Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 46

Tổng truy cập: 1378859

XIN CHO ĐƯỢC BIẾN ĐỔI NHỜ THÁNH THẦN

Xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bước vào Chúa nhật thứ hai Mùa Chay, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu, một mầu nhiệm vĩ đại. Lịch sử cho thấy ba Tông Đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê thực sự là là những tấm gương sám hối suốt Mùa Chay dẫn dắt tâm hồn chúng ta tới Đại lễ Phục Sinh, khi chúng ta cử hành cuộc chiến thắng của tinh thần trên thể xác, của ơn cứu chuộc trên tội lỗi.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NĂM A –

– St 12, 1-4a: Ơn gọi của Abraham

– Tv 33, 4: Lạy Chúa, xin đổ tình thương xuống trên chúng con

– 2 Tim 1, 8-10: Thiên Chúa kêu gọi chúng ta nhận biết Vinh Quang Ngài

– Mt 17, 1-9: Cuộc biến hình của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta

* PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NĂM – B

– St 22, 1-2; 9a; 10-13; 15-18: Thiên Chúa để Abraham bị thử thách

– Tv 106, 10: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa

– Rm 8, 31b-34: Ai có thể tách chúng tôi ra khỏi Tình Yêu Đức Kitô.

– Mc 9, 2-10: Cuộc biến hình của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta

* PHỤNG VỤ LỜI CHÚA NĂM – C

– St 15, 5-12; 17-18: Giao Ước của Thiên Chúa với Abraham

– Tv 27,1: Chúa là ánh sáng và là Đấng Cứ Độ

– Phil 3, 17-4,1: Đức Kitô sẽ biến đổi chúng ta

– Lc 9, 28-36: Cuộc biến hình của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta

Hôm nay, thánh sử Luca nhắc đến việc Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện… Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia…. Một số câu hỏi được đặt ra chung quanh biến cố Chúa Biến Hình:

  1. Tại sao Đức Giêsu Biến Hình?
  2. Tại sao Môi-se và Ê-li lại có mặt lúc Chúa Giêsu Biến Hình?
  3. Tại sao không phải là các Tông đồ khác mà lại là Phêrô, Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu đưa lên núi?

Chúng ta biết rằng, Đức Giêsu sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng chừng năm ngàn người ăn no (Lc 9, 14). Với vẻ chưng hửng của các Tông đồ về tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên sai của dân chúng. Khi thăm dò ý kiến chung, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó lần thứ I: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, và bị hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục phế thải, bị giết đi, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, 22). Như thế, Ngài đã mạc khải cho các môn đệ biết rằng, con đường tiến về Giêrusalem sẽ đưa Ngài đến với những đau khổ, cuộc tử nạn và cái chết đau thương trên thập giá, sau đó mới rạng ngời ánh sáng vinh quang. Nhưng các ông đâu có chấp nhận, khi nghe vậy Phêrô liền can ngăn: “Thiên Chúa thương! Chứ sẽ có đâu như thế!” (Mt 16,23). Chính vì thế, Chúa muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ, đồng thời giúp các ông sẵn sàng chấp nhận và hiệp thông với cuộc khổ nạn của Ngài, nên Ngài đã Biến Hình tám ngày sau đó, các tác giả Tin Mừng như (Mt 17, 1-9) và (Mc 9, 1-9) thì sáu ngày sau. Nhưng vì chưa nhận ra ý Chúa nên Phêrô muốn dựng ba lều ở trên núi Tabore (Lc 9, 33). Và như thế là Phêrô đã muốn biến cái tạm bợ trở thành vĩnh cửu để khỏi phải đương đầu với thập giá và khổ đau.

Trở lại câu hỏi tại sao Đức Giêsu lại chọn ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, phải chăng là vì họ hoàn hảo hơn những người khác?

Về vấn đề này, Thánh Gioan Kim Khẩu nói: Vì Phêrô đã từng tuyên xưng Đức Giêsu là “Ðức Kitô của Thiên Chúa” và được Đức Giêsu trao cho chìa khóa Nước Trời “Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời” (Mt 16, 19). Hơn nữa cũng bởi Phêrô đã yêu mến Chúa Giêsu Kitô nhiều hơn, “Lạy Chúa, Chúa thông hay mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa!” Phần Gioan, vì Gioan đã yêu mến nhiều, nên được mệnh danh là (người môn đệ Chúa yêu) (Ga 21, 15). Còn Thánh Giacôbê, là vì ##phản ứng của ông đã thực hiện cùng với anh trai mình: “Chúng tôi có thể uống chén của Thầy” và ông đã giữ lời, đã đi đến cùng của lời cam kết, khiến người Do Thái không chịu nổi, đã xử trảm ông.

Tại sao không phải là một tiên tri hay ngôn sứ nào khác mà lại là Môi-sen và Ê-lia?

Sứ vụ công khai của Chúa Giêsu tại Galilê đã khiến cho dân chúng đồn đoán về con người của Ngài. Có người cho rằng Ngài là Đấng Kitô, là Môi-sen hoặc Ê-lia, Giê-rê-mia hay là một tiên tri (Lc 9,19). Chúng ta cũng biết rằng người Do Thái không ngừng buộc tội Chúa Giêsu Kitô là người vi phạm luật, kẻ nói phạm thượng, kẻ chiếm đoạt vinh quang, mà theo họ, vinh quang đó không thuộc về Đức Giêsu, vinh quang của Thiên Chúa Cha. Họ thường nói: “Con người ấy không bởi Thiên Chúa được, vì hắn không giữ Hưu lễ!” (Ga 9, 16) Và chỗ khác họ nói: “Không phải vì một việc trọn hảo mà chúng tôi ném đá ông; nhưng vì một lời phạm thượng! ông là một người phàm mà dám cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10, 33). Đức Giêsu muốn chỉ cho mọi người biết, vì nghen tương mà họ gán cho Chúa hai tội danh ấy. Khi Ngài biến hình đàm đạo với hai nhân vật là Môi-sen và Ê-lia, Ngài khẳng định mình còn hơn cả Môi-sen và Ê-lia nữa. Môi-sen là người đã trao ban lề luật cho dân chúng, nên những người Do Thái không thế nói rằng vị tiên tri thánh này đã muốn chịu đau khổ vì một người vi phạm lề luật. Còn Êlia xuất hiện cùng Đức Giêsu, Đức Giêsu dạy chúng ta rằng Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết, cả trên trời và trong địa ngục. Đó là lý do Ngài biến hình cùng với Ê-lia là người đã không chết.

Tin Mừng cũng khai mở cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được vinh quang của thập giá. Ngài muốn củng cổ niềm tin của Phêrô và các môn đệ trước cuộc khổ nạn sắp đến, giúp họ thêm can đảm. Vì Môi-sen, Ê-lia cùng với Chúa Giêsu, cả ba không im lặng, nhưng: “Hai người đang đàm đạo với Ngài… Hai vị nói đến việc ra đi Ngài sắp hoàn tất tại Yêrusalem” (Lc 9, 30-31), có nghĩa là cuộc khổ nạn và thập giá. Đó chính là điều mà các tiên tri hay nói đến. Đức Giêsu cũng muốn các môn đệ mình noi theo Môi-sen và Ê-lia về những nhân đức trổi vượt trong quá khứ, và Ngài cũng muốn rằng: “Ai muốn theo Thầy, hãy vác thập giá mình mà theo”.

Một điều rất thú vị là Môisen đã rẽ đôi nước biển để cho dân chúng đi ráo chân, phần Phêrô ông cũng đã đi trên mặt nước, để rồi chữa lành tất cả bệnh hoạn tật nguyện cho dân chúng, xua trừ ma quỉ, đưa toàn thể mọi người về với Đức Kitô. Ê-lia đã làm cho kẻ chết sống lại, các tông đồ cũng đã làm cho kẻ chết được sống lại, khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Đó là những lý do Chúa Giêsu chọn Môi-sen và Ê-lia hiện ra đàm đạo với mình.

Đối với chúng ta ngày hôm nay, biến cố Chúa Biến Hình loan báo trước Mầu Nhiệm Vượt Qua, và mời gọi chúng ta mở rộng đôi mắt con tim để nhìn thấy mầu nhiệm Ánh Sáng của Thiên Chúa hiện diện trong toàn thể lịch sử cứu rỗi. Mầu nhiệm Năm Sự Sáng, thứ Ba thì Ngắm, Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần. Như thế, nếu chúng ta muốn biến đổi thành công dân Nước Trời, phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường là Sự Thật là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Ngài.

Chúa biến hình vinh quang sáng láng để nêu gương cho chúng ta, để chúng ta cũng biết biến đổi hình dạng như thế: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

Lạy Chúa, xin thương giúp chúng con hiểu được ý nghĩa của thập giá Chúa và ban ơn cho chúng con biết sống mầu nhiệm thập giá Chúa trong cuộc đời, để được sống lại vinh quang với Ngài. Amen.

 

21. Suy niệm của Lm. Nguyễn Thái

“Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường.”

Sau một trận cháy rừng ở Yellowstone Park, tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ, những nhân viên kiểm lâm đã khám phá thấy một con chim bị cháy thành than rồi khô cứng lại dưới một gốc cây. Thật đau buồn khi phải dùng cây gậy đâm nhẹ vào mình chim mẹ để nhận thấy ba chim con thu mình dưới đôi cánh của chim mẹ. Người ta đã đặt giả thuyết rằng chim mẹ đã đem được con của nó tới gốc cây, tập hợp chúng lại dưới đôi cánh . Theo bản năng chim mẹ biết rằng hơi độc của đám khói cháy rừng đang bừng lên. Chim mẹ đã có thể bay đi thoát nạn, nhưng nó khong nỡ bỏ rơi con của mình để thoát thân. Ngay cả khi bị đốt cháy, nó vẫn không nhúc nhích để bảo vệ bầy con, và sẵn sàng chịu chết để bầy con đước sống dưới đôi cánh của mình.

Hình ảnh hy sinh của chim mẹ đã dùng chính mạng sống mình để bảo vệ bầy chim con, cũng đã được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người khi nhìn thành thánh Giêru salem và than trách rằng: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Lc 13:34).

Mùa chay là thời gian để ý thức về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Trong Tông Huấn Tertio Milennio Adveniete, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết: “Đối với các tôn giáo khác thì đầu tiên là con người đi kiếm tìm Thiên Chúa. Còn theo Kitô giáo thì điểm khởi đầu là cuộc Nhập Thể của Ngơi Lời. Ở đây ta thấy không còn chỉ là con người kiếm tìm Thiên Chúa, mà chính Thiên Chúa đích thân đến nói với con người và vạch chỉ cho họ con đường đạt tới Người” (đoạn 6). “Trong Đức Kitô Thiên Chúa không chỉ nói với con người moà còn là tìm kiếm con người” (đoạn 7).

Không phải căn cứ vào những việc đạo đức chúng ta làm trong Mùa Chay để nói rằng đó l à những nỗ lực đi tìm kiếm Thiên Chúa! Một tuần kiêng thịt một lần. Một chút sám hối trong tòa giải tội. Vài việc bác ái chưa đếm hết các ngón tay. Đọc thêm mấy câu kinh, đi mất chặng dàng thánh giá, sụt sùi với mất vần kinh cầu chịu nạn… Tình cảm dâng cao khóc thương cho những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì tội lỗi nhân loại. Với bấy nhiêu việc làm đó mà ta dám nghĩ rằng mình đã yêu thương Thiên Chúa và đi tìm kiếm Ngài thực sự hay sao?

Chúng ta phải khiêm tốn nhận rằng con người xác thịt của mình rất yêu đuối, cứ muốn đắm chìm trong sự phù vân của trần thế tội lỗi. Con người vẫn lẩn tránh Thiên chúa. Sách Giảng Viên có lời khuyên dạy: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (GV 1:2).

Họa sĩ C. Allan Gilbert đã vẽ một bức tranh mà tôi đặt tên là “Phù Vân”. Họa sĩ có một cái nhìn vừa đạo đức – theo sự gợi ý của lời khuyên trong sách Giảng Viên – vừa trào phúng khi vẽ bức hình diễn tả người phụ nữ đẹp đẽ sang trọng đang trang điểm, soi ngắm mình trong gương. Trên mặt bàn trang điểm, bày đủ loại phấn son, những chai dầu thơm hảo hạng, hoa tươi và ngọn nến. Mặc chiếc áo thời trang bằng tơ lụa mỏng của Tây phương, người phụ nữ hơi khom mình về phía trước để ngắm khuôn mặt cho rõ hơn. Rõ ràng người phụ nữ này đang có tất cả mọi sự thế gian cung ứng cho nàng – sắc đẹp, của cải và tuổi xuân.

“Với một phối cảnh rộng hơn, gương mặt xinh đẹp biến thành hình ảnh chiếc sọ người”.

Nhưng nếu bước lùi ra xa một chút, người nhìn sẽ phải ngạc nhiên ngay. Với một phối cảnh rộng hơn, người phụ nữ đang say đắm ngắm mình trong gương bị biến thành hình ảnh một chiệc sọ người! Thật là mỉa mai, tất cả những sự sang trọng của thế gian chỉ là phù vân như sách Giảng viên khuyên dạy. Của cải, tài sản, khoái lạc, và ngay cả sự khôn ngoan của loài người cũng chỉ là một đám mây mờ bay qua bầu trời hay “hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:14).

Ngày 7 tháng 12 năm 1998 ở tây Bắc Armenia xảy ra trận động đất lớn với độ rung là 6.9, đã làm xụp đổ bình địa thành phố với khoảng 25 ngàn người bị thiệt mạng với câu chuyện rất cảm động như sau:

Sau trận động đất, giữa nhừ đám người hoảng hốt và lo sợ, có một người cha đang tuyệt vọng rảo bước qua những con đường đầy gió bụi đổ nát và điều tàn. Ông vội vã tiến về phía trường học đi tìm người con trai yêu quí đi học từ sáng sớm. Vừa bước đi ông vừa nghĩ tới những lời hứa hẹn đã thề thốt với con ông: “Armand con ơi, bất cứ chuyện gì xảy ra, ba cũng luôn luôn ở với con!”

Vừa tới vị trí trường học, ông nhận ra chỉ còn là một đống gạch vụn. Đứng lau chùi nước mắt… rồi phỏng đoán phương hướng lớp học của con ông, ông cúi xuống lượm từng miếng gạch vỡ quăng ra ngaoài. Bằng tay không, ông bắt đầu đào bới. Nào là gạch, ván tường, tôn kẽm… Những người qua lại tuyệt vọng nói với ông: “Thôi đi ông ơi! Chúng chết hết rồi!” Nhưng ông ngẩng lên trả lời: “Các bạn chỉ trích tôi hay giúp tôi nâng những viên gạch này ra?” Một số người cũng tiếp tay với ông thu dọn gạch vụn, nhưng chẳng được bao lâu họ cũng bỏ cuộc vì mệt mỏi và tay chân đau nhức. Riêng ông vẫn làm việc không ngưng nghỉ vì ông luôn luôn nghĩ tới sinh mạng của con ông. Ông kiên trì làm việc từ giờ này qua giờ khác, 2 giờ qua đi… 18 giờ… 24 giờ… 36 giờ… và sau cùng, vào giờ thứ 38 ông nghe được một tiếng rên rỉ yếu ớt phát ra từ phía dưới một mảng tường đổ nát. Ông nắm lấy mảng gạch, lay mạnh và gọi lớn: “Armand! Aramand! Armand!” Từ bóng tối phía dưới bức tường đổ vang lên một giọng trẻ thơ trả lời: “Ba! Ba! Ba!” Tiếp ngay sau đó là những tiếng gọi yếu ớt khác của những em học sinh sống sót vang dội lên. Công việc đào bới để cứu các em ra khỏi tai nạn được các bậc phụ huynh thực hiện ngay sau đó.

Người đã cứu được 14 em học sinh trong tổng số 33 em. Khi em Armand được cứu thoát em vẫn mạnh mẽ khẳng định: “Đã bảo mà, cha tôi không bao giờ quên tôi”.

Bác sĩ Scott đã kể lại câu chuyện trên trong cuốn sách nổi tiếng của ông có nhan đề “A Father Who Keeps His Promises” – “Người Cha giữ lời hứa”. Và ông đã kết luận như sau: “Đó là loại đức tin mà chúng ta đang cần, bởi vì đó là Người Cha mà chúng ta có”.

Chúa chúng ta là Người Cha yêu thương luôn giữ lời hứa, và tìm kiếm ta về với Ngài. Qua những thiên tai động đất nhức nhở chúng ta ý thức rằng trái đất mà chúng ta coi là vững bền “Terra Firma” quả không bền vững tí nào! Đừng ngủ quên trên sự phù vân của vật chất trần gian. Cuộc sống trần thế này chỉ là phù vân. Tất cả những của cải trần gian đều tùy thuộc vào sự mong manh của trái đất nử lời giáo hội kêu gọi khi nhận tro: “Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.

Bài phúc âm hôm nay, Lc 9:28b-36, kể lại chuyện Chúa Giêsu biến hình trên núi khi Ngài đang cầu nguyện. Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa chính là nền tảng vững chắc giúp chúng ta xây dựng cuộc đời của mình. Ngài đã biểu tỏ vinh quang và thập giá của ngài cho Pherô, Giacobe và Gioan. Ngài đã biểu lộ cho nhân loại thấy chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa khởi sự từ thời Cựu Ước với các vị tổ phụ và các tiên tri của dâng Israel, Môse và Êlia. Mạc khải này làm cho những ai đặt ngưỡng vọng nơi trần thế phù vân này phải bối rối và thất vọng.

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô cảnh tỉnh con người rằng: “Có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc, đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương của chúng ta ở trên trời…” (Phil 3:20).

Thi nhập quốc tịch hoa kỳ, để chính thức trở nên một người công dân với bổn phận và quyền lợi là một điều quan trọng đối với nhừ người di dân. Nhưng đối với các cụ già đó là điều vô cùng gay go. Các cụ phải học Anh Ngữ, phải biết lịch sử nước Hoa Kỳ, rồi trải qua một cuộc thi khảo vừa nghe, vừa đọc và nói. Có cụ thi mãi không đậu, lo lắng mất ăn mất ngủ, vì có quyền công dân mới bảo lãnh con cái sang Mỹ được. Có cụ ốm đau gần chết mà vẫn cứ lo quốc tịch! Có cụ khôn ngoan hơn, âm thầm làm các việc đạo đức, chuẩn bị cho mình quyền công dân của Nước Trời mới là quan trọng! Ai thi cũng được. Ngôn ngữ của Nước Trời là tình yêu, có sẵn trong tim, không cần phải học vất vả, chỉ đem ra áp dụng Nước Trời, một quê hương mới, “Một Cõi Đi Về” an nghỉ. Còn nước Hoa Kỳ này vẫn chỉ là phù vân, như “hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:14).

Thành phố Chicago có nhiều sắc dân. Nét độc đáo của một xứ đạo là tính cách đa chủng tộc. Tôi thường nghe dân chúng than van, họ luôn luôn nhớ về quê hương của họ. Nhớ đồ ăn thức uống. Nhớ dòng sông con kênh. Nhớ thân bằng quyến thuộc, bạn bè. Mặt trời lặn ở quê nhà với khói lam chiều vẫn đẹp hơn mặt trời Hiệp Chủng Quốc! Ai cũng ngóng trông về quê nhà. Trong mỗi người đều mang một nỗi nhớ, một nỗi buồn vương vấn thật sâu trong lòng mình. Đó là khúc ruột ngàn dặm vì chúng ta luôn thuộc về quê hương của mình. Không bỏ được. Các nhà thương mại bán vé máy bay thuyết phục rằng chỉ cần cầm lấy vé máy bay là bạn trở về quê hương ngay. Điều đó đúng với quê hương phù vân trần thế!

Nhưng còn quê hương vĩnh cứu trên trời thì sao? ĐGH Gioan Phaolô II trả lồi rằng: “Con người trên dường lữ hành về với Đấng Tuyệt Đối: Đời sống con người trên trái đất là một cuộc lữ hành… Đức tin lữ hành của con người hướng con người về Thiên Chúa, giúp con người chọn lựa những gì sẽ làm cho mình đạt tới sự sống vĩnh hằng. Do vậy, mỗi giây phút trong cuộc lữ hành trên trái đất đều quan trọng – quan trọng với những thách đố và những chọn lựa của nó.” (TVNNTB, Đức Tin).

Trong Mùa Chay giáo hội cảnh tỉnh chúng ta đừng ngủ quên trong sự phù vân của trần thế, phải ý thức chúng ta là những người lữ hành đang đi về quê hương vĩnh cửu trên trời (Pl 3:20; 2Cr 5:1). Con đường về Nước Trời đó chính là con đường Chúa Giêsu Kitô đã đi qua với thập giá trên vai. Đi theo Ngài, “Đức Kitô, Đấng dẫn ta về với Thiên Chúa Cha” (ĐGH Gioan Phaolô II, TVNNTB, Đức Tin).

 

22. Qua đau khổ đến vinh quang

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Minh Chánh)

1/ Trong cuộc sống khi làm bất cứ việc gì cũng đòi hỏi một sự đầu tư tương xứng. Muốn làm một ngôi nhà đẹp và hiện đại, thì đòi hỏi đầu tư tiền của thật nhiều, thời gian xây dựng cũng không phài là ít, về phương diện mỹ thuật cũng không quá xơ xài. Hay trong lãnh vực tinh thần: Một người nam muốn đi tu làm linh mục cũng phải trải qua thời gian tu học thật chu đáo trong môi trường đào tạo, thật nghiêm túc đối với bản thân. Đến khi tuyển chọn để phong chức linh mục khách quan phải có sự đánh giá rất nghiêm túc của bề trên, của những vị có trách nhiệm về cách sống của ứng viên qua quá trình tu học, cũng như thời gian thực tập mục vụ…

Như vậy dầu trong lãnh vực tinh thần hay vật chất, nếu ta không đầu tư cho công việc cách chính trực và chính đáng thì sẽ không thu lợi, nhưng đó là điều bất lợi cho cá nhân và tập thể, cuối cùng sẽ gây nên tai hại khó lường.

2/ Cuộc đời của Đức Giêsu Kitô trong tư cách là con người, Chúa cũng đi theo quy luật trên. Khi chiêm ngắm sự kiện Chúa biến hình trên núi Tabor, đó là câu trả lời cho chúng ta biết trước sự kiện Chúa hiển dung là kết quả công trình đầu tư của Đức Giêsu. ” Đang khi Chúa cầu nguyện dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”(Lc 9,29). Đây là hình ảnh báo trước về cuộc phục sinh siêu tôn của Chúa. Thế nhưng để đi đến con đường vinh quang phục sinh, trước hết Chúa phải trải qua con đường đau khổ, đường thập giá, cuối cùng là cái chết. Vì tám ngày trước khi Chúa biến hình, Chúa đã báo trước cho các tông đồ biết là Ngài” phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”(Lc 9,22).

Như vậy đường phục sinh vinh hiển mà Chúa đến đó không phải là con đường rộng dễ đi, nhưng là con đường phiêu lưu với nhiều khó khăn và đau khổ. Hơn nữa đó không phải là con đường để Chúa thể hiện sức mạnh bằng cuộc chiến đấu tranh giành theo kiểu trần thế, nhưng là con đường Chúa hạ mình nhận lấy phần xấu nhất của loài người qua việc đón nhận thập giá và chết trên thập giá. Con đường này là con đường Chúa Giêsu đầu tư theo Thánh ý Chúa Cha khi cứu độ loài người. Công trình ấy còn rất quan trọng cho con người, vì có liên quan đến sự sống vĩnh cửu của con người.

3/ Thông thường ai trong chúng ta cũng muốn sống và sợ chết. Riêng đối với sự sống vĩnh cửu thì chúng ta lại càng mong muốn hơn. Thế nhưng muốn được sống hạnh phúc vĩnh cửu, chúng ta hãy can đảm đầu tư cho sự sống cao quý ấy ngay từ bây giờ. Phải hy sinh từ bỏ ý riêng để chấp nhận ý Chúa, chấp nhận thập giá và chết trên thập giá. Đây như là một kiểu nói rất quen thuộc đối với chúng ta, bên cạnh đó vẫn còn rất xa với hành đông đáp trả của chúng ta. Lý do đa số chúng ta chưa cảm nghiệm đầy đủ về chiều sâu, chiều rộng, chiều cao của thập giá Chúa Giêsu. Hay phần nhiều chúng ta còn rất mơ hồ về ý nghĩa thập giá của Chúa trong đời sống của mình. Từ đó chúng ta rất xa lạ với thập giá, rất sợ đón nhận thập giá. Khi càng xa lạ và càng loại trừ thập giá ra khỏi đời sống, chắc chắn công trình đầu tư cho đời sống vĩnh cửu của chúng ta sẽ kém chất lượng, nó giống như “người ngu dại xây nhà trên cát, gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”(Mt 7, 26-27).

4/ Người ta kể một câu chuyện tưởng tượng nhưng mang một ý nghĩa sâu sắc:

Một đoàn người bước theo Chúa Giêsu với thập giá trên vai. Chúa Giêsu dẫn đầu cũng mang thập giá mà Ngài đã vác hôm xưa trên đường núi sọ. Trong đoàn, có một chàng thanh niên kéo lê thập giá của mình một cách mệt mỏi. Miệng anh luôn kêu trách phàn nàn vì nghĩ rằng thập giá anh nặng hơn và dài hơn của những người khác. Chẳng mấy chốc anh là người kéo lê cuối đoàn. Cuối cùng anh quyết định dừng lại và cưa bớt thập giá của anh một đoạn để có thể nhẹ nhàng bắt kịp những người đi trước. Khi đoàn đến cuối đường thì gặp một hố sâu. Chúa Giêsu bảo: Bây giờ mỗi người hãy đặt thập giá mình ngang qua miệng hố làm cầu và tiến vào thiên đàng. Chúa Giêsu đặt thánh giá của ngài xuống và bước ngang qua, những người khác cũng đều làm theo, lạ lùng thay, thập giá cỡ nào cũng vừa khoảng cách hai bờ miệng hố, tất cả mọi người theo Chúa Giêsu đều vào thiên đàng, ngoại trừ anh chàng kia, vì anh cưa ngắn một đoạn thập giá nên anh không được vào thiên đàng.

Câu chuyện trên như muốn dạy chúng ta bài học: Khi càng tạo thập giá theo ý mình thì chúng ta sẽ loại trừ thập giá của Chúa ra khỏi đời ta. Vì Chúa muốn chúng ta vác thập giá theo ý Chúa chứ không phải theo ý ta. Hơn nữa khi càng xa thập giá của Chúa trong đời sống thì con đường hạnh phúc mai sau sẽ rất xa lạ đối với chúng ta. Ngược lại khi chấp nhận vác thập giá theo ý Chúa, thì mỗi ngày chúng ta sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Khi đời ta luôn gắn bó với thập giá của Chúa thì đó là dấu hiệu chúng ta đang gắn bó với hạnh phúc sau này.

Mẹ Maria là người rất có kinh nghiệm về việc vác thập giá trong đời. Xin Mẹ giúp chúng ta ngay từ bây giờ biết làm quen với thập giá của Đức Giêsu, biết vui lòng đón nhận thập giá của Đức Giêsu. Vì muốn vươn đến cuộc sống toàn thiện mai sau, điều cơ bản chúng ta phải từ bỏ tất cả để vác thập giá theo Đức Giêsu. Đây chính là cuộc đầu tư chính xác nhất cho sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Vì qua sẽ đau khổ đến vinh quang.

 

23. Hai ngọn núi.

Có một cuốn phim mang tựa đề “Mặt nạ”, kể lại một câu chuyện về chú bé 16 tuổi, tên là Rocky. Chú mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ khiến cho sọ và xương mặt chú phát triển khác thường, làm cho khuôn mặt chú bị biến dạng thật khủng khiếp. Nhiều người trông thấy chú, phải vội vã quay đi vì sợ hãi. Có kẻ lại chọc ghẹo, chế nhạo chú. Riêng chú thì chẳng bao giờ cảm thấy tủi thân, vì chú chấp nhận nó như một phần cuộc sống mình. Ngày nọ, chú và vài người bạn đi thăm khu công viên vui chơi. Họ vào một ngôi nhà được ráp kiếng và bật cười vì khuôn mặt họ bị những tấm gương làm cho biến dạng. Còn chú thì giật mình khi nhìn vào một tấm gương đã biến khuôn mặt méo mó của chú thành một khuôn mặt bình thường, nếu không muốn nói là rất đẹp trai. Lần đầu tiên trong đời, bè bạn chú đã nhìn thấy chú trong một trạng thái hoàn toàn mới mẻ. Họ đã nhìn thấy con người thực sự xinh đẹp bên trong của chú được bộc lộ ra bên ngoài.

Một điều tương tự như thế đã xảy ra cho Chúa Giêsu quan đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Trong lúc Ngài biến hình, các môn đệ đã nhìn thấy Ngài trong một trạng thái hoàn toàn mới lạ. Lần đầu tiên họ được trông thấy sự vinh quang tươi đẹp bên trong của Con Thiên Chúa được bộc lộ ra bên ngoài. Điều này khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao cuộc biến hình lại được xếp vào Mùa Chay là mùa vốn mang màu sắc ảm đạm?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải đọc lại toàn bộ bài Phúc Âm nói đến cuộc biến hình. Việc này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu báo cho các môn đệ rằng Ngài phải lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết. Khi nghe Chúa nói thế, Phêrô liền la lớn: Lạy Thầy, xin đừng để điều đó xảy ra cho Thầy. Lập tức Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô một cách gay gắt: Hỡi Satan, hãy xéo đi, đừng cản trở Ta. Ngươi không suy nghĩ theo đường lối Thiên Chúa mà chỉ theo đường lối của con người. Có lẽ Phêrô, Giacôbê và Gioan cần được chích một mũi thuốc bổ thiêng liêng sau khi bị cú sốc Chúa hướng các ông về cuộc tử nạn. Và đó cũng là lý do khiến Giáo Hội nói về cuộc biến hình vào Mùa Chay như một trợ lực cần thiết cho chúng ta trước khi bước vào tuần thánh.

Nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy được sự tương phản giữa cuộc biến hình và cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu. Cả hai đều xảy ra trên những ngọn núi, trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân yêu. Và cả hai sẽ bổ túc cho nhau. Thực vậy, trên đỉnh Tabor ba môn đệ nhìn thấy Ngài xuất thần, và qua đó được chiêm ngắm thiên tính của Ngài. Còn trên núi Cây Dầu họ nhìn thấy Ngài hấp hối và qua đó nhân tính của Ngài được bộc lộ một cách rõ nét hơn cả.

Tabor và Cây Dầu mạc khải nét tương phản sinh động giữa nhân tính và thiên tính của Ngài. Hai biến cố này không thể tách lìa nhau như hai mặt của một đồng bạc, và như thế cho chúng ta thấy Ngài vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật.

Hãy chấp nhận thập giá cuộc đời để nhờ đó chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang phục sinh với Ngài.

 

24. Vinh quang và đau khổ – Thu Băng, CMR

Chúa đưa Phêrô, Giacobê, và Gioan lên núi cao và biến hình trước mặt các ông, lại có Elia và Moise hiện đến nói chuyện với Ngài. (Lc.09:28-36).

Chúa Giêsu đưa 3 môn đệ lên một ngọn núi cao, khoảng chừng 600 thước và các ông chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa cũng như đã xem thấy sự đau khổ của Ngài trong vườn cây dầu.

Ngài mạc khải cho thấy sự đau khổ của Ngài pha lẫn với vinh quang sáng lạn. Ngài phải chết nhục nhã, đau thương rồi mới khải hòan trong phục sinh vinh hiển. Đau khổ như cánh bèo trôi dạt trên sông, đau thương là thung lũng nước mắt. giữa thế gian đau khổ, là nguyên nhân gây nên bực bội buồn phiền. Chúng ta chấp nhận đau khổ vì sau đau khổ là vinh quang phục sinh, cũng như sau cơn mưa trời lại sáng, sau mùa xuân trời lại sang xuân.

Xưa có một anh làm nghề bưng trống tên là Năm. Anh thường đem đến làng khác để bán. Một hôm leo đồi lặn suối gánh trống đi bán, đến gốc cây đa đầu làng anh mệt lả, liền nghỉ chân thì thấy bác Sáu đã ngồi thở hổn hển bên cạnh. Hai người bắt chuyện rồi Năm đem cơm nắm ra chia sẻ. Cuối cùng anh Năm nhờ ông Sáu gánh giúp một đoạn đường. Hai người bắt đầu xuống dốc và khát nước, họ liền ghé cái giếng kiếm nước uống, thành giếng lại rêu rong và dốc lại không có gầu. Anh Năm nghĩ ra kế buộc dây vào lưng ông Sáu cho tụt xuống uống nước, uống xong anh kéo lên. Đến lượt anh Năm xuống giếng thì ông Năm để cho anh uống nước no rồi gánh gánh trống đi biệt. Anh la hét cũng không có tiếng trả lời, chịu trận cho đến tối mới có người ra giếng kéo anh lên. Đi một quãng đường nữa thì tối, anh phải vào một ngôi chùa xin sư cụ cho trú chân. Trong chùa lại có 4 con qủy hay đi ăn đêm về trễ, sợ bị ăn thịt, sư cụ chỉ cho một cái hang bên chùa để trú an toàn. Nữa đêm bầy qủy về trước cửa chùa nói chuyện:

– Nhà chùa có chôn 4 chum bạc bên cạnh và 4 chum vàng đàng sau cửa ra vào. Tên khác lại nói:

– Trong hang có một cục Ngọc Thạch nguy hiểm ai mà nhặt được ném chúng ta thì chết. Nghe thấy vậy, anh Năm thò tay vơ lấy cục Ngọc mà ban chiều anh đã trông thấy. Anh ném bày qủy, bất chợt bị chết tốt, thế là anh thoát nạn, cám ơn sư cụ cầm cục Ngọc ra đi rồi hôm sau quay trở lại đào lấy mấy chum vàng và bạc về làm giầu.

Ông Sáu gánh trống đi xa, đến chập tối vào xin trọ ở cái miếu cây đa đầu làng. Miếu cũng thường có qủy hiện hình ban đêm, ông nằm lăn ra ngủ, để gánh trống ở cửa miếu. Đến khuya qủy hiện hình bước lên mặt trống kêu tùng tùng khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy. Một con qủy chạy trốn vào trong miếu thấy có người liền bóp cổ chết. Nó lại ra ghõ trống kêu gọi lũ qủy về miếu ăn mừng vì đã hạ sát được kẻ bày mưu.

Trong lúc đau khổ mất trống, anh Năm lại gặp hên là được của về làm giầu. Trong lúc ông Năm đánh cáp được gánh trống, lại gặp xui (lũ qủy bóp cổ chết). May rủi, sống chết là đau khổ và vinh quang, cũng như Chúa tỏ cho các môn đệ thấy cái khổ nhục, bị chết treo trên thánh giá rồi mới được phục sinh. Cuộc đời chúng ta cũng sẽ gặp những lúc đau khổ, nhục nhã, mất mát, tàn lụi rồi mới đến lúc vinh quang. Chúng ta hay biết tuân theo thánh ý Chúa trong mọi lúc và trong mọi sự.

 

25. Núi Tabor và cuộc sống hằng ngày

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Hữu Thy)

“Thật phi thường! Quá trời! Không thể tưởng tượng được! Số dách! Số một! Kinh khủng! Hạng nhất!” và còn bao nhiêu danh từ kỳ cục khác, nếu không nói là nhiều khi còn vô nghĩa nữa, mà chúng ta đã xử dụng khi phải diễn tả một sự kiện ngoại thường mà chúng ta chưa tìm ra được những danh từ và những ý niệm thích hợp. Ðó là những sự kiện hay biến cố điển hình đã làm cho chúng ta quá sung sướng và ngạc nhiên, những sự kiện và biến cố cực kỳ lạ thường, độc nhất vô nhị và không sao diễn tả hết! Và trong hoàn cảnh đó, chúng ta thường nói: “Tôi không có đủ lời để nói; nó làm cho tôi hết đổi sững sờ và không sao nói lên lời; thật không sao diễn tả hết!”

Các môn đệ xưa kia cũng đã từng đứng trước những trường hợp kỳ lạ tương tự. Bởi vì Ðức Giêsu đã làm những việc “có một không hai”, như: Người làm cho bệnh nhân nan y lành mạnh, mở mắt người mù, cho người chết sống lại, v.v… Nhiều người sau khi gặp gỡ và nói chuyện với Người đã cảm thấy được giải thoát, cảm thấy lòng mình thơ thới nhẹ nhàng, đầy vui mừng. Họ trở nên lạc quan và như được biến đổi hoàn toàn. Vì thế, xưa kia các môn đệ chắc chắn cũng đã tự hỏi: “Làm thế nào mà Người có thể hành động được như vậy, là thay đổi được bao nhiêu người khác và cả chính chúng tôi nữa?”

Những điều được tường thuật trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, đã giúp cho các môn đệ – ít là từ từ – hiểu được Ðức Giêsu cách sâu xa và rõ ràng hơn.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt, và đã trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Thế nhưng biến cố Tabor đối với các môn đệ vào lúc bấy giờ còn là một điều xa lạ, không trực tiếp liên quan đến họ. Họ chỉ nhìn thấy được trong biến cố đó sự quan hệ của Ðức Giêsu với Thiên Chúa, Cha của Người, trong sự vinh quang thần thiêng, chứ họ chưa cảm nhận được rằng biến cố đó xảy ra là vì họ. Chẳng những thế, họ còn tỏ ra rối rắm và mất hết tự chủ. Bởi vì một biến cố như thế không nằm trong khả năng hiểu biết về đức tin, cũng như không thuộc về phạm vi thực hành đức tin của họ. Họ cảm thấy mình là những người ngoại cuộc! Cũng vì thế họ đã ngủ gật, tương tự như sau đó ít lâu tại Vườn Cây Dầu: Trong khi Ðức Giêsu đầy lo âu sợ hãi trước cuộc khổ nạn, đến đổ mồ hôi máu ra, thì các môn đệ vẫn dửng dưng và ngồi ngủ gật!

Chỉ sau đó khá lâu, các ông mới khám phá ra được ý nghĩa quan trọng của biến cố Tabor. Ðó là lúc các ông cảm nhận và hiểu rõ được cuộc khổ nạn vả sự vinh hiển trong biến cố phục sinh của Ðức Giêsu. Bấy giờ lòng trí các ông mở ra và hiểu được những gì mà các ông đã từng cảm nhận và từng chứng kiến phần nào trong cuộc sống trần thế của Ðức Giêsu. Nhất là họ hiểu được một cách sâu xa đầy đủ, tại sao họ cần phải lắng nghe các giáo huấn của Ðức Giêsu và chiêm ngưỡng cuộc đời của Người. Bởi vì đã có tiếng từ trời bảo họ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”

Dĩ nhiên đối với Phêrô, Gioan và Giacôbê: Biến cố trên núi Tabor là một hiện tượng có một không hai. Ðó là một biến cố không ai có thể áp đặt hay tạo ra được. Ðối với ba ông, đó là một điều ngoại lệ. Ðể hiểu được như vậy, đòi hỏi người ta phải có tâm hồn cởi mở và thuần phục. Nếu không, người ta sẽ nói ngay: “Ðiều đó chẳng có gì liên quan tới tôi cả! Tôi chẳng có ý kiến gì về chuyện đó cả!”

Những biến cố đặc biệt và độc nhất vô nhị trên núi Tabor, ngày nay cũng vẫn còn xảy ra trong nhiều lãnh vực – thuộc tôn giáo cũng như dân sự -, thí dụ:

Những ai khi đi vào trong rừng rậm xa lạ, mà vẫn tìm ra lối đi, chứ không bị lạc đường, sẽ cảm thấy sung sướng.

Một nhà thể thao sau khi đã đạt được những thành công vàng son của mình, anh sẽ bày tỏ cho người khác hay sự hạnh phúc của mình. Và anh càng được động viên trong những nỗ lực mới.

Khi một người nhận được sự thông cảm và tha thứ mà anh không dám chờ đợi. Phải chăng đó không phải là một sự kiện quan trọng đáng mừng?

Hay khi một người có được một cảm nghiệm ngọt ngào và đầy an ùi trong khi cầu nguyện, mà người đó không hề dám nghĩ tới. Ðiều đó chắc chắn sẽ giúp anh ta rất nhiều trong việc tiếp tục trông cậy vào Thiên Chúa hay lại có được sự phó thác vào Thiên Chúa, v.v…

Vâng, đức tin của chúng ta sống nhờ những cảm nghiệm đặc biệt và cả những cảm nghiệm bình thường hằng ngày. Trong cuộc sống cụ thể, nhiều khi chúng ta cảm thấy lòng đầy sốt sắng và hạnh phúc trong việc đọc kinh xem lễ, và chúng ta rất vui mừng khi tiếp xúc với cộng đồng dân Chúa. Thế nhưng, thường tình thì chúng ta lại phải đối mặt với cuộc sống vật lộn hằng ngày.

Ðúng vậy, Ðức Giêsu không để các môn đệ ở lại trên “núi Tabor của những an ủi” lâu, ngay sau đó Người đã dẫn họ trở lại với cuộc sống thường nhật của họ. Người không để họ xây dựng những căn lều trên núi Tabor, nhưng ở dưới thung lủng của cuộc sống đức tin hằng ngày với bao những thử thách. Vâng, cuộc sống hằng ngày phải thực sự là nơi các môn đệ vâng nghe Ðức Giêsu, là nơi họ phải hướng nhìn lên Người, và là nơi họ phải bước theo Người.

Tuy nhiên, biến cố trên núi Tabor vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của họ trong suốt tiến trình theo Ðức Giêsu. Cũng vậy, trong cuộc sống đức tin, trong cuộc sống đạo hằng ngày, chúng ta cần có ơn an ủi đỡ nâng của Thiên chúa, để chúng ta có thêm sức mạnh chống chọi với các thách đố của cuộc sống, nhưng chính chúng ta phải tự ra tay chiến đấu lấy. Và để cuộc chiến đấu đức tin đạt được thắng lợi, chúng ta phải thực hành theo lời khuyên đến từ trời cao: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Amen.

 

26. Cầu nguyện biến đổi – AM Trần Bình An

Hơn 10.000 người đã tụ tập tại một nhà thờ làng thuộc Tổng giáo phận Tellicherry ở Kerala, sau khi tin tức lan truyền rằng khuôn mặt của Chúa Giêsu xuất hiện trên Bánh Thánh trong Thánh Lễ buổi sáng. Tổng giáo phận đã vội vã tập hợp một đội điều tra hiện tượng xảy ra tại Nhà thờ Chúa Kitô Vua, Vilakannur, khoảng 50 km về phía đông của thành phố Kannur.

Linh mục chánh xứ Cha Thomas Pathickal, 60 tuổi, nói với trang web mattersindia. Vị linh mục đã cai quản Giáo xứ này từ ba năm trước, cho biết ngài đã làm theo sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục George Valiamattam, của Tổng giáo phận Tellicherry để giữ cho “phép lạ” Thánh thể bên trong Nhà tạm Thánh thể trong nhà thờ.

Hơn 500 giáo dân đang cầu nguyện trong nhà thờ, khi họ chờ đợi các cuộc điều tra Tổng giáo phận, quyết định phổ biến cho mọi người biết. Các quan chức cảnh sát cấp cao từ các Quận, Huyện và địa phương cũng kéo đến, cũng như người dân từ các Giáo xứ khác kéo đến Vilakannur. Nhiều phương tiện xe cộ cũng kéo đến đông nghẹt cả con đường đến vùng Paithalmala, nơi đây cũng là một địa điểm nổi tiếng cho du khách ưa du lịch mạo hiểm.

Cha Thomas Pathickal nói hiện tượng này xảy ra khi Giáo xứ đang chuẩn bị cho lễ Chúa Kitô Vua vào ngày 24 tháng 11. Tường thuật lại sự việc, Cha nói tại thời điểm trong Thánh Lễ sáng lúc 7:00, Cha nhận thấy một điểm trên Bánh Thánh, “trở nên lớn và sáng hơn, sau đó xuất hiện khuôn mặt Chúa Giêsu.” Ngài để Bánh Thánh đó sang một bên và tiếp tục Thánh Lễ bằng Bánh Thánh khác trong Nhà tạm.

Sau Thánh lễ, Cha gọi ông thủ từ đến, người này sau khi xem cũng nói với Cha rằng đó là gương mặt của Chúa Giêsu. Sau đó Cha đặt Bánh Thánh đó vào Mặt nhật và để lên bàn thờ trong Thánh đường. Hàng trăm người khác cũng nhìn thấy khuôn mặt sáng ngời của một người đàn ông râu tóc dài. “Chỉ có màu đen và trắng, ngoài ra không có màu nào khác”, Cha Pathickal nói khuôn mặt sáng ngời đó vẫn có thể nhìn thấy được, sau khi Cha cất Bánh Thánh trong Nhà tạm, lúc đó khoảng 11 giờ sáng theo như sự hướng dẫn của Đức Tổng giám mục. Cha Thomas cho biết lòng tin của Cha trở nên mạnh mẽ sau khi nhìn thấy “Phép lạ”. Cha cho biết mình phải đến Naduvil, trụ sở chính quyền địa phương của vùng này (cách 3 km về phía đông) vì một số vấn đề khi họ nghe về tin này. “Tôi đã chạy vội đến đây và thật may mắn khi được thấy Chúa Giêsu,” Cha nói thêm. Cha cho biết nhiều người đã thất vọng khi Cha từ chối để cho họ được nhìn thấy Bánh Thánh.

Được thành lập vào năm 1962, Giáo xứ có hơn 500 gia đình và 1.250 người Công giáo và hầu hết trong số họ là thế hệ thứ hai và thứ ba của những người đã di cư từ Trung tâm Kerala thế kỷ trước. (Miracle at Vilakkannoor, Kannur, Kerala, India 2013)

Từ hơn hai năm nay, Lm Thomas và giáo xứ Vilakannur được diễm phúc chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa Giêsu trên Thánh Thể, như xưa ba môn đệ đã được hưởng phúc chiêm ngưỡng Người hiển dung.

Trong Tin Mừng thánh Luca Chúa nhật thứ hai Mùa Chay hôm nay, tường thuật Đức Giêsu sau khi cầu nguyện, đã biến hình sáng láng, diệu kỳ trước ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Hai ông Môisen và Êlia, đại diện cho Lề Luật và Ngôn sứ, cùng hiện đến đàm đạo với Người về cuộc Xuất Hành sắp đến. Trong khi ba đấng còn mải mê ngủ vùi, khi chợt tỉnh dậy thì cuộc hiển dung sắp kết thúc, được nghe tiếng phán từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.”

Như vậy, qua Tin Mừng, cầu nguyện hàm chứa nhiều ý nghĩa quan trọng, như hạnh ngộ cùng Thiên Chúa, lắng nghe Thánh Ý Chúa để vâng phục thi hành, cùng niềm hy vọng Nước Trời.

Cầu nguyện hạnh ngộ

Hàng ngày, sau khi giảng dạy, Đức Giêsu luôn lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, như đúc kết những những thành quả và thất bại trong ngày, giãi bày cùng Đức Chúa Cha, lẫn tâm sự vui buồn. Tuy có rất nhiều người hăng hái, đón nhận, nghe theo Người rao truyền ơn cứu độ, nhưng cũng không ít người phản đối, chống báng, vì lời dạy quá tân kỳ, gây “sốc” với mọi người.

Trước những biến cố quan trọng, hay khúc quanh cuộc đời sắp diễn ra, Đức Giêsu càng hết sức tha thiết cầu nguyện: Khi Người chịu phép rửa (Lc 3, 21), sau khi nổi tiếng chữa người phung (Lc 5, 16), cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông đồ (Lc 6, 12), trước khi loan báo sự thương khó lần thứ nhất (Lc 9, 18), trước khi Người hiển dung (Lc 9, 28), vui mừng tạ ơn Đức Chúa Cha (Lc 10, 21) Trước khi dạy Kinh Lạy Cha (Lc 11, 1), cầu xin cho Phêrô vững lòng tin (Lc 22, 32), cầu nguyện trước khi chịu thương khó (Lc 22, 41- 42), cầu xin tha thứ cho kẻ dữ hại mình (Lc 23, 34), cầu nguyện phó linh hồn trong tay Chúa Cha (Lc 23, 46)…

Cầu nguyện vốn là việc rất cần thiết và cấp bách của người Kitô hữu, con của Chúa, hầu luôn được hân hạnh gặp gỡ Ngài. Bước vào mùa Chay Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người chay tịnh qua ba cách thức chính yếu. Đó là cầu nguyện, ăn chay và bác ái. “Cầu nguyện giữ vị thế đầu tiên, đó là việc tỏ ra cởi mở và tin tưởng vào Chúa: nó là cuộc gặp gỡ riêng tư với Người, việc thu ngắn khoảng cách gây ra bởi tội lỗi. Cầu nguyện tức là nói rằng: “Con là kẻ thiếu thốn, con cần Chúa. Chúa là sự sống của con và là ơn cứu độ của con.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Bài Giảng lễ Tro 10. 2. 2016)

“Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài, là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 142)

Cầu nguyện hiệp nhất

Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Cả hai người đại diện cho Cựu Ước đến an ủi, chia sẻ, đồng cảm và đồng tình với Đức Giêsu, dấn thân vào cuộc thương khó và tử nạn sắp đến.

Cầu nguyện còn là tỉnh thức lắng nghe, đón nhận và tìm hiểu Thánh Ý, thể hiện qua các chứng nhân, dấu chỉ, ngôn sứ, cùng chấp nhận, vâng phục đau khổ, gian nan, thách đố, mà cao điểm là dâng hiến cuộc đời, hiệp nhất vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu.

“Con tìm bạn để an ủi, nâng đỡ con khỏi cô đơn. Sao con không tìm người bạn không bao giờ phản bội con, và có thể ở với con liên lỉ bất cứ nơi nào?” (Đường Hy Vọng, số 130)

Cầu nguyện hy vọng

Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Với con người, cầu nguyện còn có khả năng biến hình, thăng hoa, thánh hoá, bộc lộ thần tính mà Thiên Chúa đã ẩn giấu, khắc ghi trong từng người, ngay từ khi Ngài tạo dựng. Nhờ lời cầu nguyện của Đức Giêsu, ba môn đệ được hạnh phúc chiêm ngưỡng Nước Trời, như Người đã phán: “Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt tại đây, có những kẻ sẽ không phải chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa.” (Lc 9, 27)

Như thế, cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, sẽ gia tăng niềm hy vọng được vào Nước Chúa, cùng thoát khỏi cái chết vĩnh viễn. Nhờ sốt sắng cầu nguyện, các thánh thường được xuất thần, vinh dự “thấy Nước Thiên Chúa,” ngay khi còn sống dưới dương thế.

Với người giáo dân bình thường, cầu nguyện là đặt tất cả niềm hy vọng vào Chúa Quan Phòng trong mọi tình huống vui buồn, đau khổ, gian nan, phó dâng lên Chúa, để được an ủi và bình an. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu Roma luôn siêng năng cầu nguyện trong lúc nguy nan:“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12, 12)

“Chúa dạy đọc kinh để giúp con cầu nguyện, nhưng việc chính là gặp gỡ, nói chuyện giữa Cha và con: “Khi con cầu nguyện, đừng lo phải nói gì! Hãy vào phòng đóng cửa, cầu nguyện với Cha của con cách kín đáo, và Cha con thấy mọi sự, sẽ nghe lời con.”Không cần hình thức, chỉ cần tâm tình phụ tử.”(Đường Hy Vọng, số 127)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biến hình khi đang cầu nguyện, dung nhan sáng láng, thánh thiện, biểu lộ Thần tính của Người, xin phù trợ, đốt lửa mến cho chúng con sốt sắng cầu nguyện, để chúng con cũng được biến đổi, có thể hạn chế nhân tính, kềm hãm thú tính, hầu chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển Thần tính, siêng năng gặp gỡ, tâm tình, hiệp nhất với Thánh Ý, cũng như hoàn toàn tin cậy, phó thác, hy vọng vào Lòng Thương Xót Chúa vô biên, xứng đáng làm con Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con luôn tha thiết cầu nguyện, luôn biết lắng nghe tiếng gọi đi theo Chúa, luôn sống theo Thánh Ý nhiệm mầu, mặc dù gian nan, đau khổ, hiểm nguy thách thức, hầu luôn được hiếp nhất với Chúa trong niềm hy vọng tràn trề. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ