Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 81
Tổng truy cập: 1379642
Ý NGHĨA DÂNG HIẾN
Ý nghĩa dâng hiến – Lm. Phạm Quốc Hưng
Trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta giới luật trọng nhất là luật mến Chúa yêu người. Vì Chúa là Đức Chúa duy nhất, là Đấng tốt lành và đáng yêu mến vô cùng, là Đấng tạo thành, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta, nên chúng ta phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực; và vì Chúa, chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Như một thi sĩ đã định nghĩa: “Tình yêu là một đóa hoa, sắc là dâng hiến hương là hy sinh”. Tình yêu nào cũng đòi hỏi hy sinh và dâng hiến. Tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa cũng vậy.
Trong Tin Mừng hôm nay, khi quan sát người ta bỏ tiền dâng cúng vào Đền Thờ, Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy bà góa dâng cúng hai đồng tiền nhỏ, có lẽ là số tiền nhỏ nhất trong số những người dâng cúng, như mẫu gương của một người thực sự yêu mến Thiên Chúa qua việc dâng hiến trọn hảo nhất. Chúa nói: “Thầy bảo thật các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình đang có để nuôi sống mình” (Mc 12:)
Ở đây, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một bài học thật quý giá về tình yêu. Đó là bài học về ý nghĩa của việc dâng hiến, một đòi hỏi tất yếu trong tình yêu như người Mỹ thường nói: “Bạn có thể cho mà không thương, nhưng bạn không thể thương mà không cho”.
Điều trước hết, chúng ta phải dâng cúng hay làm việc bác ái từ những gì của chính mình có được cách chính đáng, không phải của người khác. Thật vậy, bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay dâng cúng tuy chỉ có hai đồng tiền nhỏ. Số tiền tuy rất nhỏ bé, nhưng là của chính bà, không phải bà lấy của người khác mà cho. Nhiều người thích làm việc từ thiện, thích kêu gọi người nọ người kia đóng góp cho các công việc từ thiện, kể cả lập hội từ thiện nữa, nhưng lại vẫn sống trưởng giả và không bỏ của mình ra mà vẫn được tiếng là người bác ái. Đúng là “của người phúc ta”! Tệ hơn, có người dâng cúng làm việc bác ái bằng những của cải kiếm được cách bất chính như bóc lột người làm công, gian lận trong công việc làm ăn, buôn bán ma tuý. Tốt hơn, họ phải lo thay đổi lối sống của họ và đền bù lại sự bất công của họ trước! Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận dí dỏm căn dặn chúng ta: “Hy sinh chính con, đừng hy sinh kẻ khác” (Đường Hy Vọng # 158).
Điều kế đến, việc dâng hiến của chúng ta phải phát xuất từ lòng mến thực sự đối với Chúa và tha nhân, bất chấp dư luận người đời. Bà goá nghèo trong Tin Mừng hôm nay đơn sơ dâng hiến hai đồng tiền nhỏ mà không sợ người ta chê cười vì số tiền nhỏ bé của bà. Bà làm với lòng tin yêu chân thành của mình, vì bà biết rằng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự và thấu hiểu lòng bà. Thật vậy, Thiên Chúa không nhìn lễ vật hay công việc bề ngoài mà nhìn đến ý hướng bên trong. Thiên Chúa chỉ muốn tấm lòng chứa đầy tình yêu: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần của lễ” (Mt 9:13). Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô tuyên bố: “Giả như tôi có đem hết gia tài sản nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cor 13:3). Và tác giả sách Gương Chúa Giêsu xác quyết: “Không có bác ái, công việc bên ngoài là việc chết.
Nhưng một công việc dầu nhỏ bé, dầu tầm thường mấy mà làm vì một nguyên do bác ái, lại lợi hết chỗ nói. Vì Chúa không xét việc ta làm bằng xét lý do xui ta làm. Bác ái nhiều là làm nhiều rồi đấy” (Q. I, Ch. 15). Và tình yêu đích thực thì không giới hạn, nên sự quảng đại phải là đặc nét của việc dâng hiến.
Cuối cùng, việc dâng hiến của chúng ta, vì là việc của yêu thương, phải có dấu ấn thập giá, có dấu ấn của việc tự hiến, nghĩa là của lễ chúng ta dâng phải chứa đựng chính mình qua chiều kích hy sinh, mất mát, hay từ bỏ nơi chính mình. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu thác lời Chúa Giêsu về việc hiến dâng như sau: “Cha có đòi con cái gì khác, ngoài việc con phải tự hiến cho Cha đâu? Dầu con dâng gì, nếu cái đó không phải là chính thân con, Cha cũng không kể. Vì Cha không đòi gì khác một đòi bản thân con kia!” (Q. III, Ch # 8). Đây chính là định nghĩa tình yêu của Mẹ Têrêsa Calcutta: “Yêu thương là trao ban cho đến đau đớn.” Hai đồng tiền nhỏ của bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu đánh giá là to lớn nhất vì nó là tất cả những gì bà có để nuôi sống chính bà!
Vì vậy, người ta thường nói người giàu trao tặng những gì họ có, còn người nghèo trao tặng những gì họ là. Việc dâng cúng tiền của có giá trị không những vì góp phần trợ giúp Hội Thánh hay người túng nghèo, mà nó còn bao gồm sự hy sinh nơi chính người dâng cúng, vì “đồng tiền liền khúc ruột”. Chính trong chiều kích thập giá này, việc dâng hiến của chúng ta dâng lên Thiên Chúa không chỉ giới hạn ở việc dâng cúng tiền của, nhưng còn bao gồm cả việc dùng thời giờ để thờ lạy Chúa hay phục vụ tha nhân, việc hy sinh hãm mình, việc vui lòng đón nhận và thánh hóa mọi đau khổ, trái ý, bệnh tật trong cuộc sống hàng ngày.
Việc dâng hiến của bà góa nghèo trong Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu ghi nhận và khen ngợi vì nó có nét quảng đại được thể hiện nơi chính Thiên Chúa và nơi chính Chúa Giêsu. Thực vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thánh Phaolô nhận định: “Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cor 8:9). Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận diễn tả việc thực hành đức quảng đại qua một câu ngắn gọn: “Chúa đòi gì con cũng dâng, Chúa cho ban gì con cũng nhận”.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con biết yêu mến Chúa như Mẹ đã yêu mến Chúa, biết quảng đại như Mẹ đã quảng đại khi dâng hiến Chúa Giêsu trong Đền Thờ cho Đức Chúa Cha và trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Amen.
23. Suy niệm của Lm. Nguyễn Thái
“Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ… Có một bà góa nghèo, đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.” (Mc. 12,38-44)
Con người khác với các loài vật nhờ có lý trí và ý chí. Trong hoàn cảnh đói khát chỉ có con người mới có thể làm chủ được bản năng sinh tồn của mình để hy sinh phần lương thực cho người khác. Jack Kelly, biên tập viên hải ngoại của báo USA Today, đã tường thuật câu chuyện thật đầy xúc động xảy ra trong cuộc chiến tranh ở miền Đông Phi Châu như sau:
“Chúng tôi đang ở Mogadishu, thủ đô nước Somalia, trong suốt thời gian nạn đói. Hôm đó thật không may khi chúng tôi bước vào một ngôi làng mà mọi người đã chết sạch cả. Chúng tôi đã phát hiện ra thằng nhỏ này còn sống. Bạn có thể hình dung ra hình dáng gầy ốm tong teo của nó vì suy dinh dưỡng và cái bụng ỏng đầy giun sán. Khi một đưa nhỏ bị suy dinh dưỡng đến cực điểm thì tóc của nó trở nên dỏ hoe, và da giẻ trở nên nhăn nheo giống như một ông già 100 tuổi. Người nhiếp ảnh của chúng tôi có mang theo một trái bưởi bèn đưa cho em. Tội nghiệp thằng bé, nó quá yếu ớt tới độ không còn đủ sức lực để nắm giữ lấy quả bưởi nữa. Do đó chúng tôi phải cắt ra làm hai cho nó. Thằng bé đưa hai tay đón nhận, nhìn lại chúng tôi như thể muốn nói lời cám ơn, rồi bắt đầu bước đi trở lại ngôi làng của nó.
Chúng tôi bước đằng sau thằng bé để nó không thể nhìn thấy chúng tôi. Khi nó về đến làng, có một thằng bé nhỏ hơn nó đang nằm dưới đất mà chúng tôi nghĩ nó đã chết rồi. Đoi mắt của nó đã hoàn toàn trở nên đờ đẫn và mất sinh khí. Hóa ra đó là em nó.Về đến nơi, thằng anh quỳ xuống bên cạnh đứa em, móc từng miếng bưởi đưa lên miệng nhai tóp tép, rồi lấy tay mở miệng em nó ra, đặt miếng bưởi vào, dùng tay đẩy nhẹ cái cằm của em nó nhai lên nhai xuống. Về sau, chúng tôi biết được thằng anh đã làm như thế cho em nó khoảng hai tuần. Vài ngày sau đó, thằng anh đã chết vì quá suy dinh dưỡng, nhưng đứa em lại sống sót. Trên đường lái xe trở về nhà đêm hôm đó, tôi tự nghĩ, đây chính là điều mà chúa Giêsu muốn ám chỉ khi Ngài nói rằng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu.”
Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay nói đến sự hy sinh cao cả vì lòng yêu mến Thiên Chúa và tình thần chia sẻ rộng rãi của hai bà quả phụ:
Bà quả phụ trong bài đọc thứ nhất, trích từ sách các vua quyển thứ nhất 17:10-16, đã nhận được một phép lạ từ tiên tri Êlia ban nhân danh Thiên Chúa, vì đã can đảm chia sẻ cho tiên tri chiếc bánh cuối cùng, nguồn sống còn lai sau cùng của bà và con trai. Với lòng bác ái thương người, bà đã làm theo như lời tiên tri Êlia dạy bảo, và đấu bột cuối cùng đã không vơi cạn đi cho đến vụ mùa tới.
Bà góa nghèo trong phúc âm, Mc 12:38-44, đã sẵn sàng cho đi tất cả những gì bà có để dâng cúng vào đền thờ. Mặc dù đó chỉ là hai đồng tiền kẽm, nhưng lại là toàn bộ gia sản của bà. Bà không dâng cúng của dự thừa cho đền thờ, mà là tất cả gia sản bà có. Một sự hy sinh lớn lao như lời Chúa Giêsu đã nhận xét: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống” (Mc 12:44).
Cuộc nghiên cứu do Patrick Carney thực hiện trong Tổng Giáo Phận New York cho thấy tỉ lệ dâng cúng, đóng góp cao nhất trong toàn địa phận là do những người Mỹ da đen sinh sống trong vùng Central Harlem của thành phố New York. Hầu hết những người da trắng (được gọi là Caucasians) đã có lợi tức cao hơn đa số những người da đen. Những người Mỹ da đen gốc Phi Châu này đã có những điểm chung gần giống với người đàn bà góa trong bài Phúc Âm hôm nay.
Thống kê gần đây cho thấy những người Công Giáo Mỹ đã dâng cúng 1.3% lợi tức hằng năm của họ cho nhà thờ và những cơ quan từ thiện. Trong khi đó những người Tin Lành, rộng lượng hơn, đã đóng góp 2.4% lợi tức và người Do Thái đã đóng góp cao nhất cho cộng đồng của họ với tỉ số 3.8%.
Từ sự đóng góp hai đồng tiền kẽm của bà góa nghèo, William Barclay đã rút ra những bài học tinh thần về sự hy sinh qua của dâng cúng vào đền thờ như sau:
- “Của dâng cúng, hay sự hiến dâng thực sự phải là của lễ hy sinh. Đối với người cho, giá trị tiền bạc của món quà không thành vấn đề. Điều đáng kể không phải là món quà to hay nhỏ, nhưng là sự hy sinh. Một câu hỏi đặt ra cho nhiều người là sự hiến dâng của chúng ta cho công việc của Thiên Chúa có bao gồm một chút hy sinh nào không. Rất ít người dám hy sinh thêm cho công việc của Thiên Chúa nếu họ không có sự khoái cảm. Đây có thể là dấu hiệu suy thoái của giáo hội và là một thất bại của Kitô giáo khi những của dâng cúng của giáo dân phải được khắc ghi trên bảng vàng, bảng khen. Thói thường họ sẽ không cho hay dâng cúng trừ phi họ lấy lại được một cái gì đó, giải trí hay hiện vật. Có thể có một số người đọc câu chuyện này mà không biết xấu hổ.”
- “Của dâng cúng, cho đi thực sự phải là một điều không quản ngại, e dè, đắn đo. Bà góa có thể giữ lại một xu. Nó không đáng là bao nhưng nó cũng là một cái gì đó. Tuy nhiên, bà đã cho tất cả những gì bà có. Điều này mang một ý nghĩa thật sâu xa. Điều đáng buồn là chúng ta thường giữ lại một phần nào đó của cuộc sống, một phần hoạt động nào đó, một phần nào đó thuộc con người riêng tư của mình mà không dâng hiến ban tặng cho Chúa Kitô. Không nhiều thì ít, chúng ta còn muốn giữ lại một cái gì. Họa hiếm lắm chúng ta mới dám hy sinh đến cùng và cho đi hoàn toàn.”
- “Điều lạ lùng và đáng yêu là con người mà Tân Ước và Chúa Giêsu đưa ra như là một mẫu mực của lòng quảng đlai lại là một con người khiêm tốn, đã dâng cúng một món quà chẳng là gì. Có lẽ chúng ta cũng cảm thấy rằng chúng ta chẳng có gì nhiều về vật chất hay sự đóng góp cá nhân để dâng hiến, ban tặng cho Chúa Kitô, nhưng nếu chúng ta đặt tất cả những gì chúng ta có và trao toàn quyền cho Ngài. Ngài có thể làm nên những sự việc vượt ra ngoài trí tưởng tượng của chúng ta.”
Không phải số lượng cho đi nhiều hay ít sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng là cách chúng ta cho Ngài (2Cr 8:9-12). Cách tốt nhất để cho, là cho từ trái tim. Sự quảng đại thực sự của đôi bàn tay biết cho di phát xuất từ tấm lòng khiêm nhường và phục vụ chân tình. Thiếu sự chân thành của trái tim làm cho đôi tay mở rộng dễ trở nên khoe khoang như Chúa Giêsu đã nhận xét: “Có lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền.” (12:41).
Bằng những hành động cụ thể, chính Chúa Giêsu đã cho chúng ta một gương mẫu để theo Ngài. Ngài đã hy sinh chính bản thân như một sự hiến dâng, một lần cho tất cả, bằng việc cho đi chính thịt và máu Ngài để cứu toàn thể nhân loại. Vì tình yêu thương vô bờ bến mà Ngài đã cho đi tất cả. Đó là sứ điệp Thánh Phaolô gửi cho chúng ta trong bài đọc thứ hai: “Đức Kitô chỉ tế lễ chính mình một lần để hủy diệt nhiều tội lỗi.” (Dt 9:24-28).
Theo gương Chúa Giêsu, trong vai trò mục tử của mình, ĐGH Gioan Phao lô II đã kêu gọi chúng ta: “Chưa bao giờ trái đất có nhiều sản phẩm như ngày nay, nhưng cũng chưa bao giờ có nhiều người đói khổ như bây giờ. Kết quả của sự phát triển vẫn tiếp tục được phân phát không công bằng. Thêm vào đó sự cách biệt càng ngày càng tăng giữa Bắc và Nam. Tôi muốn xin các người thiện tâm lưu ý đến vấn đề này: “Nỗi khốn cùng là một đe dọa, còn tiềm tang nhưng có thực, cho hòa bình”…
Jean Jacques Rousseau cũng đã khuyên chúng ta: “Khi một người chết đi, trong những bàn tay nắm lại, sẽ mang theo những cái mà người ấy đã cho đi.” Vì cảm giác không an toàn, con người thường muốn giữ lại cho mình của cải vật chất hơn là muốn chia sẻ phân phát cho người khác.
Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta trước khi tự mình mở đôi bàn tay ra để chia sẻ với tha nhân thay vì cứ muốn nắm chặt lại cho mình. Xin Chúa thánh hóa của lễ chúng ta dâng lên Chúa và sự chia sẻ của chúng ta đôi với các anh chị em trở nên của lễ hy sinh đẹp lòng Ngài.
24. Tấm lòng quảng đại
Câu chuyện về hai bà goá được nhắc đến trong các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu thế nào về lòng quảng đại của con người. Quảng đại là dám cho đi: cho đi những gì mình đang rất cần đến; cho đi những gì mình đang quý đang yêu…
Chúa Giêsu đã từng dạy các tông đồ: “cho thì có phúc hơn là nhận”. Nói đến việc cho đi thì ta phải nghĩ đến “của cho” và “cách cho”. “Của cho” xét cho cùng không quan trọng bằng “cách cho”. Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ”.
Gần đây báo chí có đăng tin có một anh chàng Việt Kiều đại gia nào đó thích “chơi nổi”. Anh ta đừng trên lầu 1 của một khách sạn sang trọng, cầm trong tay một xấp tiền đủ loại mệnh giá, ngoắc tay gọi những người ăn xin, bán vé số lại, rồi tung xấp tiền ấy lên không cho tiền bay tung toé để những người dân nghèo chen chút nhau lụm tiền giữa tiếng kêu la và chen lấn nhau. Và anh ta cảm thấy vui với cách cho tiền của mình như thế. Nhưng những người có lương tri thì cảm thấy ái ngại và xót xa trước việc làm ngông nghênh của kẻ giàu có này, và nhất là Chúa sẽ buồn lắm khi thấy con người hành động theo kiểu “bất nhân” như thế. Cho như thế chắc không đẹp lòng Chúa chút nào!
Cách cho là quan trọng. Tấm lòng là quan trọng. “Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Chúa nhận lời”. Bà goá ở Xarepta được nhắc đến trong bài đọc 1 hôm nay có vẻ miễn cưỡng, ngập ngừng và lúng túng trước khi cho, vì hoàn cảnh khốn khổ làm cho bà khó giải quyết vấn đề. Nhưng rồi cuối cùng bà cũng dám cho đi cái bà đang rất cần với tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tôn trọng đối với người xin bà. Còn bà goá nghèo được Tin mừng nhắc đến hôm nay có một thái độ rất anh hùng. Chúa Giêsu đã đề cao bà, coi bà như một kiểu mẫu của việc cho đi cách chân thành và không tính toán. Chúa Giêsu muốn các tông đồ nhìn vào đó đẻ học hỏi. Bà goá nghèo ấy đã dám bỏ vào thùng tiền dâng cúng “tất cả những gì bà có để nuôi sống bà”, dù số tiền ấy chẳng đáng vào đâu (1/4 xu). Đó là thái độ chân thành và rất anh hùng của người có tấm lòng quảng đại. Chúa Giêsu đã nhìn thấy tấm lòng của bà đối với công việc nhà Chúa mà bà thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp vào đó. Cách cho đi của hai bà goá được Kinh thánh nhắc đến hôm nay thật đẹp, thật cao quí.; rất đáng đề cao và rất đáng cho chúng ta học hỏi.
Cho đi cách thật lòng chính là cách khôn ngoan nhất và chắc chắn nhất để ta giữ lại những gì mình có ở trần gian này. Thánh Phanxicô Assisi nói rằng: “chính lúc cho đi là khi được nhận lấy; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Đây không phải là chuyện nghịch lý nhưng là chuyện siêu lý của những người hiểu biết và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.
Có chuyện kể rằng: có một ông nhà giàu nọ căn dặn người nhà của ông bỏ vào quan tài thật nhiều vàng bạc để khi ông chết đi, ông sẽ có cái mà tiêu xài. Rồi ngày chết của ông cũng đến. Người ta làm đúng theo những gì ông căn dặn. Sang thế giới bên kia, ông nhìn thấy cái gì đựơc bày bán cũng hấp dẫn, nhất là các món ăn. Ông nghĩ rằng phen này tha hồ mà mua sắm và ăn uống thoả thích. Nhưng lạ thay, những người bán ở đây trả lời với ông rằng: tiền của ông ở đây không sử dụng được vì ở đây chỉ sử dụng đồng tiền cho đi chứ không xài tiền thu vào!
Chúng ta đang có đồng tiền loại nào? Chúng ta có dự định sẽ làm gì để có đồng tiền cho đi. Có một nhà tu đức đã nhắc nhở chúng ta rằng:
Những gì chúng ta tiêu xài sẽ tiêu tán mất,
Những gì chúng ta mua sắm thì người khác sẽ dùng,
Những gì chúng ta tích luỹ rồi sẽ phải để lại cho người khác,
Chỉ có những gì chúng ta cho đi là tồn tại mãi.
Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn và tấm lòng của mỗi người chúng ta. Chúa đang xem cách thức chúng ta hành động trong việc cho đi: chúng ta có cho đi những thứ mình đang cần không? Chúng ta có dám cho đi những thứ mình đang yêu thích để chia sẻ cho anh chị em của mình chưa? Hay chúng ta chỉ cho đi những cái dư thừa, những cái bỏ đi vì không ai xài tới…? chúng ta có thấy trách nhiệm của mình phải đóng góp vào việc chung vủa Giáo hội không hay chúng ta chỉ là những người đứng ngoài lề, chỉ chờ Giáo hội ban phát cho mình thôi! Chúng ta hãy nhìn lại và tự kiểm điểm của cho, cách cho và trách nhiệm của mình trong thời gian qua như thế nào?!
Ước gì chúng ta hiểu được rằng: cho đi là một hạnh phúc, biết cho đi sẽ làm cho hạnh phúc của mình được nhân lên và tồn tại mãi. Hơn nữa, món quà cho đi sẽ trở nên vĩ đại ở nơi một người có trái tim quảng đại. Hãy học nơi Chúa tấm lòng quảng đại để chúng ta biết cách cho đi đẹp lòng Thiên Chúa. Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của những việc làm hy sinh và cho đi với con tim rộng mở và tấm lòng quảng đại theo gương Chúa. Hãy quảng đại đối với Chúa và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.
25. Bỏ vào tất cả.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Khó lòng nhận ra đồ giả trong các món hàng.
Ta thường đánh giá một sản phẩm dựa trên mẫu mã, nên dễ bị đánh lừa về chất lượng.
Thật ra đồ giả cũng có ở nơi con người.
Làm cho mình trẻ hơn nhờ trang điểm, tốt hơn nhờ ăn nói. Làm cho mình có dáng trí thức hơn, quý phái hơn để chiếm được lòng tin, lòng quý mến của người khác.
Có loại người giả hình dạy một đàng, làm một nẻo, bắt người khác làm những điều mình chẳng bao giờ làm, mạt sát người khác về những tội mình không tránh khỏi.
Có loại người giả hình rất tử tế với người ngoài, còn sống với người trong nhà thì không ai chịu nổi.
Nói chung mọi thứ giả hình đều không thật.
Đức Giêsu cảnh giác chúng ta về thứ giả hình đạo đức: “Anh em hãy coi chừng…”, kẻo lại giống một số kinh sư.
Đức Giêsu cố ý ngồi đối diện với thùng tiền ở Đền Thờ. Ngài tò mò muốn xem đám đông bỏ tiền ra sao. Những người giàu bỏ nhiều hơn cả. Nhưng Ngài lại xúc động khi thấy một bà goá nghèo rón rén bỏ vào thùng hai đồng xu nhỏ. Ngài quả quyết trước mặt các môn đệ: “Bà goá này đã bỏ nhiều tiền hơn người khác, vì mọi người lấy từ cái dư thừa mà bỏ vào, còn bà, bà lấy từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.”
Các môn đệ ngỡ ngàng trước cách đánh giá của Đức Giêsu, cách nhìn con người dựa trên tấm lòng của họ.
Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Đức Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả.
Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác.
Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng.
Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm.
Lối đánh giá của Đức Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.
Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy.
Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
Có khi nào bạn đánh giá sai người khác không? Có khi nào bạn bị lừa vì cái bề ngoài của người khác không?
Mỗi người đều ít nhiều có tính giả hình. Làm sao có thể sống thành thật với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.
26. Suy niệm của Lm. Ignatiô M. Hải Dương, CRM
“Bà goá nghèo dâng tất cả những gì bà có” (Mc 12:38-44)
Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta hai mẫu gương của hai người đàn bà góa, những người mà trong Thánh Kinh kể là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Họ được xếp vào những thành phần yếu ớt, không có tiếng nói trong xã hội bên cạnh những trẻ em bé bỏng.
Bà góa trong bài đọc thứ nhất từ sách Các Vua không phải là người Do Thái. Bà có một người con trai. Hai mẹ con sống trong thời kỳ hạn hán, cầm hơi với chút bột và dầu ô liu trong nhà để rồi sau đó hai mẹ con sẽ chết đói. Nhưng với lòng quảng đại , bà đã làm một chiếc bánh cho vị tiên tri của Thiên Chúa, rồi mới làm bánh cho bà và con bà. Và vì sự rộng lượng đó, hũ bột đã không với đi và bình dầu không cạn cho tới ngày Chúa cho mưa xuống. Và như vậy, khi chia sẻ phần lương thực cuối cùng của bà cho tiên tri Êlia, bà không mất gì mà còn được cho thêm rất nhiều. Bà là mẫu người đại diện cho những người nghèo khó, nhưng đã biết đặt trót niềm tin vào Thiên Chúa.
Trong Phúc Âm Thánh Marcô chúng ta đọc trong Thánh Lễ hôm nay, Chúa Kitô đã khen ngợi một bà góa dâng cúng vào đền thờ một số tiền rất nhỏ. Ngài khen bà, vì bà đã dâng cúng vào đền thờ tất cả những gì bà có. Chúa Kitô đã không nhìn tới số lượng, nhưng nhìn tới tấm lòng. Sự rộng lượng của bà góa dẫn đưa bà tới sự tin tưởng vào Chúa. Và trong con mắt người khác, số tiền bà dâng cúng vào đền thờ thật nhỏ nhoi, nhưng trong con mắt của Chúa Kitô nó lại là lớn nhất, vì “Những người khác dâng những gì là dư thừa, còn bà dâng hết những gì bà có”.
Câu truyện Phúc âm đã làm nổi bật việc Chúa Kitô tố giác những thái độ kiêu căng, phô trương của các kinh sư trong cộng đoàn Do Thái thời bất giờ, đã tạo nên một hình ảnh đẹp qua gương lành của một bà goá. Lòng quảng đlai và nhiệt thành của bà đã là một sự tương phản gay gắt với sự giả hình, nếu không muốn nói là giả dối của các kinh sư. Bà goá nghèo trong Tin Mừng này đã không nghĩ tới sự an toàn nhỏ nhoi nào, nhưng phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thực vậy, lòng quảng đại của bà goá xuất phát từ sự tín thác trọn vẹn cuộc sống củya mình vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Tiên và hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi các ngài sẽ ban cho sau.” Đây chính là câu chuyện vừa nói lên sự tín thác vào Thiên Chúa, vừa là câu chuyện nói lên về lòng quảng đại của con người.
Chúng ta tự hỏi tại sao bà goá nghèo trong Phúc Âm lại có được một sự tốt lành bộc phát như vậy? Câu trả lời là do lòng yêu mến. Để được như bà, chúng ta cũng phải trung thành thực thi lòng rộng lượng nhiều lần trong đời, không phải ơ nơi những việclớn, nhưng là những việc nhỏ mọn với một tình yêu lớn lao.
Mẹ Têrêxa Calcuta đã từng nói: “Thiên Chúa không nhìn xem những công việc lớn lao, nhưng nhìn xem tình yêu trong những công việc chúng ta làm”.
Khi còn sinh thời, Mẹ Têrêxa Calcuta đã kể một câu chuyện: Ngày kia mẹ xuống phố, gặp một người hành khất đã cao niên nói với Mẹ: “Thưa mẹ, mọi người gặp Mẹ đều giúp Mẹ tiền bạc.Tôi cũng muốn, nhưng tôi nghèo quá, cả ngày nay xin được có 30 xu. Tôi xin biếu mẹ số tiền nhỏ nhoi này”. Mẹ nói: “Nếu tôi lấy 30 xu này thì tối nay ông sẽ phải nhịn ăn. Nếu tôi không lấy, ông sẽ bị tổn thương, mặt cảm. Thế là tôi đưa tay ra, nhận số tiền 30 xua đó. Liền đó, tôi nhận ra sự rạng ngời trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông hành khất này, vì ông đã cho đi dược cái gì ông có”.Và Mẹ kết luận: “Một người ngồi ăn xin cả ngày được 30 xu. Một món tiền quá nhỏ, ông và tôi chả mua được cái gì! Nhưng nó đã được cho đi, và đã trở nên gấp ngàn lần, vì nó được cho đi trong sự quảng đại và yêu thương. Thiên Chúa nhìn việc dâng hiến của mội người không phải vì sự to tát của việc làm, mà vào tình yêu thương mà qua đó công việc được hoàn thành”.
Hãy nhớ rằng dâng cúng “Hai đồng tiên nhỏ” sẽ làm vui lòng Thiên Chúa, nếu việc dâng cúng đó được làm vì tình yêu và sự quảng đại.
27. Chân thành giữ đạo
Lời Chúa ghi trong Kinh Thánh được rao truyền, được giảng giải trong các bài giáo lý và trong mỗi Thánh lễ. Thế nhưng có người đọc rồi bỏ qua, có người nghe nhưng không thi hành bởi vì lòng trí đang lệ thuộc vào thế gian, đang đặt danh, lợi, thú làm trung tâm của đời sống, không dành chỗ cho lời Chúa tác động trong tâm hồn mình. Đó là một trong những lý do chính khiến nhiều người chưa theo đạo hoặc theo đạo lấy có, giữ đạo hình thức, giả hình như một số luật sĩ Chúa Giêsu trách cứ hôm nay.
Trong cuộc sống này, tiền bạc, quyền lợi tự nó không tốt cũng không xấu nhưng vấn đề là ở con người. Con người đặt mục tiêu cuộc đời mình ở nơi Chúa hay ở những thứ đó.
Nhiều luật sĩ biệt phái muốn được quyền lợi, được kính trọng nên sinh ra giả hình. Họ đọc kinh dài không vì lòng yêu mến Chúa mà vì lợi lộc trần gian, để “nuốt hết tài sản của các bà góa”. Họ là những người học Kinh Thánh và có điều kiện hiểu Lời Chúa hơn những người khác nhưng họ lại sống không đúng lời Chúa dạy. Họ không nhớ rằng: Chúa cần tấm lòng chứ không phải những bản kinh dài mà tâm hồn rỗng tuếch, Chúa lòng chân thành thờ phượng chứ không phải ở kiến thức suông mà thôi.
Đối lại bọn họ, một bà góa nghèo, kiến thức không bao nhiêu nhưng có tấm lòng yêu kính Chúa. Tuy số tiền bà bỏ vào thùng chưa tới 1 xu! Nhưng là người bỏ nhiều nhất, rộng rãi và chân thành nhất: Bà bỏ vào thùng tất cả những gì mình có, bà đã hy sinh cả phần mình đang cần sử dụng để đóng góp cho nhà Chúa. Trong khi đa số những người kia, tuy số tiền nhiều gấp mấy lần nhưng là bỏ phần dư của mình.
Đây là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta. Chúa chấm công chúng ta không phải ở số lượng và hình thức bên ngoài nhưng ở lòng chân thành của chúng ta khi thi hành những việc đạo đức. Mỗi lần đến nhà thờ dự lễ nhất là lễ Chúa Nhật, chúng ta có đến vì lòng mến Chúa hay vì luật buộc. Nếu chúng ta miễn cưỡng đến vì luật buộc thì chúng ta chẳng khác gì các luật sĩ mà Chúa Giêsu trách cứ hôm nay. Vì Chúa muốn chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến chứ không vì miễn cưỡng. Và để giúp chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến, Ngài đã nêu gương cho chúng ta trước. Sống đạo hết mình, yêu mến Chúa Cha hết linh hồn hết sức lực cho đến hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Đó là lời dạy có giá trị nhất chúng ta cũng hãy noi gương Ngài, bước theo chân Ngài trên con đường về Nước Trời. Chắc chắn, ai giữ đạo thật tình thì Chúa Cha sẽ đón nhận vào Nước Ngài hiển trị.
28. Cho.
Có một cặp vợ chồng trở về quê thăm họ hàng. Họ xuống xe, đi bộ được một quãng thì trời đổ mưa tầm tã. Đêm đã khuya mà họ thì lại không quen thuộc đường lối. Thế là họ bèn gõ cửa một căn nhà có ánh đèn hắt ra. Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà già. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng trống.
Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ đặt mấy chục ngàn lên bàn, rồi rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ. Còn mình thì phải nằm ngủ dưới đất.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin mừng sáng hôm nay, và chúng ta nhận thấy: giống như bà góa, đôi vợ chồng già không phải cho đi phần thừa thãi, mà cho đi chính nguồn sống ít ỏi của mình. Họ cho đi một cách quảng đại, vui vẻ và thực lòng. Nếu suy nghĩ, chúng ta thấy có ba cách cho đi.
Cách thứ nhất là cho đi một cách bất đắc dĩ. Những người này thường nói: Tôi bực bội vì phải cho đi. Tôi miễn cưỡng phải cho đi.
Cách thứ hai là cho đi vì bổn phận. Những người này thường bảo: Tôi buộc phải cho. Họ cho đi mà lòng nặng trĩu vì bổn phận trói buộc.
Sau cùng cách thứ ba đó là cho đi với tình yêu thương. Những người này thường vui vẻ nói: Tôi muốn cho đi. Họ cho đi với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Không phải vì ép buộc, cũng không phải vì bổn phận thúc đẩy.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã cho đi như thế nào? Chúng ta thường nói: của cho không quan trọng bằng cách cho. Vậy chúng ta sẽ cho đi những gì? Chúng ta không chỉ nói đến tiền bạc mà còn nói đến việc ban tặng chính bản thân và thời giờ của mình.
Chẳng hạn chúng ta đã dâng cho Chúa bản thân và thời gian của chúng ta vào việc thờ phượng Chúa trong ngày Chúa nhật như thế nào? Chúng ta đã trao tặng chính bản thân và thời giờ của chúng ta cho những người thân yêu trong gia đình, cũng như cho bà con lối xóm ra làm sao?
Chúng ta có biết cho đi với cõi lòng đầy hân hoan, với trái tim đầy quảng đại như bà góa trong Phúc âm hay không? Với một chút tế nhị và nhạy cảm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Chúng ta có rất nhiều thứ để mà cho đi, như một bài thơ đã diễn tả: Quà tặng đẹp nhất cho kẻ thù, chính là sự tha thứ. Cho bạn bè chính là sự trung thành. Cho các em nhỏ chính là gương sáng. Cho người cha chính là lòng tôn kính. Cho người mẹ chính là tình yêu. Và cho người chung quanh chính là đôi tay của chúng ta.
Hãy cứ cho đi một cách quảng đại, chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ chịu thua trước sự rộng rãi của chúng ta. Bởi vì, khi tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó. Khi tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương. Khi tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả sa mạc. Và khi tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả thịt máu Ngài.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam