Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 54
Tổng truy cập: 1377211
YÊU LÀ DẤN THÂN
Không có gì quí trọng trong cuộc sống con người bằng tình yêu. Tình yêu thường được nhắc đến trong văn thơ, báo chí và nhiều tác phẩm. Không phim ảnh nào mà không đề cập đến tình yêu. Con người cũng đã dùng nhiều lời lẽ khôn ngoan để định nghĩa tình yêu. Tuy nhiên, cũng có nhiều cuộc tự vẫn và chém giết xảy ra vì thất bại trong tình yêu. Kinh thánh cũng không thua kém trong việc đề cập đến tình yêu trong ý nghĩa sâu đậm nhất, tình yêu Thiên Chúa.
Các tác giả Tân Ước, nhất là thánh Luca trong Tin mừng hôm nay, luôn nhắc nhở ta rằng tình yêu mến Chúa và tha nhân không thể tách rời. Hơn nữa, thánh Gioan còn nhấn mạnh: "Ai nói mình yêu Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình" (s Gn 4:21). Tình mến Chúa yêu người có thể biểu lộ qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Một trong những khía cạnh đó là dấn thân cho tha nhân.
Chúng ta có thể dấn thân phục vụ tha nhân tại trường học, xưởng làm, trong cộng đồng, xóm đạo hoặc ngay trong gia đình. Nhưng đặt biệt nhất là cần phải dấn thân phục vụ những người bất hạnh đang bị xã hội quên lãnh. Tin mừng hôm nay tả lại một gương dân thân: người Samaritanô, vì dấn thân, đã cứu sống một người bị bọn cướp đả thương nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Thầy Lêvi và Tư tế đã đi qua nạn nhân cách vô ý thức vì họ không muốn dấn thân. Nhìn vào cuộc sống, chắc nhiều lần chúng ta có thái độ như thầy Lêvi và Tư tế. Ông này nên giúp đỡ gia đình nghèo đó. Bà kia nên nâng đỡ những người đang gặp khó khăn trong giáo xứ. Anh nọ nên tìm cách giúp đỡ giới trẻ đang bị hư hỏng trong cộng đồng. Luôn luôn là ông này, bà kia, anh nọ, nhưng không bao giờ là tôi. Tôi không muốn dấn thân. Tôi không muốn mất thời giờ, khả năng, sự tiện nghi và thoải mái của tôi cho người khác.
Chúa Kitô, gương mẫu của mọi Kitô hữu, đã dạy và nhiều lần làm gương dấn thân cho nhân loại. Chúa Kitô đã dấn thân cho nhân loại ngay từ đầu lịch sử cứu độ. Ngài đã hiện diện bên cạnh ta khi ta được dựng nên từ hư vô. Ngài đã hóa thành nhục thể và sống giữa chúng ta. Ngài đã trở nên giống ta mọi sự trừ tội lỗi. Chúa Kitô đã dùng bữa với bọn đàng điếm, thu thuế và nhất là đã chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Là những Kitô hữu, chúng ta có dám theo gương Chúa Kitô để dấn thân cho kẻ khác không? Dấn thân đòi ta phải hy sinh thời giờ, khả năng, sức lực, sự thoải mái và đôi khi cả đến tánh mạng.
Hãy nhìn vào xã hội ta đang sống. Xã hội ngày nay có rất nhiều nghèo đói và vô gia cư sống rất tất tưởi trên những hè phố. Nhiều người bị những cơn bệnh ác nghiệt hành hạ và nhiều kẻ bị áp bức, quên lãng. Họ là những người đang bị bóc lột về những sự cần thiết tối thiểu, sự tự do và nhân vị. Họ là anh chị em của chúng ta trong Nhiệm thể Chúa Kitô. Là những thành phần trong Nhiệm thể Chúa Kitô, chúng ta cần phải dấn thân. Đừng ngần ngại mở rộng tầm tay để phân phát khả năng, thời giờ và nhất là chính con nguời của ta cho tha nhân.
Nhờ dấn thân, người Samaritanô đã cứu sống nạn nhân bị bóc lột bên lề đường; nhờ dấn thân Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Chúng ta có thật sự yêu Chúa? Nếu có, ta cần phải dấn thân để cứu giúp anh chị em bất hạnh trong xã hội vì Thánh Gioan đã dạy: "Ai nói mình yêu Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình" (1 Gn 4:21). Mỗi khi tham dự Tiệc Thánh thể, kỷ niệm việc Chiên Thiên Chúa đã dấn thân chịu chết để cứu chuộc nhân loại, chúng ta hãy suy về ý tưởng này.
42. Suy niệm của JKN
Câu hỏi gợi ý:
1. Yêu Chúa và yêu người, cái nào quan trọng hơn? Đặt vấn đề như thế có đúng đắn không? Có thể tách hai tình yêu ấy thành biệt lập với nhau không?
2. Tinh thần yêu thương của Đức Giêsu khác với tinh thần của Cựu Ước thế nào? Có gì mới mẻ hơn so với Cựu Ước?
3. Xét câu hỏi của Đức Giêsu: «Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?», bạn nghĩ gì về về câu hỏi ấy? Tại sao lại «ai tỏ ra là người thân cận», chứ không nói «ai là người thân cận»?
Suy tư gợi ý:
1. Yêu thương là cốt tuỷ của Luật Thiên Chúa
Lề luật vốn có rất nhiều điều luật, mỗi điều luật lại có một số khoản luật, làm sao giữ luật cho trọn vẹn để trở nên công chính? Muốn thế, phải nắm được cốt tuỷ của lề luật. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cốt tuỷ của lề luật là lòng yêu thương. Theo Cựu Ước – được thầy thông luật trưng dẫn trong bài Tin Mừng hôm nay – thì có hai đối tượng của lòng yêu thương: một là Thiên Chúa, hai là người thân cận. Nhưng trong Tân Ước, đặc biệt trong các thư của Phaolô và Gioan, thì hai đối tượng ấy được tổng hợp lại thành một thực tại duy nhất có hai mặt, tương tự như một tờ giấy duy nhất có hai trang gắn liền nhau không thể tách rời. Yêu Chúa và yêu người là hai mặt của một tình yêu duy nhất. Do đó, yêu Chúa đích thực tất nhiên phải yêu người, «ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối» (1 Ga 4, 20). Thánh Phaolô tóm cả lề luật vào một mối duy nhất là yêu người: «Tất cả lề luật được tóm gọn trong một điều này: Hãy yêu người lân cận như chính mình» (Gl 5, 14), vì yêu người đích thực thì đã bao hàm yêu Chúa trong đó rồi. Nói khác đi, yêu người chính là yêu Chúa, miễn sao tình yêu đó là đích thực, nghĩa là vô vị lợi: yêu người, hy sinh cho người không vì một lợi lộc nào cả, thậm chí không phải để được Thiên Chúa thưởng. Nếu yêu người là để được Thiên Chúa thưởng mình, hay vì một lợi lộc khác của mình thì suy cho cùng hoá ra đó là mình tự yêu bản thân mình chứ đâu phải mình yêu người. Yêu kiểu ấy là một hình thức vị kỷ, chứ đâu phải là tình yêu!
2. Yêu thương là giữ trọn lề luật (x. Gl 6,2)
Chúng ta đang sống thời Tân Ước, vì thế chúng ta không nên sống theo tinh thần của Cựu Ước. Thời Cựu Ước, trình độ tâm linh của con người còn sơ khai, thấp kém, nên tiêu chuẩn để nên công chính vào thời đó là sống sao cho đúng với lề luật. Càng giữ đúng luật bao nhiêu thì càng công chính bấy nhiêu. Vì thế, những người Pharisiêu là những người hoàn chỉnh nhất theo tiêu chuẩn này: họ cố giữ luật sao cho đúng từng chi tiết, từng dấu phảy một. Tuy họ giữ đúng lề luật tôn giáo từng ly từng tý, đến nỗi có thể nói rằng khó có ai giữ lề luật chi ly hơn họ, nhưng Đức Giêsu đã nhận ra rằng trong lòng họ không có tình yêu, trái lại chỉ có lòng ích kỷ. Nếu họ có giúp đỡ ai, hy sinh cho ai, thì ý hướng khiến họ làm điều ấy là vì lề luật khuyên hay buộc như vậy, vì họ nghĩ: có làm như vậy thì mới là người công chính, và mới được Thiên Chúa ân thưởng. Họ giúp đỡ, hy sinh cho người khác rất nhiều, mà lòng họ có thể chẳng yêu thương người ấy bao nhiêu. Họ làm mọi sự vì lề luật đòi hỏi, chứ không phải tình yêu đòi hỏi.
Tới thời Đức Giêsu, Ngài thấy Dân Chúa đã sống trong trình độ tâm linh ấy cả ngàn năm rồi, bây giờ Ngài phải nâng trình độ ấy lên. Tiêu chuẩn để nên công chính bây giờ phải được nâng cao hơn: không nên làm vì lề luật buộc, mà vì tình yêu đối với tha nhân đòi buộc và thúc đẩy. Vì thế, Ngài nói: «Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5,20). Ý của Ngài không phải muốn chúng ta giữ lề luật nhiệm nhặt hơn người Pharisiêu, vì chẳng mấy ai giữ luật tài hơn họ. Ngài muốn chúng ta công chính hơn họ ở chỗ có tình yêu bên trong, và làm mọi sự vì yêu thương chứ không phải vì lề luật buộc phải làm như thế. Điều đó không có nghĩa là Ngài đả phá lề luật, mà trái lại là làm cho lề luật hay việc giữ luật nên hoàn chỉnh hơn: giữ luật vì tình yêu, đưa tình yêu vào trong lề luật. Một khi đã có tình yêu đích thực, thì như thánh Âu-Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm». Tình yêu sẽ cho ta biết ta phải làm gì. Theo thánh Phaolô thì lề luật không phải được lập nên cho người có tình yêu, mà cho người không có tình yêu: «(9) Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, (10) dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh» (1 Tm 1,9-10).
Nếu không có tình yêu, thì việc làm theo luật có tốt đẹp đến đâu cũng vô giá trị. Thánh Phaolô nói rất rõ: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1 Cr 13,3). Đem hết gia tài ra bố thí cho người nghèo là một hành động có vẻ đầy yêu thương, nhưng nó vẫn có thể phát xuất từ một động lực hoàn toàn vị kỷ, chẳng có chút tình thương nào: bố thí để mọi người khen, nể phục, để được mang tiếng là thương người, là đạo đức.
3. Hai thái độ giữ luật trong dụ ngôn người Samari tốt lành
Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy có hai thái độ giữ luật:
– Một là của thầy tư tế và thầy Lêvi, tượng trưng cho tinh thần vị luật của Cựu Ước. Theo họ, trong lề luật, không có khoản nào qui định cụ thể phải cứu giúp người trong hoàn cảnh như thế này cả. Trái lại, có những khoản qui định cụ thể về sự sạch sẽ: «(Tư tế lớn nhất trong hàng anh em) thì không được đến gần người chết, và không được làm cho mình ra ô uế, dù vì cha hay vì mẹ mình» (Lv 21,11). Như vậy, nếu mình không cứu người ấy thì mình chẳng lỗi luật, còn nếu đụng đến người ấy mà lỡ người ấy chết trên tay mình, thì mình ra ô uế, không được tế lễ hay ăn bánh thánh. Thái độ lãnh đạm của họ đối với người bị nạn quả là có lý vì họ nghĩ: điều quan trọng là làm theo Lề Luật, chứ không phải là làm theo sự đòi hỏi của tình yêu. Vả lại, Lề Luật nói: «Phải yêu người thân cận như chính mình» (Lv 19,18), chứ phải yêu bất cứ người nào đâu! Nếu có tình yêu thì tình yêu ấy chỉ dành cho người lân cận, nghĩa là sống gần mình mà thôi.
– Hai là của người Samari, tượng trưng cho những người không sống theo Lề Luật: trong họ, những người tốt thì sống theo sự đòi hỏi của lương tâm hơn là của lề luật thành văn. Do đó, thấy người bị nạn thì người Samari tốt lành này động lòng thương, lương tâm và tình thương đồng loại đã thúc đẩy anh ta cứu giúp người bị nạn đến nơi đến chốn, bất chấp nạn nhân là người Do Thái, thuộc dòng tộc có hiềm khích với dòng tộc anh. Cách hành xử đầy yêu thương của anh mới làm đẹp lòng Thiên Chúa.
Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn này để trả lời cho câu hỏi của anh chàng thông luật: «Nhưng ai là người thân cận của tôi?». Theo câu hỏi mà Đức Giêsu đưa ra sau dụ ngôn: «Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?», thì vấn đề không phải là ai là người thân cận để mình yêu thương, mà là phải tỏ ra mình là người thân cận với mọi người, bằng cung cách xử sự đầy yêu thương với họ. Kinh nghiệm tôi cho thấy: khi có ai tỏ tình yêu thương tôi bằng những hy sinh cụ thể, dù người ấy là người tôi chưa hề quen biết hay ở xa tôi vạn dặm, thì hành động yêu thương ấy làm cho người ấy và tôi trở nên gần gũi nhau, thân mật với nhau. Tình yêu thương và sự hy sinh ấy càng lớn thì sự gần gũi ấy càng tăng lên, thậm chí đi đến chỗ coi nhau như ruột thịt. Trái lại, dù gần gũi, dù là họ hàng, máu mủ, ruột thịt mà không yêu thương nhau, thì lại trở nên như kẻ xa lạ. Như vậy, theo tinh thần của Đức Giêsu, chúng ta phải biến tha nhân thành ruột thịt, thành gần gũi với mình bằng cách cư xử đầy yêu thương với họ, hơn là chọn lấy những người nào là ruột thịt hay gần gũi với mình để yêu thương.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin cho con một tình yêu đích thực, vị tha, làm động lực thúc đẩy cho mọi hành động của con. Cho con biết thật sự quên mình được thể hiện bằng những hy sinh cụ thể cho tha nhân, vì đó chính là dấu chứng của tình yêu đích thực mà con cần có để nên công chính.
43. Người Samaritanô nhân hậu
Nguyệt san L’amour nổi tiếng bên Hoa Kỳ, trong số phát hành vào tháng mười hai trong mùa Giáng sinh năm 1991, đã đăng nổi bật câu chuyện người đàn bà mặc áo đỏ làm xôn xao dư luận. Lái xe qua cổng, thu tiền vé xa lộ, bà không ngần ngại trao một số tiền cho nhân viên thu lệ phí và nói: Tôi trả tiền luôn cho cả những xe đến sau tôi, cho đến khi trừ hết số tiền này. Thế là những người lái xe đi tiếp theo sau nhận được câu nói bất ngờ: “Có người đàn bà mặc áo đỏ vừa đi qua đã trả lệ phí cho quí vị rồi”.
Thế rồi không phải chỉ có một người đàn bà mặc áo đỏ, mà có thật nhiều người mặc áo đỏ thực hiện những cử chỉ tốt lành như vậy tại nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, gây nên một cơn sốt mới, nhưng rồi cơn sốt qua đi, vì thật khó kiên trì trong điều tốt.
Hãy thực hiện những việc tốt, dù nhỏ hèn âm thầm không ai biết đến, nhưng chắc chắn việc làm tốt đó sẽ khơi dậy những chuỗi việc làm tốt khác nơi anh chị em xung quanh. Chuyện dụ ngôn kể về người Samaritanô được nhắc lại trong Phúc âm Chúa nhật XV mùa thường niên năm C đáng chúng ta suy nghĩ thêm. Không phải trí thức, cái biết làm nên người và làm cho người đồ đệ của Chúa được sống đời đời, nhưng là việc làm. Nhà luật sĩ biết rõ Kinh thánh và điều răn của Chúa, nên chính ông đã trả lời cho câu hỏi mà ông đã đặt ra cho Chúa Giêsu. Trong cái biết của ông có chút gì chưa trọn vẹn, chỉ cần Chúa chỉ điểm cho một chút là ông có thể trả lời đúng cho câu hỏi thứ hai hơi rắc rối một chút và khác với sự hiểu biết của ông về: “Ai là người lân cận của tôi?”.
Luật Môisen và truyền thống của người Do thái nói rõ ai là người lân cận và ai không, nghĩa là những người lân cận theo người Do thái có thứ bậc, trật tự và loại ra bên ngoài nhiều người. Chúa chỉ điểm cho nhà luật sĩ để ông ta khám phá ra sự thật, thay vì tìm hiểu xem ai là người lân cận thì hãy cố gắng biến chính mình để trở thành người lân cận của kẻ khác, như kẻ qua đàng trong dụ ngôn nhìn thấy người nửa sống nửa chết bên vệ đường thì không cần biết xem người đó có thuộc vào sổ những kẻ lân cận của mình hay không, nhưng tự bắt buộc mình, tự đặt mình làm người lân cận, làm kẻ phục vụ anh chị em để cho tình thương trong con người mình được thể hiện một cách cụ thể.
Đây là một thái độ sống hết sức mới mẻ. Cách hành xử của người đàn bà mặc áo đỏ phản ảnh phần nào thái độ Chúa muốn cho những người đồ đệ của Ngài thực hiện, nhưng tiếc thay người đàn bà mặc áo đỏ chỉ là một kiểu cách thời trang, mua vui qua lúc. Chúa muốn chúng ta kiên trì hơn, trung thành hơn, sẵn sàng để phục vụ anh chị em. Hãy biến mình trở thành người lân cận của anh chị em.
Lạy Chúa, xin mở mắt chúng con, cho chúng con nhìn thấy người anh chị em bên cạnh và biến đổi tâm hồn con có được chút tình yêu Chúa và thực hiện tình yêu đó cho anh chị em xung quanh. Amen.
44. Người Samaria nhân từ
Câu chuyện về người Samaria nhân từ làm cho tôi liên tưởng tới những sự việc vốn xảy ra thường ngày.
Chẳng hạn một người bất ngờ bị trúng gió, hay bị một tai nạn nào đó, đang nằm quằn quại bên vệ đường. Kẻ qua người lại, xúm đến coi xem rồi bỏ đi và tặc lưỡi:
- Thật tội nghiệp.
Thế nhưng, chỉ có một người đã vội vã đi gọi xe cứu thương và đưa kẻ bất hạnh ấy vào bệnh viện. Thiên hạ hỏi xem anh ta có phải là bà con họ hàng với kẻ gặp nạn hay không, thì anh ta đã trả lời:
- Tôi không có họ hàng bà con chi cả. Thế nhưng, tôi chỉ biết việc cần phải làm ngay bây giờ là lo cấp cứu cho người ấy.
Vậy trong số những người chứng kiến, ai là người công giáo, ai là người đã sống tinh thần của Chúa hơn cả?
Tôi xin thưa đó là người đã vội vã đi gọi xe cứu thương.
Hằng ngày chúng ta chứng kiến biết bao nhiêu chuyện đớn đau và buồn phiền xảy ra ngoài đường phố cũng như nơi khu xóm. Hằng ngày chúng ta cũng được nghe nói đến những tai ương hoạn nạn xảy ra ở chỗ này hay ở chỗ kia trên thế giới. Tuy nhiên, thái độ của chúng ta vẫn chỉ là thái độ thờ ơ và dửng dưng, thái độ của kẻ mũ ni che tai, hơi đâu mà để ý đến. Đó là chuyện bên tây, bên tàu chứ có phải là chuyện của mình đâu mà lo.
Tác phong của chúng ta vẫn chỉ là tác phong của kẻ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”. Chúng ta chỉ biết lo cho bản thân mình, gia đình mình, họ hàng mình, phe nhóm mình mà thôi. Và chúng ta cảm thấy được bình an thư thái, chẳng có tội lỗi chi cả, vì chúng ta không ăn gian, không nói dối, không giận hờn, không thù ghét, không cướp của, không giết người.
Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy: yêu thương không chỉ dừng lại ở những tiếng “không” lạnh lùng ấy, nghĩa là không được bằng lòng với khía cạnh tiêu cực ấy, mà còn phải bước vào khía cạnh tích cực, nghĩa là phải làm gì cho những người mình thương mình mến chứ.
Khi đọc kinh cáo mình, chúng ta đã thú nhận những tội đã phạm nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vậy những điều thiếu sót ấy là gì? Tôi xin thưa chính là những điều chúng ta phải làm mà đã không làm.
Nghĩ xấu, nói hành, ăn trộm, giết người…đó là những việc làm tội lỗi ai cũng biết. Thế nhưng, không dạy bảo con cái, không giúp đỡ cha mẹ, không bố thí cho người nghèo, không thăm viếng người đau yếu khi có thể… đó là những việc thiếu sót và cũng là lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Chúng ta cần phải thành thật thú nhận trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người để xin ơn tha thứ.
Dưới một góc cạnh nào đó, chúng ta có thể định nghĩa người Kitô hữu không phải chỉ là những người có Đức Kitô trong tâm hồn, mang Đức Kitô trong cuộc sống, mà hơn thế nữa, người Kitô hữu còn phải là người nhìn nhận Đức Kitô trong mọi người, coi những vui mừng và những hy vọng, những buồn phiền và những lo lắng của người khác là của chính mình. Chia sẻ những đớn đau và những khát vọng của anh em mình. Coi những vấn đề của người khác là của chính mình và tìm cách giải quyết. Đó mới là yêu người như mình ta vậy.
Vì thế, đừng chỉ sống đạo theo luân lý cá nhân, nhằm cái lợi cho riêng mình, mà còn phải có ý thức xã hội, nhằm cái lợi cho người khác nữa.
Chẳng hạn khi mở máy truyền hình vào ban tối, thì cần nghĩ ngay đến người láng giềng đang cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Khi đổ rác thì đừng đổ xuống dòng sông vì phải nghĩ ngay đến phép vệ sinh công cộng. Khi rước kiệu, thì đừng giăng hàng chiếm trọn cả mặt đường khiến cho bao nhiêu xe cộ bị kẹt cứng. Trong lúc đi rước, họ lâm râm đọc kinh và hát xướng. Họ tưởng thế là làm sáng danh Chúa cũng như làm sáng danh mình mọi đàng, đang khi ở hai đầu dân tài xế, lơ xe và còn biết bao nhiêu hành khách đang lên tiếng chửi bới họ và rất có thể cũng đang chửi bới đạo.
Hãy biết tế nhị giúp đỡ những người chung quanh, đó là cách thức làm chứng cho Chúa giữa lòng cuộc đời, bằng không, danh hiệu Kitô hữu của chúng ta cũng sẽ bị mai một với những phiền toái do chính chúng ta gây ra.
45. Bác ái Kitô giáo - Bác ái kiểu mẫu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Người ta thường chia bác ái ra làm nhiều loại tuỳ theo đặc tính của nó: bác ái đổi chác, theo nghĩa "bánh ít đi, bánh qui lại"; bác ái ngân hàng là bác ái kiểu cho vay lấy lãi một cách sòng phẳng; bác ái vị tha là bác ái hoàn toàn cho đi một cách vô vị lợi; bác ái quảng đại tức là biết sẵng sàng trao ban hơn cả những gì mà đối tượng chờ đợi, v.v... Thế còn bác ái Kitô giáo là loại bác ái nào?
Câu chuyện Dụ ngôn trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho ta biết bác ái Kitô giáo đúng nghĩa là gì. Theo trình thuật của thánh Luca, thì cả 3 nhân vật trong câu chuyện: người Samaria, thầy Tư Tế và thầy Lêvi đều trông thấy nạn nhân bên đường, nhưng chỉ có người Samaria biết "chạnh lòng thương". Tuy nhiên, ông không chỉ dừng lại ở mức độ "từ ánh mắt" (trông thấy) "đến trái tim" (chạnh lòng thương); mà còn "đến cả đôi tay", tức là bằng những hành động rất cụ thể.
Ông ta dừng lại, đến gần bên nạn nhân, cúi xuống, đổ dầu rượu (có lẽ ông đã dốc cạn dầu và rượu để làm dịu bớt sự đau đớn cho người bị nạn) và băng bó cẩn thận sau khi đã tẩy trùng cho vết thương, rồi đặt nạn nhân lên lưng lừa và đưa tới quán trọ mà săn sóc. Hơn thế nữa, ông còn ở lại với người bị nạn: "Hôm sau ông đưa ra hai quan tiền". Từ ngữ "hôm sau", mặc nhiên ta có thể hiểu ông đã ở lại với nạn nhân qua đêm để cho người đó qua khỏi cơn nguy kịch đã, rồi mới an lòng ra đi. Chưa hết, ông còn thanh toán mọi chi phí, và dặn dò cặn kẽ với người chủ quán: "Nhờ bác săn sóc người này, có tốn kém bao nhiêu, chính tôi sẽ chi trả khi trở về". "Chính tôi" sẽ chi trả chứ không phải vợ con anh ta, cha mẹ anh ta, cũng không phải nhà băng, hay dịch vụ bảo hiểm y tế. Lòng quảng đại của ông thật tuyệt vời! Ông đã không ngại hy sinh thời giờ, sức lực và cả tiền bạc. Nói cách khác, ông đã quảng đại cho đi tất cả, nhất là cho đi chính mình.
Chính cung cách cư xử của người Samaria này đã làm nỗi bật lên đức ái hoàn hảo của Tin Mừng. Dụ ngôn cũng muốn ám chỉ cho ta thấy Đức Kitô đích thực là người Samaria nhân hậu đối với nhân loại chúng ta, khi Ngài đã sống trọn hảo đức bác ái đó của Tin Mừng. Ngài đã rời bỏ mọi vinh quang Thiên Quốc để đến trần gian. Ngài đã cúi xuống trên nhân loại khổ đau để băng bó và chữa lành các vết thương do tội lỗi và sự chết gây ra. Đoạn Ngài ra đi, để nhân loại trong quán trọ là Giáo hội của Ngài, để Giáo hội trông nom và chăm sóc hộ Ngài.
Và bây giờ đến lượt chúng ta cũng phải tiếp tục nhiệm vụ của người Samaria nhân lành bên cạnh tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ: chân tình giúp đỡ và băng bó các vết thương của họ. Vết thương của nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, cô đơn, chết chóc,... Con đường từ Giêrusalem tới Giêricô chính là đường đời, trên đó không thiếu những con người bất hạnh, bị bỏ rơi, bị bóc lột, bị để mặc trong tình trạng sống không ra sống, chết không ra chết. Họ đang là những nạn nhân của bạo lực, bất công, bệnh tật, chiến tranh hận thù... "Hãy đi và làm như vậy" luôn là một mệnh lệnh có tính cấp bách.
Chính vì thế, sứ điệp Tin Mừng đang thôi thúc chúng ta nỗ lực mỗi ngày làm một việc bác ái cụ thể trong môi trường mà mình đang sống: nơi thôn xóm, nơi công sở, nơi trường học, trên đường đi. Hãy làm với một niềm tin tưởng rằng mỗi một cử chỉ bác ái mà ta làm cho tha nhân, dù nhỏ bé đến đâu, cũng đều góp phần làm cho tình yêu của Thiên Chúa lan toả và làm cho nền văn minh tình thương của nhân loại được thăng hoa.
Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: "Không phải bất cứ ai cứ kêu lên: 'Lạy Chúa, lạy Chúa' là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, kẻ ấy mới được vào mà thôi" (Mt 7, 21 ). Ngài cũng đã dạy rằng Thiên Chúa chỉ tính sổ với ta về những hành động yêu thương, bác ái mà ta đã làm hoặc đã không làm cho những người anh em của ta (x. Mt 25).
Xin cho điều Chúa dạy, "hãy đi và làm như vậy" được mỗi người chúng ta ghi tâm khắc cốt và nỗ lực đem ra thực hành, để ta "được sự sống đời đời", sự sống mà Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai biết lắng nghe và thực thi vuông tròn các huấn lệnh của Ngài. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH (17/05/2025) .: TÌNH YÊU ĐIỀU RĂN MỚI (17/05/2025) .: LỜI TRĂN TRỐI YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG (17/05/2025) .: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU (17/05/2025) .: AI YÊU THƯƠNG ĐỀU LÀ KITÔ HỮU (17/05/2025) .: TÔI LÀ MÔN ĐỆ CỦA ÁI? (17/05/2025) .: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA (17/05/2025) .: YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU (17/05/2025) .: GIỚI RĂN MỚI (17/05/2025) .: HÃY YÊU NHƯ LÒNG DẠ THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA (17/05/2025) .: CÁC CON HÃY THƯƠNG YÊU NHAU (17/05/2025) .: PHỤC VỤ NHIỀU HƠN VÀ ÍT XÉT ĐOÁN HƠN (17/05/2025) .: ĐIỀU MÀ YÊU THƯƠNG LÀM ĐƯỢC (17/05/2025) .: QUA YÊU THƯƠNG, MỌI SỰ TRỞ NÊN MỚI (17/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam