Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1376924

YÊU THƯƠNG NHAU - KIẾN TẠO THẾ GIỚI MỚI

YÊU THƯƠNG NHAU - KIẾN TẠO THẾ GIỚI MỚI

(Suy niệm của Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng)

Tin mừng Ga 13: 31-35 Đã đến giờ Người được tôn vinh là giờ mà Người biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, giờ Người bước vào cuộc thương khó, hiến tế chính mình để cứu độ nhân loại.

Trong Diễn từ Tiệc ly Thánh Gioan ghi lại cho chúng ta việc Đức Kitô mạc khải cho các môn đệ biết điều giải thích cho tất cả cuộc sống của Người: Người đến để biểu lộ cho con người tình yêu của Thiên Chúa. Đã đến giờ Người được tôn vinh là giờ mà Người biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại, giờ Người bước vào cuộc thương khó, hiến tế chính mình để cứu độ nhân loại. Người đã chết vì yêu thương nhân loại. Người cũng muốn mọi môn đệ cũng phải yêu như người.

I. TÌM HIỂU LỜI CHÚA: Ga 13, 31-35

Trong diễn từ biệt ly, vào tối Thứ năm Tuần thánh, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cách mạnh mẽ: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em, đó là dấu chỉ để người ta nhận biết ai là môn đệ của Người.

a. Sau khi Giuđa rời khỏi phòng ăn có lẽ sau lúc rửa chân và trước khi thiết lập Bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu nói bây giờ là lúc Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. Giờ này là giờ mà Thiên Chúa đã ấn định, giờ mà vì đó Người đến thế gian, không ai có quyền cho xảy ra sớm hơn hay trễ hơn. Đây là giờ Thiên Chúa thực hiện cuộc thương khó của Người để tiêu diệt Satan và sự chết. Đó cũng là vinh quang của Người và là vinh quang của Thiên Chúa.

b. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho các ông biết ý định của Người là ban cho các ông một điều răn mới: Hãy yêu nhau như Người đã yêu thương các ông. Tính chất mới mẻ ở đây được thể hiện trong cách thức yêu thương giữa con người với nhau là yêu như Người đã yêu. Lấy tình yêu của Người làm chuẩn mực, làm gương mẫu để thực hiện. Khác với điều răn yêu thương được Thiên Chúa trao ban thời Cựu ước: hãy yêu thương tha nhân như chính mình.

c. Sự mới mẻ của điều răn này còn được thể hiện ở chỗ tình yêu chính là dấu chỉ để người khác nhận ra ai là môn đệ của Chúa Giêsu. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của thầy là các con yêu thương nhau.

II. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Tình yêu là căn tính Kitô hữu: Được tạo dựng và được cứu độ trong tình yêu của Thiên Chúa, lại được mời gọi sống điều răn yêu thương, cho nên có thể nói được rằng yêu thương là căn tính, là bản chất của Kitô hữu. Điều này đòi buộc mỗi người luôn phải xét mình xem đã sống và thực thi tình yêu như thế nào. Tình yêu của Kitô hữu không hệ tại ở những cảm xúc tự nhiên, nhưng đó là sự tiếp nối tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu siêu nhiên vượt trên hẳn những cảm xúc tự nhiên. Tình yêu ấy luôn mang lại một khả năng biết mở rộng con tim và vòng tay để đến với mọi đối tượng ngay cả với kẻ thù của mình. Yêu vì nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa nơi chính tha nhân. Yêu vì họ cùng là con cái Chúa như mình, cùng là anh chị em với mình trong gia đình Thiên Chúa. Yêu vì cùng là chi thể của Chúa Giêsu Kitô.

Căn tính tình yêu làm nên nhân cách, làm nên cuộc đời Kitô hữu. Không yêu thương thì không còn là Kitô hữu. Càng biết yêu, dám yêu, yêu không loại trừ là càng trở nên Kitô hữu chính danh.

2. Yêu như Chúa Giêsu yêu: Tình yêu của Chúa Giêsu thể hiện rất phong phú vì cả cuộc đời của Người là cả một trời yêu thương: yêu đến độ hy sinh quên mình, chết cho người mình yêu. Một khi đã yêu là yêu đến cùng, yêu vô vị lợi. Tình yêu của Người là tình yêu nảy sinh sự sống và điều thiện hảo cho toàn thể nhân loại. Vì thế, yêu như Người đã yêu thật là khó thực hiện đối với bản tính giới hạn, yếu đuối, mỏng dòn của thân phận con người. Mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường, mỗi con người đều có thể noi gương và sống tình yêu Chúa Giêsu cách khác nhau. Tuy nhiên, chiêm ngưỡng tình yêu của Chúa Giêsu chúng ta dễ dàng nhận ra hai đặc tính của một tình yêu chân thành mà mọi người đều có thể thực hiện được. Đó là, hy sinh cho người mình yêu và gần gũi với người mình yêu. Hy sinh đến độ chết cho người mình yêu. Càng hy sinh càng chứng tỏ tình yêu. Càng hy sinh càng cảm nhận hạnh phúc cho mình và càng mang lại hạnh phúc cho người yêu. Khi yêu nhau người ta luôn muốn gần gũi với nhau, gắn bó với nhau. Sự gần gũi gắn bó mật thiết đi vào tận sâu thẳm lòng người, để rồi luôn nhớ về nhau, luôn quan tâm đến nhau và luôn cầu nguyện cũng như ước mong những điều tốt đẹp cho nhau. Chúa Giêsu vì yêu chúng ta, Người đã đến làm người ở giữa nhân loại. Vì yêu mà Người đã trở nên lương thực để đi vào từng con người, để kết hợp mọi người nên một với Người. Không còn có sự gần gũi nào sâu xa, bền chặt hơn thế nữa. Người yêu và chính mình được trở nên một.

Yêu như Chúa yêu đòi mỗi người chúng ta phải biết hy sinh và sống gần gũi, quan tâm đến những nhu cầu, những hoàn cảnh của những người chung quanh. Ngày nay, tình yêu của chúng ta, những Kitô hữu như thế nào? Có phải chỉ là những cảm xúc tự nhiên?

3. Tình yêu là dấu chỉ của niềm tin:

Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em yêu thương nhau. Tình yêu thương hiệp nhất mọi người trong Hội thánh là dấu chỉ loan báo Tin mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Mọi người cố gắng xây dựng sự yêu thương, hiệp nhất trong Hội thánh qua việc cộng tác vào các công việc của Hội thánh, cụ thể là tích cực tham gia các hội đoàn, các công việc giáo xứ, xây dựng giáo xứ mỗi ngày một hiệp nhất hơn. Chúng ta cố gắng xây dựng gia đình mình thành cộng đoàn yêu thương, hạnh phúc. Yêu hy sinh như Người đã yêu; yêu thủy chung như Người đã thủy chung gắn bó nên một với Giáo hội. Làm sao có thể nói cho người khác biết về Thiên Chúa là tình yêu nếu như lòng chúng ta còn hận thù, đố kỵ và ganh ghét. Làm sao nói cho mọi người biết Chúa Giêsu yêu thương đến độ hy sinh chết để cho nhân loại được sống và sống dồi dào nếu người ta chỉ thấy nơi đời sống Kitô hữu sự ích kỷ, thủ lợi và khép kín.

Một thế giới chiến tranh và hận thù, đầy bạo lực và khủng bố trong đó lòng tham, tính ích kỷ ngự trị, chỉ biết đến quyền lợi cá nhân, vật chất hẹp hòi đang biến con người trở nên lạnh lùng chai cứng với nhau, thì Kitô hữu phải làm sáng lên mạnh mẽ ngọn lửa mến của Chúa Giêsu Kitô. Đời sống của Kitô hữu phải vang lên niềm tin của mình.

III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Mở đầu: Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã đến để biểu lộ trọn vẹn tình yêu cứu độ của Người. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

1. Ngày nay, Chúa Giêsu Kitô vẫn không ngừng trao ban tình yêu của Người cho nhân thế qua chính Giáo hội, Nhiệm thể của Người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo hội luôn trở nên nơi cưu mang, nơi mang lại tình yêu thương, hạnh phúc và sự sống cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong thế giới.

2. Ngày nay, vì sự thờ ơ, vì lòng tham, vì tính ích kỷ của con người mà biết bao anh chị em đang lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, cùng khốn trong đáy vực của xã hội. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những anh chị em đau khổ, bất hạnh, nghèo đói tìm được tấm lòng bác ái yêu thương quảng đại của nhiều người chung quanh.

3. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết đón nhận tình yêu của Thiên Chúa để biết cảm thông với người nghèo khổ; biết tha thứ dịu dàng với những kẻ nghịch thù; biết quảng đại hy sinh vì anh chị em.

Lời kết: Lạy Thiên Chúa là tình yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con vô cùng. Xin ban Thánh Thần tình yêu của Chúa cho chúng con, để chúng con biết đáp trả tình yêu Chúa bằng chính tình yêu của mình dành cho tha nhân. Xin cho chúng con biết yêu mà không hề tính toán; biết cho đi mà không mong báo đền; biết quảng đại thứ tha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

 

26.Hãy yêu thương nhau

(Suy niệm của Lm. Alfonso)

Tin mừng Ga 13: 31-35  Đoạn văn Tin mừng hôm nay được xem là một trong những lời tâm tình nhất của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, vì nó nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp chia tay các môn đệ yêu dấu.

Suy niệm

Đoạn văn Tin mừng hôm nay được xem là một trong những lời tâm tình nhất của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, vì nó nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu sắp chia tay các môn đệ yêu dấu. Có thể nói những tâm tình của người sắp rời xa dành cho người ở lại lúc này đây là những tâm tình căn cốt nhất, tâm huyết nhất, và là lời nhắn nhủ đầy tha thiết.

Chúa Giêsu cho biết Chúa Cha làm hiển danh Con của Ngài khi Người Con được giương lên cao trên Thánh giá. “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”. Chúa Giêsu xác tín rằng vì mang cả nhân tính lẫn thiên tính, cương vị của Con Người Giêsu được tôn vinh nơi cuộc khổ nạn và và đỉnh điểm nơi phục sinh là dấu chỉ Người chiến thắng tội lỗi và sự chết cách vinh hiển. Chính Người là hiện thân của “Thiên Chúa ở với loài người”, như Bài đọc II trích sách Khải Huyền cho biết: “Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ”. Giờ đây bắt đầu một sự mới mẻ và hoàn thiện của việc thực thi “giới răn mới”. Chúa Giêsu, Đấng không đến để bãi bỏ điều luật nhưng để kiện toàn. Việc Người kiện toàn tình yêu của giới răn cũ là “mến Chúa yêu người” giờ đây được đòi hỏi thêm nở tình bác ái huynh đệ: “Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau". Yêu tha nhân như chính mình chưa đủ, còn phải yêu tha nhân như gương Chúa Giêsu Kitô đã yêu.

Sở dĩ Chúa Giêsu có thể yêu như thế vì Người mô phỏng theo tình yêu Chúa Cha dành cho loài người cũng đến cùng đến nỗi sẵn sàng trao ban Con Một. Thiên Chúa còn yêu thương con người ngay lúc con người còn là tội nhân, Ngài biết tại sao họ lại hành xử và phản ứng như vậy, nên Ngài thông cảm và tha thứ với những yếu đuối của con người. Qua đó Chúa mong muốn chúng ta tập theo cách hành xử như Chúa, con tim như Chúa, bao dung nhân hậu như Chúa, có cái nhìn như Chúa. Đó là tình yêu ân cần, tận tâm, vô vụ lợi, sẵn sàng hiến mình.

Trong thế giới ích kỷ và người ta dửng dưng với nhau, ham mê tiền bạc, bóc lột người nghèo, Kitô hữu càng cần thể hiện cách cụ thể tình yêu đó để người chung quanh nhận ra người Kitô hữu là môn đệ đích thật của Chúa Kitô. Thù hận, tìm cách trả thù chỉ làm cho con người khổ sở bất hạnh. Ngay cả khi người ta xúc phạm đến mình, nếu mình tha thứ, mình sẽ sống an bình và hạnh phúc hơn.

Ngày 23.03.2019, ĐHY Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ phong thánh đã chủ sự Lễ phong chân phước cho Mariano Mullerat Soldevila, một bác sĩ có lòng bác ái, thương yêu giúp đỡ người nghèo. Với đức tin mạnh mẽ, bác sĩ bênh vực Giáo hội trong thời chiến tranh bách hại. Đến phút cuối, bác sĩ vẫn chăm sóc cho người làm hại đến mình.

Mullerat theo học ngành y tại đại học Barcellona và tốt nghiệp 7 năm sau đó, năm 1921, khi 24 tuổi. Một năm sau, anh kết hôn và bắt đầu đi đến các thành phố lân cận để chữa trị miễn phí cho những người nghèo. Anh an ủi khuyến khích những người nằm liệt giường và những người bệnh nặng siêng năng lãnh nhận các bí tích và lo liệu để những người này có thức ăn cũng như thuốc thang đầy đủ.

Năm 1931, cách mạng  lan rộng khắp cả nước, Cộng hòa Tây Ban Nha lên nắm quyền, cùng lúc vua Alphongso XIII bị đi lưu đày. Một số người gần gũi thân cận với bác sĩ Mullerat đã đề nghị ông rời Tây Ban Nha, nhưng ông từ chối. Người ta cũng đề nghị ông chạy đến ẩn náu ở Zaragoza, nơi ông sẽ được an toàn, nhưng một lần nữa ông không muốn làm thế. Ông tin rằng mình phải hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ người nghèo. Tràn đầy niềm tin và không sợ phải đối mặt với nguy hiểm, vẫn quyết ở lại nơi đó.

Và rồi không lâu sau đó, những người lính đã đến nhà bác sĩ và bắt anh đưa đi. Một phụ nữ có đứa con bị bệnh đã bước ra giữa đường và chặn chiếc xe tải dừng lại, và hỏi xem bác sĩ Mullerat có thể giúp con của bà không. Những quân lính đã cho bác sĩ khám bệnh cho đứa bé và kê đơn thuốc. Kế đó, bác sĩ Mullerat cũng nhận thấy rằng một trong những người lính dân quân đang bị một vết thương, ông liền hỏi xem mình có thể kiểm tra vết thương cho anh ta không. Người lính chỉ cho ông thấy một vết cắt sâu ở chân, và bác sĩ đã băng bó cho anh ta và chỉ cho anh ta cách chăm sóc vết thương. Sứ mệnh bác sĩ của ông đã là phúc lợi cuối cùng cho một trong những kẻ tra tấn bắt bớ ông.

Trong bài giảng Thánh lễ phong chân phước, ĐHY Becciu nhận định: “Chân phước tử đạo Mullerat không chỉ là một anh hùng, còn thúc giục chúng ta trở nên đồng hình trọn vẹn hơn với Chúa Kitô, khi tìm thấy nơi Người suối nguồn của sự hiệp thông Giáo hội đích thực, để chúng ta có thể làm chứng tá cho xã hội ngày nay về tình yêu và sự dấn thân của chúng ta với Chúa và với anh em của chúng ta. Bằng gương sáng và lời chuyển cầu của mình, vị chân phước giúp chúng ta không để mình bị sự chán nản và trì trệ thống trị”.

Hành động yêu thương đến cùng là cung cách hành xử của Thiên Chúa, và “căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”. Chính khi yêu thương nhau như Chúa làm con người được hạnh phúc thật sự, và Thiên đàng là nơi người ta yêu thương, sống hạnh phúc vì quan tâm đến nhau. Vậy, lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra không có con đường nào khác dẫn tới Thiên đàng ngoài con đường yêu thương. Khi chúng con yêu như Chúa Giêsu yêu là chúng con đang được trở nên thần hóa, đang bắt chước Thiên Chúa và dần trở nên thánh vì Thiên Chúa là Đấng Thánh. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ