Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1377037

YÊU THƯƠNG LÀ TRUYỀN GIÁO

Yêu thương là truyền giáo

(Suy niệm của Lm JB. Nguyễn Minh Hùng)

"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Có bao giờ bạn tự hỏi xem, vì sao Chúa lại dạy phải yêu Chúa và yêu người? Lấy ví dụ: bạn có con đi học. Khi thấy nó lười học, thì nói với nó: "Con học bài đi, con phãi siêng học". Sở dĩ bạn bảo con mình chịu khó học là vì nó chưa chăm học. Chúa dạy loài người phải yêu Chúa yêu người vì loài người chưa yêu Chúa và cũng chưa yêu người. Hoặc chưa yêu một cách trọn vẹn như Chúa muốn. Yêu như Chúa muốn đó là: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khốn. Và yêu kẻ khác như yêu chính mình".

Yêu Chúa là phải yêu bằng cả tấm lòng, cả linh hồn, cả trí khôn. Tấm lòng, linh hồn, trí khôn là thành phần trọng yếu nhất của con người. Nếu thiếu tấm lòng, nghĩa là thiếu trái tim, con người chỉ là một cái xác. Nếu không có linh hồn, không phải là người nữa. Nếu thiếu trí khôn, dù mang hình dáng con người, người đó cũng trở nên ngu đần. Yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng, cả linh hồn và trí khôn, yêu bằng tất cả thành phần chủ yếu của một con người là yêu vô cùng, yêu không tính toán, yêu Chúa một cách mạnh mẽ. Nhưng chỉ có lòng mến Chúa thôi, chưa đủ. Lòng yêu mến Chúa đòi phải có một giới răn khác bổ túc. Đó là yêu người. Yêu người cũng quan trọng không kém giới răn yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu nói: "Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi". Yêu Chúa và yêu người luôn đi đôi với nhau. Nếu nói rằng yêu Chúa mà trong thực tế không yêu tha nhân, không giúp đỡ người khác, là nói dối.

Ngược lại, chính khi yêu thương và giúp đỡ người khác là bằng chứng chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa.

Tuần trước chúng ta cử hành ngày thế giới truyền giáo. Nhưng tôi nghĩ, sẽ không có truyền giáo đúng nghĩa nếu không biết yêu thương. Lòng yêu thương anh em là phương thế truyền giáo hữu hiệu, vì nhân loại luôn luôn cần đến tình yêu. Chính vì đặt tình yêu lên trên mọi chuẩn mực của một hành vi đạo đức nào đó, nên đạo Công giáo cũng là đạo của tình yêu. Không thể nói với ai, rao giảng cho ai về tình yêu mà bản thân ta không hề biết yêu thương. Đó là sự mâu thuẫn lớn mà ta phải trút bỏ đi. Nếu ta không biết yêu thương thì cũng không thể truyền giáo. Ngược lại, ta có một đời sống yêu thương thật sự, tử tế, vui vẻ với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, những việc làm tốt đó, tự bản thân nó đã chứng minh ta là người có đạo, đã là truyền giáo rồi.

Nhưng không thể lúc nào cũng có thể nói về Chúa được. Lấy ví dụ: một thầy cô giáo có đạo, đi dạy ở một trường học nào đó, chắc chắn thầy cô đó không thể vào lớp học để nói về đạo, về Chúa được. Nhưng điều mà người thầy hay cô đó có thể làm được là chứng minh đời sống đạo của mình như: vui vẻ với đồng nghiệp, yêu thương, độ lượng với học trò... Trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể làm được những chuyện rất bình thường như: lượm một cục đá trên đường bỏ vào một nơi nào đó để các em nhỏ đi không bị vấp, các cụ già không bị té. Hoặc là ta biết giữ vệ sinh chung, đừng ném mọi thứ rác rưởi ra đường, ở nơi công cộng... tất cả những việc làm đó đều là những việc làm cụ thể, ai cũng làm được.

Với tất cả những phương thế thực hành vừa đề nghị bên trên, không phải là thể hiện lòng yêu Chúa, yêu tha nhân hay sao? Đó cũng không là phương thế truyền giáo hay sao? tin rằng bạn và tôi đều luôn là những người cố gắng sống tốt, để người ngoài nhìn vào có thể nói rằng: anh hay chị ấy sống tốt vì họ là người Công giáo.

 

31. Điều răn nào trọng nhất?

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật)

Điên rồ hay là đơn giản

Sau nhóm Xađốc, đến nhóm Pharisêu đặt câu hỏi với Đức Giêsu cũng với ý định bắt bẻ Người. Trước câu hỏi được nêu lên như một cái bẫy, Đức Giêsu đã trả lời ngay, không cần suy nghĩ. Chỉ trong một câu ngắn, Đức Giêsu đã rút gọn toàn bộ lề luật, đổng thời cho thấy tinh thần cũng như nét phong phú của luật pháp.

Xưa kia, bộ luật Do-thái gồm những quy định phức tạp, chặt chẽ với 613 điều -368 điều cấm và 245 điều phải làm, nay được Đức Giêsu đơn giản hoá thành 2 điều, hay đúng hơn chỉ là một: "yêu mến Thiên Chúa và người thân cận." Qua việc nối kết lòng yêu mến Thiên Chúa với tình yêu thương đồng loại, Đức Giêsu đã tóm tắt toàn bộ Kinh Thánh, coi đó như giá trị luân lý nền tảng hay quy tắc của đời sống. Khi tuyên bố điều răn thứ hai cũng quan trọng như điều răn thứ nhất, Đức Giêsu muốn cho thấy rằng tình yêu thương đồng loại có giá trị ngang hàng với lòng yêu mến Thiên Chúa.

Thế là từ nay, những khoản luật phức tạp, những chi tiết khắt khe đã được đơn giản hoá và trở nên thật dễ dàng. Tất cả bộ luật được thu tóm lại trong hai điều răn có liên hệ với nhau cách chặt chẽ. Nói cách khác, toàn bộ các điều răn khác được đặt nền trên hai điều răn này như là những điều cơ bản không thể thiếu, đồng thời cũng hướng tới hai điều răn này như là mục đích sau cùng, như tiêu chuẩn phán đoán. Tất cả những khoản luật đi ngược với tinh thần của hai điều răn này đều trở thành vô giá trị.

Như vậy, Đức Giêsu mở rộng cánh cửa hướng đến sự công chính. Luật pháp chỉ là phương tiện và chỉ có được ý nghĩa khi nó diễn tả được điều cốt yếu là sự thánh thiện nội tâm, là đức tin sống động, là tình yêu nổng nàn thúc đẩy mọi hoạt động.

Thế nhưng, chính tóm tắt có vẻ đơn giản và dễ dàng này lại buộc những người theo Đức Kitô phải sống tích cực hơn và mỗi ngày một hơn. Người ta sẽ không chỉ tuân thủ những chi tiết luật pháp, nhưng là tình yêu mến. Mà lòng yêu mến không thể bị giới hạn ở một mức độ nào đó. Đức Giêsu không nói: "Hãy yêu mến Thiên Chúa và người thân cận bao nhiêu có thể", nhưng Người đã trích dẫn luật Mô-sê: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi."Tại sao Thiên Chúa lại đòi buộc con người phải yêu mến "hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn"? Bản tính con người vốn yếu đuối, giới hạn và hay thay đỗi: điều này Người quá biết. Tại sao Người lại yêu cầu con người phải vượt quá khả năng của mình?

Thật ra, nếu đứng trên quan điểm sự khôn ngoan loài người, thì Tin Mừng toàn là những đòi hỏi vô lý, điên rổ. Những ai mong muốn tìm thấy trong Tin Mừng những câu châm ngôn hợp lý và dễ dàng, người ấy sẽ thất vọng. Quan niệm loài người sao có thể chấp nhận nỗi "Bài giảng trên núi", trong đó người nghèo được đề cao, người hèn kém được vào Nước Thiên Chúa, còn những người được coi là đạo đức lại bị loại trừ? Lý luận của con người làm sao có thể hiểu nỗi câu nói: "Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ giữ lấy được". (Mt 10,39)? Và sau cùng, còn gì gây chướng kỳ hơn khi chứng kiến con người tự nhận là Đấng Cứu độ, Đấng ban sự sống, lại chịu treo trên thập giá? Toàn là những chuyện điên rồ!

Nên nhớ rằng, Kitô giáo không phải là một tôn giáo có thể lý luận được cách có hệ thống. Tinh thần Kitô giáo luôn hàm chứa một khả năng gây bất ngờ, và cả khó khăn nữa. Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo trong đó mọi sự được sắp xếp cách trật tự và hoàn hảo như một tài sản được quản lý tốt. Trái lại, Kitô giáo luôn là một sự hướng tới: hướng tới vô biên, tới Đấng mà "tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta."(Is 55,8). Đó là một sự điên rồ, điên rồ của tình yêu và đó cũng là tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và với đồng loại.

Từ "và" đến "trong"

Vào thời Đức Kitô và cả ngày nay nữa, vẫn có những trường phái tự cho rằng mình có quyền ưu tiên đưa ra giải thích đúng đắn về chân lý. Họ cho rằng quan niệm của mình là có lý còn của người khác thì sai lầm. Có lẽ con người ngày nay không cần quan tâm đến việc tìm hiểu những chi tiết trong các cuộc tranh luận của người Do-thái. Thế nhưng, khi suy niệm lời giải thích của Đức Giêsu, người ta sẽ thấy đòi hỏi luân lý được sáng tỏ và tìm ra được nét thống nhất cho mọi hoạt động và suy nghĩ của mình. Phải yêu mến Thiên Chúa "hay là" yêu mến người thân cận? Nên theo chủ trương chiều dọc "hay là" chiều ngang? Đó là những câu hỏi con người thời nay thường nêu lên. Với một số người, sự quan tâm đến những vấn đề cụ thể của con người có thể gây nguy hại cho lòng tin vào Thiên Chúa. Với những người khác, thời giờ dành cho Thiên Chúa có nguy cơ làm quên lãng người thân cận. Thật ra, ngày nay cũng như ngày xưa, Đức Giêsu luôn mời gọi và bó buộc phải vượt ra khỏi những song quan luận theo kiểu này. Chúng chỉ là những thứ mặt nạ che dấu thái độ từ khước cũng như những nỗi sợ hãi của con người. Trả lời cho nhà thông luật về điều răn trọng nhất, Đức Giêsu đã khẳng định đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Tuy vậy, Người còn đưa ra, hay đúng hơn, còn nối kết tình yêu thương đồng loại với lòng yêu mến Thiên Chúa, "cũng giống điều răn ấy".

Điều răn thứ hai này "cũng giống" điều răn thứ nhất, tức là cả hai đều quan trọng. Nói cách khác, điều răn thứ hai có bản chất và tầm quan trọng cũng "lớn" như điều răn thứ nhất. Dầu vậy, giống nhau chứ không phải là đồng nhất: hai việc đó vẫn khác nhau và có thứ tự trước sau, không thể đổi qua đổi lại với nhau như thể yêu đồng loại cũng là yêu mến Thiên Chúa, và yêu mến Thiên Chúa tức là yêu mến đồng loại: Thiên Chúa luôn ở phía chân trời và luôn mời gọi con người tiến xa hơn; đồng loại là thực tại gần gũi với những giới hạn cụ thể. Giáo huấn của Đức Giêsu có ý nhấn mạnh rằng yêu mến đồng loại cũng có tính cách khẩn thiết như là yêu mến Thiên Chúa, và không được xao lãng nhiệm vụ nào.

Do đó, không có vấn đề bên này hay bên kia. Không được quyền nói "hay là", nhưng phải nói "và". Một cách chính xác hơn: chỉ có thái độ mở ra với Thiên Chúa mới dẫn đến tình yêu thương đồng loại cách đích thực; và chỉ có thái độ sẵn sàng với người khác mới cho phép con người nói rằng mình yêu mến Thiên Chúa mà không dối trá. Sau đó, "và" sẽ biến thành "trong": con người yêu mến Thiên Chúa "trong" người thân cận, và yêu mến người thân cận "trong" Thiên Chúa. Huyền nhiệm và con người hành động không phải là kẻ thù của nhau, nhưng là anh em của nhau.

Bài học phải thuộc lòng

Bài Tin Mừng này con đã thuộc lòng con biết rất rõ điều răn phải yêu mến Thiên Chúa và người thân cận bắt nguồn từ một tâm tình duy nhất. Thế nhưng, hình như bản Tin Mừng chỉ là một thứ kỷ niệm, tựa những câu chuyện cổ tích thời thơ ấu, như một điều không có thực. Làm sao con có thể yêu nỗi mình và cả người khác đang vắng mặt?

Không, con chỉ mới thuộc mặt chữ, con quên rằng chính Thầy đang thì thầm trong hồn con, và đang thúc đẩy con ra khỏi mình. Con đã quên rằng lề luật không phải là nhà tù, cũng không phải là một sự sắp xếp. Trái lại, đó là một lời mời gọi hướng tới tình yêu, đó là lời kêu mời hãy nhận ra rằng: bàn tay con được dựng nên để nắm lấy, và trái tim con được dựng nên để thứ tha. Lắng nghe lời Thầy, con sẽ không cảm thấy gì khác hơn là con đang mang trong mình một khát vọng vô biên. Con nghĩ rằng mình thuộc lòng bài Tin Mừng, nhưng con đã không hiểu thấu Thầy là ai, cũng chẳng hiểu rõ các điều răn. Thầy là tình yêu, và con đã quên mất - Thầy đã đến gặp con để con được sinh ra, và cũng trở thành tình yêu. Thầy biết rõ con không hiểu về chính con, cũng không hiểu về người khác, về Thiên Chúa. Chính vì vậy, Thầy đã đến trần gian. Hãy đến và sống theo Thầy bấy giờ con sẽ thuộc và hiểu rõ về Tin Mừng.

 

32. Hàng ngàn giới răn?

Một lần nữa những người Pharisêu muốn giăng bẫy Chúa Giêsu, kiểm tra giáo lý của Ngài, dồn Ngài vào chân tường, dẫn Ngài vào trong sự rắc rối của hàng ngàn luật lệ. Người ta sắp thấy điều Ngài biết, sắp thấy Ngài có dạy dỗ tốt điều cần phải dạy dỗ hay không.

Chúa Giêsu thoát ra khỏi cái bẫy với một sự tự do, một sự trong sáng và một sức mạnh sáng tạo làm cho những người Pharisêu không nói được một lời nào. Ngài trích dẫn hai câu cổ điển: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa... Ngươi phải yêu thương anh em ngươi...”. Đây là câu trả lời đơn giản của học trò giỏi, nhưng Ngài rút ra từ đó hai điều mới lạ.

Điều thứ nhất, Ngài đưa hai điều luật tới gần nhau bằng cách cho hai điều luật đó có tầm quan trọng như nhau. Kể từ giây phút này tình yêu thương anh em được nâng lên gần với tình yêu thương Thiên Chúa và sẽ không rời ra nữa.

Điều thứ hai, Ngài làm cho viên ngọc duy nhất nay sáng lên bằng cách để cho nó ngự trị trên toàn bộ những điều chúng ta nghĩ và làm: tất cả đều tuỳ thuộc vào tình yêu. Việc kể ra nhiều những điều phải làm hoặc không được làm, làm phát sinh hàng ngàn câu trả lời cho một câu hỏi: tôi có thể yêu thương như thế nào?

Chúa Giêsu nói tất cả những gì chứa đựng trong Kinh Thánh, lề luật và các tiên tri, và do đó tất cả những gì Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta, phát xuất từ hai điều răn gắn với nhau này. Những người chẻ sợi tóc làm tư đã hỏi Ngài nay bị buộc quay về điều cốt lõi: “Hãy yêu thương”.

Chúng ta cũng thế, chúng ta cảm thấy rằng tuân giữ hoàn toàn hai giới răn lớn này là một cách thức triệt để, nhưng có tính cách bó buộc đến nỗi chúng ta thích đi quanh co ở giữa hàng ngàn điều qui định. Đàng khác, những qui định này là cần thiết, “yêu thương” thì quá mơ hồ, phải hun đúc yêu thương bằng những bó buộc khác nhau. Tôi phải biết rằng tôi thật sự yêu mến Thiên Chúa và anh em của tôi nếu tôi làm điều này điều kia.

Nhưng thế rồi nổi lên một nguy cơ muôn đời: làm mất tác dụng sự bó buộc yêu thương bằng việc cứ nhắm mắt tuân thủ bó buộc đó. Với ít nhiều ý thức chúng ta lý luận theo cách này: nếu tôi làm tất cả những gì được yêu cầu thì đã yêu thương rồi đó. Không đâu. Điều đó chưa đúng, bởi vì điểm xuất phát thì xấu. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng tất cả trước tiên tùy thuộc vào dự kiến triệt để đó là yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ bắt đầu bằng hàng ngàn điều phải làm nhưng là bằng xác tín mà tất cả đều tuỳ thuộc vào đó: tôi phải yêu thương.

Theo Tin Mừng, bí mật của cuộc sống là: trước hết phải thực hành yêu thương điều gì đó một cách hoàn toàn vô điều kiện. Thế rồi ý thức muốn yêu thương này sẽ dần dần hóa thân vào trong tất cả các biến cố, các cuộc gặp gỡ và các sự tuân phục –nhưng không đắm chìm vào trong đó. Sẽ là bất hạnh nếu lại rơi vào trong sự âu lo và sự nô lệ hàng ngàn giới răn, sau khi đã nhận được từ Chúa điều răn ngắn nhất và tự do nhất trong số các điều răn của cuộc sống: Tôi có yêu thương hay không?

home Mục lục Lưu trữ