào tồn tại. Trái lại, khi toàn thân khỏe mạnh thì mỗi một tế bào trong cơ thể cũng được hưởng nhờ. Vì thế, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, phát triển, hòa bình… là điều kiện cần thiết để từng cá nhân trong xã hội được an bình hạnh phúc.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đến trần gian hiến trọn đời mình để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại. Chúa không chỉ cứu rỗi linh hồn con người mà thôi, nhưng còn nỗ lực xây dựng một thế giới lành mạnh, hạnh phúc ngay trên mặt đất bằng cách cổ võ mọi người dấn thân phục vụ, yêu thương.
Xin dạy chúng con xa lánh thói vô cảm đang dần dần tàn phá xã hội; trái lại, biết noi gương Chúa Giê-su hiến thân đem lại phúc lợi cho anh chị em chung quanh mình.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm B
PHÉP LẠ CỦA LÒNG QUẢNG ĐẠI- Trích Logos B
Thánh Augustinô đã kể lại câu chuyện về tấm lòng quảng đại xảy ra lúc ngài đang sống tại Milanô, nước Ý như sau:
Ngày kia, một người nghèo lượm được cái ví trong đó có 200 đồng tiền vàng. Vì là người ngay thẳng, ông muốn trả cái ví cho người đã đánh rơi, nhưng không biết tìm đâu ra chủ cái ví tiền. Ông ta liền viết một tấm bảng treo trước cửa nhà, mời ai mất ví đến nhận lại. Đọc được tấm bảng, người mất ví tìm đến xin nhận lại của đánh rơi.
Sau khi tra hỏi kỹ lưỡng, người nghèo kia trả lại cái ví cho chủ nó. Người mất ví cám ơn rối rít và ngỏ ý tặng cho người nghèo kia 20 đồng vàng, tức 1/10 số tiền trong ví. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món tiền ấy. Người mất ví liền xin ông ta nhận 10 đồng, nhưng ông cũng không nhận. Cuối cùng, người mất ví nài nỉ ông ta nhận cho 5 đồng, người nghèo kia vẫn một mực từ chối.
Khổ tâm vì không thể biểu lộ lòng biết ơn của mình, người mất của ném cái ví xuống đất và nói : “Bởi vì ông không chịu nhận đồng nào, nên tôi tuyên bố : tôi không hề mất chiếc ví này”.
Nghe thế, người nghèo kia đành nhận món quà, nhưng ngay lập tức, ông đem số tiền chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông.
Quả là một câu chuyện thật đẹp về tấm lòng quảng đại ! Cả hai nhân vật trong câu chuyện đều không chịu thua lòng quảng đại của nhau. Lòng quảng đại luôn làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và đáng sống. Tuy nhiên, với bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, lòng quảng đại còn góp phần làm nên cả một phép lạ ! Vì thế, ta có thể gọi “phép lạ hóa bánh ra nhiều” chính là phép lạ của lòng quảng đại.
Những tấm lòng quảng đại
Trước hết, đó là tấm lòng quảng đại của Chúa Giêsu : Ngài đã chạnh lòng thương xót đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không có chủ chăn. Chúa đã nhìn thấy sự đói khát của họ. Không những họ đói khát tinh thần, tức đói khát lời Chúa, nhưng họ còn đói khát thể lý, tức đói khát cơm bánh.
Với cái đói tinh thần của dân chúng, Chúa Giêsu đã ban cho họ lời Hằng Sống. Và với tấm lòng quảng đại thật sâu sắc, Chúa còn nhận ra họ đang lê bước trong cái đói của thể xác. Cái đói tâm linh là rất quan trọng, nhưng cái đói thể xác cũng quan trọng không kém, vì “có thực mới vực được đạo”.
Vì thế, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng quảng đại trước sự bất lực của các môn đệ và mọi người. Như tông đồ Philipphê đã thưa với Chúa : “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ cho mỗi người một chút”. Với quyền năng, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, sau đó còn dư 12 thúng đầy bánh vụn. Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này không phải do dân chúng cầu xin hay bởi các môn đệ đề nghị, nhưng hoàn toàn do lòng quảng đại của Ngài.
Thứ đến, ta kể đến tấm lòng quảng đại của cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Có người cho rằng cậu là một em bé bán hàng rong. Nhưng có người lại cho rằng : cậu bé đã cố gắng đi theo Chúa để nghe lời Chúa và 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ kia chính là phần ăn cậu mang theo. Nhưng dù là ai, cậu bé cũng đã quảng đại dâng cho Chúa tất cả những gì quý nhất lúc đó để Chúa thực hiện phép lạ. Dĩ nhiên, lúc ấy có thể nhiều người khác cũng có phần ăn của mình như thế, nhưng họ đã hẹp hòi giấu đi để hưởng dùng một mình. Đó chính là nguyên nhân gây nên thảm cảnh nghèo đói của nhân loại hiện nay. Thế giới đang cần những trái tim tuy nhỏ bé nhưng đầy quảng đại như trái tim của cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá.
Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người
Có người cho rằng : phép lạ hóa bánh ra nhiều trong sách Tin Mừng không có thật. Sở dĩ có hiện tượng mọi người có đủ bánh và cá ăn no nê hôm ấy vì có tác động tâm lý từ việc làm của cậu bé. Cậu bé đã quảng đại chia sẻ phần ăn của mình cho người bên cạnh. Hành động ấy đã thúc đẩy những người khác cũng lấy phần ăn của mình mà chia cho người khác. Vì vậy mọi người có đủ bánh và cá để ăn, thậm chí còn dư thừa nữa.
Nhưng đó là lập luận của những người chỉ đề cao ý nghĩa của sự chia sẻ cách thực dụng. Thật ra, mọi người lúc ấy đều nhận ra sự thiếu thốn và đói khát của dân chúng khi đi theo Chúa. Hơn nữa, cả bốn Tin Mừng đều thuật lại phép lạ này với nhiều chi tiết.
Tuy là phép lạ thật sự, nhưng phép lạ ấy không phải được Chúa làm từ không mà có. Phép lạ ấy được Chúa thực hiện với sự cộng tác của con người. Dĩ nhiên, Chúa có thể làm phép lạ từ không nên có. Nhưng Chúa muốn có phần đóng góp của con người. Năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp nhỏ bé của con người. Chính phần đóng góp nhỏ nhoi đó đã làm nên phép lạ kỳ diệu.
Chúa Giêsu cũng có thể thực hiện phép lạ một mình, không cần sự giúp đỡ của người khác. Nhưng Chúa lại nhờ bàn tay cộng tác của các môn đệ để phân phát bánh và cá cho dân chúng, rồi dân chúng lại truyền tay cho nhau. Ngài muốn con người cộng tác với Ngài và với nhau để làm nên phép lạ lớn lao đó. Được cộng tác với Thiên Chúa chính là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người. Nhất là Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình cứu rỗi của mỗi người. Như lời thánh Augustinô : “Khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta”.
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng đến với Ngài trong cơn đói khát, Ngài đã thốt lên : “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn ?”. Có lẽ đó cũng là một vấn nạn lớn lao được đặt ra cho chúng ta hôm nay khi chúng ta đang đối diện với một thực trạng xã hội hiện thời : vẫn còn nhiều người nghèo đói trên thế giới. Đói cơm bánh, đói văn hóa, đói tình thương, đói nhân phẩm con người,… Tất cả đang chờ đợi một phép lạ và phép lạ thì chờ đợi lòng quảng đại của chúng ta.
Ngày xưa, ngôn sứ Êlisê đã làm phép lạ để 20 chiếc bánh lúa mạch hóa ra nhiều cho 100 người ăn no nê (Bài đọc I). Nhưng sau đó, con người vẫn đói. Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá để nuôi 5000 người ăn no nê. Nhưng sau đó, mọi người vẫn đói. Ngày hôm nay, trên bàn thờ mỗi ngày, phép lạ lớn lao vẫn tái diễn khi Chúa bẻ tấm bánh đời mình để trao hiến cho nhân loại. Với lương thực thần linh là chính Thánh Thể Ngài, nhân loại sẽ no thỏa mãi mãi, không còn đói khát nữa. Chúng ta cũng được mời gọi để cũng biết bẻ tấm bánh đời mình chia sẻ cho tha nhân. Càng được bẻ ra, tấm bánh tình yêu càng được nhân lên thật nhiều cho mọi người.
Năm 1999, giải Nobel Hòa Bình đặc biệt dành cho tập thể những con người thiện nguyện. Đó là “Tổ Chức Các Thầy Thuốc Không Biên Giới”. Những con người này suốt đời hiến thân cho tha nhân, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị. Số tiền thưởng của họ là 980.000 đôla cũng được dành cho những người bất hạnh trên toàn trái đất.
Phép lạ “bánh hóa nhiều” chỉ có thể tiếp diễn và kéo dài trong thế giới nếu vẫn còn có những trái tim “không biên giới” như thế. Ta hãy xin Chúa ban cho con người biết chia sẻ cho nhau những tấm bánh cuộc đời, để tình yêu thương được nhân rộng khắp nơi.
CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN- Năm B
GÓP PHẦN LÀM PHÉP LẠ (*)- Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.”(Ga 6,11)
Phép lạ bánh hóa nhiều hôm nay làm cho tất cả mọi người chứng kiến phải ngạc nhiên ngỡ ngàng. Ngạc nhiên ngỡ ngàng vì tầm mức của nó quá rộng lớn. Nó không phải chỉ dành cho một người – một nhóm người – mà là cho tất cả mọi người…mà những người trong bài Tin mừng hôm nay không phải là những người bệnh tật, đau khổ…nhưng là những người khỏe mạnh.
Phép lạ này được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Đây là Phép lạ duy nhất được cả bốn Tin Mừng ghi lại. Điều đó chứng tỏ Phép lạ này có một chỗ đứng thật cao và vai trò thật quan trọng trong Lời giáo huấn và đời sống của Giáo Hội thời khai nguyên. Tuy nhiên ta cũng nên lưu ý vài chi tiết:
Với Gioan chúng ta thấy Chúa Giêsu có một vai trò thật đặc biệt: Ngài hoàn toàn chủ động và hầu như độc diễn trong câu chuyện này.
Nơi ba Tin Mừng khác ta thấy các môn đệ được kêu mời hợp tác với Chúa.
– Nào là họ có sáng kiến đến xin Chúa Giêsu cho dân về để mua thức ăn (Mt 14,15)
– Nào là bảo dân ngồi xuống từng nhóm 100 người (Mc 6,39-40)
– Nào là cầm bánh đi phát cho người ta. (Lc 9,16)
– Còn nơi Gioan, chúng ta thấy Chúa hoàn toàn chủ động.
– Hơn nữa sau Phép lạ ta thấy Gioan còn có cả một bài suy tư rất dài. Chúng ta sẽ suy niệm vào những tuần sau.
Như vậy chúng ta thấy được ý của Gioan. Ông muốn cho người ta thấy một mình Chúa Giêsu làm tất cả. Các người khác chỉ đóng vai phụ và như thế Chúa Giêsu là Cứu Chúa.
Chi tiết thứ hai: Nơi Chúa làm Phép lạ. Đó là một cánh đồng vắng, nơi thiếu thốn đủ mọi phương tiện của cuộc sống kể cả những thứ cần thiết như thực phẩm chẳng hạn.
Tin mừng có nhắc tới việc Andrê phát hiện ra một em bé có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng bằng ấy thì có thấm vào đâu với số người nguyên đàn ông thôi cũng lên đến 5000.
Chúa cũng đã thử tài của Philiphê là người quê ở vùng này xem ông có thể kiếm đâu ra đủ lương thực cho cả một đoàn người đông đảo như thế không. Philipphê đã nói lên tiếng nói xem ra có vẻ tuyệt vọng của mình: “Có đến 200 đồng quan = 200 ngày công = một số tiền rất lớn cũng không đủ cho mỗi người một chút.
Vậy mà Chúa vẫn bình thản ra lệnh: Cứ bảo người ta ngồi xuống. Chúa biết những gì Chúa sắp làm.
Chi tiết 3 là thời điểm Chúa chọn để làm Phép lạ: Trước lễ Vượt qua.
Lê Vượt qua là kỷ niệm hào hùng nhất của cả dân tộc. Lễ vuợt qua làm sống lại niềm tự hào của cả một dân tộc được Thiên Chúa giải phóng.
– Ngày ấy con cháu Israel làm nô lệ cho người Ai Cập. Ách nô lệ tưởng chừng như kéo dài bất tận. Nhưng Thiên Chúa đã thương. Uy quyền của Người đã quật ngã cả một Ai cập hùng cường và đưa dân của Người vào đất hứa.
– Ngày ấy giữa một sa mạc khô cằn trên thì nắng, duới thì cát, chung quanh có nhiều kẻ thù. Vậy mà suốt 40 năm Chúa vẫn gìn giữ dân của Người.
– Ngày ấy khi dân đi qua sa mạc khô cằn không nước, không thực phẩm cũng như những thứ cần thiết cho cuộc sống. Nhiều lúc họ tưởng chừng như phải bỏ xác giữa trời làm mồi cho muông thú. Thế mà dưới sự lãnh đạo của Moise, Chúa đã cho nuớc vọt ra từ tảng đá, Manna và chim chóc cứ từ trời rơi xuống mỗi ngày làm lương thực cho dân.
Tất cả những hình ảnh như thế làm cho những người đi theo Chúa vào trong hoang địa hôm nay làm sao mà quên được. Họ vẫn còn nhớ, nhớ thật rõ.
Ngày ấy trong sa mạc – Hôm nay trong đồng vắng.
Ngày ấy dân bị đói, Chúa ban Manna – Hôm nay đã ba ngày họ không có gì ăn, Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều. Bàn tay uy quyền của Người còn kỳ diệu hơn cả Moise. Hay nói đúng hơn: Ngài là Moise mới. Ngài là Vua. Không còn điều gì phải nghi ngờ nữa.
Trước sự việc Chúa đã làm, Gioan còn nhớ thật rõ cảm nghĩ của dân lúc đó và ông đã viết thật đậm câu này: “Quả thật Ngài là Đấng phải đến trong thế gian” và ông cũng không quên ghi lại một chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng rất quan trọng này: “Họ muốn tôn Ngài lên làm Vua”.
Nhưng Chúa trốn đi vì không muốn làm Vua theo kiểu họ mong chờ.
Vâng kính thưa anh chị em. Chúa Giêsu Chúa của chúng ta là Moise mới, là Vua. Ngài là Vua mới. Ngài là Vua đã thiết lập một dân tộc mới. Chúng ta là thần dân của Người.
BÀI HỌC.
Thử hỏi Chúa mong chờ gì nơi chúng ta?
Lời Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô 4,1 hôm nay trả lời cho chúng ta: “Anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận”. Ngài kể ra một loạt những đức tính cần thiết.
Phần tôi: Hãy biết sống quảng đại. Quảng đại như chú bé đã dâng cho Chúa những tấm bánh và hai con cá hôm nay.
Cậu bé chẳng có gì nhiều để dâng lên Chúa, nhưng từ lễ vật đơn thành của cậu. Chúa Giêsu đã có chất liệu để thực hiện phép lạ. Nếu cậu cứ giữ lại bánh và cá cho riêng mình, thì lịch sử có lẽ đã mất đi một phép lạ lớn lao, chói lọi.
Nói tới đây tôi nhớ đến một câu chuyện.
Để dạy các thiếu niên lòng quảng đại. Thánh Don Boscô đã kể lại câu chuyện sau đây:
Một hôm Chúa Giêsu gọi Phêrô và Gioan lại bảo hai ông cùng leo núi với Ngài.
Dọc đường Ngài bảo hai ông mỗi người hãy mang theo một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc đã rồi mới nhặt một viên đá nhỏ bỏ vào túi. Gioan do lòng quảng đại tự nhiên, vác cả một tảng đá lớn. Đường dài vác nặng. Gioan thở hổn hển, còn Phêrô vừa đi vừa huýt sáo thảnh thơi. Ông nói với Gioan:
– Sao anh nhọc công vác một tảng đá lớn như thế?
Chúa Giêsu nghe hết tất cả nhưng Ngài giữ thinh lặng. Khi lên đến đỉnh núi, Ngài muốn dạy cho Phêrô một bài học về lòng quảng đại. Ngài bảo hai môn đệ ngồi xuống rồi đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá ra thành bánh mì.
Phêrô tiu nghỉu vì viên đá của ông chỉ biến thành mẩu bánh mì nhỏ không đủ xoa dịu cơn đói của ông.
Lần khác, Chúa Giêsu cũng gọi hai môn đệ Phêrô và Gioan leo núi với Ngài. Dọc đường Ngài cũng bảo hai ông mang đá theo. Với kinh nghiệm của lần trước, Phêrô liền đi tìm một tảng đá bự cồ để vác. Cố gắng hết sức Phêrô mới vác được tảng đá lên đến đỉnh núi. Ông chờ đợi phép lạ Chúa Giêsu sẽ làm để thưởng ông. Thế nhưng, Chúa Giêsu chỉ nói với họ:
– Nào chúng ta hãy ngồi lên những viên đá chúng ta vừa mang đi theo. Không phải lúc nào ta cũng biến đá thành bánh mì cả đâu!
Phêrô thấy xấu hổ, ông trách Chúa:
– Thì ra Thầy đã chơi khăm con!
Nhưng Chúa Giêsu bảo ông:
– Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.
Lòng quảng đại đích thực không có sự tính toán.
Nếu tính toán, em đã chẳng dâng cho Chúa những gì em có.
Nếu tính toán như Philiphê thì làm sao mà có được phép lạ?
Hãy bắt chước Chúa cho đi một cách quảng đại. Hơn 5000 người không phải là một con số nhỏ. Tất cả đã được ăn no nê. Vâng tất cả, không trừ một ai.
Xem ra Chúa Giêsu cần những gì chúng ta đem đến cho Ngài. Ngài không cần mỗi người chúng ta đem đến thật nhiều, nhưng cần những gì chúng ta đang có. Có thể là thế giới đã không nhận được phép lạ này đến phép lạ khác, chiến thắng này đến chiến thắng khác, chỉ vì chúng ta không chịu đem đến cho Chúa những gì mình có, không chịu đến với Chúa Giêsu bằng chính con người hiện tại của mình. Nếu chúng ta bằng lòng hiến dâng chính mình để phục vụ Chúa thì Ngài dùng chúng ta. Có thể chúng ta hối tiếc hổ thẹn vì mình không có gì nhiều để dâng, hối tiếc hổ thẹn như vậy là đúng, nhưng chúng ta không có lý do gì để từ chối dâng cho Ngài những gì mình có. Dù ít, bao giờ cũng thành nhiều trong tay Chúa Giêsu!
Hãy biết dâng hiến, chúng ta sẽ thấy những việc lạ lùng Chúa làm cho chúng ta. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam